Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Bạn có thể lừa dối mọi người trong một lúc nào đó, hoặc có thể lừa dối một số người mãi mãi, nhưng bạn không thể lừa dối tất cả mọi người mãi mãi. (You can fool all the people some of the time, and some of the people all the time, but you cannot fool all the people all the time.)Abraham Lincoln
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Hoàn cảnh không quyết định nơi bạn đi đến mà chỉ xác định nơi bạn khởi đầu. (Your present circumstances don't determine where you can go; they merely determine where you start.)Nido Qubein

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Đọc “Phật Giáo và Chánh Trị tại Việt Nam Ngày Nay” của Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào »»

Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Đọc “Phật Giáo và Chánh Trị tại Việt Nam Ngày Nay” của Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào

Donate

(Lượt xem: 6.763)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Đọc “Phật Giáo và Chánh Trị tại Việt Nam Ngày Nay” của Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào

Đây là luận án Tiến Sĩ đệ trình tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1972. Tài liệu gồm 700 trang đánh máy, chưa bao giờ in thành sách, vừa được đưa vào Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (2018). Luận án này được bảo trợ và hướng dẫn bởi cố GS. Nguyễn Văn Bông, Thạc Sĩ Công Pháp (*), nguyên Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

Tôi có một vài kỷ niệm nhỏ với Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào. Khi tôi bước vào Đại Học Luật Khoa Sài Gòn năm 1962 nằm trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát” thì Ô. Hoàng Xuân Hào đang là Phụ Khảo cho Giáo Sư Vũ Văn Mẫu dạy môn Tư Pháp năm Thứ Nhất. Như thế Hoàng Xuân Hào ít ra phải học Luật trước tôi 5 năm. Khi tôi tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa thì không còn biết gì về Hoàng Xuân Hào nữa cho đến khi báo chí loan tin ông đắc cử vào Liên Danh Thượng Nghị Viện và trở thành Thượng Nghị Sĩ. Với chức vụ này, sau 1975, ông bị đưa đi cải tạo 16 năm và định cư vào Hoa Kỳ rất muộn. Tại San Diego, California, ngày nào ông cũng trì tụng Kinh Pháp Hoa, ẩn cư, không giao tiếp với ai. Thỉnh thoảng tôi có gọi điện thoại, nhất là dịp Tết để thăm hỏi “Đại Ca”, may mắn lắm mới được ông tiếp chuyện và tôi rất mong được đọc luận án Tiến Sĩ của ông. Hoàng Xuân Hào là người bình dị, khiêm tốn, cởi mở và có lòng tin sâu vào Phật Giáo. Có lẽ ông là vị trí thức trẻ có học vị cao nhất trong hàng ngũ dân cử Miền Nam lúc bấy giờ.

Khi bàn về “Tôn Giáo và Chính Trị” có lẽ chỉ nên bàn về các quốc gia Âu Châu hay Hồi Giáo. Trong lịch sử khoảng 2000 năm nay, tại Á Châu, điển hình như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam…Phật Giáo chưa bao giờ trở thành một thế lực chính trị để ảnh hưởng, khống chế hoặc lật đổ chính quyền. Các vị vua Á Châu chưa bao giờ biến Phật Giáo thành một lực lượng chính trị để hậu thuẫn cho mình. Thậm chí có những vị vua chúa là Phật tử thuần thành như Lương Vũ Đế của Trung Hoa, Trần Nhân Tông, Lê Dụ Tông của Việt Nam, Chúa Sãi ở Đàng Trong. Thậm chí các tu sĩ Phật Giáo cũng không dựa vào nhà cầm quyền để bành trướng tôn giáo. Phật Giáo chủ trương “giác ngộ” rồi tin theo chứ không hề dụ dỗ, tuyên truyền hoặc cưỡng ép. Tại các quốc gia Á Châu, Phật Giáo chỉ là một hệ thống triết học, hành động (qua tu thân) vừa mang tính đạo đức, vừa mang tính tâm linh (đời sau, kiếp sau, cõi Cực Lạc) để hoàn thiện và đem lại hạnh phúc ngay bây giờ (here now) cho con người. Giới luật của nhà Phật cấm tu sĩ can dự vào chính quyền. Trong khi đó tại Âu Châu và Trung Đông với Ca-tô Giáo La Mã và Hồi Giáo, Thần Quyền đã khống chế Thế Quyền, hai bên khắng khít như gia đình mà giáo hội đóng vai tôn trưởng. Tôn giáo lợi dụng sức mạnh của chính quyền để bành trướng tôn giáo. Chính quyền lợi dụng tôn giáo, thông qua giáo sĩ để củng cố chính quyền. Thế nhưng theo thời gian, sự “hợp tác” này đã đưa tới nhiều vấn nạn. Tại Hoa Kỳ, năm 1797 đã đưa nguyên tắc “Tách biệt Nhà Thờ và Chính Quyền” (Separation of Church and State) vào Hiến Pháp. Tại Pháp vào ngày 3/7/1905 ”Phong trào chống lại các tu sĩ Công Giáo thành công lớn khi lưỡng viện Quốc Hội Pháp bỏ phiếu ban hành luật tách rời chính quyền ra khỏi Giáo Hội Ca-tô La Mã. “ (Chronicle of the 20th Century). Còn ở Anh, mãi tới năm 1919, chính phủ mới không còn tài trợ cho Giáo Hội Anh nữa.

Vì Phật Giáo tại Á Châu nói chung và Việt Nam nói riêng không can dự vào chính trị, cho nên chúng ta thử xem tác giả đã có luận điểm như thế nào về vai trò chính trị của Phật Giáo Việt Nam? Để hoàn tất luận án, ngoài tài liệu bằng Anh và Pháp Ngữ, báo chí, tài liệu, sách vở liên quan đến Chính Trị Học và Phật Giáo, ông còn tham vấn một số vị tiểu biểu như: Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Minh Châu, LM. Hoàng Quỳnh, GS. Vũ Văn Mẫu, GS. Trần Ngọc Ninh, GS. Nguyễn Ngọc Huy, GS. Tạ Văn Tài, LS. Vũ Văn Huyền, Thiếu Tá Đặng Sĩ (Phó Tỉnh Trưởng Nội An Huế năm 1963) cùng một số Sinh Viên Phật Tử.

Luận Án gồm bốn phần:

Phần Dẫn Nhập
Phần I: Những Thành Tố Của Thế Lực Phật Giáo
Phần II: Sự Tham Gia Chánh Trị Của Phật Giáo
Phần III: Giải Pháp Đề Nghị Cho Vấn Đề Phật Giáo Tại Việt Nam.

■ Phần Dẫn Nhập:

Tác giả đã đưa ra nhận định, “Từ năm 1963, Phật Giáo đã trở thành lực lượng quan trọng trên chính trường VNCH. Hiện tượng này có tính cách mới mẻ trong lịch sử hiện đại và gây nên những chủ trương trái ngược về vai trò của tôn giáo trong đời sống quốc gia…Dầu có nhiều ý kiến mâu thuẫn về hoạt động chánh trị của Phật Giáo Việt Nam (PGVN), người ta vẫn phải đồng ý với nhau rằng tương quan giữa tôn giáo và chánh trị là một thực tại phổ quát đã xuất hiện cùng lúc với sự thành lập xã hội loài người.”

(Sociologie de la Religion, Payot, Paris 1955).

Thế nhưng trong sự cộng tồn, tác động qua lại đó, Thần Quyền đã lấn át Thế Quyền, “Trên đường hoàn tất cuộc phân công vĩ đại ấy (đạo và đời), tương tranh mãnh liệt đã bùng nổ hàng mấy thế kỷ liền giữa Giáo Hội Công Giáo La Mã và các quốc gia Âu Châu để rồi kết thúc bằng sự toàn thắng của lý tưởng quốc gia thế tục.”

Còn về lịch sử PGVN, tác giả viết, “Phật Giáo Việt Nam đã có một dĩ vãng vô cùng oanh liệt, du nhập Việt Nam từ Thế Kỷ II sau Tây Lịch, qua hai ngả Trung Hoa và Ấn Độ, Phật Giáo ngay trong buổi ban đầu đã góp phần tích cực vào việc xây dựng một quốc gia Việt Nam tự chủ. Các danh tăng là những bậc trí thức đầu tiên trong nước đã hỗ trợ đắc lực các Triều Đinh (968-980), Lê (980-909), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) thâu hồi độc lập, thống nhất giang san và phục hưng xứ sở. Hầu hết các vị vua hai triều đại Lý-Trần đều là Phật tử thuần thành và trong việc trị quốc họ thường nhờ cậy tới tài học uyên bác của một số danh tăng. Trong bầu không khí mộ đạo ấy, tư tưởng Từ Bi của Đức Phật đã thấm nhuần trong cả chính sách quốc gia lẫn nếp sống quần chúng…Trong thời kỳ cực thịnh, PGVN cũng không hề khống chế chính quyền do đó đã không có một ảnh hưởng chính trị quá quan trọng như Phật Giáo tại các nước Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao và Cao Miên. ”

Và tác giả đã có một khám phá rất thích thú về dòng sinh mệnh hay số phận của PGVN, “Theo Paul Mus, nhiệm vụ lịch sử của Phật Giáo Việt Nam giống như “một tôn giáo thay thế” (Religion Relai) tức nó nổi bật lên để khẳng định tính độc lập tự chủ của dân tộc để tránh sự đồng hóa của ngoại bang qua Khổng Giáo . Nhưng nó lại thoái lui khi đất nước đã ổn định, và các nhà cai trị lại quay về với Khổng Giáo khiến Phật Giáo bắt đầu mất ảnh hưởng từ Thế Kỷ 15.” Tác giả đã nhận định về sự suy yếu của Phật Giáo trên chính trường như sau, “Tình trạng phi tổ chức và quan niệm xuất thế (không màng chuyện đời) trội yếu nơi tăng sĩ đã khiến Phật Giáo cổ truyền Việt Nam trong thời cực thịnh lẫn buổi suy vi không thể trở thành một đoàn thể áp lực (Pressure Group) đúng với ý nghĩa hiện đại của danh từ để hành xử một quyền hành thực tế đối diện với uy quyền quốc gia và ảnh hưởng tích cực tới sinh hoạt chính trị.”

Trong phần này tác giả cũng nhắc lại biến cố Phật Giáo 1963 tại Huế mà mọi người đều biết rõ. Thế nhưng tác giả lại cho rằng “Một chế độ độc tài không lối thoát cho các lực lượng chính trị đối lập bị đàn áp và khủng hoảng trầm trọng trong bang giao Việt-Mỹ…Xét cho cùng, cuộc tranh đấu của Phật Giáo chỉ là hiện tượng xã hội tất nhiên phải xảy ra. Nếu không có vụ hạ cờ năm 1963, thì rồi cũng có những sự kiện khác được chọn làm lý do tranh đấu.” Để rồi từ đó PGVN chuyển mình, “Như vậy trong suốt dòng lịch sử 18 thế kỷ của PGVN, năm 1963 đánh dấu đánh dấu một chuyển mình vĩ đại, từ đó nền Tân Phật Giáo do các tăng sĩ cấp tiến đại diện đã từ bỏ địa vị cổ truyền có tính cách xuất thế để trở thành một đoàn thể áp lực mạnh mẽ.”

Và tác giả cho rằng, “Hiện tượng Phật Giáo can dự vào chính trị đã đạp đổ cả một thành trì lâu dài đối với các vị sư. Thật vậy, ngày nay chư Tăng không còn bị coi là những người hủ lậu, yếm thế, “trốn việc quan đi ở chùa” như xưa nữa. Trái lại, chư Tăng xuất hiện từ năm 1963 như những chiến sĩ dũng cảm của Nhân Quyền, những lý thuyết gia chánh trị xuất sắc và những cán bộ hành động mẫn cán.”

■ Phần Thứ I:

Tác giả nói về Những Thành Tố Của Thế Lực Phật Giáo Việt Nam.

Trong phần này tác giả nói về sức mạnh của Phật Giáo nói chung và cuộc tranh đấu 1963 do đâu mà có.

1) Tác giả cho rằng đó là nhờ hoàn cảnh hay thời cơ chính trị. “Chính sách độc tài của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã từ chối mọi hình thức đối lập khiến các lực lượng chính trị độc lập với chính quyền (các đảng phái) ngày càng công phẫn. Nhưng trước khi vụ Phật Giáo bùng nổ người ta không có cơ hội nào để phản kháng chính quyền một cách có hiệu quả.” Tác giả nhận xét rằng, “Quyền hạn của Ô. Ngô Đình Diệm còn lớn hơn quyền hạn của tổng thống Hoa Kỳ…Do hoàn cảnh bi đát của Miền Nam sau khi Pháp bại trận, Ô. Ngô Đình Diệm cũng chưa được coi là một lãnh tụ siêu việt có thể gây cảm hứng cho lòng chung thủy (đoàn kết) quốc gia. Do đó an ninh quốc gia được dùng như lý do để biện minh cho các biện pháp độc tài. ” Theo sử gia Hoa Kỳ Schlesinger, “Cuộc tranh đấu ấy, ngoài nguyên do tôn giáo, còn có những nguyên do xã hội và chính trị. Đó là cuộc nổi dậy chống lại cơ cấu đẳng cấp xã hội Việt Nam cổ truyền, chống lại thế hệ già nua của những người gọi là “quốc gia Việt Nam” thuộc giai cấp thượng lưu Công Giáo nói tiếng Pháp để ủng hộ một thế hệ quốc gia trẻ trung.”

2) Trong đoạn này, tác giả nói rằng khủng hoảng niềm tin giữa Hoa Thịnh Đốn và Sài Gòn đã có từ năm 1961 và mỗi lúc trở nên trầm trọng hơn. Chính vì thế mà Hoa Kỳ có thiện cảm với cuộc tranh đấu của Phật Giáo. Thế nhưng các giới chức Hoa Kỳ phủ nhận việc chủ mưu trong vụ này và thú nhận họ đã không tiên đoán được sự bùng nổ của Phật Giáo. Thế nhưng còn về cuộc đảo chính 1963, theo các tài liệu thì rõ ràng Hoa Kỳ (Đại Sứ Henry Cabot Loge) đã biết trước nhưng không hề ngăn cản.

3) Do vấn đề kỳ thị tôn giáo:

Vấn đề Phật Giáo tại Việt Nam đã được 16 quốc gia hội viên đưa vào nghị trình của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Khóa thứ 18. Phái đoàn điều tra của LHQ nhận được hai phúc trình trái ngược. Phật Giáo đồ dẫn chứng những điều khoản khắc nghiệt của Đạo Dụ Số 10. Còn chính quyền phủ nhận những cáo buộc này. Tại nơi trang 53, tác giả đã mô tả một khía cạnh của chính sách kỷ thị tôn giáo như sau: “Được ưu đãi suốt 80 năm Pháp thuộc và chín năm Đệ Nhất Cộng Hòa, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã trở thành một định chế (tổ chức) trù phú với những lợi tức về điền địa, thương mại và thế lực chánh trị. Thêm vào đó, việc thiết lập Viện Đại Học Đà Lạt dưới sự bảo trợ của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục càng phát triển địa thế vững mạnh của Giáo Hội trong tầng lớp thị dân khá giả. Ưu thế ấy đã giúp Công Giáo dễ dàng gia tăng mau lẹ số lượng tín đồ.”

4) Ảnh Hưởng Của Phong Trào Phục Hưng Phật Giáo Tại Á Châu:

Phong trào phục hưng Phật Giáo phát khởi tại các quốc gia Á Châu từ những thập niên đầu tiên của Thế Kỷ XX đã đánh dấu sự thức tỉnh và sức quật khởi của các Phật tử trước sức tấn công của nền văn minh Tây Phương. Phong trào đã gây cho các Phật tử tiến bộ trong các nước Phật Giáo, trong đó có Việt Nam, niềm tin mãnh liệt vào khả năng quý giá của Đạo Phật và một ý thức rõ rệt về vai trò chánh trị của Phật Giáo. Các nhà Tân-Phật-Học cho rằng nhiệm vụ của Phật Giáo là giúp cho dân được no ấm để khỏi bận tâm về sinh kế, ngõ hầu có thể tu học. Theo Giáo Sư Vũ Văn Mẫu, giáo lý của Phật Giáo đã hàm chứa một lý tưởng “quốc gia an lạc”. Người ta có thể tìm thấy trong đạo Phật đủ mọi tư tưởng dân chủ, tự do, nhân bản, khoa học…Đức Phật đã được tôn vinh là đại tư tưởng, đại cách mạng, đại giáo dục và đại sứ giả hòa bình. Dĩ nhiên muốn thế, phong trào Phật Giáo phải cải cách cả phương thức tổ chức lẫn lề lối hoạt động. Tác giả lấy các Hội Reiyo-kai và Rissho-Keseikai của Nhật Bản làm tiêu biểu. Theo tác giả, hiện nay Phật Giáo Nhật Bản có khuynh hướng hợp tác với những Phật tử thuộc các quốc gia khác nhằm mục đích thiết lập nền thống nhất Phật Giáo và tìm kiến hòa bình cho nhân loại.

5) Vai Trò Của Phật Giáo Trong Sinh Hoạt Chính Trị:

Theo tác giả, Phật Giáo hiện đại đang đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt chính trị tại ÁChâu do một yếu tố lớn là phong trào giải phóng dân tộc thoát khỏi ảnh hưởng kìm kẹp của Tây Phương.

6) Do những Giá Trị Cổ Truyền Của Phật Giáo:

Đó là sự hòa hợp với dân tộc tính Việt Nam và khoan dung với các tôn giáo khác. Các nhà Phật học Việt Nam đều quả quyết rằng PGVN là một nền Phật Giáo dân tộc. Tác giả dẫn chứng quan niệm Tam Giáo Đồng Quy, tôn trọng tục lệ thờ cúng tổ tiên của người Việt, cùng hòa hợp và bổ túc lẫn cho nhau. (Khổng Giáo duy trì kỷ luật từ làng xã tới quốc gia. Lão Giáo tu tiên, tập trung vào cái “tôi” để hưởng nhàn. Còn Phật Giáo phá bỏ giai cấp, phá bỏ tự ngã, chúng sinh cùng bản thể, dùng Từ Bi và Hỷ Xả để đối xử với nhau.)

7) Diễn Trình Phục Hưng Của PGVN: Xuất hiện từ năm 1930 tới năm 1946. Miền Nam có tờ Từ Bi Âm (1932), ngoài Bắc có tờ Đuốc Tuệ (1934). Tuy nhiên sự phục hưng chỉ có căn bản vững vàng khi các Phật Học Viện được thành lập khắp ba miền. Năm 1940, một đơn vị đầu tiên của thanh niên Phật tử ra đời gọi là Thanh Niên Phật Tử Đức Dục. Tổ chức này sau đổi thành Gia Đình Phật Tử.

8) Trong một chương rất dài khoảng 145 trang, tác giả nói về: Tổ chức, điều hành và mục tiêu của Giáo Hội Phật Giao Việt Nam Thống Nhất (lúc bấy giờ), con người và quan điểm chính trị, cách giải quyết cuộc Chiến Tranh Việt Nam của các Thượng Tọa Thích Trí Quang, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Thượng Tọa Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Tâm Giác cùng hậu quả của sự mâu thuẫn giữa hai Thượng Tọa Tâm Châu và Trí Quang khiến chia thành hai giáo hội Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Chương này cũng đề cập đến vài trò cần thiết của cư sĩ trong dòng sinh mệnh Phật Giáo như trí thức Phật Tử (cư sĩ), Gia Đình Phật Tử, Thanh Niên Sinh Viên Phật Tử.

■ Phần Thứ II:

Sự Tham Gia Chính Trị Của Phật Giáo:

Trong phần này tác giả nhận định, “Cuộc đấu tranh từ trong khoảng 1963-1965 đã đạt được nhiều kết quả mong muốn. Trái lại từ năm 1966 trở đi, hình thức tranh đấu bất hợp pháp đem lại thất bại nặng nề, vì một mặt chính quyền trở dần dần nên ổn định một mặt khác Phật Giáo bị phân hóa.”

1) Kỹ Thuật Tham Gia Chánh Trị Của Phật Giáo: Gồm hai kỹ thuật ôn hòa và mạnh bạo.

-Vận động quần chúng, thông tin tuyên truyền tạo áp lực nhưng không gây bạo động, đồng thời tiếp xúc và thương thuyết với chính quyền. Không vận động giới lập pháp như các quốc gia Tây Phương mà trực tiếp đối thoại với hành pháp/chính phủ. Không đòi hỏi quyền lợi riêng mà chỉ nhân danh quyền lợi của dân tộc.

Cuộc vận động này đã ảnh hưởng tới quần chúng Phật tử và quần chúng không phải là Phật tử, tới các quốc gia Phật Giáo và không Phật Giáo. Cuộc tự thiêu của Thượng Tọa Thích Quảng Đức đã ảnh hưởng tới các quốc gia Tây Phương như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Bỉ, Úc, Đức và cả các quốc gia Á-Phi.

-Liên lạc với giới truyền thông/báo chí kể cả các hãng thông tấn quốc tế, đặc biệt là báo chí Mỹ có mặt tại Sài Gòn. Hoa Kỳ lúc đó chia thành hai phe. Phe ủng hộ Ô. Diệm và phe lật đòi lật đổ Ô. Diệm. Báo chí đứng về phe thứ hai vì chính sách bưng bít tin tức và đàn áp báo chí của chính quyền. Các bài phóng sự của các ký giả Malcoln Brown và David Halberstam gây xúc động mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới khiến chánh phủ Việt Nam lâm cảnh lưỡng bề thọ địch: Phật Giáo và ký giả Hoa Kỳ. Tòa Thánh Vatican trong thông điệp ngày 30/8/1963, Giáo Hoàng Paul VI đã tuyên bố, “Chúng tôi có bổn phận nói lên nỗi ưu tư, đau đớn của chúng tôi đứng trước những diễn tiến đáng buồn đang đè nén dân tộc Việt Nam thân mến. Mối lo ngại của chúng tôi mỗi ngày thêm thâm trầm, bi đát…”

-Dù không trực tiếp nhưng khuyến khích, đỡ đầu cho các Phật tử tham gia các cuộc bầu cử từ tỉnh, thị xã tới hội đồng Đô Thành (Sài Gòn). Thế nhưng ảnh hưởng của Phật Giáo chỉ có tại Miền Trung, đặc biệt là Huế-Thừa Thiên. Cuộc bầu cử Bán Phần Thượng Viện năm 1970 đã đưa Liên Danh Hoa Sen do GS. Vũ Văn Mẫu thụ ủy đã đạt số phiếu cao nhất trong số 16 liên danh. Qua cuộc bầu cử này người ta thấy tôn giáo là yếu tố quan trọng nhất. Ngoài ra cũng phải kể tới lập trường hòa bình của Liên Danh Hoa Sen- phản ảnh khát vọng hòa bình của toàn dân Việt Nam. Thế nhưng theo tác giả, không phải không có bàn tay bí mật nhúng vào, áp lực chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phải để ít ra một liên danh “đối lập” hiện diện trong ngành Lập Pháp để Tổng Thống Nixon dễ bề chống đỡ với dư luận là, Hoa Kỳ đã và đang ủng hộ một chế độ độc tài phi dân chủ và rằng qua Liên Danh Bông Sen, Miền Nam có bầu cử tự do.

-Đình công của công nhân, bãi khóa của sinh viên, tuyệt thực của tăng sĩ cũng là những phương thức đấu tranh hữu hiệu.

-Bàn thờ xuống đường và đấu tranh vũ trang ở Miền Trung năm 1966 suýt đưa tới nội chiến. Cuộc đấu tranh bạo động của Phật Giáo năm 1966 hoàn toàn thất bại.

2) Tác giả bàn về chủ thuyết đấu tranh bất bạo động gốc Phạn ngữ là Ahimsa, phát khởi bởi Gandhi của Ấn Độ.Ahimsa không chỉ dừng lại ở việc không sử dụng bạo lực mà còn không làm tổn hại tới bất cứ sinh vật nào, kể cả kẻ thù. Và được dùng bởi các quốc gia Tây Phương qua khẩu hiệu “Bất tuân dân sự” của Mục Sự Martin Luther King đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Da Màu.

3) Thế nhưng ngày nay, trên thế giới, phương thức đấu tranh “bất bạo động” bị quên lãng vì người ta cho rằng nó không đủ hữu hiệu để chiến thắng. Từ đó tác giả nêu câu hỏi, “Trong tương lai Phật Giáo có đủ phương tiện và kiên nhẫn để theo đuổi cuộc đấu tranh bất bạo động không?” Theo tác giả, “Đấu tranh bất bạo động là khôn ngoan và phù hợp với bản chất của một tôn giáo rộng lượng, khoan dung.”

4) Tương quan giữa Phật Giáo và các lực lượng chính trị.

Mở đầu chương này tác giả đưa ra một nhận định khái quát nhưng nó giống như một định luật, một chân lý, “ Chính trị là một diễn trình những tác động hỗ tương liên tục giữa các lực lượng xã hội. Biến chuyển chính trị thường xuất phát do sự thúc đẩy của ba nguồn gốc: Nhà nước, các đoàn thể trung gian và các hệ thống chính trị quốc tế (nôm na là ngoại bang)”.

5) Tương quan giữa Phật Giáo và các tôn giáo khác:

Phật Giáo cố kéo Cao Đài và Hòa Hảo vào cuộc đấu tranh nhưng hai tôn giáo này giữ vai trò trung lập và dè dặt với lập trường chính trị của Phật Giáo. Thế nhưng thành quả của cuộc đấu tranh lại giúp cho Cao Đài và Hòa Hảo thoát khỏi sự kìm kẹp của Dụ Số 10. Còn đối với Công Giáo, “Vì tình trạng giao hảo giữa hai tôn giáo này trong thời kỳ bất ổn đã căng thẳng quá mức, nên Công Giáo đã thành lập nhiều lực lượng chính trị để đối phó với tình hình nghiêm trọng như :Ủy Ban Trung Ương Tranh Đấu Công Giáo, Lực Lượng Đại Đoàn Kết, Tổng Liên Đoàn Sinh Viên-Học Sinh Tự Dân, Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam, Khối Công Giáo Dân. Trong Công Giáo có ba khuynh hướng. Quá khích có LM. Trần Du và LM. Mai Ngọc Khuê. Ôn hòa có LM. Hoàng Quỳnh. Cấp tiến có LM. Nguyễn Ngọc Lan. ” Hai vị tướng ủng hộ lập trường của Phật Giáo Ấn Quang là Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn.

6) Đối với các thế lực bên ngoài đó là Hoa Kỳ và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Tác giả cho rằng, “Mặt Trận Giải Phóng chỉ lợi dụng được phong trào tranh đấu nhưng không nắm được phong trào”. Còn đối với Hoa Kỳ, “Họ ủng hộ cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963, sau đó mối liên hệ trở nên lạnh nhạt và Phật Giáo trở nên chống đối Hoa Kỳ vì những yêu sách không được thỏa mãn.” Trên báo Chánh Đạo của Phật Giáo ký giả Việt Bằng viết thẳng thừng, “Sự phục hồi những nhân vật cũ trực tiếp đàn áp Phật Giáo cũng như những khó khăn trong nội bộ Phật Giáo đều do người Mỹ gây nên.” Tác giả còn cho biết quân số của Hoa Kỳ tại Miền Nam đã giảm từ 534,000 xuống còn 200,000 vào Tháng 10, 1971. (Điều này cho thấy Hoa Kỳ rõ ràng không còn nhìn thấy chiến thắng ở Việt Nam nữa mà trông chờ vào giải pháp chính tri, tức Hiệp Định Paris 1973 để rút lui trong êm thắm.) Kết luận chương này tác giả đưa lời cảnh báo:

-Tại Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, “Quyền lực chính trị và tiện nghi vật chất của đời sống văn minh Tây Phương đã làm suy đồi đạo đức của một số tăng sĩ.”

-Sự can thiệp trực tiếp của tăng sĩ vào sinh hoạt chính trị đã gây nên tình trạng bất phân ranh giới giữa tôn giáo và chánh trị. Tình trạng ấy phát sinh mối tương tranh giữa quốc gia và giáo hội.

■ Phần Thứ III: Giải Pháp Đề Nghị Cho Vấn Đề Phật Giáo Tại Việt Nam:

Mở đầu phần này tác giả đưa ra câu hỏi, “Bảo vệ tôn giáo có nhất thiết là bảo vệ dân tộc không?”

Theo nghiên cứu của tác giả, “Sự can thiệp trực tiếp của tôn giáo vào chính trị chỉ là một hiện tượng chậm tiến” (ở các quốc gia chậm tiến). Từ Thế Kỷ 17, Âu Châu đã quyết tâm xác định vị trí của tôn giáo trong đời sống quốc gia, một quan niệm quốc gia thế tục. Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ có Công Giáo và Hồi Giáo là đối lực mạnh nhất của quốc gia. Trong suốt thời Trung Cổ quốc gia phải đặt dưới sự chi phối của giáo hội, phải phụng sự giáo quyền và quyền bính của Thánh Quốc phải lan rộng khắp quốc gia. Thần quyền và đức tin dùng để giải thích những hiện tượng thiên văn, địa lý, vật lý…Theo các giáo sư Chính Trị Học, tín ngưỡng có ảnh hưởng tới tổ chức xã hội, nền kinh tế và lập trường chính trị của tín đồ. Như thế quốc gia không thể đoạn tuyệt được với tôn giáo mà trái lại trong tình trạng dù thế quyền và thần quyền phân lập, vẫn phải quan tâm tới sự kiện tôn giáo. Các tôn giáo lớn có khả năng tạo áp lực trên quy mô toàn cầu. Khối Âu Châu có Công Giáo, Bắc Mỹ có Tin Lành, Trung Đông có Hồi Giáo và Á Châu có Phật Giáo. Lịch sử cũng chứng tỏ rằng các Giáo Hội đã dùng thủ đoạn chính trị , tức dựa vào sức mạnh quốc gia để đi gieo rắc đức tin.

Tác giả cũng đưa ra câu hỏi, “Liệu Phật Giáo hiện đại có chấp nhận quan niệm nhà nước/chính quyền thế tục? Tác giả cho rằng kinh qua lịch sử, quan niệm này phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần “Khoan dung tôn giáo” chuyện tôn giáo và chuyện nhà, chuyện nước là hai việc khác nhau. Thế nhưng tác giả nhắc lại một vụ kỳ thị tôn giáo duy nhất xảy ra đó là việc bách hại Gia Tô Giáo dưới Triều Nguyễn. Bởi vì thời đó Đạo Gia Tô không chấp nhận sự sùng bái (thờ cúng) tổ tiên nên bị coi là trái với luân lý và văn hóa cố hữu của dân ta. Vua Minh Mạng hạ Dụ cấm đạo đã nói rằng, “Đạo rối của người Tây làm mê hoặc lòng người. Giáo sĩ Gia Tô làm tà vạy nhân tâm, phá hại mỹ tục, thật là mối hại lớn cho nước nhà.” Theo Thạc Sĩ Sử Học Nguyễn Thế Anh, “Việc cấm đạo ấy nhằm duy trì sự thống nhất của quốc gia. Thái độ hoài nghi càng trầm trọng khi các giáo sĩ Công Giáo giúp Lê Văn Khôi nổi loạn.”

Còn Giáo Sư Nguyễn Văn Bông cũng đã có nhận xét thật xác đáng, “Nguyên tắc nhà nước thế tục không những phù hợp với trào lưu tiến hóa của nhân loại, đồng thời còn là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giở trang sử cũ, chúng ta có thể quả quyết rằng người Việt Nam ngày xưa có tinh thần khoan dung rõ rệt và không có xung đột nào gọi là xung đột tôn giáo.” Tác giả cũng công tâm khi nói rằng, “Sau khi chế độ ngoại thuộc cáo chung, năm 1946 chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã ban hành một Hiến Pháp thế tục.” Thậm chí Hiến Pháp Đệ I Cộng Hòa cũng ghi “Ý chí quốc dân là nguồn gốc của mọi ngành hoạt động quốc gia.”


Trong phần cuối, tác giả đưa ra nguyên tắc căn bản, ” Giáo hội và tăng sĩ chỉ có quyền hoạt động trong các lãnh vực tôn giáo, văn hóa và xã hội. Còn lãnh vực chính trị phải dành cho người thế tục.” Tác giả còn bàn thêm, “ Với triết lý Vô Ngã và Vô Thần, Giáo Hội Phật Giáo không phải là hình ảnh của Đấng Sáng Thế nào hết. Không phải là một đoàn thể của Chúa Jesus được cấu tạo một cách siêu nhiên bằng thân xác con người. Nó chỉ là một tổ chức của con người do con người lập ra và vì con người.” Đây là lý luận của Thương Tọa Thích Trí Quang. Thế nhưng dù nói thế, khi truyền bá trong nhân gian, Phật Giáo đã trở thành Hữu Ngã và Hữu Thần. Thế nhưng các hàng tăng sĩ cao cấp Phật Giáo đã phủ nhận sự “biến thái” này khi nói rằng, “Giáo hội không thể đụng chạm mạnh mẽ bằng cách phá bỏ sự tin tưởng truyền thống của đa số Phật tử Việt Nam: Đó là tin cả Trời lẫn Phật. Giáo hội chỉ có thể từ từ thuyết phục họ thế nào là Chánh Pháp.” (Đây là quan niệm “khế cơ và khế lý” của Phật Giáo cũng như không phá bỏ niềm tin truyền thống của dân bản địa.)

Tác giả cũng không đồng ý quan niệm “quốc giáo” vì hiến pháp đã quy định một chính quyền thế tục, mọi tôn giáo đều bình đẳng. Tác giả cho rằng tăng sĩ có thể khuyến cáo chính quyền nếu chính quyền đi ra ngoài nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Thế nhưng chính quyền không thể coi những khuyến cáo này là hành vi chen vào chính trị.

Còn về vấn đề tu sĩ có được miễn trừ nghĩa vụ quân sự không (quân dịch), tác giả đưa ra nhiều luận cứ. “Chẳng hạn trong thời chiến sẽ có nhiều người sợ chết, giả bộ đi tu để trốn lính, làm sao biết ai thật ai giả? Đối với các quốc gia hùng mạnh như Tây Phương thì vấn đề tương đối dễ. Còn như đối với Việt Nam luôn luôn phải vận dụng sức mạnh toàn dân để bảo vệ sự tồn vong của mình. Hiện nay các quốc gia dân chủ đều thực hiện nguyên tắc “Bình đẳng của mọi công dân trước nghĩa vụ quốc gia”.

Sau hết tác giả chủ trương để đạt tới cứu cánh cao đẹp của đạo mình, tăng sĩ phải tự giới hạn sức ảnh hưởng của mình. Nếu không thì luật pháp quốc gia sẽ buộc mọi đoàn thể phải tuân thủ quyền lực tối cao của nhà nước/chính phủ - vì chính phủ đại diện cho quyền lợi của toàn dân. Tác giả đã viện dẫn Đạo Luật 1905 của Pháp quy định những ngăn cấm tu sĩ. Thí dụ:

-Điều 34 và 35 của Đạo Luật 1905 quy định rằng vị cha sở nào lăng nhục hay phỉ báng tại nơi phụng tự các nhân viên công sở hay kêu gọi chống đối những đạo luật hay những quy tắc hành chính sẽ phải chịu những hình phạt đặc biệt và bị đưa ra tòa án hình sự.

-Một vị cha sở cử hành theo nghi thức tôn giáo trước khi đương sự làm giá thú trước mặt viên xã trưởng sẽ bị chế tài bởi Điều 99 của Bộ Hình Luật.

-Các cha sở không được giảng về tôn giáo trong giờ học.

Tác giả còn nói thêm, “Kinh nghiệm lịch sử cho biết khi tình cảm tôn giáo nhảy vào chính trị, thì lý trí sẽ bị lấn át và con người tôn giáo trở thành quá khích khiến hậu quả thảm khốc dễ xảy ra vì việc bảo vệ đức tin.”

-Khi tu sĩ đặt ngang với các nhà hoạt động chính trị thế tục, với thủ đoạn tranh đấu thật gian manh, tu sĩ khó lòng biện minh cho nhiệm vụ xuất thế của mình, khiến tầm thường hóa tôn giáo.

-Khi tu sĩ làm chính trị, sẽ có tác động dây chuyền sang tôn giáo khác, khiến họ có cảm tưởng là bị đe dọa, cho nên họ có thể thành lập một lực lượng chính trị khác hoặc sẽ chống lại. Chẳng hạn, “Những hoạt động tôn vinh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm như một chiến sĩ quốc gia yêu nước nhân ngày giỗ năm thứ sáu của ông khiến một số Phật tử hạ bệ ông năm 1963 bực bội.”

-Khi tu sĩ hoạt động chính trị thành công, họ sẽ đi đến chỗ độc tài chuyên chế. Nếu tôn giáo đứng ra ngoải chính trị thì có thể lấy sự thanh thản và minh triết của mình để soi sáng lương tâm con người.

-Nơi trang 487, tác giả nói rằng nếu lợi dụng tôn giáo để chống Cộng Sản thì vẫn chưa giải quyết được gốc rễ mà phải tạo ra cuộc cách mạng hầu đem lại công bằng, ấm no, thịnh vượng và tự do cho mọi người.

-Tuy nhiên nguyên tắc “Tu sĩ không được làm chính trị “ cũng có hai ngoại lệ đó là: Quyền lợi tối thượng của quốc gia và sự sống còn của tôn giáo. Như tăng sĩ và Nho sĩ là lực lượng căn bản yểm trợ cho Phong Trào Cần Vương chống Pháp từ 1885-1898.

-Tác giả biện luận về cụm từ “Dân Tộc và Đạo Pháp”. Nếu hiểu Đạo Pháo là cộng đồng Phật Giáo thì sự liên hệ giữa Dân Tộc và Đạo Pháp càng sâu xa vì trong thời kỳ Phật Giáo cực thịnh đồng thời cũng là thời kỳ huy hoàng của dân tộc. Có thể nói trong giai đoạn ấy Dân Tộc và Đạo Pháp là một. Nếu hiểu Dân Tộc là một trong ba thành tố của Quốc Gia thì Đạo Pháp không thể là Dân Tộc vì trong dân tộc có nhiều tín đồ của các tôn giáo khác. Nhưng Đạo Pháp có thể đồng hành, chia xẻ trách nhiệm và chịu vinh nhục với Quốc Gia và Dân Tộc.

-Vì Phật Giáo không tạo được một tổ chức có uy quyền bao trùm lên tăng, ni, Phật tử toàn quốc, không có được quyền hành độc lập với nhà nước nên Phật Giáo tỏ ra bất lực trước làn sóng xâm lăng của Tây Phương. PGVN phải khắc phục nhược điểm ấy để tiến tới tự lực tự cường đóng vai trò quan trọng trong quốc gia thế tục.

Tác giả đã kết luận chương này như sau:

“Sự phân lập (tách biệt) Phật Giáo với Quốc Gia, tăng sĩ với chính trị, giáo quyền với chánh quyền. Nếu sự xác định ấy được thực hiện một cách trung thực (nghiêm chỉnh) sẽ có lợi là bảo vệ giá trị siêu việt của tôn giáo, uy tín đạo đức cao trọng của giới tăng sĩ, quyền lực chính trị của các nhà lãnh đạo thế tục và sự ổn cố chính trị. Đó là điều kiện tiên quyết để phát triển quốc gia. Chính trong vị trí đó, Phật Giáo phải có một ảnh hưởng chính trị rất quan trọng.”

Thay Lời Kết:

Qua luận án này chúng ta được nhìn lại quá trình hội nhập của Phật Giáo vào Việt Nam gần 2000 gắn bó và trở thành văn hóa cũng như tâm linh của dân tộc (chiếm 85% dân số). Phật Giáo không thể tách rời khỏi dân tộc này. Ngày nay Chủ Nghĩa Thực Dân không còn, nhưng bành trướng tôn giáo vẫn còn. Tranh chấp giữa các tôn giáo lúc công khai, lúc ngấm ngầm vẫn còn. Các tôn giáo cực đoan luôn luôn muốn chiếm lấy hay khống chế chính quyền để mưu cầu lợi ích riêng cho họ. Chính vì thế mà tác giả cổ vũ cho quan niệm “nhập thế” của cả hàng tu sĩ lẫn Phật tử là hãy “xây dựng một quốc gia an lạc” trước - thì mới có thể tu hành hay phát triển tâm linh. Không thể tu thành Phật, thành Bồ Tát, La Hán, Bích Chi Phật, tụng kinh, ngồi thiền…khi mà đất nước chính trị rối beng, nghèo đói, xã hội bất an. Hương Hải Thiền Sư đời Lê Dụ Tông dạy rằng, “Mạc giáo mộng trung tầm tri thức”. Đừng tìm Phật hay Chân Lý trong mơ mộng mà phải thực tiễn. Cá nhân có thể mơ mộng nhưng cả một giáo hội thì không thể mơ mộng.

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo năm 1963 được nhìn theo nhãn quan của một học giả và được đánh giá đây là bước chuyển mình lịch sử của Phật Giáo sau 18 thế kỷ. Đây còn là một tài liệu phản ảnh khá đầy đủ tình hình chính trị rối beng của Miền Nam 1963-1967 sau khi Đệ I Cộng Hòa xụp đổ. Luận án còn trình bày một số chi tiết về nội tình chính trị Hoa Kỳ, cũng như hoạt động can dự vào chính trường Miền Nam của chính phủ Mỹ. Những điều “bí mật và cấm kỵ” này thường chỉ được bàn tán qua các các cuộc màn đàm hoặc rỉ tai giữa các chính trị gia, hoặc úp mở trên báo chí. Thế nhưng nó đã xuất hiện trong một khung cảnh có tính “trường ốc, kinh điển ” (Academy) và cổ kính như Đại Học Luật Khoa mà sau này có thể trở thành giảng khóa để giảng dạy cho sinh viên về môn Chính Trị Học.

Đây còn là cuốn sử liệu quý giá viết bởi một trí thức khoa bảng, nặng tình với Dân Tộc và Đạo Pháp nhưng không thiên lệch, vì tiêu chuẩn và mạng sống của Đại Học là: Khoa học, trung thực, thuần lý (logic) và là khuôn mẫu cho đời sau. Đại Học không phải là một diễn đàn chính trị, không phải là đảng phái, không phải là tổ chức tôn giáo, cho nên Đại Học không bênh-chống ai. Nhưng đại học có quyền mổ xẻ, phân tích, tổng luận về những diễn biến liên quan đến xã hội, đất nước để giảng dạy cho đời sau. Dĩ nhiên trong khuôn khổ bảy, tám trang tôi không thể trình bày mọi chi tiết của luận án. Quý vị có thể tìm đọc nơi Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ (Library of Congress Online).

Trân trọng.
Đào Văn Bình
(California ngày 6/9/2018)

Cước chú:

- Dấu ngoặc (…) là phần chú thích của tác giả bài viết này.

- Thạc Sĩ (Agrégé): Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ phải qua một cuộc thi tuyển để trở thành Giáo Sư Thực Thụ của một đại học danh tiếng của Pháp. Trong nước bây giờ gọi bằng Cao Học (Maste Degree) là Thạc Sĩ.


none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1503 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Nguồn chân lẽ thật


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Tư tưởng Tịnh Độ Tông

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.226.88.126 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...