Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Một hôm có chàng Huy Cận »» Xem đối chiếu Anh Việt: Một hôm có chàng Huy Cận »»
Ông Lê Phương Chi, cậu họ tôi, phone nói muốn nhờ tôi cho mượn một chỗ yên tĩnh ở nhà tôi để ông phỏng vấn Huy Cận. Huy Cận nhà thơ à? Phải. Cậu cứ đến. Tôi nói. Tôi hình dung một Huy Cận nhà thơ mà tôi vốn ngưỡng mộ từ hồi còn nhỏ, Huy Cận của Lửa Thiêng và ông Huy Cận thứ trưởng bây giờ với một lô chức tước bộn bề. Bảy giờ rưỡi tối, cậu Lê Phương Chi đến với một ông già lùn mập, trông giống như Bất Giới hòa thượng, ì ạch leo lên cầu thang. Trời, Huy Cận bằng xương bằng thịt đây sao? Người mà “em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây” đây sao? Lê Phương Chi so vai vế, nói: Cháu kêu bằng bác, bác Huy Cận, nhưng gọi bằng anh Huy Cận cũng được, ổng thích gọi vậy hơn. Tôi nói cũng chẳng cần gọi bằng anh nữa, Huy Cận là đủ rồi. Huy Cận nói bằng một giọng Trung lai hơi khó nghe. Lê Phương Chi đưa tôi cuốn bản thảo bảo tôi ngồi coi lời tựa Huy Cận viết cho cuốn sách của ông, câu giờ trong khi ông phỏng vấn Huy Cận với chiếc máy ghi âm nhỏ xíu. Tôi ngồi nép qua bên, đóng vai con cháu trong nhà. Vừa đọc vừa nghe lóm. Bài thơ đầu tiên của Huy Cận? Lê Phương Chi hỏi. Dở lắm! Dở lắm! Huy cận nói. Dở cũng được. Bài thơ đầu tiên ông làm lúc nào, về đề tài gì, và còn nhớ câu nào đọc cho vài câu? Dở lắm. Dở lắm. Làm đâu hồi 10 tuổi, học lớp nhất, cho thầy cho bạn. Dở lắm. Huy Cận trả lời, bất đắc dĩ. Rồi ông cũng ráng đọc hai câu. Dở thiệt. Rồi cứ thế cuộc phỏng vấn tiếp diễn. Tôi bỗng giật mình nghe Lê Phương Chi hỏi: Huy Cận biết yêu vào lúc mấy tuổi? Tôi quan sát Huy Cận kỹ hơn. Một ông già Tết này đã 78, bụ bẫm, tay chân ngắn ngủn, mũi hỉnh, trán dẹt, môi dưới dài hơn môi trên, tóc lưa thưa bạc, cổ có nọng, bụng to quá cỡ, quần chật cứng, túi phình như con cá phồng mang, thắt cái cà vạt hơi chật, to bản, đánh một vòng cung quanh bụng, ngồi dựa ngửa trên ghế salon không thoải mái lắm. Ông phì cười vì câu hỏi ngộ nghĩnh của Lê Phương Chi. Và nụ cười làm ông bỗng có vẻ gì trẻ thơ ngơ ngác như chàng Huy Cận thuở nào. Tôi chăm chú nghe. Đâu hồi tám tuổi. Ông nói. Tám tuổi à? Phải, nhưng đó chỉ là mối tình bâng quơ thôi mà. Nhưng người đó là ai vậy? Bây giờ người đó ở đâu? Lê Phương Chi tấn công tới tấp. À, một cô gái quê, ở nông thôn… Hiện nay Huy Cận có mối tình già nào không? Huy Cận ú ớ, trả lời sao tôi không nghe rõ. Phỏng vấn tiếp diễn. Tôi lại giật mình nghe Lê Phương Chi hỏi à còn mối tình của Huy Cận và Xuân Diệu? Có phải là… Không không, Tô Hoài viết bậy đó. Huy Cận có vẻ quạu. Tôi với Xuân Diệu là tình bạn thân thiết, không phải tình trai, đồng tính luyến ái chi đâu. Tôi lại quan sát ông. Cái ông già cũng ngộ. Lúc bẽn lẽn, lúc quạu quọ khá dễ thương dù ngó bên ngoài thấy ông giống Bất Giới hòa thượng, nhưng trong ông như lại có Nghi Lâm tiểu sư muội. Tôi bỗng nổi hứng lấy mảnh giấy trắng phác họa thực nhanh hình ảnh ông, ráng diễn tả cho được cái trán trẹt, cái mũi hỉnh, cái miệng hơi ngạo nghễ mà dễ thương, cái nọng ở cổ, cà vạt ôm vòng cái bụng, rồi cái túi quần phình to như mang cá, với mấy sợi tóc lưa thưa phía sau ót…
Tôi phác thật nhanh, không để cho ông và Lê Phương Chi kịp thấy. Buổi phỏng vấn hình như đã xong. Ông đòi về. Còn mấy câu này dài dòng quá, hẹn dịp khác. Giờ bận rồi, phải đi ngay. Rồi bỗng ông quay sang tôi đột ngột: Vẽ mình đấy à? Tôi cười, chìa cho ông hai bức phác họa tôi vừa làm xong, trong khi Lê Phương Chi hoàn toàn bất ngờ thì ông bình: Được, cái này được. Ơ, ơ, còn tấm này anh vẽ tôi cái trán và cái mũi thế này thì… tôi thành người Phi châu mất! Lê Phương Chi khoái quá cười ha hả. Giống quá, y chang Huy Cận rồi! Cho cậu đi. Tao sẽ in vào bài phỏng vấn. Tôi lấy lại bức “Huy Cận Phi châu” và đưa cho ông bức kia, ông trao lại cho Lê Phương Chi. Lê Phương Chi giới thiệu: Ngọc nó là bác sĩ mà thỉnh thoảng cũng có vẽ và làm thơ nữa. Tôi đứng dậy, rút từ tủ sách tập Giữa Hoàng Hôn Xưa và ghi: Kính tặng nhà thơ Huy Cận của Lửa Thiêng, rồi trao ông. Ông chồm lên: “Huy Cận của Lửa Thiêng à, được được”, ông nói, vẻ cởi mở. Ngon trớn, sẵn tập thơ bản thảo vừa viết tay xong, dự định ra mắt năm nay tôi bèn đưa ông xem.
Huy Cận cầm lấy. Chăm chú đọc. Rồi đọc lớn tiếng. Rồi ư ử. Rồi gật gù. Có bài đọc lướt qua. Có bài đọc đi đọc lại. Bài Văn miếu, ông đọc lớn: “Dưới những tàng cây–con đường quanh co khúc khuỷu–ai đã qua đây ngàn năm cũ–mà hơi thở còn thơm tho vậy–ta sờ tay vào cột gỗ–nghe thầm thì–đẽo gọt–nét đường thi” Được. Ta sờ tay vào cột gỗ–nghe thầm thì–đẽo gọt–nét đường thi. Tứ được. Ông nói.
Rồi ông lật tới bài Hoa sữa. Mùa này Hà Nội hết hoa sữa rồi. Ông nói, rồi đọc lớn: “Ta đi trên đường Nguyễn Du–mùa này không còn hoa sữa–cây với cành thôi mà cũng ngộ–khẳng khiu quấn quít không ngờ.” À à, được. Rồi gật gù. Khẳng khiu quấn quít. Hay. Cây với cành thôi mà cũng ngộ! Tiếng miền Nam phải không? “Con nhỏ này ngộ quá ta! Con nhỏ này coi ngộ quá hén! Tôi cũng biết tiếng miền Nam lắm đó nghe”, rồi ông cười sảng khoái. Chắc là ông đã có lần gặp một “con nhỏ miền Nam nào đó ngộ quá ta” rồi nên mới thấm thía vậy. Không thấy ông đòi về nữa. Huy Cận bỗng trở thành một người khác hẳn. Với thơ. Lạ thật.
Rồi đọc tới bài Nhật thực. Mới thấy cái tựa, ông đã kêu lên. A, mình cũng có một bài nhật thực. Đâu coi nào. “Chim bay về núi tối rồi. Em ngày nhật thực cũng ngồi bên anh”. Bài thơ chỉ có hai câu ngắn ngủn như vậy. Ông ngẫm nghĩ một chút. Lại đọc lại. Lại ngẫm nghĩ. “Nên đổi vẫn thay vì cũng. Chim bay về núi tối rồi. Em ngày nhật thực vẫn ngồi bên anh. Một sự khẳng định, mạnh hơn”. Ông nói. Nhưng trời ơi, cũng với vẫn khác nhau xa quá mà. Đâu có thay được. Cũng mới là vấn đề chứ, cũng không phải là vẫn, mà là bất ngờ, mà là sợ hãi, mà là lo âu… Nhưng tôi không nói ra. Ông đọc bài thơ Nhật thực của ông cho tôi và Lê Phương Chi nghe. Bài ý rằng mặt trăng che lấp mặt trời như cái xấu che lấp lương tâm trong sáng của con người – không sao cứu vãn nổi. Ông lại đọc thêm một bài thơ mới viết về kẻ mất vàng, buồn đến mất ăn mất ngủ, đến ốm o gầy mòn, còn kẻ mất lương tâm thì càng ngày càng béo tốt ra. Tôi biết ông đang có những ưu tư về thời thế. Rồi im lặng giây lâu, ông đọc tiếp bài Huế trong tập thơ bản thảo của tôi: “Một ngày lăng tẩm cung vua–một ngày đi sớm về trưa một ngày–một ngày Vỹ Dạ trăng soi –“ Ông ư ử ngâm. Đột nhiên ông im bặt. Tôi sợ ông không đọc được chữ “bác sĩ” nên đọc giúp ông… “Một ngày Đập Đá…” nhưng ông khoát tay. Im. Im đi. Tôi đọc được mà. Rồi ông lại ư ử. Hay. Câu này hay. “Một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người”.
Tôi nhớ lại lúc viết câu đó. Rõ ràng như có cái gì đó dẫn dắt. Một ngày Vỹ Dạ trăng soi, một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người. Ngày thì trăng không soi được rồi, mà tại sao lại biếc người? Không phải chỉ là cái quán cà phê bên dòng nước xanh um bóng cây kia mà chính là, à phải rồi, chính là con thuyền ai đó có chở trăng về kịp tối nay và vườn của ai kia lá có còn mướt xanh như ngọc. Vâng, xanh nên biếc và người nên ngọc. Ông Huy Cận này ghê thiệt. Quả là danh bất hư truyền. Ông đọc và cảm nhận thơ tinh tế không thể tưởng. Mới vừa thấy ông là Bất Giới hòa thượng đó bỗng đã thành Nghi Lâm tiểu sư muội, rồi bây giờ lại là Lệnh Hồ huynh đệ, chỉ dùng kiếm ý mà không cần kiếm chiêu. Tôi bắt đầu phục ông. Ông lại ư ử tiếp phần kết: “… Một ngày ngày xửa ngày xưa–một ngày ở Huế đã vừa trăm năm”. Không ổn. Chữ đã như có gì không ổn. Ông nói. Thay bằng chữ gì? Tôi hỏi. Ông ngẫm nghĩ. Một ngày ở Huế đã vừa trăm năm… Tứ được, nhưng đã không ổn. Chà, cũng không biết thay bằng chữ gì nữa. Ông bứt rứt. Lê Phương Chi góp ý: hay là cũng, cũng vừa trăm năm… Cũng? Đã? Không ổn. Thôi hôm nay không phải lúc bình thơ. Để khi khác. Ông nói. Rồi ông đọc tiếp đến bài Lá. “Lá chín vàng–lá rụng về cội–em chín vàng–chắc rụng–về anh”. Ông đập nhẹ tay lên đùi. Tứ tuyệt. Đọc đi đọc lại vài lần.
Không thấy ông đòi về nữa. Lại đọc đến Nhớ. Thôi hết cồn cào–thôi không quặn thắt–chỉ còn âm ỉ–chỉ còn triền miên–thì thôi cấp tính–thì đành kinh niên.” Ông lại trầm ngâm. Kinh niên? Kinh niên ư? Tôi lên tiếng, định giải thích, một từ y học… Không, ông gạt đi, tôi biết rồi chứ. Nhớ. Nhớ… kinh niên, đọc cái tựa là biết rồi. Được. Bài này cũng được. Lê Phương Chi nhắc, đi thôi, trễ rồi. Bỗng nhiên ông hỏi: “Duyệt chưa?” Tôi trả lời: “Chừng nào in mới đưa Nhà xuất bản duyệt”. “Không, vợ duyệt chưa?” Trời đất quỷ thần cái ông Huy Cận này. Lại có vụ đó nữa ư? Tôi ấp úng đành cười trừ. Lê Phương Chi cười ha hả: “Cái ông Huy Cận nhứt vợ nhì trời này, mày không biết sao?” Thì ra thế. Rồi ông cho tôi địa chỉ và số điện thoại cơ quan và cả nhà riêng, dặn “bao giờ ra Hà Nội nhớ ghé chơi nhé”. Dặn đi dặn lại hai ba lần. Khu Ba Đình, dễ tìm lắm. Nhớ nhé. Vừa đi xuống cầu thang vừa nói.
Và đã có một chàng Huy Cận như thế, một hôm.
Saigon 7.2.1996
Đỗ Hồng Ngọc
Ghi chú: tập Thơ Đỗ Hồng Ngọc, 1996, gồm 31 bài thơ ngắn, viết tay trên giấy dó thô, với phấn màu Pastel, để kỷ niệm, không in. Một số bài trong tập này đã được chọn in trong tập Vòng Quanh, do Lữ Quỳnh thực hiện, 1997 (Nhà xuất bản Trẻ). Gần đây lúc thu dọn sách vở, tư liệu, tôi bắt gặp bài viết “Một hôm có chàng Huy Cận” khá thú vị, hồi đó đánh máy đen kịt, bèn gởi Nguyệt Mai nhờ Đèn Biển chịu khó gõ giùm. Xin chia sẻ cùng các bạn xa xôi.
Chân thành cảm ơn Nguyệt Mai và Đèn Biển.
ĐHN
(3/2017)
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.225.95.87 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập