Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc sống không phải là vấn đề bất ổn cần giải quyết, mà là một thực tiễn để trải nghiệm. (Life is not a problem to be solved, but a reality to be experienced.)Soren Kierkegaard
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Suy Nghĩ Mùa World Cup »» Xem đối chiếu Anh Việt: Hòa Hoãn »»
Trong kinh, đức Phật khuyên chúng sanh phải thường luôn giữ thái độ hòa hoãn, nếu đã trót gây bất hòa cho nhau, phải tìm cách sửa đổi trở lại, kẻo sau này cái nhân ấy sẽ kết thành nghiệp đại oán. Thói đời lúc bình thường vốn chẳng phẫn hận, bổng chợt gặp cảnh trái nghịch, bất thình tranh chấp lẫn nhau. Trong lúc đang tranh chấp ấy, chợt khởi lên cái tâm đấu đá, kiện cáo cho đến sát hại lẫn nhau. Sân giận là một trong tam độc. Một khi tâm sân nổi lên rồi thì liền tạo thành mối hận thù, oan oan tương báo không lúc nào thôi, oan gia gặp gỡ sát hại lẫn nhau, khởi từ chuyện nhỏ, càng lúc càng thêm dữ dội.
Kinh Nhất Tăng A Hàm kể rằng: Vào một thuở nọ, lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, đang ở trong nước Ba La Nại của Vua Ba Tư Nặc. Khi ấy, Vua Ba Tư Nặc vì muốn cưới con gái họ Thích làm vợ nên sai một vị quan đại thần đến thành Ca Tỳ La Vệ cầu hôn. Dòng họ Thích không chấp thuận lời hỏi cưới này; nhưng vì biết rõ Vua Ba Tư Nặc là người bạo ác, nếu từ chối, không gả con gái cho hắn, hắn sẽ gây sự, đánh phá thành Ca Tỳ La Vệ. Ông Thích Ma Ha Nam bèn nghĩ kế, đem đứa con gái xinh đẹp, nết na của bà nô tỳ gả cho Vua Ba Tư Nặc. Vua Ba Tư Nặc được cô gái đẹp đẽ như thế hết sức vui mừng, liền lập làm đệ nhất Phu nhân. Chưa bao lâu, cô mang thai, sinh một bé trai đẹp đẽ thế gian hiếm có, đặt tên là Lưu Ly.
Một hôm, Vua Ba Tư Nặc sai cậu bé Lưu Ly đến nhà ông ngoại Thích Ma Ha Nam ở thành Ca Tỳ La Vệ học tập bắn cung nỏ. Lúc bấy giờ dòng họ Thích đang xây dựng một giảng đường lớn để cúng dường đức Phật và chúng Tỳ Kheo. Khi ấy, cậu bé Lưu Ly cùng với một số trẻ con vào giảng đường chơi đùa, lại leo lên tòa sư tử ngồi. Những người họ Thích thấy thế hết sức tức giận, bèn chạy tới cầm cánh tay cậu bé kéo xuống khỏi chỗ ngồi, rồi lôi ra ngoài cửa, xúm nhau mắng nhiếc rằng: “Đây là con của nô tỳ. Không ai dám vào đây mà đứa con của nô tỳ này dám trèo lên tòa sư tử ngồi!” Rồi có người xô Lưu Ly ngã té lăn xuống đất. Lưu Ly đứng dậy oán hận ở trong lòng, mà than thầm, rồi bảo nhỏ người hầu cận của mình, tên là Phạm Chí Hiếu Khổ, rằng: “Họ Thích hạ nhục ta đến thế này! Sau này nếu ta nối ngôi Vua, nhớ nhắc ta chuyện này.”
Đến khi Vua Ba Tư Nặc qua đời, Thái tử Lưu Ly được làm Vua. Mỗi lúc Vua Lưu Ly nổi giận, Hiếu Khổ bèn nhắc Vua nhớ lại chuyện khi xưa bị họ Thích làm nhục, khiến Vua Lưu Ly càng thêm giận dữ. Có lần Vua tức giận quá mức, liền triệu tập quần thần, ra lệnh sửa soạn binh mã, quân xa thẳng tiến đến nước Ca Tỳ La Vệ để chinh phạt dòng họ Thích. Bấy giờ, một số Tỳ Kheo nghe tin trên liền đến thưa với đức Phật, Ngài nghe xong, đi đến ngồi kiết già dưới một gốc cây bên đường mà Vua Lưu Ly sẽ đem quân đi ngang qua.
Khi Vua Lưu Ly đến gần trông thấy đức Phật, liền xuống xe đi bộ đến chỗ Ngài ngồi cúi lạy rồi thưa: “Có những cây lá tươi tốt xum xê, sao Ngài lại ngồi dưới cây khô này?”
Đức Phật đáp: “Bóng mát của thân tộc hơn hẳn người ngoài.”
Vua Lưu Ly nghe đức Phật nói vậy, bèn nghĩ: “Hôm nay Thế Tôn vì thân tộc, vậy hôm nay ta nên trở về, chẳng nên chinh phạt Ca Tỳ La Vệ nữa.” Nghĩ rồi, Vua ra lệnh rút quân.
Một thời gian sau, Hiếu Khổ lại tâu Vua: “Đại Vương hãy nhớ khi xưa bị dòng họ Thích làm nhục.” Vua nghe lời này liền nổi giận trở lại, ra lệnh khởi binh đi chinh phạt nước Ca Tỳ La Vệ lần thứ hai. Lần này cũng vậy, sau khi các Tỳ Kheo báo cáo sự việc, đức Phật cũng đến gốc cây ngồi kiết già. Vua Lưu Ly trông thấy đức Phật cũng đến cúi đầu lễ Ngài và nói tương tự như lần trước: “Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài”. Bấy giờ Vua Lưu Ly nghĩ: “Thế Tôn xuất phát từ dòng họ Thích, ta không nên trừng phạt mà hãy quay về”, nghĩ rồi, Vua liền ra lệnh lui quân, và cúi đầu chào Phật trở về.
Chiến Tranh Bùng Nổ
Một thời gian sau, Phạm Chí Hiếu Khổ lại nhắc Vua về sự bị làm nhục thuở xưa, nghe xong Vua lại tức giận, triệu tập đại quân tiến đến nước Ca Tỳ La Vệ. Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục Kiền Liên nghe tin liền đến báo cho đức Phật biết.
Đức Phật hỏi Đại Mục Kiền Liên: “Thầy có thể đem túc duyên của họ đưa sang thế giới khác được sao?”
Suy nghĩ vài giây, Tôn giả thưa: “Thật không thể đem túc duyên của họ mà đặt vào thế giới khác, nhưng con có thể đem cả thành Ca Tỳ La Vệ để lên hư không.”
Đức Phật bảo: “Thầy hãy về chỗ ngồi đi, Thầy có thể đem túc duyên của họ Thích đặt lên hư không sao?”
Suy nghĩ vài giây, Tôn giả lại thưa: “Thưa không thể làm được, vậy xin phép Thế Tôn cho phép con biến hóa ra lồng sắt lớn chụp lên thành Ca Tỳ La Vệ để bảo toàn sinh mạng của dòng họ Thích, được không?”
Đức Phật lại bảo: “Thế nào Mục Kiền Liên, có thể lấy lồng sắt chụp lên túc duyên chăng?”
Tôn giả Đại Mục Kiền Liên suy nghĩ rồi thưa: “Quả là không thể, thưa Thế Tôn.”
Đức Phật nói: “Thầy hãy về chỗ ngồi đi, hôm nay túc duyên đã chín, sẽ phải thọ báo.”
Rồi đức Phật nói kệ:
“Muốn hư không làm đất,
Lại khiến đất thành không,
Chỗ duyên xưa trói buộc,
Duyên này không hư hoại”.
Sau một thời gian và nhiều cuộc chiến tranh bùng nổ, thành Ca Tỳ La Vệ bị thất thủ vì dòng họ Thích chỉ lo tự vệ chớ không đánh trả, mặc dù quân binh của dòng họ Thích mạnh gấp mười lần quân của Vua Lưu Ly. Sau khi thắng trận Vua Lưu Ly ra lệnh quân binh cho voi giầy đạp chết những người họ Thích vô số kể, lại ra lệnh bắt năm tram con gái xinh đẹp cho Vua vui hưởng lạc thú.
Sau Trận Chiến
Sau trận chiến, Vua Lưu Ly đã giết chết chín triệu, chín trăm, chín chục ngàn (9.990.000) người, máu chảy thành sông, lênh láng khắp quanh thành Ca Tỳ La Vệ. Vua Lưu Ly ra lệnh đem năm trăm cô gái họ Thích chặt hết chân tay rồi đẩy xuống hầm sâu, bởi vì các cô gái này chống cự không để Vua làm nhục. Khi Vua Lưu Ly đã tàn hại hết nước Ca Tỳ La Vệ, rồi trở về thành Xá Vệ để khiển trách con trai là Thái tử Kỳ Đà không giúp ông đánh họ Thích. Thái tử Kỳ Đà đáp: “Con có nghe, nhưng con chẳng kham giết hại chúng sanh, nên không thể giúp được.” Vua Lưu Ly nghe vậy, tức giận rút gươm chém chết Vương tử Kỳ Đà!
Lúc ấy, đức Phật dùng Thiên nhãn thấy Kỳ Đà đã chết sinh lên cõi Trời Đạo Lợi. Ngài lại dùng Thiên nhĩ nghe các cô gái họ Thích than thở kêu oán, Ngài liền bảo các Tỳ Kheo, Vua Trời Đế Thích, Tỳ Sa Môn Thiên Vương cùng đi đến thăm các cô gái. Phật lại bảo Vua Trời Đế Thích lấy áo trời che lên thân thể các cô gái, và Tỳ Sa Môn Thiên Vương mang các thức ăn làm cho các cô gái đều được no đủ. Rồi đức Phật thuyết pháp cho năm trăm cô gái nghe. Đức Phật giảng: “Tất cả rồi sẽ ly tán, hội ngộ rồi sẽ biệt ly, nên biết năm ấm của con người đều chịu sự khổ đau phiền não. Phàm thọ thân phải có nghiệp báo, phải có hành báo, nên có thụ thai, đã thọ thai rồi sẽ chịu quả báo khổ vui bệnh già chết. Nếu không có năm ấm sẽ không thọ thân nữa, nếu không thọ thân nữa thì không sinh, không bệnh, không già, không chết, nên không có hội họp biệt ly, không có khổ não.” Rồi Ngài nói về khổ, nguyên nhân gây ra khổ, cách diệt khổ, và con đường tu đạo để thoát khổ. Khổ là do ái dục tham lam, sân hận, ngu si gây ra, nên cần phải dứt bỏ. Các cô gái nghe xong, đều được tâm ý khai mở, dứt hết ô uế của cuộc đời, được tâm thanh tịnh, mỗi cô ở chỗ của mình mà qua đời, đều được sinh lên trời, lúc ấy đức Phật nói kệ:
“Tất cả hành vô thường.
Có sinh ắt có chết.
Chẳng sinh thì chẳng diệt.
Diệt này là vui nhất.”
Quả Báo Nhãn Tiền
Khi về vườn Cấp Cô Độc rồi, đức Phật bảo các Tỳ Kheo: “Vua Lưu Ly và quân lính cùng tùy tùng của ông ta chẳng còn ở đời bao lâu nữa, sau bảy ngày sẽ bị tiêu diệt!” Bấy giờ Vua Lưu Ly nghe được lời thụ ký này của đức Phật thì rất lo sợ, bảo quần thần canh phòng ngày đêm thật nghiêm ngặt, chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng đề phòng mọi bất chắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đến đầu ngày thứ bảy, Vua vui mừng khi thấy chẳng có gì xảy ra, không thể kìm giữ nữa, nên Vua đem các quân binh cùng quần thần và mỹ nữ đến bờ sông A Chi La vui chơi, rồi nghỉ đêm tại đó. Nửa đêm, bất ngờ có mây đen kéo đến, rồi mưa to gió lớn rất mau. Vua Lưu Ly cùng quân binh và quần thần đều bị nước cuốn đi hết, tất cả đều bị tiêu diệt sạch. Chết rồi, tất cả cùng vào địa ngục! Lại có sấm sét gây lửa trời khiến cung thành của Lưu Ly cháy thiêu rụi thành than!
Đức Phật dùng Thiên nhãn xem thấy Vua Lưu Ly và bộ hạ bị mưa gió bão tố lôi cuốn chết hết, rồi bị đọa vào địa ngục A Tỳ. Lúc ấy, Ngài nói kệ:
“Tạo ác thật quá mức,
Đều do thân miệng làm,
Thân này chịu khổ não,
Thọ mạng cũng ngắn ngủi.
Nếu ở lại trong thành,
Cũng bị ngọn lửa thiêu,
Khi túc mạng đã hết,
Ắt sinh trong địa ngục”.
Có Tỳ Kheo thắc mắc hỏi Phật: “Những người họ Thích xưa kia tạo nhân gì mà nay bị Vua Lưu Ly hại nhiều như thế?”
Đức Phật nói: Ngày xưa về lâu xa, trong thành La Duyệt này có một làng to lớn chuyên môn đánh cá. Khi ấy đời sống hết sức nghèo đói, người phải ăn cả rễ cây, tại làng ấy có một cái ao đầm lớn có rất nhiều cá, nhân dân trong làng đều bắt cá ăn; dưới nước có hai loại cá, một loại tên Câu Tỏa, một loại tên Lưỡng Thiệt (hai lưỡi). Hai cá đầu đàn của hai loại cá ấy nói với nhau: “Chúng ta không có lỗi lầm gì với những người trong làng này, họ bắt ăn bà con chúng ta hết lớp nọ đến lớp kia, nếu chúng ta có phúc đức, sau này sẽ dùng vào việc báo oán”. Chẳng bao lâu sau, hai cá lớn đầu đàn ấy cũng bị bắt, lại có một đứa bé mới tám tuổi không hại mạng cá, cũng không bắt cá, nhưng lúc hai cá đầu đàn kia bị bắt, đứa bé trông thấy vui mừng. Các Thầy nên biết, các Thầy chớ cho rằng nhân dân thành La Duyệt lúc đó là những người nào, nay họ chính là những người họ Thích vậy, con cá đầu đàn Câu Tỏa bây giờ là Vua Lưu Ly, con cá Lưỡng Thiệt nay là Phạm Chí Hiếu Khổ. Đứa bé thấy hai cá đầu đàn kia bị bắt vui cười lúc đó, nay chính là Ta. Các người ở thành La Duyệt hồi đó ăn cá, nay chịu sự trả thù này, còn Ta vui cười nay bị nhức đầu. Vì Như Lai không thụ thân sau nên qua hết các nguy nan, các Thầy nên giữ gìn hành động từ thân, miệng, ý. Các Thầy nên học điều này.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.83.92 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập