Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Cho dù người ta có tin vào tôn giáo hay không, có tin vào sự tái sinh hay không, thì ai ai cũng đều phải trân trọng lòng tốt và tâm từ bi. (Whether one believes in a religion or not, and whether one believes in rebirth or not, there isn't anyone who doesn't appreciate kindness and compassion.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Những căng thẳng luôn có trong cuộc sống, nhưng chính bạn là người quyết định có để những điều ấy ảnh hưởng đến bạn hay không. (There's going to be stress in life, but it's your choice whether you let it affect you or not.)Valerie Bertinelli
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật khuyên chúng sinh cầu sinh Cực Lạc »» Xem đối chiếu Anh Việt: Phật khuyên chúng sinh cầu sinh Cực Lạc »»
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đã giảng rõ, chúng sanh trong năm đường, trải qua vô số kiếp, sanh tử lưu chuyển ưu khổ chẳng ngớt. Ngài khuyên chúng sanh phải nên nhàm chán mà cầu xuất ly Tam Giới. Phật dạy, nếu chúng sanh muốn mau chóng xuất ly Tam Giới, thì phải cầu sanh Tịnh Ðộ. Kinh chép: “Người hay tự độ, qua lại giúp nhau. Chí tâm cầu nguyện, chất chứa gốc lành, tuy cả một đời, tinh tấn cần khổ, chỉ trong khoảnh khắc. Sau được sinh về, nước Vô Lượng Thọ, vui sướng không cùng. Vĩnh viễn nhổ tận, cội gốc sinh tử, chẳng còn khổ lo, sống ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý.”
Sách Di Ðà Yếu Giải lấy “chán lìa Sa Bà, vui cầu Cực Lạc” làm Nguyện, lại lấy “Tín Nguyện Trì Danh” làm cái nhân chân thật của Nhất Thừa. Bởi đó ta thấy, đức Thế Tôn khuyên dụ, sách tấn chúng sanh phải nên “Tín, Nguyện, Trì danh, cầu sanh Cực Lạc” vì đó là việc làm thiết yếu nhất. Cũng bởi lẽ đó, Liên Tông Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư mới nói: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời, là chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật A Di Ðà.”
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật bảo Di Lặc Bồ tát phải dạy cho chúng sanh trước hết là “phải cầu tự độ,” tức là “phải nên niệm Phật dứt đoạn hồ nghi, nhổ gốc ái dục, ngăn các nguồn ác” và “phải nên quyết định rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng.” Tiếp theo đó, Phật lại dạy : “Người hay tự độ, qua lại giúp nhau.” Khi chính mình đã được độ rồi, thì phải hành hạnh lợi tha.
“Người hay tự độ” là người như thế nào ? “Người hay tự độ” là người đã dứt đoạn hồ nghi, nhổ gốc ái dục, ngăn các nguồn ác, và người ấy cũng đã “rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng.” Đấy gọi là đã tự độ ! Sau khi họ đã tự lợi, bèn thực hành hạnh lợi tha, lần lượt cứu độ những người khác, nên Kinh nói là “qua lại giúp nhau.” Vậy, câu “qua lại giúp nhau, chí tâm cầu nguyện” chính là lời nguyện thứ nhất trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.” Người tu Tịnh nghiệp mà phát khởi được cái tâm to lớn “tự giác, giác tha, niệm danh hiệu Phật,” thì mới khế hợp được tông thú của bản Kinh Vô Lượng Thọ này; đó là “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm.”
Để thành tựu hai hạnh tự lợi, lợi tha, đức Phật dạy chúng ta hãy “chí tâm cầu nguyện, chất chứa gốc lành.” “Chí tâm cầu nguyện” chính là cái tâm nguyện được vãng sanh. “Gốc lành” là cái gốc sanh ra tất cả các điều lành, cái gốc để sanh ra tất cả các điều lành ấy chính là “xưng danh niệm Phật.” Lại nữa, vì “xưng danh niệm Phật” là chánh nhân để được vãng sanh Cực Lạc, nên “xưng danh niệm Phật” là việc lành tối thượng, không có việc lành nào sánh bằng. Vậy, “chất chứa gốc lành” chính là “một bề chuyên niệm A Di Đà Phật.”
Đức Phật khuyên người đời: Tuy cả một đời siêng năng vất vả tu Tịnh độ, tức là “một bề chuyên niệm A Di Đà Phật” để tích chưa gốc lành thù thắng, nhưng đó cũng chỉ như là trong khoảnh khắc mà thôi, thế mà thân sau lại được sanh về Cực Lạc, thì cái vui ấy mới là cái vui chân thật, không cùng tận. Sự vui ở cõi Cực Lạc mầu nhiệm vô biên vượt trỗi mười phương, chẳng hề chấm dứt, nên Kinh bảo là “vui sướng không cùng.”
Trong tác phẩm Khuyến Tâm Vãng Sanh Luận của Ngài Sa Môn Nhẫn Không, thuộc tông Thiên Thai có câu: “Một trận vinh hoa đời này kết thành khổ quả ức kiếp. Ðời này siêng tu trong khoảnh khắc, nở nhụy giác tam minh.” Ấy chính là nói đến pháp môn niệm Phật, tuy gieo Nhân nhỏ mà lại được Quả to, thọ báo dài lâu. Tuy niệm Phật là cái nhân nhỏ bé, chỉ cần một đời này tinh tấn cần khổ “xưng danh niệm Phật;” thế mà lại được cái quả to lớn là “vãng sanh Cực Lạc, vĩnh viễn nhổ tận cội gốc sinh tử, chẳng còn khổ lo, sống ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý.” Lại nữa, Tịnh độ Di Ðà cảnh giới lạ lùng tuyệt diệu. Thánh hiền cùng hội tụ nơi ấy nghe pháp ngộ đạo, thọ mạng vĩnh cửu, đắc bất thoái chuyển cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì có nỗi vui nào khác hơn được niềm vui này. Thật thà nói, chỉ cần không có cái khổ vô thường đã là đáng vui rồi, huống là còn có các sự vui sướng trang nghiêm thanh tịnh thù thắng, chẳng cùng tận, chẳng đâu bằng ! Đấy đều là do nhờ vào công đức bố thí vô lượng, vô biên, vô cùng sâu rộng của đức Phật A Di Đà.
Do những điều lành tối thượng đều phát xuất từ “xưng danh niệm Phật,” nên Kinh gọi “xưng danh niệm Phật” là cái gốc của tất cả điều lành. Vì muốn khiến cho hết thảy chúng sanh chất chứa gốc lành bậc nhất, nên Ấn Quang đại sư cả đời chỉ dạy người đời niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật.” Ấn Quang đại sư thấy chúng sanh đông đảo, nhưng chẳng mấy ai thật sự tích cực tu hành cầu giải thoát sanh tử, chẳng có mấy ai thật sự muốn vãng; cho nên Ngài dạy chúng sanh niệm sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật,” nhằm giúp họ chất chứa gốc lành bằng cách kết pháp duyên với A Di Đà Phật mà có thể tiếp nhận được ân đức bố thí của Phật.
Chúng ta phải nên hiểu rõ tâm ý của Ấn Tổ là muốn giúp chúng ta phát khởi lòng Tín, Nguyện, Hạnh cầu sanh Cực Lạc. Bởi vì chỉ khi nào chúng ta có Tín, Nguyện kiên định, chẳng có mảy may hoài nghi, thì khi ấy mới có thể thật sự buông xuống vạn duyên, một dạ niệm Phật, quyết định trong một đời này vãng sanh Cực Lạc. Ấn Quang Tổ Sư chỉ vì muốn giúp chúng ta phát khởi một đại sự nhân duyên là quay trở về với Chân Tâm Bổn Tánh của mình, nên Ngài dạy chúng ta hãy dùng cái tâm buông xả vạn duyên, thật thà niệm Phật để chứng nhập vào tri kiến của Phật; đó là “Tâm này là Phật, Tâm này làm Phật. Tâm, Phật và chúng sanh là một không hai.”
Buông xuống vạn duyên không có nghĩa là chúng ta phải bỏ hết chuyện gia đình, sự nghiệp v.v..., chỉ biết niệm Phật. Buông xuống vạn duyên là như Kinh Kim Cang nói: “Tâm vô sở trụ,” tức là đoạn trừ tâm ý thức. Vì sao phải đoạn trừ tâm ý thức ? Vì tâm ý thức chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là bờ đê ngăn cách muôn sông đổ về biển cả. Con sông ấy ví cho tâm ý thức của chúng ta, biển cả ví cho Chân Tâm Bổn Tánh. Chân Tâm Bổn Tánh của ta và A Di Đà Phật vốn là cùng một bản thể, nên khi nào chúng ta phá vở bờ đê ấy, thì muôn sông cũng sẽ tự nhiên đổ xuôi về biển cả; tức ta đã quay trở về với Chân Tâm Bổn Tánh.
Buông xuống vạn duyên cũng có nghĩa là phải biết tùy duyên, không nên phan duyên. Đức Phật dạy, chúng ta phải biết tùy duyên trong mọi việc làm, tức là phải biết lúc nào cần phải tiến lên phía trước, lúc nào phải ngừng lại tại chỗ và lúc nào phải thụt lùi về phía sau. Ví như dòng nước khi nó chảy xuống đồi núi thì nó chảy với vận tốc rất nhanh, nhưng khi nước tới đồng bằng thì tự nhiên chảy chậm lại, khi nước chạm vào một chướng ngại vật nào thì nó tự biết uốn lượn qua vật đó mà tiếp tục chảy theo dòng của nó. Nếu chúng ta biết sống tùy duyên như dòng nước, biết uyển chuyển thay đổi thích hợp với mọi hoàn cảnh sinh hoạt trong đời và đạo, thì chúng ta sẽ có thể chèo lái chiếc thuyền đời này vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống và tránh được những khó khăn, đau khổ không cần thiết. Chúng ta chẳng nên phan duyên đắp đê, xây bờ làm ngăn chặn dòng nước xuôi chiều trở về biển cả, hãy để nó tự nhiên đổ xuôi về biển cả. Vì thế, Ấn Quang Tổ Sư dạy chúng ta phải “dùng cái tâm buông xả vạn duyên, thật thà niệm Phật để chứng nhập vào tri kiến của Phật,” đó chính dạy chúng ta làm thế nào để trở về với Chân Tâm Bổn Tánh của mình.
Căn tánh của chúng sanh tuy có khác nhau, nhưng tổng mục tiêu, tổng phương hướng của chư Phật lại chỉ là Nhất Thiết Chủng Trí. Ngàn Kinh, vạn luận tuy khác đường, nhưng đều cùng quy về cùng một chỗ cuối cùng; đó là “trở về Tịnh Độ.” Do vậy, Kinh Vô Lượng Thọ mới bảo : “ “Giống như biển lớn là vua của nước, muôn sông đổ về, đều vào biển cả, mà nước biển lớn nào có tăng giảm !”
Hòa Thượng Tịnh Không cũng dạy, trong Phật pháp, chẳng cần biết chúng ta tu hành theo tông nào, phái nào, hay pháp môn nào, đều bắt buộc phải có ba khoa mục chung; đó là Giới Luật, Lý Luận và Quy Túc :
1) Thứ nhất là Giới Luật. Giới Luật là cơ sở, là nền móng của Phật giáo, nên Giới Luật khoa mục chung trong Phật giáo. Nếu không có Giới Luật thì điều gì cũng chẳng thể thành tựu ! Giống như xây nhà, bất luận xây nhà cao đến đâu, bất luận xây theo kiểu nào, trước hết chúng ta phải đắp cơ sở, nền móng cho thật vững chắc, nếu không làm như vậy thì sau khi xây xong căn nhà, nó bèn bị sụp đổ. Đấy chẳng phải là công dã tràng xe cát đó sao ?
2) Thứ hai là Lý Luận. Lý Luận cũng là khoa mục chung. Hoa Nghiêm là một bộ Kinh trọng yếu trong Pháp Tướng Duy Thức, chuyên giảng về căn nguyên của vũ trụ. Trong Hoàn Nguyên Quán đã giảng rất hay: “Hiển lộ một thể, khởi lên hai tác dụng.” “Hai tác dụng” nghĩa là : Bất luận là y báo hay chánh báo, bất luận là nhỏ như vi trần hay lớn như hư không pháp giới, đều có ba thứ trọn khắp chẳng thể nghĩ bàn; đó là : (1) trọn khắp pháp giới, (2) sanh ra vô tận và (3) chứa đựng không và có. Ba thứ trọn khắp này chính là Lý Luận chung của tất cả pháp môn trong Phật giáo. Mỗi một pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn trong Phật giáo chẳng thể vượt ra ngoài ba thứ này, bởi đó là Lý Luận để chúng ta dựa vào mà học Phật pháp, rời khỏi Lý Luận này, bèn chẳng phải là Phật pháp.
3) Thứ ba là Quy Túc. Quy Túc có nghĩa là kết quả cuối cùng của sự tu học Phật pháp. Kinh Hoa Nghiêm là Lý Luận chung của tất cả pháp môn trong Phật giáo, nhưng đến cuối cùng, Kinh quy kết hết thảy sự tu hành về một môn “vãng sanh thế giới Cực Lạc.” Đấy gọi là Quy Túc ! Từ Kinh Hoa chúng ta thấy, hết thảy tám vạn bốn ngàn pháp môn đến cuối cùng đều quy vào thế giới Hoa Tạng. Sau khi hành nhân đã đến thế giới Hoa Tạng rồi, thì sẽ được Ngài Văn Thù và Phổ Hiền Bồ tát dẫn tất cả cùng tới thế giới Cực Lạc. Do vậy, thế giới Cực Lạc là nơi Quy Túc chung của tất cả thế giới trong mười phương.
Trong Phẩm Chỉ Lưu Lại Một Kinh Này của Kinh Vô Lượng Thọ, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo : “Ở trong đời sau, kinh đạo tận diệt, ta vì tấm lòng từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại chỉ một kinh này trụ thế trăm năm.” Câu nói này đã cho chúng ta thấy rõ, suốt cả một đời thuyết pháp của Ngài, rốt cuộc rồi chỉ quy về một bộ Kinh Vô Lượng Thọ này thôi. Vì thế, Phẩm Nguyện Lực Hoằng Thâm mới nói : “Giống như biển lớn là vua của nước, muôn sông đổ về, đều vào biển cả, mà nước biển lớn nào có tăng giảm.” Câu Kinh văn này gồm có hai ngụ ý.
· Ý thứ nhất: Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật Thích Ca Mâu Ni ví như các dòng nước khác nhau, nhưng rốt cuộc rồi đều xuôi về biển cả. Biển cả ví cho Kinh Vô Lượng Thọ này.
· Ý thứ hai: Thế giới Cực Lạc là nơi Quy Túc chung của mười phương thế giới, đấy là nguyện lực hoằng thâm của Phật A Di Đà, đúng như Kinh này đã nói : “Phật Vô Lượng Thọ, ý muốn độ thoát các loại chúng sinh mười phương cõi nước, đều khiến vãng sinh nước Cực Lạc kia, tất khiến đặng chứng vào đường Niết Bàn, tất khiến cho người hành đạo Bồ tát, đều đặng thành Phật.”
Chính vì một nhân duyên đại sự này, nên Liên Tông Nhị Tổ Thiện Đạo đại sư mới bảo là: “Như Lai sở dĩ xuất hiện trong đời, là chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật A Di Ðà.” “Biển bổn nguyện của Phật A Di Đà” là những gì ? Chính là những điều đã được ghi chép trong một bộ Kinh nhỏ Vô Lượng Thọ này đây. Vì thế, Ngài Thiện Đạo Đại sư mới nói: “Chánh thuyết xuất thế [của Thích Ca Mâu Ni Phật] thuộc riêng trong Kinh [Vô Lượng Thọ] này.” Tương tự với ý kiến của Thiện Đạo Đại sư, Hòa Thượng Tịnh Không cũng nói: “Hết thảy chư Phật thị hiện thân Phật đến thế gian này để làm gì ? Chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà ! Có nghĩa là gì ? [Nghĩa là] Nói Kinh Vô Lượng Thọ.” Cho nên, trong cả một đời thuyết pháp, rốt cuộc đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ quy về một bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Vì Kinh Vô Lượng Thọ là chỗ Quy Túc của tất cả các kinh, nên Phật bảo: “Giống như biển lớn, là vua của nước, muôn sông đổ về, đều vào biển cả, mà nước biển lớn, nào có tăng giảm !”
Vậy, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hết thảy các Kinh khác là nhằm mục đích gì ? Hòa Thượng Tịnh Không trả lời: “Cũng chính là nói đến Kinh Vô Lượng Thọ, ngàn Kinh muôn luận chỗ nào cũng chỉ quy về Kinh Vô Lượng Thọ này.”
Nhưng tại sao Thế Tôn không chỉ nói riêng Kinh này, mà lại nói quá nhiều Kinh khác như vậy để làm chi ? Hòa Thượng Tịnh Không bảo : “Bởi vì có người chẳng ưa thích pháp môn này, không hợp khẩu vị của họ ! Nên đức Phật bèn tùy thuận khẩu vị của người ấy mà giảng cho kẻ ấy nghe pháp môn thích hợp với họ, giảng đến cuối cùng, Phật lại quẹo trở về, quay về Vô Lượng Thọ, đấy là phương tiện thiện xảo của đức Phật. Thật vậy, lời Thiện Đạo đại sư nói chẳng sai, “Phật chỉ để nói biển bổn nguyện của Phật Di Đà,” Kinh Hoa Nghiêm nói nhiều ngần ấy, đến cuối cùng mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc.” Tỷ dụ cho dễ hiểu, các Kinh khác giống như những dòng nước, sông ngòi, ao hồ, đầm, suối v.v... Nhưng đến chỗ cuối cùng, các con sông, hồ này đều đổ vào biển cả.
Cổ đức có câu: “Đói gặp cỗ vua mà chẳng dám ăn” là để nói lên điều gì ? Đây là nói đến những chúng sanh thiếu phước, gặp Kinh Vô Lượng Thọ là Kinh bậc nhất, là pháp môn bậc nhất mà hết thảy chư Phật ứng hóa trong mười phương pháp giới lục đạo, nhằm dùng nó để phổ độ chúng sanh. Thế mà họ chẳng tin, chẳng tiếp nhận, hoặc nghe mà chẳng hiểu nên không chịu tiếp nhận Kinh này. Tại sao xảy ra cớ sự này ? Kinh Vô Lượng Thọ giải thích rành rõ: “Nếu nghe hiệu Phật, trong lòng hồ nghi, lời Kinh Phật dạy, thảy chẳng lòng tin, đều do ở trong đường dữ mà tới, tai ương đời trước, chưa được dứt tận, chưa được độ thoát, nên tâm hồ nghi, chẳng hướng tin vậy.”
Kẻ ấy đối với pháp môn này còn hoài nghi, nên chưa thể tiếp nhận lời giáo huấn của Phật trong kinh này, vì lẽ đó, Phật chưa thể độ họ. Đó là chướng ngại quá lớn ! Kẻ ấy ngạo mạn, xem thường bộ Kinh nhỏ này, không thèm tiếp nhận kinh này, không quan tâm tới lời giáo huấn của Phật, thì làm sao Phật có thể giáo hóa, cứu độ họ đây ? Chúng ta tặng họ quyển Kinh bậc nhất này của chư Phật Như Lai, họ không tiếp nhận. Thật sự là quá thiếu phước báo, đúng y như là lời nhận định của cụ Hoàng Niệm Tổ : “Cấu nặng, chướng sâu, tâm thô, trí kém, đúng là giống như gặp được thức ăn của quốc vương mà chẳng dám xơi !” Vì sao có cớ sự này xảy ra ? Phật bảo, nguyên nhân là do họ “ở trong đường dữ mà tới, tai ương đời trước, chưa được dứt tận, chưa được độ thoát, nên tâm hồ nghi, chẳng hướng tin vậy.”
Mười phương Như Lai ứng hóa trong thế gian này nói riêng và trong tất cả thế giới khác nói chung, cũng chỉ vì muốn thuyết Kinh Vô Lượng Thọ để giúp chúng sanh lìa khổ, được vui. Các Ngài chẳng vì chính mình mà nói lên Kinh điển này, các Ngài đều vì hết thảy chúng sanh đang đau khổ trong luân hồi lục đạo mà nói Kinh điển này. Do đó, hết thảy chúng sanh do nhiếp giữ, thọ trì Kinh pháp này mà đắc độ, thì mới xứng hợp với bổn hoài của mười phương Như Lai.
Chúng ta khổ hay sướng là bởi do đâu ? Đều là do một niệm mê hay ngộ mà ra. Vì sao chúng ta khổ ? Vì chúng ta thường tạo nghiệp bất thiện. Cớ sao chúng ta lại tạo nghiệp bất thiện ? Do vì chúng ta mê hoặc, điên đảo, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới tạo ác nghiệp mà phải cảm lấy ác báo. Bởi lẽ, đức Phật biết: Sướng là từ khai ngộ mà có. Sau khi đã ngộ, chắc chắn chẳng còn tạo ác nghiệp nữa, nhưng đó cũng chỉ là tiểu ngộ. Khi đại ngộ rồi, thì thiện lẫn ác đều mất hết, chẳng còn tác tạo các nghiệp nữa, nên vui và khổ cũng chẳng còn, cái còn lại chỉ là “thường, lạc, ngã, tịnh”. Lạc trong “thường, lạc, ngã, tịnh” là cái vui chân thật thường hằng có mặt trong nội tâm, chẳng phải là cái vui vô thường do những yếu tố bên ngoài gây ra. Do đó, lúc đã đại ngộ rồi, thì Phật pháp chỉ còn võn vẹn là “Một Nghiệp Thanh Tịnh,” đấy chính là “Nhất Hạnh Tam Muội” của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, mà Kinh này đã giải thích rất rõ ràng, minh bạch : “Nếu các hữu tình sẽ làm Phật, Vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác. Thế nên rộng nghe chư Trí sĩ, Nên tin ta dạy lời như thật. Diệu pháp như thế may được nghe, Phải thường niệm Phật mà sinh hỷ. Thọ trì rộng độ dòng sinh tử, Phật nói người này thật bạn hiền.”
Ba câu “Các hữu tình sẽ làm Phật,” “Vượt hạnh Phổ Hiền lên bờ giác” và “Phải thường niệm Phật mà sinh hỷ” đã nói rõ pháp môn “Nhất Hạnh Tam Muội” của Ngài Văn Thù Sư Lợi cũng chính là pháp “Niệm Phật Viên Thông” của Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử : “Thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai.” Đối với người đại ngộ, “đoạn ác, tu thiện” là trong tâm như như bất động, thanh tịnh bình đẳng, chẳng có dấu vết gì. Cho nên, chỉ có “đoạn ác, tu thiện” của người đại triệt đại ngộ mới đích thực là “tịnh nghiệp” trong Trung Đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế.
Phật môn đệ tử chúng ta bất luận tại gia hay xuất gia, nhất định phải ghi nhớ : Đức Phật xuất hiện trong thế gian này để làm gì ? Ngài dùng phương pháp gì để giúp những chúng sanh khổ nạn trong lục đạo ? Phật dùng giáo học, tức là giảng Kinh, thuyết pháp để giúp chúng sanh phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Chúng ta học Phật là học những điều Phật giảng dạy trong Kinh Phật, chớ chẳng phải học những kiến thức của người thế tục. Chúng ta thấy trong chùa chiền thời xưa, mỗi ngày họ làm chuyện gì ? Chùa chiền thời xưa giống như một ngôi trường học vậy, chư vị pháp sư mỗi ngày đều giảng Kinh, dạy học, rèn luyện đệ tử trong Phật môn tu theo Phật hạnh. Thầy chỉ chuyên dạy một môn, học trò cũng chỉ có thể chuyên dồn công sức nơi một môn. Học trò chưa học xong một môn, thì chẳng thể học môn thứ hai. Ngày nay, Phật giáo bị biến thành tôn giáo, nền giáo dục của Phật Đà chẳng được tuyên truyền, giảng dạy, hoặc dù có được giảng dạy cũng chẳng còn tinh nguyên như xưa nữa, đã bị biến dị mất rồi, nên những gì thầy và học trò tu học đều bất xứng với Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta thật sự là đã phạm lỗi với Thích Ca Mâu Ni Phật là ở chỗ này; cho nên, nền giáo dục của đức Phật mới càng ngày càng suy vi, bại hoại.
Chúng ta cần nên biết mục đích Phật bảo chúng ta phải thường thọ trì, đọc tụng Kinh để làm gì không ? Chúng ta hằng ngày đọc, tụng Kinh điển là để nhắc nhở chính mình, ngày hôm nay ta đừng quên mất giáo huấn của đức Phật, hãy thường đề cao cảnh giác, y giáo phụng hành. Chính vì mục đích ấy, nên trong Kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật mới bào chúng ta : “Phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm Kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế, nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh Ðộ.”
Trong khóa tu buổi sáng, chúng nên đọc tụng phần kinh văn trong Phẩm Sáu (Phát Đại Thệ Nguyện) và suy nghĩ: A Di Đà Phật đã phát Bốn Mươi Tám Nguyện độ sanh, vậy ta có phát nguyện như vậy chưa ? Người cầu đạo vãng sanh, đối với chính mình, phải có lòng mong muốn biến Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà thành bổn nguyện của chính mình, thì tâm nguyện của mình và A Di Đà Phật mới tương đồng.
Trong khóa tu buổi tối, chúng ta nên đọc, tụng phần Kinh văn từ Phẩm 33 (Khuyến Dụ Sách Tấn) đến Phẩm 37 (Như Nghèo Đặng Của Báu). Đoạn Kinh văn ấy giảng những điều gì ? Đoạn Kinh văn ấy dạy chúng ta trì giới, phản tỉnh, sửa đổi, sám hối. Trong khóa tu buổi tối, chúng ta phải thật sự phản tỉnh, kiểm điểm, sửa lỗi những gì chúng ta đã tạo tác trong suốt một ngày này thì việc phụng kinh, trì giới mới có lợi ích chân thật.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy ta làm như thế nào, ta bèn làm như thế ấy. Lấy bốn chữ Tín-Nguyện-Trì danh làm trọng yếu ! Chúng ta nắm chắc bốn chữ này, chắc chắn sẽ được sanh về Tịnh Độ, giải quyết vấn đề sanh tử trong một đời này. Trong kinh này, đức Phật bảo : Người nào với cái tâm không hạ liệt cũng không cống cao, tự mình tin chắc rằng mình sẽ được vãng sanh Cực Lạc, thì người ấy chính là người đã dứt đoạn hồ nghi, là đệ tử bậc nhất của Phật, chẳng phải Tiểu Thừa.
Tiếp theo đây, Phật khuyên chúng sanh cầu sanh Cực Lạc, chớ nên nghi ngờ, tự gây lỗi lầm mà phải bị sanh vào chốn biên địa. Kinh chép: “Người người tinh tấn, cầu chỗ tâm nguyện, chớ nên nghi hối, tự gây lỗi lầm, sinh chốn biên địa, trong thành bảy báu, suốt năm trăm năm, chịu bao khổ nạn. Di Lặc bạch rằng: “Nhận lời chỉ dạy, sáng suốt của Phật, chuyên tinh tu học, y giáo phụng hành, không dám sinh nghi.” Trong đoạn Kinh văn này, đức Thế Tôn rủ lòng từ bi, khuyên đại chúng phải nên hết lòng yêu thích cầu sanh Cực Lạc, phải thành kính nhất tâm, chuyên tu tịnh nghiệp. Phật lại khuyên chúng ta nên dứt bỏ nghi hoặc để khỏi sanh trong biên địa. Chúng sanh do chẳng hiểu rõ trí Phật, nên nghi ngờ Phật chẳng đắc Nhất Thiết Chủng Trí. Đối với Phật trí như thế mà chúng sanh chỉ có thể ngưỡng mộ, tôn kính, chứ chẳng thể thật lòng tin tưởng, nên Phật bảo : “Người tôn kính Phật phải nên niệm Phật dứt đoạn hồ nghi” và “chớ nên nghi hối, tự gây lỗi lầm.”
“Nghi” là chẳng hiểu rõ năm trí của Phật : Trí không nghĩ bàn, trí không xưng lường, trí rộng đại thừa, trí vô đẳng vô luân và trí thù thắng tối thượng của Phật. Vì không hiểu rõ Phật trí, cho nên chẳng tin nổi lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ; do đấy mà chẳng chịu thọ trì đọc tụng, y đúng theo Kinh giáo này tu hành. Do “nghi” nên sanh vọng tưởng, tự gây lỗi lầm, tăng giảm Kinh pháp của Phật; do đấy mà việc tu hành thường trái nghịch lại lời Phật dạy, rồi đâm ra thụt lùi, tự tạo ra tai ương cho chính mình mà phải sinh chốn biên địa, trong thành bảy báu, suốt năm trăm năm, chịu bao khổ nạn.
“Hối” nghĩa là thoái chuyển, tức là trước tin, sau ngờ, đối với lòng tin hiểu khi trước, nay sanh lòng hối hận, nữa đường bỏ lửng. Cõi Cực Lạc chẳng có trái nghịch, chỉ là do tự mình có lòng “nghi hối,” nên tự gây lỗi lầm, thoái chuyển hư ngụy, tự tạo thành ương họa, sanh trong biên địa chịu bao khổ nạn. “Khổ nạn” ở đây chính là suốt năm trăm năm, không thấy Tam Bảo, không được nghe Kinh pháp, không được cùng ở chung với chư Bồ tát tu tập các pháp công đức, nên trong lòng chẳng sanh pháp hỷ, rồi cho đó là “khổ nạn,” chớ nào phải như là ba khổ, tám khổ trong cõi này.
Trong Phẩm Biên Ðịa Nghi Thành, đức Phật nói : Chúng sanh do không hiểu rõ trí Phật, trí không nghĩ bàn, trí không xưng lường, trí rộng đại thừa, trí vô đẳng vô luân và trí thù thắng tối thượng, nên không biết pháp môn Niệm Phật vãng sanh này là được kiến lập bởi Phật trí của A Di Đà Như Lai, mà sanh lòng nghi ngờ trí ấy. Do chẳng hiểu nổi Phật trí, nên khởi tâm nghi ngờ tánh đức bất khả tư nghì của Phật trí, chẳng ngộ được vì sao đức Di Đà Như Lai là vĩ đại nhất và được mười phương thế giới chư Phật xưng tụng là “Quang Trung Cực Tôn, Phật Trung Chi Vương.” Phật dạy, nếu chúng sanh muốn đoạn sạch nghi hoặc, vô minh thì phải thường luôn thọ trì, đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ. Vì trong Tịnh độ Tam Kinh thì Kinh Vô Lượng Thọ được xem là Kinh chánh thông, là đệ nhất nghĩa Kinh của Tịnh độ.
Có người hỏi: Đối với vấn nạn sanh vào trong biên địa có thuộc vào ba bậc vãng sanh hay không ? Phàm ba bậc vãng sanh đều là do cái nhân “tín tâm” mà vãng sanh. “Tín tâm” là điều trọng yếu hàng đầu mà Phật khuyên bảo phàm phu chúng ta phải nên kiên cố gìn giữ. Biên địa là do “tâm nghi ngờ, không hiểu rõ Phật trí” mà vãng sanh; đấy chính là điều mà Phật bảo chúng ta phải răn dè. Lòng tin và nghi ngờ ở mỗi người đều khác nhau, như trời với đất, như lửa với nước, không thể dung nhập được với nhau, nên người có đầy đủ tín tâm thì thuộc vào ba bậc vãng sanh, kẻ ôm lòng nghi hoặc Phật trí thì bị rớt vào biên địa. Giống như ở trong một đạo tràng niệm Phật, nếu chúng ta không cùng một pháp tâm, không cùng một chí hướng về cách thức tu hành thì khó thể dung nhập với nhau, mỗi người đều phải chọn chỗ tu khác nhau để thích hợp với căn tánh thứ bậc của mình. Đương nhiên bởi do hai tâm chẳng đồng, nên chỗ sanh về và phẩm vị vãng sanh cũng phải sai khác. Bởi đó, trong hội bản Kinh Vô Lượng Thọ, ngoài Phẩm Ba Bậc Vãng Sanh ra, Kinh còn dạy rõ về Phẩm Biên Địa Nghi Thành.
Ngài Di Lặc Bồ tát nghe Phật thuyết Kinh Vô Lượng Thọ liền tin nhận, lãnh thọ lời Phật dạy và hướng về đức Phật mà bạch rằng: “Nhận lời chỉ dạy, sáng suốt của Phật, chuyên tinh tu học, y giáo phụng hành, không dám sinh nghi.”
Ngày nay, Phật không còn tại thế nữa, vậy chúng ta phải từ đâu mà tiếp nhận lời chỉ dạy sáng suốt của Phật ? Những “lời chỉ dạy sáng suốt của Phật” về pháp môn niệm Phật đã được Tôn Giả A Nan cẩn thận ghi chép lại trong các bộ Kinh Vô Lượng Thọ và đã được Đại Lão Cư Sĩ Hạ Liên Cư tốn suốt thời gian mười năm hội tập thành một bản tiêu chuẩn hoàn mỹ nhất từ xưa đến nay. Bản hội tập này lại được cụ Hoàng Niệm Tổ không nề hà tuổi già, lắm bệnh, suốt ngày đêm không nghỉ ngơi để hoàn thành tập sách chú giải. Nếu chúng ta không nghiêm túc nỗ lực học tập Kinh điển này kỹ càng, thì làm sao xứng với ân đức bố thí của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tôn Giả A Nan, hai vị lão nhân Hạ Liên Cư, Hoàng Niệm Tổ và tất cả các vị chư Tổ, Đại Đức đã dầy công biên soạn, luận giải, duy trì qua nhiều thời đại và trân trọng trao truyền đến tận tay chúng ta.
Vì thọ ân thì phải báo ân, nên chúng ta phải y theo lời Phật dạy, hết lòng thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường và vì người giới thiệu hay diễn nói Kinh này để Kinh này được lưu chuyển khắp nơi và tồn tại dài lâu. Làm như thế mới thật sự là báo ân Phật đúng như lòng mong mỏi của Phật mà chính Ngài đã nói với đại chúng trong pháp hội : “Ðối Phật phải hiếu, thường nhớ ơn thầy, khiến pháp môn này trụ lâu chẳng diệt, phải nên kiên trì, không được bỏ mất, không được khởi vọng, tăng giảm Kinh pháp, thường nhớ không dứt, nhanh chứng đạo quả. Pháp ta như thế nên nói như thế. Chỗ Như Lai làm, cũng nên làm theo, tu trồng phước thiện, cầu sinh Tịnh Ðộ.”
Kinh Vô Lượng Thọ chính là “lời chỉ dạy sáng suốt của Phật.” Kinh Vô Lượng Thọ chính là Phật trí lưu xuất từ pháp thân của A Di Đà Phật, nên cả hai vị Thiện Đạo Đại sư và Hòa Thượng Tịnh Không đều sát định rằng: Kinh Vô Lượng Thọ chính là A Di Đà Phật ! Bởi vì lời Phật dạy trong Kinh này là minh bạch và hoàn bị nhất, chẳng gì sánh bằng nổi, nên chúng ta phải thọ trì, đọc, tụng Kinh Phật. Hằng ngày chúng ta ôm quyển Kinh này thọ trì, đọc tụng, lắng nghe và chuyên tu là hằng ngày chúng ta thân cận A Di Đà Phật để được nghe những lời răn dạy, nhắc nhở, khiến cho đại trí của chúng ta mau chóng hiển lộ, khai phát.
Thọ trì, đọc, tụng Kinh điển là “Văn học và Tư học” và cũng chính là tu Huệ. Niệm Phật là “Tu học” và cũng chính là tu Định. Do nhờ vào Văn-Tư-Tu thành tựu Giới-Định-Huệ, nên tâm được mở sáng. Khi tâm đã khai minh thấu rõ minh bạch, chẳng còn nghi ngờ nữa, thì tự nhiên sẽ trở nên chuyên nhất, không xen tạp, tinh tấn, chuyên ròng, siêng năng niệm Phật. Dần dần tu học và cầu tiến như thế đến lúc chung cuộc, ai ai cũng sẽ thành Phật, như Kinh pháp Hoa dạy: “Dần dần tu học ắt đều thành Phật.” Ngài Di Lặc lãnh thọ lời giáo huấn này của Phật, chẳng dám có ý nghi ngờ, nên nói: “Y giáo phụng hành, không dám sinh nghi.” Câu nói này của Bồ tát Di Lặc nhằm mục đích khuyên bảo chúng sanh cũng phải nên vâng lãnh lời Phật dạy, dứt bỏ lòng nghi ngờ; bởi vì nghi ngờ lời Phật dạy là căn nguyên phát sanh muôn mối lầm lạc, nên chúng ta phải đoạn nghi ngờ mới có thể dứt sạch vô minh, thành tựu Phật trí. Nếu chúng ta muốn dứt bỏ lòng nghi ngờ, hiểu rõ Phật trí thì hằng ngày phải siêng năng trì tụng, quán chiếu tư duy Kinh Vô Lượng Thọ thì Tín-Nguyện-Hạnh niệm Phật mới không bị lui sụt mà phải đứng sau người.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.47.239 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập