Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Dầu giữa bãi chiến trường, thắng ngàn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, thật chiến thắng tối thượng.Kinh Pháp cú (Kệ số 103)
Hãy tự mình làm những điều mình khuyên dạy người khác. Kinh Pháp cú
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Vài suy nghĩ về Pháp môn Niệm Phật & tông Tịnh Độ »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài suy nghĩ về Pháp môn Niệm Phật & tông Tịnh Độ »»
Pháp môn Niệm Phật đã có từ thời Phật Thích Ca tại thế. Trong kinh Tăng chi (phẩm Một pháp) ghi lại lời Đức Phật dạy như sau: “Có một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Tương tự, kinh Tăng nhất A-hàm (phẩm Thập niệm) cũng ghi lại lời Đức Phật dạy về pháp môn Niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp, sẽ thành tựu được thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. Hãy khéo tu hành, hãy truyền bá rộng rãi, sẽ thành tựu thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”.
Kế tiếp, Đức Phật dạy rõ thế nào là Niệm Phật: “Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. Thế nào là tu hành niệm Phật sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn? Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ. Nếu các Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm ở trước, không có một ý tưởng nào khác, một lòng niệm Phật, quán hình tướng Như Lai chưa từng rời mắt, đã chẳng rời mắt, liền niệm công đức của Như Lai. Thể của Như Lai bằng kim cương, đầy đủ Mười lực, Bốn vô sở úy, giữa chúng dũng kiện. Dung mạo Như Lai đoan chính vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh không tì vết cũng như lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa hề sút giảm, dừng lặng vĩnh viễn không có niệm khác; các tình cảm kiêu mạn, quật cường, các tâm ý dục, tưởng sân, ngu hoặc, do dự, buộc kết, đều trừ sạch cả. Trí huệ của Như Lai không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, không còn sanh lại để phải nói rằng: ‘Ta sẽ đọa vào sanh tử nữa’. Thân Như Lai là độ tri kiến thành tựu, biết căn tánh người khác nên độ hay không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, qua lại xoay vần bên bờ sanh tử, người có giải thoát, người không giải thoát đều biết hết cả. Đó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Phật thì sẽ được các công đức lành này. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học điều này” (phẩm Quảng diễn).
Pháp niệm Phật trên chính là quán tưởng niệm Phật. Có điều, thời điểm Đức Phật Thích Ca dạy bài kinh này là lúc Ngài còn tại thế. Do đó vị Phật mà người tu hành bấy giờ thường quán niệm chính là Đức Phật Thích Ca, một hình tượng rõ ràng, cụ thể. Sau khi Đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn, Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) vẫn bảo lưu phương thức Niệm Phật này, riêng Phật giáo Phát triển (Bắc tông) thì mở rộng, phát huy tư tưởng tịnh độ (cảnh giới thanh tịnh, chỉ các cảnh giới Niết-bàn của các bậc Thánh, cao nhất là cảnh giới Niết-bàn của chư Phật) và pháp môn Niệm Phật, xây dựng thành hệ tư tưởng Tịnh độ.
Dĩ nhiên là Phật giáo Phát triển không xây dựng hệ tư tưởng Tịnh độ bằng tư duy không tưởng, cụ thể như một số người nói là Đức Phật A Di Đà cùng với cảnh giới Cực lạc không có thật, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng để làm chỗ nương tựa, vỗ về niềm tin. Qua kinh điển Phật giáo Nguyên thủy (Kinh tạng Pàli), Đức Phật Thích Ca đã từng cho biết có các vị Phật quá khứ (cụ thể là Đức Phật Tỳ-bà-thi đến Phật Ca-diếp, theo kinh Đại bổn -Trường bộ kinh), điều đó có nghĩa là ngoài Đức Phật Thích Ca ra còn nhiều vị Phật khác. Nên việc có Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sinh ở cõi Cực lạc là điều dễ hiểu. Mà công đức, phước báu, trí tuệ của các vị Phật là như nhau, cho nên tưởng niệm một vị Phật cũng chính là tưởng niệm các vị Phật khác.
Hiện có một số ý kiến cho rằng Đức Phật A Di Đà không phải là Đức Phật lịch sử (trong quá khứ), nhưng xét ở phương diện khác, với ý nghĩa khác, người tu học Phật cũng có thể xem Ngài là hình tượng tiêu biểu về một Đức Phật. Những đức tính, đức tướng của một vị Phật (phước đức, trí tuệ, hảo tướng, tâm từ bi và hạnh nguyện lợi tha…) đều có đủ nơi Đức Phật A Di Đà mà các kinh luận miêu tả. Phật giáo Phát triển đã xây dựng hình tượng Đức Phật A Di Đà như hình tượng của Đức Phật Thích Ca, và thế giới Cực lạc hay cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà không khác gì cảnh giới Niết-bàn thanh tịnh của chư Phật (với đặc tính vô tham, vô sân, vô si; thường, lạc, ngã, tịnh; bất sinh, bất diệt; không còn phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử). Ý nghĩa của Phật A Di Đà chính là đức tướng, đức tánh của một vị Phật, và cõi Cực lạc hay cảnh giới bất thối chuyển (Bất lai, không còn trở lui lại trạng thái luân hồi sinh tử) của các thượng thiện nhân sinh về đó chính là cảnh giới của các bậc Thánh, Niết-bàn.
Một hình tượng Đức Phật A Di Đà cụ thể, rõ ràng, có những đức tánh, đức tướng như những vị Phật khác; một thế giới Cực lạc cũng cụ thể, rõ ràng, có đặc tính như cảnh giới Niết-bàn của chư Phật, đây chính là hai đối tượng để quán niệm, quán tưởng thích hợp cho mọi thành phần tu tập, dù đó là bậc thượng căn hay hạ trí, dù là bậc nặng về lý trí hay niềm tin.
Giáo điển Phật giáo Phát triển, bộ Tư duy lược yếu pháp (Pháp sư Cưu-ma-la-thập dịch), hướng dẫn người tu thiền 10 pháp quán tưởng có thể chọn lựa: 1. Tứ vô lượng tâm quán. 2. Bất tịnh quán (quán thân người nhơ nhớp để đoạn trừ tham dục, sân nhuế và si mê). 3. Bạch cốt quán (quán xương trắng). 4. Phật tam muội quán (quán hình tượng Phật cho đến khi nhắm mắt cũng như mở mắt đều thấy hình ảnh Phật). 5. Sinh thân quán (quán hiện thân của Phật, quá trình tu nhân, thành đạo, thuyết pháp hóa độ chúng sinh). 6. Pháp thân quán (quán những đức tính của Phật như Thập lực, Tứ vô úy…). 7. Thập phương chư Phật quán (quán có các vị Phật ở khắp mười phương đang phóng quang thuyết pháp). 8. Vô Lượng Thọ Phật quán (quán Phật Vô Lượng Thọ thân vàng sáng chói, hào quang rực rỡ). 9. Chư pháp thực tướng quán (quán các pháp do duyên sinh, không thật tướng, thật thể). 10. Pháp hoa tam muội quán (quán Đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo cùng ngồi trong tháp thất bảo, phóng quang hóa hiện các hóa Phật ở khắp mười phương thuyết kinh Pháp hoa).
Nội dung 10 pháp quán niệm, quán tưởng trên gồm có các pháp quán niệm, quán tưởng của thiền quán Phật giáo Nguyên thủy (quán bất tịnh, quán bạch cốt, quán Tứ vô lượng tâm, quán sinh thân Phật, quán pháp thân Phật) và thiền quán Phật giáo Phát triển (quán Phật tam muội, quán Thập phương chư Phật, quán Vô Lượng Thọ Phật, quán Pháp hoa tam muội). Không lý nào quán bất tịnh, quán bạch cốt được mà quán hảo tướng Phật như Tịnh Độ tông lại không được, cho là pháp không đáng tin cậy. Mục đích chính của các pháp quán này là nhằm định tâm, dứt trừ loạn tưởng và các lậu hoặc phần thô, là bước đầu để đi sâu vào các cấp độ thiền quán dứt trừ lậu hoặc vi tế.
Pháp môn Tịnh độ không chỉ là niệm Phật mà còn phát tâm Bồ-đề, làm các công đức, tin sâu nhân quả, thọ Tam quy, trì Ngũ giới, hành Thập thiện (kinh Quán Vô Lượng Thọ). Chưa kể phát Bồ-đề tâm, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh; chưa kể công đức niệm Phật, chỉ cần thọ Tam quy, hành Thập thiện trọn vẹn cũng đã gieo nhân làm nền tảng để sau này thành tựu đạo quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật (kinh Thập thiện nghiệp đạo). Luận về niệm Phật, trong Khóa hư lục, Trần Thái Tông (Thiền sư Việt Nam thời Trần) có viết: “Niệm Phật do tâm khởi. Tâm khởi thiện là thiện niệm. Khởi thiện niệm tất báo thiện nghiệp. Tâm khởi ác là ác niệm. Sinh ác niệm tất ứng ác nghiệp. Như gương hiện ảnh, tựa bóng theo hình”.
Mặt khác, các kinh của Tịnh Độ tông không phải là kinh của Phật giáo Trung Quốc như một số người từng nghĩ, mà hầu hết bắt nguồn từ Phật giáo Ấn Độ. Ở Trung Quốc vào cuối đời Đông Hán (25-220), có Đại sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Đại-nhục-chi (đến Trung Quốc năm 147) dịch các kinh thuộc hệ Bản duyên, Bát-nhã, Hoa nghiêm, Bảo tích từ Phạn sang Hán. Với hai bản dịch Phật thuyết Ban chu tam muội kinh và Ban chu tam muội kinh, ngài Chi-lâu-ca-sấm được xem là người đầu tiên phổ biến tư tưởng niệm Phật A Di Đà và thế giới Tây phương Cực lạc, làm cơ sở cho tín ngưỡng Tịnh độ sau này (Phật Quang đại từ điển). Đến đời Tào Ngụy (220-265), Đại sư Khương Tăng Khải người nước Khương-cư dịch Vô Lượng Thọ kinh. Đời Ngô Tôn Quyền (222-280) cư sĩ Chi Khiêm gốc người Đại-nhục-chi dịch bộ Đại A Di Đà kinh. Đời Diêu Tần (384-417) Pháp sư Cưu-ma-la-thập người nước Khâu-tư dịch Phật thuyết A Di Đà kinh. Đời Lưu Tống (420-478), Đại sư Cương-lương-da-xá người Tây Vực dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh. Đời Bắc Ngụy, ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch Vãng sinh Tịnh độ luận (tức Vô Lượng Thọ kinh luận do ngài Thế Thân [Vasubandhu, người Bắc Ấn] trước tác) v.v… Về sau ba bộ kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật thuyết A Di Đà và bộ Vãng sinh Tịnh độ luận được xem là kinh luận quan trọng nhất của tông Tịnh Độ.
Cuối thời Đông Tấn (317-419) được xem là thời đại thiền học hưng thịnh, Đại sư Huệ Viễn (Sơ tổ của tông Tịnh Độ sau này) cũng là bậc cao tăng chuyên nghiên cứu và tu học Giới, Định, Tuệ, lấy thiền định làm trọng tâm (Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, HT.Thích Thanh Kiểm biên soạn), nhưng ngài vẫn tổ chức một giáo đoàn sơ khai chuyên tu Tịnh độ gồm cả tăng và tục là Bạch Liên xã ở chùa Đông Lâm, biến vùng Lô Sơn thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời bấy giờ. Điều này cho thấy giáo nghĩa Tịnh độ có cơ sở vững chắc và có những điểm đặc sắc, đặc thù, phù hợp với nhiều đối tượng, căn cơ.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.83.92 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập