Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chẳng quý thân mạng, chỉ tiếc Vô thượng đạo »»
Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Phật bảo A Nan, lúc ấy Pháp Tạng, nói xong các nguyện, dùng kệ tụng rằng:
Ta lập chí vượt đời,
Quyết đạt đạo vô thượng,
Nguyện này không đầy đủ,
Thề không thành Chánh Giác.
Lại làm đại thí chủ,
Khắp cứu kẻ cùng khổ,
Khiến chư quần sinh kia,
Ðêm dài không ưu não,
Sinh ra các căn lành,
Thành tựu quả Bồ-đề.
Nếu ta thành Chánh Giác,
Lập danh Vô Lượng Thọ.
Chúng sanh nghe hiệu này,
Ðều đến trong cõi ta.
Như Phật thân sắc vàng,
Tướng tốt đều đầy đủ,
Cũng đem tâm đại bi,
Lợi ích các quần phẩm:
Ly dục sâu chánh niệm,
Tịnh huệ tu phạm hạnh.”
Sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng kiến lập chí nguyện vô thượng vượt trội hơn hết thảy thế gian, quyết định thành tựu Phật đạo vô thượng, Ngài liền tuyên bố rằng: “Nếu như Bốn Mươi Tám Nguyện lớn này của tôi không thể thực hiện được, tôi quyết không thành Phật.” Trên thật tế, mỗi mỗi nguyện trong Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà đều quy về Pháp thân; do đó, mỗi mỗi nguyện đều là nguyện siêu xuất thế gian. Do vậy, chúng ta nơi đây khai triển Bốn Mươi Tám Nguyện lớn của Phật A Di Đà cũng chính là để hiểu rõ thế nào là Phật Pháp thân? Câu “Ta lập chí vượt đời, quyết đạt đạo vô thượng” là chỉ cho việc lập nguyện, đắc Pháp thân và thành tựu cõi Tịnh độ siêu tuyệt mười phương của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Các nguyện như “Quang minh vô lượng,” “Thọ mạng vô lượng” và “được chư Phật xưng tán” đều là những nguyện thuộc về thành tựu Pháp thân.
A Di Đà Phật tuy có đến Bốn Mươi Tám Nguyện, nhưng mỗi nguyện đều chỉ là do từ một trí chánh giác thiện xảo trang nghiêm của Ngài lưu xuất ra, nên mỗi nguyện trong Bốn Mươi Tám Nguyện đều dung chứa đầy đủ quả đức chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật, nguyện nào cũng phơi bày trọn vẹn vô vi Pháp thân. Do đó, Bốn Mươi Tám Nguyện còn được gọi là “nguyện chẳng thể nghĩ bàn.” Các nguyện lại dung nhập lẫn nhau không bị chướng cách, nguyện nào cũng là nguyện để thành tựu Pháp thân, nguyện nào cũng chứa đựng vô lượng nguyện thù thắng, chẳng thể nghĩ bàn; nên Bốn Mươi Tám Nguyện này còn được gọi là “nguyện vô ngại.”
Lại nữa, tuy rằng Tỳ-kheo Pháp Tạng hoằng thệ nhiều đến Bốn Mươi Tám Nguyện, nhưng quy chung chỉ là để nói lên “Niệm Phật là việc thiết yếu nhất.” Vì sao? Bởi vì mỗi tiếng, mỗi chữ trong Bốn Mươi Tám Nguyện đều là Thật tướng; cho nên danh hiệu A Di Đà Phật chính là bổn thể của Pháp thân, tức là tuy có tướng nhưng vô tướng, tuy vô tướng nhưng cũng là tướng. Do vì Bốn Mươi Tám Đại Nguyện đều chỉ là để hiển thị danh hiệu A Di Ðà Phật, nên danh hiệu A Di Ðà có đầy đủ hết thảy các công đức diệu dụng của Di Ðà bổn nguyện. Hơn nữa, do vì danh hiệu A Di Đà Phật là bổn thể của tánh đức do Phật A Di Đà tu đức viên thành, nên nó có khả năng nhiếp trọn tất cả tánh đức và tu đức không thiếu sót. Vì vậy, hành nhân chỉ cần niệm một câu Phật hiệu với chân thật trí hiểu rõ diệu dụng của pháp tâm thì đã viên mãn hết thảy các pháp tu đức và thành tựu hết thảy các đức của Như Lai. Do vậy, Bốn Mươi Tám Nguyện hoàn toàn chỉ là để đề cao Niệm Phật là việc thiết yếu nhất.
Thế nhưng, nếu xét về chân thật tế thì cái được gọi là Bốn Mươi Tám Nguyện ở đây cũng chỉ là giả danh, nhằm để tùy thuận theo ý nghĩ và sự hiểu biết của thế gian chúng sanh mà thôi, chứ thật ra bổn nguyện độ sanh của Phật có đến vô lượng, chẳng phải chỉ có Bốn Mươi Tám Nguyện mà thôi. Hơn nữa, tuy rằng bổn nguyện có đến vô lượng, nhưng rốt ráo chỉ quy về một pháp cú mà thôi; đó là một thanh tịnh cú và cũng là Chân thật Trí huệ Vô vi Pháp thân. Ðại sư Ðàm Loan bảo: Tỳ-kheo Pháp Tạng ở nơi đức Thế Gian Tự Tại Vương Phật, ngộ được Vô Sanh Pháp Nhẫn; cho nên, địa vị của Ngài ngay khi ấy đã là Thánh Chủng Tánh; Ngài từ trong Tánh giác thanh tịnh ấy mà phát ra Bốn Mươi Tám Nguyện. Thiện Ðạo Đại sư cũng cho rằng Ngài Pháp Tạng khi phát tâm, đã thuộc vào hàng Thập Ðịa Bồ-tát đã chứng tịnh tâm nên Ngài mới có thể “lập chí vượt đời.” Bởi vì những giai vị trước khi chứng được Sơ-địa đều thuộc về thế gian cả; cho nên, chúng ta có thể hiểu chữ “vượt đời” ở đây có nghĩa là vượt khỏi địa vị phàm phu.
Hơn nữa, nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng không những chỉ vượt trội hơn các nguyện của tất cả người trong tam thừa mà còn thù thắng hơn nguyện của chư Phật. Vì vậy, kinh Vô Lượng Thọ ghi rằng, trước khi Tỳ-kheo Pháp Tạng phát tâm, Ngài đã tuyên bố: “Con lập nguyện này đều thù thắng hơn vô số các cõi Phật.” Sau đó, Thích Ca Mâu Ni Phật lại tán thán rằng: “Cõi Cực Lạc vi diệu đẹp đẽ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu vượt mười phương tất cả thế giới” và “Phật A Di Ðà, quang minh tối tôn, vua trong chư Phật.” Những lời nói này của Thích Ca Mâu Ni Phật chứng tỏ lời nguyện siêu thế của Tỳ-kheo Pháp Tạng còn thù thắng hơn lời nguyện của thập phương chư Phật.
Thế giới Cực Lạc có vô lượng thanh tịnh trang nghiêm, hiển lộ trọn vẹn Tự tánh của đương nhân: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật, lý sự vô ngại.” Trong cõi nước Cực Lạc, hết thảy vạn vật như nước, gió, chim, cây cối, hoa quả v.v... đều cùng tuyên dương chánh pháp; hết thảy các thứ như sắc tướng, âm thanh, mùi vị và ánh sáng v.v... đều có khả năng khiến cho đạo niệm Phật tăng trưởng, trùng trùng vô tận, tự tại vô ngại. Đấy đã nêu rõ toàn thể hết thảy các sự vật trong cõi nước Cực Lạc đều là viên minh cụ đức chẳng thể nghĩ bàn, toàn thể đều là sự sự vô ngại pháp giới. Cho nên, nếu ai nghe được danh hiệu Phật với tâm tin ưa, hiểu rõ liền chứng được Bất Thoái Chuyển; nếu ai trông thấy cây báu nơi cõi ấy liền khế ngộ Vô Sanh; phàm tình chúng sanh lúc lâm chung chỉ cần niệm mười câu Phật hiệu với chí tâm tin ưa cũng được vãng sanh về Tịnh độ; phàm phu vãng sanh cũng thăng lên được địa vị Bồ-tát Bất thoái, quyết định một đời thành Phật v.v... Những sự việc như vậy, trong khắp cả các cõi nước khác của chư Phật trong mười phương, không nơi nào có nổi, chỉ riêng mình cõi Ðồng Cư Cực Lạc của Phật A Di Đà mới có. Cho nên, Đại Nguyện của Phật A Di Đà mới được xưng tụng là “Nguyện vô thượng thù thắng siêu thế.”
Bởi do Bồ-đề là đạo được Như Lai chứng đắc, nên chữ “đạo” trong câu “quyết đạt đạo vô thượng” của Tỳ-kheo Pháp Tạng chỉ cho Bồ-đề. Lại do vì đạo này không có gì hơn được nổi, nên đạo này được kinh khen ngợi là “đạo vô thượng,” tức là đạo để thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Trong phẩm Thọ Lượng của kinh Pháp Hoa, Đức Thế Tôn nói: “Ta luôn suy nghĩ, nên dùng cách nào để khiến chúng sanh được chứng nhập vô thượng đạo, chóng thành tựu Phật thân.” Cũng giống như vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng hằng luôn mong muốn cho chúng sanh, chứng được vô thượng đạo, nên Ngài dùng nguyện “quyết đạt đạo vô thượng” làm chủ thể của bổn nguyện. Cho nên trong mỗi nguyện, Ngài đều dùng chữ “Chánh Giác” mà tự thề rằng: “Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác.” Như vậy, xét về toàn thể các nguyện thì tuy mỗi nguyện có sai khác, nhưng các nguyện đều xuất phát từ một điểm căn bản là nhằm làm cho chúng sanh chứng nhập vô thượng đạo, cùng thành Chánh Giác. Vì vậy, phẩm Khuyến Trì của kinh Pháp Hoa có câu: “Ta chẳng quý thân mạng, chỉ tiếc vô thượng đạo.” Do đó, “đạo vô thượng” là chủ thể của đại nguyện, là cái quả báo của hết thảy các Đại Nguyện của Phật A Di Đà.
Chúng sanh mãi trầm luân trong sanh tử, chịu các thứ khổ đau ví như đang ở trong đêm dài tối tăm không có ánh sáng; đấy cũng là bởi do bổn tâm bị vô minh che lấp, hôn mê chẳng giác ngộ. Vì muốn cứu tất cả kẻ cùng khổ, khiến cho họ vĩnh viễn thoát khỏi hết thảy lo sợ, buồn phiền, khổ não trong những đêm dài sanh tử vô tận, nên Tỳ-kheo Pháp Tạng bố thí cho họ cả hai thứ; đó là tài bố thí và pháp bố thí như lời Ngài tuyên bố: “Lại làm đại thí chủ, khắp cứu kẻ cùng khổ. Khiến chư quần sinh kia, đêm dài không ưu não. Sinh ra các căn lành, thành tựu quả Bồ-đề.” Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện khi Ngài thành Phật rồi, cũng chẳng rời bỏ chúng sanh, vẫn muốn thường luôn làm đại thí chủ để bố thí cho hết thảy chúng sanh trong mười phương pháp giới, giúp kẻ bần cùng có được phước huệ tròn đầy, giáo hóa kẻ khốn khổ dứt hết vô minh, khiến cho tất cả các loài chúng sanh thoát khỏi sống chết, ưu khổ trong đêm dài vô minh tăm tối, thành tựu Phật đạo Bồ-đề.
Trong phẩm Tích Công Dồn Ðức của kinh Vô Lượng Thọ cũng ghi: “Trong tay thường có của báu vô tận, vật dụng trang nghiêm, hết thảy các thứ dùng, đều là tối thượng, lợi lạc hữu tình” là nói về tài bố thí. Tỳ-kheo Pháp Tạng dùng tài bố thí để cứu vớt những kẻ nghèo đói, bần cùng khốn khổ trong thế gian, giúp họ thoát ra khỏi những cơn đói, lạnh, bệnh tật, túng thiếu. Ngài lại dùng pháp bố thí để lợi lạc khắp tất cả những kẻ không có phước được nghe Phật pháp, ban cho họ cái lợi ích chân thật, vĩnh viễn thoát ra khỏi vô minh tăm tối và sanh tử khổ đau. Và cũng bởi do lòng từ bi cùng cực nên Tỳ-kheo Pháp Tạng lại muốn khiến cho họ được “sinh ra các căn lành, thành tựu quả Bồ-đề.” Do đó, Ngài phải thường hành Sáu Độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ để bố thí pháp nhằm giáo hóa và an lập chúng sanh an trụ nơi đạo chân chánh vô thượng.
Trong hết thảy các loại bố thí, cách bố thí tối thượng là làm cho hết thảy chúng sanh rốt ráo lìa xa các khổ, được những sự vui vĩnh viễn và rốt ráo. Muốn làm được như vậy thì Bồ-tát phải khiến cho chúng sanh phát sanh được các thiện căn, thành tựu được quả Bồ-đề. Trong tất cả các pháp như thế thì không pháp nào hơn được pháp trì danh hiệu Phật cầu sanh Cực Lạc. Do vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng mới nói: “Nếu ta thành Chánh Giác, lập danh Vô Lượng Thọ. Chúng sanh nghe hiệu này, đều đến trong cõi ta.” Bốn câu nói này chính là tâm tủy của Bốn Mươi Tám Đại Nguyện, là tròng mắt của toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ, là cánh tay mầu nhiệm độ sanh của mười phương Như Lai, là chiếc thuyền báu để đưa hết thảy chúng sanh thoát ra khỏi biển khổ sanh tử. Do vì hết thảy Bốn Mươi Tám Đại Nguyện, nguyện nào cũng chỉ nhằm khai diễn ý nghĩa của bốn câu kệ này, nên Liên tông Nhị Tổ Thiện Ðạo Đại sư bảo: “Nguyện nào của A Di Đà Phật cũng là để chỉ bày pháp Niệm Phật.”
A Di Ðà thánh hiệu có vô lượng nghĩa như là : Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thanh Tịnh, Vô Lượng Trang Nghiêm, Vô Lượng Trí Huệ, Vô Lượng Bồ-đề vân vân và vân vân...; dù nói cho đến cùng kiếp, cũng không sao nói hết những điều vô lượng không cùng tận. Cho nên, Tỳ-kheo Pháp Tạng chọn lấy danh hiệu Vô Lượng Thọ khi Ngài thành Phật để biểu thị hết thảy mọi thứ vô lượng phát xuất ra từ Pháp thân thường trụ, có thể ban bố cho chúng sanh vô lượng chân thật lợi. A Di Đà Phật nói: Danh hiệu Vô Lượng Thọ này vang khắp mười phương, chúng sanh nào nghe được mà phát lòng tin ưa, xưng danh hiệu này, thì liền có nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên vãng sanh Tịnh độ; đã được vãng sanh rồi thì chắc chắn sẽ chứng quả Bồ-đề. Đây mới thật sự là một phương tiện rốt ráo thù thắng viên mãn. Sở dĩ Đại Nguyện của Phật A Di Đà siêu thế và được xưng tụng là Đại Nguyện Vương cũng chính là do điều này.
Phẩm Hạnh Nguyện của kinh Hoa Nghiêm ghi: “Nhân nơi chúng sanh mà khởi đại bi, do đại bi mà sanh tâm Bồ-đề, do tâm Bồ-đề mà thành Ðẳng Chánh Giác.” Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện cho nhân dân trong cõi Cực Lạc đều làm giống như Ngài, tức là cùng phát khởi tâm Vô Duyên Đại Từ Đồng Thể Đại Bi, xem hết thảy chúng sanh như chính bản thân mình mà làm lợi ích ích cho họ. Thật ra, Phật nguyện chúng sanh sanh về cõi nước của Ngài đều phát tâm đại bi, làm lợi ích khắp muôn loài chúng sanh cũng chỉ là để cho chính họ thành tựu quả Bồ-đề, viên mãn hai hạnh tự lợi và lợi tha. Do vậy, Ngài nói kệ rằng: “Cũng đem tâm đại bi, Lợi ích các quần phẩm;” đây chính là Tâm Đức của người sanh về cõi Cực Lạc. Để thành tựu Tâm Đức này, Tỳ-kheo Pháp Tạng dạy: “Ly dục sâu chánh niệm, Tịnh huệ tu phạm hạnh.” Ý là nếu chúng sanh nào muốn thực hành hạnh tự lợi, lợi tha, thành tựu Tâm Đức, thì trước hết tự thân mình phải tu tập, xa lìa tham dục, nhập sâu vào chánh niệm, lấy tịnh tuệ để tu phạm hạnh, tức là tu hạnh vô dục thanh tịnh.
“Tu ly dục” là đoạn trừ tham dục, không còn tham lam nữa, nên tu hạnh ly dục cũng chính là tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục của Lục độ. Người tu Bồ-tát đạo dùng Bố thí độ, Trì giới độ và Nhẫn nhục độ để xa lìa tham dục vì dục là nguyên nhân gây ra các khổ.
“Tu chánh niệm” là lìa những ý niệm tà vạy, phân biệt. Nếu hành nhân có thể xả tướng nhập thật, chỉ chuyên niệm thật tánh của các pháp, chẳng chấp vào cách tu nơi hành vi, thì sẽ diệt được tâm tham lam, sân giận và si ám; đấy gọi là tu chánh niệm! Chánh niệm còn có nghĩa là thiền định, mà niệm Phật chính là thâm diệu thiền định. Vậy, chánh niệm được nói ở đây có nghĩa là niệm Phật. Người tu Bồ-tát đạo thu nhiếp sáu căn bằng câu niệm Phật để khéo gìn giữ thân tâm của mình, xa lìa hết thảy những ý niệm tà vạy, phân biệt thì gọi là “tu chánh niệm.” Vậy, chánh niệm hay niệm Phật là chánh định của Lục độ Ba-la-mật. Vì thế, niệm Phật được ví như chiếc áo giáp che thân mà người tu tịnh nghiệp mặc vào để xông vào thành Niết-bàn, mà thành Niết-bàn ấy chính là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới!
“Tịnh huệ” là Bát-nhã độ của Lục độ; trí này sanh ra do từ tâm thanh tịnh và bình đẳng. Vì Bát-nhã là trí huệ thanh tịnh và bình đẳng, là Phật trí, chẳng phải là trí huệ bất tịnh của người, trời và Tiểu thừa, nên gọi là tịnh huệ.
“Tinh tấn” thực hành năm độ trên để đối trị hết thảy điều bất thiện; do lìa được lầm lỗi nên được thanh tịnh thì đó chính là phạm hạnh. Cho nên, muôn hạnh để chứng Niết-bàn cũng đều là phạm hạnh. Vì vậy, Tỳ-kheo Pháp Tạng dạy chúng sanh phải kim tu hạnh “ly dục sâu chánh niệm, tịnh huệ tu phạm hạnh” cũng chính là bảo chúng sanh tu Lục Độ Ba-la-mật của Bồ-tát để đoạn trừ ba độc tham, sân, si.
Nói theo kinh Pháp Hoa, người tu Lục Độ Ba-la-mật của chư Bồ-tát thì phải “chẳng quý thân mạng, chỉ tiếc vô thượng đạo.” Nói theo kinh Vô Lượng Thọ, người niệm Phật buông tất cả thân, tâm và thế giới xuống, chỉ một mực niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, thì đấy chính là tu Lục Độ Ba-la-mật của chư Bồ-tát.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.115.199 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập