Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp Bình Đẳng »»
Thế nào gọi là nói pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng, khế lý khế cơ? Lúc xưa, khi có người đến chỗ Phật thỉnh hỏi pháp yếu; nếu căn tánh của người ấy là Tiểu thì Ngài dạy cho họ pháp Tứ Diệu Đế (khổ, tập, diệt, đạo). Nhưng đối với người có căn tánh Đại thừa thì dù có thỉnh hỏi pháp Tiểu thừa, Ngài cũng chẳng nói ra pháp này; ngược lại Ngài còn bảo: “Thà bị đọa địa ngục chớ chẳng nghe pháp Tiểu thừa”. Đấy chính là Phật nói pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng. Thí dụ, nếu có một người ở trình độ kiến thức đại học đến một vị thầy giỏi xin dạy cho mình chương trình Tiểu học, thì vị thầy này ắt sẽ từ chối ngay; bởi vì người có trình độ Đại học có thể làm thầy dạy các lớp Tiểu học thì sao lại ngớ ngẫn xin vào học lớp Tiểu học? Thế mới biết, pháp khế lý, khế cơ, thích hợp tùy theo căn tánh của mỗi người chính là pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng, chớ chẳng phải là một pháp nhất định nào cả. Vì vậy, nếu ai cho là pháp mình tu, mình nói là pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng cho hết thảy chúng sanh, tức là họ vẫn chưa hiểu bốn chữ “khế lý, khế cơ” có nghĩa là Thanh Tịnh Bình Đẳng.
Kinh Phổ Môn nói, Quán Thế Âm Bồ-tát ứng theo tâm trí của chúng sanh mà nói ra cái pháp xứng hợp với họ; nếu ai đáng được nghe Phật thừa thì Ngài hiện thân Phật để vì người đó mà nói Phật thừa; còn nếu như ai có căn tánh Tiểu thừa thì Ngài liền hiện thân Thanh văn để vì người đó mà nói pháp Tứ Diệu Đế v.v... Đó chính là Ngài nói pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng. Khi xưa, có ba vị sư đồng môn cùng lên núi Phổ Đà Sơn đảnh lễ tượng Đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Sau khi đảnh lễ xong ra về, một vị bảo là đã gặp được Ngài Quán Thế Âm hiện thân là Cư sĩ, vị sư thứ hai bảo là gặp Ngài Quán Thế Âm hiện thân là một vị sư xuất gia; còn vị sư thứ ba thì lại gặp Ngài Quán Thế Âm hiện thân là Bồ-tát. Cả ba vị sư cùng lúc đảnh lễ Ngài Quán Thế Âm đều được cảm ứng; thế mà họ lại không gặp hiện thân của Ngài giống nhau, thì ắt hẳn là vì căn tánh họ khác nhau nên được nghe Ngài Quán Thế Âm giảng dạy những pháp khác nhau; đấy là vì Ngài Quán Thế Âm nói pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng, khế lý khế cơ!
Chư Phật, Bồ-tát có trí tuệ Bat nhã nên các Ngài thấy chẳng có pháp nào là thật có, nhưng lại chẳng bỏ mất đi một pháp nào có thể làm lợi lạc chúng sanh, nên tất cả những pháp mà các Ngài nói ra tuy có khác nhau, nhưng đều là pháp Thanh Tịnh Bình Đẳng, khế lý khế cơ, đều là phương tiện khéo léo có thể giúp từng mỗi chúng sanh phát sanh thiện căn, phước đức, nhân duyên tùy theo căn tánh của họ, để rồi từ đấy mà họ có thể nhập vào trong Nhất thừa pháp của Như Lai.
Khi xưa Ấn Quang Tổ sư gặp một đứa bé nghèo khổ, Ngài muốn dạy cho nó niệm Phật, nhưng nó chẳng chịu niệm. Ngài bảo nó nếu chịu niệm, Ngài sẽ cho nó một đồng tiền; thế mà đứa bé ấy thà chịu đói khổ chớ nhất định không chịu niệm Phật. Ngài đành thở dài mà than thở: “Đứa nhỏ này thật là thiếu phước.” Ấn Tổ đã tùy thuận nhân duyên của người thời đó mà chỉ khuyên người thật thà niệm Phật, chẳng bàn luận nhiều đến kinh Phật, vì nếu Ngài giảng kinh Đại thừa thì chẳng có mấy ai nghe hiểu. Cũng vì lẽ đó, Ấn tổ đặc biệt ấn tống rất nhiều sách “Liễu Phàm Tứ Huấn,” mong rằng chúng sanh do nhờ tu phước mà có được phước huệ đầy đủ để có thể tin nhận được kinh giáo Đại thừa của Phật.
Phàm tình chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng do nghe danh hiệu Phật mà đắc phước, thấy được nguồn đạo. Mười phương Bồ-tát do nghe danh hiệu A Di Ðà Phật mà đạt địa vị Kiến Đạo, thấy được Lý Chân Ðế (lý chân thật), đoạn được hết thảy các chướng hoặc (kiến hoặc, tư hoặc, trần-sa hoặc và vô minh hoặc), vĩnh viễn không còn bị sanh trong tam giới nữa, thoát ra khỏi mười pháp giới, chứng nhập Nhất chân Pháp giới, còn gọi là “chứng pháp ly sanh.” Đồng thời các Đại sĩ trong mười phương cũng do nghe danh hiệu Phật mà được các Môn Tổng Trì, tức tâm tâm của họ được an trụ trong thật tướng của các pháp. Chư vị Bồ-tát do nghe danh hiệu Phật mà có được tâm hoan hỷ, thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ như thế, nên mới xa lìa được hết thảy các nhiễm trước, thoát ra khỏi các pháp đối đãi, những ý tưởng sai biệt về cao thấp, cạn sâu, lớn nhỏ, được mất, thân sơ, trí ngu, mê ngộ v.v...; nhờ đó mà dù các Ngài đã tịch diệt, tức là tâm tâm luôn an trú trong thật tướng vô vi, nhưng chẳng bỏ các pháp hữu vi để giáo hóa chúng sanh với các căn tánh trung, hạ.
Hiểu ở mức cao hơn, Thanh Tịnh Bình Đẳng Trụ là quay trở về với cái tâm hoan hỷ, thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ vốn thường hiện hữu của chính mình, chớ chẳng phải là cái gì từ bên ngoài mà có thể được. Đấy đã nêu rõ ý nghĩa của câu “Chân như trọn khắp, vạn pháp như một.” Như vậy, “Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác” chính là thể tướng của tất cả các pháp, chớ chẳng phải là cái tên riêng của một pháp nào cả. Bồ-tát do chứng được cái tâm hoan hỷ, thanh tịnh, bình đẳng và giác ngộ, nên có thể độ vô lượng chúng sanh với vô lượng căn tánh sai biệt mà chẳng bị phiền não, nhiễm trước. Ngược lại phàm phu chúng ta vì chưa được “Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác” nên đối với các pháp, tâm chẳng tùy ý tự tại, thường hay chấp thủ lấy cái pháp mình ưa thích, rồi cho đó là pháp khế lý, khế cơ với hết thảy chúng sanh.
Vãng Sanh Luận Chú nói: “Nếu có chúng sanh nào trông thấy được thân có tướng tốt và quang minh của Phật Di Ðà, đều giải thoát được hết các thứ ràng buộc nơi thân nghiệp, vào nhà Như Lai, rốt ráo được thân nghiệp bình đẳng. Nếu có chúng sanh nào nghe danh hiệu chí đức của A Di Ðà Như Lai, nghe âm thanh thuyết pháp thì đều giải thoát khỏi hết các thứ ràng buộc nơi khẩu nghiệp, vào nhà Như Lai, rốt ráo được khẩu nghiệp bình đẳng. Nếu có chúng sanh nào gặp được quang minh của A Di Ðà Như Lai chiếu đến, hoặc nghe ý nghiệp bình đẳng của A Di Ðà Như Lai thì các chúng sanh ấy đều giải thoát khỏi hết thảy các thứ ràng buộc nơi ý nghiệp, vào nhà Như Lai, rốt ráo được ý nghiệp bình đẳng.” Do bởi kinh Vô Lượng phát xuất từ Phật thân của A Di Đà Như Lai, nên nó cũng chính là A Di Đà Như Lai; do vậy, nếu ai gặp được kinh này mà tin ưa, thọ trì, y giáo tu hành thì cũng giống như là họ gặp được hình tướng, thấy được quang minh nghe được danh hiệu và biết được tâm ý của A Di Ðà Như Lai, được chứng nhập vào nhà Như Lai mà thành tựu ba nghiệp thanh tịnh và bình đẳng rốt ráo nơi thân, ngữ và ý. Do vậy, kinh Vô Lượng Thọ mới nói: Chư Bồ-tát nào trong mười phương thế giới nghe được danh hiệu A Di Đà Phật mà phát được cái tâm hoan hỷ thanh tịnh, chí tâm tin ưa, rồi dùng cái tâm bình đẳng ấy để niệm Bình Ðẳng giác thì họ đều được trụ trong pháp bình đẳng, tức là trụ trong thật tướng của các pháp.
Hơn nữa, bởi vì Phật A Di Ðà là “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác,” nên hễ ai an trụ cái tâm mình trong thể tánh “Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác” như thế thì đều được Bình Đẳng Trụ. Do đó, niệm một câu Phật hiệu với tâm thanh tịnh bình đẳng chính là niệm Thật tướng, cũng chính là niệm thể tánh bình đẳng của hết thảy các pháp. Cho nên, chúng ta chỉ cần dùng cái tâm chân thành cung kính, niệm niệm tiếp nối, niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm câu Phật hiệu thì tự nhiên là sẽ được Bình Đẳng Trụ. Tâm hạnh niệm Phật như thế chính là Bồ-tát hạnh. Người niệm Phật với tâm hạnh Bồ-tát như thế, lại biết lần lượt dạy dỗ cho nhau niệm Phật với cái tâm hạnh như thế, dìu dắt nhau cùng quay về Cực Lạc, thì việc làm này được kinh gọi là “tu Bồ-tát hạnh.” Vậy, “tu Bồ-tát hạnh” cũng có nghĩa là ban bố cho mọi chúng sanh cái lợi ích giải thoát chân thật.
Ngày nay, mặc dù chúng ta ai nấy đều nghe được danh hiệu A Di Đà Phật; nhưng do bởi chúng ta không niệm Phật với tâm hoan hỷ thanh tịnh, nên chẳng được Bình Đẳng Trụ; đấy là do vì chúng ta không có Bát-nhã, không biết rõ lý tánh và giá trị chân thật của câu Phật hiệu A Di Đà chính là thể tánh bình đẳng của hết thảy các pháp. Cũng vì lẽ đó, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Thích Tôn hết lòng khẩn thiết giảng giải bộ kinh này rất nhiều lần, và khuyến khích mọi người phải nên đọc tụng và nghe giảng kinh này, mục đích là để chỉ cho chúng sanh biết cách dụng tâm, dụng trí niệm Phật như chư Bồ-tát.
Người niệm Phật nhiếp giữ lấy danh hiệu của Đức Như Lai Quả Giác A Di Ðà Phật, rồi từ đó mà lưu xuất lục độ vạn hạnh của chư Bồ-tát làm nguồn gốc cho mọi đức, thì đó chính là tu đầy đủ hết thảy các cội đức như đã được nói trong kinh. Người niệm Phật với bổn tâm luôn hoan hỷ thanh tịnh và bình đẳng giác ngộ như thế thì huệ tâm của họ sẽ luôn được an trú trong Thật pháp của Như Lai nên kinh gọi là được Nhất Nhị Tam Nhẫn, nói cho đầy đủ là được Ðệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam Pháp Nhẫn.
“Pháp Nhẫn” có nghĩa là tâm tâm thường luôn an trụ trong pháp lý đã chứng đắc. Kinh Nhân Vương bảo có năm thứ pháp Nhẫn, đó là: Phục Nhẫn, Tín Nhẫn, Thuận Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn, và Tịch Diệt Nhẫn. Sơ phát tâm Bồ-tát hàng phục được phiền não thì gọi là Phục Nhẫn. Sơ địa, nhị địa và tam địa Bồ-tát đạt được niềm tin trong sạch, không cấu nhiễm nơi kinh giáo của Phật thì gọi là Tín Nhẫn. Tứ địa, ngũ địa, lục địa Bồ-tát hướng đến cảnh giới vô sanh, nên gọi là Thuận Nhẫn. Thất địa, bát địa, cửu địa Bồ-tát chẳng còn sanh các ý niệm, nên gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thập-địa và Diệu giác Bồ-tát đắc quả Bồ-đề, nên gọi là Tịch Diệt Nhẫn.
Nguyện 34 trong bản Ngụy dịch ghi: “Nếu tôi thành Phật, các loài chúng sanh, trong mười phương vô lượng, chẳng thể nghĩ bàn, các thế giới Phật, nghe danh hiệu tôi mà chẳng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ-tát, các tổng trì sâu xa thì chẳng lấy Chánh Giác.” Bản Tống dịch cũng ghi: “Nghe danh hiệu tôi thì ngay lập tức đắc Sơ Nhẫn, Nhị Nhẫn cho đến Vô Sanh Pháp Nhẫn, thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ-đề.” Vậy, chư vị Bồ-tát từ Sơ-địa đến Thất-địa tuy nơi tự lực chưa chứng được tịnh tâm, nhưng do thấy Đức Phật A Di Đà hoặc nghe được danh hiệu của Ngài liền rốt ráo chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn, tức là được Bình đẳng Pháp thân.
Vô Sanh Pháp Nhẫn gọi tắc là Vô Sanh Nhẫn hay Vô Sanh, là Chân trí tin nhận và thông đạt Thật tướng vô sanh vô diệt của hết thảy các pháp một cách vô ngại bất thoái; ngay cả những thứ nhỏ nhiệm còn bất khả đắc, huống gì là những thứ lớn lao. Do thông đạt, thấu rõ Thật tướng vô sanh vô diệt của các pháp vốn là như vậy, nên trong chân trí ấy, tâm của Bồ-tát chẳng hề bị lay động, chẳng còn sanh ra các ý niệm lấy bỏ nữa. Như vậy, Bồ-tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn là đắc trí huệ an trụ trong viên lý của Thật tướng, nên chẳng còn làm, chẳng còn tu, chẳng còn khởi tâm động niệm và cũng chẳng còn khởi các nghiệp hạnh gì nữa. Vì sao? Vì tất cả các lý đều lặng lẽ, chẳng còn khởi, chẳng còn sanh nữa, như Bản Tống dịch của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Nghe danh hiệu tôi, chứng Vô Sanh Nhẫn, thành tựu hết thảy thiện căn bình đẳng, trụ vô công dụng. Do lìa hết thảy gia hạnh, nên chẳng bao lâu sẽ đắc A-nậu Bồ-đề.” Kinh nói, Bồ-tát đã “trụ nơi vô công dụng” có nghĩa là vô công dụng đạo, thì đủ biết các bậc Bồ-tát ấy đã chứng từ địa vị Bát địa trở lên.
Hỏi: Nghe danh hiệu Phật như thế nào mới có thể chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn?
Đáp: Chữ “nghe” ở đây không có nghĩa là chỉ nghe suông bằng lổ tai, mà là cái nghe từ trong Chân tâm Tự tánh, tức là nghe bằng cái tánh nghe. Bồ-tát dùng tánh nghe của Chân tâm Tự tánh để nghe danh hiệu Phật, rồi an trụ tâm mình như như bất động trong Niệm Phật tam muội, nên chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, chẳng bao lâu nữa sẽ thành Phật.
Tuy các kinh nói, phàm phu chúng sanh nào nghe được lời kinh Phật dạy thì đời đời chẳng bị chẳng đọa nữa. Thế nhưng, có nhiều thứ nghe, nếu như sau khi nghe xong lời Phật dạy rồi, suy nghĩ sâu xa để hiểu rõ tường tận mà tu hành đúng theo lời chỉ dạy thì đời đời mới chẳng bị đọa. Như vậy, một chữ “nghe” này còn hàm chứa ý nghĩa là tin hiểu rành rẽ, ghi nhận không quên mất và phụng hành đúng như lời Phật dạy, chớ chẳng phải là nghe lọt qua tai rồi thôi. Do vậy, Nhất Nhị Tam Nhẫn được nêu trong lời nguyện của Phật A Di Đà chính là: Âm Hưởng Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn:
· Âm Hưởng Nhẫn là do nghe âm thanh, tiếng vang mà giải ngộ được chân lý Vô Sanh. Bồ-tát Quán Thế Âm lúc còn tu nhân, dùng Chân tâm để lắng nghe các âm thanh, tiếng nói tốt xấu, lành dữ, vui buồn, thuận nghịch, đúng sai, phải trái, khen chê v.v... của chúng sanh mà chẳng hề khởi tâm động niệm, nên giải ngộ được lý Vô Sanh, thì đó gọi là đắc Âm Hưởng Nhẫn.
· Nhu Thuận Nhẫn là do thấu hiểu và tin thuận theo chân lý của Vô Sanh, nên được huệ tâm nhu nhuyễn, mềm mại, uyển chuyển, sáng suốt.
· Vô Sanh Pháp Nhẫn là chứng được thật tánh của Vô Sanh, tức tâm mình lìa khỏi hết thảy các pháp tướng hữu vi, chẳng còn bị ô nhiễm bởi những tướng trạng tốt xấu, lành dữ, vui buồn, thuận nghịch, được mất, đúng sai, phải trái, khen chê v.v..., chứng nhập vào trong thật tướng vô vi chẳng hề lay động. Ðây là chỗ cao tột nhất trong việc ngộ đạo, vì từ cảnh giới này chẳng bao lâu nữa Bồ-tát sẽ thành Phật.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.234.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập