Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ thất bại chỉ sống trong quá khứ. Người chiến thắng là người học hỏi được từ quá khứ, vui thích với công việc trong hiện tại hướng đến tương lai. (Losers live in the past. Winners learn from the past and enjoy working in the present toward the future. )Denis Waitley
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Cầu trí tuệ Bát-nhã »»
Trong phẩm Cần Tu Kiên Trì của kinh Vô Lượng Thọ đức Phật bảo: “Ðối Phật phải hiếu, thường nhớ ơn thầy, khiến pháp môn này, trụ lâu chẳng diệt, phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế, nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh Ðộ.” Đấy đã chỉ rõ: Trong cái đạo lợi ích cho khắp tất cả chúng sanh, thì trước hết phải khiến cho pháp môn Tịnh độ trụ lâu chẳng diệt, mà muốn cho pháp môn này được tồn tại lâu dài thì Phật tử phải kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm kinh pháp. Phật cực lực răn dạy chúng sanh chẳng nên ích kỷ, tự tư tự lợi mà làm ra những điều trái nghịch Bổn Sư, lìa kinh chính là phản đạo.
Chư tổ cũng dạy: “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết.” Rời kinh Phật chỉ có nữa bước, nói sai kinh Phật chỉ có một chữ mà đã bị rơi vào ma đạo rồi, huống chi là chẳng trụ nơi kinh Phật, chẳng nói những lời Phật nói. Phật và ma chỉ khác nhau bởi một niệm giác hay mê; cho nên rời kinh Phật dạy mà niệm Phật thì khác chi là niệm ma. Vì lẽ đó, ngày nay nhiều người niệm Phật vẫn bị ma dựa; đấy là do họ chẳng trụ nơi kinh giáo của Phật mà tu hành cho đúng đắn, tự mình tăng giảm kinh pháp của Phật. Chúng ta phải biết, đã là phàm phu chúng sanh thì làm gì có đạo, đạo mà chúng ta tu và nói là đạo của Phật, chớ chẳng phải là đạo của chúng ta. Ngay cả các chư tổ sư cũng chẳng dám nói ra ngoài những gì Phật nói, các Ngài chỉ lập đi, lập lại những gì đức Phật nói theo ngôn ngữ khác để chúng sanh dễ hiểu mà có thể nhận lãnh giáo pháp của Phật mà thôi! Do vậy, những kẻ phụ bỏ kinh giáo của Phật chính là phản đồ của Phật.
Tỳ-kheo Pháp Tạng vì muốn thực hiện hạnh nguyện độ sanh của riêng mình, nên Ngài nguyện cầu thành tựu Tự Giác Đức. Mà để thành tựu Tự Giác Đức thì Tỳ-kheo Pháp Tạng phải cầu có trí huệ lớn rộng sâu như biển, nội tâm thanh tịnh sạch trần lao để tự mình có thể vượt thoát ra khỏi vô biên đường ác thú, đạt đến bờ rốt ráo Bồ-đề. Đấy đã nói rõ, chỉ có những bậc có trí huệ lớn rộng sâu như biển, nội tâm thanh tịnh sạch trần lao thì mới thật sự có đạo để dẫn dắt chúng sanh đến bờ rốt ráo Bồ-đề. Do đó, điều đầu tiên mà Tỳ-kheo Pháp Tạng cầu là có được trí huệ rộng lớn vô biên như Phật. Chỉ có trí huệ sâu rộng mới có thể giúp người tu hành tẩy dứt sạch phiền não trần lao, vượt qua chín pháp giới, đạt thẳng đến bờ kia rốt ráo, mãi mãi đoạn trừ vô minh, tham sân, từ đó không bao giờ còn trở lại mê hoặc điên đảo và hành vi sai lầm nữa; sau đó mới có thể thật sự cứu độ chúng sanh. Để tóm lược ý này, Tỳ-kheo Pháp Tạng dùng kệ tụng rằng:
“Trí huệ lớn rộng sâu như biển,
Nội tâm thanh tịnh, sạch trần lao,
Siêu vượt vô biên đường ác thú,
Nhanh đến bờ rốt ráo Bồ Ðề.
Vô minh tham giận vĩnh hằng không,
Sức Chánh định, Tội tiêu Hoặc tận.
Cũng như vô lượng Phật quá khứ,
Làm Ðạo sư lớn của quần sinh,
Hay cứu hàm linh chư thế gian,
Sinh, già, bệnh, chết, chúng khổ não.
Thường hành bố thí, trì giới, nhẫn,
Tinh tấn, định, huệ sáu Ba La,
Hữu tình chưa độ làm được độ,
Kẻ được độ rồi khiến thành Phật.
Ví như cúng dường hằng sa Thánh,
Chẳng bằng vững mạnh cầu Chánh Giác.
Nguyện khi an trú trong Tam Muội,
Thường phóng hào quang chiếu chúng sinh,
Cảm ứng sâu xa chỗ thanh tịnh,
Trang nghiêm thù thắng chẳng đâu bằng.
Luân hồi sáu nẻo khắp quần sinh,
Chóng sinh cõi con thọ an lạc,
Thường đem lòng từ cứu hữu tình
Ðộ tận vô biên khổ chúng sinh.
Hạnh của con quyết định, vững bền,
Duy Trí huệ Phật hay chứng tri,
Ví dù thân đoạn lìa chư khổ,
Tâm nguyện con hằng chẳng thối lui.”
Trước tiên, Ngài Pháp Tạng chọn lấy trí huệ, tức là chọn lấy sự tín giải lời kinh Phật dạy để mở đầu cho việc tu Bồ-tát đạo. Kế tiếp, Ngài chọn lấy Niệm Phật Bảo Vương tam muội và Tam Học Giới-Ðịnh-Huệ làm pháp hành để dứt sạch phiền não trần lao. Cuối cùng, Ngài cầu chứng rốt ráo quả Bồ-đề, thành tựu Tự Giác Đức. Đây thật là ý chỉ sâu xa bao gồm hết thảy Tín, Giải, Hành, Chứng của Phật thừa, vì sao? Bởi vì ngay khi hành nhân thành tựu được trí huệ lớn rộng sâu như biển, thì tất nhiên là nội tâm phải thanh tịnh, không ác, không lỗi lầm, ly cấu, ly nhiễm, dứt sạch các trần lao, viên mãn Phật thừa. Người hành đạo Bồ-tát giống như Tỳ-kheo Pháp Tạng như vậy mới có đủ tư cách dẫn dắt chúng sanh đến đến bờ rốt ráo Bồ-đề.
Kinh ví phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét như là những bụi bặm, trần cấu che lấp Chân tánh, khiến thân tâm của chúng sanh nhọc mệt, não loạn, nên gọi là “trần lao.” Bát-nhã Tâm kinh dạy: “Lúc thực hành Bát-nhã Ba-la-mật một cách sâu sa, soi thấy năm uẩn đều là không, thì sẽ vượt khỏi hết thảy khổ ách.” Vậy, trí huệ mà Tỳ-kheo Pháp Tạng cầu chính là trí tuệ Bát-nhã thông đạt Chân như, thấy suốt Chân Thật tướng của vũ trụ nhân sanh, nên có thể sống ở trong huyễn mà lìa được huyễn, chẳng còn bị nhiễm bởi các thứ trần lao, khổ ách.
Thế nào là trí tuệ Bát-nhã?
Bởi do Thật tướng của hết thảy các pháp đều có cùng chung một thể tánh giống nhau và sắc lại là đứng đầu trong ngũ uẩn, nên Bát-nhã Tâm kinh bắt đầu bằng câu “sắc bất dị không” (sắc chẳng khác không) để giải thích tường tận thể tánh của sắc trước, làm thí dụ tiêu biểu cho các pháp tướng khác. Tâm kinh nói “sắc chẳng khác không” là vì sắc tuy có hình tướng có thể thấy được, nhưng đó là tướng huyễn vọng, không phải Chân Thật tướng. Bồ-tát dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu sâu xa mà thấy rằng: Bản thể của sắc là “bất khả đắc” (trọn chẳng thể được), tức là tuy nó có đó mà cái có ấy chỉ giống như hư không. Chẳng riêng gì bản thể của sắc là “trọn chẳng thể được” mà ngay cả bản thể của không cũng “trọn chẳng thể được.”
Nói đến đây, Phật lại sợ người ta hiểu lầm cái không của thế gian là cái tướng của sắc không, nên Ngài liền nói tiếp: “Không chẳng khác sắc.” Câu này hàm chứa ý nghĩa là: Sắc trọn chẳng thể được thì không cũng chẳng có thực tế để được. Đó là vì không cũng giống như sắc đều là pháp thế gian. Tuy không chẳng có hình tướng, rỗng rang, trống lỗng nhưng vẫn có tướng không. Thật vậy, nếu cái không của hư không chẳng có tướng thì làm sao có thể dung chứa vạn vật trong đó. Do đấy chúng ta phải biết, cái không của sắc uẩn chẳng phải là cái không của hư không và cái không của không cũng giống như sắc uẩn, lìa trọn vẹn cái không của tướng không, tức chẳng phải là cái không trống lỗng, rỗng rang như hư không.
Nói đến đây, Phật lại biết rõ tâm ý của chúng sanh vẫn còn chấp tướng, nên vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa này; vì vậy, Ngài lại nói thêm: “sắc tức thị không, không tức thị sắc” (sắc tức là không, không tức là sắc). Câu này hàm chứa ý nghĩa là: Bởi vì sắc không vốn tịch chiếu cùng hiển lộ và cùng diệt mất; nói cách khác, sắc không “cùng chính là” và “cùng lìa” sắc không, nên “sắc tức là không” chẳng thể được, mà “không tức là sắc” cũng chẳng thể được. Nếu hành nhân thấy được điều này, tức là có trí tuệ Bát-nhã quán chiếu sâu xa Thật tướng của hết thảy các pháp và sẽ đích thân chứng được Thật tướng.
Nói tóm lại bản thể của sắc là: “Sắc chẳng khác không,” “không chẳng khác sắc,” “sắc tức là không” và “không tức là sắc” đều trọn chẳng có cái thực tế để được. Sắc uẩn đã là như thế thì bốn uẩn còn lại “thọ, tưởng, hành, thức” cũng cứ theo giống như vậy mà biết, không cần phải giải thích nữa, nên Tâm kinh chỉ nói: “thọ tưởng hành thức diệc phục như thị” (thọ tưởng hành thức cũng giống như thế).
Ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) đã là như thế thì hết thảy các pháp thế gian lẫn xuất thế gian cũng đều là như thế, nên Tâm kinh lại nói tiếp: “Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.” Do Thật tướng của hết thảy các pháp vốn chẳng sanh thì do đâu mà có diệt. Do Thật tướng của hết thảy các pháp vốn chẳng nhơ thì do đâu mà sạch. Do Thật tướng của hết thảy các pháp vốn chẳng tăng thì do đâu mà giảm v.v... Cuối cùng, do bản thể của hết thảy các pháp vốn tự nhiên là như thế, thì chẳng cần phải ước theo thánh - phàm, Phật - chúng sanh, thế gian - xuất thế gian để nói nữa!
Tâm kinh nói: “Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.” Ý là: Trong Thật tướng của các pháp, không có năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), không có sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), không có sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), cũng không có sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) thì trong Thật tướng làm gì thật có Lục Phàm pháp giới.
Tâm kinh nói: “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.” Ý là: Trong Thật tướng của các pháp vốn không có vô minh cho đến không có già chết, nên cũng không có hết vô minh cho đến không có hết già chết; cũng có nghĩa là trong Thật tướng của các pháp vốn không có pháp tu Thập Nhị Nhân Duyên của Duyên giác thừa thì làm gì thật có Duyên giác pháp giới.
Tâm kinh nói: “Vô khổ, tập, diệt, đạo.” Ý là: Trong Thật tướng của các pháp vốn không có pháp tu Tứ Diệu Đế “khổ, tập, diệt, đạo” của Thanh văn thừa thì làm gì thật có Thanh văn pháp giới.
Tâm kinh nói: “Vô trí.” Trí là độ cuối cùng trong Lục Độ Ba-la-mật, tức là pháp tu của Bồ-tát. Câu “vô trí” ở đây ý có nghĩa là: Trong Thật tướng vốn không có pháp tu Trí độ của Bồ-tát thừa thì làm gì thật có Bồ-tát pháp giới.
Tâm kinh nói: “Diệc vô đắc” nghĩa là cũng không có đắc. Chữ “đắc” ở đây có nghĩa là chứng Bồ-đề Niết-bàn. Câu “diệc vô đắc” có nghĩa là: Trong Thật tướng cũng không pháp tu để chứng Bồ-đề Niết-bàn thì làm gì thật có Phật pháp giới.
Tóm lại, Thật tướng của Chân không Tự tánh không có Năm Uẩn, không có Sáu Nhập, không có Mười Hai Xứ, không có Mười Tám Giới, cũng không có các pháp như là Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Trí, Đắc; tức là không có Lục Phàm pháp giới của thế gian, cũng không có Thanh văn pháp giới, Duyên giác pháp giới, Bồ-tát pháp giới và Phật pháp giới. Hết thảy các pháp thánh - phàm, Phật - chúng sanh đều không có, thì lẽ đâu có cái không nào của thế gian lại chẳng không?
Tâm kinh kết luận: “Dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.” Nghĩa là: Do Bồ-tát quán chiếu và thâm nhập trí tuệ Bát-nhã, thấu rõ rốt ráo, thâm sâu rằng: Phàm tình lẫn thánh kiến đều không, cho nên viên mãn Bồ-đề, trở về cái tâm “vô sở đắc,” tức là không có cái gì để được. Do tâm của Bồ-tát trụ trong “không có gì để được” nên tâm ấy không có chướng ngại, khủng bố, viễn ly mọi điên đảo mộng tưởng mà đạt đến chỗ cứu cánh Niết bàn.
Lại nữa, do trong tướng không của các pháp chẳng có những pháp thánh - phàm, Phật - chúng sanh, hết thảy các pháp thánh - phàm hay Phật - chúng sanh đều rỗng lặng, tịch diệt. Do tánh không là như vậy, nên từ phàm phu cho đến các bậc thánh đều có thể tu nhân chứng quả, viên mãn trọn vẹn. Nếu chẳng không thì việc tu nhân chứng quả sẽ chẳng có tác dụng gì cả. Bồ-tát do hành thâm trí tuệ Bát-nhã thâm sâu, chẳng còn thấy các tướng của những thứ tình kiến, phân biệt hư vọng nữa nên Tâm kinh gọi là “vô.” Chữ “vô” này chẳng có nghĩa là chẳng có tu, chẳng có chứng. Nếu hiểu lầm mà bảo người ta chẳng nên tu, chẳng có chứng là “vô” thì sẽ phá hoại chánh pháp của chư Phật, chắc chắn bị đọa trong A Tỳ địa ngục. Cho nên, chúng ta phải nên lắng nghe kỹ càng, suy nghĩ cặn kẽ lời kinh Phật dạy để không mắc phải sai lầm!
Bổn thể của Chân như Tự tánh thì thường luôn sáng tỏ, rạng ngời, không chút tối tăm, sai lầm thì gọi là “huệ.” Trong hết thảy các thứ trí huệ thì trí tuệ Bát-nhã là bậc nhất, là vô thượng thượng trí, không có trí nào sánh bằng, không có gì hơn được nổi. Do đó, thành tựu trí huệ là sự thành tựu tối thượng của việc tu đạo giải thoát. Người tu hành chỉ phải dùng trí huệ mới có thể vượt nổi biển cả Phật pháp. Thấu hiểu năm độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn) mới chỉ là hạnh để chế phục phiền não, nhưng chưa thật sự dứt đoạn phiền não, nên vẫn chưa thể thoát khỏi sanh tử. Hành nhân cần phải có trí huệ thấu đạt cội nguồn của Chân như mới có thể vĩnh viễn giải thoát. Vì muốn siêu vượt vô biên đường ác thú, nhanh đến bờ rốt ráo Bồ-đề, thoát khỏi sanh tử luân hồi, nên trước tiên Tỳ-kheo Pháp Tạng phải cầu trí huệ. Đấy đã nêu rõ ý chỉ: Chỉ có trí huệ sâu rộng, thanh tịnh mới có khả năng dứt tuyệt trần lao, nhờ đó mà người tu hành mới có thể vượt khỏi vô biên vô số các nẻo ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, chẳng còn bị đọa trong ba đường ác nữa. Vì sao người tu đạo giải thoát phải cầu trí huệ? Bởi vì chỉ có trí huệ mới có khả năng chiếu soi nội tâm, làm cho tâm mình trở nên thanh tịnh, dứt sạch hết trần lao, mà ngay khi ấy các nẻo ác liền bị đóng lấp, nhanh chóng chứng được quả giác cứu cánh. Do vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng mới nói một mạch: “Trí huệ lớn rộng sâu như biển. Nội tâm thanh tịnh, sạch trần lao. Siêu vượt vô biên đường ác thú. Nhanh đến bờ rốt ráo Bồ Ðề.”
Bồ-đề nghĩa là giác, cũng tức là trí huệ. Tỳ-kheo Pháp Tạng bắt đầu tu Bồ-tát đạo từ chỗ trụ sâu trong trí huệ chân thật, và kết thúc cũng là tại nơi trí huệ viên mãn rốt ráo này. “Bờ rốt ráo Bồ-đề” chính là giác ngộ viên mãn rốt ráo, là thấu hiểu rõ ràng nguồn gốc của cái tâm cấu nhiễm đến mức cùng tột. Thấu suốt cái tâm cấu nhiễm của chính mình đến mức rốt ráo lại chính là Bổn giác, hay còn gọi là Cứu Cánh giác. Vậy, “bờ rốt ráo Bồ-đề” chính là sự giác ngộ đến cùng tột, trọn vẹn nhất của bậc Bồ-tát viên mãn đại hạnh, tức là thành Phật. Do vậy, kinh mới nói: “Vô minh tham giận vĩnh hằng không. Sức Chánh định, tội tiêu hoặc tận,” chính là bảo chúng sanh phải nên dùng sức Niệm Phật tam muội để trừ sạch tam độc tham, sân, si và các lỗi lầm của mình.
Vô minh nghĩa là si. Thể của tâm bị si ám là vì không có trí huệ sáng suốt, nên gọi là vô minh. Vô minh, tham và giận là tam độc khiến chúng sanh mãi mãi bị đọa trong chốn luân hồi sanh tử khổ đau. Do đó, người tu hành phải có trí huệ, lại còn phải dùng sức Niệm Phật tam muội để vĩnh viễn dứt sạch tam độc (tham, sân, si), tam hoặc (kiến tư, trần-sa và vô minh) và bao lỗi lầm khác thì mới đạt đến bờ bên kia.
Tam muội là tiếng Phạn, dịch nghĩa là Chánh định hay Ðẳng Trì. Hành nhân do trì tâm vào một cảnh nên tâm không bị chìm nổi, tán loạn thì gọi là Ðẳng Trì. Người niệm Phật có được sức Ðẳng Trì hay Chánh định là do họ có trí huệ bình đẳng. Vì vậy, trong các tam muội chỉ có Niệm Phật tam muội là cao quý nhất. Niệm Phật tam muội được ví như là vua của các vị vua, là của báu quý giá nhất trong các của báu, nên kinh Ðại Tập gọi Niệm Phật tam muội là Bảo Vương tam muội. Vậy, sức Chánh định mà Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện đạt được chính là Niệm Phật tam muội. Đấy đã nói rõ, A Di Đà Phật cũng do nhờ vào sức Niệm Phật tam muội mà thành Phật. Đấy cũng đã nêu rõ, hết thảy các đức lớn lao đều xuất phát từ sức Niệm Phật tam muội. Vì thế kinh mới nói: “Vô minh tham giận vĩnh hằng không. Sức Chánh định, tội tiêu, hoặc tận.”
Chúng sanh sống trong biển sanh tử khác nào đang ở trong căn nhà lửa hừng hực bốc cháy, chẳng thể nào được an. Nay, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh trong cửu giới thoát ra khỏi căn nhà lửa. Nói ở mức độ cao hơn, ngay cả những bậc Bồ-tát địa tiền chưa đoạn hết vô minh vẫn còn thuộc thế gian, nên họ cũng cần phải nương vào Phật mới được độ thoát, huống gì là phàm phu chúng ta. Tỳ-kheo Pháp Tạng biết rõ, chỉ có tu hành thành tựu trí tuệ Bát-nhã, tức là thành Phật, thì mới có đầy đủ khả năng và các thứ phương tiện khiến hết thảy chúng sanh được sức vô úy, dẫn dắt chúng sanh lìa khổ được vui, từ mê được ngộ, thoát ra khỏi biển sanh tử, nhập vào Phật tri kiến. Vì thế, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện: “Cũng như vô lượng Phật quá khứ, làm đạo sư lớn của quần sanh, hay cứu hàm linh chư thế gian, sinh, già, bệnh, chết, chúng khổ não.” Ngài nguyện được giống như hết thảy chư Phật trong quá khứ, được làm bậc thầy của hết thảy hữu tình trong chín pháp giới để có thể cứu bạt quần manh. Muốn đạt được điều này, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện không ngừng tu học sáu cương lãnh lớn của Bồ-tát; đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ để phổ độ chúng sanh đang ở trong sáu nẻo luân hồi, hướng dẫn họ thoát ra khỏi sống chết. Sau khi hàng chúng sanh đã thoát khỏi sống chết rồi, Ngài lại nguyện tiếp tục giúp họ thành tựu viên mãn Phật đạo, nên Ngài dùng kệ tụng rằng: “Hữu tình chưa độ làm được độ. Kẻ được độ rồi khiến thành Phật.” Đấy đã nêu rõ tâm đại bi vô hạn của Tỳ-kheo Pháp Tạng, nguyện cứu vớt, gánh vác cho hết thảy chúng sanh đều đạt tới bỉ ngạn. Lời nguyện cầu thành Phật của Tỳ-kheo Pháp Tạng chính là để cứu độ chúng sanh, bởi có thành Phật mới có thể nhiếp thủ cõi Tịnh độ làm phương tiện rốt ráo hầu thành tựu sự nghiệp độ sanh.
Chư Phật Như Lai lấy đại bi làm thể, nên đối với chúng sanh phát khởi tâm đại bi, do đại bi nên sanh Bồ-đề tâm, do Bồ-đề tâm mà thành Ðẳng Chánh Giác. Chư Phật lấy nước đại bi làm lợi ích cho chúng sanh, giúp họ mau chóng thành tựu được hoa quả trí huệ của chư Phật. Hết thảy chúng sanh ví như rễ cây khô khan trong chốn sa mạc, nếu rễ của nó hút được nước thì cành, lá, hoa, quả thảy đều trở nên sum xuê. Nước ví cho Phật pháp hay trí huệ Phật, hoa quả xum xuê ví cho chư Phật. Ở đây, Ngài Pháp Tạng cũng thế, do Ngài phát khởi được tâm đại bi nên rộng hành Lục Ðộ để phổ độ quần sanh, mà Lục Ðộ Ba-la-mật lại là chánh nhân để chứng Niết-bàn. Do đó, nguyện thường luôn hành Lục Ðộ của Ngài Pháp Tạng chính là: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Lại nữa, Bố thí trị keo kiết, tham lam. Trì giới trị phá giới. Nhẫn nhục trị nóng giận. Tinh tấn trị biếng trễ. Thiền định trị tán loạn. Trí huệ trị ngu si. Vậy, thường hành Lục Ðộ cũng thì chính là: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.” Hơn nữa, tự giác giác tha là dùng sự giác ngộ của chính mình để giác ngộ khắp các chúng sanh, dùng hạnh kiểm của chính mình để dẫn dắt chúng sanh, đem công đức của chính mình để hồi hướng đến chúng sanh; đấy chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Vậy, bốn câu kệ: “Thường hành bố thí, trì giới, nhẫn, tinh tấn, định, huệ sáu Ba La, Hữu tình chưa độ làm được độ, Kẻ được độ rồi khiến thành Phật” chính là Tứ Hoằng Đại Thệ Nguyện của các đức Như Lai.
Kinh Thọ Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện chép: “Nếu các Bồ-tát dùng nước đại bi làm lợi ích chúng sanh thì có thể thành tựu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì vậy, Bồ-đề thuộc về chúng sanh.” Phật pháp được ví như nước cam lộ xuất hiện giữa chốn sa mạc làm cho các cây khô khan giữa chốn sa mạc bổng dưng trở nên tươi mát, đươm hoa, kết quả xum xuê. Do vậy nên Tỳ-kheo Pháp Tạng ở trước Thế Gian Tự Tại Vương Phật và các đại chúng trong hàng trời người, khen ngợi pháp cúng dường là cao tột bậc nhất. Có bảy món cúng dường pháp: Một là cúng dường bằng cách tu hành đúng như lời Phật dạy, Hai là cúng dường bằng cách lợi ích chúng sanh, Ba là cúng dường bằng cách nhiếp thọ chúng sanh, Bốn là cúng dường bằng cách chịu khổ thay cho chúng sanh, Năm là cúng dường bằng cách siêng tu các căn lành, Sáu là cúng dường bằng cách chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp, Bảy là cúng dường bằng cách chẳng rời Bồ-đề tâm. Nếu đem so sánh công đức cúng dường của vô lượng các thứ bằng tài vật với công đức của cúng dường pháp như thế thì chẳng thể nào sánh nổi. Vì sao? Bởi do tu hành đúng theo lời Phật dạy sẽ sanh ra chư Phật; cho nên hết thảy các đức Như Lai đều tôn trọng pháp cúng dường. Nếu Bồ-tát thực hành các pháp cúng dường như đã nói trên thì chính là thành tựu việc cúng dường Như Lai và cũng chính là thành tựu hoa quả trí huệ cho chính mình và chúng sanh. Vì vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng mới nói: “Ví như cúng dường hằng sa Thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu Chánh Giác.” Các kinh còn ví công đức của pháp cúng dường nhiều như số vi trần trong toàn bộ quả địa cầu, còn công đức của tài cúng dường chưa bằng một hạt bụi nhỏ. Một hạt bụi nhỏ thì làm sao mà so sánh nổi với tất cả số vi trần của địa cầu chứ! Tóm lại, câu kệ “chẳng bằng vững mạnh cầu Chánh Giác” chỉ rõ công đức cúng dường pháp của Tỳ-kheo Pháp Tạng vượt xa công đức cúng dường hằng sa chư thánh bằng tài vật.
Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện: “Khi an trú trong tam muội, thường phóng hào quang chiếu chúng sanh” đã nêu lên diệu đức định huệ đẳng trì, tịch chiếu đồng thời, thể và dụng bất nhị. Vì sao? Vì phóng quang là tu đức, thể của nó là tánh đức “tịch mà thường chiếu, chiếu nhưng luôn tịch.” Cõi nước Cực Lạc là Thường Tịch Quang, thân là Vô Lượng Quang Như Lai, nên dù Phật A Di Đà an trụ trong đại tịch định nhưng lại luôn phóng quang minh chiếu khắp hết thảy Phật sát trong mười phương; do vậy mà Ngài cảm được cõi Phật Tịnh độ rộng lớn, thanh tịnh. Cõi Tịnh độ, A Di Đà Phật và Bồ-tát trong cõi ấy là ba thứ trang nghiêm đồng quy vào trong một pháp cú, mà một pháp cú ấy chính là thanh tịnh cú, mà thanh tịnh cú lại chính là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Vô vi Pháp thân là thể, từ thể ấy hiện ra y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, nên kinh nói: “Cảm được chốn thanh tịnh, rộng lớn, trang nghiêm thù thắng, siêu tuyệt, chẳng đâu sánh bằng.” Thêm nữa, chỗ thù thắng siêu việt của Tịnh tông là nhanh chóng thành Phật, phàm phu vãng sanh chứng ngay bất thoái; có bất thoái mới mau chóng thành Phật nổi. Do vì chúng sanh có thoát khỏi ra luân hồi sanh tử thì mới thật sự được an lạc mà mau chóng thành Chánh Giác, nên Tỳ-kheo Pháp Tạng phổ nguyện: “Luân hồi sáu nẻo khắp quần sanh, chóng sanh cõi con thọ an lạc.”
Kinh Xưng Tán Tịnh độ dạy: “Vì các hữu tình tuyên thuyết pháp thậm thâm vi diệu để họ được lợi ích an vui thù thắng.” Kinh còn chép: “Chẳng có hết thảy khổ não nơi thân tâm, chỉ có vô lượng hỷ lạc thanh tịnh. Vì vậy, gọi là Cực Lạc thế giới.” Những điều vừa trình bày trên chính là ý nghĩa thật sự của hai tâm nguyện: “ban cho cái lợi chân thật” và “thường đem lòng từ cứu hữu tình, độ tận vô biên khổ chúng sanh” của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Hai tâm nguyện này thể hiện hoằng thệ đại từ đại bi của Ngài Pháp Tạng là thường dùng tâm từ để ban vui và tâm bi để dẹp khổ cho hết thảy chúng sanh đến tột cùng đời vị lai. Ngài nguyện thường đảm trách, cứu vớt, gánh vác, độ hết sạch chúng sanh xong rồi mới thành Chánh Giác.
“Thường” là tính theo chiều dọc bao quát hết thảy các thời gian quá khứ, hiện tại lẫn vị lai. “Vô biên” là tính theo chiều ngang bao trọn khắp hết thảy mười phương hư không. Tỳ-kheo Pháp Tạng trong hết thảy các thời, hết thảy các chỗ, đại từ đại bi độ thoát chúng sanh mãi cho đến khi độ xong tất cả mới ngưng nghỉ, nhưng thời gian vô cùng tận, không gian vô cùng tận, chúng sanh vô cùng tận, nên tâm đại từ đại bi, đại nguyện và đại hạnh của Tỳ-kheo Pháp Tạng cũng vô cùng tận. Sự thật này đã được nói trong lời nguyện của Ngài: “Hạnh của con quyết định vững bền, Duy Trí huệ Phật hay chứng tri, Ví dù thân đoạn lìa chư khổ, Tâm nguyện con hằng chẳng thối lui.”
Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện xong, liền thỉnh Thế Tự Tại Vương Như Lai chứng minh. Ngài bạch Phật rằng: Hạnh nguyện của con vốn sẵn có đủ sức kiên cố quyết định, chỉ có đức Phật Thế Tôn là đấng đã viên mãn ba giác, ngũ nhãn rạng ngời, trí huệ vô ngại mới có thể chân thật chứng minh cho con. Hơn nữa, khi Ngài Pháp Tạng phát nguyện thì đã thuộc về cảnh giới rất sâu rộng của bậc địa thượng Bồ-tát, nên những người khác chẳng thấu hiểu nổi, chỉ có thánh trí của Phật mới có thể chứng biết nổi. Ðiểm này chứng tỏ Đại sĩ Pháp Tạng diệu đức khó thể nghĩ lường, duy trừ chỉ có trí Phật mới thấu rõ. Tỳ-kheo Pháp Tạng lại thề rằng, dẫu phải bị đọa vào địa ngục thì hạnh nguyện của Ngài cũng chẳng bị thoái chuyển đã minh thị rõ: Nếu chỉ có nguyện thì nguyện ấy là hư dối. Nếu chỉ có hạnh thì hạnh ấy cũng luống uổng. Vì vậy, nguyện và hạnh phải hỗ trợ lẫn nhau thì việc tu hành mới thành tựu.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.247.82 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập