Sự nguy hại của nóng giận còn hơn cả lửa dữ. Kinh Lời dạy cuối cùng
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Khó khăn thách thức làm cho cuộc sống trở nên thú vị và chính sự vượt qua thách thức mới làm cho cuộc sống có ý nghĩa. (Challenges are what make life interesting and overcoming them is what makes life meaningful. )Joshua J. Marine
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Đối cảnh vô tâm »»
Từ những cảnh giới tu hành của chư vị Bồ-tát, chúng ta thấy chư Bồ-tát từ Tam Địa cho đến Lục Địa đều phải an trụ tâm trong Chánh pháp Đại thừa của Phật cho đến khi thật sự có đủ trí huệ vô tướng mới có thể xả bỏ hết thảy các pháp. Phàm phu chưa có trí huệ vô tướng học Phật đều phải tu trì theo kinh Phật để hiểu rõ Phật pháp mới có lợi ích chân thật trong cảnh giới hiện tại của chính mình. Nếu chúng ta cho những điều Phật dạy ra chẳng đáng để học, chẳng cần phải nghiên cứu, hiểu rõ cũng có thể tu được, thì đây là điều sai lầm rất lớn. Chúng ta chưa buông xả được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà lại xả bỏ Phật pháp, liền lập tức lọt vào ma pháp. Hiện tại, chúng ta học Phật rất thường hay bị lạc vào ma trận, nhưng do nhờ thuộc kinh, luôn nghĩ nhớ lời Phật dạy, nên khi vừa khởi tâm động niệm, tham sân si mạn, liền mau chóng phản tỉnh mà thoát ra khỏi lưới ma kiến.
Chư cổ đức gọi người không hiểu rõ Phật pháp mà cứ tu càn tu bướng là “tu mù, luyện đui,” kinh Vô Lượng Thọ gọi người ấy là “kẻ mù đi trong đêm tối.” Người hiểu rõ Phật pháp mà chẳng chịu tu thì chư cổ đức gọi là “người nói ăn mà không ăn, nên trong bụng vẫn rỗng không, vẫn phải chịu đói.” Người vừa siêng năng học kinh để hiểu rõ Phật pháp, lại vừa chăm lo tu trì Phật pháp, tức là biết ứng dụng Phật pháp trong cuộc sống đời thường, thì chư cổ đức gọi là “người ăn bằng Phật pháp, mặc áo Phật pháp, ngủ trong Phật pháp, đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều ở trong Phật pháp.” Người tu hành chân thật như thế, tất nhiên sẽ đắc các pháp Nhẫn, biết rõ Phật pháp là gì, tâm lượng của họ bao dung ví như hư không, thích với Trung đạo, trong ngoài tương ưng, luôn luôn vị tha và làm lợi ích người khác, tuyệt đối không nghĩ cho quyền lợi của chính mình. Nói tóm lại, người học Phật phải đả phá cái bệnh chấp ngã tới mức chỉ biết người, không còn biết tới mình nữa, thì mới gọi là biết rõ Phật pháp, đắc được các pháp Nhẫn. Nếu chưa làm được đến mức như vậy là vẫn chưa biết rõ Phật pháp, vẫn chưa thật sự tu trì Phật pháp.
Nhà Thiền thường nói: “Phật đến chém Phật, ma đến chém ma,” câu nói này hàm chứa ý nghĩa là đối với hết thảy cảnh tướng hiện ra trước mắt dù có biến đổi như thế nào, thuận hay nghịch, thiện hay ác, tự tâm chẳng hề lay động; đấy mới chính thực là đã buông xuống tới mức rốt ráo, ngay cả Phật Bảo mà còn buông xuống được, huống gì là những thứ khác. Người tu hành Phật pháp đạt tới mức giác ngộ thật sự như vậy, chẳng còn vướng mắc gì nữa, dù họ ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ động tâm, vì họ có đạo lực biết phân định cảnh giới nào là chân thực, cảnh giới nào là hư dối. Trong kinh Phật có một công án do Ngài Văn Thù Bồ-tát đề ra, Ngài bạch Phật: “Tối hôm trước con thấy Phật, thấy Pháp,” có nghĩa là Ngài thấy Phật nghe pháp. Thích Ca Mâu Ni Phật nghe vậy liền bảo: “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vi rồi.” Lời nói của Đức Phật hàm chứa ý nghĩa là: Nếu đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn bèn được Nhất tâm, trong cảnh giới ấy tâm vững chắc bất động như núi Thiết Vi, thì làm gì có cái gọi là Phật hay pháp để thấy. Đối với bậc địa thượng Bồ Tát đã đắc Căn Bản trí như Ngài Văn Thù chẳng hạn thì chỉ là Nhất tâm, chẳng còn thấy Phật cũng chẳng còn nghe pháp nữa, hết thảy các pháp đều tịch diệt, nên các Ngài đối với hết thảy cảnh tướng hiện ra trước mắt đều chỉ là vô tâm, chẳng hề khởi tâm động niệm. Còn đối với các bậc trung hạ căn như chúng ta thì sao? Rời Phật nữa bước liền thấy ma, nghe kinh sai một chữ liền rơi vào đường tà. Đấy là tình trạng học Phật của người trung hạ căn. Nếu người thuộc trung hạ căn nghe câu “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vi rồi” hoặc “Phật đến chém Phật, ma đến chém ma” mà chẳng biết hai câu nói này dành riêng cho bậc Thượng Địa Bồ-tát đã chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, bèn bỏ Phật, bỏ pháp thì quá đỗi sai lầm.
Hạng trung hạ căn như bọn chúng ta chỉ phải biết tuân mệnh lời Phật dạy, thường xuyên đọc kinh Phật, thường nghiên cứu kinh Phật để có được sự tin hiểu rõ ràng, minh bạch pháp môn mình tu. Thế nhưng chúng ta cũng phải biết, đọc kinh, nghiên cứu kinh là cách học Phật duy nhất của hàng trung hạ trong Phật pháp, chớ chẳng phải là Phật pháp tối cao. Trong Phật pháp tối cao, những việc ấy đều chẳng có, đều phải xả bỏ hết sạch sành sanh những thứ ấy, mới có thể thật sự chứng được cái gọi là ”vạn pháp như một, chúng sanh và Phật bất nhị.” “Chúng sanh và Phật là một chẳng hai” là cảnh giới cao tột bậc nhất của người niệm Phật đắc Lý Nhất tâm Bất loạn. Học Phật cầu giải thoát, cầu tự tại mà không chấp trước chính là giải thoát, hễ giải thoát thì được tự tại. Giải thoát là không còn bị ngũ dục trói buộc, không bị trần cảnh nắm giữ, có được như vậy mới thoát ra khỏi tam giới, đến được cõi Tịnh độ Thường Tịch Quang, gần gũi chư Phật và các vị Bồ-tát. Chỉ có Thường Tịch Quang độ mới là cảnh giới chân thực, ngoài cảnh giới này ra, tất cả các cảnh giới trong các cõi khác đều chỉ như là bóng ảnh mà thôi.
Thế nào là cảnh giới chân thực của Thường Tịch Quang độ? Ðại Viên Kính trí là cảnh giới chân thực của Thường Tịch Quang độ, còn cảnh giới thường hiện ra trong tâm thức phân biệt chấp trước của mình đều là giả. Cho nên trong nhà Phật mới có câu: “Đối cảnh vô tâm” và “Có tâm tức thị vọng tưởng, vô tâm tức thị cảm ứng.” Khi nào trong tâm mình không còn khởi lên một ý niệm nào hết thì mọi cảnh giới trước mắt đều tự nhiên trở nên chân thực, giải thoát và tư tại. Một khi tâm khởi vọng động thì cái nào mình thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm cũng đều là hư dối. Cho nên, người học Phật nhất định phải có con mắt trạch pháp, biết nhận thức cảnh giới mà không chấp vào chúng. Bất luận đó là cảnh thực hay giả, thuận hay nghịch, thiện hay ác, đều không phân biệt chấp trước, thì đó mới là đối cảnh vô tâm. Nếu ngay cả Phật và ma cũng chẳng phân biệt chấp trước như nhà Thiền nói: “Phật đến chém Phật, ma đến chém ma” và như Thế Tôn bảo: “Ta đã sớm đánh văng ông ta xuống Thiết Vy rồi,” thì có gì khác đáng để chúng ta phân biệt chấp trước nữa chứ! Lúc ấy cảnh giới hiện ra trước mắt chỉ là Thường Tịch Quang độ của chư Phật.
Chư cổ đức dạy: “Nếu chấp thì Phật cũng biến thành ma, nếu chẳng chấp thì ma cũng biến thành Phật.” Khi xưa, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi Thiền dưới cây Bồ-đề Đạo Tràng, ma vương Ba Tuần tới quấy phá. Lúc ban đầu tâm của Ngài có chút dao động, nhưng ngay sau đó liền tỉnh ngộ, loại trừ hết những ý nghĩ phân biệt chấp trước trong tâm, bèn thấy ma vương Ba Tuần cũng là Phật. Trong một sát-na tỉnh ngộ ấy, Ngài liền chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nói theo Khoa học Vật lý thì băng vốn từ nước, nhưng nước chẳng phải là băng. Nói theo Phật pháp, phiền não tức Bồ-đề nhưng Bồ-đề chẳng phải phiền não. Băng tượng trưng cho phiền não, nước tượng trưng cho Bồ-đề, độ lạnh của nước tượng trưng cho vô minh. Vì vô minh nên Bồ-đề biến thành phiền não; cũng giống như vậy, vì độ lạnh mà nước kết thành băng. Nếu không còn vô minh thì phiền não sẽ tự nhiên hóa ra Bồ-đề, nếu không còn độ lạnh thì băng tự nhiên sẽ tan biến ra thành nước. Một khi tâm là phiền não thì phải ở trong tam giới chịu vòng sanh tử, một khi tâm là Bồ-đề thì tự nhiên thoát ra khỏi tam giới chẳng còn sanh tử nữa. Vậy, Phật hay ma, phiền não hay Bồ-đề đều do từ cái tâm này biến hiện ra mà thôi; vô tâm là Phật, hữu tâm là chúng sanh. Vì thế, Lục Tổ Huệ mới nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, ngay lúc đó, cái gì là bản lai diện mục của Thượng-tọa Minh?” Tối ngày từ sáng tới tối đều nghĩ đến điều thiện mà còn bị Tổ chê là chưa dứt được vọng tưởng phiền não thì làm sao dám nghĩ nhớ đến những điều bất thiện và phiền não được chứ! Nói cách khác, nếu sáu căn thanh triệt không có não loạn, tức trong tâm không có niệm nào hết, hoàn toàn vô niệm, vô trụ, nhất thiết không, chẳng có cái gì hết, chẳng nghĩ thiện cũng chẳng nghĩ ác, thì sẽ thấy được bản lai diện mục của chính mình, thấy được gốc gác của chính mình, thì đấy mới là ý nghĩa thật sự của việc thấy cây Bồ-đề nơi cõi Cực Lạc.
Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là cảnh tướng biến hiện ra từ bổn lai diện mục của Thượng-tọa Minh, tức là từ bản thể của Chân tâm Tự tánh, nên Phật bảo A Nan: “cõi Phật như thế, cây cối hoa quả, cùng các chúng sanh, đều làm Phật sự, đây thảy đều do, nơi sức oai thần, nơi Sức Bổn Nguyện, nơi Mãn Túc Nguyện, nơi Minh Liễu nguyện, Kiên Cố Nguyện và Cứu Cánh Nguyện của Phật Vô Lượng Thọ.” Thế giới Cực Lạc hy hữu chẳng thể nghĩ bàn đến mức như thế ấy. Nơi đó, hoa, quả, cây cối đều làm Phật sự, thuyết pháp độ sanh, làm tăng trưởng thiện căn thù thắng của hữu tình khiến họ đắc được ba Nhẫn, chứng nhập Vô Sanh. Đấy là do trong lúc tu nhân, Phật Di Ðà phát ra lời nguyện 47: Nghe Danh Đặng Pháp Nhẫn, nay nguyện lực này đã thành tựu công đức thù thắng như thế đó. Bất cứ người nào vãng sanh cũng đều được thấy cây Bồ-đề, đều đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, chứng ngay địa vị Bát địa Bồ-tát; đó đều do nơi Sức Oai Thần, nơi Sức Bổn Nguyện, nơi Mãn Túc Nguyện, nơi Minh Liễu Nguyện, nơi Kiên Cố Nguyện và nơi Cứu Cánh Nguyện của Phật Vô Lượng Thọ.
Hành nhân đắc được ba Nhẫn (Âm Thanh Nhẫn, Nhu Thuận Nhẫn và Vô Sanh Pháp Nhẫn) là do biết nương vào oai lực gia trì hiện tại của Phật A Di Đà và bổn nguyện lực trong quá khứ của Phật A Di Đà. Do nhờ vào Sức Bổn Nguyện, tức là Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà lúc tu nhân, nên ngày nay mới có cái gọi là Sức Oai Thần, tức là thần lực tự tại của Phật Di Ðà. Sức Bổn Nguyện và Sức Oai Thần hỗ trợ lẫn nhau, rốt ráo chẳng có sai biệt, chẳng phí uổng, chẳng dối bày là vì nguyện biến thành lực, lực nhằm thành tựu nguyện. Cho nên, khi chúng ta thọ trì kinh Vô Lượng Thọ cũng chính là đang nương vào Sức Oai Thần của Phật A Di Đà, khi chúng ta đang quán Bốn Mươi Tám Đại Nguyện cũng chính là đang nương vào Sức Bổn Nguyện của Phật A Di Đà. Do hai lực này hỗ trợ lẫn nhau nên khiến cho tâm nguyện của mình tương ứng với bổn nguyện của Phật A Di Đà, nhờ đó mà tiếp nhận được trọn vẹn, đầy đủ biển báu công đức lớn từ Sức Bổn Nguyện và Sức Oai Thần của Phật mà đắc được ba nhẫn. Điều này cho ta thấy, sự gặp gỡ và thọ trì kinh Vô Lượng Thọ thật chẳng luống uổng công phu; cho nên, Phật khuyên hết thảy chúng sanh phải ngày đêm tinh tấn an trụ tâm mình trong kinh này, tất nhiên sẽ có ngày đặng quả, nguyện nào cũng sẽ được thành tựu; giống như có một người ăn bằng Phật pháp, mặc áo Phật pháp, ngủ trong Phật pháp, đi, đứng, nằm, ngồi thảy đều ở trong Phật pháp, thì nhất định người ấy sẽ được giải thoát tự tại ngay trong hiện tại và sớm thành Phật trong tương lai.
Lại nữa, do Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà vốn đầy đủ trọn vẹn hết thảy các đức, không thiếu sót, chẳng khuyết giảm, nên kinh gọi là Mãn Túc Nguyện. Do Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà minh bạch rõ ràng, minh và huệ tương ứng với nhau một cách rành rẽ chẳng hư dối, nên kinh gọi là Minh Liễu Nguyện. Do sự tinh tấn cầu đạo chẳng thoái chuyển của Phật A Di Đà lúc còn tu nhân tạo thành Bốn Mươi Tám Nguyện kiên cố, vĩnh viễn không bị hủy hoại bởi các duyên, nên kinh gọi là Kiên Cố Nguyện. Cuối cùng, do Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà đạt đến rốt ráo, tột cùng bờ mé của pháp giới hữu tình, kết quả chẳng thoái thất, có thể độ sạch hết thảy hữu tình trong pháp giới, nên kinh gọi là Cứu Cánh Nguyện. Trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà, nguyện nào cũng đầy đủ trọn vẹn ba đức Bi, Trí và Dũng; cho nên trì quán kinh Vô Lượng Thọ hay nhẫn đến chỉ trì quán Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà được ghi chép trong kinh Vô Lượng Thọ, chính là nương vào Sức Oai Thần và Sức Bổn Nguyện của Phật A Di Đà để thành tựu được vô lượng vô biên các nguyện hạnh giống như Phật A Di Đà, đấy mới chính thực là Mãn Túc Nguyện, Minh liễu Nguyện, Kiên Cố Nguyện và Cứu Cánh Nguyện.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.126.246 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập