Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Không thể dùng vũ lực để duy trì hòa bình, chỉ có thể đạt đến hòa bình bằng vào sự hiểu biết. (Peace cannot be kept by force; it can only be achieved by understanding.)Albert Einstein
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trăng trên áo »»
Dừng chân trước cửa một căn nhà, người khách lạ tần ngần đưa mắt nhìn dò xét chung quanh. Nắng. Nắng chói chan làm khô đi mọi vật. Nhưng lại làm ướt thêm chiếc áo mỏng manh đẫm mồ hôi bằng những giọt mồ hôi khác cứ đua nhau tươm rơi nhễ nhại từ trán, cổ, mình mẩy của khách lạ. Từ trong nhà, Kim Thủy lặng lẽ nhìn theo dõi, rồi rời góc học tập, bước từng bướt ngập ngừng ra đón khách. Đôi mắt khách lạ sáng lên cùng lúc với nụ cười mỉm nhẹ, giọng thật thân thiện theo âm thổ miền Bắc cất cao:
“Chào cô bé, cho tôi hỏi thăm, đây có phải là nhà của cô Tôn Nữ Kim Thủy không nhỉ?”
Kim Thủy hơi bối rối, ngạc nhiên nhìn khách, rồi ấp úng:
“Dạ … dạ đúng rồi. Cháu là Kim Thủy đây ạ!”
“Là em đấy à?” Khách lạ reo lên “Hay quá, rốt cuộc thì tôi đã tìm tới nơi tôi muốn tìm. Hân hạnh được gặp em, nữ thi sĩ mà tôi mến mộ!”
Khách lạ chìa tay ra. Kim Thủy lúng túng đưa bàn tay ra bắt. Khách lạ tỏ vẻ thân mật:
“Xin giới thiệu với em, tôi là nhạc sĩ Bảo Thanh, ở Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh. Em không cho phép khách vào nhà sao?”.
Không đợi chủ mời, khách đã cười ha hả bước ào vào bên trong nhà cứ y như đã từng đến đây cả triệu lần rồi vậy. Kim Thủy lẽo đẽo theo sau, nhất thời không biết phải ứng xử ra sao với vị khách đường đột mà lần đầu tiên mình được gặp mặt, biết tên. Nhạc sĩ thản nhiên kéo ghế ngồi, đặt túi xách lên trên bàn, nhìn quanh nhà bằng đôi mắt của một… nhân viên công lực. Kim Thủy tự dưng cảm thấy mình không còn là người giữ vị trí gia chủ, mà đã hoá ra khách, cứ thẹn thùng đứng khép nép ngóng chờ ông nhạc sĩ lạ mặt kia mở đầu câu chuyện. Nhạc sĩ chỉ vào ghế trống, tự nhiên như một chủ nhà mời khách, cởi mở:
“Ô kìa, mời em ngồi. Tôi rất muốn làm quen, và tìm hiểu về em. Nếu em cứ ngại ngùng như vậy, e rằng… công tôi lặn lội tìm kiếm sẽ quăng cả xuống sông trôi ra biển tất tần tật mất!”
Kim Thủy ngoan ngoản ngồi xuống, hai tròng đen lay láy cứ đảo quanh trong đôi mắt đầy ngơ ngác, lo âu. Nhìn chăm chăm vào gương mặt của cô bé chủ nhà, nhạc sĩ gục gặc đầu rồi hỏi:
“Em vẫn còn làm thơ đấy chứ?”
“Dạ … thỉnh thoảng thôi ạ. Em còn đang học!”
“ Em học đến lớp mấy rồi?”
“Lớp 11 ạ!”
“Thế mẹ em đâu rồi?”
“Thưa … mẹ em … đi bán rồi ạ”
“Mẹ buôn bán hàng gì thế?”
“Tại sao chú hỏi kỹ về mẹ cháu như vậy?”
Nhạc sĩ phì cười:
“Mới vừa xưng anh anh em em đấy mà đã thay đổi chú cháu rồi. Cứ anh em cho thân mật đi nào, anh còn trẻ lắm, và luôn mong ước được trẻ mãi không già!”
Kim Thủy cười ngượng. Nhạc sĩ gõ nhịp trên bàn bằng những ngón tay xương xương, nói chậm rãi:
“Sở dĩ anh hỏi kỹ về mẹ em, vì anh đã đọc và rất thích … những bài thơ em viết về người mẹ đã đăng trên các báo. Rất thích, bởi những ý thơ đầy xúc cảm, tứ thơ rung động, và lời thơ mộc mạc chân tình. Em rất có triển vọng, cứ như thế, cứ giữ cái hồn thơ như thế, rồi em sẽ tìm được một vị trí vững vàng trên thi đàn. Anh tin như thế, nên mới có mặt ở đây!”
“Em … em … không dám nhận những lời khen ngợi của anh!”
“Đừng, đứng khách sáo, đừng bắt chước những kiểu khiêm tốn theo thủ tục của những người lớn già dặn kinh nghiệm. Anh thấy trong thơ của em sự trong trắng trung thực, và chân thực. Anh chưa thấy thơ em những từ sáo rỗng, những ý tứ viển vông xa vời, vậy thì với cuộc sống đời thường em nên giữ một tâm hồn như trong thơ của mình. Nhé?”
Kim Thủy trố mắt nhìn người khách lạ lùng như nhìn một vật thể kỳ dị từ hành tinh khác mới xuống. Nhạc sĩ từ tốn tiếp:
“Anh muốn cộng tác với em. Em đồng ý chứ?”
“Cộng tác gì ạ?”
“Anh dự định làm một tập nhạc, trong đó gồm những nhạc phẩm ca ngợi hình tượng người mẹ. Nhạc của anh, lời sẽ là những bài thơ viết về mẹ của chính em!”
“Em? Những bài thơ của … em?”
Nhạc sĩ tiếp lời:
“Như những bài Vai gầy, Lung linh bóng mẹ, bài Vòng tay ấm, bài Mẹ là tất cả… anh đã đọc được và dường như đã thuộc làu từ trên các báo. Những bài thơ này phổ nhạc thì thật là tuyệt vời. Em đồng ý phối hợp với anh cho những bài này sống bất tử chứ?”
“Ồ … em rất sung sướng. Em đồng ý ạ!”
Nhạc sĩ Bảo Thanh bật cười khoái trá, rồi đưa mắt nhìn vào phía tủ thờ, trầm ngâm.
“Cha em mất rồi à?”
“Dạ. Mất đã năm năm rồi. Tụi em sống với me!”
“Nhà có mấy anh chị em?”
“Bốn ạ. Em là chị đầu. Ba đứa sau còn đi học!”
“Một mình mẹ gánh vác cả sao?”
“Chỉ một mình mẹ, cho nên …”
“Mẹ buôn bán gì thế?”
“Dạ … than củi!”.
Nhạc sĩ nhíu mày trầm ngâm thật lâu. Cuộc sống ngày càng đi lên, nhà nhà dường như đều dùng bếp gas bếp điện, hay ít nhất là bếp dầu lửa, vậy mà … hình ảnh người đàn bà mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhãi đang khiêng từng bó củi, kéo từng bao than qua từng tháng ngày lặng lẽ cứ chập chờn trước mắt nhạc sĩ. Những cục than hồng, những thanh củi khô cứng đang reo vui với ngọn lửa đỏ rực trong bếp mọi nhà, có phải chăng là những bài thơ ngập tràn sức sống mà người nghệ sĩ bao năm rong ruổi cõi hồng trần để tìm kiếm? Những tiếng nổ lách tách của than, tiếng trở mình của củi, có phải chăng là những nốt nhạc thăng trầm du dương của một nhạc phẩm bất hủ, mà người nghệ sĩ bao năm tháng đã cất công lặn lội lục lọi khắp trần gian thơ mộng? Nhạc sĩ thở dài một hơi, nhìn cô bé chủ nhà, khẽ hỏi:
“Mấy chị em có phụ giúp mẹ phần nào chuyện tiền nong cơm áo chứ?”
Kim Thủy ngập ngừng, lộ vẻ khó chịu trước câu hỏi:
“Dạ … chút ít thôi. Đứa nào rảnh thì bán vé số. Nhưng … thường thì mẹ không bắt buộc, mẹ bắt phải chăm học, mọi việc mẹ lo hết. Mẹ buôn bán cũng được lắm, anh ạ!”
Nhạc sĩ lại thở dài, gật gù:
“Thôi được rồi, anh sẽ lưu tâm chuyện này. Nếu chuyện hợp tác giữa hai ta tiến triển tốt đẹp như ý muốn, chuyện tác quyền của những bài thơ của em, anh sẽ không quên, sẽ không chậm trễ!”.
Nhạc sĩ đứng dậy. Hai người bắt tay nhau. Cái bắt tay hứa hẹn một ngày mai gần gũi, và vui tươi hơn.
o0o
“Em làm thất vọng vô cùng!”
Nhạc sĩ buông câu ấy đầu tiên trước khi bước vào nhà.
Kim Thủy ngỡ ngàng đưa mắt nhìn khách. Nhạc sĩ nói với giọng trách móc:
“Em đã sống một đàng, làm thơ một nẻo. Thơ của em thật hay, nhưng không thật, vì em không trung thực!”
Kim Thủy trố mắt kinh hoảng. Trước mắt cô bé hình như là một người thầy, người huynh trưởng, hoặc người cha nghiêm khắc của mình vậy. Nỗi thất vọng đang chiếm lĩnh lấy gương mặt của nhạc sĩ, giọng buồn bực tuôn ra:
“Hãy nghe tôi nói hết bằng cả chân tình. Tôi rất buồn. Buồn như vừa bị ai đó tước đoạt đi một cái gì quý báu của mình, vốn được mình gìn giữ ôm ấp. Đáng lý là tôi đi luôn, không bao giờ quay trở lại nơi này để gặp em làm chi nữa. Nhưng không, tôi phải quay lại và ngồi đây, để tuôn ra hết những gì muốn nói. Phủi tay, làm lơ cho qua là hèn nhát. Và, tôi thì không muốn làm một đứa hèn nhát trên cuộc đời đáng yêu này!”
Kim Thủy trố mắt sửng sốt. Nhạc sĩ xua tay:
“Em đừng ngắt lời. Tôi đã hết sức quan tâm, tin tưởng em, và rất muốn chia sớt những lo toan phiền muộn trong cuộc sống hằng ngày của em. Nhưng em đã không trung thực, trước tiên là với chính mình, sau đến là mọi người, trong đó có tôi!”
Kim Thủy ngồi bất động im thin thít. Nhạc sĩ tiếp:
“Tôi đã tìm gặp cô giáo chủ nhiệm, và các bạn cùng lớp của em, với thiện ý tìm hiểu thêm con người làm ra những bài thơ mà tôi yêu thích. Tôi đã được biết gì? Em không hề phụ giúp mẹ trong công việc buôn bán tảo tần, và cả những việc thông thường nhỏ nhặt trong nhà. Em lại học hành chẳng ra gì cả. Trong khi ấy, mẹ em chật vật với đống than củi cả ngày ngoài chợ, và lũ em sau giờ học đều tranh thủ túa đi bán báo, vé số kiếm tiền góp lại đưa mẹ. Em còn thích rong chơi với bạn bè, ngắm cảnh thưởng hoa, hết ở biển xanh lại đến dã ngoại, cùng những tiệc tùng phù phiếm se sua … Tôi thử hỏi: ý thơ em lấy được từ đâu? Lấy từ đâu mà gây xúc động người đọc? Em không lấy từ hồn tâm của mình. Chắc chắn vậy. Những bài thơ có cái hồn giả tạo như thế, dẫu có được khen nức nở, rồi tự nó giãy chết giữa dòng thi ca chân thực. Đừng làm thơ kiểu ấy nữa. Hãy sống đúng, sống đẹp, thì thơ của mình tự nhiên đẹp, và nó có thể sống bất tử!”
Dứt lời, nhạc sĩ đứng phắt dậy, bước nhanh đi, vụt mất như một cơn lốc.
Kim Thủy ngồi lại thẩn thờ một mình, để yên cho hai hàng nước mắt chảy tuôn theo nhịp thổn thức của trái tim vừa bị những nốt nhạc nhọn như dao, đâm qua thật ngọt, thật lạnh lùng, nhưng lại rất chân tình xúc cảm …
o0o
… Nhạc sĩ bước nhanh vào nhà với cây đàn trong tay. Kim Thủy vui mừng ra mặt đứng bật lên nhìn chăm chăm về phía khách. Nhạc sĩ thản nhiên kéo ghế ngồi, mỉm cười hài lòng, nói:
“Đã hơn bốn tháng rồi, anh em mình mới gặp lại nhau!”
“Dạ, một trăm hai mươi lăm ngày, em tính từng giờ trôi qua, kể từ hôm anh giận dữ ào đến, rồi giận dữ ào đi!”
“Anh xin lỗi. Anh thường không kiềm chế được cảm xúc của mình. Hôm ấy anh quá giận, quên mình là ai, em là gì, nên có nặng lời!”
“Em mới là người phải xin lỗi. Em cảm ơn anh thật nhiều. Không gặp được anh, em cứ mãi là một đứa sống an nhiên với giả dối, làm ra những bài thơ giả dối. Lời thật của anh đúng là rất dễ mất lòng. Em mất lòng, nhưng tỉnh giấc mê muội!”
“Em khỏi phải phân trần. Anh đã biết những thay đổi nơi em hơn bốn tháng qua. Em biết sai, và đã tu sửa. Cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn của em đều công nhận nơi em có sự chuyển biến. Và anh đã gặp mẹ em ngoài chợ, ít nhất là năm lần, để được nghe… những lời khen ngợi của một người mẹ đang sung sướng tự hào về người con gái đầu lòng!”
Kim Thủy thẹn thùng với nụ cười chúm chím. Nhạc sĩ cũng cười:
“Hôm nay em được khen ngợi, gương mặt, ánh mắt em, tất cả nơi em đều khác hẳn so với lần đầu tiên gặp mặt được anh khen đấy. Hồn thơ nằm trong chính sự khác biệt này, Thủy à!”
Kim Thủy cười, nói:
“Anh đã cho em hiểu rốt ráo câu nói của Victo Huygo: Nghệ thuật chỉ làm ra được những vần thơ khéo léo. Còn trái tim mới tạo nên các tác phẩm thi ca. Em rất tâm đắc câu này!”
“Tuyệt vời. Và tuyệt vời hơn là người nhớ và hiểu câu ấy!”
“Nhưng, sao hôm nay anh đến với cây đàn?”
“Vì anh muốn ngâm thơ, phổ nhạc, và hát cùng em!”
“Hát về mẹ chứ?”
“Ừ, về mẹ. Anh đã học bài thơ Trăng trên áo mới nhất của em, vừa đăng trên số Nội San của Phật Giáo Tỉnh. Em đã không gởi các báo hay tạp chí văn nghệ khác, mà gởi cộng tác với một tạp chí nhà Phật, dịp Vu Lan Báo Hiếu, là do Tâm của em đã có một cuộc chuyển đổi rất lớn, rất đáng trân quý!”
Kim Thủy mỉm cười không đáp. Nhạc sĩ cười, nói:
“Theo anh, ấy là một tuyệt tác. Tuyệt tác vì là thơ của em, thơ thật có hồn, không phải thơ giả. Hình ảnh của người mẹ trong bài thơ đã ám ảnh anh nhiều đêm ngày, và anh đã bừng sáng đầu óc khi hiểu ra rằng… Mẹ chính là Phật. Phật chẳng ở đâu xa, mà ở ngay trong cuộc sống này, khỏi kiếm tìm chi cho nhọc sức. Anh muốn phổ nhạc bài thơ này, em không chịu, anh cũng làm theo ý mình đến cùng!”
“Em sẽ kiện đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam!”
“Hội gì cũng sẽ xử huề!”
“Vậy thì chia đôi quyền lợi em mới chịu!”
“Thì chia đây: hai đứa cùng phổ nhạc, cùng hát. Đứa nào yếu giọng, ngắn hơi, mất quyền lợi ráng chịu!”
Họ cười vang vui vẻ. Rồi ngồi bên nhau với cây đàn, những dòng nhạc trên giấy, và không khí yên ắng của vùng ngoại ô chiều tà … Đôi bạn, một già một trẻ, say mê theo nhịp nhạc lời ca:
Đêm mơ tôi hái được trăng
Đặt vào ngực áo lam vầng vàng hoe
Mang trăng trên áo tôi về
Ghim nơi áo trắng miền quê học trò
Chập chờn bừng mắt giữa mơ
Mẹ ngồi bên ánh đèn mờ cắt may
Ao dài con gái trong tay
Lo cho con có ngày mai đến trường
Rưng rưng nước mắt rưng rưng
Hiểu ra lòng mẹ: một vầng trăng khuya
Dạt dào vằng vặc miền quê
Mẹ ơi, con có trăng khoe bạn mình …
Đôi bạn mãi mê hát. Họ không hề biết ngoài kia, bên hiên hè chập choạng tối sáng, có một người mẹ đứng ôm vầng ngực lặng thinh cùng với nước mắt rưng rưng, rưng rưng …
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.133.139.187 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập