Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Không có ai là vô dụng trong thế giới này khi làm nhẹ bớt đi gánh nặng của người khác. (No one is useless in this world who lightens the burdens of another. )Charles Dickens
Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Hòa thượng Cua »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hòa thượng Cua »»
Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung (1640 - 1711), nối pháp đời thứ 37 tông Tào Động, dân gian quen gọi ngài là Hòa thượng Cua, do sự tích truyền lưu về câu chuyện cảm động của đời ngài.
Không biết được tục danh của ngài, quê quán có thể ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Nghe kể rằng: Khi Sư còn bé cha mất sớm, mẹ tảo tần buôn gánh bán bưng để nuôi con. Khi Sư được mười hai tuổi, một hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cáy (cua) để sẵn ở ao, trưa nay con giã cáy nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng.” Bà gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, Sư ra ao xách giỏ cáy lên định đem giã nấu canh như lời mẹ dặn, song nhìn thấy những con cáy tuôn những hạt bọt ra, dường như khóc rơi từng giọt nước mắt. Xót thương quá, Sư không đành đem giã, lại đem đến ao giở nắp giỏ thả hết.
Trưa bà mẹ đi bán về, vừa nhọc nhằn vừa đói bụng, hai mẹ con lên mâm cơm ngồi ăn, bà không thấy món canh cáy liền hỏi lý do. Sư thưa: “Con định đem đi giã, thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết.” Bà mẹ nổi trận lôi đình, không ăn cơm, chạy lấy roi đánh Sư. Sợ quá, Sư chạy một mạch không dám ngó lại. Bà mẹ đuổi theo không kịp, mệt lả đi trở về. Ngang đây đứa con trai bà mất luôn.
Khoảng hơn ba mươi năm sau, đã thành Hòa thượng trụ trì, Sư nhớ đến mẹ liền về quê cũ tìm kiếm. Đến một cái quán bán nước trà, một bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm trà bán cho khách. Sư vào quán ngồi, chờ bà lão rảnh, hỏi thăm lai lịch bà lão. Bà thở dài than:
- Tôi chồng mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không ai, tôi phải lập quán bán nước trà, kiếm chút ít tiền sống lây lất qua ngày.
Sư hỏi:
- Bà lão ưng ở chùa không, chúng tôi thỉnh bà về chùa để nương bóng từ bi trong những ngày già yếu bệnh hoạn.
Bà nói:
- Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.
Sư nói:
- Bà đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, còn thì giờ tụng kinh niệm Phật là tốt.
Bà lão thấy thầy có lòng tốt bèn nói:
- Nếu Thầy thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.
Sư hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Về chùa, Sư họp Tăng chúng hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều động lòng từ bi đồng ý mời bà lão về chùa. Sư cho cất một am tranh gần chùa, cho người đi rước bà lão về ở đây. Mỗi hôm, Sư phân công bà lão quét sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở bà tu hành.
Thời gian sau, bà lão bệnh, Sư cảm biết bà không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng năm bảy hôm. Trước khi đi, Sư dặn dò trong chúng: “Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau.” Đúng như lời Sư đoán, bốn năm hôm sau bà tắt thở, Tăng chúng làm đúng như lời Sư dặn, chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Vài hôm sau Sư về, nghe bà lão mất còn để trong áo quan. Sư về nhìn mặt lần chót rồi đậy nắp quan lại. Sư nói to:
- Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật.
Sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ xuống. Ngang đây mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư.
Trong quyển Hồng Phúc Phổ Hệ có những đoạn tán thán công đức của Sư:
“Diêu văn Đại Thánh sư, thần đức nan tuyên giả, chỉ tích mẫu quan phi, niệm kinh Bảo Liên Hoa, đầu đơn đế nhãn minh, tiến ngọc quân vương tạ...”
Nghĩa là: “Xa nghe thầy Đại Thánh, thần đức khó nói hết, gậy chỉ quan (tài) mẹ bay, tụng kinh Bảo Liên Hoa, nạp đơn vua mắt sáng, dâng ngọc quân vương tạ (ơn)...”
Sau này, chỗ quán bán trà của mẹ, Sư lập một ngôi chùa tên “Mại Trà Lai Tự” ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Am bà ở để tên là “Dưỡng Mẫu Đường” ở phủ Vĩnh An.
Lại một đoạn khác cũng tán thán lòng hiếu thảo của Sư có hai câu:
“Dưỡng Mẫu Đường linh thế thái vĩnh trường khan, Vọng mẫu tháp trí trà lai nhân tịnh đổ.”
Nghĩa là:
“Dưỡng Mẫu Đường khiến người đời mãi nhớ, Vọng mẫu tháp trí trà lai mọi người thấy.”
*
Sư trụ trì ở Đông Sơn nghe Thiền sư Thông Giác từ Trung Quốc đắc đạo trở về ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, liền tìm đến yết kiến. Thiền sư Thông Giác hỏi:
- Như khi ta đang nghỉ, đợi đến bao giờ có tin tức?
Sư đáp:
- Đúng ngọ thấy bóng tròn, giờ Dần mặt trời mọc.
Thông Giác hỏi:
- Bảo nhậm thế nào?
Sư bạch bằng kệ:
Cần có muôn duyên có
Ưng không tất cả không
Có không hai chẳng lập
Ánh nhật hiện lên cao.
(Ưng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô.)
Thông Giác bước xuống bảo:
- Tào Động hợp quần thần, tiếp nối dòng của ta, nên cho ngươi pháp danh Tông Diễn.
Ngài nói kệ trao pháp:
Tất cả pháp chẳng sanh
Tất cả pháp chẳng diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không sen đầu lưỡi.
(Nhất thiết pháp bất sanh
Nhất thiết pháp bất diệt
Phật Phật, Tổ Tổ truyền
Uẩn không liên đầu thiệt.)
Từ đây Sư luôn theo hầu dưới gối, cho đến khi Thiền sư Thông Giác về trụ trì chùa Hạ Long. Ở chùa Hạ Long, Sư cũng sớm hôm không rời tả hữu. Ban ngày Sư đi khuyến hóa cúng dường chúng Tăng, ban đêm thì thưa hỏi diệu nghĩa thâm huyền, có khi suốt đêm ngồi thiền không đặt lưng xuống chiếu. Sư chịu vất vả nhọc nhằn không tiếc thân mạng. Đến năm ba mươi hai tuổi, Sư thọ giới Cụ túc. Sau đó, Sư xin phép Thiền sư Thông Giác đi hành cước tham vấn các nơi.
Năm niên hiệu Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông ra lệnh cho các quan khắp nước bất cứ ở đâu Tăng Ni hoặc già hoặc trẻ đều đuổi hết về rừng núi. Sư biết được tin này rất đau lòng, tự nghĩ: “Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng? Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi loạn, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sanh. Nếu không hoằng dương được chánh pháp thì làm sao đáng đền ơn Phật Tổ! Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được hàm linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời.” Sư bèn quyết tâm rời chốn sơn dã về đất thần kinh, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp trong khi tai nạn. Sư trở về trình thầy để xin phép đến kinh đô, Thiền sư Thông Giác hoan hỉ. Sư đi mấy hôm đến chùa Cổ Pháp, xin phép nghỉ lại trong chùa, vị Trụ trì ở đây tiếp đãi rất ân cần. Suốt đêm, Sư tọa thiền đến khi nghe tiếng chuông sáng mới xả thiền, lên điện lễ Phật. Khi lễ, Sư nhìn lên thấy tượng đức Điều Ngự, Sư liền viết bài thơ dâng lên như sau:
Trước là vua sau cũng là vua
Xưa sao kính mộ nay chẳng ưa?
Có linh xin nguyện phen này đến
Cửa khuyết ra vào được tự do.
(Tiền Quốc vương hề hậu Quốc vương
Tiền hà kỉnh mộ hậu hà mang
Hữu linh tương nguyện kim phiên xuất
Ư cửu trùng môn nhập bất phương.)
Ba hôm sau, Sư đến kinh đô vào cửa Đông thì trời đã tối, nghe có tiếng mõ ở gần khám đường, ngỡ đây là nhà Phật tử, bèn gõ cửa. Chủ nhân mở cửa trông thấy Sư liền thỉnh vào nhà. Vào nhà, Sư thấy trên bàn thờ Phật hương đèn trang nghiêm, bèn hỏi:
- Tượng Phật thờ là từ đâu có?
Chủ nhà đáp:
- Tôi là cai ngục, nhân đào đất được tượng đồng nên đem về thờ.
Sư bảo chủ nhà:
- Tượng Phật quí như thế lẽ nào lại thờ nơi thấp bé thế này, tôi muốn cùng anh mai ra thành phố quyên tải những nhà hảo tâm để mua cây gỗ cất một ngôi chùa nhỏ thờ Phật mới xứng đáng.
Chủ nhà liền bằng lòng.
Sáng hôm sau, Sư ra phố phường quyên tiền, gặp quan Đề lĩnh bắt đem về dinh chất vấn:
- Hiện nay lệnh Vua truyền khắp nước, tất cả Tăng Ni già trẻ đều phải vào ở trong rừng núi. Ông là người thế nào dám bỏ núi rừng về kinh kỳ đi lại tự nhiên như thế này? Có phải khinh thường pháp luật của Vua không?
Sư trả lời:
- Mệnh lệnh của Vua mà có ai dám trái phạm, chỉ vì kẻ Tăng quê mùa này ở trong núi sâu được một viên ngọc quí, mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông đạo đạt lên Vua cho tôi dâng ngọc, dâng xong tôi sẽ trở về núi.
Quan Đề lĩnh nghe xong liền vào triều tâu lên Vua. Vua sai quan Đề lĩnh ra nhận ngọc đem vào Vua xem. Đề lĩnh về thuật lại Sư nghe.
Sư nói:
- Viên ngọc quí rất thiêng liêng vô giá, người ăn cá thịt hôi tanh không thể cầm giữ được, dám phiền ông trình lên nhà vua cho tự tay kẻ hèn này dâng lên nhà vua, cho mãn nguyện của kẻ trung thành ở nơi hoang vắng.
Quan Đề lĩnh vào tâu lại, nhà vua không bằng lòng. Sư than: “Mặt trời tuy sáng tỏ, không khỏi bị mây che. Mặt trăng dù rạng ngời, khó khỏi đám mây phủ, việc này như thế ta biết làm sao?” Sư ở đây ba tháng mà không vào được triều đình, bèn suy nghĩ viết một tờ biểu, nói rõ việc tu hành cách thức làm yên nhà lợi nước một cách rành mạch rõ ràng. Thí dụ đạo Phật như là hòn ngọc quí soi sáng mười phương, phá dẹp mọi mây mờ u tối. Viết xong, Sư để trong cái hộp đem dán kín cẩn mật, xin cầu quan Đề lĩnh vào triều tâu lên Thánh thượng một lần nữa rằng: “Xin nhà vua chọn lấy một ông quan văn trung trực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày, sẽ ra nhận ngọc quí dâng lên Vua.” Vua nghe xong liền phán cho viện Hàn lâm chọn một người rất tín cẩn, thành tâm trai giới ba ngày rồi đến chỗ vị Tăng quê nhận lấy hòn ngọc dâng lên Vua. Vị quan văn được đề cử giữ đúng trai giới ba ngày xong, liền đến dinh quan Đề lĩnh hỏi vị Tăng để nhận ngọc. Sư trao cái hộp, dặn dò cẩn thận dâng lên tận tay Vua. Vị quan văn bưng hộp ngọc đến trước triều dâng lên Vua, khi mở ra xem chỉ là một tờ biểu, chớ không có hòn ngọc nào. Vua phán vị quan văn đọc tờ biểu cho Vua nghe. Vị quan quì đọc xong, Vua nghe qua thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, bèn ra lệnh quan Đề lĩnh dẫn vị Tăng này vào triều.
Khi vào triều, Vua cho Sư ngồi một bên trước mặt Vua. Vua hỏi những sách lược trị dân, Sư ứng đối sự lý rất dung thông. Khi ấy, Vua phán: “Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân.” Vua liền mời Sư ở lại chùa Báo Thiên để bàn luận đạo lý. Thượng hoàng nghe tiếng sai Trung sứ đến nói với Vua thỉnh Sư vào cung diễn giảng kinh pháp. Vua cũng đến dự nghe thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp, đồng thời ra lệnh thu hồi lệnh trước, để Tăng Ni tự ý trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa.
Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên tạc hình Vua quì mọp để tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hồng Phúc.
Đã giải được ách nạn của Tăng Ni (Phật pháp) và giáo hóa được vua chúa trong triều, Sư nghỉ việc xin Vua về núi thăm thầy. Vua bằng lòng liền ban áo gấm cho Hòa thượng ở núi để an ủy, tặng tiền bạc để Sư làm lộ phí, hẹn thời gian ngắn gặp lại.
Hôm ấy, Sư lên đường khi đến bến đò Bồ-đề, thấy nước sông Nhị trong veo thuyền lớn nhỏ qua lại tự do, liền cảm hứng làm bài thơ:
Ngàn tầm sông Nhị đục rồi trong
Qua lại thuyền bè rất thong dong
Mừng gặp Bồ-đề đồng đến bến
Toại lòng ta nguyện độ quần sanh.
(Thiên tầm Nhị thủy trọc hoàn thanh
Phao quá đông tây vãng phục hành
Hỉ đáo Bồ-đề đồng đáo ngạn
Toại dư xuất thế độ quần sanh.)
Sau đó, về đến Đông Triều, rồi tới Hạ Long, Sư lên điện lễ Phật, vào phương trượng lễ thầy, mọi người gặp lại trong niềm hoan hỉ. Ở lại thời gian, Sư từ giã trở lại kinh đô. Về đến kinh vua chúa đều mừng rỡ. Vua ban cho Sư chức Ngự tiền chi quân (ngồi ở trước Vua) và áo gấm. Sư từ chối chức tước, chỉ nhận áo gấm cho vui lòng Vua. Sư tổ chức khắc bản in kinh Hoa Nghiêm để ở chùa Báo Thiên, khắc bản kinh Pháp Hoa in để ở chùa Khán Sơn. Bấy giờ bà Quốc nhũ (mẹ vú của Vua) quê ở Hòe Nhai mời cậu Vua phát tâm cúng dường cho Sư tu sửa chùa Hồng Phúc. Sư nhận lời khởi công xây dựng không bao lâu thì được hoàn thành. Làm chùa xong còn dư tiền, Sư sáng lập chùa Cầu Đông, xong xuôi Sư xin Vua cho người cai ngục lúc trước làm Tăng gìn giữ chùa Cầu Đông.
Sau Sư trụ trì ở chùa Hồng Phúc, thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe. Ngày tháng trôi qua, Sư thấy tuổi già sắp đến ngày viên tịch, bèn gọi đệ tử là Thiền sư Tĩnh Giác hiệu Hạnh Nhất đến dạy: “Gió từ thổi mạnh cuốn sạch mây mù, vầng mặt trời trí tuệ sáng ngời, gió lành thổi mát trong triều ngoài nội, nhưng không hề trụ trước, vì không cũng hoàn không. Trước sau như một cho ngươi hiểu rõ ba điểm hiển mật, cho ngươi giữ lấy trung đạo, ra đời độ người nay cũng như xưa, trời Tây, cõi Đông đạo vốn như nhau.” Dặn dò xong Sư nói kệ:
Xuân đến hoa chớm nở
Thu về lá vàng rơi
Đầu cành sương lóng lánh
Cánh hoa tuyết rạng ngời.
Buổi sáng trời trong rồng bày vảy
Ngày trưa mây sáng voi hiện hình
Vằn cọp tuy thấy một
Bầy phụng thể toàn đồng.
Đạt-ma Tây sang truyền pháp gì?
Cành lau qua biển nổi phau phau.
(Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tuyết liên châu.
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quang lỏa tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu.
Đạt-ma Tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệp hải thủy phù phù.)
Truyền pháp xong, Sư bảo: “Báo thân của ta đến đây đã hết.” Nói rồi, Sư ngồi trên giường thiền yên lặng thị tịch. Bấy giờ là ngày 16 tháng 7 năm Tân Sửu nhằm niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1711) triều Lê Dụ Tông, Sư thọ bảy mươi hai tuổi. Đệ tử làm lễ hỏa táng xong, thu xá-lợi xây tháp ở Đông Sơn để thờ.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.149.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập