Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Hành động thiếu tri thức là nguy hiểm, tri thức mà không hành động là vô ích. (Action without knowledge is dangerous, knowledge without action is useless. )Walter Evert Myer
Con người chỉ mất ba năm để biết nói nhưng phải mất sáu mươi năm hoặc nhiều hơn để biết im lặng.Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chiếc xe ô tô đồ chơi »»
Tôi chắc chắn rằng chẳng có một ai đến cái tuổi chớm về chiều như tôi, khi nhìn lại quá khứ đời mình mà không mang ít nhiều cảm giác ăn năn vì những lỗi lầm nào đó mà mình đã phạm phải trong cuộc sống. Những lỗi lầm có thể do tính xấu bẩm sinh của mình gây ra, chẳng hạn như tính ích kỷ, tính keo kiệt, tính đố kỵ với bạn bè, người thân... Nhưng cũng có thể do thiếu kinh nghiệm sống hay chỉ vì dốt nát, ngu đần nên gặp phải, hoặc vì chủ quan, tự tin quá lố để rồi mất đi sự thông cảm, sự hiểu biết hợp lý mà dẫn đến lầm lạc... Tóm lại nói đến sự “thỏa mãn toàn vẹn” về con người mình trong cuộc đời chỉ là điều không có thật, nếu không muốn nói là u mê chưa tỉnh, hay không có can đảm nhìn rõ về mình mà thôi.
Tôi cũng thế, không một tí ngoại trừ. Nhìn lại khoảng thời gian trải dài đằng đẵng hơn 60 năm tuổi đời. Nhớ lại biết bao nhiêu sự việc không mấy tốt đẹp, với những thất bại ê chề xảy ra trong đời, ít hay nhiều do chính mình gây ra. Tôi chẳng muốn giấu giếm hay ngượng ngùng khi nhìn nhận mình đã có quá nhiều khiếm khuyết, ngày nay quay nhìn lại với những ăn năn, tự trách. Đúng như vậy, kể làm sao cho hết những khiếm khuyết, lỗi lầm mà tôi đã gây ra cho chính bản thân và cho những người thân thương, ruột thịt của mình. Từ lúc ấu thơ sống dưới sự cưu mang, chăm sóc (dù thiếu thốn, nghèo khổ) của cha mẹ khi là đứa bé hằng ngày lang thang ở thành phố Hà Nội xa xưa đến lúc lớn khôn bước vào đời đi làm việc. Rồi nhờ tí may mắn kèm theo những cố gắng học hỏi về chuyên môn với những hối thúc bởi tham vọng mà có giai đoạn được bước vào vị trí nhàn nhã có tí chút hơn người...
Đôi lần tôi đã quên đi những thất bại, những lầm lạc mà tưởng rằng mình giỏi, mình khôn ngoan! Nhưng đến một lúc nào đó, trong một không gian tĩnh lặng, tâm tư thoáng đãng chợt đưa mắt nhìn rất thật vào cái gương soi rõ con người mình. Tôi không còn tí chút nào cao ngạo nữa, thay vào đó là bao nhiêu cảm giác ăn năn vì những lỗi lầm trong đời. Tôi tự nghĩ nếu thực sự khôn ngoan hơn, suy tính kỹ lưỡng hơn và nhất là dám nhận khuyết điểm, can đảm sửa sai, phục thiện… có lẽ tôi đã đạt được kết quả tốt hơn và không bị giày vò ân hận với những thất bại như ngày nay.
Ngay với 3 đứa con của tôi, chúng đã sinh ra, lớn lên, được giáo dục trong tình thương yêu đậm đà cùng với bao ước mơ của tôi dành cho chúng, nhưng tôi cũng có quá nhiều khuyết điểm, sai lầm trong vai trò người cha đối với con. Tôi đã quá nghiêm nghị, quá khắt khe đôi khi mang tính cố chấp, độc tài với các con. Tôi đã ôm tính tự ái quá cao với vị trí của người bố để không dám xin lỗi hay tìm cách sửa sai trước mặt các con. Tôi không dám hay thật ra cố tìm cách quên đi những bản chất tự nhiên của trẻ thơ. Cái bản chất mà chính ngày xưa, lúc tôi còn ở tuổi như chúng, tôi cũng thế, nếu không muốn nói là còn đáng trách hơn. Tôi đã rầy la, ngăn cản không cho chúng được thể hiện những cái mà ở tuổi chúng phải như thế. Tôi không hiểu được rằng, nếu chúng không như thế mà đúng y hệt như cha mẹ chỉ dẫn tức là bất bình thường. Tôi muốn chúng chơi đùa, ăn học có lúc, đúng với thời khóa biểu, chỉ vì tôi không hiểu một điều đơn giản, đó là thời gian của trẻ thơ không bao giờ được đếm bằng chiếc kim đồng hồ và dẫn dắt bởi ý kiến lạ kỳ của ông cha, bà mẹ. Thời gian của trẻ thơ được tính toán bằng sự hồn nhiên phóng túng liên hệ đến bầu năng lượng mà sức khỏe của chúng xác định. Một đứa bé chỉ biết cắm đầu vào sách vở không biết gì đến xã hội chung quanh, không biết chơi đùa, nghịch phá như bạn cùng lứa tuổi tức là chúng khác thường hay đang đi vào một loại bệnh tật nào đó. Cha mẹ hãy nên lo lắng hơn là vui mừng với đứa con như vậy!
Tôi đã uốn nắn, tìm cách hướng dẫn ba đứa con theo những kinh nghiệm, khôn ngoan của tôi. Tôi muốn chúng hiểu rõ những cay đắng của thất bại, những khổ cực mồ hôi nhầy nhụa của đời tôi. Một cuộc đời sinh ra lớn lên trong thiếu thốn và luôn luôn bị đe doạ bởi những bấp bênh của chiến tranh, loạn lạc và đầy dẫy bất công ... Tất cả những cái thua thiệt đó đã mài giũa tôi thành một con người sắc xảo, khôn lanh (có lẽ cả sự gian trá nữa?!). Tôi nghĩ rằng đó là kinh nghiệm sống, là cấu chất của thành công. Nhưng tôi đã lầm, cái lầm lẫn quá lớn lao và đầy tệ hại. Tôi đã không biết một điều rất đơn giản, quá hiển nhiên, đó là những đứa con tôi chưa bao giờ biết đến ý niệm thiếu ăn, khốn khổ vì chiến tranh thì tại sao bắt chúng phải nhịn bữa cơm khi bụng đang đói? Chúng phải nghi ngờ, nói xấu sau lưng hay phùng má trợn mắt lên chống đối người khác khi họ không đồng quan điểm hay chính kiến với chúng?
Thật là vô lý! Cái vô lý ngớ ngẩn và rất khó hiểu khi chúng thấy tôi nghĩ đó là khôn ngoan và muốn truyền đạt cho chúng. Tôi dạy dỗ chúng dè xẻn tiền bạc để phòng ngừa lúc túng thiếu, nhưng tôi quên một điều là xã hội chúng đang sống, đang cưu mang chúng khác hoàn toàn với xã hội nghèo khổ, chiến tranh và đầy bấp bênh của tôi ngày xưa. Chúng cần gì nén lòng không dám bỏ tiền ra mua một món đồ dùng mà chúng ham thích khi trong túi đang có tiền hay phải ngại ngần không dám đến ngân hàng để mua trả góp khi chúng có khả năng hoàn trả?
Tóm lại đến ngày nay khi các con tôi đã lớn khôn, tôi đã có đầy đủ thời gian và hoàn cảnh để nhìn lại mình, nhìn khá rõ! Tôi đã im lặng chịu đựng những ăn năn vì những lỗi lầm của mình. Viết ra đây một lầm lỗi rất bé nhỏ, cái lầm lỗi mà nhiều người cho rằng không quan trọng, chẳng đáng để tâm, nhưng với tôi lại là một biểu tượng của hàng trăm lỗi lầm khác liên hệ đến cái tính xấu độc tài, cứng nhắc, tự ái quá đáng của tôi, đã làm tôi xấu hổ với chính mình và cả với vợ con nữa.
***
Khi 3 đứa con tôi còn bé, gia đình chúng tôi thường cùng đi với nhau, ngay cả việc đi siêu thị mua đồ ăn hằng ngày. Đặc biệt vào những ngày nghỉ lễ hay cuối tuần tôi luôn luôn lái xe cùng gia đình tìm chốn vui chơi hay thăm viếng bạn bè. Ngay cả những khi vì công việc phải đi công tác xa, trong Thụy Sĩ hay ngoại quốc. Tôi cũng không bao giờ bỏ qua dịp may, xếp đặt lấy thêm vài ngày nghỉ thường niên để cả gia đình cùng đi, coi như một cuộc du lịch thư giãn vui chơi cùng vợ và con tôi.
Một lần, vào dịp nghỉ hè, chúng tôi dùng xe ô tô tham dự một lễ hội ở thành phố Bern, thủ đô của Thụy Sĩ. Trong những lần đi xa như vậy, vợ tôi luôn luôn ngồi phía trước để giúp đỡ tôi trong việc mở bản đồ chỉ dẫn đường đi và cũng để giúp tôi những việc lặt vặt cá nhân khi lái xe. Các con tôi ngồi hàng ghế phía sau. Lần đó, khi xe vừa vào thành phố, hai đứa con lớn của tôi bắt đầu gây gỗ, đánh nhau vì tranh giành đồ chơi. Vợ tôi quay lại giàn hoà rất nhiều lần nhưng cũng chẳng xong, tôi la hét, dọa dẫm đều vô ích. Lái xe trong một thành phố chưa quen thuộc đường đi, lại vào dịp lễ hội đông xe, đông người đã làm cho vợ chồng tôi nhiều khi luống cuống. Trong khi đó ở hàng ghế sau lũ con thì khóc lóc, đánh nhau muốn phá tung lên, càng làm tôi gần như điên lên vì tức giận.
Tôi vừa lái xe, vừa dùng đủ lời đe dọa, mong chúng sợ mà im lặng. Vợ tôi cũng chẳng khá hơn, quay hẳn người lại để tìm cách phân xử. Nhưng cuộc tranh giành vẫn không chấm dứt. Lo sợ tai nạn và lầm lẫn đường đi, tôi có ý định tìm chỗ dừng xe để giải quyết. Nhưng ở một thành phố đang lễ hội, đường xá lại hẹp, bảng chỉ dẫn đường bị thay đổi để tránh nạn kẹt xe… hoàn toàn không dễ dàng cho việc dừng xe mà không làm ngăn cản giao thông. Cuối cùng quá bực bội, tôi hét lên với lũ con:
- Chúng mày mà không chấm dứt, ba sẽ dừng xe lại, liệng hết đồ chơi đi đó!
Nhưng cũng chẳng đến đâu, tiếng khóc, tiếng cãi nhau của lũ trẻ chẳng ít đi mà có phần nhiều hơn. Tôi gần như giận run lên! Ngay lúc đó, gặp một ngã rẽ bên phải, tôi quẹo xe vào con đường bên cạnh, ít xe hơn, cùng lúc tôi hét lên:
- Ba kiếm chỗ dừng xe, chúng mày sẽ biết ba sẽ làm gì, ba không muốn đùa với chúng mày!
Chạy được một khỏang ngắn, thấy một khỏang đất trống, nơi để những chiếc thùng rất to màu xanh để thu gom đồ vật tái chế (thủy tinh, kim loại…) . Chẳng ngần ngại tôi giảm tốc độ, quay đầu nhìn lại lũ con, với lời nói rất rõ ràng:
- Chúng mày sẽ thấy ba sẽ làm đúng như lời nói.
Lũ con tôi, lúc này đã nhận thấy câu nói của tôi không còn là câu đe dọa suông nữa. Chúng im lặng hoàn toàn, ngồi đúng chỗ trên xe. Đứa đưa mắt sợ hãi nhìn tôi như van lơn, đứa nhìn vợ tôi mong cứu giúp. Thành thật mà nói, lúc quay lại nhìn các con, thấy chúng đã biết sợ, im lặng, nhất là thấy đôi mắt như van lơn tha thứ của chúng … sự tức giận của tôi đã có phần nào giảm bớt. Nhưng tự ái, muốn xác nhận quyền làm cha, muốn chứng tỏ lời nói của mình không đùa giỡn, đâu ra đó … Tất cả những cái cứng mạnh muốn tỏ lộ vai vế một ông bố “nói là làm”, một ông bố nghiêm nghị đã xóa nhòa nhãn giới, suy nghĩ đúng sai của tôi để mất đi sự cảm thông với trẻ thơ. Dù lúc đó lòng thương yêu con tràn đầy trong tim tôi khi nhìn những cặp mắt ăn năn, đầy sợ hãi của lũ con.
Tôi vẫn lạnh lùng điều chỉnh cho chiếc xe dừng lại đúng chỗ, ngay bên cạnh chiếc thùng thu gom đồ tái chế. Vợ tôi hình như nhìn thấy sự quyết liệt của tôi, nhưng không cầm lòng được khi nhìn thấy sự im lặng sợ hãi, khẩn cầu giúp đỡ của các con. Đưa mắt nhìn tôi, vợ tôi đấu dịu:
- Thôi bỏ qua cho chúng đi, chúng đã biết tội rồi!
Nhưng vẫn khuôn mặt vô cảm, ánh mắt cau có đầy tức giận, im lặng không nói tiếng nào, tôi xuống xe, bước đến mở cánh cửa sau, đưa bàn tay vào trong xe, với giọng quyết liệt:
- Đưa những đồ chơi mà chúng mày tranh giành, đánh nhau ra đây!
Ba đứa con tôi đưa ánh mắt lo sợ, van xin, im lặng nhìn về hướng tôi. Vợ tôi cũng lặp lại lời xin tôi tha lỗi cho chúng, nhưng tôi hoàn toàn không động lòng, tôi nói nhát gừng từng chữ:
- Đưa ngay! Nếu không muốn tất cả đồ chơi sẽ được bỏ vào thùng rác.
Lúc đó thằng con trai và đứa em gái lớn tranh nhau phân trần với tôi về chiếc xe ô tô đồ chơi là nguyên nhân mà chúng tranh giành. Tôi chẳng cần nghe phải trái của hai đứa con, với tất cả quyết liệt, không khoan nhượng tôi nhắc lại:
- Đưa đây!
Vợ tôi không cầm lòng được khi nhìn thấy lũ con sợ hãi và tiếc rẻ món đồ chơi, nhìn tôi như năn nỉ:
- Thôi, anh tha cho chúng nó đi.
Quay về hướng các con vợ tôi nói :
- Các con xin lỗi bố đi.
Chẳng cần vợ tôi nói lần thứ hai, cả ba đứa con cùng cất lời xin lỗi. Lúc đó tôi hoàn toàn không còn giận tức nữa, nhưng vẫn muốn chứng tỏ mình không đe dọa suông, muốn chứng tỏ oai quyền của ông bố quyết liệt. Đúng là tự ái rởm, thiếu bao dung, không cảm thông, quên đi cái tôi của chính mình ngày xưa, thời còn ở tuổi như chúng, chắc chắn mình còn tệ hại, hư đốn hơn chúng rất nhiều (!)… Tôi vẫn đưa bàn tay về hướng thằng con, với lời nói rất sắt đá:
- Ba nói lại một lần nữa, đưa đây cho ba liệng đi!
Đến lúc này thì thằng con đã thực sự rơi vào thất vọng trước sự quyết liệt của bố. Đôi mắt nó mờ dại, tay run run cầm lấy chiếc xe ô tô đồ chơi đưa chậm chạp về hướng tôi. Tôi vẫn không động lòng dù đã nhìn rõ ánh mắt tiếc rẻ, đầy ăn năn vì lỗi lầm dại khờ của thằng con. Tôi cũng chẳng thu nhỏ bàn tay của mình đang ngửa trước mặt nó. Trong khi thằng con vừa đưa chiếc xe ra vừa run run (tôi chắc chắn con tôi run run không phải vì sợ hãi mà nó run vì tiếc rẻ chiếc xe ô tô cũ kỹ, nhỏ bé chỉ bằng trái chuối cau)
Nhưng hình ảnh cuối cùng của sự việc có lẽ đã làm tôi xúc động nhất, đau khổ nhất và đến nay đã mấy chục năm qua tôi vẫn không quên được ánh mắt buồn đau, tiếc rẻ của thằng con, đã khắc sâu vào trí nhớ của tôi, đã làm tôi ân hận mãi mãi. Đó là lúc thằng con tôi run run đưa chiếc xe vào tay tôi, tôi chưa kịp nắm lấy chiếc xe đồ chơi. Con tôi rút tay lại, nó đưa chiếc xe lên ngang tầm mắt, nước mắt chẩy dài dưới gò má. Thằng con đờ đẫn ngắm nghía chiếc xe đồ chơi cũ kỹ ra vẻ rất đau xót. Cuối cùng nó đưa chiếc xe sát vào miệng, hôn đắm đuối chiếc xe trước khi nhìn ngơ ngẩn như si dại rồi đặt nhẹ chiếc xe vào bàn tay tôi, bàn tay vẫn lạnh lẽo xoè ngửa trước mặt đứa con!
Tôi chứng kiến tất cả! Từ bàn tay run run đưa ra. Từ ánh mắt ngây dại buồn đau, dàn dụa nước mắt đến cả lúc con tôi đắm đuối hôn từ giã chiếc xe đồ chơi trước khi đưa chiếc xe vào bàn tay tôi. Nắm được chiếc xe đồ chơi của con, không một tí lưỡng lự, thương con, tôi quay người ra khỏi cửa sau chiếc xe, dù lúc đó lòng tôi cũng đau và thương con như muối xát nhưng chỉ vì cái tự ái qúa lớn của một ông bố đã làm tôi quên đi tất cả. Tôi cầm lấy món đồ chơi còn hơi hám nụ hôn và nước mắt xót đau của đứa con, đi đến chiếc thùng thu gom rác kim loại, tàn nhẫn tôi bỏ chiếc xe đồ chơi của con tôi vào đó!
Đến nay bất cứ khi nào khắt khe với con, hình ảnh đau buồn và đầy ân hận đó luôn luôn hiện ra trong trí nhớ tôi, mang đến cho tôi những cảm giác của một ông bố lỗi lầm. Tôi đã ngoan cố, tôi đã thiếu cảm thông với thế hệ con của tôi. Tôi đã hèn nhát, không trung thực để không dám chấp nhận một điều rất rõ ràng và chính xác. Đó là chắc chắn các con tôi, chúng ngoan ngoãn, biết sống ngay ngắn đầy tính nhân bản hơn tôi ngày xưa rất nhiều. Chẳng có gì phải suy nghĩ cao siêu để nghi ngờ điều này cả. Chúng sinh ra, lớn lên trong một xã hội thanh bình, có nền giáo dục tốt đẹp như Thụy Sĩ. Chúng không phải ngụp lặn trong một xã hội chiến tranh và đầy dẫy tật ách như tôi đã không may bị vướng vào thì làm sao chúng nó xấu xa hơn tôi được? Nếu có điều gì đó ngày xưa của tôi khả dĩ tốt hơn chúng (dù chỉ là cái tốt epsilon!), thì đó cũng chỉ là một hệ quả đương nhiên vì cuộc sống ngày xưa nghèo đói tôi đã không có điều kiện để hư đốn mà thôi. Bản chất và mầm giáo dục từ cái xã hội chiến tranh, phong kiến, đầy rẫy gian xảo trong tôi có lẽ chẳng có gì để tự hào hơn chúng nó cả.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.97.62 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập