Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Nếu người có lỗi mà tự biết sai lầm, bỏ dữ làm lành thì tội tự tiêu diệt, như bệnh toát ra mồ hôi, dần dần được thuyên giảm.Kinh Bốn mươi hai chương
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chạm quang minh được an lạc »»
Phẩm Ánh Sáng Chiếu Khắp của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Quang minh như thế, khắp chiếu mười phương, tất cả thế giới, nếu chúng sanh nào, chạm quang minh này, cấu diệt thiện sinh, thân ý nhu nhuyến, nếu trong tam đồ, chỗ vô cùng khổ, thấy quang minh này, đều được dừng dứt, đến khi mạng chung, đều đặng giải thoát. Nếu chúng sanh nào, chạm quang minh kia, oai thần công đức, đêm ngày xưng nói, chí tâm chẳng dừng, chỗ nguyện tùy ý, đặng sinh nước đó.” Ðoạn kinh văn này trình bày diệu dụng thù thắng của quang minh Phật Di Ðà; đây chính là kết quả của Nguyện “Chạm Quang Minh Được An Lạc” trong Bốn Mươi Tám Đại Nguyện của Phật A Di Đà. Chạm quang minh Phật được an lạc cũng có nghĩa là tiếp nhận được oai thần quang minh gia trì của Phật.
Tuy Phật quang chiếu rọi khắp mười phương vô biên vô ngại, nhưng do vì phần đông chúng sanh căn tánh bất đồng, căn kém, duyên hèn, chẳng khác nào cái chậu bị úp xuống, không thể tiếp nhận ánh sáng mặt trời đang chiếu soi, nên mới có người tiếp nhận được và có người chẳng tiếp nhận được Phật quang gia trì. Người nào có cơ duyên xúc chạm quang minh Phật sẽ đạt được điều lợi ích lớn lao như kinh nói: “Cấu diệt, thiện sanh, thân ý nhu nhuyến.” “Cấu diệt” là đoạn trừ được ba độc tham sân si, xa lìa được hết thảy ác pháp. Bởi do tất cả ác pháp đều sanh ra từ ba độc này, nên chỉ có vô tham, vô sân, vô si mới thật sự là thiện pháp. Hết thảy thiện pháp chỉ có thể phát sanh và tăng trưởng từ thiện tâm vô tham, vô sân, vô si. Như vậy, nếu chúng ta dùng ba căn vô tham, vô sân, vô si làm Tự tánh mỗi khi phát khởi lên các thứ tâm và tâm sở, thì đấy đều là thiện tâm. Nếu xét theo bổn nguyện Di Ðà, thì thiện tâm chính là tín tâm chân thật nơi oai thần quang minh gia trì của Đức Phật A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật gọi nó là “chí thành tâm và thâm tín tâm.” Khi chúng ta dùng thiện tâm vô tham, vô sân, vô si làm Tự tánh để dấy lên câu Phật hiệu, thì ba nghiệp nơi thân-khẩu-ý liền được nhu hòa, thuận theo lý đạo của Phật, nên kinh Vô Lượng Thọ bảo là “thân ý nhu nhuyến.”
Kinh Pháp Hoa nói rất hay: “Chúng sanh đã tin phục, thì ý chất trực tự nhiên nhu nhuyễn.” Cổ nhân cũng bảo: “Nếu chẳng hạ mình trước người thật sâu, thì chẳng thể đạt được lẽ thật.” Những lời lẽ này đã chỉ rõ, do vì chúng sanh trong cõi Sa-bà rất ương ngạnh, rất khó giáo hóa, nên Phật phải phóng quang khiến cho thân ý của họ được nhu nhuyến, mới có thể dễ dàng điều phục, giáo hóa. Ví dụ, nếu mình muốn uốn nắn một vật thô cứng như sắt thép thành hình này hình nọ, thì trước hết phải nung nóng nó, làm cho nó trở thành mềm mại, nhu nhuyến, mới có thể uốn nắn được. Cũng giống như vậy, Phật phóng quang làm cho thân ý của chúng sanh trở nên nhu nhuyến, không còn ương ngạnh nữa, mới có thể điều phục, giáo hóa được.
Hỏi: Vì sao chạm quang minh Phật được “cấu diệt, thiện sanh, thân ý nhu nhuyến” là điều lợi ích rất lớn?
Đáp: Vì chúng sanh trong tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) phải chịu rất nhiều sự thống khổ cùng cực không thể nói nổi. Chúng sanh trong đại địa ngục phải chịu những sự nóng bức đốt cháy thân mình gọi là hỏa đồ. Các loài súc sanh thường ăn nuốt lẫn nhau gọi là huyết đồ. Các loài ngạ quỷ thường bị đánh đập, xua đuổi gọi là đao đồ. Thế mà chúng sanh vẫn cứ khăng khăng kham nhẫn chịu đựng, không chịu từ bỏ thối ương ngạnh, rất khó giáo hóa. Nhưng một khi họ tiếp nhận được Phật quang chiếu đến, liền được thân ý nhu nhuyến, những nỗi khổ đau liền ngừng dứt, rồi lại từ trong Tự tâm phát sanh ra ý lành, buông bỏ thối ương ngạnh, chịu đoạn tham-sân-si, một dạ niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, đến lúc mạng chung đều được vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn giải thoát, không còn bị đoạ vào trong ba đường ác đạo nữa. Những lợi ích lớn lao ấy đều là do lời từ Nguyện “Chạm Quang Minh Được An Lạc” của Phật A Di Đà là “Nếu có chúng sanh, thấy được quang minh, chiếu chạm thân mình, đều được an lạc, tâm từ hành thiện, sinh về nước con.” Bởi thế các kinh đều khen ngợi nguyện lực và sức oai quang nhiếp thọ của Phật Di Ðà là chẳng thể nghĩ bàn! Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật chép: “Vô Lượng Thọ Phật có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi một tướng có tám vạn bốn ngàn tùy hình hảo. Trong mỗi một tùy hình hảo lại có tám vạn bốn ngàn quang minh; mỗi một quang minh chiếu chúng sanh niệm Phật trong khắp mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng bỏ.” Ý là Phật Di Đà phóng quang chiếu khắp chúng sanh chỉ vì muốn kiếm người niệm Phật để tiếp độ cho họ được vãng sanh, chẳng vì các thứ duyên nào khác. Thế nhưng, người niệm Phật chân thật phải là dùng tâm chẳng tham, chẳng sân, chẳng si để niệm Phật, thì mới hữu duyên tiếp nhận được quang minh gia trì của Phật A Di Đà.
Hỏi: Con người trong nhân gian họa may còn thấy được Phật quang, chớ chúng sanh trong tam đồ làm sao thấy nổi?
Đáp: Kinh Tâm Ðịa Quán dạy: “Do kẻ nam, người nữ kia tu phước hồi hướng, nên có ánh sáng lớn màu vàng ròng chiếu thấu địa ngục. Trong quang minh diễn thuyết pháp vi diệu, khai ngộ cha mẹ khiến họ phát ý.” Trong kinh Địa Tạng, nàng Quang Mục vì muốn cứu mẹ thoát ra khỏi địa ngục mà suốt cả ngày đêm niệm Phật, đạt được công phu nhất tâm, phát ra ánh sáng lớn chiếu khắp địa ngục. Mẹ của nàng Quang Mục và các chúng sanh hữu duyên ở trong địa ngục do nhờ vào ánh sáng này mà cấu diệt, thiện sanh, được thân ý nhu nhuyến, thoát ra khỏi địa ngục. Từ những bài học này chúng ta thấy, người con hiếu thảo làm lành hồi hướng cho cha mẹ mà còn có ánh sáng lớn màu vàng ròng chiếu thấu đến tận địa ngục để khai ngộ, giải thoát cho cha mẹ, thì chẳng lẽ quang minh lớn lao bất khả tư nghị của Phật Di Ðà lại thua kém quang minh của người thường.
Bản Ngô dịch của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe tiếng A Di Ðà Phật, khen ngợi quang minh. Sáng tối thường khen ngợi quang minh ấy tốt đẹp, chí tâm chẳng đoạn tuyệt, trong tâm mong mỏi vãng sanh cõi A Di Ðà Phật.” Như vậy, hễ ai xúc chạm quang minh của A Di Đà Phật, hoặc nghe đến công đức oai thần của quang minh của A Di Đà Phật, hoặc nghe tiếng A Di Ðà Phật, rồi ngày đêm chẳng ngớt, dùng tâm chân thành cung kính kể nói cho người khác cùng biết đến oai thần công đức của Phật quang, thì người ấy sẽ được oai thần của Phật quang gia trì mà được thỏa mãn tâm nguyện, vãng sanh Cực Lạc. Thế nhưng, trong ba thứ nhân duyên căn lành: xúc chạm quang minh, nghe công đức oai thần của quang minh và nghe tiếng A Di Ðà Phật, thì nhân duyên căn lành được nghe tiếng A Di Ðà Phật, phát tâm chí thành, tin ưa xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà mới chính là ý nghĩa thật sự của câu “đêm ngày xưng nói, chí tâm chẳng dừng.” Nói cách khác cho dễ hiểu, Tín-Nguyện-Trì Danh hiệu Phật ngày đêm không ngừng dứt mới là ý nghĩa thật sự của câu “đêm ngày xưng nói, chí tâm chẳng dừng.” Vì sao? Bởi vì danh hiệu A Di Đà Phật là đại biểu cho hết thảy các thứ quang minh của Phật A Di Đà; cho nên chỉ cần xưng niệm một câu A Di Đà Phật thì đã bao trọn hết tất cả quang minh công đức của Phật quang. Như vậy, Tín-Nguyện-Trì Danh mới chính là chánh nhân vãng sanh. Vì thế, A Di Ðà Phật mới bảo rằng: “Muốn sanh về cõi nước của ta thì phải thường niệm danh hiệu ta!” Vậy, “thường niệm danh hiệu Phật” chính là thỉnh cầu Phật lực gia trì đúng như lời Phật dạy, nên thường được chạm quang minh gia trì của Phật mà được những lợi ích lớn lao từ “cấu diệt, thiện sanh, thân ý nhu nhuyến” cho đến “chỗ nguyện tùy ý, đặng sinh nước đó.”
Hỏi: Tại sao chúng ta phải thường luôn thỉnh cầu Phật lực gia trì?
Đáp: Bởi vì Phật nói, thế gian này là “cầu bất đắc khổ,” chẳng có thứ gì chúng ta mong cầu mà có thể được viên mãn. Lúc nào chúng ta cũng phải trả cái giá rất đắc cho những gì chúng ta đạt được. Ngay cả những lúc mình muốn làm một chuyện tốt lành cũng không phải dễ dàng, thường hay gặp nhiều khó khăn, thường gặp ma đến nhiễu loạn. Do đó, nếu chúng ta muốn làm được chuyện tốt lành mà không gặp phải chướng ngại, thì nhất định phải cậy nhờ Phật lực gia trì. Nếu không có Tam Bảo gia trì, thì chuyện tốt lành nào cũng chẳng thể làm được. Thậm chí, làm chuyện tốt rốt cuộc rồi lại hóa thành làm chuyện xấu; đấy đều là do không có Phật, Bồ-tát gia trì. Ví dụ, chúng ta muốn vì người diễn nói kinh Phật mà không được Tam Bảo gia trì, thì lúc ở trước đại chúng, chẳng thể nói ra được nghĩa chân thật của Như Lai. Cho nên, nhất định chúng ta phải cậy vào Tam Bảo gia trì mới có thể giảng kinh. Chẳng những người nói kinh cần phải có Tam Bảo gia trì, mà người nghe kinh cũng cần phải có Tam Bảo gia trì, cả hai bên đều phải nhờ vào Phật quang phổ chiếu, mới có thể thâm nhập vào tạng quang minh trí tuệ của Như Lai mà hiểu ý của Như Lai một cách không lầm lẫn. Người nói kinh, không được Tam Bảo gia trì chỉ có thể giải thích văn tự trong kinh mà thôi, không có cách gì nói ra được mật nghĩa ẩn chứa trong kinh. Vì sao? Bởi vì ý nghĩa chân thật vốn nằm ngoài văn tự, chớ chẳng phải nằm trên mặt văn tự. Văn tự trong kinh chỉ là thí dụ, là ký hiệu dùng làm chiếc chìa khóa để khai mở kho tàng trí tuệ Tự tánh, chớ chẳng phải là trí huệ chân thật. Do đó, chúng ta nhất định phải cầu Tam Bảo gia trì lúc giảng kinh hoặc nghe kinh mới có thể khai mở trí tuệ Tự tánh mà hiểu được chân thật nghĩa của Như Lai. Vì thế, trong Phật giáo, mỗi khi chúng ta bắt đầu đọc tụng kinh, nghe kinh hoặc nói kinh, đều phải đọc câu kệ khai kinh “Nguyện giải Như-Lai chân thiệt nghĩa,” tức là chúng ta thỉnh cầu Phật lực gia trì, giúp chúng ta khai mở tuệ giác, thấu hiểu và chứng nhập vào Phật tri kiến.
Cổ nhân dạy: “Tinh thành đến cùng cực, sẽ cảm thông quỷ thần.” Khi chúng ta chân thành cung kính đến mức cùng cực, còn có thể cảm thông quỷ thần, huống chi là nay mình thỉnh cầu nơi Tam Bảo đại từ, đại bi, luôn thương xót, nghĩ nhớ đến chúng sanh như con đỏ mà gia hộ, giúp đỡ. “Tinh thành tâm” cũng chính là chí thành tâm và thâm tín tâm. Do chúng ta chân thành cung kính Tam Bảo, nơi tự đáy lòng mình chẳng nghi ngờ lời kinh Phật dạy, chẳng nghi ngờ Phật lực gia trì, nên tự nhiên có cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Người đời thường nói: “thành kính tắc linh,” nghĩa là hễ thành tâm thì ắt sẽ linh! Nếu chúng ta thỉnh cầu Phật lực gia trì với tất cả tấm lòng thành kính, vô tham, vô sân và vô si, ắt sẽ cảm nhận được sự linh ứng kỳ diệu mà người bình thường chẳng thể tin tưởng nổi. Niệm Phật, niệm kinh hay tụng chú v.v... với tâm thành kính thì chẳng nên có tạp niệm. Niệm niệm với tâm thanh tịnh như thế mới có linh ứng. Có người niệm Phật, niệm kinh, niệm chú rất linh nghiệm, nhưng lại có người niệm đến toác bể cuống họng cũng chẳng chẳng linh; đấy đều là do tâm địa của mình có thành kính hay không mà thôi! Có người lúc niệm Phật, niệm kinh hay tụng chú thường thấy chư Phật, Bồ-tát, thiên long hộ pháp đến gia trì, đấy là do vì lúc niệm có được tâm thanh tịnh, nên được thấy những sự linh ứng kỳ diệu. Nếu có được cảm ứng như vậy thì phải biết quán pháp như hóa, trụ trong chánh định, chẳng nên khởi lên vọng niệm vu vẻ, cảm động mà mất đi tâm thanh tịnh. Thậm chí, lúc niệm Phật, niệm kinh hay tụng chú mà còn dẫy khởi lên vọng niệm, thì cảnh Phật liền trở thành cảnh ma.
Thật ra, niệm kinh, niệm chú quá dài, rất khó nhiếp tâm, trong lúc tụng niệm rất dễ xen tạp vọng niệm. Niệm câu A Di Đà Phật thì rất ngắn, dễ nhiếp tâm hơn; do ít có vọng tưởng xen tạp trong câu niệm Phật nên mới nói niệm Phật rất linh! Nếu chúng ta niệm A Di Đà Phật mà vẫn còn khởi vọng tưởng thì câu Phật hiệu ấy chẳng linh, tức là chúng ta chẳng thể giao tiếp được với Phật, Bồ-tát. Do chẳng thể tiếp nhận được năng lực gia trì của chư Phật, Bồ-tát, nên niệm Phật khó đạt được công phu Nhất tâm, chẳng thể có được những lợi ích chân thật như là “cấu diệt, thiện sanh, thân ý nhu nhuyến” cho đến “chỗ nguyện tùy ý, đặng sinh nước đó.” Do vậy, đạo lý đơn giản để niệm Phật được Nhất tâm chỉ là ở chỗ có thành tâm hay không. Thật vậy, nếu chúng ta thành tâm cầu sanh Cực Lạc, thì tự nhiên sẽ dốc lòng, nhất chí niệm Phật hơn. Do mỗi một câu niệm Phật phát ra đều là từ Chân tâm Tự tánh, chẳng có xen tạp vọng tưởng, nên có thể tiếp nhận được Phật lực gia trì mà mau chóng đạt được Nhất tâm. Trong thuận cảnh không khởi lên ý niệm hoan hỷ, trong nghịch cảnh không khởi phiền não, thì tâm mình mới thật sự thanh tịnh, chẳng nhiễm mảy trần; đó mới thật sự là tâm chí thành niệm Phật! Cái tâm chí thành niệm Phật ấy thật sự là vĩnh hằng, thanh tịnh tự nhiên, chẳng phải là do phản ứng đối với cảnh giới bên ngoài, nên cũng chẳng có cảm tình, mừng, giận, buồn, vui. Nếu ai xúc chạm thần quang gia trì của Phật A Di Đà thì sẽ được “cấu diệt, thiện sanh, thân ý nhu nhuyến.” Đây là pháp hỷ lạc từ nội tâm sanh ra, là pháp hỷ sung mãn thật sự, chẳng có bất cứ một vọng niệm nào sanh ra, khác hẳn với nổi mừng vui do cảm tình sanh ra. Người có tâm chí thành niệm Phật thì trong thuận cảnh lẫn nghịch cảnh, họ đều hoàn toàn không có ý niệm dấy lên. Do sóng gió không còn dấy lên trong tâm, nên lúc gặp phải chướng ngại trong đời, tâm mình không bị chìm xuống vựt sâu, hoặc lúc gặp những linh ứng kỳ diệu với Phật, Bồ-tát, tâm mình không khởi lên những ý niệm mừng vui, cảm động. Vì sao? Vì trong chân tâm vốn tự nhiên có đầy đủ bốn thứ thường, lạc, ngã, tịnh rồi, thì dù có vô lượng sự vui vẻ hay vô biên khổ nạn xảy ra, tâm mình vẫn an nhiên tự tại, thanh tịnh, từ bi và bình đẳng; đấy mới thật sự là “thân ý nhu nhuyến.” Vậy, “thân ý nhu nhuyến” chính là thường, lạc, ngã, tịnh!
Chư Phật, Bồ-tát hết sức yêu thương chúng sanh, lúc nào cũng từ bi đối với chúng sanh, nên lời phát nguyện trước tiên của các Ngài trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện là: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Lòng từ bi của chư Phật, Bồ-tát phát ra từ lý trí, từ tâm giác ngộ, chẳng giống với ái tình lục dục có dính líu với tình cảm, tình kiến và ô nhiễm của chúng sanh, nên chư Phật, Bồ-tát niệm niệm đều muốn cứu độ hết thảy chúng sanh thoát ra khỏi các thứ khổ nơi thân lẫn tâm. Nay, chúng ta cũng dùng tâm chân thành cung kính, phát nguyện muốn cứu độ chúng sanh, tức là muốn giúp sức cho các Ngài cứu khổ chúng sanh, thì chắc chắn các Ngài vô cùng hoan hỷ và sẽ hết lòng giúp đỡ chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta lấy chuyện hoằng pháp lợi sanh làm công cụ để đạt tiếng tăm, danh lợi, thì dù các Ngài rất muốn gia trì chúng ta, nhưng chẳng có cách nào có thể giúp đỡ được. Do đó, nếu chúng ta thật sự muốn được chư Phật, Bồ-tát gia trì để thân tâm được an ổn mà thực hành các hạnh tự lợi lợi tha của chư Bồ-tát, thì trước hết phải phát tâm học Phật để phá mê khai ngộ. Nếu chúng ta không học Phật thì mọi việc làm của mình đều phát xuất từ tâm mê hoặc điên đảo, đều là hành ma nghiệp, thì làm sao chư Phật, Bồ-tát có thể che chở, gia bị chúng ta được?
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.87.144 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập