Hạnh phúc chân thật là sự yên vui, thanh thản mà mỗi chúng ta có thể đạt đến bất chấp những khó khăn hay nghịch cảnh. Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không thể đạt được sự bình an nơi thế giới bên ngoài khi chưa có sự bình an với chính bản thân mình. (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Thành trì vững chắc của người tu »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thành trì vững chắc của người tu »»
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Như vương thành ở biên giới có đầy đủ bảy điều kiện và bốn thứ lương thực sung túc dễ tìm không khó; do đó vương thành không bị ngoại địch đánh phá, ngoại trừ tự phá hoại từ bên trong. Cũng vậy, nếu Thánh đệ tử cũng được bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm, dễ được không khó, vì thế Thánh đệ tử không bị ma vương lung lạc cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không còn thọ sanh trở lại”.
Bảy thiện pháp ấy là: tín kiên cố, tàm, quý, tinh tấn, học rộng nghe nhiều, chánh niệm, trí tuệ. Bốn tăng thượng tâm ở đây là bốn thiền, từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Bài viết này chỉ trình bày bảy lớp thành trì vững chắc bảo vệ người tu không bị ma vương lung lạc.
1. Thành trì thứ nhất là tín kiên cố, niềm tin vững chắc. Tín, tiếng Phạn là śraddhā, chỉ cho niềm tin trong sáng, thanh tịnh; đối với Phật, Bồ-tát, giáo pháp, Tăng-già không hề khởi niệm nghi ngờ. Tín là một trong mười pháp thiện địa, hay là một trong mười một tâm sở thiện. Tín kiên cố là niềm tin vững chắc, có gốc rễ, không bao giờ thay đổi, thối thất với nội hàm mười ý nghĩa: trong sáng, quyết định, hoan hỷ, không mệt mỏi, tùy hỷ, tôn trọng, tùy thuận, tán thán, bất hoại và ái lạc.
Trong quá trình tu học Phật pháp, tín tâm được xem là yếu tố tối quan trọng cho bước chân đầu tiên vào đạo. Bởi vậy, kinh Hoa nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ đẻ của bao công đức, nó nuôi lớn mọi thiện pháp, xé toang lưới nghi, vượt thoát sông ái, khai mở cửa Niết-bàn vô thượng”2.
Luận Đại trí độ cũng nói, Phật pháp như biển lớn, có niềm tin ắt sẽ vào được. Lại nói, một người mà trong tâm có niềm tin thanh tịnh thì chắc chắn người đó sẽ vào được Phật pháp, nếu không có niềm tin thì không thể vào được3. Do đó, tín đứng đầu trong năm căn (tín, tấn, niệm, định và tuệ). Không có niềm tin vững chắc thì không có động lực siêng năng tu hành, không thể bảo vệ được mình trước những cám dỗ của cuộc đời, lại càng không thể thành tựu được đạo nghiệp giải thoát.
Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới xây cất vọng gác, đắp đất cho chắc không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử có tín kiên cố, tin sâu nơi Như Lai, tín căn đã lập, trọn không theo Sa-môn, Bà-la-môn, ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử có vọng gác tín tâm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
2. Thành trì thứ hai là tàm. Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới đào hào vét ao thật sâu rộng, sửa sang thật vững chắc, để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng thế, Thánh đệ tử luôn sống biết tàm, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, xấu hổ pháp ác, bất thiện, phiền não cấu uế, là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có hồ ao tàm sỉ, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
3. Thành trì thứ ba là quý. Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới dọn dẹp những con đường nối liền chung quanh cho bằng thẳng rộng rãi để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống biết quý, điều đáng thẹn biết thẹn, thẹn pháp ác, bất thiện, phiền não cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có con đường bằng thẳng hổ thẹn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
Như vậy, tàm là tự thấy xấu hổ với lỗi lầm của mình; quý là thấy hổ thẹn với người khác. Tàm quý nói một cách đơn giản là cảm thấy xấu hổ, hổ thẹn với những lỗi lầm của mình đã gây ra. Đây là hai trạng thái tâm lý (tâm sở) thiện lành, rất cần thiết đối với tất cả mọi người, và vô cùng quan trọng đối với người tu. Bởi khi một người không tự biết xấu hổ với những hành động lỗi lầm mà mình đã gây ra thì người đó không có cơ hội để hướng thượng, để phát triển tâm linh, không việc xấu nào lại không làm. Đức Thế Tôn nhận định đây là “Hai pháp tinh diệu thủ hộ thế gian. Nếu không có hai pháp này, thì thế gian sẽ không phân biệt có cha, có mẹ, có anh, có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ; sẽ cùng với lục súc heo, gà, chó, ngựa, dê… cùng một loại”.
Tỳ-kheo nào không tàm, không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh. Không có ái và kỉnh thì làm tổn hại tín. Không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy. Không có chánh tư duy thì tổn hại chánh niệm, chánh trí. Không chánh niệm, chánh trí thì bị tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn.
Tàm và quý có sức mạnh rất lớn, có khả năng chặn đứng nghiệp lực đưa tới quả báo thọ khổ đời sau. Kinh ghi: “Tàm lực là hổ thẹn, xấu hổ đối với pháp ác, bất thiện, các phiền não đã khởi, sẽ phải chịu các quả báo khổ bức bách của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở trong đời vị lai. Quý lực là lấy làm thẹn các điều đáng thẹn, tự thẹn về các pháp ác, bất thiện, các số phiền não đã khởi, sẽ phải chịu các quả báo khổ bức bách của sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở trong đời vị lai”.
4. Thành trì thứ tư là tinh tấn, tức siêng năng. Siêng năng tinh tấn trong nhà Phật có bốn phương diện, gọi là Tứ chánh cần hay Tứ ý đoạn:
- Một là siêng năng tinh tấn để đoạn trừ những điều xấu ác đã sanh, không cho nó phát triển.
- Hai là siêng năng tinh tấn đoạn trừ điều ác chưa sanh, tức những ý niệm ác đang còn ẩn nấp bên trong tiềm thức, dưới dạng chủng tử, khiến cho nó không được phát triển.
- Ba là nỗ lực tinh tấn để phát huy, khơi dậy những điều thiện, những đức tính tốt, những hạt giống tốt chưa được biểu hiện, làm cho nó biểu hiện.
- Bốn là nỗ lực tinh tấn làm cho những điều thiện, những đức tính tốt, những hạt giống tốt đã phát triển càng thêm phát triển, mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Điều thiện ở đây được hiểu là các pháp đưa đến giải thoát khổ đau, như mười điều thiện, như vô tham, vô sân, vô si…
Trong kinh Tương ưng V, Đức Phật dạy: “Như sông Hằng chảy xuôi về phương Đông, Tứ chánh cần được tu tập sung mãn xuôi về Niết-bàn”. Ở một đoạn khác, Đức Phật dạy: “Để thắng tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, Tứ chánh cần cần phải được tu tập”. Ngài kết luận: “Như làm việc cần phải có sức lực, như đi phải có hai chân, hành giả trên đường về giải thoát luôn luôn tu tập Tứ chánh cần để hoàn bị thiện pháp”.
Rõ ràng, Đức Phật đã khẳng định tinh tấn là yếu tố rất quan trọng trên bước đường tu tập và hành đạo. Người xuất gia như những chiến sĩ ra trận, cầm gươm báu trí tuệ xông pha chiến trường khổ đau sanh tử để giết giặc phiền não, si mê, tham lam, sân hận. Nếu không có đủ nghị lực, không nỗ lực tinh tấn, sẽ bị giặc phiền não đánh gục. Sự siêng năng tu tập của những người con Phật là để phá phiền não ác, nhiếp phục bốn loài ma, để vượt ra ba cõi. Đó gọi là Chánh tinh tấn. Còn mọi nỗ lực khác, vì một yếu tố gì đó, chẳng hạn như siêng năng tụng kinh để cầu phước, để người ta cúng dường, thì đó không phải là sự tinh tấn chân chính. Cho nên, tinh tấn là một năng lực tổng hợp của sự hiểu biết, ước muốn giải thoát và chánh niệm tỉnh giác. Nếu rời ba tính chất này thì sự mọi sự siêng năng không phải là Chánh tinh tấn.
Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới tập trung bốn binh chủng: tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được an ổn và chế ngự địch quân ở bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử thường thực hành hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, luôn gắng sức bền chí, chuyên nhất kiên cố, làm các điều thiện, không bỏ phương tiện, đoạn trừ ác bất thiện, tu các thiện pháp, hằng tự sách tấn, chuyên nhất, kiên cố, làm các gốc rễ thiện, không bỏ phương tiện. Đó là Thánh đệ tử có quân lực tinh tấn để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
“Các thế lực xấu ác không ngừng bức não người tu. Chúng có thể mắng chửi, đập phá, bôi nhọ… Nếu mắng chửi, đánh đập, bôi nhọ mà không chi phối được người tu thì chúng sẽ phụng kính, cúng dường, lễ sự để lung lạc. Đó là bản chất xấu ác của ma binh, rất hung bạo và xảo quyệt, luôn tìm mọi cách để mưu hại, hoặc mua chuộc bằng tiền tài, danh lợi, địa vị, hoặc khủng bố bằng bạo lực… nhằm mục đích lung lạc chí hướng tu tập của những người tu. Nếu không đề cao cảnh giác, không có bản lĩnh phi thường, không xây dựng thành trì vững chắc, người tu sẽ dễ dàng bị rơi vào cạm bẫy của các thế lực xấu ác”.
5. Thành trì thứ năm là quảng học đa văn, tức học rộng nghe nhiều. Học rộng, nghe nhiều là học và nghe những gì để có thể thấy được đặc tính vô thường, vô ngã của các pháp. Học rộng nghe nhiều bằng cách đọc tụng, nghiên cứu, nghe giảng về kinh, luật, luận.
Đức Phật giảng dạy suốt 45 năm, kinh điển để lại như biển lớn có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu…
Chánh pháp luật của Như Lai cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám chi…
Nếu không học rộng nghe nhiều, tức là không đọc tụng kinh điển, làm sao có thể thừa tự được kho tàng pháp bảo ấy? Cho nên, người Phật tử không những phải học rộng, nghe nhiều mà còn phải ghi nhớ không quên những pháp đã học, đã nghe.
Một người đa văn, là đệ tử của bậc Thánh, thì không để tâm dẫn đi, không để tâm nhiễm trước, không để tâm tự tại, người ấy không vâng theo sự tự tại của tâm, mà tâm tùy theo tự tại của người ấy. Một người đa văn là khi nghe, khi đọc bốn câu kệ mà biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp tùy pháp, thuận theo phạm hạnh.
Quảng học đa văn không có nghĩa là lao đầu vào học hết trường này đến trường khác, không phải đọc hết sách này đến sách khác, chất chứa nhiều loại tri thức, từ đông tây kim cổ, đến nội ngoại điển đều thông, mà quảng học đa văn ở đây là Văn, Tư, Tu những gì có thể dẫn đến đoạn diệt phiền não, tiêu diệt các pháp ác bất thiện và làm phát khởi hạt giống trí tuệ nơi tâm của mình.
Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới, chuẩn bị binh khí, cung tên, mâu kích, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử học rộng nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự nghe rộng. Các pháp nào là toàn thiện ở khoảng đầu, toàn thiện ở khoảng giữa, toàn thiện ở khoảng cuối, có nghĩa có văn, thanh tịnh trọn đủ, phạm hạnh hiển hiện, học rộng nghe nhiều các pháp như vậy; học đến cả ngàn lần, chú ý chuyên tâm quán sát, thấy rõ hiểu sâu. Đó là Thánh đệ tử có binh khí đa văn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
6. Thành trì thứ sáu là chánh niệm. Niệm, Phạn ngữ smrti, là trạng thái chú tâm, sự hiện hữu của tâm trên đối tượng, là phát khởi và duy trì ý thức về một đối tượng. Niệm đơn giản là để tâm tới đối tượng và chỉ để tâm tới thôi, không cần phải suy tư, tưởng tượng và phân tích gì hết. Chánh niệm, samyak smrti, là sự ý thức và tập trung chân chính, rõ ràng, an tĩnh, sự ý thức về đối tượng bên trong và bên ngoài (của thân, thọ, tâm, pháp) một cách không chấp trước và vướng mắc, tức là sự ý thức đơn thuần để tiếp xúc thực tại như thật của nó (hiện lượng) mà không liên hệ đến các hoạt động lý luận, đánh giá và phân biệt.
Tu tập có nghĩa là làm chủ thân tâm. Để làm chủ thân tâm phải thực tập và duy trì chánh niệm. “Tỳ-kheo nào không chánh niệm, không tỉnh giác thì chánh niệm bị tổn hại. Nếu không chánh niệm, tỉnh giác thì làm tổn hại việc thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại Niết-bàn”. Ngược lại, “Nếu Tỳ-kheo nào không thường mất chánh niệm tỉnh giác thì thường xuyên có chánh niệm tỉnh giác. Nếu có chánh niệm tỉnh giác thì thường thủ hộ các căn, giữ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát liền chứng đắc Niết-bàn”9.
Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vát, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền thì cho vào, kẻ bất lương thì ngăn cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử luôn sống chánh niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã từng thực tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là Thánh đệ tử có đại tướng trấn thủ niệm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
7. Thành trì thứ bảy là trí tuệ. Tu học mà không có trí tuệ thì dễ lầm đường lạc lối. Cho nên, khác với người đời, vốn lấy tài sản, địa vị, quyền lực, danh vọng… làm sự nghiệp, người xuất gia theo đạo Phật lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp). Trí tuệ ở đây không phải là thứ kiến thức thu thập được từ học đường, từ sách vở và gói vào trong mảnh văn bằng, học vị cử nhân, tiến sĩ,… Những thứ ấy chỉ là tri thức, không dính dáng gì đến trí tuệ của nhà Phật.
Trí tuệ ở đây là sự hiểu biết tất cả các pháp, thấy rõ được bản chất của các pháp. Nói cách khác là trí tuệ thấy được bản chất khổ, vô thường, duyên sinh và vô ngã của các pháp. Trí tuệ này là động lực đưa chúng ta tìm cầu cái không sinh, không già, không bệnh, không chết, không sầu, không ô nhiễm; trí tuệ giải thoát.
Trí tuệ giải thoát vốn có trong tâm của mỗi chúng sanh. Cái vô minh nó nằm trong tâm của chúng sanh, mà cái minh (trí tuệ) nó cũng nằm trong tâm của mỗi chúng sanh. Do đó, để chặn đứng dòng chảy của vô minh thì phải làm phát khởi, làm khơi dậy cái minh, cái vô si trong tâm của chúng ta.
Sự tu học trong đạo Phật là làm thế nào để phát triển được hạt giống trí tuệ, cái minh trong mỗi chúng sanh, trong mỗi con người. Giáo dục của Phật giáo là con đường đưa đến vô minh diệt, minh sanh. Minh này chính là tự tính, là Phật tính nơi mỗi chúng sanh. Chỉ khi nào làm phát khởi được cái minh này, làm cho cái minh này hiển hiện thì lúc đó mới thành tựu được sự nghiệp tu học. Đó là mục đích của sự tu học.
Kinh ghi: “Như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn tô đất, để bên trong được an ổn, và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng vậy, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy. Bằng Thánh tuệ phân biệt tỏ tường và thấu suốt mà chân chánh diệt tận khổ. Đó là Thánh đệ tử có bức tường trí tuệ, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp”.
Tóm lại, bảy pháp tín kiên cố, tàm, quý, tinh tấn, học rộng nghe nhiều, chánh niệm, trí tuệ là bảy lớp thành trì vững chắc bảo vệ lâu đài điện các tâm linh trước mọi thế lực của ma binh mà mỗi người con Phật phải luôn xây đắp, giữ gìn. Cuộc sống là sống với sống cùng chứ không phải sống một mình. Không một cá thể nào tách rời đoàn thể mà có thể sống được. Đoàn thể đó có thể là một gia đình, một tổ chức xã hội, một đoàn thể tu học, có thể là rừng cây, bờ suối… Tất cả những thứ ấy đều là điều kiện nhân duyên cho sự sống tiếp tục phát triển.
Trong trùng trùng duyên khởi các điều kiện nhân duyên đó, có những thứ đã hấp dẫn, cuốn hút chúng ta vào con đường danh lợi, vào con đường tội lỗi; cũng có những thế lực vô minh, ma binh đang rập rình xâm nhập vào “nhà Như Lai”, lung lay lý tưởng tu học, phá hủy giới thân tuệ mạng… Vì vậy, chúng ta phải cẩn trọng, đề phòng. Cẩn trọng và đề phòng bằng bảy thiện pháp này chính là thành trì vững chắc nhất khiến “không bị Ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác bất thiện, không bị nhiễm bởi nhiễm ô, không còn thọ sanh trở lại”.
Các thế lực xấu ác không ngừng bức não người tu. Chúng có thể mắng chửi, đập phá, bôi nhọ… Nếu mắng chửi, đánh đập, bôi nhọ mà không chi phối được người tu thì chúng sẽ phụng kính, cúng dường, lễ sự để lung lạc. Đó là bản chất xấu ác của ma binh, rất hung bạo và xảo quyệt, luôn tìm mọi cách để mưu hại, hoặc mua chuộc bằng tiền tài, danh lợi, địa vị, hoặc khủng bố bằng bạo lực… nhằm mục đích lung lạc chí hướng tu tập của những người tu. Nếu không đề cao cảnh giác, không có bản lĩnh phi thường, không xây dựng thành trì vững chắc, người tu sẽ dễ dàng bị rơi vào cạm bẫy của các thế lực xấu ác.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.22.68.238 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập