Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn. (Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tản văn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sự trì, lý trì »»
Sách Diệu Tông Sao chép: “Ðến chỗ cùng cực thì lấy bỏ và chẳng lấy bỏ cũng chẳng sai khác gì.” Lúc sắp vãng sanh, Liên Tông Ngũ tổ Thiếu Khang Đại sư, họp hết hàng đạo Tục đến dặn bảo rằng: “Các vị nên phát tâm chán lìa cõi Sa-bà ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn.” Nói xong, Ngài phóng vài tia sáng lạ đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Lời dạy này của Ngũ tổ Thiếu Khang vô cùng thâm thúy, có ý là nếu chán Sa-bà đến chỗ cùng cực, thì vạn duyên nơi cõi này đều có thể buông xuống hết, được sáu căn tịch tĩnh. Nếu lấy Cực Lạc đến chỗ cùng cực, thì chỉ còn giữ lại một niệm A Di Đà Phật. Nếu niệm Phật được như vậy thì khác chi chẳng lấy chẳng bỏ; đó chẳng phải là xa lìa hết thảy các tướng phân biệt chấp trước rồi hay sao? Lời dạy của Ngũ tổ hoàn toàn lưu xuất từ trí huệ vô tướng, thuận theo diệu lý của kinh Kim Cang: “Nếu thấy các tướng là phi tướng, thì chính là thấy Như Lai” và “Lìa hết thảy tướng thì gọi là chư Phật.” Ngũ tổ đã lìa hết thảy các tướng, Ngài thấy các tướng bỏ Sa-bà và lấy Cực Lạc đều là phi tướng, nên việc bỏ lấy và chẳng bỏ chẳng lấy đều bình đẳng như nhau. Ngũ tổ căn dặn hàng hậu bối như vậy, thế mà vẫn có người nghi rằng việc nhàm chán Sa-bà, ưa cầu Cực Lạc là phân biệt chấp trước.
Chấp trì danh hiệu Phật có sự, có lý. Hành nhân do nhờ đọc kinh, nghe pháp mà thấu suốt nghĩa lý, dứt đoạn mê lầm, phát sanh chân tín, niệm niệm đều tương ứng với Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ, thì đó gọi là Lý trì. Sự trì là mặc dù không có đại trí để hoàn toàn thấu triệt lý luận của pháp môn Tịnh độ, nhưng do thật thà cung kính vâng lời Phật dạy, hết lòng tin tưởng Phật A Di Đà, chuyên nhất chấp trì danh hiệu Phật, tịnh niệm tương tục một câu A Di Đà Phật, nên có thể chế ngự phiền não. Đạo lý này rõ ràng dễ hiểu, người căn tánh trung hạ đều có thể hiểu và làm được. Khi sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp), bèn dùng một câu A Di Đà Phật để khuất phục ý niệm, đè nén nó xuống, không cần hiểu lý, chỉ niệm theo mặt sự tướng, niệm niệm chế ngự tham, sân, si, niệm niệm chiết phục phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, trong mỗi niệm đều có Tín-Nguyện-Hạnh là được rồi, vẫn có thể vãng sanh. Nếu hiểu rõ toàn bộ lý luận trong pháp môn Tịnh độ, thì một câu A Di Đà Phật sẽ là Lý trì, trong lý có sự trong sự có lý. Người hiểu lý niệm một câu Phật hiệu tuyệt đối chẳng gián đoạn giữa chừng, nhất định còn siêng năng, sốt sắng và mạnh mẽ hơn người chỉ niệm Phật nơi sự, bởi vì người ấy thông hiểu giá trị của câu Phật hiệu, quyết chí chẳng rời câu Phật hiệu. Còn người hiểu lý mà chẳng thực hành nơi mặt sự, thì chưa chắc thực sự nhận biết giá trị của câu Phật hiệu. Vì vậy, nếu hiểu rõ ý nghĩa của Lý trì và Sự trì, quyết định chẳng thể phế bỏ Sự trì. Chẳng thể nói, ta hiểu lý rồi, không cần niệm Phật, không có đạo lý này. Nếu có suy nghĩ như vậy là lầm lẫn quá lớn, là chấp lý phế sự. Người chấp lý phế sự nhất định chẳng đạt được gì cả trong pháp môn Niệm Phật.
Tông chỉ của pháp môn Tịnh độ là phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc. Phát Bồ-đề tâm là nhân. Niệm Phật là duyên. Vãng sanh Cực Lạc, rốt ráo Bồ-đề là quả. Cho nên, Phật mới bảo: “Nếu ai biết đem trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sinh Tịnh Ðộ, hướng Phật Bồ-đề.” Sáu câu nói này chính là lời diễn giảng cho tông chỉ của pháp môn Tịnh độ. Nếu ai biết tu hành đúng theo Tông chỉ này, tất nhiên sẽ sinh cõi Phật, vĩnh viễn giải thoát. Người niệm Phật với chí tâm tin ưa, tín sâu, nguyện thiết, chính là đem một niệm tâm nguyện nhỏ nhiệm của mình gieo vào trong biển nguyện vô biên của Phật Di Ðà, và cũng tức là đem cả biển nguyện Nhất thừa vô biên của Phật A Di Đà trút vào trong một niệm tâm nhỏ nhiệm của mình, nhờ đó mà chỉ cần mười niệm với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh lúc lâm chung cũng được thỏa mãn tâm nguyện vãng sanh. Chúng ta do chẳng có trí huệ vô tướng, lại thường dùng tình chấp, kiến giải của phàm phu để học kinh Vô Lượng Thọ, nên chẳng thể lãnh hội nổi sự thật mầu nhiệm thâm sâu của pháp môn Niệm Phật.
Không chỉ phàm tình chúng sanh phải niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, mà ngay cả các vị Bất Thoái Bồ-tát cũng niệm Phật mới có thể vãng sanh Cực Lạc. Vì sao Bất Thoái Bồ-tát vẫn phải niệm Phật? Bồ-tát có hai loại:
· Một là hạng Bồ-tát có tâm từ bi, thường vì chúng sanh vào các cõi sanh tử không có Phật pháp để giáo hóa chúng sanh. Các vị Bồ-tát từ Sơ-địa cho đến Thất-địa cần phải vận tâm nhập tam muội mới có thể hiện thân trong trăm, ngàn, ức, hoặc trăm ngàn vạn ức cõi để làm Phật sự. Do các Ngài khó đắc tịnh tâm để thị hiện trong vô lượng cõi, nên phải nguyện sanh Tịnh Ðộ để thấy Phật A Di Ðà mà được thân rốt ráo và pháp bình đẳng với các bậc Thượng-địa Bồ-tát. Khi xưa, Long Thọ Bồ-tát, Thế Thân Bồ-tát nguyện sanh về cõi ấy cũng chính vì điều này. Lại nữa, còn có nhiều vị Thất-địa Bồ-tát tuy đã đắc đại tịch tĩnh, nhưng trên chẳng thấy chư Phật để cầu quả vị Phật, dưới chẳng thấy chúng sanh để độ. Lúc bấy giờ, họ chẳng được thần lực của thập phương chư Phật hỗ trợ khuyến khích, nên liền diệt độ chẳng khác gì Nhị thừa. Còn các Bồ-tát vãng sanh cõi An Lạc do thấy A Di Ðà Phật, nên không mắc vào cái nạn này.
· Hai là hạng Bồ-tát thích tu tập nhiều các công đức của Phật, nên nguyện sanh trong thế giới Nhất thừa thanh tịnh của Phật Vô Lượng Thọ để mau chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề. Trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ, hai vị thượng thủ của kinh Hoa Nghiêm là Văn Thù và Phổ Hiền Bồ-tát cùng các đại Bồ-tát khác trong cõi Hoa Tạng Thế Giới của Tỳ Lô Xá Na Phật vì muốn mau chóng chứng quả Nhất thừa, nên đồng phát tâm niệm Phật, cầu sanh về Cực Lạc Thế Giới.
Bồ-tát vãng sanh chẳng thể tính nổi số, họ đều là những vị được nguyện lực của Như Lai gia trì, quang minh của Phật nhiếp thọ, nên có thể hiện thân trong vô lượng cõi Phật, thấy hết tất cả chư Phật trong mười phương mà chẳng cần phải vận tâm nhập tam muội. Bởi thế, Trí Giả Đại sư khi lâm chung sai môn đồ xướng tụng đề mục các kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ Phật, rồi chắp tay khen rằng: “Bốn Mươi Tám Nguyện trang nghiêm Tịnh Ðộ, ao hoa, cây báu, dễ đi mà chẳng có người. Dẫu tướng xe bốc lửa hiện ra, nhất niệm cải hối còn được vãng sanh, huống hồ giới, định huân tu. Thánh hạnh đạo lực thật chẳng luống uổng.” Nói xong, Ngài xưng danh hiệu Tam Bảo, nghiễm nhiên mà tịch. Vào đời Ðường, Tịnh Tông Tứ Tổ Pháp Chiếu Đại sư lên núi Ngũ Ðài, vào chùa Trúc Lâm Ðại Thánh, gặp hai vị Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền liền thưa hỏi pháp yếu tu hành. Ðức Văn Thù dạy: “Các môn tu hành chẳng môn nào bằng pháp Niệm Phật. Trong kiếp quá khứ, ta do niệm Phật, nên đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Vì thế, hết thảy các pháp: Bát-nhã Ba-la-mật Ða, thiền định rất sâu cho đến biển Chánh Biến Tri của chư Phật, đều từ pháp Niệm Phật sanh ra.” Khi xưa, Ngài Huệ Nhật cưỡi thuyền vượt biển đến Thiên Trúc, nước Kiện Ðà La, nơi có thờ tượng Quán Âm. Ngài Huệ Nhật dập đầu lễ bái tượng Quán Âm suốt bảy ngày, lại nhịn ăn. Ðến đêm hôm thứ bảy, chợt thấy Quán Âm hiện tử kim thân, ngồi tòa sen báu, đưa tay xoa đầu Ngài bảo: “Ông muốn truyền pháp tự lợi, lợi tha, thì chỉ cần niệm đức A Di Ðà Phật ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.”
Rõ ràng là pháp môn Tịnh Ðộ vượt hẳn các hạnh. Ngoài ra, các tác phẩm Vãng Sanh Luận của Thiên Thân Đại sĩ, Khởi Tín Luận của Mã Minh Đại sĩ, Thập Nghi Luận của Trí Giả Đại sư và bao nhiêu trước tác của các vị Đại đức Vĩnh Minh, Thiên Như, Sở Thạch, Liên Trì v.v... không tác phẩm nào lại chẳng ân cần khen ngợi, dẫn dắt về việc vãng sanh Tây Phương, quyết chẳng phải là việc lừa dối người đời. Huống hồ chúng ta sanh nhằm đời mạt vận, pháp nhược ma cường, người tu hành không đủ sức định huệ nhìn thấu chân tướng sự thật của cảnh giới hiện ra trước mắt, lại thường gặp phải những độc lực phiền não khó xả bỏ, nếu không biết nương vào từ lực gia bị của Phật A Di Đà, há chẳng phải là đi lầm đường rồi hay sao? Người chân thành cung kính, tín nguyện sâu thiết, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc, ở nơi họ tự đã chứng thực được sự gia trì, khuyến khích, cỗ vũ của Phật A Di Đà trong những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn trong ngục tù tam giới. Phật A Di Đà luôn gia hộ cho người niệm Phật, khiến cho tâm họ thường luôn an lạc, luôn nhớ niệm Đức Phật Di Đà phương Tây và quốc độ của Ngài, để lúc lâm chung có thể tự tại vãng sanh, mau được nghe pháp và chứng Bất Thoái Chuyển. Nếu chúng ta vẫn bồi hồi chẳng tin, tham đắm trần lao, thì khác gì như con thiêu thân tự mình đâm đầu vào lửa lớn, như con cá tự mình bơi vào chỗ nước cạn, biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi ngục ba cõi, dứt tận đại khổ? Chúng ta phải dũng mãnh phản tỉnh, vâng lời Phật khuyên dạy: “Phát Bồ-đề tâm, một bề chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc.” Tín, nguyện là phát Bồ-đề tâm, trì danh là một bề chuyên niệm A Di Đà Phật. Ðấy chính là tông chỉ của toàn bộ kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ.
Trong phẩm Chẳng Phải Là Tiểu thừa, Phật bảo Từ Thị: “Ông hãy quán sát, chư đại Bồ-tát, khéo được lợi ích. Nếu có thiện nam và thiện nữ nào được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà, hay sinh một niệm với tâm vui thích, quy y chiêm lễ, y giáo tu hành, phải biết người này được lợi ích lớn, sẽ đặng công đức như trên đã nói, tâm không hạ liệt cũng không cống cao, thành tựu căn lành, thảy đều tăng thượng, phải biết người này không phải Tiểu thừa, trong giáo pháp ta, được xưng gọi là đệ tử bậc nhất.”
Tuy kinh Vô Lượng Thọ nói đến muôn hạnh lành, nhưng xét ra, bổn nguyện của Phật cốt ý chỉ là muốn chúng sanh một bề chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, cầu sanh Cực Lạc. Vì sao? Vì một khi được vãng sanh dù ở bất cứ địa vị nào, cũng đều đạt được những sự lợi ích như chư đại Bồ-tát trong cõi ấy. Vì thế, Đức Thế Tôn mới khuyên bảo hết thảy chúng sanh phải nên tôn trọng lắng nghe, y theo giáo chỉ và yêu thích tu tập pháp môn này. Do bởi căn tánh của chúng sanh có lợi căn, có độn căn, nên trong phẩm Ba Bậc Vãng Sanh, Phật tạm chia căn tánh chúng sanh ra thành ba loại thượng, trung và hạ. Nhưng thật ra, ba căn này vốn không nhất định, nên Phật cũng không có định pháp nào để nói. Trong Cảm Ứng Thiên, Lão sư Tịnh Không dạy rất hay: “Bạn chịu buông xả thì bạn thuộc về thượng căn; bạn có thể buông xả một phần, còn có một phần không thể buông xả thì bạn thuộc về trung căn; bạn hoàn toàn không thể buông xả thì bạn thuộc về hạ căn, làm gì có nhất định?” Thật ra, căn tánh thượng, trung và hạ hoàn toàn là do ở nơi chính mình có thể buông xả được bao nhiêu. Do tâm của mình thường luôn thay đổi, nên căn tánh cũng chẳng có nhất định. Lúc tâm mình sáng suốt, thanh tịnh, bình đẳng, có thể buông xả hết thảy thân tâm thế giới, thì lúc ấy mình là thượng thượng căn. Lúc tâm mình bị phiền não bức bách, buông xả không nổi, thì lúc ấy bị tuột xuống thành hạ căn. Nhưng một khi phản tỉnh lỗi lầm, buông xả vạn duyên, dứt muốn bỏ lo, bèn trở lại thành thượng căn. Vì thế, chúng ta thường đọc kinh, nghe pháp Đại thừa chính là để thường phản tỉnh lỗi lầm, trí huệ cũng theo đó mà thường phát sanh, dễ dàng giác ngộ, tâm thường thanh tịnh, nhằm nâng cao căn tánh của mình lần lược từ hạ căn đến trung căn, rồi từ trung căn đến thượng căn, từ Sự trì thành Lý trì.
Các vị Bồ-tát vãng sanh Cực Lạc, thấy Phật A Di Ðà, liền chứng được thân rốt ráo và pháp bình đẳng với chư đại Bồ-tát từ Bát Ðịa trở lên, cho nên Đức Phật nói: “Chư đại Bồ-tát khéo được lợi ích.” Ở đây, kinh nêu rõ mười phương thánh chúng vãng sanh Cực Lạc đều được những lợi ích lớn lao, nhằm khiến chúng sanh tin ưa, phát nguyện, một bề chuyên niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc. Phật khen ngợi pháp môn Niệm Phật là bậc nhất để khuyến tín chúng sanh rằng: Nếu có thiện nam và thiện nữ nào được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà mà phát sinh một niệm với tâm vui thích, quy y chiêm lễ, y giáo tu hành, thì phải biết người này sẽ được những lợi ích và công đức lớn lao như chư đại Bồ-tát, tức là họ đều chứng được thân rốt ráo và pháp bình đẳng với các chư đại Bồ-tát từ Bát Ðịa trở lên.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.128.206.66 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập