Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Niềm vui cao cả nhất là niềm vui của sự học hỏi. (The noblest pleasure is the joy of understanding.)Leonardo da Vinci
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Học Phật là sự hưởng thụ của đời người »»
Phẩm Bồ-tát Tu Trì của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Lấy Huệ vô ngại, giải Pháp Như Như, khéo biết Tập Diệt, phương tiện âm thanh, không vui tiếng đời, thích trong chánh luận, biết tất cả pháp, thảy đều không tịch, sinh thân phiền não, tận dứt cả hai. Ở trong Tam giới, bình đẳng siêng tu, rốt ráo Nhất thừa, đến bờ giác kia, quyết đoạn lưới nghi, chứng Vô Sở Ðắc, dùng trí phương tiện, tăng trưởng rõ biết, vốn tự xưa nay, an trụ thần thông, đắc đạo Nhất thừa, liễu ngộ do đấy, không do gì khác!”
Người trí quán biết các pháp đều không thật, nhưng họ vẫn không bỏ kinh, phụ giới; bởi vì họ biết rõ kinh giới là phương tiện pháp thiện xảo giúp họ tu phạm hạnh thanh tịnh tiết dục, giữ lòng trong sạch, ít ham muốn, giảm bớt dục vọng, chẳng khởi vọng tưởng phân biệt chấp trước, quét sạch tâm mình. Người trí chỉ thích an trụ tâm mình trong kinh Phật để giác ngộ Tự tâm, rồi tùy duyên chia sẻ và trao đổi những kinh nghiệm học hành của mình với bạn đồng tu, chớ chẳng thích đem những hiểu biết ấy để tranh biện với người khác. Ngoài trí huệ thấu rõ Phật pháp, người trí biết mình cần phải thật sự tu hành bằng hành động cụ thể và chắc thật để hiển minh được lời Phật dạy thì mới có thể thành tựu đạo nghiệp.
Cái tật xấu lớn nhất của con người là lòng si ái. Nếu mình có thể đem lòng si ái đó biến thành lòng ham muốn học Phật giống như các vị Bồ-tát, không giờ phút nào sao lãng việc học tập Phật pháp, thì sẽ có một ngày thoát nhiên đại ngộ, thấy được nguồn đạo chân chánh, trở về Chân tâm. Phật pháp sâu rộng như biển cả, nếu chúng ta không bắt chước các vị Bồ-tát thường luôn dũng mãnh tinh tấn, siêng năng học hỏi và thực hành thì khó có thể thành tựu đạo nghiệp. Người tu hành chân chánh phải có đầy đủ Tín-Giải-Hành-Chứng, tức là phải hiểu biết thật rõ về pháp môn mình tu một cách đúng đắn và phải có cái nhìn đúng đắn, trắng đen phân minh rõ ràng, không nghiêng theo tà, không điên đảo thị phi. Nếu chẳng tuân theo lời Phật dạy trong kinh như sợi dây chỉ mực mà lại thích nghe lời dụ dỗ của ma, phụ kinh bỏ giới thì sẽ bị rơi vào lưới ma, làm con cháu của ma.
Khi xưa, Đức Phật đã dùng định lực để thắng thần thông của ma vương trong khi đấu pháp với chúng. Ma vương tức giận, bèn nói với Phật rằng: “Bây giờ tôi không có cách gì để thắng được ông, nhưng chờ đến tương lai sau này, khi đệ tử của ông không có đủ định lực, tri kiến lại bất chánh, lúc đó tôi sẽ đục cửa chui vào nhà ông mà mặc áo của ông, ăn cơm của ông, sau đó tôi lại còn tiểu tiện vào trong bát của ông, thử xem ông sẽ làm sao?” Rõ ràng hiện nay, trong các đệ tử Phật đã có những người công khai nói các kinh điển Đại thừa như là Kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Địa Tạng, kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm v.v... đều là giả. Thậm chí, có người tu pháp Tịnh độ lại quay lưng hủy báng kinh Vô Lượng Thọ, một bộ kinh được chư Phật và chư Tổ từng khen ngợi là vô thượng thượng kinh, là kinh thọ ký Bồ-đề cho chúng sanh, và được Tịnh tông xem đó là quyển kinh chánh thông của Tịnh độ, là hóa thân của Phật A Di Đà. Thế mới biết, người tu Tịnh độ ngày nay cần phải nỗ lực học kinh Vô Lượng Thọ nhiều hơn nữa để đoạn trừ kiến giải sai lầm mà không bị lọt vào cái lưới bẫy của ma.
Kinh Pháp Diệt Tận nói: “Tương lai khi đến thời kỳ Mạt pháp, bộ kinh Lăng Nghiêm sẽ bị hủy diệt trước hết.” Vì sao? Bởi vì kinh Lăng Nghiêm là Pháp Giới Trí nói về Tâm Chân Như và Tâm Sanh Diệt, là kinh dùng để trấn ma, nên bị ma diệt trước tiên để chúng sanh không còn có chỗ phát sanh chánh trí mà bị rơi vào ma kiến. Kinh Vô Lượng Thọ bảo: “Ở trong đời sau, kinh đạo tận diệt, ta vì tấm lòng, từ bi thương xót, đặc biệt lưu lại, chỉ một kinh này, trụ thế trăm năm.” Vì trong tương lai các kinh đều bị diệt hết, nhân dân tà ngụy càng thêm đông đảo, tùy ý sáng tạo pháp môn chẳng cần nương vào Tam Bảo nữa, nên ngũ thống ngũ thiêu càng thêm nguy ngập. Bởi đó mà Phật đặc biệt gia trì cho kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ trụ thế thêm một trăm năm nữa để thay thế kinh Lăng Nghiêm trấn ma trong thời Mạt pháp. Chúng sanh trong thời Mạt pháp nhiễm trước rất nặng, ma kiến tương tục nảy sanh trong tâm rất khó trừ khử; cho nên Phật phải dùng thuốc pháp rất mạnh (tức kinh Vô Lượng Thọ) mới có đủ công lực hữu hiệu phá trừ ma kiến, hàng phục ma quân trong thời Mạt pháp. Kinh Lăng Nghiêm nói lên chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh quá sức rõ ràng, nên ma vương rất sợ nếu chúng sanh thọ trì kinh này sẽ thấy rõ bộ mặt thật của ma, thấy rõ hạt giống ma gieo nơi mỗi chúng sanh chính là năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), từ năm ấm này mà sanh trưởng ra năm mươi loại ấm ma khác. Vì thế, ma vương phải tìm cách hủy diệt kinh Lăng Nghiêm trước tiên hết. Hủy diệt kinh Lăng Nghiêm là hủy diệt chánh kiến, làm tăng trưởng tà kiến, khiến chúng sanh lầm lẫn, chánh tà chẳng phân minh, rốt cuộc phải bị lọt vào lưới ma.
Chúng ta phải nên biết, ma hủy diệt kinh ở đây không phải là đem kinh điển đốt sạch hết. Ma hủy diệt kinh là khiến cho kinh bị diệt ngay trong tâm của chúng sanh, tức là khiến cho mọi người mất lòng tin đối với kinh Phật, phế bỏ kinh Phật, không thọ trì đọc tụng kinh Phật nữa. Chúng ta phải có con mắt trí tuệ nhận biết rõ ràng, những người phế bỏ, chê bai hay xúi dục người khác không đọc tụng kinh Phật, không nghe giảng kinh Phật, chính là con cháu của ma giả làm đệ tử trong Phật môn để hủy diệt Phật pháp. Nếu chúng sanh không thọ trì kinh, kinh sẽ tự nhiên bị diệt ngay trong tâm của mình, thì chúng sanh phải dựa vào đâu để hồi quang phản tỉnh mà nhận ra chân tướng của sự thật. Do vậy, mọi Phật tử đều phải có trách nhiệm chấn hưng Phật giáo bằng cách hoằng truyền và phát huy mạnh mẽ kinh Phật; đây là công đức chân thật và cũng là cách báo ân Phật. Điều tất nhiên là nếu kinh Phật bị diệt thì Phật giáo cũng chẳng còn, một đạo tràng mà không có tụng kinh Phật và giảng kinh Phật thì làm sao có thể gọi là đạo tràng của Phật chứ?
Chuyện trên đời kỳ lạ vô cùng! Việc hoằng truyền Phật pháp vốn chẳng khác các nghề buôn bán vặt; người bán thuốc hay thật thì chẳng ai thèm mua, còn kẻ bán thuốc giả thì rất đắc hàng. Tại sao vậy? Bởi vì người đời thường dùng tình cảm ưa thích để mua hàng, chớ chẳng phải là dùng trí tuệ để nhận biết giá trị của món hàng mình muốn mua. Cho nên thuốc hay đắc giá chẳng ai thèm mua; còn thuốc giả rẻ tiền lại có dáng vẻ bên ngoài đẹp đẻ khiến lòng người say mê nên bán được rất nhiều. Do vậy, hiện nay ngay trong Phật môn, có nhiều người phỉ báng kinh Phật lại được tôn sùng, kính ngưỡng, được người đời lót thảm đỏ cho đi; còn người tận tụy học Phật và hoằng truyền di giáo của Phật thì lại bị coi là phường nói huyễn, vọng tưởng, ham danh, rồi bị người đời chế ngạo. Đấy có phải là thời đại này đã mạt đến mức cùng mạt rồi hay chăng? Cho nên, khi học Phật Pháp, chúng ta cần phải có Trạch Pháp Nhãn, tức là phải có con mắt biết chọn lựa pháp môn, phân biệt rõ ràng pháp này là chánh hay tà, phải hay trái, đúng hay sai, thiện hay ác, chớ nên để ma dắt đường vào ngõ cùng không lối thoát. Nếu chúng ta không dùng trí tuệ để học Phật thì có khác gì như người mù sờ voi, mò mãi mà không tìm ra được một đạo lý nào chân chánh cả; đó chính là càng tu càng bị lạc vào đường cùng, ngõ hẹp. Người không có Trạch Pháp Nhãn nghe người ta nói sao thì lập lại y như vậy, nghe rồi phụ họa theo, chứ nơi mình do chẳng chịu trì kinh nên chẳng có chánh kiến để nhận biết thật giả. Người ta nói con voi như bức tường thì mình cũng nói theo là con voi như bức tường, người ta nói con voi giống như cây cột thì mình cũng phụ họa nói con voi giống cây cột… Rốt cuộc rồi thì con voi giống như cái gì, mình đều chẳng biết; đấy gọi là bị lạc vào đường cùng, ngõ hẹp!
Người có chánh kiến, siêng năng gắng gỏi học hỏi kinh điển Đại thừa, tìm hiểu ra được đạo lý một cách cặn kẻ minh bạch rồi thì họ mới dám tin theo đó mà thực hành. Họ không bắt chước kẻ mù sờ voi nhận biết một cách mù quang, bừa bải. Đây là điều vô cùng quan trọng của việc học tập Phật pháp mà Phật thường căn nhắc chúng ta: “Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ càng,” tức là phải có con mắt trạch pháp, chớ nên vội vàng tin theo lời người ta nói mà phải bị lạc vào đường ma. Trong mỗi con người, ai nấy đều có đủ năm mươi ấm ma, nên tất cả lời nói từ kiến giải của con người đều phát xuất ra từ năm mươi ấm ma ấy, chớ chẳng phải là trí huệ chân thật. Chỉ có lời nói của Phật mới đáng tin mà thôi! Chỉ có lời dạy trong kinh Phật mới là Chánh pháp! Còn bất cứ pháp nào do con người suy nghĩ ra đều là tà pháp.
Chỉ khi nào chúng ta học Phật thấu rõ đến mức cùng lý tận tánh rồi thì sẽ tự nhiên dứt bặt ý niệm, vì sao? Bởi do mình thấy rõ tất cả ý niệm của mình đều có chỗ sai lầm, nên chỉ biết lập đi lập lại lời Phật nói, chẳng dám có ý kiến nào khác nữa. Lại nữa, người trí hiểu rõ Phật trí nên chẳng thấy có cái trí nào khác hơn trí này; còn người phiền não thì cứ mãi tương tục sanh ra ý niệm, vọng tưởng, nên họ rất thích phát biểu ý kiến riêng. Khi ý niệm không còn phát khởi nữa thì phiền não cũng tự nhiên mất đi; lúc ấy, ma quỷ cũng chẳng có, chỉ có những điều tốt lành nhất hiện ra, vi diệu thù đặc không chi sánh bằng. Khi ấy, chư Phật, Bồ-tát sẽ đến gặp chúng ta; đây là Phật, Bồ-tát thật sự, chớ chẳng phải là ma giả ra. Vì sao? Vì trong tâm ta chẳng có ma, duy nhất chỉ có Phật mà thôi, thì ma nương vào đâu mà dựa hình? Còn nếu như tâm mình vẫn còn đầy dẫy vọng kiến mà lại cứ ham muốn gặp Phật, Bồ-tát, thì dù có gặp đi nữa, đó cũng chỉ là ma giả hình, chớ chẳng phải Phật, Bồ-tát thật. Ma giả ra Phật, Bồ-tát để chiếu cố chúng ta vì thấy tâm của chúng ta rất tương ứng với họ, nhất định chúng ta phải biết rõ điều này để không bị lầm lẫn.
Thật ra, nếu nói cho đến tận cùng lý tánh của con người, lý tánh của vạn vật, lý tánh của trời đất v.v... thì tâm, Phật và chúng sanh đều chỉ là một; nói cách khác, chư Phật chính là mình, mình cũng là chư Phật. Nếu chúng ta đạt được cái trí như vậy thì không bao giờ còn lầm lẫn nữa, cảnh giới của ta là Nhất chân Pháp giới, mười phương pháp giới cũng không còn nữa thì làm gì có ma. Còn nếu như chưa phá được năm mươi ấm ma, tức là còn vô minh, thì cần phải siêng năng học Phật hơn nữa để biết cách quét sạch vô minh. Vô minh ví như một căn phòng tối đen, kinh Phật là ngọn đèn thấp sáng; kinh Phật chiếu soi đến đâu thì vô minh tăm tối liền bị phá tan. Nếu người tu hành không vận dụng trí tuệ để học Phật, tu hành đúng với đạo lý, thì một mặt tu được công đức, một mặt tiêu mất đi hết công đức, cứ tu mãi như vậy cho đến cùng đời tận kiếp cũng chẳng được thăng hoa, chẳng được chút ít công phu hàm dưỡng nào hết.
Ngày nay, có nhiều nhóm tu hành chủ trương bắt đầu tu từ ngọn xuống gốc. Nói cách khác là bỏ gốc theo ngọn, tức là đem việc học Phật, giảng kinh sắp vào hạng chót, đem việc chứng đắc vãng sanh nâng lên hàng đầu, quên mất đi đạo lý căn bản mà Phật thường luôn nhắc đi, nhắc lại để chúng sanh đừng quên; đó là tu hành phải theo trình tự Tín, Giải, Hành, Chứng. Tu học Phật pháp là để nuôi dưỡng Pháp thân huệ mạng, tăng trưởng trí huệ của mình, vì nếu không có trí tuệ thì mỗi khi khởi tâm động niệm gì cũng đều mắc vào kiến giải sai lầm, rồi từ đó làm cái gì cũng sai trái, như vậy làm sao có thể giải thoát thành Phật được chứ!
Người học Phật phải tự chọn lấy một bộ kinh thích hợp nhất để trường kỳ huân tu mới có thể hy vọng thành tựu đạo nghiệp. Thật ra, Phật đã chọn sẵn cho chúng sanh một quyển kinh bậc nhất, thích hợp nhất cho mọi căn cơ trong thời Mạt pháp rồi; đó là kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ. Dựa vào đâu chúng ta khẳng định như vậy? Chúng ta dựa vào lời dạy của Phật trong trong kinh Vô Lượng Thọ: “Dù trong tương lai các kinh khác đều bị diệt mất, Phật chỉ đặc biệt lưu lại chỉ một kinh này trụ thế thêm một trăm năm nữa.” Do vậy, phàm phu chúng ta cũng nên ngừng dứt ý kiến riêng của mình, thuận theo lời Phật dạy, phát tâm thọ trì, đọc tụng, y theo một quyển kinh này để tu tập, mới hòng được giải thoát sanh tử trong một đời này. Chúng ta phải biết kinh này chính lời thọ ký Bồ-đề của A Di Đà Phật; do đó, những ai chuyên tâm tu trì theo kinh này, ắt sẽ được A Di Đà Phật đích thân thọ ký Bồ-đề, hết một đời này vãng sanh Cực Lạc, thành bậc A-bệ-bạt Trí.
Bây giờ chúng ta còn có được thân người khỏe mạnh, đầu óc sáng suốt, lại có nhân duyên gặp được kinh này và bạn lành cùng chung nhau học tập, chia sẻ đạo pháp, nếu chúng ta không biết nắm bắt lấy nhân duyên thù thắng này để cùng nhau tu học, cùng nhau thăng tiến, hướng đến Nhất thừa, thì phải chờ tới lúc nào nữa đây? Chẳng lẽ phải chờ đến lúc thân này trở nên bệnh tật, già yếu, tàn tạ sắp chết mới chịu học Phật. Lúc ấy quá trể rồi, vì cái thân già bệnh chẳng khác gì bã mía bị ép hết nước ngọt, có muốn học Phật cũng chẳng học nổi. Nếu chúng ta không học kinh này, thì chẳng thể nào biết được kinh này chính là hóa thân của Phật A Di Đà, là kinh trấn ma trong thời Mạt pháp. Chúng ta niệm A Di Đà Phật mục đích cũng chỉ là muốn gặp Phật A Di Đà, không muốn gặp ma. Vậy, ngay bây giờ, hóa thân Phật ở ngay bên cạnh mình, lại không chịu tiếp nhận thì có khác gì người mù đang sờ con voi mà chẳng nhận ra được con voi.
Người thường luôn trì kinh Phật thì cũng giống như lúc nào cũng được sống ở bên cạnh chư Phật. Lúc lầm lỡ, bị rơi vào những sai lầm, tai nạn, khủng bố, ma chướng v.v..., liền được Phật che chở, cứu vớt, dạy dỗ kịp thời; nhờ đó mà có thể vươn lên trở lại, không bị lún sâu vào tội nghiệp. Chúng ta hãy tự mình quan sát sẽ thấy rất rõ, ở trong thế gian này chỗ nào cũng đầy dẫy gai góc, đi đến đâu cũng bị đụng đầu vào tường. Gai góc chính là phiền não mà lúc nào chúng ta cũng đeo theo bên mình, hễ có phiền não thì liền có chướng ngại. Khi chúng ta gặp chướng ngại thì có khác gì như là bị đụng đầu vào tường, u đầu chảy máu. Khi mình buông xuống hết mọi chấp trước thì bốn bức tướng chướng ngại kia tự nhiên không còn nữa. Bốn bức tường đó chính là bốn sự chấp trước vào quan niệm về cái tôi (ngã), về người khác (nhân), về chúng sanh và về thọ mạng (thọ giả) mà Phật đã giảng trong kinh Kim Cang. Khi nào mình phá được bốn bức tường chướng ngại này rồi thì mới được thong dong, tự tại và an lạc thật sự.
Người buông xả ra được hết tất cả, chính là bậc long tượng, là đại nhân tài trong đạo Phật, là người biết dùng trí huệ vô ngại để giải pháp như như của Phật. Còn nếu như một chút cũng chẳng thể buông bỏ được thì mình chỉ là con chuột nhắt trong đạo pháp của Như Lai mà thôi. Khi nào con người buông xuống hết tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước, giữ được niệm thiện trong lòng thì khi ấy mới có thể tạo phước cho chúng sanh. Vì sao? Bởi vì khí chúng sanh và khí trời đất vốn không hai, chánh khí của chúng sanh chính là chánh khí của trời đất có khả năng khiến thiên hạ thái bình. Chúng ta học Phật là học lòng từ bi, đạo đức, biết tha thứ cho kẻ khác, biết hằng thuận chúng sanh, biết diệt khổ ban vui cho mọi người, rồi từ đó phát sanh chánh khí khiến thiên hạ thái bình. Chẳng nên sinh lòng so sánh hơn thua, cũng chẳng nên cùng người tranh chấp cải vã làm phá hoại chánh khí của mình lẫn người. Người chân chánh học Phật thì phải có trí huệ và năng lực cải tạo vận mạng, sửa đổi cuộc đời, thoát ra khỏi vòng số mạng. Người học Phật chưa chuyển được cảnh giới, tức là chưa thật sự nhập đạo, chưa hiển minh được Phật pháp có khả năng chuyển hóa cảnh giới, diệt khổ, ban vui.
Học Phật là sự hưởng thụ của đời người! Nếu người học Phật không thấy được lợi ích tức thời thì phải biết là mình chưa biết cách học Phật, phải nên tìm một vị thầy hay thiện tri thức tu hành chân thật, đúng theo giáo lý được ghi chép trong kinh Phật, để cùng nhau kiểm thảo, cùng nhau tìm ra cái sai trái và nguyên nhân tại sao mình học Phật nhiều năm mà chẳng thấy một chút công phu hàm dưỡng nào cả? Học Phật ngày nào thì được lợi ích an lạc giải thoát ngày đó, chớ chẳng phải chờ đến khi thành tựu đạo nghiệp rồi mới có lợi ích. Tu được một phần công đức thì được một phần lợi ích, cứ như thế mà tu cho đến khi được công đức viên mãn thì sẽ cứu cánh Phật quả.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.30.14 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập