Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài món quà tặng mẹ »»

Tùy bút
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài món quà tặng mẹ

Donate

(Lượt xem: 5.201)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Vài món quà tặng mẹ

Có lẽ một trong những điều ân hận nhất mà suốt đời tôi không bao giờ quên được, đó là tôi luôn mang cảm giác đã không đền đáp được những ân nghĩa lớn lao mà mẹ tôi đã dành cho tôi trong suốt cuộc đời cực nhọc và thiếu thốn của mẹ. Hình ảnh bà mẹ buôn thúng bán bưng nhiều chục năm trời kiếm những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi để nuôi dưỡng tôi nên người luôn luôn hiện ra trong trí nhớ của tôi. Tôi đã ao ước khi trưởng thành sẽ có dịp trả lại ân tình, mang lại niềm vui, an nhàn cho những năm tháng cuối đời của mẹ. Nhưng hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh đã tách rời tính toán của tôi sang một hướng khác, để rồi tôi đã lỗi hẹn với ước mơ.

Điều oái oăm, và buồn bã nhất, đó là sau hơn chục năm ngụp lặn ở xứ người, khi có đủ điều kiện dẫn vợ con về nước thì mẹ tôi đã không còn. Món nợ ân tình sâu nặng của mẹ đã không bao giờ được tôi đáp trả, thay vào đó là những giằn vặt vì sự khiếm khuyết đáng trách của tôi với mẹ.

Nói như vậy, không có nghĩa là suốt khoảng thời gian gần 30 năm từ lúc sinh ra, lớn lên học hành xong rồi đi làm việc tại Việt Nam, tôi đã không mang được niềm vui nào cho mẹ. Nhưng với gia cảnh nghèo túng, không thế lực trong xã hội mà có ý định mua những món quà giá trị to lớn về vật chất để tặng mẹ, đối với tôi là việc ngoài tầm tay. Bù vào những thiếu thốn vật chất đó, đôi lần với món quà nho nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều giá trị tinh thần, tôi đã mang cho mẹ tôi những nụ cười hoan lạc và tự hào về tôi. Đó chính là tiêu đề của bài viết này. Tôi muốn khơi lại hoài niệm về những niềm vui của mẹ do những món quà rất đơn sơ mà tôi đã mang đến cho mẹ, lúc bà còn sống.
 

Hai bộ quần áo mới

Khi tôi đang là học sinh lớp đệ lục Chu Văn An Sàigòn, bố tôi phải đổi lên Kontum, cuộc sống của gia đình tôi thực sự lâm vào tình trạng thiếu thốn. Mẹ tôi bắt buộc phải xoay trở với nghề buôn thúng bán bưng, kiếm tiền duy trì cuộc sống hằng ngày cho gia đình. Ban đầu là bán xôi, sau là bán chuối dọc theo những con đường bao quanh chợ Chí Hoà. Tôi là đứa con lớn nhất nhà cũng phải nhập cuộc. Hằng ngày sau khi tan trường về nhà, tôi chỉ kịp ăn qua loa bữa cơm trưa rồi vội vàng lo chuyện bài vở. Khoảng 3, 4 giờ chiều, đạp xe lên trung tâm Sàigòn lấy báo đi bán tại các công trường giao thông trong thành phố vào giờ tan sở hay bán rong tại các khu phố đông dân như Bàn Cờ, Phú Thọ. Thời gian mới vào nghề nên việc bỏ báo tháng của tôi chỉ được vài tờ, còn lại phần lớn là bán trên đường phố.

Gặp ngày may mắn, đắt hàng thì khoảng 5 hay 6 giờ chiều đã bán hết hơn 30 tờ báo. Nhưng gặp hôm trời mưa hay không may mắn thì bán rất chậm, nhiều khi đến 9 , 10 giờ đêm mà vẫn chưa bán hết. Sáng sớm ngày hôm sau trước khi đi học tôi phải mang xấp báo còn lại đến trước trại lính gần nhà bán được tờ nào hay tờ ấy. Số còn lại, vào buổi chiều khi lấy báo tại tòa soạn, đem đổi lấy báo mới (cứ mua 10 tờ mới được trả lại 2 tờ cũ bị ế. Chính vì dịch vụ này, sinh ra nạn cho thuê báo, với giá 1.20 đồng/ngày, với cách này người bán báo được hưởng trọn vẹn tiền thuê báo, trong khi bán một tờ báo 2 đồng chỉ được lời khoảng một nửa).

Công việc bán chuối của mẹ tôi thu nhập tương đối ổn định hơn so với việc bán báo của tôi, nhưng lại nặng nề và kéo dài thời gian hơn. Cứ 3 hay 4 ngày, sau khi thấy số chuối bán gần hết, mẹ tôi về nhà sớm vào khoảng 5 hay 6 giờ chiều rồi lên chợ Cầu Ông Lãnh để mua chuối về bán cho những ngày sắp tới. Gặp những ngày bán báo xong sớm, tôi thường chở mẹ tôi bằng xe đạp, thay vì mẹ phải đi xe ngựa, chậm hơn mà còn phải đi bộ từ bến xe ngựa đến chợ, đã thế còn dè xẻn được vài đồng phí tổn. Những ngày đi mua chuối đó là ngày bận rộn và mệt nhọc nhất cho mẹ và tôi. Nhất là gặp buổi chuối từ miền Tây hay Long Khánh vì lý do nào đó về Sàigon muộn, chúng tôi chở chuối về nhà đã 9, 10 giờ tối. Rồi phải cắt rời từng nải để dấm chuối bằng khí đá qua đêm. Những ngày bận rộn như vậy, tôi và đứa em gái lớn cũng mệt đờ vì phải giúp mẹ nhiều khi đến sau nửa đêm mới xong.

Có một hôm, tôi và mẹ đang è lưng ra cùng với chú lái xe ba gác khuân những buồng chuối tươi xanh còn dính đầy nhựa lên chiếc xe ba gác. Có lẽ vì buồng chuối quá to và nặng, lại phải xếp lên cao. Buồng chuối đè lên tà áo của mẹ làm rách một đoạn. Tôi chưa kịp nói gì thì mẹ đã xuýt xoa tiếc rẻ cho chiếc áo bị rách, rồi vội vàng lục trong túi áo lấy ra một chiếc kim băng cài cho mảnh vải bị rách đính vào thân áo. Lúc đó tôi mới để ý đến bộ quần áo của mẹ. Chiếc áo màu nâu sậm cũ kỹ nhem nhuốc nhựa chuối, hai bờ vai áo vá chằng, vá chịt đã bạc màu. Vài miếng vá khác màu, kệch cỡm nổi bật lên trên nền chiếc áo. Chiếc quần sa-tanh đen mẹ đang mặc cũng chẳng khá hơn, gấu quần vài chỗ đã tơi tả vì chỉ khâu đã đứt vì chà xát với mặt đường.

Tôi im lặng nhìn mẹ bình thản cài chiếc kim băng vào miếng áo rách rồi lại quay ra làm việc tiếp tục như không có gì xảy ra. Cảm giác xót đau, buồn tủi vì thân phận nghèo khó chợt xâm chiếm tâm tư tôi. Thờ thẫn, tôi buông tiếng thở dài nho nhỏ, cúi xuống, đưa ánh mắt bâng quơ nhìn mặt đường nhựa loang lổ dưới chân. Vài vũng nước đen ngòm vì đất cát, dầu xe của trận mưa hôm trước vẫn chưa khô, biểu tượng cho nỗi nghèo túng mà gia đình tôi đang đối diện. Trong cảm giác buồn tủi đó, tự nhiên tôi có một ước muốn rất nhỏ nhoi, tôi sẽ cố gắng bán được nhiều báo hơn để có tiền mua cho mẹ tôi vài bộ quần áo mới.

Có lẽ mong muốn đó của tôi sẽ không bao giờ thành hiện thực trong thời gian tôi đi bán báo dạo, nó chỉ là ước mơ, nếu không có một cơ may mà tôi đã nhận được từ một người bạn cùng bán báo với tôi đem đến. Định, tên của người bạn, hơn tôi 3 tuổi nhưng đã bước vào nghề bán báo ít nhất cũng 5, 6 năm, ngay khi anh học xong cấp tiểu học. Gia đình của Định lưu lạc từ miền Trung vào Sàigon kiếm sống. Ông bố lao động trong ngành xây cất, bị tàn tật vì tai nạn, không còn khả năng làm việc. Mẹ của Định và cô em gái hằng ngày từ sáng đến tối đạp xe đi thu mua ve chai. Buổi tối, nếu có thời gian sau khi bán báo về nhà thì Định giúp mẹ lo việc phân loại ve chai đem bán lại cho các nơi tái chế.

Môt hôm, tôi cùng với hàng chục trẻ bán báo khác đứng chờ trước tòa soạn của vài tờ báo trên đường Lê Thánh Tôn, mong mua được số báo phát hành cho ngày mai sớm nhất để kịp đem đến bán tại các “bùng binh” sầm uất trong thành phố trước giờ tan sở. Thình lình Định đến vỗ vào vai tôi và nói:

- Mày có thể giúp tao bỏ báo cho các mối báo tháng của tao trong vài ba tuần lễ được không?

Tôi ngạc nhiên, trố mắt nhìn Định. Trong nghề bán báo dạo, việc nhường mối báo tháng hay báo thuê cho nhau được coi là rất hiếm, trừ phi có ai muốn bỏ nghề. Nhưng cũng phải trả tiền cho họ tí chút, coi như mua một mối làm ăn. Tôi mừng rỡ trả lời:

- Có thật không? Quá tốt!

- Dĩ nhiên là thật rồi, nhưng tao chỉ nhờ mày giúp trong khoảng 2 hay 3 tuần lễ mà thôi.

Cuối cùng sau một lúc nói chuyện, Định cho biết mấy ngày nữa, cả gia đình sẽ về miền Trung thăm quê và lo việc phân chia ruộng vườn với họ hàng trong khoảng 2 hay 3 tuần lễ. Định muốn nhờ tôi tiếp tục bỏ báo cho các mối báo tháng và báo thuê của anh ta. Dĩ nhiên tôi bằng lòng ngay vì tôi biết Định vào nghề đã lâu và có rất nhiều mối. Định hẹn tôi ngay buổi chiều tối hôm đó, sau khi hai chúng tôi bán báo xong, sẽ dẫn tôi đến từng nhà mua báo mối của Định, giới thiệu và nói rất rõ với khách hàng là chỉ nhờ tôi thay Định bỏ báo trong thời gian vài ba tuần lễ khi Định về quê mà thôi. Tất cả tiền bạc liên quan đến việc bán hay thuê báo sẽ được Định tính toán với khách hàng ngay sau khi trở lại Sàigon.

Tôi đã ngạc nhiên với số lượng khách mua và thuê báo của Định. Với trên 70 mối phải nói là số lượng mà tôi chưa bao giờ nghe ai trong số những bạn bán báo mà tôi biết có được. Đúng là một con số trong mơ, nếu có số lượng này, tôi chỉ cần bỏ báo tháng và cho mướn báo cũng thu được trên 100 đồng là chuyện quá dễ dàng. Một món tiền xấp xỉ với việc bán chuối của mẹ tôi từ sáng đến chiều tối.

Đúng như qui định, tôi tạm thời dẹp bỏ việc bán báo rong tại các bùng binh, để dồn sức vào việc bán và bỏ báo tháng cho Định và vài mối riêng của tôi trong suốt khoảng thời gian hơn 2 tuần lễ. Định trở lại tiếp tục công việc sau khi tính toán rất rõ ràng tiền công trả cho tôi. Cầm số tiền khá lớn từ tay Định, tôi sung sướng đến nỗi thờ thẫn người vì món thu nhập to lớn nhất trong nghề bán báo của tôi. Ngay khi cầm món tiền trong tay, hình ảnh mẹ tôi xơ xác với chiếc áo nâu, chiếc quần sa tanh đen cũ kỹ nhạt màu vì nắng mưa, hiện ra trong trí tôi. Giấc mơ nhỏ bé, mua vài bộ quần áo mới cho mẹ hoà lẫn với những nụ cười chan chứa cảm động trên khuôn mặt sạm đen của mẹ cũng hiển hiện trong tâm tư tôi, làm tôi sung sướng.

Ngay hôm sau, từ trường về nhà, vội vàng ăn xong bữa cơm trưa, tôi kín đáo mở tủ lấy bộ quần áo hằng ngày của mẹ vẫn mặc đem đến một tiệm may quần áo phụ nữ dạng bình dân ở phía sau chợ Chí Hòa, nơi mà mẹ tôi thường dẫn em gái tôi ra đó may quần áo. Chẳng khó khăn gì, sau vài phút bà thợ may đã đo xong bộ quần áo mẫu cũng như chọn loại vải dùng cho bộ quần áo mới. Với số tiền kiếm được, không những dư thừa cho 2 bộ quần áo mới mà tôi vẫn còn đủ trả cho bữa điểm tâm ngon miệng ngày hôm sau với một tô phở bò viên, một đĩa bánh cuốn giò chả từ những chiếc xe bán rong tại góc sân vận động của nhà trường.

Mấy ngày sau, bữa cơm chiều vừa xong, khi lũ em gái tôi đang thu dọn bát đĩa, mẹ tôi ngồi uống trà bên chiếc bàn gỗ kê sát tường. Tôi mở chiếc cặp đi học, kéo ra cái túi ny-lông trong đó có 2 bộ quần áo của mẹ mà tôi vừa lấy về từ tiệm may trong chợ. Miệng nở nụ cươi vui sướng tôi đặt gói quà vào tay mẹ, chậm rãi nói:

- Con vừa may 2 bộ quần áo mới làm quà cho mẹ đây!

Rất ngạc nhiên, mẹ tôi cau mày nhìn gói quà, rồi ngước mắt im lặng nhìn tôi ra vẻ không hiểu. Tôi đưa tay dí sát gói quà vào tay mẹ, nói rõ ràng từng tiếng:

-Bao nhiêu lần đi mua chuối với mẹ, nhìn thấy mẹ mặc những bộ quần áo cũ rách mà đau lòng. Con cứ mong dành dụm tiền bán báo để mua cho mẹ mấy bộ quần áo mới, hôm nay mới làm được. Chắc là vừa vặn, vì bà thợ may ở sau chợ đã đo đúng kích cỡ bộ quần áo cũ của mẹ.

Đến nay dù thời gian đã qua hơn 50 năm, từ ngày tôi mua vải may quần áo cho mẹ.Tôi vẫn còn nhớ sắc mặt ngẩn ngơ, hai dòng lệ từ khoé mắt chảy dàn dụa trên gò má nám đen vì mưa nắng của mẹ. Mẹ nhìn tôi run run cảm động đưa tay lên vuốt nhẹ đầu tóc tôi, nói không lên lời vì món quá nhỏ bé của tôi tặng mẹ.

Khi tôi vừa lên lớp đệ tứ, Bố tôi được đổi trở lại Sàigon, cuộc sống của gia đình dù có chút khá hơn nhưng vẫn chưa thoát khỏi sự thiếu thốn, mẹ tôi vẫn phải duy trì công việc bán chuối. Bố mẹ tôi tỏ ý định muốn tôi dẹp bỏ việc bán báo để dành thời gian cho việc học hành, chuẩn bị cho kỳ thi trung học đệ nhất cấp vào cuối năm. Tôi cũng có phần lưỡng lự vì công việc đã có chút thuận lợi, nhờ quen biết, giới thiệu tôi đã tìm được gần chục khách mua và thuê báo tháng.

Trong tình trạng băn khoăn đó, chưa biết bỏ hay không bỏ nghề bán báo, thì cả Sàigon rúng động với bản tin trên báo chí và truyền thanh về cái chết dã man của một thanh niên bán báo. Nguyên do chỉ vì món tiền khoảng vài ba trăm đồng, vừa thu được từ việc bỏ báo tháng mà bị bọn cướp giết dã man. Xác kẻ xấu số được thả ở khu đất hoang phía sau nhà ga xe lửa trong Cống Bà Xếp, khu vực rất lộn xộn không xa nơi gia đình tôi sinh sống. Càng kinh sợ hơn khi tôi và gia đình biết người bán báo xấu số đó chính là Định, người bạn đã nhờ tôi bỏ báo mối cho anh ta, khi anh ta theo gia đình về quê. Cũng chính nhờ lòng tốt của anh ta, tôi đã có được món tiền dư dả may cho mẹ tôi 2 bộ quần áo mới. Với cái tin kinh hoàng đó, bố mẹ tôi không còn lưỡng lự, đã bắt tôi dẹp bỏ việc bán báo, cái nghề nghiệp mà tôi đã kéo dài khoảng 3 năm trời trong cuộc đời tuổi thơ khá cực nhọc của tôi. Cũng từ cái nghề lang thang đó tôi đã có tiền mua cho mẹ tôi hai bộ quần áo mới, món quà tặng mẹ đầu tiên thấm đẫm mồ hôi trong đời tôi.
 

Chiếc máy may hiệu Mitsubishi

Bảy anh em chúng tôi cũng lớn dần theo thời gian, nhu cầu ăn và học cũng gia tăng. Việc bán chuối của mẹ tôi vẫn tiếp tục, nhưng thu nhập không thể nào cung ứng đủ cho một gia đình đông đảo như vậy được nữa. May mắn được một người quen chỉ dẫn, giúp mẹ tôi lấy táo và nho từ cơ sở nhập cảng của họ trong chợ Sàigon, đem về bán chung với chuối. Nhờ vậy sự thu nhập khá hơn, nhưng công việc cũng vì đó mà tăng lên. Cô em gái lớn của tôi cũng phải ghé vai vào những công việc buôn bán của mẹ tôi.

Một hôm, tôi đạp xe, chở mẹ lên Cầu Ông Lãnh để mua chuối về bán, thình một cơn mưa như trút nước kéo đến. Không mang theo áo mưa nên chúng tôi phải dừng xe, nép mình dưới hành lang của một công ty bán máy may Mitsubishi của Nhật ở đầu đường Trần Hưng Đạo để trú mưa. Mẹ tôi như bị thôi miên bởi những chiếc máy may làm mẫu xếp phía bên trong khung cửa kính. Nhìn ánh mắt thèm thuồng của mẹ, cảm giác xót xa chợt ùa về phủ lấy tâm hồn tôi. Ghé sát vào tai mẹ, tôi hỏi khẽ:

- Mẹ có thích con mua cho mẹ một cái máy may như vậy không?

Mắt vẫn không rời khỏi khung kính, mẹ bâng quơ trả lời:

- Ước gì có một cái để cho các em con may vá quần áo cho gia đình nhỉ?

Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ đưa tay chỉ vào một cái máy may sát gần khung kính, rồi nói vu vơ:

-Cái rẻ nhất mà giá đã hơn bốn ngàn đồng... gần bằng một tháng lương của bố con, lấy tiền đâu mà mua được?

Lời nói của mẹ kéo trí nhớ tôi về với những mảnh vá được đính sát trên những chiếc quần, chiếc áo của chúng tôi, che đi những lỗ thủng, mảnh rách với những đường chỉ khâu bằng tay thô thiển. Tôi im lặng, ngước nhìn ánh mắt ước mơ của mẹ, tự nói với lòng mình: “Chắc chắn một ngày nào, con sẽ có tiền để mua cho mẹ và các em một chiếc máy may giống như vậy.”

Đúng vậy, khoảng gần một năm sau, tôi mới có dịp thực hiện được ước mơ của mẹ và lời hứa của tôi. Nhưng có lẽ đây là món quà tặng mẹ đã cho tôi nhiều ấn tượng và làm tôi suy nghĩ nhiều nhất. Trong tận cùng ý nghĩa của món quà là một vẻ đẹp tuyệt vời đáng trân trọng. Nó tiềm tàng một tấm lòng thương mẹ và các em của một người anh lớn trong gia đình. Nhưng ở một góc cạnh nào đó trên chiếc khuôn của đạo đức, món quà đó đã vướng vào một tí chút bụi bặm đen đủi của tội lỗi. Chính nó đã mang đến cho lòng tôi cảm giác ăn năn, tự trách mỗi khi nhớ về.

Sự việc xảy ra khi tôi đang học lớp đệ nhị (lớp 11 ngày nay), sửa soạn cho kỳ thi tú tài bán phần vào cuối năm. Một buổi sáng sớm của ngày chủ nhật, tôi cùng mẹ chở trái cây ra chợ bán. Hai mẹ con chúng tôi lui cui xếp những nải chuối và vài thùng táo, thùng nho trên một tấm bạt bằng plastic được trải trên mặt hè của con đường nhỏ bên cạnh chợ Chí Hòa. Gần nơi chúng tôi bày hàng, có một người đàn ông khoảng trên dưới 30 tuổi, áo bỏ trong quần rất chỉnh tề, đeo kính trắng. Anh ấy ngồi trên chiếc xe Honda rất mới, đưa mắt theo dõi hoạt động của mẹ con chúng tôi với vẻ khá chăm chú. Dù có chút lạ lùng với ánh mắt tò mò của anh ta, nhưng cũng không đủ làm cho tôi để ý hay khó chịu vì nghĩ rằng anh ta chỉ là người qua đường, đang chờ đợi ai đó mà có chút thích thú với việc làm của chúng tôi mà thôi.

Sau một lúc, khi giúp mẹ đã xong, nói với mẹ vài câu rồi tôi lững thững đi bộ về nhà. Nhưng khi tôi vừa đi được khoảng vài trăm mét, người đàn ông với chiếc xe Honda vượt lên phía trước tôi rồi dừng lại bên lề đường. Quay mặt nhìn tôi với nụ cười rất thân thiện, anh ta nói:

- Chú em, có muốn làm việc cho anh không? Anh sẽ trả cho chú em gấp 5, 6 lần so việc buôn bán chuối của chú.

Nhíu mắt nhìn anh ta, với vẻ ngạc nhiên, tôi hỏi lại:

- Anh hỏi em phải không?

Chẳng đợi anh ta trả lời, tôi hỏi tiếp:

- Nhưng em làm công việc gì cho anh hả?

Đưa tay thân thiện vỗ nhẹ vai tôi vài cái, anh ta chậm rãi nói:

- Công việc chẳng có gì là khó khăn cả, anh chỉ nhờ chú em phân phát hàng cho anh mà thôi.

Không để cho tôi trả lời, anh ta đưa ngón tay chỉ sang quán cơm tấm bên kia đường, rồi nói với tôi:

- Sang bên kia, chúng mình ăn đĩa cơm tấm cho no bụng rồi anh nói rõ công việc cho em hiểu. Nếu em thích thì làm còn không thì cũng chẳng sao.

Thành thật, vẻ sang trọng và trí thức của anh ta đã cho tôi trọn vẹn lòng tin và cảm mến nên không một tí ngại ngần tôi theo anh ta sang bên kia đường. Sau khi dựng chiếc xe trên lề đường, anh ta đưa tay khoác vai tôi, cùng tiến đến ngồi bên chiếc bàn nhựa ở góc trong cùng của quán. Vẫy nhẹ bàn tay ra hiệu cho người bán quán và cũng chẳng cần hỏi ý thích của tôi, anh ta nói người bán quán mang cho chúng tôi hai đĩa cơm tấm sườn nướng.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Với giọng nói nhẹ nhàng, thân thiện anh ta hỏi rất nhiều về việc học hành, gia cảnh và cả đến công việc của bố mẹ tôi. Với lối nói chuyện đàn anh, lịch lãm trong vẻ ân cần đó, tôi chẳng có gì để phải nghi ngờ mà không thật lòng trải bày tất cả những gì anh ta muốn biết về tôi. Sau một hồi hỏi han, anh ta cho biết muốn thuê tôi vào công việc phân phát hàng cho anh ta trong thành phố Sàigon. Công việc rất đơn giản, không gò bó với thời gian, việc học hành của tôi cũng không bị ngăn trở vì việc làm ngoài giờ đi học. Lợi tức mỗi chuyến giao hàng từ 300 đến 400 đồng, tuỳ thuộc vào số hàng được phân phát và lương của công việc chỉ được lãnh vào vài ngày đầu mỗi tháng.

Với những điều kiện quá tốt như vậy, chẳng có lý do gì mà tôi từ chối cả. Nhưng khi tôi tỏ ý chấp nhận làm việc và muốn biết địa chỉ của cơ sở, nơi làm việc và món hàng gì tôi phải phân phát. Với một chút đắn đo anh ta cho biết, anh ta thuộc một nhóm buôn bán những hàng nhập lậu, trốn thuế từ các quốc gia lân cận mang về như sâm nhung, cao hổ cốt, cao khỉ và vài loại thuốc quý hiếm trong y học cổ truyền... Vì vậy việc phân phát phải được giữ rất kín đáo. Thấy tôi im lặng có vẻ lưỡng lự, anh ta vỗ nhẹ cánh tay tôi cho biết là công việc này đã kéo dài cả chục năm, chưa bao giờ anh ta gặp rắc rối. Những gói hàng chỉ bé bằng bao diêm, to nhất cũng chỉ bằng bao thuốc lá mà thôi. Hình như thấy tôi vẫn chưa hết ngại ngần, anh ta cho biết, tôi có thể làm thử cho anh ta 1 hay 2 lần, nếu thấy thích thì làm tiếp, không thì thôi.

Tôi nghĩ cũng hợp lý nên đồng ý làm thử! Trước khi chia tay, anh ta dặn tôi rất kỹ, đây là công việc trốn thuế vì vậy bắt buộc tôi không được nói với ai, ngay cả với cha mẹ, anh em trong gia đình. Việc đưa hàng cho tôi đem đi giao và địa chỉ người nhận hàng sẽ có người gặp trực tiếp tìm gặp tôi trong nay mai, hiện tại tôi cứ sinh hoạt bình thường.

Sau khi từ giã anh ta, trên đường đi bộ về nhà và suốt cả ngày hôm đó tôi mang một tâm trạng khó hiểu. Nửa ngại ngần, không muốn làm, vì việc làm có vẻ mù mờ, lo sợ bị vướng vào pháp luật mà làm khổ mẹ cha. Nhưng khi nghĩ đến món tiền kiếm được chỉ với vài giờ đạp xe đã nhiều hơn một ngày buôn thúng bán bưng cực nhọc của mẹ lại làm tôi ham muốn. Ngày hôm sau, như mọi ngày, sáng sớm tôi vội vàng giúp mẹ chở chuối ra chợ rồi đạp xe đi học như bình thường. Có lẽ vì căng thẳng với việc học hành cũng như chơi đùa với bạn bè, tôi không còn nhớ gì về anh ta nữa. Nhưng khi tan học, trên đường đạp xe về nhà, nhất là lúc ra chợ giúp đỡ mẹ trong việc buôn bán, sự việc hôm qua lại hiện ra trong trí nhớ tôi. Nhiều lần tôi đưa mắt nhìn chung quanh vì nghĩ rằng anh ta lại đến tìm và giao việc cho tôi. Sự mong đợi của tôi kéo dài cho đến tối khuya và cả buổi sáng hôm sau khi tôi đến trường, vẫn chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ có ai đến gặp tôi như anh ta đã nói. Cảm giác mình bị đùa giỡn đã làm tôi xua đi những chờ mong trong ý nghĩ.

Nhưng khi tan học vào buổi trưa, tôi vừa đạp xe chậm rãi ra khỏi cổng trường thì từ phía bên kia đường, dưới bóng cây nơi chiếc xe ba gác của người bán dừa xiêm. Người đàn ông hôm trước chạy vội ra đưa tay vẫy gọi tôi. Có chút giật mình khi nhìn thấy anh ta, nhưng tôi nhanh nhẹn đạp xe sang bên đó. Cũng như lần đầu tiên, với vẻ thân thiện, anh ta vỗ nhẹ vai tôi và hỏi:

- Sao, có khoẻ không ?

Rồi đưa tay chỉ người đàn ông khá đứng tuổi, đang đứng bên cạnh chiếc xe ba gác bán dừa, anh ta giới thiệu:

- Chú Sáu, người cùng nhóm buôn bán với anh đó.

Quay sang người bán dừa xiêm, anh ta gọi cho tôi một trái dừa rồi ra hiệu cho tôi và người tên Sáu theo anh ta đến ngồi quanh chiếc bàn nhựa thấp chân dưới bóng tàn cây kế cận. Sau khi hỏi tôi thêm một lần nữa và biết tôi muốn thử việc. Anh ta đưa mắt rất nhanh nhìn chung quanh rồi kín đáo cầm lấy chiếc cặp da đi học của tôi để lên đùi, rồi mở ra. Cùng lúc tay bên kia, anh ta thọc vào túi quần nhanh nhẹn lấy ra một gói giấy bỏ nhanh vào chiếc cặp đi học của tôi, cài khoá lại rồi để nó lại vị trí ban đầu, rồi lấy từ túi áo ra một tờ giấy nhỏ, mở ra cho tôi xem và nói với tôi:

- Đây là địa chỉ của 5 nơi mà em phải giao hàng, anh đã đánh số từ 1 đến 5 rất rõ ràng. Trong bịch giấy mà anh vừa bỏ vào cặp của em có 5 gói hàng, 3 gói to bằng bao thuốc lá và 2 gói cỡ bao diêm. Mỗi gói đều có đánh số ở bên ngoài giấy bao. Em nhớ là không được lẫn lộn khi giao hàng cho đúng với số gói và địa chỉ.

Để chắc chắn hơn anh ta nhắc lại cho tôi nghe thêm một lần nữa rồi nói tiếp:

- Em không cần vào nhà có địa chỉ đó, chỉ đứng ở gần đó mà thôi, sẽ có người đến hỏi em và nhận hàng, em cứ đưa cho họ. Chỉ có vậy, không cần hỏi gì về tiền bạc vì anh đã thanh toán với họ rồi.

Cuối cùng anh ta đưa cho tôi môt cái mũ thể thao bằng vải bố mầu xanh xám đã bạc mầu và nói với tôi trước khi chia tay:

- Trong lúc đợi người đến lấy hàng, em đội chiếc mũ này để họ biết em khi nhận hàng. Nhớ là phải giao hàng theo thứ tự để tránh luộm thuộm về thời gian mà anh đã hẹn với họ. Đây là lần thử việc, khoảng vài ngày sau anh sẽ tự động gặp em, nếu em không thích làm nữa, anh sẽ trả tiền công cho em rất minh bạch và chúng ta sẽ chấm dứt, không gặp nhau nữa.

Công vệc thật dễ dàng, với 5 địa chỉ trong thành phố tôi chỉ mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ đạp xe là xong. Khi đến từng địa chỉ giao hàng, tôi đứng đợi chỉ vài ba phút là đã có người đến hỏi và lấy hàng. Hai ngày hôm sau, cũng vào lúc tan học, khi tôi đang đạp xe chậm rãi trên đường về nhà. Khi đến gần rạp chiếu bóng Đại Đồng trên đường Cao Thắng, thình lình anh ấy từ trong hẻm nhỏ bên hông rạp ciné chạy ra vẫy tay gọi tôi, dẫn tôi đến chiếc bàn ăn của xe bán “phở bò viên” trong hẻm, nơi đó một người phụ nữ đang ngồi ăn bò viên. Đưa tay chỉ người phụ nữ, anh giới thiệu là vợ của mình. Tôi nói vài lời chào hỏi rồi ngồi cùng ăn uống, nói chuyện tầm phào với vợ chồng họ. Một lúc sau anh nói với tôi:

- Em làm vừa rồi tốt lắm, tiền công của em là 350 đồng, nếu em không muốn làm cho anh chị nữa thì anh sẽ trả tiền công cho em như đã hứa. Nhưng nếu em tiếp tục làm thì anh sẵn sàng đưa hàng cho em phân phát. Tiền công của em sẽ được tính toán rất minh bạch vào đầu tháng sau! Anh không trả cho em từng ngày được vì phiền phức và anh cũng không thu gom tiền bán hàng từ người mua mỗi ngày được. Anh mong em thông cảm.

Sau khi nghe tôi đồng ý tiếp tục làm. Cũng như lần trước, anh rất nhanh nhẹn và kín đáo cho gói hàng vào chiếc cặp đi học của tôi cùng với mảnh giấy ghi địa chỉ người nhận hàng, rồi mọi sự cũng trôi chảy dễ dàng như lần đầu tiên. Tiếp theo là những lần khác, những lần gặp tôi để giao hàng gần như toàn xảy ra trong tình trạng bất ngờ. Có khi ở cổng trường lúc tan học, khi trên những con đường về mà tôi thường đạp xe qua như Cao Thắng, Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt ..v..v... Người đưa hàng cho tôi cũng thay đổi, có khi là anh ấy, có khi là chú Sáu hay một thiếu phụ đứng tuổi tên Kim và một thanh niên có lẽ lớn hơn tôi vài ba tuổi, mặt mũi rất bặm trợn. Hắn gặp và nói với tôi khi đưa hàng pha đầy những câu chửi thề và đe doạ.

Thấm thoát, đầu tháng đã đến, tôi mang tâm trạng chờ đợi gặp anh ấy để được nhìn thấy thành quả của công việc sau gần một tháng làm việc. Một hôm, cũng vào lúc tan học, khi vừa đạp xe ra khỏi cổng trường, anh ấy cùng với vợ vẫy tay ra hiệu cho tôi sang bên đường. Chúng tôi lại ngồi quanh chiếc bàn nhựa uống nước dừa xiêm. Sau vài câu chào hỏi, anh lấy trong túi quần ra một cái phong bì khá cộm, đưa tận tay tôi và nói:

- Tháng vừa qua em giao hàng cho anh chị tổng cộng 12 lần, tiền công của em là 5.200 đồng, nhưng vì em làm việc tốt, anh cho em thêm 300 nữa, như vậy tổng cộng là 5.500 đồng.

Tôi đờ đẫn, như không tin vào tai mình khi nghe anh ta nói đến món tiền quá to như vậy. Món tiền mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình có thể kiếm được một cách quá dễ dàng như vậy. Hình như anh ta nhìn rõ suy nghĩ của tôi, đưa tay ép sát phong bì vào bàn tay tôi, anh ta nói:

- Khỏi cần đếm lại! Anh chị chẳng bao giờ lừa dối em đâu. Hôm nay không có người mua nên em không phải giao hàng.

Từ giã vợ chồng anh ấy, ngồi trên chiếc đạp với tâm hồn lâng lâng dù chung quanh tôi, xe cộ vẫn ồn ào nhưng với tôi hình như không còn ý nghĩa gì nữa. Sự sung sướng cứ lớn dần đang tràn lan ra khắp trong lòng tôi khi nghĩ đến món tiền quá lớn trong túi mình. Với niềm đê mê đó khi vừa đến ngã tư Phan Thanh Giản –Lê văn Duyệt. Ký ức tôi hiện ra ánh mắt tràn đầy ước mơ của mẹ tôi, dán sát vào khung cửa kính để ngắm nhìn chiếc máy may của Nhật Bản khi trời đang mưa tầm tã, đã kéo tôi về thực tại. Chẳng cần lưỡng lự, thay vì quẹo trái để hướng về nhà, tôi đã theo hướng ngược lại để lên Saigon.

Chỉ cần vài chục phút xem qua loa về giá cả và điều kiện lắp ráp, bảo trì, tôi đã hoàn tất xong thủ tục để sở hữu chiếc máy may ước mơ của mẹ tôi. Người đại diện công ty cho biết ngay buổi chiều, khi tôi về nhà khoảng chưa đến một tiếng đồng hồ là nhân viên sẽ đem đến và lắp ráp xong ngay.

Tôi về nhà vào khoảng giữa trưa. Sau khi uống ly nước lọc, ngồi một lúc thì mẹ tôi cũng về để ăn cơm và nghỉ ngơi tí chút sau đó sẽ ra chợ coi hàng thay cho cô em gái của tôi về nhà. Muốn cho mẹ ngạc nhiên, tôi tìm cách khơi lại ước mơ của mẹ về chiếc máy may. Lúc ngồi ăn cơm, tôi buông câu hỏi mập mờ:

- Mẹ có muốn mua chiếc máy may của Nhật Bản mà mấy tháng trước mẹ đã ước mơ không?

Mẹ chau mày tí chút để nhớ lại sự việc, rồi bình thản, chẳng thèm nhìn tôi, mẹ trả lời:

- Muốn làm gì cho khổ, khi mình chẳng bao giờ có khả năng mua được nó!

- Thế mà chiều hôm nay, con sẽ bê nó về biếu mẹ đó.

Lời nói của tôi, chẳng gây tí xúc động nào trên khuôn mặt của mẹ. Đưa tay gắp miếng rau vào bát, không thèm nhìn tôi mẹ nói:

- Thôi đi ông tướng! Đừng có mơ tưởng hão huyền. Hãy nhìn vào bữa ăn hằng ngày của gia đình mà tính toán để khỏi phải khổ đau.

Tôi cười to trả lời:

- Chẳng hão huyền gì cả, con đang sợ mẹ ngất xỉu khi người ta bê đến nhà cho mẹ đó.

Chẳng thèm trả lời tôi thêm nữa, rót ly trà xanh đưa lên miệng, rồi như thường lệ mẹ chuẩn bị lên giường chợp mắt tí chút trước khi ra chợ thay cho cô em gái tôi về nhà. Đúng lúc đó thì hai người đàn ông với bộ đồng phục khệ nệ khênh từ chếc xe honda kéo rơ mọc mấy chiếc hộp bằng các tông vào nhà. Một người nhận ra tôi, anh ta nói:

- Anh mang chiếc máy may đến ráp cho em đây.

Lúc đó thì mẹ tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Bà ngồi bật dậy, đưa mắt nhìn tôi rồi lại nhìn 2 người nhân viên đang cặm cụi tháo gỡ các thùng các-tông. Tôi làm ra vẻ vô tư không chú ý đến ánh mắt, nét mặt ngẩn ngơ của mẹ mà quay sang nói chuyện với 2 người thợ lắp ráp. Mãi một lúc sau, có tí trầm tĩnh hơn, mẹ đến gần tôi hỏi rất nhẹ, hình như bà sợ hai người nhân viên nghe thấy:

- Nghĩa là sao? Con lấy tiền đâu mà mua nó vậy?

- Con đã nói với mẹ rồi mà mẹ không tin. Có ngày con bê cả cái xe ô tô to tướng về cho mẹ chứ nhằm nhò gì với cái máy may nhỏ bé này!

Câu trả lời quá “bốc” của tôi càng làm cho mẹ ngẩn ngơ hơn. Tôi biết chắc chắn mẹ đã không còn nghi ngờ gì về thằng con trai ngang bướng, nhưng rất đậm lòng thương cha mẹ. Có lẽ lúc đó nếu tôi “bốc” to hơn mà muốn mua cho bà cái máy bay chắc bà cũng không nghĩ tôi đùa giỡn, huống chi là chiếc ô tô?

Xong công việc hai người thợ ra về, tôi cũng rời nhà, mãi đến khuya tôi mới về lại nhà. Vừa bước vào nhà, chưa kịp dựng cái xe vào góc, Bố tôi cau mặt nhìn tôi với ánh mắt tức giận, chậm rãi hỏi tôi từng tiếng một:

- Tao không tin mày làm ăn chân chính mà có được món tiền to như vậy. Mày theo bạn, theo bè đi ăn cướp mới có mà thôi. Hãy cho tao biết tất cả, tao không muốn mày nói dối.

Mẹ tôi cũng hùa theo, nhưng nhỏ nhẹ hơn, bà khuyên tôi nói tất cả sự thật để bố mẹ biết và tìm cách tháo gỡ nếu có gì bất thường xảy ra. Nhìn sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ của bố mẹ, tôi không thể cầm lòng mà giấu giếm. Sau một lúc lưỡng lự tôi lần lượt kể lại rất rõ những gì tôi gặp và đã làm trong gần một tháng vừa qua. Bố mẹ tôi chú ý nghe cho đến khi tôi nói hết mọi sự. Bố tôi im lặng, ra vẻ trầm tư một lúc rồi hỏi tôi về những món hàng mà tôi chuyển giao cũng như những người mà tôi tiếp cận trong những lần nhận và phát hàng vừa qua. Tôi trả lời từng chi tiết nhỏ về những thắc mắc của bố. Tôi cũng không quên cho bố tôi biết, trong một lần tôi gặp vợ chồng anh ta để nhận hàng, thấy tôi có vẻ thắc mắc. Người chồng rút trong túi quần ra một gói nhỏ tương tự như những gói mà anh ta đưa cho tôi đem đi giao cho người khác. Đưa tận tay tôi và còn xé gói hàng ra cho tôi xem, nó có mầu đen nâu, khá cứng, không có mùi vị gì. Anh ta lấy con dao cắt một miếng nhỏ, cho vào miệng nhai như ăn kẹo và nói với tôi :

- Đấy em xem, nó chỉ là cao khỉ mà thôi. Em đừng quá tò mò mà bóc giấy bao của những miếng khác, làm hư hỏng món hàng và người ta không nhận thì rất phiền phức. Anh mong em hiểu cho anh.

Nghe tôi nói xong, bố tôi cười và nói:

- Con khù khờ, dễ tin người quá! Đó chỉ là một màn kịch lấy cái giả để lừa cái thật đó mà thôi. Nếu chỉ là những miếng cao khỉ, cao hổ cốt hay sâm nhung nhập lậu, thì chẳng cần che giấu pháp luật đến mức bí mật như vậy và cũng chẳng có giá trị như vàng để trả công cho con nhiều như thế.

Cuối cùng bố tôi chắc chắn đó là thuốc phiện, tôi đang bị những kẻ sống ngoài vòng pháp luật lừa dối và dẫn dụ theo họ. Bố bắt tôi phải tức khắc chấm dứt và rời xa, nếu cần bố sẽ nhờ chính quyền can thiệp. Với lời phân trần quá chính xác của bố đã làm tôi tỉnh ngộ. Tôi hứa với bố và chính tôi, ngay ngày mai nếu gặp họ, tôi sẽ cứng rắn chấm dứt ngay việc làm đen tối đó.

Đúng như dự đoán, ngày hôm sau, khi tôi từ đường Lê văn Duyệt định quẹo vào ngõ hẻm nơi nhà tôi cư ngụ, bất thình lình, từ quán bán hủ tíu ở đầu ngõ. Anh ta chạy ra vẫy gọi tôi, kéo tôi ngồi xuống chiếc bàn trong góc tiệm, nơi đó người vợ cũng đang ngồi với bát mì còn bốc khói. Tôi đưa tay ra hiệu và nói với người bán hủ tíu đừng làm hủ tíu cho tôi, rồi không một tí lưỡng lự, tôi nói với anh ta là tôi không muốn làm việc này nữa. Vợ chồng anh ta hình như hơi giật mình với quyết định của tôi, họ im lặng nhìn tôi tí chút rồi người chồng hỏi tôi lý do. Chẳng ngần ngại tôi nói thẳng với họ là bố mẹ tôi đã biết việc làm mờ tối của tôi và bắt buộc tôi phải chấm dứt.

Hai vợ chồng im lặng nhìn nhau, rồi người chồng đưa tay vỗ vai tôi vài cái nhẹ, cũng với giọng nói rất đàn anh và lịch lãm:

- Tiếc thật! Nhưng em đã nói vậy thì anh chị cũng chẳng dám ép. Tuy nhiên, anh chị cũng mong em luôn luôn giữ kín, không nói với bất cứ việc làm ăn của anh chị nhé, anh tin tưởng nơi em đó.

Dĩ nhiên, rất thật lòng tôi hứa với họ. Dù sao với gần một tháng qua giao tiếp, trong lòng tôi vẫn có ít nhiều cảm mến vì sự lịch lãm, thân thiện và minh bạch của họ, nhất là với người chồng. Thêm vào đó, chính nhờ họ mà tôi đã có một món tiền dư đủ cho tôi thực hiện một ao ước của mẹ, người mẹ suốt đời tôi yêu qúi.

Đúng như vậy, nhờ chiếc máy may Mistubishi đó, mẹ và lũ em gái của tôi đã có được một phương tiện để tránh được những đường chỉ khâu tay thô kệch với những miếng vải vá gồ ghề trên những chiếc quần, chiếc áo của mọi người trong gia đình. Cũng nhờ nó mà những tấm màn cửa, vải trải giường, ngay cả những chiếc áo mưa bị hư hỏng, mẹ và lũ em tôi cũng không còn phải tốn tiền mang ra cho người ta vá may nữa.

Kể từ khi chiếc máy may được đưa vào nhà tôi cho đến nay, thời gian đã qua đi gần 40 năm trời, thời thế cũng bao lần đổi thay. Mẹ và bố tôi cũng đã vĩnh viễn rời xa chúng tôi, nơi cư trú của gia đình tôi đã đổi thay nhiều lần ... Nhưng chiếc máy may Mistubishi, món quà kỷ niệm của tôi cho mẹ vẫn còn, vẫn tốt và được cô em gái tôi gìn giữ, sử dụng. Chiếc máy may đã phủ đầy một mơ ước của mẹ tôi dù bằng những đồng tiền mù mờ nhưng vẫn có một vài tia sáng ấm cúng của lòng tôi dành cho mẹ.

Từ ngày tôi quyết định rời xa công việc mờ tối đó, tôi không bao giờ gặp lại cặp vợ chồng ấy nữa. Cho đến đầu năm 1974, trong một lần tôi từ Cần Thơ lên Sàigon để lo thủ tục, hồ sơ đi tu nghiệp Nhật Bản. Với chút thanh nhàn tôi đang lang thang trên passage Nguyễn Huệ. Từ một nhà hàng sang trọng, một người đàn ông khá đứng tuổi chạy ra với vẻ mặt vui mừng, nắm tay tôi như một người quen thân thiết. Dù thời gian đã xoá nhòa rất nhiều nét hào hoa, trí thức dưới gọng kính trắng của người đàn ông, nhưng tôi vẫn nhận ra ông, người mà gần 10 năm về trước đã dẫn tôi vào một khúc quanh của tội lỗi. Sau cái nắm tay xiết chặt và những câu hỏi han thân thiết, anh ta kéo tôi vào nhà hàng, nơi đó người phụ nữ xinh đẹp, vợ của anh ta đang hướng mắt nhìn tôi với nụ cười thân thiện. Họ mời tôi uống bia, đưa cho tôi bao thuốc lá, tôi chối từ đã làm họ ngạc nhiên khi tôi cho họ biết tôi vẫn là kẻ lạc lõng với những thú vui mà ngày xưa tôi đã không có điều kiện để làm quen.

Ba người chúng tôi lại có dịp hàn huyên về đủ mọi chuyện sau khoảng thời gian quá lâu không tái ngộ. Người vợ vẫn vẻ kín đáo, im lặng, ít nói như xưa, người chồng vui vẻ, cởi mở hơn, anh ta hỏi tôi rất nhiều về cuộc sống và tương lai của tôi. Chẳng ngại ngần gì, tôi kể cho họ nghe tất cả diễn tiến trong cuộc đời tôi, xong đại học, đi làm rồi đang chuẩn bị ra ngoại quốc tu nghiệp. Hai vợ chồng im lặng lắng nghe, họ như bị cuốn hút vào những câu chuyện sống của tôi. Khi tôi chấm dứt kể lể về mình, người chồng im lặng cầm ly cafe lên miệng nhấp vài ngụm, đầu gật nhẹ, anh ta hướng ánh mắt chân tình nhìn tôi, chậm rãi nói với tôi:

-Chú Tề, chú có biết là anh chị rất cảm phục tài năng, con người và ý chí của chú lắm không? Xã hội vẫn tồn tại, hạnh phúc vẫn có thực và luôn luôn là những ước mơ của con người, đó là nhờ xã hội còn có những con người như chú. Những người như anh chị là những kẻ tàn phá xã hội, đáng chê trách. Anh chị đã lầm lẫn khi nhìn về ý nghĩa của hạnh phúc để rồi chính cái nhầm lẫn đó đem đến cho mình những khổ đau.

Rồi tiếp theo, họ cho biết sau khi tôi chấm dứt việc làm ăn với họ được khoảng hơn 2 năm thì đường dây bị lộ. Tất cả những người trong nhóm rơi vào vòng tù tội. Sau khi mãn hạn tù vợ chồng họ vẫn còn tí cơ ngơi để sinh sống. Nhưng đau xót nhất mà họ phải nhận chịu từ chính những việc làm nhem nhuốc của họ mang đến. Hai đứa con của họ cũng rơi vào vòng nghiện ngập với chính món hàng mà họ đã từng cung ứng cho người khác. Đứa con trai 17 tuổi chưa hoàn tất tiểu học, đã hoà nhập với xã hội đen rồi bị giết chết vì thanh toán nhau, chỉ trước vài ngày khi họ được ra tù! Đứa con gái 20 tuổi, lang thang trong các chốn ăn chơi của Sàigon, cũng đang trả giá trong vòng lao lý vì con đường buôn bán món hàng mà chính họ đã đi qua.

Từ giã họ sau lần tao ngộ duy nhất đó, tâm tư tôi như bị nhấn chìm vào ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc. Tôi tự hỏi, nếu ngày xưa, vì những dẫn dụ của tiền bạc, giàu có mà tôi cũng bước vào con đường của họ thì ngày nay cuộc đời chắc chắn sẽ dẫn tôi đến một hiện thực khác hoàn toàn với hiện thực mà tôi đang sở hữu. Tôi đã không bước vào bi kịch như họ, sự may mắn chắc chắn phải có. Sự cương nghị quyết liệt rời xa khi nhìn thấy bóng tối và cố gắng tìm cách vươn lên để chiến thắng nghịch cảnh của mình, những cái đó cũng phải có. Nhưng tôi cũng không phủ nhận được điệu nhạc êm nhẹ chứa đầy tình thương của lòng mẹ, lo lắng của tình cha cũng phải có. Chính những nốt nhạc nhân hậu đó đã làm cho cuộc đời tôi bình thản, an vui khi về già vậy.


 
 
Bộ salon bằng gỗ trắc


Tôi không bao giờ phủ nhận, cuộc đời của tôi đã có những may mắn. Nhưng nhờ vào sự tính toán hợp thời, khoa học kèm theo sự chăm chỉ làm việc và nhất là dựa vào khả năng chuyên môn rất thực tế của mình, tôi đã kéo gia đình tôi thoát khỏi vũng lầy của đói nghèo và thua thiệt trong xã hội. Có thể nói từ năm 1970 gia đình tôi thực sự bước vào nếp sống khá sung túc của giới trung lưu trong xã hội. Lũ em 6 đứa của tôi không còn phải cực nhọc, vừa học vừa giúp mẹ lo việc buôn thúng bán bưng kiếm tiền sinh nhai như trước kia nữa. Chúng được dành thời gian cho việc học hành, vui chơi với bạn bè, trong đó có đứa còn được tôi lo cho đi du học tự túc. Bố tôi vẫn làm việc với đồng lương èo ọt, nhưng không còn là nguồn thu chính cho gia đình như xưa nữa. Mẹ tôi cũng chẳng phải phơi gió, đội mưa với những nải chuối nghèo nàn bày bán trên chiếc bạt ny-lông trải bên lề đường khói bụi để kiếm từng đồng bạc nhỏ bé thấm đẫm mồ hôi nữa.

Căn nhà khá khang trang, rộng rãi ở vùng Bà Quẹo do chính công sức của tôi tạo ra, được xây trên miếng đất rộng hơn 500 mét vuông, kèm theo một dãy chuồng trại chăn nuôi gà, heo khá qui mô dùng cho hoạt động kinh tế kiếm sống cho gia đình. Mẹ tôi đã có phần nhàn nhã cùng với mọi người trong gia đình trông nom chuồng gà sản xuất trứng và mấy con heo nái chuyên cung cấp heo con giống cho những người chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực. Tất cả những vấn đề liên quan đến kỹ thuật, bán buôn... trong công việc chăn nuôi đều do tôi tính toán, điều hành.

Thật vậy, gia đình tôi không còn thiếu những bữa cơm tối dưới ánh đèn sáng choang, mọi người quây quần nhau ăn uống, cười vui nữa. Tuy nhiên bố mẹ tôi vẫn là dạng người sinh ra của cần kiệm và mang nặng ấn tượng của nghèo đói khổ cực xa xưa. Vì vậy, lối sống cũng như vật dụng trong gia đình tôi vẫn không thoát khỏi được bóng dáng của một gia đình nơi miền quê Bắc bộ. Vẫn những chiếc giường gỗ đơn sơ trải chiếu, vẫn chiếc chạn ăn xộc xệch để cất giữ đồ ăn trong góc bếp, vẫn những bộ bát đĩa bằng sành thô kệch lớp men, những chiếc nồi nhôm méo mó không biết từ bao giờ vẫn còn giữ lại... Biết bao nhiêu lần tôi đã nói với bố mẹ phải thay đổi lối sống, phải quên đi nghèo khó xa xưa để hưởng thụ tí chút giàu sang. (Thật ra có gì để nói là giàu sang với bộ bát sứ màu mè hay chiếc tủ lạnh nhỉ?) Nhưng chưa bao giờ tôi được bố mẹ đồng ý, với đủ lý do mà luôn luôn tôi là người thua cuộc.

Nhưng một hôm, vào buổi tối đẹp trời. Cả nhà sau bữa cơm chiều quây quần nhau trên chiếc phản gỗ trong phòng khách. Đưa mắt nhìn căn phòng rộng thênh thang. Giữa phòng, bộ bàn ghế cũ kỹ bằng gỗ mà gia đình tôi đã dùng cho việc tiếp khách lẫn bàn ăn từ ngày di cư vào Nam năm 1954. Tôi nói nhẹ với mẹ:

- Mẹ có muốn con mua một bộ salon để mẹ tiếp khách và thoải mái nghỉ ngơi khi mệt mỏi không?

Không một tí suy nghĩ, mẹ trả lời tôi:

-Thôi! Đừng phí phạm với những chuyện không cần thiết. Chiếc bàn vẫn còn tốt chán.

Tiếp theo là một bài thuyết trình kể lể, hoài nhớ về những lúc nghèo đói xa xưa của mẹ, mà tôi đã thuộc nằm lòng vì nó được lặp đi lặp lại quá nhiều lần! Nào là, ngày chạy lên Hà Nội không tấm áo che thân khổ cực với đói rách chẳng nơi nương tựa. Nào là lúc mới di cư vào Nam, cả nhóm ba, bốn gia đình chui rúc, nằm gối lên nhau trong cái garage của chủ nhà, làm việc như nô lệ mà vẫn bị chửi bới như tát nước vào mặt, ăn miếng cơm mà cảm thấy mằn mặn vì nước mắt, mồ hôi...v..v.. Nghe bài diễn thuyết quen thuộc của mẹ, tôi cười to, buông câu đùa giỡn:

- Cuối năm con ra trường, đi làm kiếm tiền, con sẽ bê về một cái xe hơi, mỗi cuối tuần con sẽ chở cả nhà đi tắm biển Vũng Tàu, con sẽ....

Không để cho tôi nói hết, mẹ vội vàng ngắt lời :

- Thôi đi ông tướng! Đừng nói trước mà bước chẳng qua. Tôi chỉ mong ông học hành đâu vào đó, đừng vội lấy vợ, rồi sợ vợ mà quên cả cha mẹ, các em. Thế là tôi vui lắm rồi.

Nghe mẹ nói xong, tôi lấy ngón tay chỉ vào mũi mình, cười to mà trả lời:

- Mẹ hãy nhìn kỹ con, thằng con trai xấu xí này có phải là dạng người sợ vợ không?

Chẳng cần để cho mẹ trả lời, tôi hung hăng nói tiếp:

- Không! Sẽ không bao giờ có chuyện con sợ vợ mà quên mẹ, quên gia đình đâu, mẹ khỏi lo cho mệt.

Cứ như vậy, những câu chuyện đùa vui kéo dài cho đến khuya, rồi mọi người chia nhau đi ngủ. Riêng tôi, nằm trên giường, hình ảnh chiếc bàn gỗ xiêu vẹo, đa dụng vẫn lẩn quẩn trong trí nhớ, thúc giục tôi phải tìm cách thay thế nó bằng một bộ salon càng sớm càng tốt. Sáng hôm sau, không chút lưỡng lự, tôi lẳng lặng mở tủ lấy món tiền mà vài ngày trước vừa có được từ đàn heo con giống. Rồi chỉ vài chục phút đạp xe lên dãy tiệm bán đồ gỗ ngay ngã tư Bảy Hiền, kéo về một bộ salon bằng gỗ trắc, thuộc loại tốt nhất của tiệm. Cũng như món quà chiếc máy may Mitsubishi của gần 5 năm về trước, mẹ tôi ngẩn ngơ, im lặng nhìn thằng con trai cùng với người phu xe gò lưng khuân vác bộ bàn ghế mới toanh, bóng láng xếp vào trong phòng khách, thay thế cho bộ bàn ghế cũ kỹ vẫn còn loang lổ rất nhiều dấu tích của thủa nghèo khổ xa xưa.

Buổi tối hôm đó, cũng dưới ánh đèn sáng choang, cũng với bữa ăn gia đình trên chiếc phản gỗ trong phòng khách. Nhờ bộ salon, căn phòng khách như sáng hơn, sang trọng hơn. Ánh mắt của mẹ tôi cũng có cái gì đó khác lạ, hình như nó chứa đựng rất nhiều niềm vui kín đáo từ món quà của đứa con trai mà bà chưa bao giờ mất niềm tin mua tặng.

Bộ salon đó vẫn hiện diện trong căn nhà của gia đình tôi tại Bà Quẹo lúc tôi tốt nghiệp đại học, đi làm việc rồi tu nghiệp Nhật Bản. Thời cuộc đổi thay, mãi đến khoảng giữa thập niên 1980-1990 tôi mới có dịp dẫn vợ con về thăm viếng gia đình và quê hương. Bộ salon vẫn còn y nguyên, vẫn cứng chắc, toàn hảo như ngày mới mua dù đã có tí bạc màu sau gần 20 năm sử dụng. Điều buồn đau nhất với tôi là mẹ tôi đã không còn nữa! Ánh mắt chứa đầy niềm vui của mẹ khi ngắm nghía những món quà của tôi dâng tặng lại trở về trong trí nhớ của tôi. Ngồi trên chiếc ghế salon, đưa tay vuốt nhẹ kệ gỗ để tay, nước mắt tôi trào ra làm nhòa đi hình ảnh của mẹ trong trí nhớ. Tôi chợt hát nho nhỏ vài câu trong bài “Xuân này con không về” đã bao lần làm tôi chảy nước mắt vì nhớ mẹ qua giọng ca Duy Khánh!

Thuỵ Sĩ , January 2016







none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ


Sống và chết theo quan niệm Phật giáo


Truyện cổ Phật giáo


Kinh Di giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.227.108 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...