Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm cho người khác những gì mà bạn sẽ tức giận nếu họ làm với bạn. (Do not do to others what angers you if done to you by others. )Socrates
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Sống chạy theo vẻ đẹp, không hộ trì các căn, ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần; ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 7)
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Bài thứ nhất »» Xem đối chiếu Anh Việt: Giảng giải Cảm ứng thiên - Bài thứ nhất »»
(Giảng ngày 14 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 2, số lưu trữ: 19-012-0002)
Thưa quý vị đồng học!
Hôm nay là ngày bắt đầu, mọi người cùng đến đây học tập bản văn Thái Thượng Cảm ứng thiên. Bản văn này không dài lắm, chỉ hơn 1.300 chữ thôi.
Tiêu đề bản văn là Thái Thượng Cảm ứng thiên. Hai chữ “Thái Thượng” có ý tôn xưng, hàm nghĩa rất sâu xa. Chư Phật, Bồ Tát vì chúng ta giảng kinh thuyết pháp, tất cả đều từ nơi tự tánh lưu xuất hiển lộ, không nên hiểu là do một con người cụ thể nào đó giảng nói ra.
Nếu cho rằng kinh Phật là do đức Phật Thích-ca Mâu-ni giảng thuyết thì thật sai lầm! Chúng ta đã thấy trong rất nhiều kinh luận, đức Phật tự nói rằng suốt đời ngài chưa từng giảng kinh, suốt đời ngài chưa từng nói ra một chữ. Câu nói ấy là chân thật, không chỉ là lời nhún nhường vô nghĩa, cũng không phải lời tùy tiện nói ra.
Kẻ phàm phu vướng chấp nơi tự ngã, cho là thật có, nên [nói đến] thuyết pháp thì hoặc là tự mình thuyết, hoặc là người đối diện thuyết, hoặc là có người khác thuyết. Chư Phật Bồ Tát không vướng chấp tự ngã, nên trong kinh Kim Cang đã nói rất rõ, không chỉ là không có các tướng “ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả”, mà ngay cả những ý niệm ấy cũng không có, nên nói là không có “ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến”. Chữ “kiến” ở đây là kiến giải, hay chỗ thấy biết nhận hiểu, tức là ý niệm. Đâu chỉ là không vướng chấp nơi các tướng, mà ngay cả ý niệm cũng đã là không.
Người thuyết pháp, từ đâu mà thuyết? Đó là từ nơi chân tánh lưu xuất hiển lộ. Chân tánh, không thể là chân tánh của người khác, mà là của chính mình. Ý nghĩa này chúng ta nhất định phải thấu triệt. Từ nơi tự tánh lưu xuất hiển lộ, đó là chân thật. Nếu [phát xuất] từ ý thức, thì ý thức là [phân biệt] của mỗi người, nên lời nói ra không thể tin cậy được.
Trong pháp Phật thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” (Tâm ý sáng rõ thấy được tự tánh; thấy tự tánh liền thành Phật.) Như có bậc đại thánh ra đời thì vị này có thấy được tự tánh hay không? Có thành Phật không?
Đức Phật phương tiện nói rằng, thánh nhân trong thế gian chưa thể thấy được tự tánh. Đó là cách nói phương tiện. Nếu nói theo nghĩa chân thật thì trong kinh luận Đại Thừa từng giảng giải rất nhiều, rằng chư Phật Như Lai ứng hóa nơi thế gian này, tùy theo chủng loại chúng sinh mà hóa thân, tùy theo căn cơ chúng sinh mà thuyết pháp, sao có thể biết được các bậc thánh nhân ấy không phải là chư Phật Như Lai thị hiện hóa thân?
Trước đây có người từng nói rằng Khổng Tử là một vị Bồ Tát, hiệu Đồng Nho. Có người đến hỏi tôi điều ấy có đáng tin không? Tôi theo thông lệ của các bậc thầy tổ, không trả lời dứt khoát là có hay không. Bởi nếu nói Khổng tử là Bồ Tát thì không có căn cứ, tôi không thể tùy tiện nói. Còn nếu nói Khổng tử không phải Bồ Tát, thì theo như lẽ ứng hóa vừa nói trên, vẫn có khả năng đó là Bồ Tát ứng hóa tại thế gian này. Nếu thực sự khế nhập được vào cảnh giới chân thật, thì hết thảy chúng sanh có ai không là Bồ Tát, có ai chẳng phải Như Lai?
Cho nên, ở đây nêu lên đề mục trước. Đề mục như vậy, văn gốc như vậy, vừa mở đầu đã nêu bật trong hai chữ “thái thượng”. Chúng ta cùng tu học pháp Phật, cần phải thấu suốt ý nghĩa gồm thâu trong hai chữ này chính là sự lưu xuất hiển lộ của tự tánh, mà đức của tự tánh là cao trổi không gì hơn được. Nói cách khác, chúng ta có thể giảng giải lý luận, có thể cung kính làm theo [Chánh pháp], ấy đều là thuận theo đức của tự tánh. Thuận theo đức của tự tánh là hiền thiện chân chánh, trái ngược với đức của tự tánh là xấu ác tà vạy. Đó là tiêu chuẩn phân biệt cao nhất giữa hiền thiện và xấu ác, là tiêu chuẩn tuyệt đối để phân biệt giữa chân chánh với tà vạy. Đối với hai chữ “thái thượng” nêu lên ngay đầu bản văn, chúng ta phải tỉnh giác răn ngừa, không thể sơ xuất xem nhẹ dụng ý này.
Tiếp theo là hai chữ “cảm” và “ứng”. Người xưa so sánh rất thích hợp rằng “cảm” giống như việc trồng cây, còn “ứng” ví như việc cây đơm hoa kết trái. Dùng hai chữ này làm tên gọi của bản văn chính là để nói rõ rằng “có cảm nhất định có ứng”.
Ý nghĩa là thế nào? Cảm và ứng đều là y theo tự tánh khởi sinh. Tự tánh biến hiện khắp mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta ngày nay nói về thời gian và không gian, trong tự tánh không có phân biệt. Thời gian với không gian là hợp nhất, cho nên có cảm tất nhiên có ứng. Xét trên cơ thể mỗi người thì “nhổ một sợi tóc động toàn thân”. Chỉ một sợi tóc thật không đáng nói, nhưng ngay lúc ta kéo mạnh nó lên thì toàn thân liền nhận biết, thấy khó chịu. Kéo một sợi tóc, đó là cảm; toàn thân khó chịu, đó là ứng.
Do đó biết rằng, khi trong tâm chúng ta khởi lên một ý nghĩ, hoặc nói năng hành động, đừng cho là chuyện nhỏ nhặt, không đáng kể. Ngược lại, một ý nghĩ nhỏ nhặt, yếu ớt nhất cũng có thể làm chấn động cả hư không pháp giới. Chúng ta do mê muội mà không biết được điều đó.
Cũng giống như một sợi lông tơ trên cơ thể, khi ta nắm lấy nhổ lên thì toàn thân đều có thể nhận biết. Điều này mọi người đều biết, vì là trên cơ thể của mình. Nhưng quý vị không thấu hiểu được rằng, cả hư không pháp giới cùng với pháp thân thanh tịnh của tất cả chúng sanh đều cùng một thể tánh. Vì là cùng một thể tánh, cho nên cảm ứng là không thể suy lường, có cảm ắt có ứng, cảm như thế nào liền ứng như thế ấy.
Cảm ứng như thế cũng có thể gọi là quan hệ nhân quả. Chúng sinh có cảm, đó là nhân; chư Phật, Bồ Tát, chư thiên, long, quỷ thần có ứng, đó là quả. Thấu hiểu được ý nghĩa này, chân tướng sự thật này, quý vị mới thấu triệt được lời dạy của bậc cổ đức: “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu.” (Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.) Hình ảnh so sánh này có ý nghĩa rất sâu xa, cho ta biết rằng gieo nhân lành nhất định sẽ được quả lành, tạo nhân xấu ác nhất định không thoát khỏi quả báo xấu ác.
Từ vô thủy đến nay, hết thảy chúng sinh đều gieo nhân lành ít, tạo nhân ác nhiều. Chỉ ngay trong đời này mà tĩnh tâm suy xét kỹ, quán sát chi ly, cũng sẽ thấy quanh ta những nghịch duyên xấu ác rất nhiều, duyên lành rất ít. Duyên lành giúp cho sự nghiệp tu tập của ta được tiến bộ, thúc đẩy hạnh lành. Nghịch duyên xấu ác làm tăng trưởng những ý niệm xấu ác, những việc làm xấu ác. Như vậy, trong tương lai quả báo sẽ đến như thế nào, chẳng phải mỗi người đều tự thấy biết rõ ràng minh bạch rồi sao? Như thế đều là ý nghĩa cảm ứng.
Người xưa thường nói: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu.” (Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng chẳng lọt.) Câu này nói rõ lý lẽ cảm ứng, là lý lẽ chân thật, là chân tướng sự thật.
Trong cả bản văn này, ý nghĩa cốt yếu tổng quát nằm ở bốn câu đầu tiên:
Họa, phước không cửa vào,
Đều do người tự chuốc.
Việc báo ứng thiện, ác,
Như bóng luôn theo hình.
(Họa phúc vô môn,
Duy nhân tự chiêu.
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình.)
Phần còn lại của bản văn đều nhằm giảng rõ bốn câu này, chỉ nhằm giảng giải thật tường tận, chi ly ý nghĩa của bốn câu này mà thôi. Chúng ta học tập, nắm vững được chỗ ý nghĩa cốt yếu của bốn câu này, mỗi lúc khởi lên một ý nghĩ, hoặc nói năng hành động, phải tự xét có phù hợp với đức của tự tánh hay không? Nếu phù hợp với đức của tự tánh thì có thể suy nghĩ như vậy, làm việc như vậy; nếu trái ngược với đức của tự tánh, thì biết ngay là không thể nghĩ như vậy, nói như vậy, hoặc làm như vậy.
Trong tất cả kinh luận, Phật dạy chúng ta, nhất là chúng sinh thời mạt pháp, nếu muốn thành tựu sự nghiệp tu tập thì điều kiện trước hết là phải gần gũi thiện hữu, hay bạn lành. Điều này được xem là quan trọng nhất. Trong kinh điển Tiểu thừa cũng không hề khác. Trước đây tôi từng đọc qua kinh A-nan vấn sự Phật cát hung (A-nan thưa hỏi Phật về những chuyện lành dữ), thấy ngay câu đầu tiên đức Phật đã dạy rằng phải “thân cận minh sư” (gần gũi bậc thầy sáng suốt). Minh sư ở đây chính là như trong kinh Đại thừa gọi là thiện hữu hay thiện tri thức. Bởi vì, như trong kinh Địa Tạng có dạy, chúng sinh phàm phu trong sáu nẻo luân hồi, tâm tánh, nhận thức không cố định. Ngạn ngữ cũng có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Những lời ấy cho thấy rõ rằng, phàm phu chúng ta nhất định có chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh sống, chịu ảnh hưởng từ ngoại cảnh, không thể đạt được đến mức “cảnh tùy tâm chuyển” (hoàn cảnh tùy theo tâm mà thay đổi), mà trong thực tế thường là “tâm tùy cảnh chuyển” (tâm tùy hoàn cảnh thay đổi).
Cho nên, hoàn cảnh đối với chúng ta thật hết sức quan trọng, thiết yếu. Từ xưa nay, các bậc đại đức, thầy tổ, các vị chân chánh tu hành có công phu định tuệ, đều có khả năng chuyển biến hoàn cảnh, không bị hoàn cảnh chuyển biến, nhưng các ngài vẫn dạy đệ tử phải y theo xưa kia, luôn phải soát xét chọn lựa hoàn cảnh sống. Vì sao vậy? Vì những đệ tử ấy đều là phàm phu, không đủ sức làm chuyển biến hoàn cảnh bên ngoài, nên nhất định phải chịu ảnh hưởng từ ngoại cảnh, không thể không soát xét chọn lựa hoàn cảnh.
Trong việc soát xét chọn lựa hoàn cảnh tu học thì điều kiện trước tiên là phải gần gũi bạn lành, hay thiện hữu. Nếu quý vị có thể thường xuyên gần gũi bạn lành, các bậc thiện tri thức, các bậc thầy giỏi, hoặc những bạn đạo tốt để cùng nhau tham học, thì con đường tu tập của quý vị nhất định sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ.
Chúng ta xem trong các sách như Cao tăng truyện, Cư sĩ truyện, thấy các bậc đại đức xưa nay gần gũi thiện hữu, minh sư trong hơn mười năm, hoặc hai, ba mươi năm, cho đến suốt một đời vẫn không lìa xa. Những vị ấy khi đã thành tựu việc tu học, hẳn có thể lìa xa thiện hữu, minh sư, nhưng vì sao vẫn không lìa xa? Thật không gì khác hơn là muốn nêu gương cho hàng hậu học. Cho nên, họ kề cận bên thầy, giúp thầy trong việc dạy dỗ, tiếp nhận, dẫn dắt những đồng học đến sau. Đến khi vị thầy vãng sinh rồi, đã viên tịch rồi, họ mới rời đi, đến giáo hóa ở vùng khác.
Chúng ta thấy các bậc đại đức, thầy tổ xưa nay, những vị làm như vậy rất nhiều, cũng là thực sự làm theo lời khuyên dạy của đức Thế Tôn, trừ phi không đủ nhân duyên thì đó lại là chuyện khác. Nhưng trong trường hợp đó cũng phải tu sửa đạo nghiệp tự thân để có sự thành tựu chân chánh, rồi mới có thể rời xa [thiện hữu, minh sư].
Thế nào gọi là thành tựu? Theo trong pháp Phật thì tiêu chuẩn trước hết, từ phương diện trí tuệ kiến giải mà nói, là phải có đủ năng lực phân biệt giữa chân với vọng, giữa chánh với tà, giữa đúng với sai, giữa thiện với ác, giữa lợi với hại... Phải thực sự có khả năng phân biệt, nhận biết rõ ràng.
Điều kiện thứ hai là phải có được công phu định lực, không bị nhiễu loạn bởi ngoại cảnh, cũng có nghĩa là không bị hoàn cảnh bên ngoài cám dỗ, dẫn dụ. Ngoài không vướng mắc hình tướng, trong không rối loạn tự tâm. Có đủ hai điều kiện ấy thì mới có thể lìa thầy xa bạn. Không đủ hai điều kiện ấy mà xa thầy là điều hết sức nguy hiểm, bởi vì quý vị phải đối phó với giặc phiền não bên trong, lại thêm hoàn cảnh cám dỗ, dụ hoặc bên ngoài. Quý vị không vượt qua được sự cám dỗ, ắt phải đọa lạc.
Nhưng ví như ngày nay không có thầy dẫn dắt, dù muốn gần gũi thiện tri thức cũng không gặp được, vậy phải làm sao? Như có thể tìm được một số bạn hữu đồng đạo, mọi người có thể họp lại cùng nhau tu tập, giúp đỡ khuyến khích lẫn nhau, xem các bậc đại đức ngày xưa như thiện tri thức [để noi theo].
Tôi cũng giới thiệu với quý vị nên xem Phật A-di-đà là bậc thiện tri thức. Phật A-di-đà phải tìm ở đâu? Ấy là trong kinh Vô Lượng Thọ, trong năm bộ kinh Tịnh Độ, mỗi ngày đều tụng đọc, mỗi ngày đều giảng giải, mỗi ngày đều cùng nhau học tập, như vậy là chúng ta không hề lìa xa bậc thiện tri thức.
Tôi ở tại đây, nhờ mạng Internet kết duyên cùng quý vị đồng học [khắp nơi], đối với mọi người cũng là điều tốt đẹp. Chúng ta dù cách xa nhau, nhưng nhờ phương pháp khoa học kỹ thuật hiện đại mà được gần nhau, mỗi ngày đều có thể cùng nhau tu học.
Bốn câu mở đầu của bài văn này phải thường ghi nhớ trong lòng, luôn nêu cao sự tỉnh giác nhận biết. Mỗi người đều có sự báo ứng của riêng mình, cho đến gia đình, xã hội, quốc gia hoặc cả thế giới này cũng đều không ra ngoài định luật báo ứng đó.
Xã hội ngày nay nhiều loạn động, thế giới không yên ổn, chúng ta đều biết là do sự chiêu cảm của cộng nghiệp. Làm sao có thể hóa giải kiếp nạn này? Chỉ cần mọi người có thể tỉnh ngộ hiểu ra, thấy biết rõ ràng chân tướng lý lẽ sự việc, quyết chí quay đầu sửa lỗi, dứt trừ hết thảy việc ác, nỗ lực làm tất cả điều lành, buông bỏ quyền lợi riêng tư, hết thảy đều vì cộng đồng xã hội, đều vì tất cả chúng sinh, thì kiếp nạn này tự nhiên có thể hóa giải.
Dù là thiên tai hay tai họa con người tạo ra, thảy đều do nghiệp ác chiêu cảm mà đến. Lìa bỏ mọi nghiệp ác thì không chỉ là tai họa do người tạo ra sẽ không còn, mà tôi dám chắc rằng cả những tai họa từ thiên nhiên cũng sẽ không còn nữa. Vì sao nói rằng những tai họa từ thiên nhiên cũng không còn nữa? Đó chính là như trong kinh điển Đại thừa thường dạy: “Cảnh tùy tâm chuyển.” Hoàn cảnh tùy nơi tâm thức con người mà chuyển biến vậy. Chỉ khi thấu hiểu sâu sắc được ý nghĩa này thì người ta mới chịu tin tưởng [Phật pháp], mới quyết tâm làm theo.
Bản văn này phân chia các phần, đoạn rất rõ ràng. Người xưa phân thành nhiều đoạn dài, chúng ta hãy nhìn xuống phần “Trực giảng” [trong sách này]. Trong phần “Trực giảng” chia ra thành 10 đoạn. Chúng ta ở đây cùng học tập, sẽ cùng phân chia các đoạn ấy theo cách tương tự như trong kinh điển chia phần, phân nghĩa. Sắp tới, khi tôi giảng đến chỗ nào, sẽ đưa ra từng phân đoạn để giảng giải thật rõ ràng, thật minh bạch, để quý vị hiểu được mỗi đoạn như thế nói về những ý nghĩa gì.
Bốn câu mở đầu này là cốt yếu tổng quát của toàn bản văn. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.115.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập