Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Như đá tảng kiên cố, không gió nào lay động, cũng vậy, giữa khen chê, người trí không dao động.Kinh Pháp cú (Kệ số 81)
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tàm và quý - Dệt một mùa xuân »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tàm và quý - Dệt một mùa xuân »»
Trong phương pháp giáo dục giúp cho nhân loại nhận diện con đường đi ra khỏi khổ đau, hướng đến xây dựng cuộc sống hạnh phúc an lạc, Đức Phật mở đầu bằng việc nhấn mạnh đến tàm (hiri) và quý (ottapa), hai tâm lý đạo đức căn bản khơi nguồn cho một lối sống chân chánh hiền thiện đưa đến hoàn thiện con người, hoàn thiện nhân tính (1). Theo lời Phật thì tàm và quý, tức tâm lý xấu hổ (tàm) và sợ hãi (quý) đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, là các phẩm chất đáng quý của con người, khiến cho con người trở nên đúng nghĩa là người, là cơ sở để phân biệt giữa thế giới loài người và thế giới loài vật, giữa khả năng tiến hóa của con người và bản năng hầu như không thay đổi của loài vật. Chính vì thế mà Ngài gọi tàm và quý là hai pháp trắng (trong sáng) che chở cho thế giới, khiến cho loài người biết tạo lập và tuân thủ nếp sống có luân thường đạo lý, xã hội loài người vận hành có kỷ cương, có đạo đức, có lý trí, có tôn ti, có trật tự, khác với thế giới loài vật chỉ hoạt động theo bản năng thú tính. Ngài nêu rõ tầm quan trọng mang tính đạo đức luân lý của tàm và quý: “Hai pháp trắng này, này các Tỳ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ, hay là em, chị của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã-can. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho thế giới, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ, hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của thầy, hay đây là vợ các vị tôn trưởng” (2).
Các định nghĩa và việc đánh giá cao của Đức Phật về hai đức tính tàm và quý cho chúng ta thấy vì sao tàm-quý được nhấn mạnh như là nền tảng của nếp sống đạo đức hướng thượng của con người, đồng thời là nền tảng để xây dựng một xã hội hiền thiện. Trong cách nói của Ngài, Đức Phật gọi tàm và quý là các năng lực sáng suốt (bala) giúp cho con người nhận rõ và ngăn tránh những việc làm bất thiện, những lời nói bất thiện và những ý nghĩ bất thiện, tức những điều kiện căn bản để con người đi đến tự hoàn thiện và hướng đến hoàn thiện xã hội:
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tàm lực?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, được gọi là tàm lực.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là quý lực?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỳ-kheo, được gọi là quý lực3.
Trong một văn cảnh khác, bậc Giác ngộ xem tàm và quý là các tài sản quý giá (bhoga) mà con người cần phải biết vận dụng và phát huy để làm giàu sang cho đời sống đạo đức tâm linh của chính mình hướng đến việc xây dựng một xã hội hiền thiện:
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tàm tài?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì thành tựu các pháp các, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm tài.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là quý tài?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là quý tài 4.
Cứ theo lời Phật dạy thì tàm và quý là hai phẩm chất đáng quý của nhân loại, có khả năng giúp cho con người phát huy nếp sống đạo đức, hướng đến hoàn thiện chính mình, hoàn thiện nhân tính5. Đó là tâm lý hổ thẹn và sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, có công năng ngăn chặn các hành vi bất thiện, hướng con người đến lối sống chân chánh, hiền thiện, có chế ngự, có giới đức, không xấu ác, không lỗi lầm, không phóng dật. Nói cách khác, tàm và quý chính là điều kiện căn bản khơi nguồn cho lối sống rời xa các ác nghiệp (sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến), thực thi các thiện nghiệp (từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, từ bỏ tà kiến) mà mỗi người cần phải nỗ lực nuôi dưỡng và phát huy nhằm nâng cao nếp sống đạo đức của chính mình, đồng thời góp phần xây dựng đời sống đạo đức hiền thiện của xã hội.
Kinh Phật có nói đến sự kiện, rằng do tích tập nghiệp ác lâu ngày nên đến một giai đoạn xã hội loài người rơi vào tai họa trầm trọng, loài người đi đến tình trạng đối xử với nhau như loài thú và rơi vào cảnh tàn sát lẫn nhau không thương tiếc đến độ chỉ một số nhỏ còn sống sót nhờ bồng bế nhau trốn vào rừng sâu do biết thương quý sự sống, lo sợ cảnh tương tàn. Sau thảm họa thảm khốc ấy, những người may mắn còn sống sót bắt đầu sinh tâm tàm-quý, nhận ra sự nguy hại của ác nghiệp và khuyến khích nhau sống theo thiện nghiệp. Họ là những người cứu cho nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng, mở ra một trang sử mới cho xã hội loài người, trang sử về một xã hội hiền thiện dựa trên thiện pháp:
“Này các Tỳ-kheo, đến một thời kỳ, do nhân làm ác hạnh, tuổi thọ loài người giảm thiểu cho đến chỉ có mười tuổi. Này các Tỳ-kheo, khi tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi, không có phân biệt mẹ hay bá mẫu hay thúc mẫu, vợ con của sư trưởng, chị dâu của cha. Thế giới rơi vào thông dâm như dê, gà, heo, chó và chó rừng. Khi tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi, các loài hữu tình đối với nhau, hại tâm rất mãnh liệt, ác ý rất mãnh liệt, sát tâm rất mãnh liệt. Khi loài người tuổi thọ chỉ có mười tuổi, đao trượng khởi lên trong bảy ngày, trong thời gian ấy, họ xem nhau như loài thú, đao kiếm sắc bén hiện ra trong tay của họ. Với đao kiếm sắc bén ấy, họ tàn hại mạng nhau, xem nhau như loài thú. Này các Tỳ-kheo, giữa các loài hữu tình ấy, một số suy nghĩ: “Chúng ta chớ giết ai; mong đừng ai giết chúng ta. Chúng ta hãy đi vào rừng cỏ, rừng sâu, hang cây, sông ngòi hiểm hóc hay kẽ núi và sống với rễ và trái cây”. Họ đi vào rừng cỏ, rừng sâu, hang cây, sông ngòi hiểm hóc, hay kẽ núi và sống với rễ và trái cây. Một thời gian sau họ từ kẽ núi đi ra, ôm lấy nhau, cùng nhau an ủi, khoan khoái nói với nhau: “Sung sướng thay được thấy bạn còn sống! Sung sướng thay được thấy bạn còn sống!”. Này các Tỳ-kheo, rồi các loài hữu tình ấy suy nghĩ: “Vì chúng ta tạo nhân bất thiện pháp nên bà con chúng ta bị giết hại nhiều như vậy. Vậy chúng ta hãy làm điều thiện. Chúng ta làm điều thiện như thế nào? Chúng ta chớ có sát sanh. Đó là điều thiện chúng ta có thể làm”. “Chúng ta sẽ không sát sanh”, đó là điều thiện họ làm. Do hành thiện pháp làm nhân, tuổi thọ của họ được tăng thịnh, sắc đẹp được tăng thịnh. Vì tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp được tăng thịnh, nên tuổi thọ loài người chỉ có mười tuổi nhưng con của họ, thọ đến hai mươi tuổi.
Này các Tỳ-kheo, rồi các loài hữu tình ấy suy nghĩ: “Chúng ta nhờ hành thiện pháp làm nhân, nên tuổi thọ được tăng thịnh, sắc đẹp được tăng thịnh. Vậy chúng ta hãy làm việc thiện nhiều hơn nữa. Chúng ta hãy gìn giữ không sát sanh, gìn giữ không lấy của không cho, gìn giữ không làm các tà hạnh, gìn giữ không nói láo, gìn giữ không nói hai lưỡi, gìn giữ không ác khẩu, gìn giữ không nói lời phù phiếm, từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ tà kiến, từ bỏ ba pháp tức là phi pháp dục, phi lý tham và tà kiến. Chúng ta hãy hiếu kính cha mẹ, kính lễ các vị Sa-môn, Bà-la- môn, cung kính các vị cầm đầu trong gia đình. Chúng ta hãy thực hành thiện pháp ấy”.
Họ hiếu kính mẹ, hiếu kính cha, kính lễ các vị Sa-môn, Bà-la-môn, cung kính các vị cầm đầu ở trong gia đình, họ thực hành thiện pháp này. Do hành thiện pháp làm nhân, tuổi thọ tăng thịnh, sắc đẹp tăng thịnh. Vì tuổi thọ họ tăng thịnh và sắc đẹp tăng thịnh, tuổi thọ loài người đến hai mươi tuổi và các người con sẽ lên đến bốn mươi tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến bốn mươi tuổi và các người con sẽ lên đến tám mươi tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến tám mươi tuổi và các người con sẽ lên đến một trăm sáu mươi tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến một trăm sáu mươi tuổi và các người con sẽ lên đến ba trăm hai mươi tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến ba trăm hai mươi tuổi và các người con sẽ lên đến sáu trăm bốn mươi tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến sáu trăm bốn mươi tuổi và các người con sẽ lên đến hai ngàn tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến hai ngàn tuổi và các người con sẽ lên đến bốn ngàn tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến bốn ngàn tuổi và các người con sẽ lên đến tám ngàn tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến tám ngàn tuổi và các người con sẽ lên đên hai vạn tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến hai vạn tuổi và các người con sẽ lên đến bốn vạn tuổi. Tuổi thọ loài người lên đến bốn vạn tuổi và các người con sẽ lên tám vạn tuổi”.6
Như vậy, tùy vào nghiệp lực hay lối sống của cộng đồng (cộng nghiệp) mà một xã hội, một đất nước hay một xứ sở có thể đi đến hiền thiện hay hung bạo, thái bình hay biến loạn theo đó mọi người sống trong xã hội đều cộng hưởng. Nếu con người không biết nuôi dưỡng tâm tàm-quý, không nhận ra sự nguy hại của thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, cứ để cho ác nghiệp chi phối và dẫn dắt cuộc sống của mình thì sớm muộn hậu quả xấu ác sẽ xảy ra và mức độ tàn hại của nó thì rất khó lường. Trái lại, nếu mọi người biết phát huy tàm-quý, thấy rõ hậu quả nguy hại của thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác và kiên quyết từ bỏ, không để cho ác nghiệp chi phối và dẫn dắt thì theo đó cuộc sống của con người sẽ được cải thiện, xã hội và đất nước sẽ được cải thiện, không ngừng được cải thiện, cho đến lúc đạt đến thái bình thịnh vượng. Đây hẳn là ý thức và trách nhiệm chung của hết thảy mọi người trong việc nỗ lực xây dựng một xã hội hiền thiện.
Nhưng nói đến hệ quả diễn biến của xã hội thì không thể không nói đến những con người có trách nhiệm tạo nên đời sống của xã hội, tức những người quản lý và điều hành xã hội. Chính vì vậy mà bên cạnh ý thức của cộng đồng về một xã hội hiền thiện dựa trên thiện pháp mà nền tảng là sự phát huy tâm tàm-quý trong mỗi người, những người có trách nhiệm lãnh đạo và điều hành xã hội đóng vai trò rất lớn trong việc khuyến khích và thúc đẩy nếp sống chân chánh hiền thiện của cộng đồng. Hẳn nhiên, người lãnh đạo phải nêu gương cho mọi người khác về lối sống chân chánh, hiền thiện, không xấu ác, không lỗi lầm, có đạo đức, không phóng túng, không phóng dật. Nói cách khác, người lãnh đạo phải biết nuôi dưỡng và phát huy tâm tàm-quý thường xuyên thì mới có đủ đức năng để định hướng và dẫn dắt nếp sống chân chánh hiền thiện của cộng đồng. Vua Pasenadi nước Kosala từng thưa hỏi Đức Phật:
“- Bạch Thế Tôn, có một pháp nào có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?
– Thưa Đại vương, có một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau.
– Bạch Thế Tôn, pháp ấy là gì, có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau?
– Bất phóng dật, thưa Đại vương, là một pháp có thể đưa đến chứng đắc và tồn tại cả hai hạnh phúc: hạnh phúc đời này và hạnh phúc đời sau. Do vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học tập như sau: ‘Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du’. Như vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học tập. Này Đại vương, để có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Đại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.
Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các nữ cung nhân sẽ suy nghĩ: ‘Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật’.
Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các vị Sát-đế-lỵ chư hầu sẽ suy nghĩ: ‘Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật’.
Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời các dân chúng ở thị trấn và quốc độ sẽ suy nghĩ: ‘Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật; vậy chúng ta hãy an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật’.
Thưa Đại vương, nếu Đại vương an trú không phóng dật, y cứ không phóng dật, thời tự ngã được che chở, hộ trì, nội cung được che chở, hộ trì, kho tàng được che chở, hộ trì, quốc độ được che chở, hộ trì”7.
Không phóng dật tức là không để cho mình rơi vào lối sống bất chánh, phi pháp, xấu ác (thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác) tạo khổ đau cho mình và gây phiền lụy khổ đau cho người khác; muốn vậy thì cần phải tu luyện bản thân, phải biết nuôi dưỡng và phát huy tâm tàm-quý. Người càng có chức quyền thì càng phải lo tu luyện bản thân, phải biết nuôi dưỡng và phát triển tâm tàm-quý. Vì khi tàm-quý có mặt và phát triển lớn mạnh thì người lãnh đạo mới chống lại được những thứ cám dỗ xấu ác ở chung quanh, mới tuân thủ lối sống chân chánh, hiền thiện, thể hiện nếp sống có đạo đức, có lý trí, không rơi vào buông lung phóng dật, không phạm điều sai trái, mới trở thành người chân chánh, xứng đáng được mọi người khác tin tưởng và noi gương. Kinh Phật xác nhận vai trò dẫn dắt gắn liền với trách nhiệm đạo đức của nhà lãnh đạo đối với vận mệnh của một xứ sở:
Khi đàn bò lội sông, Đầu đàn đi sai lạc, Cả đoàn đều đi sai, Vì hướng dẫn sai lạc.
Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng,Nếu sở hành phi pháp, Còn nói gì người khác, Cả nước bị đau khổ,
Nếu vua sống phi pháp. Khi đàn bò lội sông, Đầu đàn đi đúng hướng, Cả đoàn đều đúng hướng, Vì hướng dẫn đúng đường. Cũng vậy, trong loài Người, Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành đúng pháp, Còn nói gì người khác, Cả nước được an vui,
Nếu vua sống đúng pháp”8.
Nhìn chung, tàm và quý là hai phẩm chất đáng quý và quan trọng của con người, có công năng giúp cho cá nhân đi đến hoàn thiện hướng đến xây dựng xã hội hiền thiện. Theo lời Phật thì đó là năng lực bẩm sinh (ajjhattabala) của con người, có công năng giúp cho loài người tiến hóa theo chiều hướng tốt đẹp, từ lối sống mê lầm xấu ác chuyền sang nếp sống chân chánh hiền thiện, từ địa vị phàm phu đạt đến địa vị bậc Thánh. Vì vậy, tàm và quý còn được xem là các tài sản quý giá vốn có (ajjhattabhoga) của con người mà mỗi người cần phải biết vận dụng và phát huy để làm giàu sang đời sống đạo đức tâm linh của chính mình, đồng thời góp phần xây dựng xã hội trong sáng và hiền thiện.
Người Việt chúng ta sắp sửa đón mừng Xuân Ất Mùi với bao hy vọng và kỳ vọng về một đất nước phát triển hài hòa, một xã hội vận hành hiền thiện còn ở phía trước. Tất cả đều đang trông chờ ở con người và tùy thuộc vào nỗ lực có ý thức của mỗi người dân Việt chúng ta. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trong sáng và hiền thiện trong đó mọi công dân già trẻ đều hưởng được không khí thanh bình lợi lạc, không có cảnh mờ tối xấu ác xảy ra khiến nhiều người phải nặng lòng và phiền lòng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu từ đâu để xây dựng một xã hội tốt đẹp như vậy? Cứ theo lời Phật thì tàm (hiri) và quý (ottapa) chính là sức mạnh (ajjhattabala) và tài sản (ajjhattabhoga) tự nội hết sức quý giá mà mỗi người Việt chúng ta cần phải biết nỗ lực vận dụng và phát huy để tiến đến xây dựng một xã hội hiền thiện, dệt nên một mùa xuân an lạc cho quê hương xứ sở, mùa xuân của nhân tâm trong sáng, của lòng người hướng thiện, của nếp sống làm lành lánh dữ, đưa đến cá nhân hạnh phúc, gia đình đầm ấm, xã hội hiền hòa, đất nước thái bình, muôn dân an lạc. ■
Chú thích:
Mã ấp đại kinh, Trung Bộ.
Kinh Hai loại tội, Tăng Chi Bộ.
Kinh Rộng rãi, Tăng Chi Bộ.
Kinh Tài sản rộng thuyết, Tăng Chi Bộ.
Kinh Xấu hổ, Tăng Chi Bộ.
Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống, Trường Bộ.
Kinh Không phóng dật, Tương Ưng Bộ.
Kinh Phi pháp, Tăng Chi Bộ.
(Văn Hoá Phật Giáo số Xuân 218-219)
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.108.172 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập