Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Việc người khác ca ngợi bạn quá hơn sự thật tự nó không gây hại, nhưng thường sẽ khiến cho bạn tự nghĩ về mình quá hơn sự thật, và đó là khi tai họa bắt đầu.Rộng Mở Tâm Hồn
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Học Phật Trong Mùa Đại Dịch »» Xem đối chiếu Anh Việt: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda - Kỳ 2 »»
Kỳ 1 chúng ta vừa học xong 4 Pháp Quán Niệm giúp cho chúng ta nhận ra bản chất thật của cái thân Ngũ Uẩn mà tham chấp vào nó chỉ có gây khổ đau mà thôi. Tiếp đến chúng ta học những lời Phật dạy để giúp cho chúng ta làm thế nào mà thoát khỏi Ngũ Thủ Uẩn. Không bám, không chấp vào cái thân Ngũ Uẩn này nữa sẽ đưa đến con đường giải thoát mà rốt ráo là Niết Bàn Tịch Diệt. Có thể xem phần học tiếp đây là phần nói về các phương pháp cần thực hành.
E/ Phương pháp thứ nhất Đức Phật dạy là Đoạn Trừ Tưởng:
Này Ananda, thế nào là Đoạn Trừ Tưởng? Ở đây này Ananda, vị tỷ kheo bất nhẫn, lìa bỏ, chấm dứt, đoạn trừ, tẩy xóa dục tầm, sân tầm và hại tầm và các ác bất thiện pháp, nói chung đã khởi lên nơi tâm mình. Này Ananda, đây được gọi là Đoạn Trừ Tưởng.
Sau khi đã thực sự nhận ra cái thân Ngũ Uẩn là Vô Thường, là Vô Ngã, là Bất Tịnh, là Nguy Hại, chỉ đem lại khổ đau như lời Phật dạy thì vị Tỳ Kheo và cả cư sĩ chúng ta, sẽ không còn muốn chịu đựng, ôm ấp, nuôi dưỡng cái khổ vào mình nữa, chúng ta sẽ nghe lời Phật là lìa bỏ, xa rời, chấm dứt khổ đau bằng cách Đoạn Trừ nghĩa là cắt đứt, từ bỏ, tẩy xóa, không còn dấu vết của cái lòng tham muốn, tìm cầu để thoả mãn dục vọng mà Lục Căn, Lục Trần dễ dàng cuốn hút, không để cho cái tâm sân hận bùng lên như ngọn lửa thiêu đốt tất cả công đức đã tạo, ngăn chận ngay từ nơi tâm mình không để cho các nghiệp ác não hại, lộng hành qua Thân Khẩu Ý. Ở đây, làm chủ cái Tâm là chính yếu.
Tâm không tìm cầu dục lạc, không tìm mọi cách để thỏa mãn các giác quan thì sẽ không nổi sân hận khi tìm cầu mà không được và cũng sẽ không não hại mình và người khác, với những hành động không sáng suốt, thiếu tự chủ, bị điều động bởi lòng dục mà không được thoả mãn.
Theo lời Kinh, ba điều cần làm là không khởi Dục tầm, không khởi Sân tầm và không khởi Hại tầm. Hãy cùng tìm hiểu.
Dục tầm là gì ? Tìm kiếm, đeo đuổi, chạy theo các Dục lạc. Dễ nhận ra nhất là các cảm giác khoan khoái, ưa thích, sung sướng từ các giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý ) và các đối tượng của chúng đem lại ( hình ảnh, âm thanh, mùi hương, mùi vị, sự đụng chạm nơi thân thể và các ý tưởng, các cảm nhận thuộc phần tâm lý ) Khoái lạc đến từ Sáu Căn, Sáu Trần này quyến rũ, thu hút chúng ta và chúng ta lao vào cũng như ong hút nhụy hoa, đôm đốm tìm ánh đèn sáng và lưỡi nếm mật trên con dao. Lao vào để nếm các vị ngọt nhưng vị đắng cay cũng không thể tránh.
Đức Phật không hề dạy gì khác từ khi Ngài bắt đầu Chuyển Pháp Luân cho đến ngày cuối cùng, xuyên suốt 45 năm dài :
Ai thích thú trong Sắc
Trong thấy, nghe hay tưởng
Trong hành hoặc trong thức
Họ thích thú trong khổ
Và ai thích trong khổ
Sẽ không thoát khổ đau. ( Kinh Tương Ưng , XXII, 29 )
Loài Người bị đắm say,
Trong tài sản, trong dục,
Họ tham lam, điên dại,
Trong các dục ở đời.
Không ý thức rõ ràng,
Ðã quá độ say mê,
Chẳng khác gì con cá,
Không thấy đặt bẫy sập.
Về sau họ khổ đau,
Chịu quả báo ác nghiệp.( Kinh Tương Ưng, phẩm Xử Kiện)
Nói đến Dục, chi tiết hơn, được phân chia thành 5 loại :
1- Tài dục: Ham muốn tiền bạc, châu báu, tài sản vật chất.
2- Sắc dục: đắm say đam mê sắc đẹp, tướng mạo, hình dáng, hình tướng bên ngoài.
3- Danh dục: Tham muốn địa vị, quyền cao chức trọng, danh thơm tiếng tốt.
4- Thực dục: Tham muốn đồ ăn, thức uống.
5- Thùy dục: Tham muốn ngủ nghỉ, biếng nhác...
Tựu trung thì cũng gốc từ các căn, các trần mà ra. Và nói đến Lục Căn Lục Trần là chúng ta hiểu ám chỉ cái thân Ngũ Uẩn. Cung phụng cho cái thân Ngũ Uẩn này mà con người tự cho là của ta, là ta, là bản ngã của ta nên ngày đêm, suốt cả cuộc đời, chỉ chìm đắm vào một mục đích là làm mọi cách cho nó ăn ngon, mặc đẹp, lượt là êm ái, giường cao nệm tốt, nhà cửa sang trọng, tiện nghi bậc nhất, thuốc thang thượng hạng, tiền của dư thừa, vật chất, tất cả những gì có thể sở hữu được, và cả phần tinh thần cũng phải vượt trội, được danh thơm, tiếng tốt, địa vị cao trọng hơn người, được mọi người yêu thương. Nhưng rồi ai cũng biết, không thể nào muốn gì là được nấy, con mắt có muốn thấy đồng cỏ xanh tươi mãi cũng không thể được, tức tối trào lên khi thấy các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, còn đâu nữa một cánh đồng xanh ! Tai chỉ muốn nghe chim hót mà đâu được, xe cộ chạy rần rần từ ba, bốn giờ sáng rồi, mũi chỉ muốn ngửi mùi thơm, lưỡi chỉ muốn nếm vị ngon ngọt, thân chỉ muốn được vuốt ve, hôn hít, ai cũng thương, yêu, trìu mến mình, ý cũng vậy, chỉ muốn nghĩ điều hay, điều tốt, điều lợi, muốn ai cũng nghĩ như mình, cho mình là đúng, nhưng không thể được, mỗi người mỗi ý, mỗi quan điểm, thế là gây mâu thuẫn, gây khổ sở.
Ai cũng muốn Lục Căn Lục Trần chỉ đem lại khoái lạc, sung sướng, vui thích cho mình nhưng điều này không thể có. Các giác quan có thể bị bệnh, cái thân bệnh và cái tâm cũng có thể bệnh và chúng ta không một ai làm chủ các đối tượng của các giác quan. Chúng đến, chúng đi, chúng còn, chúng mất, chúng đẹp, chúng xấu, chúng lớn, chúng nhỏ, chúng dễ thương, chúng đáng ghét…chúng ta không thể làm gì.
Điều chắc chắn khi muốn mà không được như ý muốn thì nổi tức, nổi giận, bực bội là điều quá ư dễ dàng, quá thông thường, khó tránh. Một chút không vừa ý, không bằng lòng là sinh hiềm giận, một chút hờn nhỏ có thể thành hận lớn, hận lớn có thể đưa đến bạo hành, bạo lực, gây nghiệp ác, vừa hại người mà cũng hại mình, có thể tù tội mà cũng có thể bị hại trở lại, mất tiền của, mất công ăn việc làm, mất người thân, có khi mất cả mạng sống.
Giận mất khôn. Chúng ta ai cũng biết câu này, cho thấy sự nguy hại của lòng sân hận. Do vậy Đức Phật dạy đoạn trừ Dục, vì Dục sẽ dẫn đến Sân và Sân sẽ dẫn đến Hại. Hại là những hành động chẳng lợi, chẳng tốt cho ai cả, những ác nghiệp chỉ hại người, hại mình vì chính mình phải hứng chịu ác quả vậy. Ba điều, Dục tầm, Sân tầm và Hại tầm cần phải Đoạn Trừ được dạy ở đây. Ba điều này đến từ sự không làm chủ cái Tâm, không điều phục, chế ngự được lòng tham muốn, sự bất toại nguyện đưa đến tức giận và tức giận thì chỉ hại mình, hại người.
Tiếp đến phương pháp thứ hai, đức Phật dạy :
F/ Này Ànanda, thế nào là Ly Tham Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, quán xét rằng chỉ có sự vắng mặt toàn triệt các pháp hữu vi, sự lìa bỏ hoàn toàn các sanh y, sự chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và niết-bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp. Này Ànanda, đây được gọi là Ly tham tưởng.
Ở nơi pháp thứ hai này, Đức Phật nói đến sự Ly Tham, thoạt đầu chúng ta nghĩ không có gì khác với pháp thứ nhất là Đoạn Trừ Tưởng, nói đến sự lìa bỏ, chấm dứt, tẩy xoá Dục tầm, Sân tầm và Hại tầm. Có phần nào đúng như vậy. Nơi pháp Đoạn Trừ Tưởng, Đức Phật dọn đường cho chúng ta từ bỏ, không chạy theo dục lạc, dục không được thoả mãn sẽ gây sân hận, chỉ não hại mình và người khác. Tiếp đến nơi pháp Ly Tham, Đức Phật dạy sâu hơn, khó hơn, đó là từ bỏ, xa rời hoàn toàn các Pháp Hữu Vi, đoạn trừ tận gốc rễ là nơi mà các Pháp Hữu Vi làm chỗ nương tựa và sanh khởi. Chỉ khi nào khát ái, ái nhiễm hoàn toàn chấm dứt mới có thể đạt cái bản chất thanh tịnh thật sự của Niết Bàn. Đây là mục đích cần hướng tới. Và Đức Phật tuần tự chỉ dạy con đường đi đến đích.
Trước tiên, Đức Phật chỉ cho thấy bản chất Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh và Nguy Hại của cái thân Ngũ Uẩn. Ngài dạy không bám vào nó nữa, chẳng hoài công tốn sức với nó mà chuyển qua việc Đoạn Trừ cái tâm thèm khát dục lạc, cùng với cái tâm sân hận thường kèm theo khi dục lạc không được thoả mãn và cái tâm não hại người cũng như hại mình.
Đoạn Trừ rồi, Đức Phật dạy tiếp phải hoàn toàn Ly Tham, không phải cái tham dục lạc mà thôi nhưng chính là cái tâm bám vào các Pháp Hữu Vi, còn được gọi là Pháp Hữu Lậu hay Pháp Thế Gian, các Pháp mà chỉ khi có điều kiện mới sanh khởi được và bản chất của các Pháp này là Vô Thường, Vô Ngã, do duyên mà sinh, cũng do duyên mà diệt. Vậy các Pháp Hữu Vi y cứ, dựa vào đâu để sanh khởi ? Dựa vào cái thân Ngũ Uẩn đó thôi. Dựa vào những gì là vật chất, Sắc, và những gì được gọi là Danh, thuộc tinh thần hay tâm lý. Nơi cái thân Ngũ Uẩn thì đầy đủ cả hai phần Sắc và Danh này. Quá thuận tiện cho các Pháp Hữu Vi sanh khởi. Vì chấp cái thân Ngũ Uẩn này là của ta, là ta, là bản ngã của ta nên móng tâm muốn thụ hưởng dục lạc nơi cái thân này, tức thời bám vào, đeo đuổi, tác ý, tạo tất cả nghiệp, tốt có, xấu có để tìm cầu cảm giác khoan khoái, về phần vật chất, vật lý, sinh lý cũng như tâm lý. Chạy theo các Pháp Hữu Vi thì cũng là chạy theo Nhân và Quả, khó lòng tránh khỏi, gieo Nhân rồi thì chờ ngày chịu Quả. Pháp Hữu Vi không nằm ngoài luật Nhân Quả. Một khi mà con người, qua các hành động có tác ý, tạo nghiệp thì con người phải đi trên lộ trình của luật Nhân Quả và tất nhiên là rơi vào vòng Luân Hồi. Không có Luân Hồi thì Nhân Quả cũng không có đất hay điều kiện để hoạt động.
Đức Phật dạy chúng ta Ly Tham các Pháp Hữu Vi đồng thời chỉ cho chúng ta đi ra khỏi Luân Hồi. Lìa các Pháp Hữu Vi cũng là lìa khát ái, đắm nhiễm mà hướng về các Pháp Vô Vi, còn được gọi là Pháp Vô Lậu hay Xuất Thế Gian, không điều kiện để sinh khởi như Pháp Hữu Vi, tất nhiên là không theo lộ trình của sự tạo nghiệp, phải khép mình vào luật Nhân Quả, dẫn đến Luân Hồi trong Lục Đạo, Tam Giới. Pháp Vô Vi không sinh khởi, không hoại diệt, không bắt đầu, không chấm dứt.
Lìa Pháp Hữu Vi là phải lìa tận gốc những nhân tố, những điều kiện đưa đến tái sinh, luân hồi gọi đó là Sanh Y được ví như nhiên liệu của một ngọn đèn, nếu được tiếp thêm vào thì ngọn đèn tiếp tục cháy đỏ, nếu không được tiếp thêm vào thì ngọn đèn sẽ bị tắt, không còn điều kiện tồn tại.
Chuyển sang Pháp Vô Vi là cắt đứt nguồn nhiên liệu tái sinh, cắt đứt các trói buộc dẫn đến sự hiện hữu, thoát ly sinh tử luân hồi vì đã thấy rõ khổ đau của sự kiện hiện hữu, nhận ra gánh nặng sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não của thân Ngũ Uẩn, nên không còn ham muốn tái sinh hay tiếp tục có mặt trong các cảnh giới luân hồi
Thực hành Pháp Vô Vi cũng là khi buông bỏ, không chạy theo, không tìm cầu, nuôi dưỡng các cảm giác và cũng là ảo giác do Lục Căn Lục Trần đem lại, Tâm sẽ hoàn toàn thanh tịnh và thuần an tịnh.
Đức Phật dạy rõ sự chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và Niết-Bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp. Pháp Vô Vi cũng được hiểu là Niết Bàn tịch diệt vậy.
Nơi pháp thứ hai này về Ly Tham Tưởng thì chúng ta cần chuyên cần, tinh tấn thực hành như lời Phật dạy là chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm. Khao khát thụ hưởng dục lạc và khởi tâm luyến ái, thương người này, ghét người kia, thích điều này, chán điều kia, muốn như ý thì phải loại trừ điều bất như ý, cứ thế mà tạo nghiệp. Chỉ có Niết Bàn là thanh tịnh, thù diệu do chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm. Các Pháp Hữu Vi không còn chỗ nương dựa để sanh khởi.
Sau khi dạy Ly Tham hoàn toàn các Pháp Hữu Vi, Đức Phật dạy tiếp :
G/ Này Ànanda, thế nào là Tịch Diệt Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, quán xét rằng chỉ có sự vắng mặt toàn triệt các pháp hữu vi, sự lìa bỏ hoàn toàn các sanh y, sự chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và niết-bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp. Này Ànanda, đây được gọi là Tịch diệt tưởng.
Đọc qua đoạn kinh này, chúng ta nhận rằng lời lẽ giống y đoạn trước dạy về Ly Tham Tưởng. Lời lập lại ở đây chỉ là để nói về Niết Bàn : « …chỉ có sự vắng mặt toàn triệt các pháp hữu vi, sự lìa bỏ hoàn toàn các sanh y, sự chấm dứt khát ái, ly ái nhiễm và niết-bàn mới thật sự là thanh tịnh, thù diệu nhất trong các pháp ».
Vậy thì chúng ta cần hiểu rõ Niết Bàn là gì ? Chúng ta đã học qua bài Kinh Châu Báu, nơi bài kệ số 4, Đức Phật đã xướng lên như sau :
Đoạn diệt và ly tham, Bất tử và thù diệu. Phật Thích-Ca Mâu-ni, Chứng Pháp ấy trong thiền, Không gì sánh bằng được, Với Pháp thù diệu ấy. Như vậy, nơi Chánh Pháp, Là châu báu thù diệu, Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc.
Đấy là Đức Phật đang định nghĩa cho chúng ta về Niết Bàn : Đoạn diệt và ly tham, bất tử và thù diệu.
Thêm một định nghĩa khác về Niết Bàn :
"Ai còn tham luyến (tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi), thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không thiên chấp (nati). Ai không thiên chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau". (Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh 4/65, 1982)
Và cũng nơi Kinh Châu Báu, chúng ta đã học rất rõ ràng về định nghĩa Niết Bàn, xin trích dẫn :
Niết Bàn là Pháp Vô Vi, vô điều kiện, không nương tựa vào các yếu tố, không do Duyên Sinh mà có. Ngược lại, do diệt trừ Tham ái mà vượt ra ngoài vòng luân hồi sinh tử, giải thoát, nên Niết Bàn Bất Tử và Thù Diệu, thù thắng vì đem lại trạng thái an lạc, vắng bặt phiền não, không còn lệ thuộc vào sự sanh diệt của các Pháp. Không bị sanh thì làm gì có diệt nên Niết Bàn là Bất Tử.
Niết Bàn là Pháp Siêu Thế, vượt ra ngoài ngôn ngữ hạn hẹp và phải cần chứng đắc do đó có diển tả như thế nào vẫn khó hiểu, vẫn nguyên là một phạm trù trừu tượng.
Gốc Phạn ngữ, Nirvana hay gốc Pali là Nibbana, phiên âm là Niết Bàn có nghĩa là không còn ái dục. Không còn ái dục tức là Ái Diệt. Và Ái Diệt thì cũng Khổ Diệt. Trạng thái không khổ, tịch tĩnh, an lạc là Tịch Diệt, do đã đoạn diệt cái Tâm ô nhiễm tham sân si, không còn bị trói buộc bởi 10 thứ kiết sử như Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục, Sân, Hữu ái, Vô hữu ái, Mạn, Trạo cử và Vô minh, đoạn trừ vọng tưởng, không còn dính mắc vào các thứ chấp trước, chấp Thủ, chấp Hữu, chấp Ngã. Trạng thái tịch tĩnh này chính là Niết Bàn.
Niết Bàn còn được hiểu là sự ra đi khỏi khu rừng. Rừng vô Minh, mê muội, rừng phiền não trói buộc, khổ não bức bách vừa thân vừa tâm.
Niết Bàn là trạng thái chứng đắc của Tâm, không thể nói có một cõi nào đó tên là Niết Bàn. Và trạng thái an lạc này ai cũng có thể chứng đạt nếu tu tập đúng đường, đúng cách, đúng Chánh Pháp. Có thể thực hiện ngay trong đời hiện tại, lúc còn cái thân Ngũ uẩn, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Và Vô Dư Y Niết Bàn là quả chứng đắc sau khi thân hoại mạng chung.
Một định nghĩa khác về Niết Bàn qua kinh Phật Tự Thuyết : Này các Tỳ kheo, có xứ này, tại đó không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô biên, không có phi tưởng, phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có mặt trăng, không có mặt trời. Do vậy ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không diệt, không sanh, không có chuyển vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau, này các Tỳ kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nếu không có sự không sanh, không bị làm, không hữu vi thời ở đây không thể có sự trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, khỏi bị làm, khỏi hữu vi. Vì rằng này các Tỳ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi nên mới có thể trình bày sự xuất ly khỏi sinh, khỏi hiện hữu, khỏi bị làm và khỏi hữu vi. Cái gì không nương tựa thời không có dao động. Không có dao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sinh, không có diệt và sinh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa, đây là sự đoạn diệt khổ đau”. ( Trích Vô Ngã là Niết Bàn, cố HT Thích Thiện Siêu )
Tuy Niết Bàn đã được Đức Phật định nghĩa rõ ràng như trên nhưng phàm phu chúng ta chưa thấu triệt nên vẫn có những câu hỏi như :
- Có gì ở sau Niết Bàn ? Cái gì xảy ra cho một vị Phật hay A La Hán sau khi chết ? Vô Ngã thì ai nhập Niết Bàn ? Chúng ta cũng phải tự suy nghĩ câu trả lời qua các lời dạy của Phật, qua kinh điển của hai truyền thống, Nam truyền và Bắc truyền, cũng như các lời dạy của chư Tổ. Niết Bàn thường được diển tả với các câu phủ định, ngược lại với cõi sinh tử luân hồi mà chúng ta đang sống. Tứ Thánh Đế thứ ba gọi là Diệt Khổ, và một khi Khổ được diệt trừ là Niết Bàn. Giản dị như vậy. Niết Bàn chúng ta phải tự chứng đắc, như nơi kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật đã dạy: Thánh Đế về Khổ Diệt cần chứng đạt.
- Đức Phật đã dạy Vô Ngã thì đâu có ai mà nói Nhập Niết Bàn. Chính Đức Phật cũng chẳng có để nhập Niết Bàn ! Sách Thanh Tịnh Đạo dạy : “ Chỉ có sự khốn khổ, không có người khốn khổ. Cũng không có người hành động, không ai hết, ngoại trừ hành động. Có Niết Bàn nhưng không có người tìm Niết Bàn. Có con đường nhưng không có người đi trên con đường”. (Trích Đức Phật và Phật Pháp, Narada)
- Nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận, không có Ngã, đó là thuộc Chân Lý tuyệt đối hay Chân Đế. Chúng ta đang sống trong cảnh giới tương đối với cái chân lý của thế tục hay Tục Đế với cái Ngã qui ước, có tạo nghiệp thì có thọ lảnh cái quả của nghiệp đã tạo, không trốn tránh vào đâu được. Chỉ trừ khi chúng ta đang thực hiện con đường tiến đến Chân Đế với cái tâm Vô Tác, Vô Tướng, Vô Nguyện và với Tứ Vô Lượng Tâm, Từ Bi Hỷ Xả thì chúng ta thực sự đang sống với cái Vô Ngã, không bị khổ, phiền não, tham sân si nghiệp chướng bức bách. Nhưng nếu chúng ta nói Vô Ngã mà vẫn mang thái độ sống ích kỹ, tham cầu tất cả cho mình, không chịu được khổ, sân hận với chung quanh thì chúng ta nói Vô Ngã chỉ là trên đầu môi chóp lưỡi.
- Niết Bàn dùng để vào mục đích gì ? Đức Phật đã trả lời cho một vị Thầy tu tên là Radha đã thắc mắc về mục đích của Niết Bàn : “Này Radha, câu hỏi ấy không nhằm chỗ, người ta sống đời sống thánh thiện với Niết Bàn như là sự thể nhập cuối cùng vào chân lý tuyệt đối, như mục đích của đời sống, như cứu cánh tối hậu của nó”. ( Trích Con Đường Thoát Khổ, W. Rahula, Thích Trí Hải dịch)
- Có thể tìm thấy trong kinh điển các câu khó hiểu cho phật tử sơ cơ như chúng ta, thí dụ : Vô hữu Niết Bàn Phật, Vô hữu Phật Niết Bàn ( Không có Đức Phật chứng Niết Bàn và cũng không có Niết Bàn Phật chứng. Kinh Lăng Già ). Hoặc Sinh Tử tức Niết Bàn. Phiền Não tức Bồ Đề, tư tưởng Phật giáo Bắc Tông phá vỡ lối suy nghĩ nhị nguyên, phân biệt của chúng ta. Hoặc trong kinh Lăng Nghiêm có câu “Này A-nan, cội gốc của sinh tử là sáu căn của ông, cội gốc Bồ đề Niết Bàn cũng là sáu căn của ông”.
Vậy chúng ta hãy số gắng vượt khỏi lối suy luận nhị nguyên, đối đãi, tương đối và giới hạn, chỉ dựa trên những khái niệm trừu tượng để chuyên tâm vào sự thực hành và thực chứng như chính đức Phật đã dạy qua bài Kinh Chuyển Pháp Luân : Thánh Đế về Khổ cần phải hiểu rõ. Thánh Đế về Khổ Nhân cần được đoạn trừ. Thánh Đế về Khổ Diệt cần chứng đạt. Thánh Đế về Con Đường đưa đến Khổ Diệt cần được tu tập.
Như có câu chuyện ngụ ngôn về Rùa và Cá. Cá thì chỉ biết nước, nếu Rùa có diển tả cách mấy đi nữa Cá vẫn không thể hình dung đất liền là như thế nào. Cũng thế dù Phật hay A La Hán có nói cho phàm phu chúng ta Niết Bàn như thế nào, phải dùng ngôn ngữ của thế gian để mô tả trạng thái siêu thế thì cũng không dễ, chúng ta không thể hình dung nếu chính chung ta không chứng đắc Niết Bàn, trải nghiệm trạng thái thực sự an lạc của Niết Bàn. Vậy không có gì quan trọng hơn là sự tu tập để đạt Niết Bàn, tự chứng, tự ngộ hơn là chờ giải đáp của người khác. Đức Phật cũng từng nói Ngài chỉ là người chỉ đường.
Tham khảo thêm https://quangduc.com/a74683/hoc-hieu-va-hanh-kinh-chau-bau-tiep-theo-3-
Sau khi dạy Niết Bàn là cần tu cần chứng đạt, đức Phật dạy tiếp :
H/ Này Ànanda, thế nào là Yếm thế tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo loại trừ, lìa bỏ không chấp trước các ý niệm nắm níu, hy cầu đối với thế gian. Này Ànanda, đây được gọi là Yếm Thế Tưởng.
Yếm thế là chán ngán thế gian. Nhưng Thế Gian là gì ? Thông thường nói đến thế gian là chúng ta nghĩ đến thế giới chung quanh chúng ta, là nhân gian, dân gian, là cuộc đời nói chung. Chi tiết hơn, chúng ta hiểu Thế là nói thời gian, tức là cái gì chuyển động, không đứng yên một chỗ. Gian là nói không gian, cái gì có thể dung chứa, dung nạp, khoảng trống, ở giữa, như không gian thì mới có thể dung chứa tất cả như con người, con vật, sự vật, cây cỏ, mặt trời, mặt trăng, thiên nhiên. Không gian dung nạp cái gì có sự chuyển động nên Vô Thường là đặc tính của Thế Gian. Thế gian là Thế Giới, là Vũ Trụ, rộng lớn, vô biên, mắt con người có thể không thấy được hết.
Theo Phật Giáo thì Thế Gian bao gồm tất cả loài Hữu Tình như con người chúng ta và cả Vô Tình như sự vật chung quanh con người. Và rộng hơn nữa là Lục Đạo, sáu đường sanh tử vào ra trong cõi Luân Hồi là cõi Trời, Thần A Tu La, Người, Súc Sinh, Ngạ Quỉ và Địa Ngục. Nói chung là Tam Giới, gồm các cõi Dục, Sắc và Vô Sắc giới. Cho dù ở cõi nào thì vẫn bị chi phối bởi Vô Thường, không thể thường hằng, vĩnh cữu. Vì các cõi này đều thuộc Pháp Hữu Vi. Hữu Vi thì có sanh, có diệt và phải hội đủ điều kiện mới có thể sanh khởi và cũng như hoại diệt. Hữu Vi lệ thuộc vào Pháp Duyên Khởi hay Duyên Sinh.
Chán ngán vì thấy được bản chất Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh, Nguy Hại mà Đức Phật đã chỉ rõ nơi Bốn Pháp Quán Niệm, là bốn đoạn đầu của bài Kinh, và tiếp đến Đức Phật dạy Đoạn Trừ tận gốc các Pháp Hữu Vi mà rõ nhất, gần nhất là chấp vào cái thân Ngũ Uẩn là của ta, là ta, là bản ngã của ta. Có một cái ta thì cũng có tỷ tỷ, triệu triệu, hằng hà sa số cái ta khác chung quanh. Xung đột, chống đối nhau là điều không thể tránh. Khổ đau muộn phiền là điều tất yếu, đành phải chịu Tám Khổ mà Đức Phật dạy nơi bài Kinh Chuyển Pháp Luân :
« Này các Tỳ kheo, đây là Thánh Đế về Khổ : Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, oán thù tụ hội là khổ, thương yêu biệt ly là khổ, mong cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ uẩn là khổ. »
Người hay vật, vật chất hay tinh thần, cụ thể hay trừu tượng, có hình tướng hay không hình tướng, tất cả các hiện tượng, nói chung là tất cả những gì thuộc Pháp Hữu Vi, đặc biệt là Dục Giới, cõi người của chúng ta, có cái thân do Tứ Đại hợp thành là Sắc cộng thêm phần tâm lý là Danh, đều mang tính chất Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh, Nguy Hại và tùy thuộc vào Lý Duyên Khởi, luật Nhân Quả Nghiệp Báo, ở trong Pháp Hữu Vi là giam mình trong ngục tù của Luân Hồi Sinh Tử. Thấy rõ bản chất Khổ của thế gian như vậy thì sinh lòng chán ngán.
Chán ngán thế gian thì phải sống như thế nào đây ? Từ bỏ tất cả, xa lánh mọi người, mọi sinh hoạt ? Những ai không có gì ràng buộc thì có thể làm được, nhưng đã lỡ có gia đình, cha mẹ, con cái thơ dại, người thân phải lo lắng, còn gánh trách nhiệm, còn bổn phận và đối với xã hội cũng vậy, vẫn còn giúp ích được qua nghề nghiệp của mình, vẫn còn những người đang cần sự cộng tác của mình vậy có bỏ ngang mọi chuyện được không ?
Chắc chắn là không thể. Và Đức Phật không kêu gọi sự từ bỏ như thế, nếu chấp nhận cho một vị nào xuất gia chắc hẳn Đức Phật cũng phải xem xét hoàn cảnh của từng người. Có người phê phán Đức Phật vì chính Ngài cũng từ bỏ cha mẹ, vợ con nhưng họ quên rằng vì một mục đích cao thượng mà Ngài phải bỏ đi, nếu không tự ý bỏ đi thì không có cách nào khác và Ngài cũng biết rằng sự vắng mặt của mình không gây những hậu quả trầm trọng, nơi cung điện nhà Vua thì chẳng thiếu thốn điều gì, có người hầu hạ, chăm sóc, canh chừng ngày đêm, không có mặt Ngài mọi việc vẫn tiếp diễn bình thường.
Chính nhờ sự bỏ đi mà Ngài mới đắc đạo và truyền bá Giáo Pháp cho chúng ta đến ngày nay. Không thể phê phán Đức Phật vì Ngài đã trở lại hoàng cung để tiếp độ Vua cha, dì kế mẫu mà sau này mới có Ni Chúng, công chúa vợ Ngài cũng xuất gia và con trai là La Hầu La, đã trở thành một trong những đệ tử lớn của Ngài. Sự việc thành lập Tăng Đoàn và truyền bá Giáo Pháp là một hành động đầy lòng Từ Bi, không phải chán ngán, từ bỏ Thế Gian, ngược lại là sát cánh, kề cận, dấn thân để cứu giúp chúng sinh, trực tiếp là chư Thiên và loài người.
Đức Phật đã kêu gọi các đệ tử : « Này các tỳ khưu, ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một đường. Này các tỳ khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa. Này các tỳ khưu, ta cũng sẽ đi đến ngôi làng của Senāni ở Uruvelā cho việc thuyết giảng Giáo Pháp. » ( Tạng Luật. Đại Phẩm, Chương Trọng Yếu )
Chúng ta thấy rõ đức Phật không hề từ bỏ thế gian này. Cũng nơi đoạn Kinh vừa nêu trên, chúng ta đọc thấy Đức Phật dạy Ngài đã thoát khỏi tất cả sự trói buộc thuộc về cõi Trời và loài người, cũng được hiểu là các trói buộc thuộc về Thế Gian.
Đọc kỹ lời Phật dạy nơi Kinh Girimananda chúng ta sẽ hiểu điều gì đáng từ bỏ, cũng chính là những trói buộc của cõi Trời và loài người, nói tóm lại là của Thế Gian :
Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo loại trừ, lìa bỏ không chấp trước các ý niệm nắm níu, hy cầu đối với thế gian.
Loại trừ, lìa bỏ, không chấp trước các ý niệm nắm níu, hy cầu đối với thế gian được hiểu là chúng ta cần buông bỏ, không đeo đuổi, nắm bắt, mong cầu, khát khao, chính những nghĩ suy, ý tưởng nuôi dưỡng nơi tâm tư, cái lòng luyến ái, yêu thương cũng như oán ghét, là động cơ thúc đẩy chúng ta hành động, tạo nghiệp với mục đích là thỏa mãn mọi điều mong cầu, khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc nơi cõi người và cao hơn là cõi Trời. Riêng nói về cái thân Ngũ Uẩn, gần nhất là nơi các giác quan, mắt không thể chỉ thấy là thấy mà mắt luôn thấy kèm theo các ý nghĩ, ý niệm, đủ điều phân tích, phân biệt, phê phán đối tượng tốt, xấu, ưa thích hay không…rồi tìm cách sở hữu, đem về cho riêng mình, phải như ý mình muốn mới được, phải làm thỏa mãn cho được, ôm ấp, duy trì hay ngược lại là loại trừ vì không như ý mình muốn, không đem lại khoái lạc, cảm giác sung sướng, hạnh phúc. Nói tóm lại là khi mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân thể đụng chạm và cả ý tưởng trừu tượng, tất cả đều phải đem lại hạnh phúc, không thể là khổ đau. Chúng ta chỉ chạy theo Lạc, và cố gắng loại trừ Khổ. Tuy nhiên, dù Khổ hay Lạc, hai tính chất này đều thuộc Pháp Hữu Vi, nếu có muốn chạy theo Lạc mà thôi thì nó cũng Vô Thường, sẽ hoại diệt, không trường tồn. Như vậy là Khổ sẽ tiếp nối. Có trường hợp không Khổ cũng không Lạc nhưng vẫn là Vô Thường, trạng thái này cũng chấm dứt, không trường tồn.
Đức Phật dạy không ý niệm nắm níu, hi cầu gì đối với thế gian tức là chúng ta phải buông bỏ hoàn toàn, không chạy theo Lạc, không chạy theo Khổ và cũng không chạy theo trạng thái vô Ký, không khổ không lạc. Vì tất cả đều Vô Thường và chỉ đem lại khổ đau.
Nơi Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy : « Có hai điều cực đoan mà người xuất gia không nên làm theo. Những gì là hai ? Đắm say dục lạc thấp hèn, đê tiện, phàm phu, không ích lợi, không cao cả. Hai là lao mình trong khổ hạnh, đau khổ, không cao cả, không ích lợi » Đây là hai thái độ sống mà con người rất dễ lao vào, trước khổ đau, bịnh tật và cái chết chờ đợi ở cuối đời, thì bám vào sự thụ hưởng dục lạc, tự suy luận, trước sau gì cũng già, cũng bệnh, cũng chết, tội gì không hưởng cho sướng cái thân và ngược lại, có người thì hành hạ cái thân vì cho rằng do cái thân mà phải lao đao khổ nhọc, chăm sóc nó, nô lệ nó làm chi, hoặc ép xác, chịu khổ mà cho là đang trừng phạt nó, tội lỗi theo đó sẽ được tiêu trừ.
Đức Phật dạy hai thái độ sống này đều sai lầm và không nên làm theo : « Này các tỳ kheo, xa lánh hai điều cực đoan này, Như Lai chính giác, chứng ngộ Trung Đạo, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, Niết Bàn. »
Xa lánh hai điều cực đoan thì dễ nhận nhưng vẫn có người lầm lẫn, khi ở trong trạng thái Vô Ký, bình thường, trung bình, không khổ không vui thì họ nghĩ rằng như vậy là tránh được hai cực đoan, cũng là Trung Đạo. Nhưng không thể như vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ Trung Đạo mà Đức Phật dạy :
« Này các Tỳ Kheo, thế nào là Trung Đạo do Như Lai chính giác, chứng ngộ, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, Niết Bàn ? Đó là Thánh Đạo Tám Ngành, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Này các Tỳ Kheo, Tám Thánh Đạo này là Trung Đạo do Như Lai chính giác, chứng ngộ, phát sinh sự thấy, sự hiểu, đưa đến an tịnh, thắng trí, Niết Bàn. » ( Kinh Chuyển Pháp Luân )
Như vậy thực hành Trung Đạo là thực hành con đường Bát Chánh. Không phải giữ thái độ Vô Ký mà gọi là Trung Đạo. Cho dù Vô Ký là không thiên lệch qua một cực đoan nào cả, song nó cũng chỉ là một trạng thái của tâm, không nhất định mãi mãi ở trong trạng thái đó, bản chất vẫn là Vô Thường. Chỉ có thực hành Bát Chánh Đạo, trọn vẹn, đầy đủ Giới, Định Tuệ mới được gọi là Trung Đạo.
Chúng ta giữ Giới ( Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng ) đều phải có Định (Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) để giữ tâm không dao động, an nhiên, thanh thản trước mọi tình huống và phải có Tuệ ( Chánh Kiến, Chánh Tư Duy ) giúp chúng ta sáng suốt, suy nghĩ đúng, hành động đúng, Thân Khẩu Ý không bị điều động bởi Tham Sân Si, không bị Vô Minh che lấp tâm tánh, không sợ lạc đường, sai đường. Chính nhờ Giới Định Tuệ mà chúng ta có thể « loại trừ, lìa bỏ không chấp trước các ý niệm nắm níu, hy cầu đối với thế gian » theo đúng như lời dạy trong kinh khi quán niệm về Yếm Thế Tưởng.
Trở lại cái ý ban đầu, nói về sự chán ngán thế gian, hiểu đúng như lời Phật dạy là chúng ta không nhất thiết chán ngán thế gian mà từ bỏ hết mọi chuyện trên đời, điều đáng từ bỏ là lòng chấp trước, các ý niệm bám víu, nắm giữ và mong cầu đối với thế gian. Thế Gian không nằm ngoài cái thân Ngũ Uẩn này của chúng ta, như lời Phật dạy nơi Kinh Tạp A Hàm :
« Như Lai tuyên bố rằng thế gian, nguồn gốc thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian đều nằm trong tấm thân một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng »
Vậy ngay nơi cái thân này mà cần có sự tu tập, không còn chấp trước, chấp thủ chỉ để cung phụng, đeo đuổi theo dục lạc, Sắc dục cũng như Danh dục, và chỉ biết đến mình, hay người thân của mình, ích kỷ thiếu vị tha, khư khư bám vào cái của ta, là ta, là bản ngã của ta. Con đường tu tập, thái độ sống đúng đắn chính là noi theo Bát Chánh Đạo. Bất cứ ở đâu, xuất gia hay tại gia, già, trẻ, ai ai cũng có thể tu tập theo Bát Chánh Đạo, người ở chốn hẻo lánh, độc cư, thanh tịnh cũng như người nơi chốn thị thành, huyên náo. Không nhất thiết phải xa lánh mọi người, mọi sinh hoạt nơi đời. Yếm Thế Tưởng không mang tính tiêu cực như chúng ta thoạt nghĩ.
Tiếp đến, Đức Phật dạy :
I/ Này Ànanda, thế nào là Hữu vi hoại tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo cảm thấy xấu hổ, chán ghét, nhờm tởm, đối với tất cả hữu vi. Này Ànanda, đây được gọi là Hữu Vi Hoại Tưởng.
Chúng ta đã định nghĩa Pháp Hữu Vi ở các phần trên, tiếp đây thêm một định nghĩa thật rõ từ lời Phật dạy :
« Cái sanh, trở thành, khởi phát, cấu tạo. Và do đó không bền vững, trái lại phải chịu sanh và tử. Một sự cấu thành, một ổ bịnh hoạn mong manh. Một sự sống nhờ vật thực, một sự sống phát sanh, không đáng chút nào cho ta thích thú. » ( Kinh Phật Thuyết Như vậy, Tiểu Bộ Kinh )
Các Pháp Hữu Vi sanh khởi, hiện hữu đều phải có điều kiện hỗ trợ. Cho dù là vật chất, vật lý hay tâm lý, là con người, động vật hay thiên nhiên, các hiện tượng, hữu hình, vô hình… tất cả đều nương nhờ vào các yếu tố làm Nhân, làm Duyên để sanh khởi. Con người với cái thân Ngũ Uẩn, muốn duy trì sự hiện hữu hay mạng sống thì cần hấp thụ các thức ăn nuôi dưỡng, được phân chia làm Bốn Loại Thức Ăn như sau :
- Đoàn Thực, thức ăn có thể đưa vào miệng, nhai, nuốt.
- Xúc thực, các cảm thọ do các giác quan đem lại, có thể Khổ, Lạc và không khổ không lạc.
- Tư Niệm Thực, suy tư và ghi nhớ, thường là những điều mình khao khát, ôm ấp muốn thực hiện, muốn sở hữu, nhưng cũng có thể là những điều không muốn.
- Thức Thực, được ví như một dòng Tâm Thức, dòng sông tuôn chảy không ngừng nghỉ, mang theo tất cả các cảm thọ buồn vui sướng khổ cũng như tất cả các điều nghĩ tưởng, ghi nhớ, mong cầu, khao khát hay muốn xua đuổi, đoạn trừ. Dòng Tâm Thức này nuôi dưỡng, duy trì ký ức và làm nhân cho Thức Tái Sinh, chuyển tiếp qua một cuộc sống, mạng sống khác khi cuộc sống hay mạng sống này vừa chấm dứt.
Con người chúng ta với cái thân Ngũ Uẩn thì đều cần Bốn Thứ Thức Ăn như trên nhưng chúng ta có thể biết hạn chế, thực hành Thiểu Dục Tri Túc, biết lựa chọn, và nuôi dưỡng những gì tốt cho dòng Tâm Thức để hoàn thiện cuộc sống cũng như thoát ra khỏi những Nhân Tố thúc đẩy tái sinh, rơi vào vòng Luân Hồi Sinh Tử. Vòng Luân Hồi thì có Lục Đạo, Tam Giới và cũng có Bốn loại sanh ra : Noãn sanh (sanh từ trứng), Thai sanh, (sanh từ bào thai), Thấp sanh (sanh từ chỗ ẩm thấp ) và Hóa sanh ( sanh ra do biến hoá).
Đức Phật dạy tiếp nơi Kinh Phật Thuyết Như Vầy :
« Sự thoát ra ngoài trạng thái ấy, thực tế, ngoài phạm vi luận lý, bền vững, vô sanh, bất khởi phát. Không phiền não, con đường không ô nhiễm. Con đường chấm dứt mọi thống khổ, thoát khỏi mọi lo âu. Để đến vắng lặng và hạnh phúc. »
Muốn thoát ra khỏi những Nhân Tố trói buộc, dẫn dắt vào vòng sinh tử khổ đau, Đức Phật dạy : thấy xấu hổ, chán ghét, nhờm tởm, đối với tất cả hữu vi.
Xấu hỗ vì đã quá cung phụng cho cái thân này, quá ham muốn dục lạc, quá luyến ái, quá dễ duôi, không tự chế, không điều phục tâm mình.
Đức Phật dạy tiếp, một cách quyết liệt, mạnh mẽ là khuyên chúng ta phải chán ghét, nhờm tởm đối với các Pháp Hữu Vi. Chỉ có thái độ thật dứt khoát, triệt để, mới có thể buông bỏ, đoạn trừ các Nhân Tố làm phát khởi, duy trì sự tái sinh đưa đến hoại diệt để chuyển sang con đường chấm dứt mọi thống khổ, đưa đến trạng thái Vô Sanh. Nếu không nhất tâm, nhất quyết như vậy thì chúng ta sẽ mãi mãi không chịu ra khỏi nhà lửa, không chịu dập tắt những ngọn lửa, để cho những ngọn lửa thiêu đốt, bùng cháy mãi như lời Phật dạy :
Toàn thể thế gian nằm trong những ngọn lửa. Lửa gì đã nhúm lên những ngọn ấy ? Chính lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa phiền não, lửa ta thán, lửa khổ sở, lửa thất vọng đã nhúm những ngọn ấy. ( Trích Đức Phật và Phật Pháp. Narada Thera )
Chính các ngọn lửa của tham sân si, của sanh lão bệnh tử, gây sầu bi khổ ưu não, khổ vì chấp vào cái thân Ngũ Uẩn này là của ta, là ta, là bản ngã của ta nên phải chịu rước lấy Tám Khổ mà Đức Phật đã dạy rõ nơi bài Pháp đầu tiên, dù có vô lượng hằng hà sa số các khổ khác nhau nhưng căn bản không nằm ngoài Tám Khổ đó và Đức Phật dạy Hữu Vi Hoại Tưởng để chúng ta chuyên cần, tinh tấn nổ lực, nơi thế gian hực lửa, cháy bỏng mà biết chán ghét, nhờm tởm các ngọn lửa đó.
Chúng ta nên nhận những lời dạy thẳng thắn, cứng rắn khuyên răn hoặc nói lên những sự thật làm đau lòng như diển tả cái thân là một ổ bịnh hoạn mong manh, túi da bọc đồ dơ bẩn…Chúng ta cần nhận sự thẳng thắn của Đức Phật như một liều thuốc đắng, thuốc đắng dã tật, như thế mới hiệu nghiệm và chửa trị được bệnh, không xem đó là những lời bi quan, yếm thế theo nghĩa thường tình, nông cạn của chúng ta. Chúng ta yếu đuối, dễ duôi, trước khổ đau chỉ muốn tìm những giải pháp dễ dàng, giản dị nhất, lý luận cứ sống với hiện tại, hưởng được cái gì thì hưởng, chuyện gì mà lo xa, mất ăn mất ngủ…Con người chuyển năng lượng tiêu cực nơi mình bằng cách giải trí, du hí, tìm đến nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, múa, kịch… hay thể thao và ngay cả tu tập thiền định cũng chỉ mong hưởng những phút giây thoải mái, không bị căng thẳng, lo âu, do áp lực của đời sống, của công ăn việc làm hay của bịnh tật hoặc lao mình vào phục vụ chung quanh, nghĩ rằng mình đang thực hiện con đường Bồ Tát, nhưng thật ra tất cả đó chỉ là những giải pháp tạm thời thuộc Pháp Thế Gian, vẫn còn là Pháp Hữu Vi chưa phải là giải pháp rốt ráo, Pháp Xuất Thế Gian, hay Pháp Vô Vi như Phật dạy.
Chính qua lời Kinh thẳng thắn, mạnh mẽ, quyết liệt mới thúc đẩy chúng ta tìm đến sự giải thoát thực sự, rốt ráo. Bồ Tát dấn thân nơi đời, có vị đã từng tu tập viên mãn và có vị chưa viên mãn thì không ngừng tu tập song song với việc phụng sự cho chung quanh, sau khi chung quanh tạm thời bớt khổ thì các vị sẽ dẫn dắt tu tập Giáo Pháp, chỉ có Giáo Pháp mới đưa đến giải thoát rốt ráo, như thế thật là trọn vẹn con đường Bồ Tát.
Đến đây chúng ta vừa học xong 5 Pháp Quán Tưởng bao gồm Đoạn Trừ, Ly Tham, Tịch Diệt, Yếm Thế và Hữu Vi Hoại Tưởng, những lời dạy thiết thực, lời nhắn nhũ chúng ta cần phải có một ý chí mãnh liệt, quyết tâm, dứt khoát, nhận rõ bộ mặt thật của thế gian là Khổ hay Khổ Đế, nhưng không bi quan, tiêu cực mà hướng về sự đoạn trừ, chấm dứt nguyên nhân của Khổ hay Tập Đế, và tất cả những lời dạy qua những Pháp Quán Niệm hay Quán Tưởng này đều là những phương pháp cần thực hành, chính là Đạo Đế, chắc chắn sẽ đưa đến Khổ Diệt hay Diệt Đế.
Hãy tự tạo hòn đảo
Tinh cần và sáng suốt
Trừ cấu uế, thanh tịnh
Ngươi đạt chứng Thánh Địa. ( Kinh Pháp Cú. Phẩm Cấu Uế, 236 )
Xin hẹn các đạo hữu, độc giả cùng học tiếp phần cuối bài Kinh dạy về Pháp Quán Niệm Thứ 10, phương pháp trụ vào hơi thở vào ra để có Chánh Niệm Tỉnh Thức, hỗ trợ đắc lực, hữu hiệu cho 9 Pháp Quán Niệm nói trước được thành tựu viên mãn.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nhật Duyệt LKTH
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 52.15.185.147 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập