Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu tập Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Duy nhất Đại thừa »»
Kinh Pháp Hoa Tam-muội Quán ghi: “Mười phương chúng sanh, Nhất tâm niệm nam-mô Phật, sẽ đều làm Phật, chỉ có một Đại thừa duy nhất, chẳng có hai, ba thừa”. Đoạn kinh văn này đã nói rõ công đức niệm Phật chính là Duy nhất Đại thừa. Kinh cũng nêu ra rất rõ rệt là mười phương chúng sanh thì đương nhiên bao gồm bản thân chúng ta cho đến các bậc Bồ-tát chưa thành Phật đạo trong ấy. Mười phương chúng sanh do nhất tâm niệm Phật mà thành Phật thì pháp đó gọi là gì? Pháp đó gọi là Duy nhất Đại thừa hay Nhất thừa pháp! Mấu chốt của toàn bộ Phật giáo đều quy về một chữ Nhất. Chữ Nhất này chẳng phải là con số, cũng không có nghĩa là niệm một tiếng nam-mô Phật, mà là Nhất tâm xưng niệm! Nhất chẳng những chỉ có nghĩa là nhất tâm, mà còn là nhất tâm đạt đến mức tột bậc của Lý Nhất tâm Bất loạn được nói trong kinh Di Đà. Nói cách khác, các kinh Tịnh độ đều dạy cách sử dụng tâm chân thành đến mức cùng cực để niệm Phật thành Phật, thì đấy chính là ý nghĩa của chữ Nhất hay Lý Nhất tâm Bất loạn. Điều này đã thể hiện điều cuối cùng được ghi trong Tịnh nghiệp Tam phước của Quán Kinh: “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả”. Nhân quả ấy chẳng giống nhân quả bình phàm mà chính là “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”.
Chư cổ đại đức phán định Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều là Nhất thừa Giáo, còn cao hơn Đại thừa. Phật pháp được chia thành các đẳng cấp Tiểu thừa, Đại thừa và Nhất thừa. Nhất thừa là pháp môn dạy thành Phật, Đại thừa dạy thành Bồ-tát, Tiểu thừa dạy thành tựu Thanh văn, Duyên giác. Chúng ta thường gọi những vị chứng quả Tiểu thừa Thanh văn, Duyên giác là A-la-hán, Bích-chi Phật, những vị chứng quả Đại thừa là Bồ-tát, những vị chứng quả Nhất thừa là Phật. Niệm Phật là pháp dạy cách tu trực tiếp thành Phật, nên gọi là Nhất thừa pháp. Các tông Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Di Đà Tịnh độ đều dạy Viên giáo Nhất thừa. Thế nhưng, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa chỉ là biệt thời thành Phật, tức là đời này tu Hoa Nghiêm và Pháp Hoa để gieo nhân duyên với Nhất thừa, mãi đến các đời sau khi nhân duyên chín muồi mới có thể thành Phật. Chỉ riêng mình kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là dạy cách tu trực tiếp để một đời thành Phật, ngoài hai bộ kinh này ra, chẳng có kinh nào trong Phật môn dạy ra điều này. Ai có thể tiếp nhận và lãnh hội nổi hai bộ kinh này? Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng thọ cùng nói: Các thiện nam, các tín nữ đã hội tụ đầy đủ thiện căn, phước đức, nhân duyên, phát nguyện vãng sanh thành Phật mới có thể lãnh hội nổi hai bộ kinh này. Tức là do nhân duyên vãng sanh thành Phật của họ trong đời này đã chín muồi nên mới gặp được kinh Di Đà và kinh Vô Lượng mà Nhất tâm trì niệm. Thế mới biết, tuy nói Phật có vô lượng pháp môn, nhưng thật ra hết thảy các pháp đều chỉ là một tướng một môn, nhằm dẫn dắt chúng sanh đến chỗ chung cục của Nhất thừa pháp, đó là niệm Phật là nhân, thành Phật là quả! Vì thế, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ được xưng gọi là tâm tủy của Pháp Hoa, nghĩa là chỗ thâm thúy nhất, là chỗ trọng điểm cao nhất của Pháp Hoa, đúng như lời kinh Pháp Hoa Tam-muội Quán nói: “Mười phương chúng sanh, nhất tâm niệm nam-mô Phật, sẽ đều làm Phật, chỉ có một Đại thừa duy nhất, chẳng có hai, ba thừa”. Đấy cho chúng ta thấy rõ, vì sao nhân quả niệm Phật thù thắng đến mức như vậy!
Vì sao chỉ có một Đại thừa duy nhất, chẳng có hai, ba thừa? Đạo lý là ở chỗ nào? Ngài Liên Trì Đại sư giải thích hết sức hay: “Do hết thảy các pháp chỉ là một tướng, chẳng phải là hai tướng; là một hạnh, chẳng phải là hai hạnh. Vì thế chỉ là Nhất thừa”. Cách giải thích này giống như kinh Hoa Nghiêm đã từng nói: “Một tức là hết thảy, hết thảy chính là một”. Lục tổ Huệ Năng còn nói một câu ngắn gọn và quyết định hơn nữa: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp.” Chữ “một” ở đây không phải là con số mà chính là Nhất tâm. Nhưng phải làm thế nào mới có thể đạt được điều nhất tâm này? Kinh Pháp Hoa và Tịnh độ Ngũ kinh (Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ Phật) đều cùng nói giống hệt như nhau: Xưng danh hiệu Phật là một pháp để đạt Lý Nhất tâm! Tông môn thường nói: “Vạn pháp quy nhất”, chính là nói về Nhất tâm. Hết thảy vạn pháp biến hiện từ Nhất tâm, hết thảy các pháp môn cũng lưu xuất từ Nhất tâm. Thiền Tông tu từ căn bản, căn bản là Nhất tâm. Tịnh Tông niệm câu Phật hiệu cũng chỉ là để trực tiếp đạt tới Nhất tâm. Nhất tâm thống nhiếp hết thảy các pháp môn trở về một pháp! Nhất tâm bao dung hết thảy các pháp môn! Nhất tâm bao trùm hết thảy pháp môn! Vì thế, chỉ cần đắc Nhất tâm, thì sẽ đạt được hết thảy các pháp, đó là nguyên lý của chữ “một”.
Nếu xét theo sự, kinh Hoa Nghiêm nói: “Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại”, thì chữ “Nhất” chẳng phải là chuyên nhất mà là bất cứ một điều gì, bất cứ một pháp nào cũng đều thống nhiếp hết thảy các pháp môn. Vì sao? Vì bất cứ pháp nào cũng đều lưu xuất từ Nhất tâm. Vì thế, kinh Đại thừa mới nói: “Trong chót đầu của một sợi lông rất nhỏ, có Phật đang chuyển đại pháp luân trong ấy”. Trong một đầu lông nhỏ xíu mà cũng có hải hội vân tập, cũng có Phật giảng kinh, thuyết pháp tại nơi đó, thì đó gọi là gì? Đó chính là Sự Sự vô ngại, lớn nhỏ chẳng hai. Trong một đầu lông có thể dung nạp cả đại thiên thế giới mà đầu lông chẳng phình lớn, đại thiên thế giới cũng chẳng rút nhỏ. Vì sao vậy? Vì đầu lông là do Nhất tâm biến hiện, đại thiên thế giới cũng do Nhất tâm biến hiện, thì lẽ đương nhiên, Nhất tâm và Nhất tâm chẳng có trở ngại lẫn nhau, nên nhỏ có thể dung nạp lớn, lớn có thể dung nạp nhỏ, đấy chính là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại của Hoa Nghiêm cảnh giới. Từ kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta có thể thấy rõ hết thảy tướng trạng nơi cõi Cực Lạc đều là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, đều là lớn nhỏ chẳng hai.
Vì sao ở trong thế gian này, lớn nhỏ gì cũng chẳng thể dung nạp lẫn nhau? Vì chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên cái vốn có thể dung nạp lẫn nhau bèn bị biến thành chẳng thể dung nạp. Nếu chúng ta tiêu trừ hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đắc Nhất tâm, cảnh giới lớn nhỏ chẳng hai bèn hiện tiền. Kinh Vô Lượng Thọ miêu tả cảnh giới đó là: “Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên, bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng, dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng. Uất Ðơn thành bảy báu, ngang trải thành vạn vật. Quang tinh minh đồng hiện, tốt lành thù đặc, không đâu sánh bằng. Hiển minh không trên dưới, thông suốt không ngằn mé”. Phật pháp gọi đó là cảnh giới giải thoát chẳng thể nghĩ bàn. Các nhà Khoa học hiện thời cũng hiểu chuyện này, nhưng họ chỉ là có thể từ lý luận suy đoán mà thôi, chẳng thể chứng thực. Những, sự suy đoán về các danh tướng của Khoa học không giống Phật pháp. Phật pháp nói pháp giới là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, Khoa học nói pháp giới là không gian đa chiều. Khoa học gia cho không gian nhiều chiều là tướng vật chất, Phật pháp thấy không gian đa chiều chính là Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Nếu trong tương lai, Khoa học tiến bộ đến mức có thể khiến cho không gian vô hạn chiều đồng thời hiển hiện, thì đấy chính là đột phá cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Lúc ấy, chúng ta sẽ thật sự chứng minh lời nói của Phật một chút cũng chẳng giả: Trong một lỗ chân lông có Như Lai giảng kinh, thuyết pháp, chuyển đại pháp luân, hoặc có thể nhét tam thiên đại thiên thế giới vào mộ lổ chân lông nhỏ xíu, mà lổ chân lông chẳng bị phìn ra và tam thiên đại tiên thế giới cũng chẳng bị thu nhỏ.
Hiện nay các nhà Khoa học chẳng nghĩ ra cách nào đột phá vào cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại ấy. Thế mà những vị chứng đạo trong Phật giáo từ ngàn năm trước, bắt đầu từ Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến nay đã làm được chuyện này. Họ dùng gì để đột phá vào trong cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại hay không gian nhiều chiều? Họ dùng Nhất tâm! Niệm Phật đạt Nhất tâm Bất loạn nhất định sẽ trông thấy cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, quyết định chẳng có chướng ngại lẫn nhau. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới thảy đều hiện ở ngay trước mặt, chẳng có quá khứ, cũng chẳng có vị lai, thời gian và không gian đều chỉ là khái niệm trừu tượng, chẳng phải là sự thật chân chánh. Khoa học có lý luận này, nhưng chẳng biết chứng minh như thế nào và cũng chẳng biết phải thực hiện bằng cách nào, vì họ chỉ chuyên chú nơi vật chất, chẳng chuyên chú nơi Nhất tâm.
Có nhiều đồng tu nói: “Niệm Phật chẳng nên cầu Nhất tâm vì Nhất tâm chẳng có thật”. Thật thà mà nói, nếu Nhất tâm chẳng có thật, thì cũng chẳng cần bàn luận tới Phật pháp làm chi nữa. Vì sao vậy? Nếu Nhất tâm chẳng có thật thì Phật pháp cũng chẳng có thật. Khi nào hết thảy các pháp quy hết về một pháp Nhất tâm, thì đó mới là Phật pháp chân thật. Tịnh tông dạy niệm Phật đạt tới cảnh giới Lý Nhất tâm Bất loạn nhằm đột phá vào Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, mà Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chính là cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Nói theo Khoa học, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chính là không gian vô lượng chiều. Một khi sanh vào cõi ấy bèn là sanh vào hết thảy cảnh giới của chư Phật mười phương. Đây mới chính là chân thật tế, là chân tướng sự thật của vũ trụ và nhân sinh mà kinh đã chép ngay lúc mở đầu của phẩm Ca Thán Phật Đức: “Trong khoảng bữa ăn, lại tới mười phương, vô biên cõi tịnh”. Trong khoẳnh khắc ngắn ngủi như khảy ngón tay mà có thể dạo hết mười phương thế giới, rồi lại quay về chỗ cũ mà vẫn còn là trong khoảng bữa ăn, thì đó chẳng phải là cảnh giới Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại đó ư? Đó chẳng phải là mười phương thế giới đã được nhét vào đầu của một lổ chân lông rồi đó sao?
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.65.111 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập