Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm vuột mất các giá trị mà bạn có.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Học hỏi Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vì sao phải niệm Phật? »»
Vì sao phải niệm Phật? Xét về mặt Phật tha lực thì trong Bốn Mươi Tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, nguyện nào cũng đều quy về trì-danh-hiệu Phật nên Đức Phật A Di Đà bảo: “Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh trong khắp mười phương nếu niệm danh hiệu của tôi, thì tôi nhất định sẽ đến tiếp dẫn họ về cõi nước của tôi. Chúng sanh sinh về cõi nước tôi rồi, đều hóa sanh từ hoa sen trong ao thất bảo, nên có được thân thể thanh tịnh không bị nhiễm ô, tương lai họ nhất định đều thành Phật.” Với đại nguyện rộng lớn như thế, nên tất cả chúng sanh trong cửu giới ai ai cũng đều phải nên hoan hỷ tu pháp môn Niệm Phật, vì đây là pháp môn thích hợp với mọi trình độ, mọi căn cơ và rất là dễ tu.
Vì sao phải niệm Phật? Xét về mặt tự lực thì lúc bình thường chúng ta niệm Phật sẽ huân tập được hạt giống Phật vào trong tâm mình. Nếu chúng ta niệm Phật mãi trong một thời gian dài lâu thì hạt giống Phật đó lớn dần lên trong mảnh đất tâm của mình và nó tự đưa mình đến giác ngộ giải thoát, vãng sanh thành Phật. Ngược lại, nếu bình thường chúng ta không thường xuyên niệm Phật, tức là tâm mình luôn niệm vọng và chỉ gieo những hạt giống vọng nghiệp trong mảnh đất tâm mình, nên không có nhiều hạt giống Phật. Đến lúc lâm chung, thần trí rối loạn, không thể tự làm chủ lấy mình, các chủng tử nghiệp mạnh hơn ấy sẽ lấn áp chủng tử Phật, nên chúng ta không làm sao có thể nhớ ra câu Phật hiệu để niệm. Do đó, hằng ngày chúng ta cần phải thường xuyên niệm Phật, lạy Phật, tu pháp môn Tịnh độ để huân tập thật nhiều hạt giống Phật. Được như thế thì ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cũng được mọi sự bình an, khi lâm chung không bị hôn mê tán loạn nên có thể tự tại niệm Phật mà được tự tại vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Có người hỏi rằng: “Chỉ cần thấy tánh ngộ đạo thì ngay trong cõi này cũng có thể vượt qua sanh tử, cần chi phải chuyên tâm niệm Đức Phật kia để cầu sanh qua phương khác?”
Đáp: Người tu hành chân chánh thì phải nên tự mình biết xem xét chỗ hiểu biết và việc làm của mình cũng như người uống nước tự biết nước nóng hay lạnh. Trước hết chúng ta hãy xem xét các bậc Thiền sư lỗi lạc như Vĩnh Minh Diên Thọ, Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Trung Quốc Sư, Trung Phong v.v... Các Ngài đều là những bậc Đại sư tu Thiền thấy tánh, ngộ đạo; thế mà các Ngài không xiễn dương pháp môn Thiền, lại chỉ hoằng truyền Tịnh độ. Nghĩa ấy là như thế nào thì chúng ta hãy tự mình suy ngẫm, ắt sẽ tự có câu trả lời. Sau đó, chúng ta lại lần lược tự suy xét lấy chính mình dựa trên những điều dưới đây để biết ta đã thấy tánh, ngộ đạo như các vị đại thiền sư ấy chưa?
· Thứ nhất, ta có được Đức Như Lai thọ ký chưa?
· Thứ hai, ta có được nối ngôi Tổ sư như các Ngài Mã Minh, Long Thọ, Vĩnh Minh hay chăng?
· Thứ ba, ta có được biện tài thuyết pháp không ngại và được các tam-muội Pháp Hoa như Ngài Thiên Thai Trí Giả hay chăng?
· Thứ tư, ta có khả năng hiểu suốt và giảng giải tông chỉ của các tông môn và làm được đầy đủ các công đức như Ngài Trung Quốc Sư hay chăng?
· Thứ năm, ta có đức cao trọng vọng, được vua tôn xưng làm Quốc sư như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ và Trung Phong hay chăng?
Chúng ta thấy các chư vị Bồ-tát như Vĩnh Minh Diên Thọ, Mã Minh, Long Thọ, Trí Giả, Trung Quốc Sư, Trung Phong v.v... đều là những bậc Thiền sư thấy tánh ngộ đạo mà còn phải cầu sanh Cực Lạc, hết lòng xiễn dương Tịnh độ, khuyên bảo chúng sanh phải tu pháp môn Niệm Phật vãng sanh để thật sự làm lợi cho mình và người, chớ đâu phải các Ngài có ý dối ta dối người để cầu tự lợi!
Nếu chúng ta chưa được những điều mà các Ngài đạt được, lại chẳng chịu nương vào tha lực cứu độ của Phật A Di Đà thì khó thể liễu thoát sanh tử trong một đời này. Huống chi Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng khen ngợi và đích thân dặn dò hết thảy chúng sanh rất cặn kẽ trong kinh Đại Tập rằng: “Thời Mạt pháp ức ức người tu hành, khó có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn Niệm Phật thì độ thoát sanh tử.” Bây giờ chính là thời Mạt pháp, thì tất nhiên pháp môn Niệm Phật rất là tương ưng và thích hợp với mọi căn cơ của người thời này. Chúng ta là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng lẽ lại không tin lời dạy này của Phật? Lời Phật dạy quyết định không thể sai lầm; cho nên, chúng ta phải biết noi theo các bậc hiền xưa, kính vâng lời Phật dạy.
Lại như trong Vãng Sanh truyện ký có ghi lại, xưa nay có rất nhiều bậc cao sĩ, sự tích rõ rệt đã từng niệm Phật mà nhiều lần thấy Phật đến thọ ký, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn ngay trong hiện đời, đến lúc lâm chung lại được Phật A Di Đà, Quán Âm, Thế Chí và vô số thánh chúng nơi cõi Cực Lạc hiện thân tiếp dẫn vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật. Chúng ta nên thường xuyên đọc kỹ các truyện ký ấy ngàn lần để tự mình soi tỏ mà phá nghi sanh tín. Hơn nữa, ta phải thường tự biết mình chính là một phàm phu trọng tội, nghiệp chướng chồng chất cao hơn núi Tu Di, lòng tham dục sâu thẳm không thấy đáy, phiền não kiên cố như thành đồng lũy sắt; liệu rằng đến lúc mạng chung, sống chết gần kề, có chắc chắn sẽ được tự tại giải thoát theo ý muốn của mình hay chăng? Ác nghiệp của chúng kể từ vô thủy đến nay không thể nào tính đếm cho nổi, liệu những ác nghiệp đó sẽ tự nhiên biến mất, không hiện ra lúc lâm chung để cho mình tự tại được thoát khỏi luân hồi, hoặc tự do ra vào trong ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), thoát mọi khổ nạn hay chăng? Trong mười phương thế giới, khắp các cõi trời người, liệu chúng ta có thể tùy ý thác sanh vào chỗ mình muốn mà không bị ngăn ngại hay chăng?
Nếu mình chưa được những điều như vậy, thì cũng đừng vì lòng tự cao tự đại quá mức đến nỗi phải chịu chìm nỗi nhiều kiếp trong sanh tử khổ đau. Tự mình bỏ mất những điều lợi ích tốt đẹp mà Phật A Di Đà đã phát lời bi nguyện sâu rộng là sẽ đến tiếp dẫn bất cứ một chúng sanh nào phát lòng tin ưa, trì danh hiệu Ngài cầu sanh về cõi nước của Ngài. Nếu ngày nay chúng ta không kịp chuẩn bị sám hối tội lỗi, phát lòng tin sâu, nguyện thiết, một dạ niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thì e rằng lúc vô thường chợt đến, có hối hận, than vãn, tiếc nuối cũng không còn kịp nữa.
Thiền Sư Vĩnh Minh Diên Thọ nêu lên bốn trường hợp khác nhau của người tu hành để chúng ta tự mình chọn lựa như sau:
“Tu thiền, không Tịnh độ, mười người lầm đến chín.
Cảnh âm vừa hiện ra, liếc qua liền theo đó.
Không thiền, chuyên Tịnh độ, muôn người không sai một.
Chỉ cần được thấy Phật, lo gì không chứng ngộ?
Tu thiền, tu Tịnh độ, như cọp mọc thêm sừng.
Đời nay dạy dỗ người, đời sau làm Phật Tổ.”
Không thiền, không Tịnh độ, giường sắt, cột đồng chờ.
Ngàn muôn kiếp trôi lăn, trọn không người cứu hộ.”
· “Tu thiền, không Tịnh độ, mười người lầm đến chín. Cảnh âm vừa hiện ra, liếc qua liền theo đó” nghĩa là: Nếu chỉ muốn tu thiền để hiểu rõ và thâm nhập lý tánh mà chẳng phát nguyện vãng sanh thì vẫn phải bị lưu chuyển trong cõi Ta-bà, chịu cái họa sa đọa. Cảnh âm đó là trong lúc đang thiền định có ma ấm phát hiện ra như trong kinh Lăng Nghiêm có nói rõ: Do năm ấm mà sanh ra năm mươi cảnh ma. Người tu thiền khi mới thấy ấm cảnh hiện ra, do bị mê hoặc, không rõ biết nên tưởng lầm là mình đã chứng được Vô thượng Niết-bàn mà lạc vào ma cảnh.
· “Không thiền, chuyên Tịnh độ, muôn người không sai một. Chỉ cần được thấy Phật, lo gì không chứng ngộ?” nghĩa là: Nếu chưa rõ biết lý tánh thì chỉ phải nên chuyên tâm chấp trì một câu Phật hiệu, nguyện vãng sanh Cực Lạc, quyết không xen tạp với bất cứ một pháp môn nào khác, chỉ hoàn toàn nương vào lực gia trì của Phật A Di Đà thì chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh độ, thoát khỏi sanh tử, quyết định một đời thành Phật, chẳng còn gì mà phải nghi ngờ nữa. Chúng ta phải nên biết, người tu pháp môn Tịnh độ mà xen tạp với các pháp môn khác tức là niềm tin nơi Phật A Di Đà không vững chắc, do tâm còn nghi ngờ nên niệm Phật chẳng có lực cảm ứng với Phật, nên chẳng thể vãng sanh.
· “Tu thiền, tu Tịnh độ, như cọp mọc thêm sừng. Đời nay dạy dỗ người, đời sau làm Phật Tổ” nghĩa là: Người tu Thiền, đời này đã có trí tuệ hiểu sâu Phật pháp, có thể làm bậc thầy dạy dỗ người khác. Nhưng nếu biết kiêm niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, thì đời sau càng thêm nhanh chóng chứng lên địa vị Bất Thoái làm Phật, làm Tổ. Thế nhưng, chúng ta hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ càng lời dạy của Tổ Vĩnh Minh, Ngài chẳng hề bảo là người thiền-tịnh song tu sẽ được vãng sanh thành Phật ngay trong một đời này, mà Ngài nói họ phải chờ tới “đời sau nữa” mới có thể thành Phật, thành Tổ. Chúng ta nghĩ xem, họ làm sao mà có thể thành Phật, thành Tổ trong đời sau? Đó cũng là do nhờ vào công đức niệm Phật trong đời này, mặc dù họ chỉ tu xen tạp nên không thể vãng sanh trong đời này, nhưng đời sau nhờ vào công đức đó mà gặp được quả báo tốt lành là được gặp lại pháp môn Tịnh độ lần nữa, để rồi có thể phát tâm chân thật tin ưa, nhất chí chuyên tu Tịnh độ, không còn xen tạp nữa, thì mới được vãng sanh thành Phật, thành Tổ. Vậy, mặc dù Thiền-Tịnh song tu vô cùng thù thắng như cọp mọc thêm sừng; nhưng không thể so sánh với điều tứ hai “Không thiền, chuyên Tịnh độ, muôn người không sai một. Chỉ cần được thấy Phật, lo gì không chứng ngộ?”
· “Không thiền, không Tịnh độ, giường sắt, cột đồng chờ. Ngàn muôn kiếp trôi lăn, trọn không người cứu hộ” nghĩa là: Người đã chẳng rõ lý Phật là thiền định, lại cũng không niệm Phật cầu vãng sanh thì muôn kiếp phải trầm luân, không thể nương vào đâu mà thoát ra khỏi luân hồi sanh tử khổ đau.
Ngày nay, chúng ta không được may mắn, sanh nhằm vào thời Mạt pháp cách Phật khá xa, pháp nhược ma cường; cho nên chúng ta không thể tự mình có năng lực tu thiền mà chứng đắc nổi lý tánh. Thế nhưng trong cái không may mắn đó, chúng ta lại gặp được pháp môn Niệm Phật; một pháp môn đã không tốn công, chẳng phí sức mà lại còn rất dễ dàng và tiện lợi cho sự hành trì tu tập. Cho nên, Tổ Vĩnh Minh đã đề ra bốn trường hợp trên, cốt yếu là để chúng sanh nếu muốn vượt thoát sanh tử, mau chứng đạo Bồ-đề, thì trong bốn trường hợp nêu trên, hãy suy nghĩ cẩn thận mà chọn lấy một pháp môn tu tốt nhất mà làm theo.
Phật A Di Đà đã phát ra Bốn Mươi Tám lời thệ nguyện rộng sâu; nhưng Bốn Mươi Tám lời nguyện đó đều cùng quy về một nguyện: ”Nếu có chúng sanh xưng niệm danh hiệu của tôi, mà không sanh về Thế giới Cực Lạc, tôi thệ không thành chánh giác” với ba điều kiện là: Thứ nhất, họ phải có lòng tin mãnh liệt, chẳng bị lay động, chẳng chút nghi ngờ, xen tạp; niềm tin đó là tin có Đức Phật A Di Đà đang ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đang tiếp dẫn chúng sanh.Thứ hai, họ phải có tâm nguyện tha thiết muốn đến Tây Phương Cực Lạc làm đệ tử của Đức Phật A Di Đà. Thứ ba, do có Tín-Nguyện đầy đủ như thế nên họ rất vui vẻ, một lòng một dạ chỉ xưng niệm danh hiệu A Di Đà Phật, chẳng muốn xen tạp với bất cứ pháp môn tu nào khác. Đây là ba món tư lương Tín-Nguyện-Hạnh mà người niệm Phật nhất định phải lấy đó làm căn bản cho việc vãng sanh. Nếu người tu Tịnh độ xen tạp với pháp môn khác thì ba món tư lượng căn bản này sẽ không vững chắc, hoặc là Tín chưa mãn, hoặc là Nguyện vãng sanh chưa thiết tha, hoặc là niệm Phật không chuyên vì phải chia thời giờ lúc thì phải ngồi thiền, lúc thì phải tụng chú, lúc thì phải niệm Phật v.v... Cho nên, việc tu hành của họ giống như là cái kiềng ba chân mà bị mất đi một cái chân, không thể đứng vững được.
Thế giới Tây Phương Cực Lạc, có đầy đủ các thứ an vui, không có các thứ khổ não, cũng không có ba đường ác đạo. Các loại chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Ca lăng tần già, Cộng mạng v.v... đều là do thần lực của Phật A Di Đà biến hóa ra để diễn hát pháp âm, chẳng phải là loại súc sanh thật. Thế giới Cực Lạc không có các thứ tị hiềm gâu ra các duyên phiền não, khổ đau như thế giới Sa-bà này. Chúng dân ở đó ngày đêm sáu thời đều có thể nghe tiếng diễn nói diệu pháp, tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tiếng Ba-la-mật chỉ tức tịch tịnh... Đây chính là một quyền pháp vô cùng thù thắng vi diệu của A Di Đà Phật dùng để giúp cho một phàm phu vô minh, tội nặng như chúng ta mà cũng có thể thành tựu trí huệ chân thật của Như Lai, chứng quả trọn vẹn Bồ-đề đạo trong một đời. Vậy, thử hỏi người niệm Phật có cần nên xen tạp với những pháp môn khác hay không? Pháp môn nào dễ tu, dễ chứng thì pháp môn đó tất nhiên là pháp tối thượng; cho nên pháp môn Niệm Phật vãng sanh được hết thảy chư Phật khen là “đệ nhất pháp môn,” tam thế chư Phật cũng phải nương vào pháp môn này để thành Phật!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.221.116.226 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập