Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Những chướng ngại không thể làm cho bạn dừng lại. Nếu gặp phải một bức tường, đừng quay lại và bỏ cuộc, hãy tìm cách trèo lên, vượt qua hoặc đi vòng qua nó. (Obstacles don’t have to stop you. If you run into a wall, don’t turn around and give up. Figure out how to climb it, go through it, or work around it. )Michael Jordon
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: CÕI ÂM »»

Truyện ngắn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: CÕI ÂM

Donate

(Lượt xem: 7.456)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

CÕI ÂM

1.

Tôi tốt nghiệp đại học tài chính đúng lúc kinh tế Pháp xuống dốc. Kiếm việc lúc bấy giờ khó ơi là khó, nhớ lại mà rùng mình. Đã tưởng một khi cầm được mảnh bằng trong tay ắt đời phải phơi phới lên hương, thế mà rốt cuộc lũ sinh viên vừa ra trường vẫn phải chạy đôn chạy đáo để xin một việc làm bất kỳ mà không được, khốn nạn là thế. Tôi nộp đơn vào ngành bưu điện là ngành tréo cẳng ngỗng nhất hạng đối với chuyên môn của mình vì chẳng còn đường nào khác. Những người trên thông thiên văn dưới thông địa lý bảo: đó chính là nơi duy nhất tôi có cơ may được nhận.

Đơn gửi đi rồi, tôi dài cổ chờ. Một tháng. Rồi hai tháng. Đùng một cái, giữa tháng thứ ba, đang lui cui rửa chén ăn lương giờ cho một quán ăn Tàu, tôi nhận được giấy làm việc ở Sermages thuộc vùng Basse Normandie. Mừng khôn tả. Thiếu nỗi phát điên.

Sermages là một thị trấn nghèo, với hơn trăm ngàn dân, bé tẹo và già lão, nhà cửa ọp ẹp. Ở ven đô còn sót lại một cổng đá hộc đầy hoa phong lữ, một cái hào sâu tối om dưới bóng những gốc tiêu huyền rậm rạp, một pháo đài đổ nát không biết từ thế kỷ nào… Một thị trấn thích hợp với những ông già chờ chết, nhưng không phải với tôi.

Đồng nghiệp trong sở ăn vận chững chạc, nói năng điềm đạm, có điều rất chi hờ hững với thằng tôi lính mới cứ như thể tôi đã ở bên họ từ khươm mươi niên nào. Nói tóm lại, đó là dân Ăng Lê bên này biển Manche, những robots cổ cồn chính hiệu. Thôi thì đành tự thân vận động, được đến đâu hay đến đó, trời sinh voi trời sinh cỏ. Tôi lấy tạm một phòng hẹp gần sở, trả theo tuần, trong một nhà trọ tồi tàn, có rệp, được mỗn cái giá cũng phải chăng. Từ từ rồi sẽ kiếm cho mình một căn hộ, hoặc một ngôi nhà nhỏ, tôi tính thế. Đã đến lúc phải sống cho ra sống. Chẳng gì bây giờ mình cũng là một viên chức, dù là viên chức quèn. Sermages đâu phải nơi phồn hoa đô hội, giá nhà thuê không thể quá đắt. Vĩnh biệt những chambres de bonnes áp mái ở Paris, mùa hè như trong lò bánh mì, mùa đông tha hồ diện áo ấm trong nhà, nơi trú ngụ của bộ lạc sinh viên nghèo.

Tìm nhà ở đây tưởng dễ, hoá không phải. Lang thang đến vẹt gót giày trong cái tỉnh lỵ bằng cái giạng đái, nói ngoa theo cách người xưa, thế mà hai tháng qua cái vèo vẫn chưa kiếm được chỗ nào ưng ý. Nhà ở cũng như đàn bà, người mình ưng thì không ưng mình, người ưng mình thì mình lại không ưng.

May cho tôi gặp được Ngoạn.

Ngoạn cho biết: ngoài anh và tôi ra, ở chốn đèo heo hút gió này không có một người Việt nào khác. Giúp tôi là nghĩa vụ người đến trước, anh vỗ vai tôi đồm độp, nói bằng giọng đàn anh che chở. Được ăn nhiều thịt hươu thịt vượn từ tấm bé trước khi vượt biên đến xứ này, tôi nghe vậy biết vậy, chứ chẳng mấy tin.

Thấp, đen, cục mịch, với một sợi lông dài mọc ra từ một nốt ruồi trên má, Ngoạn giữ nguyên dáng dấp một ông phó cối vùng đồng bằng Bắc bộ ngày xưa, mặc dầu anh đã ở Pháp trên hai mươi năm. Ngoạn làm nghề sửa chữa vặt trong nhà, người Pháp gọi là plombier. Một thằng không bằng cấp, lại vợ đầm (tốn hơn vợ ta nhiều), hai con nhỏ (tốn hơn con ta nhiều), làm plombier là tốt nhất, anh bảo thế. Plombier là thợ đặt đường ống, theo nghĩa nguyên thuỷ, nhưng plombier làm tuốt tuột mọi việc linh tinh lang tang như mở khoá hóc, đặt hố xí, sửa chữa cửa rả, chạy dây điện ngầm…

- Giờ công việc oải lắm, cậu ơi. Kinh tế mà đã xuống thì kiếm tiền bằng nghề chó nào cũng vất - Ngoạn tâm sự trong một quán cà phê, nơi mọi ghế ngoài vỉa hè đều xếp quay mặt ra đường, rất Paris - Cậu ngồi bàn giấy, trông thì bảnh, cơ mà chông chênh lắm… Mất việc lúc nào không biết. Ngay cả với nhân viên nhà nước.

Tôi buồn rầu hình dung cái viễn cảnh ấy. Dễ như Ngoạn nói lắm.

- Mất việc thì đi làm với tớ – thấy tôi thở dài, Ngoạn an ủi - Nghề tớ không sang, khó thì khó, vẫn còn có đồng ra đồng vào…

- Anh Ngoạn ạ, gặp anh tôi thật may.

- May cái con khỉ. Này, đừng gọi tớ là Ngoạn, phải gọi là Nô Ăng, theo cách bọn Tây gọi, chứ không thì đến con vợ tớ nó cũng không hiểu. Bọn Tây không phát âm được vần ng, chúng nó đổi béng cái tên của tớ thành Noan. Cho tiện. Được nghe cậu gọi tớ bằng tên cúng cơm, thấy đã con ráy.

Tôi kể nông nỗi đi tìm nhà. Anh gật gù, suy nghĩ.

Một tuần sau anh gọi điện cho tôi biết đã tìm được một căn nhà ngoại ô.

- Mình xem mấy cái, ưng được cái này. Một đôi thì vừa xinh. Một mình thì quá rộng. Ở lâu được, không phải kiếm chỗ khác.

- Nhà nhiều phòng?

- To đùng.

- Tôi chưa định lấy vợ. Nhà to thì tiền to, hãi lắm.

- Đã biết là bao nhiêu mà rộn. Rẻ rề hà.

Tôi chờ Ngoạn cho tôi biết tiền nhà, nhưng anh không vội nói ra.

Anh miêu tả căn nhà, bảo:

- Không sang, được cái rẻ.

Anh xướng lên giá thuê. Tôi trợn mắt.

Làm sao Ngoạn có thể tìm được ngôi nhà với giá hời đến thế?

- Làm plombier chẳng khác gì làm anh cắt tóc, tha hồ nghe, đủ chuyện tào lao thiên tôn. - Ngoạn nhẩn nha giải thích - Chủ nhà nào cũng thế, cũng hay tâm sự vụn trong lúc ngó nghiêng mình làm việc. Nhất là các ông bà già. Mình nói có ông bạn cần nhà, thế là người nọ mách, người kia mách, chỉ còn có việc nhấc điện thoại mà hỏi. Giỏi gì đâu.

Những ngôi nhà tôi đã xem cái nào cũng đắt, giá thuê nếu không gấp ba trung bình thì cũng gấp đôi. Tiếc nỗi, từ căn nhà ngoại ô này đi bộ đến sở tính ra mất gần một tiếng, gặp xe buýt thì cũng phải hai mươi phút. Xe buýt ở đây thưa, nửa giờ một chuyến, lại hay đỗ vặt.

Nhà sẵn đồ đạc, nhiều nữa là khác. Đến nỗi Ngoạn định sẻ cho tôi một ít đồ dùng ở nhà anh, rốt cuộc chẳng phải mang đến thứ gì.

Đưa cho tôi chìa khoá, ông già chủ nhà dặn:

- Mọi thứ ở đây ông cứ việc dùng. Điều kiện duy nhất là đồ đạc trong nhà xin ông đâu để nguyên đó, đừng xê dịch. Nếu ông không chịu thì coi như vụ này không thành.

Tôi chấp nhận điều kiện ấy ngay lập tức, như bất cứ người thuê nhà gặp giá rẻ nào. Thế này là tốt quá rồi, khỏi phải lang thang các siêu thị, rẽ vào các cửa hàng đồ cũ, tha lỉnh kỉnh trăm thứ bà rằn về nhà.

2.

Thế mà rồi tôi quên bẵng lời hứa.

Ở được vài hôm, thấy cái giường đặt ở vị trí đối diện lò sưởi là không phải lối, tôi quyết định dịch nó ra bên cửa sổ, vừa có nhiều khí trời, vừa nhiều ánh sáng, đi làm về có thể nằm ườn ra đọc sách mà không cần phải bật điện. Cái tivi cổ lỗ, thuộc thế hệ tivi màu đầu tiên, to như một tủ lạnh, cũng cần đẩy qua bên phải một chút, xoay lại vị trí để cái màn hình đã bạc phếch không bị phản quang do ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào.

Một đêm, chợt thức giấc, tôi thấy có bóng người ngồi thu lu trong chiếc ghế bành đặt bên lò sưởi. Nửa tỉnh nửa mê, tôi nhận ra đó là một người đàn ông đứng tuổi vận áo choàng đen, đội mũ phớt. Tôi nổi da gà. Tôi ở một mình, cửa đóng then cài, làm sao có người vào được?

Trong ánh sáng mờ mờ của sao trời chiếu qua cửa sổ tôi thấy người đó không có vẻ một tên trộm. Trộm gì mà bình thản đến thế trong căn nhà nó đột nhập?

Những gì tôi đọc được thì trong tình huống như thế này cách xử sự khôn ngoan nhất là vờ ngủ say. Người vờ ngủ say, cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, trong mọi mối quan hệ cá nhân cũng như quan hệ xã hội, người sống theo nguyên tắc ba không - không biết, không nghe, không thấy – bao giờ cũng tìm được lối thoát an toàn.

Mắt hé mở, tôi nhìn thấy tên trộm yên vị một lúc lâu trong bóng tối. Ngồi chán, hắn đứng lên, đi đi lại lại, dáng suy nghĩ, đầu hơi cúi, bàn tay phải đưa lên gãi cằm. Rồi đến bên lò sưởi, hắn nhấc từng thứ trên đó lên mà ngắm nghía. Đầu tiên, hắn ngó nghiêng quan sát kỹ tượng cô vũ nữ pha lê với cánh tay trần bị gãy đã được gắn lại bằng keo trong, rồi đến cái bloc lịch bằng gỗ mà thời gian chết cứng với ngày tháng không đổi, thứ lịch không có năm nên không thể biết được nó dừng lại từ năm nào... Trên lò sưởi là cả một lô một lốc đồ không tên, không biết có tự bao giờ, không hiểu được dùng vào việc gì, tất cả chen chúc nhau trên một diện tích bé nhỏ. Cái nào cũng được tên trộm nhấc lên xem xét với vẻ trìu mến. Đáng ngạc nhiên là hắn không bỏ bất cứ thứ gì vào túi. Xem xong cái nào hắn lại nhẹ nhàng đặt vào chỗ cũ. Cái đáng giá nhất trong số những đồ vật ấy là cái ví của tôi, thì hắn thậm chí không thèm cầm lên.

Sau đó tên trộm đi một vòng căn nhà. Rồi lặng lẽ nhìn về phía giường tôi bằng cái nhìn không mấy thiện cảm, tôi không nhìn rõ nhưng cảm thấy thế bởi điệu bộ lầm lì của hắn.

- Hừ.

Hắn phát ra một tiếng duy nhất kể từ lúc tôi thấy hắn.

Thế rồi hắn bắt đầu cúi xuống. đẩy cái tivi trở lại chỗ cũ. Sau cái tivi là cái ghế bành. Công việc rõ ràng nặng nhọc, tôi nghe hắn thở phì phò. Xong cái ghế, hắn tiến về phía chỗ tôi nằm. Một bầu không khí lạnh lẽo trùm lên tôi, càng lúc càng lạnh hơn, cùng với bước chân nhẹ như bước chân mèo của hắn. Trong khi hắn cố gắng đẩy, tôi có cảm giác thân hình hắn phình to dần, to mãi, trùm lên cả cái giường đang nhích đi từng chút một. Trong bóng đêm dày đặc ở chỗ tôi nằm, cặp mắt hắn gắn chặt vào mặt tôi.

Tôi hét lên, chồm dậy, giơ tay vớ công tắc đầu giường.

Đèn bật sáng. Tên trộm biến mất. Tôi run rẩy, mãi mới xỏ chân được vào dép, nhìn quanh căn phòng trống rỗng. Thở hổn hển, người lạnh toát vì sợ, tôi quỳ xuống, ngó vào gầm giường. Chẳng có quái gì hết.

Tôi đi sang phòng ăn, vào bếp, vào phòng ngủ vẫn để trống từ khi tôi dọn đến. Không có gì hết. Kiểm tra lại mọi khoá cửa thấy vẫn y nguyên.

Tôi ngồi phịch xuống giường, toàn thân ướt đẫm mồ hôi lạnh.

3.

Tôi không kể cho Ngoạn nghe chuyện xảy ra. Tôi ngượng. Khi người đàn ông sợ ma, thiên hạ sẽ nhìn hắn như con nít.

Câu chuyện ban đêm tôi vừa kể không phải đến đấy là hết. Sau lần ấy là những lần khác.

Bây giờ tôi đã biết đích xác tên trộm là ai - một hồn ma. Ma thật sự. Các nhà bác học đeo kính trắng trong các phòng thí nghiệm giải thích hiện tượng hồn ma theo đủ mọi cách, thậm chí với những sở cứ có vẻ khoa học, tôi đã đọc. Nhưng tôi là thằng thực tiễn – tôi thừa nhận cái tôi thấy, giải thích cách gì đối với tôi cũng bằng thừa.

Khốn nạn cho tôi là ở chỗ, sau khi thừa nhận sự hiện hữu của con ma nọ, tôi chẳng biết phải làm gì nó? Đánh nhau với nó thì không được rồi – ai cũng biết ma chỉ là cái bóng. Chỉ còn nước bỏ ngôi nhà này mà đi? Để rồi bắt đầu lại, một lần nữa, cuộc lùng kiếm chỗ ở mới, rất mất thời giờ, nghĩ đến đã phát ớn?

Hồn ma nọ còn hiện về vài lần nữa, lần nào cũng như lần nào, với những cử chỉ lặp lại. Hắn rõ ràng chẳng có ý làm khó cho tôi. Hắn lẳng lặng làm công việc hắn muốn làm, và chỉ có thế. Như tôi đã kể, hắn hiền lành cầm các đồ vật lên ngắm nghía, hì hục đẩy các đồ bị xê dịch về chỗ cũ, một cách bực dọc và hoàn toàn vô tích sự – hôm sau tôi vẫn thấy chúng ở nguyên chỗ. Hắn có vẻ một hồn ma đứng đắn. Mọi cử chỉ của hắn đều khoan thai, chững chạc.

Thôi thì thây kệ, tôi nghĩ, mặc cho hắn làm cái việc hắn muốn. Xét cho cùng, sự hiện diện của hắn đâu có gây ra điều gì tệ hại cho tôi? Nếu hồn ma không đủ sức đẩy đồ vật thì hắn có thể làm được gì với tôi, một thằng người trên sáu chục kí lô?

Có điều sau mấy lần quan sát hắn đánh vật với mấy thứ bị tôi dịch chuyển, tôi đâm ra ái ngại cho hắn. Hắn quá vất vả. Mà hoài công. Nếu là tôi, tôi sẽ vứt ngay cái công việc vô tích sự và mất sức ấy. Hì hục như thế để làm gì cơ chứ?

Còn tôi, tại sao tôi không thể giúp hắn một chút? Gì thì gì, để hắn khốn khổ thế là không nên. Làm người phải có lương tâm. Nghĩ rồi, tôi làm liền, tức là đẩy trả lại mấy đồ vật về chỗ mà hắn muốn.

Đêm đến, hồn ma nghiêng ngó ngắm nghía cái tivi, cái ghế bành, cái giường. Hắn phát hiện ra sự thay đổi vị trí. Hắn tỏ vẻ hài lòng. Thay vì kiểm lại những đồ vật trên lò sưởi, hắn đi bách bộ trong phòng. Trông dáng đi của hắn, nhẹ nhàng chứ không uể oải, hơi nhún nhẩy nữa là khác, tôi biết hắn vui. Hình như hắn còn huýt sáo miệng nữa.

Cuối cùng, xoa hai tay vào nhau, hắn quyết định đi về phía tôi nằm.

- Này ông bạn!

Tôi nghe hắn dừng lại ở chân giường.

- Đừng có giả vờ, tôi biết thừa…

- Hừm, - tôi ọ ẹ - Tôi ngủ hay tôi thức mắc mớ gì tới ông?

- Ông bạn này – hắn định đặt tay lên vai tôi, nhưng nghĩ sao, hắn rụt tay lại - Dậy đi!

- Hừm - tôi lại nói.

Lạ một cái là tôi không cảm thấy sợ như lần đầu thấy hắn. Nhìn vóc dáng hắn thì thấy hắn đã ở tuổi về già. Hắn có vẻ hiền lành, không phải là loại trẻ để có thể giở trò nghịch ngợm vô trách nhiệm.

- Ông bạn tốt hơn là tôi nghĩ đấy.

- Hừm – tôi đáp, vẫn nằm yên chỗ.

- Này - hắn gọi tôi – nhà có cà phê không?

- Cà phê hử? Có – tôi che miệng ngáp, vẫn giả giọng ngái ngủ.

- Tuyệt! – hắn nói, lại xoa hai tay vào nhau, vẻ hài lòng.

- Capuccino, được không? – tôi hỏi hắn một cách không nhiệt tình.

- Capuccino? – hắn hỏi lại.

- Có hộp capuccino hoà tan đấy. Ở trong tủ…

Hắn nhún vai:

- Capuccino hoà tan? Ồ, không, tôi không bao giờ xài loại ấy.

- Tôi không có thứ nào khác.

- Cả đời tôi chỉ uống expresso. Không dễ gì mà bỏ một thói quen lâu ngày như thế.

Đúng là một hồn ma Pháp. Hồn ma Anh sẽ không đòi cà phê, mà trà sữa.

- Ờ, thói quen là thứ không dễ bỏ - tôi lầu bầu - Nhưng đào đâu ra expresso bây giờ? Phải ra tận ga mới có một quán cà phê đêm, ông ơi. Mà là cà phê Thổ, loãng toẹt.

- Đi uống cà phê vào giờ này ấy à? Có mà điên. Nhà có cà phê bột không?

- Có. Tôi mới mua, hàng hạ giá. Pha kiểu Thổ ư?

Hắn lắc đầu:

- Không. Tôi không thích. Trong nhà có máy pha expresso, ông không biết à?

- Không.

- Có đấy. Để tôi chỉ cho ông bạn. Hoá ra ông là một thằng lười - hắn càu nhàu - Ở trong nhà ngần ấy thời gian mà không thèm biết có thứ gì, ở đâu…

- Cái đó đúng, tôi vốn lười.

- Dậy đi!

Tôi uể oải ngồi dậy. Trong phòng tối om. Tôi sờ soạng tìm công tắc điện. Hồn ma giơ tay ngăn:

- Đừng bật đèn. Tôi không thích ánh sáng. Thắp nến đi, nếu ông muốn. Ông biết nến ở đâu chứ?

- Không.

Hắn cười hí hí, hoặc tôi có cảm giác như thế. Tôi nghe thấy tiếng của tôi phát ra, chứ tiếng của hắn thì không. Tưởng chừng nghĩa của câu nói phát ra từ miệng hắn đi thẳng vào nhận thức của tôi, thứ lời nói không mảy may làm rung động không khí.

Hắn dẫn tôi vào căn phòng nhỏ, thứ phòng chứa đồ, mà tôi chưa hề ngó tới vì sự ngổn ngang trăm thứ bà rằn trong đó. Hắn chỉ cho tôi chỗ để mấy hộp nến. Rồi hắn chỉ tiếp cho tôi lấy ra trong hộc một cái tủ xiêu vẹo, một cái máy pha cà phê Krups nằm bên dưới đủ thứ đồ tập tàng. Thứ máy cổ lỗ sĩ này chẳng còn ai dùng, áp suất hơi của nó quá thấp.

Tôi vào bếp, bật ga, đun nước. Hắn uống cà phê, còn tôi sẽ uống trà đen. Uống cà phê lúc này có mà thức đến sáng.

Hắn đứng gần tôi, ngay bên cạnh. Tôi rất muốn nhìn xem mặt hắn thế nào, mà ngại. Biết chỗ để nến rồi tôi cũng không muốn thắp lên là vì thế. Tôi sợ nhìn thấy một cái đầu lâu với hai hố mắt sâu hoắm như những hồn ma trong phim kinh dị của Mỹ. Những hồn ma Mỹ thường giống nhau, chắc hẳn do người Mỹ tiết kiệm, phim nọ dùng lẫn chế vật của phim kia. Một cái đầu lâu dưới vành mũ sùm sụp chắc hẳn rất gớm ghiếc. Hình như hắn dễ coi hơn, dưới vành mũ là một cái mặt chứ không phải một cái đầu lâu, tôi nhác thấy nó trong một thoáng, do vô tình, lúc chúng tôi đi song hàng.

Hắn hài lòng thưởng thức ly expresso. Hắn uống chậm, từng hớp nhỏ. Với tư cách chủ nhà, tôi hài lòng thấy khách hài lòng. Chúng tôi ngồi cách nhau mấy bước, hắn – trong ghế bành, tôi – trên ghế tựa.

- Ông bạn, e hèm, biết nói thế nào nhỉ, ừm…

- Sao?

Hắn gãi đầu:

- Tức là, tôi muốn nói, ông là người, hì hì … kể ra… cũng được đấy!

- Ông quá khen.

Hồn ma gật gù:

- Trước hết, tôi phải cảm ơn ông.

- Ơn huệ gì!

- Ơn chứ. Rốt cuộc, rồi ông đã chiều theo ý tôi trong việc trả lại mấy thứ nọ về chỗ cũ. Tính tôi thế: tôi không thể nào chịu được khi thấy đồ đạc bị di chuyển khỏi chỗ mà tôi đã chọn cho chúng.

- Có thể đó là một tính tốt. Ít nhất thì nó cũng là một cái quyền mà người ngoài không nên xâm phạm.

Hắn cười.

- Tôi không nghĩ rằng ông làm việc tốt cho tôi nhờ lý trí mách bảo. Ông hiểu chứ? Hừm, biết nói thế nào nhỉ, ở ông ấy, trong việc làm tốt đối với tôi có sự dự phần của tấm lòng, nhờ vào khả năng biết cảm thông với tha nhân, hay nói cách khác, khả năng tìm ra cách hành xử phải đạo do biết đặt mình vào vị trí kẻ khác….

Lời khen của hắn làm tôi bối rối. Tôi ngượng.

- Đó chẳng qua là sự lui bước của tôi trước sự kiên trì đáng nể của ông thôi. Hoặc là sự thoả hiệp với tình thế bất khả kháng…

Hắn nhún vai:

- Ông khiêm tốn. Điều đó có lợi cho ông. Nhờ khả năng đáng quý ấy ông vượt qua được cảm giác sợ…

- Tôi chưa hiểu ý ông.

- Có gì mà không hiểu. Ông thú nhận đi, lần đầu ông thấy tôi ông đã sợ tôi, sợ muốn chết…

Hắn dùng thời quá khứ khi nói rằng tôi đã sợ hắn. Quả thật bây giờ, không hiểu sao, cảm giác ấy không còn. Tự nhiên, tôi không thấy sợ hắn nữa.

Nghĩ cũng lạ, thoạt đầu tôi còn hơi sợ một tí, giờ thì không sợ chút nào. Tôi lý luận: nếu không phải một vật thể, cái bóng ngồi trước mặt tôi kia chỉ là một khái niệm. Sợ một khái niệm là dở hơi. Ma, với tôi, và với rất nhiều người, chỉ là một khái niệm. Còn hơn thế, một khái niệm rất đỗi mù mờ.

- Vâng, tôi đã sợ ông. – tôi gật đầu - Đúng thế. Nhưng khi thấy ông quá vất vả xử lý mối mâu thuẫn giữa hai ý muốn của tôi và của ông, thì tôi đâm ra ái ngại.

- Hay thật!

- Khi tôi ái ngại thì cảm giác sợ hãi biến dần. Rồi hết. Ở đời, ông ạ, xét cho cùng, có lắm cái đáng sợ hơn nhiều…

- Chính xác - hắn gật gù.

- Có thể còn có một nguyên do khác. Ông không biết chứ tôi đã từng sợ, sợ nhiều thứ, sợ bóng sợ gió, sợ tất cả, sợ lắm lắm.

- Mon Dieu, Trời ạ.

- Không phải mình tôi, cả thế hệ chúng tôi sợ, còn hơn thế, cả một giống nòi tôi sợ, ông hình dung nổi không: cả-một-giống-nòi? Không hả? Chúng tôi được huấn luyện từ tấm bé để mà sợ.

- Có chuyện ấy à?

- Kết cục là chúng tôi không phải chỉ sợ cái đáng sợ, chúng tôi còn sợ cả những cái chẳng có gì đáng sợ nữa. Trong ngôi nhà của mình, chúng tôi đi lại len lén. Trong thành phố của mình, trong nhà của mình chúng tôi nói chuyện với nhau bằng giọng thì thào, nhìn trước nhìn sau, chúng tôi theo dõi những câu nói của chính mình, lúc nào cũng e phạm phải điều gì cấm kỵ, và lo lắng nhỡ điều đó bị phát giác, bị bẩm báo...

- Khiếp. Đến thế kia ư?

- Hì hì, tôi biết mà, ông mù tịt về cái đó, ai không nếm trải nỗi sợ ấy người đó chắc chắn không hiểu nổi. Cả ông nữa, ông cũng không phải ngoại lệ, cho dù ông có là… - tôi định nói “cho dù ông có là ma”, nhưng kịp kìm lại - Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn. Khi sợ quá nhiều và quá lâu, người ta ắt trở thành dạn dĩ, chẳng sớm thì muộn…

Nhìn hơi nước lởn vởn trên miệng tách cà phê của hắn, tôi nhắc:

- Ông uống đi kẻo nguội.

- Tôi đang uống đây. – hắn nói và cúi xuống nhắp một ngụm – Phải thú thực với ông: khi thấy ông sợ tôi, tôi cũng khoái. Đến khi ông không sợ nữa, thì, ông biết không, tôi hơi buồn một chút. Con người ta bao giờ cũng khoái được thấy người khác sợ mình. Ông nói tiếp về cái sợ của ông đi.

Hắn nói “con người ta” ngon lành, như thể hắn không phải là ma.

- À, cái sợ… Nó khủng khiếp một cách âm thầm. Tức là, người ta sợ đấy, mà bề ngoài thì như không. Tôi biết có người chỉ nói hớ có một câu xét cho cùng là vô thưởng vô phạt, vậy mà anh ta sợ đến phát khùng, anh ta cứ đinh ninh rồi sẽ phải trả giá đắt cho câu nói ấy, anh ta dỏng tai nghe ngóng mọi phản ứng, cho đến khi biết chắc rằng chẳng ai nghe thấy nó hết…

- Sợ là một xúc cảm tồi tệ. Tệ hơn bất cứ cảm xúc nào - hắn trầm ngâm - Nó hạ thấp con người.

- Đúng thế. Điều khả dĩ có thể an ủi ta là kẻ bắt người sợ mình xét cho cùng lại chính là kẻ cũng sợ… một kẻ khác chẳng hạn. Thật vớ vẩn, phải không ông?

Tôi triết lý vụn, rồi cười cái triết lý của mình. Hắn gật gù cười theo.

- Ông có thể kể cho tôi nghe đôi điều về cái mà chúng tôi gọi là cõi âm của ông không? – cà phê kích thích tôi, hay là cái gì khác: nỗi buồn man mác chợt đến trong đêm, hay nỗi chán ngán một cái gì không biết và còn hơn thế, không hiểu – Với tôi, câu trả lời của ông hẳn sẽ rất thú vị.

- Ông nói ông lười cả tò mò cơ mà.

- Tôi vẫn lười, cả trong sự tò mò này. Nếu ông không muốn kể, tôi sẽ chẳng vật nài. Tôi không tò mò đến cùng. Tôi chỉ tò mò nhân tiện mà thôi.

Hắn có vẻ suy nghĩ. Trong bóng tối tôi vẫn chưa thấy mặt hắn. Nửa trên bị vành mũ che khuất, còn nửa dưới thì lẫn vào màu đêm.

- Chẳng có gì đặc biệt đâu ông ơi. – hắn nói sau một ngụm cà phê – Nó, cõi âm, chỉ là cái âm bản của sự sống mà ông biết. Các ông sống, còn chúng tôi sống lại cái sự sống đã qua. Những cư dân của cõi âm không bao giờ biết đến cái gọi là tương lai. Đối với chúng tôi tất cả đều là quá khứ. Chúng tôi sống trong cái khuôn của thời hiện tại-quá khứ nơi mỗi người.

- Tại sao lại như thế?

Hắn cười hích hích:

- Tại sao, tại sao? Ông cứ như một đứa trẻ vậy.

- Nhưng mà tại sao chứ?

- Tại vì chúng tôi đã có tất cả những gì chúng tôi từng có, từ điểm khởi đầu cho tới chỗ kết thúc. Chúng tôi chỉ tồn tại bên trong biên cương của cái khoảng ấy mà thôi.

- Thế thì chán quá nhỉ?

Hắn có vẻ phật ý:

- Không chán hơn nơi người sống đâu. Ông không gặp những người còn sống phây phây mà cuộc đời lại gắn chặt với quá khứ đến nỗi gỡ không ra à?

- Ờ, cái đó quả có thật. Chẳng hạn như lão tổng thống quá cố của chúng tôi, những năm cuối đời lão ta chẳng biết làm gì khác ngoài việc vỗ ngực khoe những việc lão làm… Mà có tốt đẹp gì cho cam.

- Tôi biết lão - hắn ngắt lời – Ở cõi âm chúng tôi di chuyển nhanh lắm, như chớp ấy, hoặc nói theo cách bây giờ, nhanh hơn ánh sáng, ông không tưởng tượng nổi đâu. Nhưng tôi không khoái chơi với lũ ngợm ấy. Tôi tởm. Có một thằng cha lúc nào cũng lảm nhảm “Bóp chết từ trong trứng! Cho tuốt vào nhà đá! Bắn bỏ!”, hắn la hét suốt. Khốn nạn, có hồn ma nào buồn nghe hắn đâu. Tuy nhiên, về một mặt nào đó, chúng tôi giống nhau, đáng chán là thế … Tuy chúng tôi không sống bằng quá khứ như hắn, nhưng tựu trung mọi hồn ma đều là những kẻ sống trong quá khứ…

- Thế còn cháo lú? – tôi rụt rè hỏi - Chuyện đó thế nào?

- Cháo lú? – hắn hỏi lại – À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói cái món súp miễn phí ở đầu đường vào cõi âm.

Tôi ngạc nhiên:

- Vào cõi âm cũng phải đi qua một cái ngưỡng, tựa hồ biên giới giữa các quốc gia sao?

Hắn nhìn tôi, tủm tỉm:

- Đại khái vậy. Nhưng cõi âm là một quốc gia đặc biệt, ở đấy không có bất cứ sự phân biệt nào trong mọi nhóm dân cư của nó, không màu da, không chủng tộc, không giàu nghèo, không có sự phân biệt giữa VIP và dân thường. Đi vào đó không phải trình hộ chiếu có visa…

- Có phải ăn cháo lú xong thì linh hồn sẽ quên sạch mọi sự đời?

- Không một thứ thuốc an thần nào có thể sánh với nó, cái cháo lú ấy - hắn nói với giọng pha chút khoe khoang - Ông tưởng chỉ ở cõi âm mới có cháo lú sao? Ở cõi dương cũng có đấy. Nó được trộn lẫn vào các bài báo, các làn sóng phát thanh, các chương trình truyền hình, các cuốn sách…

- Ồ, cái đó thì tôi biết quá đi chứ!

- Ở cõi dương cháo lú còn có một chút lừa mà người tỉnh táo biết được, ở cõi âm người ta không lừa ai. Ai chả biết rằng cuộc đời nào cũng vậy, chẳng nhiều vui thú, húp một đĩa cháo lú là sẽ quên sạch mọi ưu sầu. Nó chẳng qua là thứ cháo thí cho những linh hồn đau khổ. Chao ôi, ông không tưởng tượng nổi đâu. Các linh hồn xô đẩy, chen lấn, tranh nhau thứ cháo miễn phí ấy. Cảnh tượng phải nói là khủng khiếp. Thậm chí họ còn xô đẩy nhau để được nhận suất cháo phát chẩn, nhà bếp luôn tay múc không kịp…

- Còn ông?

- Không. Tôi không húp.

- Tức là, không bắt buộc?

- Đâu có. Bắt buộc chứ. Nó là cái lệ cho tất cả.

- Nhưng bằng cách nào ông không…

- Dương sao âm vậy, ông ơi, đã không muốn thì cũng có cách để tránh. Mấy anh chàng trông coi vụ phát chẩn cũng như những công chức, họ chắp tay sau lưng đứng nhìn, thỉnh thoảng la hét vài tiếng lấy lệ. Chỉ cần láu cá một chút, lăng xăng thay đổi chỗ xếp hàng, làm ra vẻ mình đã húp rồi... Bọn lãnh tụ, vua quan mà tôi nói ấy, sở dĩ còn nhớ quá khứ là vì chúng vẫn giữ nguyên thói trí trá khi còn sống.

- Hay nhỉ? Tôi hiểu. Vì không ăn, ông nhớ được tất cả?

Hắn gật. - Ờ… Tôi giả vờ húp vội húp vàng cho xong - im lặng một lát, hắn tiếp -Lừa lúc thiên hạ không để ý thì quay mặt đi mà nhổ ra.

- Nhưng ông vừa nói: thứ cháo đó tốt. Nó có mục đích nhân đạo.

- Ông nói “nhân đạo”? Những kẻ chế ra cháo lú, ở cõi dương cũng như ở cõi âm đều muốn mọi người nghĩ chúng nhân đạo, chúng làm tốt cho mọi người. Ông hãy hình dung một con người không nhớ gì hết, không còn phân biệt tốt xấu hay dở, không biết mình là ai…

- Ờ nhỉ, thế thì chán thật.

- Tôi không húp vì tôi còn mấy việc dang dở. Tính tôi thế, làm cái gì chưa xong thì trong lòng bứt rứt. Chẳng hạn như cái tượng vũ nữ ba lê này. Tôi rất thích nó. Đặt nó lên đĩa hát đang quay, trông nó sống lắm, cứ như nó đang múa thật. Một hôm tôi vô ý đánh rơi, làm nó gãy một tay. Tôi đã thử gắn lại bằng mọi thứ keo, chẳng cái nào cho hiệu quả ưng ý. Ông nhìn kỹ thì thấy cái tay gãy tôi gắn hơi lệch.

- Ông muốn làm nốt những việc ấy?

- Phải. Nhưng tôi nhầm.

- Ông không gắn lại được?

Hắn buồn bã thở dài:

- Nhầm là nhầm thế này. Đã vào trong cõi âm rồi thì mọi việc trần thế là xong tuốt, chẳng còn cái gì làm tiếp, làm thêm, được nữa. Chỉ có thể nhớ lại thôi. Nhưng nhớ tuốt tuồn tuột quá khứ, cái gì cũng nhớ, thì ngán lắm. Những bước gian truân mình đã nếm trải nay lại trở về với nó lần nữa, rồi lần nữa, như một cuốn phim phải xem đi xem lại… Hay một cuộc tình đã xa, nay tự nhiên phải nhớ lại, chẳng cần ai nhắc cũng nhớ, với đầy đủ chi tiết, và hàng trăm lần y như nhau… Ối giời, mệt vô cùng. Người tình của mình thì đã húp sạch sành sanh đĩa súp lú, gặp mình, nàng ngơ ngác: “Ủa, ông là ai”?

Một đêm khác, tôi hỏi hắn:

- Ông bạn này, một con ma, xin lỗi, tôi muốn nói một linh hồn, có thể phù hộ cho một con người không?

- Ông định lợi dụng tôi đấy hử? - hắn chặn ngang, cười hích hích - Ông định nhờ tôi cái gì đây? Một dãy số loto độc đắc? Một áp phe có lợi?

- Không, ông hiểu nhầm rồi – tôi vội vã cải chính - Tôi không có ý ấy. Tôi chỉ tò mò thôi.

- Ông tò mò hơi nhiều – hắn hấm hứ.

- Chả là tôi muốn kiểm chứng điều thiên hạ tin - đành phải phân trần với hắn - Ông không thấy những người đến với Chúa, với Phật cùng mọi thứ thần thánh trong mọi thứ đền thờ không phải chỉ để tỏ lòng ngưỡng mộ, sùng kính hay sao? Ông không biết rằng họ đến đấy chỉ để mua bán sao? Họ mặc cả với tất tần tật các thứ đấng thiêng liêng: nếu tôi được hưởng ân huệ của các vị, tôi hứa sẽ cúng các vị cái này cái kia. Cái này hay cái kia ấy bao giờ cũng phải lớn tương xứng, hoặc nhiều hơn, so với ân huệ mà họ chờ đợi được hưởng… Ân huệ to thì vật hiến tế phải to.

- Tôi biết chứ – hắn nhún vai - Nói đến cái lũ khốn nạn ấy làm gì!… Bậy! Bậy hết. Lũ ấy nghĩ về thần thánh của chúng, hệt như thần thánh là những chủ tiệm ở chợ trời, có thể mặc cả thoải mái.

- Cũng có người nhờ cầu khẩn mà được đấy.

- Đó là sự trùng hợp của những ngẫu nhiên. Người chết rồi, linh hồn, hay là ma, không trừ cả thần thánh, cũng y như tôi đây này, chẳng có sức lực gì hết, chẳng làm nổi cái gì hết. Ông thấy rồi đấy, chỉ đẩy một cái ghế dịch đi một li mà tôi cũng không làm nổi…

Lời thú nhận của con ma thực thà na ná một dạng báng bổ.

- Tôi hiểu rồi, vì thế ông chỉ còn cách ngắm nghía các đồ vật xưa cũ cho hết ngày, à quên, hết đêm, phải không?

- Tôi còn biết làm cái gì khác hở ông bạn thân mến? - hắn nhún vai trước câu hỏi, theo hắn là dớ dẩn – Nó là cái nghiệp của tôi. Đồng thời, khốn nạn cho tôi, cũng lại là thú vui của tôi.

Nghe giọng hắn thì biết hắn lại bực mình. Lý luận gì mà lăng nhăng, cù nhầy, chắc hắn nghĩ thế.

- Ông không thấy những người sống cũng có cái thú vui ấy ư? – hắn nói tiếp, không phải hắn hỏi - Có một thằng cha ở gần đây này, tôi không quen hắn, nhưng tôi quen bố hắn. Hắn viết được độc một cuốn sách, đưa ra những ý tưởng điên rồ, lạ tai lạ mắt, bằng cách chửi khắp thiên hạ, gây ra được một sự ồn ào khá lớn ở những kẻ đần độn, hắn khoái lắm. Nói cho đúng, người khen thì ít, người chê thì nhiều. Thiên hạ bình phẩm thế nào hắn tuyệt nhiên không biết, không thèm biết. Thấy người ta chửi nhiều, hắn càng đinh ninh hắn là nhà tư tưởng lớn. Là nhà tư tưởng lớn thì tất nhiên không phải ai cũng hiểu. Thiên hạ càng chửi nhiều hắn càng thích. Hắn cần cái đó – càng bị chửi nhiều thì càng nổi tiếng, một thứ quảng cáo không công mà. Lâu không thấy có ai chửi thì hắn buồn xo. Cả ngày hắn bận bịu với việc cắt những dòng tán dương hắn trong những bức thư độc giả gửi cho hắn để dán vào một cuốn vở dày cộp, ký tên vào những cuốn sách, bìa cứng hẳn hoi, để gửi cho những người hắn có thể gửi mà không bị trả lại. Hoặc kỳ cạch gõ những lời giáo huấn cho những độc giả còn ngưỡng mộ hắn.

- Hay nhỉ?

- Đêm nào hắn cũng hí hoáy làm công việc đó, đến nỗi một ông bạn tôi nhầm, tưởng hắn cũng là ma như mình, mới hiện ra bắt quen. Chỉ đến khi thấy hắn hét lên, lăn đùng ra bất tỉnh nhân sự, ông bạn tôi mới biết hắn là người sống…

Con ma cười ha hả, tay liên tục vỗ đùi, nhưng không thành tiếng.

4.

Rốt cuộc rồi tôi cũng phải thú thật với Ngoạn về hồn ma nọ sau mấy lần anh nhận xét về sức khoẻ sa sút của tôi.

- Sắc mặt cậu xấu lắm. Xanh, má hóp. Sao vậy?

- Dạo này tôi kém ngủ.

- Phải tìm ra nguyên nhân mà giải quyết.

Chúng tôi đã trở thành thân tình hơn kể từ sau khi anh kiếm chỗ ở cho tôi. Mỗi khi có công việc nặng, cần người phụ, vào những ngày nghỉ cuối tuần anh gọi tôi giúp anh. Gọi là giúp chứ công việc xong anh thanh toán đàng hoàng. Anh hơn tuổi tôi, anh tự cho phép anh gọi tôi bằng “cậu”. Chị Jeanette, vợ anh, và hai cháu thì toa moa với tôi, như người trong nhà.

Đúng là tôi có ít ngủ thật. Những buổi trò chuyện với hồn ma thường kéo dài. Chứ âm khí âm khiếc quái gì đâu. Ngủ ít thì má hóp. Không thể đổ lỗi cho hồn ma. Hắn đâu có đòi nói chuyện với tôi. Những hôm bận công việc ở sở, về đến nhà, tôi ăn xong là lăn ra ngủ, hắn cũng chẳng đánh thức. Nửa đêm tỉnh dậy, thấy hắn thì chúng tôi cũng chỉ chào nhau một tiếng như hai người láng giềng lịch sự. Tôi mới là kẻ chủ động gợi chuyện, trong khi hắn lại là kẻ kiệm lời. Những câu chuyện với hắn, mỗi khi có, đều thú vị.

Nghe tôi kể, anh hỏi:

- Hắn không làm gì cậu thật?

- Không.

Ngoạn mở to mắt.

- Không doạ nạt?

Tôi lắc.

- Không.

- Hắn có làm gì khác không?

Câu hỏi làm tôi phải suy nghĩ. Hắn còn làm gì nữa nhỉ? Không, hắn chỉ chuyện vãn, thế thôi.

- Hoàn toàn không!

- Hoàn toàn không?

Tôi lại lắc.

- Vô lý.

Ngoạn ra chiều suy nghĩ.

- Cậu phải tìm một cái nhà khác - anh bảo - Ở đấy nguy hiểm. Âm dương cách biệt, người là người, ma là ma, ở lẫn với nhau không được.

- Tôi nghĩ không cần thiết - tôi nói - Hắn chẳng làm gì hại tôi.

- Cẩn tắc vô áy náy. Không sao, tôi lại tìm nhà cho cậu lần nữa.

Anh quyết định ngủ lại nhà tôi một đêm xem hư thực ra sao.

Nửa đêm, con ma đến, chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên thấy có người lạ mặt ở trên giường tôi. Ngoạn nằm im thin thít.

Sáng ngày ra anh bảo tôi:

- Nói không biết cậu có tin không, hoá ra tôi đã gặp con ma này.

- Bao giờ?

- Lâu rồi. Dễ trên chục năm trước. Hồi mới lập gia đình, tụi tôi nghèo lắm. Đêm đến tôi luôn lượn lờ trong khu nhà giàu - họ thường vứt đồ cũ ra hè. Để kiếm cái dùng, vậy đấy. Có nhiều thứ người ta vứt không phải cũ hẳn, nhưng ở đây thế, cứ dọn đến nhà mới là người ta thay tất tật. Cũng có khi là đồ dùng của người vừa chết, thân nhân không muốn giữ lại, không phải họ tin nhảm, mà vì không thích để những nhìn thấy những đồ vật của người thân đã qua đời, nhiều thứ còn mới nguyên, mà có cũ đôi chút thì cũng còn tốt chán với mình. Đi nhặt mấy thứ đồ bỏ ấy không ai đi ban ngày, xấu hổ chết được…

- Anh đã gặp con ma này trong những lần đi kiếm đồ Tây quăng?

- Đúng hắn, với cái mũ phớt sùm sụp, với dáng dấp ấy, như đêm qua tôi thấy. Không lẫn được. Tôi không nghĩ hắn là ma.

- Hồi đó hắn còn là người sống.

- Có thể lắm.

- Hắn chắc cũng đã nhận ra anh, nếu gặp?

- Hừm, biết đâu đấy, chúng tôi chạm trán luôn, nhưng cố tránh không nhìn mặt nhau. Dân đi nhặt đồ đều thế. Họ không bao giờ chào nhau, gặp vài lần cũng cứ lờ đi, không coi nhau là đã quen… Thậm chí vớ được thứ đồ tốt một mình không khuân nổi cũng không dám nhờ nhau, cứ đứng canh đấy cho tới khi vắng người mới chạy đi tìm cabin điện thoại báo cho người nhà biết để ra khiêng cùng…

- Anh có thấy hắn nhặt gì không?

- Không. Hắn cứ lượn lờ quanh đám đồ bỏ, tôi chưa thấy hắn nhặt thứ gì. Con ma này phải trị mới được.

5.

Con ma cũng nhận ra Ngoạn.

Hắn bảo tôi, cười hì hì:

- Ông Nô Ăng. Tôi biết ông ấy quá mà. Tôi giả vờ không nhận ra ông ấy thôi. Chúng tôi gặp nhau luôn. Tôi hồi ấy là một anh ký quèn ở sở hoả xa. Ông biết cái ga Sermages rồi. Gọi là ga cho nó oách, chứ ga ghiếc cái quái gì một khối bê tông xám xịt chỉ nhỉnh hơn trạm biến thế một chút. Ông Nô Ăng bạo gan đấy. Có điều ông kể cho ông ta nghe về tôi làm gì?

- Có cần phải giữ bí mật về ông không?

Hắn lắc đầu:

- Không. Không cần. Tôi là cái có đấy mà không đấy. Nói cách khác, tôi là cái vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Nói về tôi hay không nói về tôi thì cũng thế mà thôi. Chỉ người sống mới có bí mật. Ở chỗ chúng tôi mọi linh hồn đều như cởi truồng trong một cái lồng kính, linh hồn này biết hết về linh hồn kia…

- Chán quá nhỉ?!

Hắn cười hích hích.

- Nhưng các linh hồn thường chỉ biết về những gì linh hồn khác đã làm khi họ còn ở cõi dương… Và chỉ ở những linh hồn không húp hết đĩa cháo vô vị.

- Ông bảo: các linh hồn chỉ lặp lại những gì họ làm khi còn sống?

- Ý tôi là: linh hồn chỉ lặp lại thói quen. Những gì họ làm trong cõi âm các linh hồn có thể biết mà cũng có thể không biết, tựa như ở cõi dương vậy - người này không thể biết tất tần tật về người kia. Đôi khi linh hồn cũng làm một cái gì đó chứ, nhưng nó chỉ làm được cái ấy nếu như khi còn sống nó từng làm. Linh hồn, ông bạn ạ, chỉ là cái bóng mờ của quá khứ. Nó khoái lắm nếu có ai tưởng nó có khả năng hành động. May cho các ông, những người sống. Chứ không à? Cứ thử nghĩ mà xem, nếu những thằng đểu chết rồi vẫn tiếp tục đểu được với người sống, thì sao?

Tôi hoàn toàn đồng ý với hắn:

- May thật!

- Ông không nên kể về tôi với ông Nô Ăng.

- Ông đã nhắc tôi rồi.

- Ông ấy là người tốt, nhưng ông ấy không vượt qua được định kiến: một con ma là một con ma. Ma là cái người ta không hiểu được. Khi không hiểu được thì người ta nghĩ nó xấu xa, nó không tốt.

- Tôi không nghĩ ông bạn tôi tồi đến thế. Ông ấy chỉ lo cho tôi thôi…

- Ông ấy hiểu lầm do không hiểu biết. Nhưng lại tưởng mình biết hết. Trong thực tế, cái ông ấy tưởng mình biết lại là cái hiểu lầm mượn của người khác…

- Ông có những ý nghĩ hay đáo để.

Hắn cười khà khà. Cảm giác là thế, chứ không có tiếng.

- Ông khác, ông không có định kiến. Một ưu điểm đấy. Ông lại còn biết thông cảm nữa…

Hắn nói tiếp, đượm chút buồn rầu:

-… dù là thông cảm với một con ma…

6.

Ngoạn nói anh sẽ mời một đội bắt ma thiện nguyện để tống con ma khỏi nhà tôi.

Tôi phản đối kịch liệt.

Tôi phản đối vì, xét cho cùng, con ma chẳng làm điều gì xấu cho tôi. Ngược lại, nó còn là một bạn chuyện thú vị. Hà cớ tôi lại xử xấu với nó? Nhưng Ngoạn khăng khăng: phải diệt nó. Đó là một người cứng đầu, đã nghĩ ra cái gì là phải làm cho bằng được.

Đội bắt ma thiện nguyện tha các thứ đồ đạc lỉnh kỉnh của họ đến nhà tôi vào một chủ nhật. Họ lăng xăng đi lại, còn tôi thì ngồi yên trong ghế bành, nơi con ma thường ngồi, với bộ mặt nặng chịch. Ba người trong đội bắt ma – một mục sư về hưu, hai sinh viên trẻ gày nhẳng, cả ba đeo kính cận loại nặng. Với các máy móc đo từ trường, đo nhiệt độ, mọi cái đều là loại cực nhạy. Họ rà soát mọi ngóc ngách - gầm giường, gầm bàn, gầm ghế, gầm tủ, với vẻ mặt nghiêm trang của sứ giả nhà trời đi xuống địa ngục. Kim trên những mặt đồng hồ đặt giữa nhà lắc lư lờ đờ.

- Con ma này ban ngày không ở đây. – ông mục sư trầm ngâm – Ta sẽ túm được nó ban đêm.

Tôi giật mình. Đúng là tôi chỉ gặp con ma vào ban đêm.

Đội bắt ma rất mẫn cán. Hôm sau cả ba lại đến cùng một lúc , lập tức bắt tay vào việc. Mấy người đàn ông đứng tuổi, mặt mũi nghiêm trang ngồi trầm ngâm trước những mặt đồng hồ, mắt dán chặt vào những cái kim. Tôi để mặc họ muốn làm gì thì làm.

Đúng 12 giờ đêm, nhưng cái kim bắt đầu chuyển động, lúc đầu chậm, sau nhanh dần, rồi lắc loạn xạ. Ông mục sư phán:

- Nó đến đấy.

Trống ngực đánh thình thịch, tôi thầm lo cho ông bạn ma của tôi.

Ngoạn ngồi bên tôi, theo dõi nét mặt tôi bằng cái nhìn dò xét.

Nhưng khi ông mục sư giơ cao thánh giá đi về góc, theo kim chỉ của một cái máy đặt nằm, thì những cái kim đồng hồ lại lờ đờ trở về chỗ cũ. Ông mục sư lắc đầu:

- Con ma này khôn phết.

- Nó lẩn tài lắm. – anh sinh viên cao kều cúi xuống thì thào với anh bạn thấp hơn.

- Khôn mấy thì khôn, rồi ta cũng sẽ tóm được nó. – mục sư nói to, giọng quả quyết.

Đúng vào lúc ấy tôi nghe thấy giọng con ma bên tai:

- Ông bạn ông tệ thật, ông ta dẫn mấy tay này đến đây làm gì cơ chứ?

- Tôi xin lỗi, tôi đâu có muốn thế - tôi lẩm bẩm trả lời, cốt để Ngoạn khỏi nghe tiếng.

- Ông có thấy ông Nô Ăng nhà ông là đa sự không?

Tôi gật đầu.

- Có điều họ chẳng làm gì được tôi đâu – con ma nói.

- Thật không?

- Ông đừng lo cho tôi.

- Tôi vẫn lo đấy – tôi thì thào - Thật không sao chứ?

- Thật. Không ai có thể bắt được cái không có.

Tôi thở ra.

Ngoạn ngờ vực nhìn vào mặt tôi. Anh kêu lên với ông mục sư đang cảnh giác nhìn quanh trong phòng:

- Con ma đang ở đây này.

- Đâu? Nó đâu?

Ông mục sư quên bẵng mình là người bắt ma, nghĩa là mình phải thấy được con ma trước những người khác.

Ngoạn chỉ vào tôi:

- Nó ở bên ông bạn tôi đây này.

Tôi cãi:

- Tôi đây, chứ ma nào.

Ba nhân vật bắt ma xô lại phía tôi. Họ quăng một cái lưới bằng sợi gai hôi hám lên người tôi. Ông mục sư đổ cả bình nước thánh lên đầu tôi. Hẳn ông ta nghĩ nước thánh với liều lượng càng lớn thì hiệu quả càng cao. Rốt cuộc tôi bị ướt như chuột lột, toàn thân bị trói chặt trong tấm lưới gai, còn con ma thì chẳng thấy đâu.

7.

Sau cái lần bắt ma bất thành, đội bắt ma đi thẳng. Trong những trường hợp như thế bao giờ cũng có những lý do được đưa ra để bào chữa, kiểu như “trên chủ trương đúng, dưới thực hiện sai”; “trên bảo, dưới không nghe”, theo cách nói quen thuộc ở nước tôi.

Con ma sau đó xuất hiện ít hơn, không phải vì sợ cái gì, mà vì hắn bận bịu chuyện gì đó. Cuối cùng rồi hắn cũng bật mí điều bí mật của hắn:

- Ông có tin ở thuyết luân hồi không?

- Tôi chẳng có bằng cớ gì để tin. Một expresso nhá?

- Không, cảm ơn. Giờ tôi phải đi ngay.

- Hồn ma cũng biết bận?

- Không. Hồn ma không bao giờ bận. Nhưng nó cũng có việc phải làm. Ông có muốn đi chơi một lần với tôi không?

Tôi ngần ngừ.

- Ông sợ?

- Không. Nhưng đi đâu?

- Cứ đi với tôi. Ông sẽ không hối tiếc đâu.

Chúng tôi đi.

Về sau này, nhớ lại chuyến đi chơi ban đêm với ông bạn ma, tôi thấy ông ta chẳng hề có ý lừa tôi – chuyến đi thực thú vị.

Dắt tôi vùn vụt đi qua biên giới hai cõi âm dương không có lính biên phòng mặt lạnh, không có cửa hải quan với những cái nhìn soi mói, qua chỗ các âm hồn bách tính tụ tập húp cháo lú, tây ta lẫn lộn, đen trắng không phân biệt, ông ta đưa tôi tới một thành phố lúc nhúc những hồn ma là hồn ma. Tôi không nhớ là ở đó có cửa hàng cửa hiệu gì không, nhưng tôi gặp khá nhiều hồn ma quen. Có người chết đã lâu, có người mới chết. Họ hoàn toàn không nhận ra tôi. Thậm chí viên cai ngục nổi tiếng ác độc thời tôi ở tù dưới quyền hắn còn nhoẻn cười thân thiện với tôi. Trong tay hắn vẫn có cây roi bằng da xoắn, cũng nổi tiếng không kém gì hắn. Cây roi da ấy, những người tù lưu niên kể, đã lập công xuất sắc - ít nhất đã có ba người tù chết vì nó. Nhưng hắn vẫn giữ nguyên dáng đi ngày trước, cái đầu hơi cúi, cặp mắt láo liên soi mói, cái roi trong tay đập đập vào cẳng chân, sẵn sàng vung lên để quất vào ai đó. Ở một chỗ khác, tôi gặp tên lừa đảo có hạng đã từng lừa không ít người, trong đó có tôi, bằng những lời đường mật về những món lãi kếch xù, nếu chung vốn với hắn. Hắn bị một ông quan mà hắn lừa bắn chết, nghe nói là chết oan, đúng vào lúc hắn mang tiền lãi đến nộp cho ông ta. Hắn cũng không nhận ra tôi, chực sán lại để rỉ tai tôi về một kế hoạch thu lợi cực lớn. Thấy tôi lờ, hắn cũng chẳng giận, lại sán đến người khác, xin lỗi, tôi muốn nói: một hồn ma khác.

Ông bạn ma của tôi dẫn tôi tới một chỗ có mấy vị lãnh tụ mà tôi quen mặt nhờ những bức chân dung được treo trên tường mọi nhà ở quê tôi. Tôi đồ rằng những vị này cũng gian như ông bạn tôi, không chịu húp cháo lú, hoặc húp rất ít, vì thế họ mới có thể quần tam tụ ngũ bên nhau. Nhưng cái giống lãnh tụ nọ là để sống trong thế giới của những kẻ tuân phục, những kẻ rạp mình trước họ, chứ cả một đống lãnh tụ ở cùng một chỗ với nhau thì ngán lắm. Tất cả bọn họ đều ra lệnh cùng một lúc, mà không biết ra lệnh gì, ra lệnh cho ai, chẳng anh nào chịu nghe anh nào, kể cả anh lãnh tụ bị bắn chết cùng với bà vợ, ngực còn toác hoác vết đạn, vẫn tiếp tục vung tay về phía trước, trong dáng điệu của nhà hùng biện trước đám đông há hốc mồm nghe huấn thị.

- Ê, anh kia, lại đây!

Vị lãnh tụ quen thuộc của tôi ngồi ủ rũ trên một bệ đá hoa cương thời cổ La Mã, giữa một đám đông chính khách com lê com táo chỉnh tề lăng xăng đi lại. Ông vẫn trong bộ quần áo bình dân cố hữu, y như một lão nông. Hồi còn sống, ông nổi bật trong các chính khách quốc tế nhờ bộ quần áo này. Trong những cuộc họp long trọng ông là ngôi sao sáng. Tiên phong đạo cốt, ông đi những bước nhẹ nhàng trên trần thế, ban phát bên phải bên trái đủ thứ lộc lớn lộc bé, bằng hiện vật cũng như bằng khen, giấy khen. Bây giờ trông ông giống một anh nhà quê ra tỉnh. Trong đống lãnh tụ xênh xang, ông có một vị trí kém cỏi mà giờ đây người ta ưa dùng chữ khiêm tốn thay vào. Chợt nhận ra tôi là đồng hương, ông vồ lấy tôi, nắm tay tôi kéo lại gần để ân cần hỏi han về đời sống của nhân dân. Cứ như thể thiếu ông trên đời mọi người sẽ khốn khổ lắm, côi cút lắm. Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại xúc động đến luống cuống, lễ phép chắp tay trả lời ông như một thần dân ngoan ngoãn. Tôi thưa rằng tôi xa nước lâu rồi, lại chưa về thăm nhà lần nào, tôi không thể báo cáo với ông điều gì.

Ông bạn ma lập tức túm lấy tôi, lôi xềnh xệch đi chỗ khác:

- Sao ông lại làm thế?

- Làm thế là thế nào?

Ông bạn ma cằn nhằn:

- Thằng cha ấy là cái quái gì mà trước mặt hắn, nói ông tha lỗi, ông lại phải khúm núm? Ông không thấy rằng hắn chẳng hề quan tâm tới nhân dân nhân diếc gì hết sao? Hắn chẳng cần biết ông là ai, đang ở đâu, làm gì, hắn chỉ lặp lại một thói quen thâm căn cố đế mà thôi. Ố là là, ông này hay thật đấy! Rõ vớ vẩn.

Tôi ngượng ngùng:

- Hề hề, tôi cũng không ngờ những thói quen lại sống lâu đến thế.

- Thế thì khi xuống đây ông đừng có theo gương tôi, nhớ mà húp hết khẩu phần cháo lú của mình. Xem ra nó có ích cho ông đấy.

Giọng ông ta nửa giận dỗi, nửa khinh miệt.

Ông ta còn dẫn tôi đi nhiều nơi, cho tôi thấy nhiều điều thú vị khác, viết ra phải một cuốn sách. Tôi thì lại không biết viết văn, tôi viết thì sẽ rất dây cà ra dây muống, toàn những “thì” “là” “mà”, làm khổ người đọc. Điều đáng tiếc là ông ta không đưa tôi đến nơi tôi có thể gặp những người thân trong gia đình. Ông ta bảo cái đó không phải mục đích của chuyến đi.

- Ông nói đến thuyết luân hồi là có ý nghĩa gì? – trên đường về tôi hỏi ông ta.

- Là tôi sẽ chia tay với ông, để sống một kiếp khác.

- Tức là luân hồi là có thật?

Ông ta nhún vai:

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ biết lần này tôi phải xực hết một khẩu phần cháo lú. Lầnnày khó mà tránh được. Nghe nói chẳng ai thoát. Tôi sẽ đi khỏi cõi này. Đi đâu, tôi không biết. Có lẽ là để sống kiếp khác. Ăn cháo lú rồi, tôi sẽ không biết ông là ai, người ta bảo vậy, ông cũng không thể nhận ra tôi…

- Nhưng những vị Lạt Ma ở Tây Tạng đầu thai trong kiếp sau vẫn nhớ chuyện kiếp trước đấy thôi. Người ta thuật lại chuyện đó không phải một lần trong những cuốn sách đứng đắn.

- Ồ, cái đó thì tôi chịu, thật thế hay không, tôi không biết. Có thể, đó là vì những vị Lạt Ma là những người đặc biệt. Những bậc chân tu. Những vị thánh. Tôi không dám nói họ có thể là những tay đại láu cá.

Tôi tỉnh dậy trên giường. Vạt nắng sớm lọt qua cửa sổ chảy lênh láng trên sàn.

Có nghĩa là suốt đêm qua tôi chẳng hề đi đâu. Nhưng cảm giác thực của cuộc du hành với ông bạn ma còn nguyên, hệt như trong sách của Bồ Tùng Linh.

Khác ở chỗ hồn ma của Pháp không giống hồn ma của Tàu, nó chẳng làm hại gì tôi. Mà cũng có thể những hồn ma Tàu trong Liêu Trai đều là đàn bà, còn đây là một hồn ma đàn ông.

Tôi thì lại không phải một tên đồng ái.

8

Từ đó tôi không bao giờ gặp lại ông bạn ma nữa. Chắc hẳn ông ta đã đầu thai vào một nhà nào đó và đang bĩnh ra tã.

Tôi cũng hơi ân hận một tí. Chơi với nhau bằng ấy thời gian mà chẳng biết tên họ ông bạn là gì. Hình như ông ta mang cái họ rất phổ biến là Dupont mà tôi thấy được ghi trên một món đồ. Chiết tự ra, Dupont có nghĩa là từ chỗ cây cầu, ở nơi gần cầu. Dòng họ Dupont có từ những thế kỷ xa xưa, cũng như dòng họ Dubois với nghĩa từ khu rừng, ở miền rừng. Nước Pháp có vô số cầu, cầu qua sông, cầu qua suối, ai biết được những người thuộc dòng họ này đến từ cái cầu nào. Trên lò sưởi không có cái ảnh nào của ông ta, mà tôi thì vì sợ nên không dám nhìn vào mặt hồn ma, thế là chẳng biết mặt ngang mũi dọc ông bạn mình ra sao.

Ngoạn rồi cũng ít đến tôi. Anh bận nhiều việc, tôi đồ thế.

- Này, cậu phải cẩn thận mà giữ lấy chỗ làm – anh dặn tôi – Cái nghề khốn nạn của tôi vậy mà bây giờ thiên hạ cũng tranh nhau xông vào. Tôi phải liên tục hạ giá để giữ khách. May mà họ đã quen mình. Hai đứa con càng lớn càng phải chi nhiều, đủ thứ. Sống như thế này vất vả quá. Chết có khi còn sướng hơn…

Những lời than thở về cuộc sống không thể gọi là chuyện giữa hai kẻ tha hương. Ở với bà vợ đầm lâu ngày, anh dường như không nhớ gì tới đất nước. Nó xa xôi.

- Tôi bây giờ có muốn giúp cậu cũng chẳng được – anh nói.

Tôi rất biết ơn Ngoạn đã giúp tôi nhiều khi còn chân ướt chân ráo đến Sermages, nhưng đúng là chúng tôi không biết nói gì với nhau nữa – chúng tôi không còn những đề tài chung để mà trò chuyện. Cũng phải thôi. Ngoạn là một con người bình thường đúng nghĩa, tức là người chẳng quan tâm tới cái gì khác ngoài cuộc sống hằng ngày của gia đình mình. Những vấn đề chính trị xa lạ với anh. Đối với Ngoạn thế giới nào cũng cũ, tức là thế giới nào cũng thế mà thôi cho một kiếp người với tất cả những lo toan tầm thường của nó. Còn tôi thì dù muốn dù không vẫn cứ vướng vào ba cái chuyện chính trị, như nhiều đồng hương đa sự.

Khi nghe tôi nói chuyện về tình hình đất nước, hoặc tình hình thế giới, Ngoạn thường ngáp vặt, lúc đầu còn lịch sự giấu giếm, sau thì cố ý cho tôi biết mà chuyển sang chuyện khác. Khi không còn đề tài chung để nói chuyện, người ta rất dễ xa nhau. Có người nói anh dạo này hay ốm vặt, nhưng tôi cũng ngại gọi điện hỏi thăm. Tôi ngại những cuộc điện đàm theo phận sự.

Một đêm tôi đi dự sinh nhật một bạn đồng nghiệp về, thấy ở bên đường gần nhà tôi người ta vứt lỏng chỏng đồ bỏ có nhiều thứ còn tốt, mới dừng lại xem. Ở đây người ta vứt đồ theo ngày, khu này thứ bảy, khu kia chủ nhật. Tôi chọn được một cây đèn bàn có chân bằng đồng, một thứ đồ cổ, kiểu cây đèn thần trong Nghìn Lẻ Một Đêm. Đã toan kẹp nó vào nách mang về, thì chợt thấy một dáng quen quen đang lúi húi gần đấy.

Trong ánh đèn đường mờ mờ tôi nhận ra cái bóng ấy: Ngoạn. Dễ là anh lắm, với cái áo khoác tàng tàng, dáng đứng hơi gù. Nhưng tôi không dám chắc trăm phần trăm là anh. Thoáng bắt gặp ánh mắt của tôi, người ấy quay ngoắt.

“Dân đi nhặt đồ đều thế. Do ngượng ngùng, họ không bao giờ chào nhau, gặp vài lần rồi cũng cứ lờ đi, không coi nhau là đã quen…”

Ngoạn có lần nói với tôi như thế. Nhưng đó là những người gặp nhau lần này lần khác trong những chuyến đi nhặt đồ, chứ không phải là những người quen nhau như tôi với anh.

Khi thấy tôi chăm chú nhìn, cái bóng càng lúng túng.

- Anh Ngoạn hử? – tôi gọi khẽ.

Cái bóng đứng sững khi nghe tiếng gọi. Nhưng không đáp lại, dù bằng một cái gật đầu.

- Tôi đây mà – tôi nói.

Cái bóng vẫn nín lặng.

Tôi rùng mình vì một ý nghĩ chợt đến. Hay là, nói dại, Ngoạn không còn nữa, mà chưa ai kịp báo tin cho tôi? Anh đã trở thành một con ma. Như Dupont.

Tôi dụi mắt để nhìn cho kỹ hơn. Chẳng lẽ tôi nhầm?

Đến lúc ấy thì cái bóng mà tôi ngờ là Ngoạn liếc trộm tôi rất nhanh, rồi quầy quả bỏ đi. Nói nó lướt đi thì đúng hơn, bởi vì vừa thấy nó đấy đã chẳng thấy đâu. Nó tan biến. Trong màn đêm mờ mờ ánh đèn đường và khói sương.

Ngày mai thể nào tôi cũng phải gọi điện cho Ngoạn. Không, tôi chắc mình nhìn nhầm. Cũng có thể không phải là Ngoạn. Dám thế lắm. Nếu là anh, chắc chắn anh sẽ gọi tôi. Chúng tôi đâu có phải là những người xa lạ đến nỗi phải tránh mặt nhau khi làm cái chuyện có vẻ đáng xấu hổ này. Rất có thể không phải Ngoạn. Nếu anh chết, chị Jeanette ắt đã gọi điện cho tôi – ít nhất thì vào lúc anh qua đời ắt chị phải nhớ rằng anh từ đâu đến và ở Sermages có một người cũng đến từ quê hương anh. Nhưng cũng có thể Jeanette đã quên không báo cho tôi biết trong cơn bối rối. Hoặc ngày mai chị mới báo. Hoặc chị không tìm ra sổ địa chỉ.

Tôi xua đuổi ý nghĩ rằng Ngoạn đã chết. Nhưng ý nghĩ ấy cứ bám chặt lấy tôi. Sinh hữu hạn tử bất kỳ mà. Ai nói trước được? Anh xuất hiện trước mắt tôi lờ mờ như một bóng ma, nhất định không nhận tôi, nói với tôi một câu. Hoặc giả tôi nhầm, bóng ma ấy lại là Ngoạn thật, còn sống? Mừng rồi lại buồn – sao mà mình tệ thế, đến nỗi không phân biệt nổi người sống với hồn ma?

Tôi bùi ngùi nhìn vào bóng đêm đã mất dấu bạn mình mà thở dài. Tôi hình dung ra anh trong cái cõi âm đáng ngán – hẳn từ nay anh sẽ phải sống, như cái ông Dupont nọ, quẩn quanh trong giới hạn chật hẹp của một kiếp người từ sinh tới tử, để rồi lặp lại trong suốt đời âm của mình những thói quen cố hữu của đời dương?

Tôi cầm lấy cây đèn, không nhìn về phía cái bóng vừa biến mất, quay gót về nhà.

2005




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.14.134.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...