Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe »»
Trong Đàn Kinh, Lục Tổ nói: “Ta không biết, ta cũng chẳng hiểu.” Thật vậy, trong bổn tâm thanh tịnh thật sự vốn chẳng có gì hết thì lẽ nào có tri kiến? Bát-nhã chỉ là vô tri, vô tri thì tâm mới thanh tịnh. Khi cái tâm vô tri khởi tác dụng sẽ giống như tấm gương soi thấy rõ ràng hết thảy cảnh giới bên ngoài, không gì chẳng biết. Ngay khi nó đang soi chính nó cũng vẫn chỉ là vô tri, vẫn chỉ là thanh tịnh, quyết chẳng bị ô nhiễm bởi bất cứ một vật nào cả. Đây là trí huệ chân chánh mà kinh Đại Bát-nhã gọi là Bát-nhã Vô tri. Ngược lại, khi cái tâm hữu tri khởi dậy liền sanh ra các thứ chướng, nên hữu tri chính là sở tri chướng.
Hiện nay chúng ta chưa có Bát-nhã Vô tri, chúng ta chỉ biết dùng sáu căn thức để thấy, nghe, hay, biết, nên tất cả những sự nhận biết đều là tà tri, tà kiến, hoàn toàn là sở tri chướng, chớ chẳng phải là chánh kiến. Vì thế, khi chúng nghe kinh hoặc quán sát điều gì đều phải lìa cả ba tướng “ngôn thuyết, danh tự và tâm duyên,” mới có thể tăng trưởng trí huệ chân thật. Nếu chúng ta chấp vào ba tướng ấy thì càng nghe nhiều thấy nhiều, càng tăng trưởng tà tri, tà kiến; đấy gọi là sở tri chướng. Như vậy, mấu chốt quan trọng trong việc học Phật chính là “nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe.” Học Phật như vậy mới có thể sớm quay trở về Chân như Bổn tánh. Có người nghe những này bèn nghĩ, thọ trì đọc tụng kinh điển Đại thừa là dựa vào ngôn thuyết, danh tự để nhận biết, nên cũng là sở tri chướng. Chúng ta phải biết, cái suy nghĩ này chính là tà tri tà kiến, tức cũng là sở tri chướng. Người ấy vẫn chưa hiểu ý nghĩa của câu “nghe mà chẳng nghe, chẳng nghe mà nghe,” vẫn còn chấp vào tướng ngôn thuyết và tướng danh tự nên hiểu lầm ý Phật. Nếu thọ trì, đọc tụng kinh điển là sở tri chướng, thì sao trong các kinh, Phật lại khuyên bảo chúng ta phải thường luôn niệm kinh để làm gì?
Thật thà mà nói, học Phật chẳng phải là chuyện dễ dàng, Ngài Thanh Lương Đại sư bảo: “Kẻ chẳng khéo học Phật rất dễ dàng rớt vào tà kiến và vô minh.” Chúng ta chẳng những phải biết cách thức học Phật mà còn phải hết sức khéo léo, thận trọng giữ gìn tâm mình sao cho không bị ô nhiễm bởi tà kiến sanh ra trong lúc học Phật, làm tăng trưởng thêm sở tri chướng. Trong Phật pháp có rất nhiều phương tiện thiện xảo, nếu chúng ta không hiểu phương tiện thiện xảo, chỉ chuyên nhớ danh tướng, chấp vào tướng ngôn thuyết, tướng danh tự và tướng cảnh giới, rồi duyên theo những thứ đó mà suy nghĩ câu kinh, bài pháp có đạo lý như thế nào, thì đấy chính là đang khởi vọng tưởng, chấp trước vào tướng tâm duyên ngay trong lúc học Phật. Phương tiện thiện xảo trong Phật pháp là gì? Thật sự chỉ là “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe;” đây là pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông để chứng Tâm Bất Động Địa của Quán Thế Âm Bồ-tát. Nếu ai tu được pháp này ắt sẽ thường gặp Ngài Quán Âm; còn nếu như nghe gì cũng chấp trước, phân tranh đúng sai phải trái đủ điều mà lại thường gặp Quán Âm, thì phải hỏi lại: “Có thật vậy không?” Người biết “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thì dù việc mình nghe là thuận ý hay nghịch lòng, trong tâm đều chẳng hề khởi lên ý niệm. Lúc nghe kinh, trong tâm chẳng động, chẳng khởi lên ý niệm, chẳng chấp tướng danh tự, chẳng chấp tướng ngôn thuyết, chẳng chấp tướng cảnh giới, cũng chẳng cần suy nghĩ câu này có đạo lý như thế nào, thì đấy chính là công phu thiền định với đầy đủ sức định huệ, Tâm Kinh gọi đó là “thực hành Bát-nhã thâm sâu.” Người biết “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” tức là biết thực hành Bát-nhã thâm sâu, sẽ tăng trưởng công phu định lực và trí huệ rất nhanh, mau thoát ra khỏi khổ ách, cứu cánh Niết-bàn.
Chúng ta phải biết, ở trong thế gian này khi chúng ta nghe bất cứ chuyện gì, ngay cả nghe Phật pháp, cũng đều chỉ là thế gian pháp, chớ nào phải đâu là Phật pháp thật sự. Chúng ta mượn danh ngôn để trao đổi ý kiến, mà danh ngôn là giả thì làm sao những gì được nghe có thể là thật chứ! Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dùng ngón tay làm tỷ dụ cho Phật pháp và mặt trăng làm tỷ dụ cho trí huệ chân chánh, rồi Phật căn dặn chúng ta đừng nên nhận lầm ngón tay Phật chỉ mặt trăng là mặt trăng. Thế mới biết, ở trong thế gian này chẳng có thứ nào là thật cả, ngay cả kinh Phật cũng không thật. Phật pháp chân chánh, trí tuệ chân chánh, không có danh ngôn, vốn chỉ là vô tự; cho nên, chân kinh chỉ là vô tự! Phật pháp thế gian và Phật pháp chân chánh sai khác với nhau chỉ trong trong một niệm của chính mình. Người nghe kinh bằng cái tâm vô tri, trong tâm chẳng khởi sanh một niệm, chính là đang học Chân kinh Vô tự. Họ thật sự biết học Phật pháp bằng trí tuệ trong Tự tánh, họ đang tu hạnh Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ-tát Quán Âm. Ngược lại, người học Phật mà trong tâm luôn khởi lên ý niệm, chấp vào ba thứ tướng ngôn thuyết, danh tự và tâm duyên, thì chỉ là vô ích, vẫn chỉ là đang nghe Phật học thế gian, nghe pháp như vậy chỉ làm tăng trưởng thêm pháp chấp và sở tri chướng mà thôi. Người biết dùng tánh nghe để nghe, tức là nghe với cái tâm chẳng khởi một niệm, thì dù ai giảng kinh hoặc nói bất cứ chuyện gì hay hoặc dỡ, đúng hoặc sai, chánh hoặc tà, họ đều có thể giác ngộ. Vì sao vậy? Vì lúc họ đang nghe người khác nói cũng chính là lúc họ đang tu Định Tỉnh Thâm Bất Động; cho nên, dù điều được nghe là đúng với lý đạo hoặc không đúng với lý đạo, trong tâm họ vẫn chẳng khởi sanh một ý niệm phân biệt, chấp trước. Do tâm thật sự thanh tịnh, bất động đối với những gì được nghe nên trí huệ chân thật mới hiện tiền. Người biết nghe như thế chính là người có đại định và trí huệ rất sâu, Bát-nhã Tâm Kinh gọi người ấy là “Quán Tự Tại thực hành Bát-nhã thâm sâu.”
Chư cổ đức dạy: “Biết nói kinh không bằng biết nghe kinh.” Vì sao? Vì lúc nghe kinh mà trong tâm chẳng khởi lên một ý niệm nào hết, thì đó chính là đang tu Định Tỉnh Thâm Bất Động của Quán Thế Âm Bồ-tát để phá trừ chấp trước. Người phá trừ được pháp chấp và ngã chấp lúc nghe kinh hoặc nghe một chuyện gì đó, thật sự là đang trụ ngay địa vị Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo, đạt đến Lý Nhất tâm Bất loạn. Người khác nói sao thì nói, tâm họ vẫn chỉ là Nhất tâm Bất loạn; đấy mới thật sự là Phật pháp cao minh. Cho nên, người biết giảng kinh chưa chắc cao minh bằng người biết nghe kinh đâu nhé! Tuy nhiên, chưa thể nói công phu định huệ như vậy là viên mãn vì trong Viên giáo từ Sơ Trụ cho đến quả vị Như Lai có đến bốn mươi hai tầng cấp, tức là trong Lý Nhất tâm Bất loạn cũng có đến bốn mươi hai mức độ sâu cạn khác nhau. Thập-trụ Bồ-tát chứng đắc nông cạn, Thập-địa Bồ-tát chứng đắc sâu xa hơn; đấy đều là do sức Nhất tâm Bất loạn có sai khác. Nếu biết nghe bằng tánh nghe sẽ phá được ba tế tướng: Nghiệp tướng, Chuyển tướng và Cảnh Giới tướng trong A-lại-da thức, trở về bổn giác thể, đắc Nhất tâm Bất loạn rất sâu, trí huệ thường luôn tăng trưởng, chẳng còn nông cạn nữa. Tâm Kinh gọi trí huệ ấy là “Bát-nhã thâm sâu.”
Chúng ta phải biết, ba tế tướng trong A-lại-da thức chỉ có thể chiếu phá được bằng Bát-nhã thâm sâu, tức là bằng sức định huệ vô cùng kiên cố. Khi ba tế tướng ấy được phá rồi mới bắt đầu bước vào hàng Bát Địa Bồ-tát trong Viên giáo. Lúc ấy, A-lại-da thức bắt đầu chuyển thành Đại Viên Minh Kính trí, mãi cho đến khi viên thành Phật quả mới thật sự gọi là giải thoát giác ngộ, trở về bổn giác thể hay hồi đầu bĩ ngạn. Nguyên tắc chung của tất cả pháp môn trong đạo Phật đều chỉ là để phá trừ ba tế tướng bằng cái tâm nhất chẳng loạn. Tu Bát Chánh Đạo là để phá trừ ba tế tướng này, tu pháp môn Tịnh độ cũng chẳng thể trái nghịch được; hễ trái nghịch nguyên tắc này bèn là ma thuyết, chẳng phải là Phật thuyết. Tịnh độ là một pháp môn đặc biệt khác hẵn với các pháp môn khác của Phật, pháp này dạy chúng ta nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà để lìa khỏi thế giới Sa-bà, bằng cách nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh độ, bởi vì nếu chỉ dựa trên tự lực yếu ớt, nhỏ nhoi của mình mà muốn phá trừ ba tế tướng, đạt tới cảnh giới Nhất tâm Bất loạn, thật sự không phải là chuyện dễ dàng. Khi nào chúng ta đến Tây Phương Cực Lạc rồi, thì chuyện đạt được Nhất tâm Bất loạn ở địa vị Bất Động Địa của Bát Địa Bồ-tát mới là chuyện vô cùng dễ dàng; đó đều do nhờ oai lực gia trì của Phật A Di Đà, chớ nào phải do tự lực của mình mà làm nổi điều này.
Kinh Địa Vương Bổn Nguyện nói, tu hành nơi cõi Sa-bà vô cùng khó khăn, ví như người đi trong vũng bùn lầy dầy đặc, trên vai lại phải gánh theo cục đá nặng to lớn. Nếu có một vị thiện tri thức thay thế ta gánh vác giùm cục đá to lớn ấy, lại tay trong tay dìu dắt ta ra khỏi vũng bùn lầy tới một con đường khô ráo, sạch sẽ, bằng phẳng để đi, thì việc đi tới nơi sẽ vô cùng dễ dàng và mau chóng. Ai là người có sức mạnh gánh vác giùm cục đá to lớn mang nặng trên vai ta, lại có khả năng đưa ta ra khỏi vũng bùn lầy tới một con đường khô ráo bằng phẳng dễ đi? Người ấy chính là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra chẳng ai làm nổi chuyện này. Chúng ta thử suy nghĩ xem, hiện nay chúng ta đang sống trong hoàn cảnh thế gian vô cùng hổn loạn và nguy hiểm, chẳng khác gì như người đang đi trong vũng bùn lầy rất khó khăn trắc trở, muốn ở cũng không được, muốn thoát ra cũng chẳng xong. Thân tâm lại gánh nặng theo vô lượng nghiệp chướng, vô biên phiền não tích lũy từ vô số kiếp. Chúng ta ở tromg hoàn cảnh như vậy mà muốn tự mình phá ngã chấp, pháp chấp là một việc làm vô cùng khó khăn, chẳng khác gì như người đi trong vũng vùn lầy, trên vai lại mang thêm cục đá to lớn, thì làm sao mà đi cho nổi. Do đó, ngoài sức định huệ của tự lực, chúng ta cần phải có sự gia hộ, giúp đỡ của A Di Đà Phật và Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc. Nếu chỉ cậy vào tự lực nhỏ nhoi của mình thì e rằng trong một đời này mãi cho đến vô lượng kiếp về sau, cũng chẳng thể nào làm được; vậy có khác gì nói ăn mà trong bụng vẫn rỗng không, chẳng có thứ gì cả.
Người tu hành giống như một vị tướng soái xuất trận giao chiến với giặc. Tướng soái muốn thắng được giặc, ngoài sức mạnh ra còn phải có trí tuệ biết rõ lực lượng của ta và giặc, biết rõ hoàn cảnh xung quanh, thiên thời địa lợi, lại còn phải biết sách lược lập trận, dùng binh, khiển tướng, tích trữ lương thực để chiến đấu thắng giặc. Cho nên, người tu hành ngoài việc phải biết sử dụng tự lực của chính mình, còn phải có trí huệ, phải biết nương vào tha lực bên ngoài, phải biết xử dụng phương tiện thiện xảo, thì mới có thể vượt qua hết thảy các chướng ngại, mau chóng thành tựu đạo nghiệp. Trong pháp môn Tịnh độ, Thích Ca Mâu Ni Phật dạy cho chúng ta một sách lược làm sao để kết hợp tự lực và tha lực thành một khối lực có sức mạnh vững chắc bất động, có khả năng hàng phục ma quán, được giải thoát giác ngộ thật sự; sách lược ấy chính là Nhất tâm niệm Phật. Ngoài tông chỉ Nhất tâm niệm Phật của Tịnh độ ra, Đức Phật còn nhiều lần khuyên lơn, nhắc nhở chúng ta phải siêng năng thọ trì đọc tụng, biên chép, cúng dường và vì người diễn nói kinh Vô Lượng Thọ. Vì sao? Vì người niệm Phật Di Đà và trì kinh Vô Lượng Thọ sẽ có khả năng phá vỡ tập khí vô minh đã nghiệp tập từ ngàn đời ngàn kiếp, khiến cho nó chẳng còn dấy khởi lên được, nên có cái thấy cái nhìn đúng với chân lý của chánh pháp vô tướng vô vi, đúng với sự thật về trần gian; cho nên, tu theo kinh Vô Lượng Thọ cũng chính là tu Bát Chánh Đạo. Trong phút giây người niệm Phật được nhất tâm, họ thoát nhiên triệt khai triệt ngộ, tự nhiên có cái thấy biết vượt qua ngã và pháp, vượt qua không gian và thời gian. Cái thấy biết ấy vô tướng vô vi, không buộc không mở, không phân không biệt, xa lìa điên đảo; cái thấy biết đó mới đáng được gọi là chánh kiến trong Bát Chánh Đạo. Một khi đã có đủ chánh kiến rồi thì tất nhiên sẽ có luôn các thứ chánh còn lại trong Bát Chánh Đạo, như là chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Do đó, chánh kiến là điều trọng bậc nhất trong Bát Chánh Đạo.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói “Các ông hãy nhìn, bao kẻ ngu si, căn lành không trồng, mà chỉ biết đem, thế trí biện thông, tăng lớn tâm tà, hỏi sao thoát khỏi, nạn lớn sinh tử” là có ý cảnh bảo chúng ta phải có chánh kiến trong pháp môn Tịnh độ, chẳng nên nghe theo uế độ kiến giải của phàm phu mà hủy báng pháp môn Tịnh độ của Phật. Nếu chúng ta muốn thật sự tu hành chân thật để được sự giải thoát giác ngộ chân thật, thì phải bắt đầu tu chánh kiến trước hết. Chánh kiến của Tịnh độ pháp môn tìm thấy ở đâu? Kinh này dạy phải tuân tu theo kinh Vô Lượng để tìm thấy chánh kiến. Bởi vì toàn bộ kinh này nói về chỗ mà Phật A Di Đà đã hành lúc còn tu nhân trong thế gian; cho nên, hễ ai hiểu được lý luận trong kinh này một cách tận cùng sâu sắc, thì trí tuệ trong Tự tánh sẽ tự nhiên hiển lộ ra, trí tuệ ấy mới thật sự là chánh kiến. Tu hành bắt đầu bằng chánh kiến đối với pháp mình tu thì gọi là “nhục nhãn giảng trạch.” Có sự bắt đầu ngay thẳng, sáng suốt mới hy vọng thấy được cánh cửa để bước vào căn nhà của Như Lai, bằng không thì cánh cửa ấy cũng không thấy được, làm sao vào được? Bởi vì nhà Như Lai là trí tuệ Bát-nhã, nên người tu hành có phải chánh kiến Bát-nhã mới thấy được cánh cửa để vào nhà Như Lai. Người niệm Phật lại phải biết dùng chánh kiến Bát-nhã để kết hợp tự lực và tha lực một cách vững chắc bất động, tu hành tinh tấn mới có thể vào được nhà của Như Lai. Có tu hành được như vậy mới có thể thành tựu đạo nghiệp, không uổng phí công phu trong một đời này. Chúng ta phát Bồ-đề tâm, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc tức là tu hạnh Đại thừa của Bồ-tát, chớ chẳng phải là tu hạnh Tiểu thừa của hàng Thanh Văn; cho nên, chúng ta chẳng thể dùng lý luận uế độ của người thế gian để giải pháp Như Như của Phật, Bồ-tát. Chúng ta cũng chẳng thể nói làm không được thì không làm. Nếu làm chưa được thì phải càng cố gắng thêm lên để làm cho bằng được, nếu chưa hiểu rõ thì phải càng thêm cố gắng siêng năng đọc kinh, nghe pháp nhiều hơn nữa để được hiểu, thì đó mới là chánh tinh tấn trong Bát Chánh Đạo. Làm được hiểu được mấy phần thì tính mấy phần, vẫn tốt hơn là chẳng làm gì hết. Nếu hiểu biết chưa thông mà còn đem thế trí biện thông làm tăng lớn thêm tâm tà, thì hỏi sao thoát khỏi nạn lớn sanh tử?
Nếu chúng ta có thể giữ giới niệm Phật với chánh kiến một cách vững chắc bất động, phá được cả hai thứ ngã chấp và pháp chấp, sẽ được vãng sanh trong phẩm vị thượng phẩm thượng sanh trong cõi Thường Tịch Quang của chư Phật. Nếu chúng ta giữ giới niệm Phật, phá được pháp chấp, sẽ được sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Nếu chúng ta giữ giới niệm Phật chỉ phá được ngã chấp, chẳng phá được pháp chấp, sẽ được sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư. Chúng ta cũng nên biết, trong pháp chấp có chứa đựng ngã chấp; cho nên, phá được ngã chấp chưa chắc phá được pháp chấp, nhưng phá được pháp chấp thì ngã chấp cũng được phá mà được vãng sanh Cực Lạc thành một vị đại Bồ-tát trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm độ. Nếu chúng ta đã cố gắng hết sức mình giữ giới niệm Phật mà vẫn không phá được pháp chấp và ngã chấp một cách viên mãn, chỉ có thể phá được một phần nào đó mà thôi, thì vẫn có thể đới nghiệp vãng sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư. “Đới nghiệp” có nghĩa là mang theo cái ngã chấp và pháp chấp chưa phá được của mình sang Tây Phương Cực Lạc Thế Giới để phá tiếp tục.
Thật thà mà nói, đối với hoàn cảnh sống và tu hành ở trong thế gian này, phàm phu chúng ta không có cách chi phá nổi ngã chấp và pháp chấp một cách rốt ráo; cho nên, đới nghiệp vãng sanh là cảnh giới thành tựu chung của căn cơ trung, hạ. Tình hình đới nghiệp vãng sanh vào trong cõi Thánh Phàm Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới được kinh Địa Tạng ví như người thoát ra khỏi vũng bùn lầy, được đi trên con đường khô ráo làm bằng vàng ròng bằng phẳng, chẳng còn có những chướng ngại của thế gian như là bùn lầy, núi sông trắc trở, gò nòng, hầm hố, chông gai, cát sạn v.v..., lại có được những thiện tri thức như A Di Đà Phật và các Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc gánh vác giùm cục đá nặng to tướng (nghiệp) trên vai. Cho nên, nếu chúng ta chẳng tin pháp môn Niệm Phật, chẳng giữ giới cũng chẳng chuyên chí một dạ niệm Phật để tâm được thanh tịnh, thì một phần ngã chấp và pháp chấp cũng không thể phá nổi, đành phải tiếp tục luân chuyển trong sáu đường. Phá trừ ngã chấp và pháp chấp chính là phá trừ sở tri chướng, cũng tức là buông xả vạn duyên.
Thế giới Cực Lạc quả thật quá sức thù thắng, đáng được khen ngợi khôn cùng, bởi vì trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư lại có trọn đủ hết thảy các sự thù thắng của cõi Phương Tiện Hữu Dư và Thật Báo Trang Nghiêm. Nói một cách thô thiển, hoàn cảnh tu hành, sự hưởng thụ, đãi ngộ và những điều tốt lành trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư chẳng thua gì hai cõi Phương Tiện Hữu Dư và Thật Báo Trang Nghiêm. Những điều thù thắng này không thể tìm thấy trong thế giới của chư Phật phương khác, chỉ riêng mình Tây Phương Cực Lạc Thế Giới mới có. Chính vì vậy, mười phương chư Phật mới hiện tướng lưỡi rộng dài đến pháp hội giảng kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà để chứng minh những lời Phật Thích Ca nói là lời thành thật. Người tu hành có chánh kiến phải biết, hết thảy các pháp đều chỉ là một pháp, đó là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến.” Vì sao? Vì tâm thức (A-lại-da) vốn sẵn đầy đủ vạn đức, vạn năng, có thể sanh ra vạn pháp. Nếu chúng ta suy nghĩ thông suốt đạo lý này thì sẽ không còn hoài nghi sự thù thắng độc nhất của Tây Phương Cực Lạc nữa!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.181.69 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập