Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thâm Tâm là thiện tâm của Bồ-tát »»
Thâm tâm là cái tâm thứ hai của Bồ-đề tâm mà Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh nó đến sau chí thành tâm. Kinh Vô Lượng Thọ diễn tả thâm tâm của Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc là: “Chí xả như không, siêng tu cầu đạo đức”. Thâm tâm là tâm thanh tịnh tối thiện, cũng có thể nói là cái tâm chuộng thiện, ưa đức tột bậc. Nói cách khác, một khi thiện đức đạt tới mức tột bậc thì tâm bèn là thanh tịnh tối thiện. Vì thế, thâm tâm thanh tịnh chính là đại đức và cũng là Tịnh độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, những người sanh đến cõi nước của Ngài cũng chỉ là do chí đồng đạo hợp với Ngài. Nếu không chí đồng đạo hợp, nhất định sẽ không thể cùng nhau tụ tập lại thành một loại. Đức Phật giảng về Lục đạo, nhưng Lục đạo chẳng do Đức Phật tạo ra, cũng chẳng do thượng đế, thần tiên sáng tạo. Ai tạo ra Lục đạo? Chính mình và những người chí đồng đạo hợp với mình cùng nhau tạo ra Lục đạo và cùng đi vào con đường ấy.
Khổng Lão Phu Tử nói: “Người có những tính cách đặc điểm giống nhau sẽ tụ thành nhóm, loài vật sống theo bầy”. Những người chí đồng đạo hợp sẽ tự nhiên gặp nhau, tụ tập lại thành từng loại một, cùng nhau đi vào một đường nào đó, sanh vào địa ngục hay cõi Cực Lạc đều quy theo cùng một đạo lý này. Tâm tham đi vào ngạ quỷ đạo. Tâm sân khuể đi vào địa ngục đạo. Tâm ngu si đi vào súc sanh đạo. Tu ngũ giới thập thiện đi vào trong cõi nhân gian hay cõi trời. Do vậy có thể biết, chẳng phải chỉ riêng mình Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mà ngay cả Lục đạo luân hồi cũng là sự hiển hiện của tiêu chuẩn đức hạnh. Đức hạnh của mình như thế nào thì tự mình đi vào con đường ấy, chẳng ai có thể đẩy ta vào con đường ấy được. Cùng một đạo lý này, A Di Đà Phật cũng chẳng thể đẩy chúng ta vào cõi nước Cực Lạc nếu chúng ta chẳng chí đồng đạo hợp với A Di Đà Phật và chư Bồ-tát trong cõi ấy. Nói cách khác, con đường ấy phải do chính mình tự chọn lựa và tự mình đi vào. Đạo lý này đúng là thiên kinh địa nghĩa, là chân lý bất di bất dịch vậy!
Trong phẩm Thọ Lạc Vô Cực, Đức Phật nói: “Ðạo thù thắng vô biên, dễ đến mà không người, nước đó không nghịch cảnh, tự nhiên dắt dẫn theo, chí xả như hư không, siêng tu cầu đạo đức”. Đức Phật dạy, nếu muốn sanh về cõi Cực Lạc, thì phải dùng cái tâm chí đồng đạo hợp với A Di Đà Phật và chư Bồ-tát nơi cõi ấy để niệm Phật, nguyện sanh về nước ấy. Tâm chí đồng đạo hợp ấy là gì? Đại kinh này đã nói rõ, đó là cái tâm “chí xả như hư không, siêng tu cầu đạo đức.” “Chí xả như hư không” là gìn giữ tâm thanh tịnh đến mức tột bậc. “Siêng tu cầu đạo đức” là chuộng thiện, ưa đức đến tột bậc. Như vậy, “chí xả như hư không, siêng tu cầu đạo đức” chính là thâm tâm được nói trong Quán kinh, là tướng phần của Bồ-đề tâm. Nếu chúng ta dùng cái tâm ấy để hồi hướng, nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà, tự nhiên sẽ có ngày tụ lập lại với Phật và chư Bồ-tát nơi cõi ấy. Vì sao? Vì cõi ấy không có nghịch cảnh, rất dễ đến, chỉ cần gìn giữ tâm mình thanh tịnh, chuộng thiện ưa đức, lại có lòng mong muốn sanh về cõi ấy, thì sẽ tự nhiên tụ họp về đó. Lời giáo huấn này của Phật khiến chúng ta tự hỏi: Hiện nay, ta đang hành Lục độ hay Lục đạo? Nếu hành Lục độ thì sẽ có ngày tụ tập lại thành một nhóm với chư Đại Bồ-tát, còn nếu như hành Lục đạo thì sẽ tụ tập lại thành một nhóm với Lục đạo chúng sanh. Đây chỉ là lẽ tự nhiên mà thôi!
Chúng ta phải biết, mỗi một loại chúng sanh trong Lục đạo lại được chia ra thành vô lượng vô biên loại nhỏ. Bị đọa vào địa ngục cũng có giai cấp phẩm vị của người địa ngục, chớ chẳng phải vào đó được xếp ngang hàng với vua Diêm-La hay Quỷ Sai. Người có tiêu chuẩn đạo đức cõi trời, tự nhiên sanh về cõi trời. Người tin Chúa Giê Su mà đức hạnh chẳng giống Chúa Giê Su, thì chẳng thể sanh lên Thiên Đàn được. Do đó, sanh lên trời không nhất định là phải tin vào Thượng Đế mới được sanh lên trời, muốn lên Thiên Đàn của Đức Chúa Trời thì phải tu theo đức hạnh của Chúa Giê Su mới được sanh lên Thiên Đàn. Cũng giống như vậy, ai muốn sanh lên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, nhất định phải tu theo đức hạnh của A Di Đà Phật, mới có thể tụ tập về đó. Đức hạnh của A Di Đà Phật là gì? Là Phổ Hiền Hạnh! A Di Đà Phật lúc còn là một vị Tỳ-kheo Pháp Tạng, Ngài tu Phổ Hiền hạnh. Hết thảy Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc do tu Phổ Hiền hạnh mà được sanh về cõi Cực Lạc. Nay, chúng ta cũng tu Phổ Hiền hạnh, thì trong tương lai sẽ được tụ tập về cùng một nơi với các Ngài. Đây là đạo lý tự nhiên, là đạo lý xứng Tánh mà Đại kinh này gọi là “đạo thù thắng vô biên”.
Hiện tại, chúng ta đang sống ở trong cõi nhân gian, những người thích tụng kinh, niệm Phật hễ có dịp, bèn rủ nhau đến tự viện, đạo tràng để cùng nhau tụng niệm. Những kẻ thích ăn nhậu, bài bạc, ca múa chắc chắn sẽ không thích đến đấy, họ nhất định sẽ đến quán nhậu, sòng bạc hay vũ trường. Chúng ta thấy trong vũ trụ, muôn vật tụ tập theo từng loại từng nhóm. Những người có cùng sở thích, có cùng tính cách, tùy theo mức độ sâu hay cạn khác nhau bèn tụ tập lại với nhau ở chung một chỗ thích hợp với tâm của họ. Như vậy, nếu muốn vãng sanh Cực Lạc, cùng tụ tập lại với A Di Đà Phật và chư Bồ-tát, thì chính mình phải có tiêu chuẩn đạo đức tương tự như người trong cõi ấy. Tiêu chuẩn đạo đức đó là gì? Là thanh tịnh tối thiện như kinh nói: “Chí xả như hư không, siêng tu cầu đạo đức.”
Kinh Vô Lượng Thọ nói về muôn vạn hạnh lành, trong đó có Ngũ giới, Thập Thiện, Tứ Nghiếp pháp, Thất Giác Chi, Bát Thánh đạo, Lục độ Ba-la-mật cho đến Niệm Phật, tất cả các hạnh lành ấy đều xứng Tánh, đều là hạnh của Bồ-tát tu Tịnh độ. Phật pháp dạy ra những phương pháp tu hành không những nhằm giúp khôi phục tâm thanh tịnh mà thành tựu Tịnh độ của chính mình. Vì sao ? Vì tâm tịnh thì cõi nước tịnh! Nay chúng ta dùng pháp môn Niệm Phật “Phát Bồ-đề tâm, một mực chuyên niệm A Di Đà Phật” nhằm được nhất tâm bật loạn, tương ứng với Di Đà Tịnh độ, tất nhiên sẽ có lúc tụ tập lại cùng một nơi với A Di Đà Phật. Điều này cũng chỉ là lẽ tự nhiên, rất dễ hiểu! Mặc dù chúng ta hiện thời đang sống trong cõi nhân gian, nhưng trong thâm tâm luôn nhớ niệm A Di Đà Phật, luôn nghĩ nhớ đến các hạnh tốt lành, các thứ công đức trang nghiêm của A Di Đà Phật, thì trong tương lai sẽ có cái quả báo là trong ao bảu báu bên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, bèn có một đóa hoa sen xuất hiện. Hoa sen trong ao thất bảo ấy từ đâu mà xuất hiện? Hoa sen ấy từ trong Pháp tánh của chính mình biến hiện ra, chớ nào phải từ ở bên ngoài.
Phẩm Sen Báu Phật Quang bắt đầu bằng câu “Lại hoa sen báu đầy khắp thế giới”. Vì sao kinh chẳng nói hoa sen báu đầy khắp cõi Cực Lạc mà lại nói là đầy khắp thế giới? Bởi lẽ hoa sen ấy biến hiện ra từ trong thâm tâm của hết thảy chúng sanh niệm Phật trong khắp thế giới mười phương, chớ chẳng phải chỉ hạn cuộc Bồ-tát trong cõi Cực Lạc. Nói sâu xa hơn, Tịnh Độ Tây Phương không chỉ là cõi Pháp tánh của A Di Đà Phật, mà còn là cõi Pháp tánh của hết thảy chúng sanh niệm Phật trong khắp mười phương thế giới. Mỗi một chúng sanh niệm Phật là một đóa hoa sen kỳ diệu góp phần công đức trang nghiêm cõi Tịnh độ thù thắng của Phật A Di Đà, nên kinh mới nói: “Hoa sen báu đầy khắp thế giới”. Nói cách khác, Pháp giới Tạng thân A Di Đà Phật không phải chỉ là pháp giới của riêng mình A Di Đà Phật, mà còn là pháp giới của tất cả những người niệm Phật với tâm thanh tịnh tối thiện, tương ứng với tâm của Phật A Di Đà. Thật thà mà nói, nếu pháp giới ấy chẳng phải là cõi Pháp tánh của chính mình, thì chính mình cũng chẳng có cách nào đến đó được. Vì sao? Kinh Hoa Nghiêm bảo: “Cảnh chuyển theo tâm”. Tâm địa thanh thanh tịnh tối thiện, thì cảnh giới Cực Lạc tối thiện bèn hiện ra trước mặt. Đây thật là một đạo lý thiên kinh địa nghĩa mà Đại kinh này gọi là “đạo thù thắng vô biên”.
Trong kinh Vô Lượng Thọ có những câu như: “Lưới báu giăng bủa, linh báu treo khắp, lạ lùng trân quý, trang hoàng khắp khắp”, “hoa sen báu đầy khắp thế giới”, “chúng sanh nước đó, sức công đức lành, trụ chỗ hành nghiệp, cùng thần lực Phật, cho nên như vậy”. Những câu nói như vậy đều mang cùng một ý nghĩa: Nơi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, y báo chuyển theo chánh báo là do cộng nghiệp của A Di Đà Phật và người niệm Phật vãng sanh mà thành tựu. Các thứ y báo thanh tịnh trang nghiêm trong cõi Cực Lạc tuy do A Di Đà Phật lúc còn là một vị Bồ-tát thệ nguyện, tu trì, tích công lũy đức mà thành tựu, nhưng cũng do mười phương vô lượng vô biên người vãng sanh do tu tịnh nghiệp, do tu Nhất tâm Bất loạn, do đồng tâm, đồng nguyện, đồng hạnh với A Di Đà Phật mà cộng thành một cõi Tịnh độ trang nghiêm hết sức vĩ đại như vậy. Do đó, người niệm Phật chẳng thể không biết: Nếu chúng ta muốn cầu sanh Tịnh độ, điều kiện thứ nhất là thâm tâm phải thanh tịnh tối thiện. Thâm tâm thanh tịnh tối thiện chính là đạo tràng tu hành thù thắng nhất, là Phật pháp chân thật tối cao vô thượng, là chỗ hành nghiệp và cũng là Tịnh độ của Bồ-tát. Lục Tổ Huệ Năng đã từng nói: “Tự tánh có thể sanh ra vạn pháp”. Như vậy, hễ ai tu tâm thanh tịnh xứng lý với kinh Vô Lượng Thọ, liền sanh về cõi nước có vô lượng thanh tịnh của Phật A Di Đà, thậm chí bản thân họ cũng chính là hóa thân của A Di Đà Phật, đúng như lời kinh này nói: “Đạo thù thắng vô biên.”
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy: “Cầu đạo hòa chánh, không nghiêng theo tà, y lời kinh dạy, chẳng dám sai quấy, như dây chỉ mực”. Một đạo tràng chân chánh nhất định phải có đạo hòa chánh, không tà vạy, hữu tu, hữu học, hữu chứng xứng với lý tánh. Trụ trong đạo tràng ấy nhất định sẽ có thành tựu. Nếu chúng ta đến một đạo tràng chẳng có đạo chân chánh cũng chẳng có cơ sở hữu tu, hữu học, nhất định chẳng có thành tựu, chỉ phí công uổng sức. Bất luận người học Phật là xuất gia hay tại gia, lúc vừa mới nhập môn đều phải đặt ra kỳ hạn tối thiểu là năm năm học giới. Giới đó là gì? Giới đó là chấp hành đúng theo lời giáo huấn của Phật chẳng chút sanh nghi, chẳng chút nghiêng theo tà hoặc lười biếng giải đãi. Sư phụ truyền dạy lời giáo huấn của Đức Phật bảo chúng ta làm như thế nào để thực hiện lời giáo huấn của Phật, chúng ta liền ngoan ngoãn phục tùng, thật thà làm đúng như thế đến mức một trăm phần trăm, thì chắc chắn sẽ thành tựu. Chúng ta dùng thời gian năm năm để tu giới, cũng tức là tu cơ sở Tam Học Giới-Định-Huệ, tu tâm thanh tịnh tối thiện tương ứng với Phật tâm. Một khi chúng ta xây đắp được một cơ sở vững chắc bất động, thì nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ. Còn nếu như mới bắt đầu tu hành mà chẳng xây dựng cơ sở ấy, thì sẽ rơi vào đường tà, chắc chắn chẳng thể thành tựu trong một đời này. Nói cách khác, nếu chẳng y theo lời giáo huấn của Phật trong kinh Vô Lượng Thọ để tu pháp môn Tịnh độ, tức là không giữ giới, cũng tức là đang nghiêng theo đường tà vạy vậy!
Đức Phật bảo: “Tu huệ chẳng tu phước, La Hán ôm bát rỗng”. Ngoài việc tu cơ sở Tam Học Giới-Định-Huệ ra, còn phải tu phước. Vì sao phải tu phước? Nếu chẳng có phước báo, sự tu học sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại về chuyện cơm áo. Các vị A-la-hán đời đời kiếp kiếp tu huệ chẳng tu phước, nên hằng ngày phải đi khất thực bên ngoài. Nếu thiếu phước, chẳng được ai cúng dường, thì phải chịu đói rã ruột. Có thể thấy Đại thừa Phật pháp cũng rất chú trọng tu phước. Chúng ta vào chùa nhìn hình tượng Phật, Bồ-tát có thấy vị Phật, Bồ-tát nào trông ốm đói không? Chắc chắn là không thấy. Hình tượng Bồ-tát lúc nào cũng đầy đặn, tươi nhuận, phú quý, ăn mặc lộng lẫy, trên thân treo đầy vật báu. Đó là biểu tượng Đại thừa Bồ-tát do tu phước mới có thể thành tựu hạnh tự lợi, lợi tha.
Thế nhưng, Đức Phật cũng bảo: “Tu phước, chẳng tu huệ, voi to đeo chuỗi ngọc”. Nếu kiếp trước chuyên tu phước không tu huệ, đời sau sẽ biến thành súc sanh. Tuy là súc sanh trong nhà vương tộc, giàu có, sang trọng, nhưng vẫn chỉ là súc sanh trong ác đạo. Phật nói tỷ dụ, con voi trong vương tộc rất to lớn, oai phong, đẹp đẽ, được dùng cho quốc vương cưỡi. Voi của nhà vua có phước báo rất lớn, được ăn ngon, mặc đẹp, trang sức lộng lẫy. Mỗi khi vua cưỡi voi ra ngoài, voi được đeo giắt vàng, bạc, bảo châu, chuỗi ngọc đầy mình, nhưng con voi ấy vẫn chỉ là súc sanh sống trong ác đạo. Vì thế, Đức Phật dạy chúng ta phước huệ phải song tu mới tránh khỏi cảnh đọa lạc. Tuy nói là phước-huệ song tu, nhưng phải có thứ tự trước sau. Trước tiên là phải tu huệ, sau đó mới tu phước, chớ chẳng phải là tu cả hai thứ cùng một lúc mới gọi là phước huệ song tu. Vì sao phải tu huệ trước? Kinh Hoa Nghiêm bảo: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”.
Cách tu phước như thế nào? Phục vụ trong đạo tràng là tu phước. Khi xưa, Lục Tổ Huệ Năng đến Hoàng Mai xin Ngũ Tổ cho xuất gia. Ngài được phân công làm việc trong nhà kho, giã gạo, bửa củi, phục vụ cơm nước cho hơn ba ngàn người, không được lên chánh điện tham thiền như các vị xuất gia khác. Đấy là vì Ngũ Tổ muốn dạy Lục Tổ cách tu phước. Thiền tông dụng công tu tâm thanh tịnh ngay trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và mỗi lúc khởi tâm động niệm. Họ tu hành như vậy là để cầu Nhất tâm Bất loạn. Trong mọi sinh hoạt và mọi ý niệm, tâm đều chẳng dao động, thì đó chính là Nhất tâm Bất loạn. Lục Tổ ở Hoàng Mai làm những công việc nặng nhọc trong nhà bếp chẳng phải chỉ tu phước mà còn tu Nhất tâm Bất loạn. Ngài tu phước lẫn huệ miên mật suốt tám tháng chẳng gián đoạn ngày nào. Đây là công phu chân thật! Thiền tông dùng công phu ấy để tham cứu, quán tâm mà thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ. Giáo Hạ dùng cách đọc kinh miên mật, đọc làu làu không gián đoạn, không giảng nghĩa văn tự trong kinh cũng là để thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ. Tịnh độ tông dùng cách niệm Phật miên mật, niệm niệm tương tục không gián đoạn, niệm đến mức sáu căn tiếp xúc với sáu trần đều chỉ là A Di Đà Phật cũng là để thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ. Thâm tâm thanh tịnh sạch trần lao là cảnh giới chứng ngộ của sự thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ, cũng chính là Tịnh độ của Bồ-tát.
Hiện nay có mấy vị đồng tu niệm kinh Vô Lượng Thọ, mỗi ngày họ niệm năm, sáu lượt. Nếu họ tiếp tục công phu như vậy suốt năm năm chẳng gián đoạn, niệm kinh đến mức thuộc làu làu mà chẳng có một niệm nào khởi sanh, thì đấy chính là cơ sở tu học Giới-Định-Huệ. Một khi đã có cơ sở vững chắc rồi, chỉ cần nghe giảng kinh một lần, hoặc hai lần, liền khai ngộ. Họ hữu học, hữu tu nên hữu chứng, đó là công phu chân thật! Người không công phu tu học chân thật, tất nhiên sẽ không có nền tảng căn bản Tam Học, thì dù nghe kinh suốt đời vẫn chẳng thể khai ngộ, dù niệm Phật đến rách cuống họng cũng uổng công. Người thật sự thực hành được các pháp nói trên một cách miên mật, không gián đoạn suốt năm năm, bèn chính mình trở thành pháp khí có thể tiếp nhận đại pháp vô cùng vi diệu của Đức Di Đà Như Lai. Người xuất gia khi xưa phải có bát khí mới có thể đi khất thực. Nếu không có bát khí thì lấy gì để tiếp nhận thực phẩm cúng dường? Cũng giống như vậy, người đi khất pháp thì phải có pháp khí để tiếp nhận Phật pháp. Pháp khí dùng để tiếp nhận Phật pháp là gì? Pháp khí ấy chính là tâm thanh tịnh tối thiện. Quán kinh gọi tâm ấy là thâm tâm, kinh Vô Lượng Thọ gọi tâm ấy là thanh tịnh bình đẳng giác, Tâm kinh gọi tâm ấy là Bát-nhã. Tâm ấy chính là Tịnh độ của Bồ-tát!
Lục Tổ Huệ Năng có căn tánh bậc thượng, pháp khí của Ngài rất to lớn, rất rỗng không, chẳng chứa một vật, nên Ngài chỉ mất tám tháng tu hành, bèn thành tựu Tam Học Giới-Định-Huệ. Sau khi Lục Tổ thành tựu Tam Học, nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên chẳng trụ vào đâu mà sanh tâm), đại khái chỉ nghe giảng tới một phần ba kinh Kim Cang, thì Lục Tổ liền khai ngộ. Sau khi biết Lục Tổ đã khai ngộ, Ngũ Tổ chẳng cần giảng thêm nữa, không những chẳng cần giảng Kim Cang mà hết thảy các kinh khác cũng chẳng cần phải giảng. Vì sao? Một khi tâm thông thì vạn pháp đều thông! Sau khi khai ngộ, Lục Tổ liền tự nhiên thông đạt hết thảy kinh điển, không những chỉ thông đạt Phật pháp xuất thế gian, mà hết thảy các pháp thế gian cũng đều thông đạt, nên tất cả những gì Lục Tổ nói ra đều từ trong Tự tánh hiển hiện, chẳng phải từ trí thông minh của một người bình thường. Chúng ta không có căn tánh cao cấp như Lục Tổ, pháp khí của chúng ta thua kém Ngài quá nhiều, cho nên chúng ta phải tu hành trong một thời gian lâu dài hơn mới có thể thành tựu. Chư cổ đức gia hạn cho một phàm phu bình thường như chúng ta phải tu giới tối thiểu là năm năm. Trong suốt năm năm đọc kinh, nhớ kinh, thực hành đúng theo lời kinh Phật dạy là tu giới, nhân giới ấy mà sanh định huệ. Chúng ta phải thiết lập một cơ sở tu học vững vàng như vậy mới hy vọng có sự thành tựu chân thật trong Phật pháp, còn những pháp nơi hành vi, hình tướng nghi thức bên ngoài chỉ để gieo chút ít thiện căn, phước đức và nhân duyên với Đức Phật mà thôi, chẳng phải là cơ sở tu học thật sự.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.139.234.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập