Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Người tốt không cần đến luật pháp để buộc họ làm điều tốt, nhưng kẻ xấu thì luôn muốn tìm cách né tránh pháp luật. (Good people do not need laws to tell them to act responsibly, while bad people will find a way around the laws.)Plato

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tạp bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Những lá thư tình viết mướn »»

Tạp bút
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Những lá thư tình viết mướn

Donate

(Lượt xem: 7.521)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Những lá thư tình viết mướn

(Viết tặng riêng cho Nguyễn Duy Dương)


Vài lời phi lộ

Nếu tôi nhớ không lầm thì, năm tôi 6 tuổi (1952) , lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong khoảng 4, 5 năm tôi sống ở Hà nội trước khi di cư vào Nam (1954) được chủ nhân cho tất cả gia đình người làm dưới quyền đi xem ciné tại nhà hát lớn Hà Nội. Phim ciné đầu tiên của đời tôi đó là phim hài của Charlot Chaplin. Tôi cũng không nhớ phim gì trong hàng chục phim của vị thiên tài kiệt xuất này. Sau khi coi phim, trên đường về nhà, mấy chục người chen nhau trên thùng chiếc xe GMC, trẻ con cũng như người lớn, ai ai cũng khoa chân múa tay, cố gắng mô tả lại dáng điệu giễu cợt của Charlot rồi cùng ngặt nghẽo cười vui, thích thú.

Rồi khi vào Nam, cuộc sống khá lên dần dần, việc bỏ tiền đi xem phim của Charlot, không còn quá khó khăn với tôi nữa. Tôi không dám chắc đã coi tất cả những phim của Charlot nhưng tôi nghĩ cũng khá nhiều trong số hàng nhiều chục phim dài, ngắn của ông ta. Khi còn trẻ, kiến thức của tôi về con người và xã hội, nhất là triết lý trong nhân sinh còn thấp kém nên tôi đã coi phim trong tư thế một cuộc giải trí, cười vui đúng nghĩa.

Nhưng thời gian và học hỏi đã nuôi tôi khôn lớn nhờ sự học hành, tôi đọc sách báo nhiều hơn, biết tìm hiểu cuộc sống ở một góc cạnh cao cấp, thâm thuý hơn mà người ta gọi là những suy niệm triết học trong cuộc sống của con người và xã hội. Từ những tăng tiến của kiến thức đó tôi đã nhìn thấy những cái cao siêu tiềm tàng trong những phim của Charlot. Đúng như vậy, dù coi đi, coi lại nhiều lần bất cứ phim nào của Charlot nhất là những phim điển hình làm lên cái vĩ đại và bất tử của ông, như Modern times; The Great Dictator ; Limelight..v..v.. tôi vẫn cười vang thích thú, nhưng sau một lúc, tôi chợt thấy nước mắt của mình chảy dài xuống gò má và làm tôi đờ dẫn trầm tư. Lý do rất dễ hiểu, tôi đã tìm thấy những bi thương, tàn bạo, bất công hay dối trá… của con người, của xã hội ẩn tàng sau những nụ cười vui mà người ta gọi nó là triết lý BI HÀI (bi đát và hài hước) trong những phim của Charlot Chaplin.

Hôm nay với bài tạp bút này, tôi cũng muốn dùng chữ nghĩa, câu văn để kể lể về một khoảng thời gian rất tếu (nhưng cũng rất buồn) trong cuộc đời của tôi. Nó cũng có những đắng cay thầm kín chôn sâu trong công việc mà tôi đã làm trong quá khứ, hòng tìm một tí thu nhập cung ứng cho thời sinh viên nghèo đói của tôi. Đó là “viết thư tình mướn”. Trong hàng chục lá thư tôi viết mướn, có những lá thư chuyên chở một tình yêu thật sự, một ý hướng trong sáng, chân thành, đáng tôn vinh. Nhưng phần lớn là những lá thư tích tụ toàn là gian trá, bất nhân, lừa gạt. Tình cảm trong đó chỉ là những ngôn từ rất đẹp, đầy lãng mạn yêu thương nhưng hoàn toàn trống rỗng và giả dối! Nhưng tôi vẫn phải viết theo những gì mà người ta muốn, vì đó là công việc của một kẻ viết thư mướn như tôi.
(LA)

&

Vào truyện

Trong cái lạnh lẽo giữa đông của Thụy Sỹ, ngồi một mình trên chiếc sô-pha, hướng mắt qua khung cửa sổ dõi theo những bông tuyết lất phất rơi bên ngoài. Cảm giác cô đơn buồn chán lại đến, nhấn chìm tôi vào âm thanh than van của những bản nhạc tình ái xa xưa đang phát ra từ dàn máy ở góc phòng. Đọc lại thêm một lần nữa truyện ngắn “Người Viết Mướn”của tác giả Tiểu Tử, một người bạn văn nghệ quen biết nhau trên mạng vừa gửi cho tôi tối hôm qua. Đó là một câu truyện khá thích thú. Ngôn từ và lối hành văn rất thật, lôi kéo người đọc nhưng đượm chút “mùi” cay đắng xót xa của nhân vật chính trong truyện. Một người đàn ông Việt Nam có ăn học, do hoàn cảnh đưa đẩy ông ta và gia đình đến định cư tại Côte d’Ivoire một quốc gia nghèo thuộc miền Tây Phi châu, nhờ có khả năng Pháp ngữ, ông ta đã bước vào nghề “viết mướn” tại góc một ngôi chợ để sinh nhai.

Cốt truyện và suy tư của nhân vật trong truyện đã kéo ký ức của tôi trở lại với những năm tháng, thời gian mà tôi còn đi học tại VN. Ngày đó, khi vừa chập chững bước vào đại học với tí chút cảm khoái về văn chương, thơ phú, kèm thêm cá tính tếu đùa, “chất liệu một học sinh Chu Văn An” trong máu. Tôi đã có nhiều lần sử dụng tài văn chương thô thiển của mình vào những chuyện rất vui, đáng nhớ trong suốt thời gian còn sống và làm việc trong nước. Hôm nay, khi đọc truyện ngắn “Người viết mướn”, tôi muốn dành khoảng thời gian rảnh rỗi trong cái lạnh lẽo này để gò nắn chữ nghĩa viết ra một vài câu truyện làm vui cho chính mình và cũng để kỷ niệm những người bạn thân thiết, tếu hài của tôi. Có thể vài ba người, hiện nay vẫn còn hiện hữu chốn nhân gian nhưng cũng có những người đã trở về với đất đá vô tri. Dĩ nhiên tôi cũng không quên dành tặng riêng cho những người là những nhân vật chính mà tôi đã viết những bức thư mướn cho họ trong ký ức buồn vui này.

Những lá thư viết cho một cuộc tình có hậu

Ngày đó, vào khoảng năm 1955 khi chuyển từ Đà lạt về lại Saigòn, gia đình tôi cư ngụ tại một xóm lao động, nghèo khổ cuối đường Tô Hiến Thành, được gọi là xóm Tre. Cư dân trong xóm toàn là du đãng, lính tráng và đĩ điếm. Thời gian đó tôi đã 9 tuổi, nhờ biết đọc biết viết và làm được 4 phép tính nên được vào thẳng lớp tư trường tiểu học Chí Hoà. Trong xóm cũng có một thằng bé lớn hơn tôi một tuổi tên gọi là Phước Đen, cũng học lớp tư nhưng khác phòng. Gia đình Phước ở cuối xóm, còn tôi ở khoảng giữa xóm, nhờ những lần chơi đùa với nhau ở trường cũng như trong xóm mà tình thân của chúng tôi cũng khá tốt. Bố của Phước đạp xích lô nên mọi người gọi là ông Tư Xích Lô. Việc đạp xích lô của ông Tư rất vi vu, lúc sớm lúc muộn, thích thì đi không thì ở nhà. Nhất là vào những ngày cuối tuần trong xóm có hát vọng cổ hay ăn nhậu thì chuyện đi làm hôm đó và cả ngày hôm sau của ông Tư coi như không có. Ông cần nghỉ ngơi để thổi đi một ngày mệt nhọc với vui ca, ăn nhậu. Còn bà Tư, việc đi chợ nấu nướng cho chồng con cũng vậy, lúc nấu, lúc không. Bất cứ khi nào cần, bà chỉ sai đứa trẻ nào đó trong xóm ra tiệm cơm ở đầu ngõ là có, khỏi cần phải nấu nướng vì bà còn nhiều việc khác phải làm.

Chiếc phản gỗ kê ngoài hiên trước của căn nhà, được che chắn mưa nắng khá tốt là nơi dành riêng cho những bà trong xóm “gầy sòng tứ sắc”. Bà Tư lo việc cung phụng nước uống, thức ăn cho khách chơi bài và thu tiền “sòng”, chỉ khi nào thiếu tay chơi bà mới nhập cuộc để đợi chờ người đến chậm.

Phước Đen là con trai duy nhất của ông bà Tư nên cuộc sống vật chất của nó được coi là khá đầy đủ so với những đứa trẻ trong xóm, nhất là so với tôi. Thi thoảng trong giờ ra chơi, hay trên đường đi học về nó thường chia sẻ cho tôi vài miếng bánh, chiếc kẹo, cây kem… vì nó biết rất rõ sự thiếu thốn và thèm muốn của tôi. Dù học cùng trường nhưng khác lớp, tôi cũng không biết sự học hành của Phước ra sao và cũng không biết chính xác Phước học đến lớp nào rồi bỏ ngang. Nhưng tôi chắc chắn Phước không hoàn tất bậc tiểu học vì thời đó lứa tuổi của chúng tôi hằng năm vẫn còn tổ chức thi lấy bằng tiểu học nhưng tôi không thấy Phước trong ngày đi thi! Từ đó, tôi không liên hệ nhiều với Phước nữa, thi thoảng thấy Phước nhập bọn với nhóm du đãng lớn tuổi hơn, chuyên ăn cắp, ăn trộm trong khu vực. Sự liên hệ, chơi đùa với Phước và tôi coi như chấm dứt.

Sau khi xong tiểu học, tôi đậu vào lớp đệ thất Chu văn An, việc học của tôi đã rẽ sang con đường mới vì trường học ở xa, thời gian và việc học bận rộn hơn, đó là lý do tôi ít hoà nhập vào những cuộc chơi đùa với lũ trẻ trong xóm như xưa. Khoảng 1 năm sau khi tôi lên lớp đệ lục, bố tôi đổi lên Sư Đoàn 22 bộ binh trên Kontum, mẹ tôi bị bệnh… cuộc sinh nhai của gia đình bước vào khó khăn. Dù mới ở tuổi 14, hằng ngày sau giờ học tại trường, tôi phải tìm cách kiếm tiền như bán báo, xách nước “phông-tên”cho vài cư dân trong xóm để giúp đỡ gia đình. Việc xách nước “phông tên”cũng không đơn giản, nhất là vào buổi chiều tối, nhiều người lấy nước nên phải xếp hàng, chờ đến phiên mình nhiều khi cũng mất cả giờ đồng hồ. Đã thế những kẻ gánh nước mướn chuyên nghiệp lại mang thùng ra xếp dành chỗ trước thì việc chờ đợi còn lâu hơn nữa.

Một hôm khi tôi đang xếp hàng để lấy nước, thình lình Phước từ phía sau đến vỗ vai và hỏi chuyện vu vơ. Tôi cũng chẳng giấu giếm kể cho Phước nghe hoàn cảnh gia đình và công việc mình đang làm. Phước hướng ánh mắt nhìn tôi buông tiếng thở dài nho nhỏ ra chiều ái ngại rồi Phước dẫn tôi đến giới thiệu với vài người gánh nước mướn chuyên nghiệp. Phước nói gì với họ một lúc, tôi cũng không nghe rõ. Cuối cùng Phước vỗ nhẹ vào vai tôi và nói:

-Từ nay mày không phải xếp hàng nữa, cứ mang thùng đến nói với những người quen của tao, họ sẽ nhường chỗ cho mày lấy nước, khỏi phải chờ đợi.

Nhờ sự can thiệp của Phước, việc lấy nước “phông tên “của tôi rất nhanh chóng, không còn phải chờ đợi và tôi có thời gian cho học hành. Vào khoảng đầu năm lớp đệ ngũ, bố tôi được trở lại Saigon, cuộc sống của gia đình tôi đã có phần dễ chịu hơn. Gia đình tôi bán nhà chuyển sang xóm 521 Lê văn Duyệt, mà chúng tôi gọi là “xóm nhà cháy”. Con hẻm này chạy song song với Tô Hiến Thành, có rất nhiều ngõ ngách bắt ngang nên từ căn nhà mới đến xóm Tre xưa cũng không xa lắm. Tuy vậy với thời gian sự liên hệ của mọi người trong gia đình tôi với xóm Tre càng lúc càng thưa thớt. Hằng năm chỉ vào dịp lễ tết, hay những lúc rảnh rỗi tôi mới có dịp đi cùng bố mẹ thăm viếng thoáng qua vài ba gia đình thân quen trong xóm mà thôi. Trong những lần thăm viếng xóm xưa đó, tôi chưa một lần nào gặp Phước. Mãi đến khi tôi hoàn tất xong cấp trung học, bước vào đại học (1966) trong lần tôi sang ăn giỗ tại nhà ông bác ruột vẫn còn cư ngụ tại đó. Lúc đi về, bất chợt tôi và Phước gặp nhau ở đầu ngõ, cả hai chúng tôi ngạc nhiên giương mắt nhìn nhau vì những đổi khác rất nhiều sau gần 6, 7 năm không gặp.

Phước thực sự là một thanh niên khá đẹp trai, quần áo chỉnh tề, hoàn toàn không có dấu tích gì đen đúa như tên gọi lúc bé thơ. Sau một lúc bỡ ngỡ hỏi han dồn dập về những thay đổi của nhau, Phước kéo tôi vào một quán ăn ở đầu xóm và chúng tôi nói chuyện với nhau cả giờ đồng hồ. Phước ngẩn ngơ gần như chuyện khó tin kèm theo sự cảm phục khi biết tôi vẫn còn đi học. Phước cho biết ông bà Tư đã mất vài ba năm sau khi gia đình tôi dọn ra khỏi xóm. Chán nản và cô đơn vì chẳng có ai thân thiết, Phước bỏ xóm nhập bọn với nhóm bạn du đãng vô gia cư trong khu vực được vài năm nhưng cũng thấy không ổn rồi tìm cách thoát ra. Nhờ có tờ giấy hoãn dịch gia cảnh và sự giúp đỡ của người quen, hiện nay Phước đang làm việc cho một hãng thầu phim ảnh, chuyên cung cấp phim cho các rạp ciné trong Saigon. Công việc của Phước là chuyên chở phim từ rạp này đến rạp khác cho kịp giờ chương trình chiếu “phim thường trực”.

Phước cũng cho tôi biết nhờ sự giới thiệu của họ hàng, vài tuần lễ trước Phước quen biết với Thu Can, con gái út của một gia đình khá giàu có tại Cần Giuộc, Long An. Chuyện quen biết mới chỉ qua duy nhất lần gặp mặt giới thiệu đầu tiên đó mà thôi, nhưng cả hai đã có vẻ mến nhau. Qua lời tâm sự của Phước, nhất là khi nói về Thu Can, ánh mắt, lời nói của Phước đã thay đổi hoàn toàn. Những tiếng chửi thề cố hữu của Phước khi nói chuyện đã biến mất, thay vào đó là âm thanh nhẹ nhàng, tràn đầy xúc cảm trong ánh mắt mơ màng. Đúng vậy, tôi đã nhìn thấy rõ ràng tình yêu đã thay đổi một cách kỳ lạ người bạn ấu thơ nhiều tật ách của tôi thành một gã si tình, lịch sự.

Phước cũng chẳng giấu giếm cho tôi biết cái khó khăn nhất của Phước hiện nay là viết thư trao đổi tâm tình với Thu Can. Một khả năng mà Phước tự nhận mình hoàn toàn yếu kém, đang làm cho Phước khổ sở. Phước cho biết, chỉ khoảng một tuần lễ, sau lần gặp mặt đầu tiên, hắn đã nhận được lá thư, dài 2 trang giấy của Thu Can kể cho hắn biết về những sở thích, những hy vọng cho tương lai mà cô ta đang mơ hồ tìm thấy từ hắn trong ngày đầu tiên gặp gỡ. Thu Can mong muốn sẽ nhận được từ hắn những lá thư thật dài, kể về những buồn vui trong công việc hằng ngày và cả những mong chờ ước vọng cho cuộc quen biết của hắn và cô ta…

Lá thư đầu tiên với lời lẽ tràn đầy mật ngọt, mở rộng con tim của Thu Can đã cho Phước biết rằng tình yêu của hắn đã có một khởi đầu quá hoàn hảo. Vấn đề còn lại là hắn có tài năng để làm cho tình yêu đó đậm đà, gần gũi hơn và trở thành hiện thực hay không mà thôi. Phước cho biết, ngay sau khi nhận được lá thư đầu tiên, hắn đã mất cả một đêm không ngủ, cố gắng gò nắn ý tưởng, lời văn cho lá thư hồi âm, nhưng tất cả đã bị xé bỏ vì câu cú không gọn, ý tưởng lủng củng tối nghĩa. Cuối cùng vì không muốn Thu Can hiểu lầm, nghĩ hắn có ý lơ là với tình cảm của cô ta, Phước đã viết một lá thư ngắn ngủi, than van vì bận rộn với công việc nên chưa thể viết dài hơn và hứa lá thư sau sẽ tâm sự nhiều hơn. Làm như vậy Phước nghĩ như một giải pháp trì hoãn tạm thời mong có thời gian tìm ra một cách khác tốt hơn. Nhưng chỉ khoảng hơn một tuần lễ, sau khi gửi lá thư ngắn ngủn cho Thu Can, hắn lại nhận được lá thư thứ 2 dài hơn, nặng tình hơn. Thu Can lo lắng cho hắn vì công việc mà ốm bệnh, khuyên răn đủ điều cũng như nhắn nhủ hắn phải giữ gìn sức khoẻ v.v... Bức thư lại càng làm cho hắn áy náy và buồn bực với tài năng viết lách quá tệ của mình hơn.

Phước kể cho tôi nghe như muốn đổ ra tất cả những lo lắng, chán nản vì không biết làm sao để viết được một lá thư hồi âm đúng nghĩa cho Thu Can được yên lòng. Chẳng ngại ngần Phước móc trong túi áo ra 2 lá thư của Thu Can nhấn hẳn vào tay tôi, với vẻ chán nản:

- Mày cứ đọc đi, xem có thể giúp tao vài ý kiến được không?

Với lời yêu cầu quá chân tình của Phước và cũng có tí chút tò mò muốn biết về Thu Can ra sao, người con gái có khả năng làm đổi thay hoàn toàn cá tính của Phước, một con người đầy tật ách, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông cha, bà mẹ kinh hoàng như ông bà Tư. Đọc qua vài lần 2 lá thư của Thu Can, quá dễ dàng cho tôi hình dung ra một cô gái có tâm hồn đơn giản, sinh ra và trưởng thành trong cái nôi văn hoá đồng quê thanh bình, trù phú của miền Nam. Lối hành văn có tí chút ngây thơ, trực diện với chủ đề, không có những ngôn từ bóng bẩy, kín đáo khi diễn tả ước mơ như của một người có trình độ cao trong văn chương. Đọc xong 2 lá thư, trầm tư một tí. Đưa tay đập nhẹ lên cánh tay của Phước, tôi nói:

- Có gì đâu mà mày phải khốn khổ với văn chương, chữ nghĩa như vậy? Rất đơn giản, mày cứ lần lượt trả lời những gì cô ta muốn biết, thêm vào đó viết vài ý kiến, suy nghĩ của mày cho có vẻ hoà đồng với cô ta, thế là xong một lá thư đúng nghĩa. Tao tin là mày làm được mà!

Cặp lông mi dài và đen chau lại, tỏ vẻ thất vọng, Phước trả lời:

- Nói như mày thì còn gì là khó khăn nữa! Tao đã cố gắng cả chục lần, nhưng rồi cũng chẳng được, thu gom lại không được một nửa trang giấy, chính tao đọc lại cũng thấy lờ mờ không biết mình viết đúng hay sai thì làm sao mà gửi đi được?

Rồi cứ thế tôi và Phước nói qua nói lại một lúc cũng chẳng đến đâu, với tí chút bực mình tôi nói như gắt:

- Không lẽ mày muốn tao viết thư thay cho mày sao?

Tôi tưởng câu nói bực bội đó làm cho Phước không vui, nhưng ngược lại. Đôi mắt Phước sáng lên, vẻ mặt hớn hở, hắn đưa tay vỗ liên hồi lên bàn tay tôi, vui mừng nói:

- Đúng là ngu thật! Thế mà tao không nhận ra. Mày viết nháp cho tao, rồi tao sao chép lại và gửi cho em, thế là tốt nhất, khỏi phải rắc rối, lo buồn cho mệt xác.

Trong lúc tôi còn ngẩn ngơ với ý tưởng lạ kỳ đó, Phước lại vỗ vai tôi thêm vài cái nữa, rất tươi cười, hắn nói tiếp:

- Mày cố giúp tao đi, tao sẵn sàng chi trả cho mày ăn nhậu thoải mái bất cứ tốn kém ra sao cũng được, đừng lo.

Thế là sau một lúc bàn luận, tôi chấp nhận cái công việc “viết thư tình mướn”cho Phước, đổi lại hắn phải cung phụng cho tôi những bữa ăn nhậu, thêm vào đó, hắn sẽ cho tôi những vé mời ciné từ công việc đang làm. Dĩ nhiên trước khi bước vào công việc viết mướn này, tôi yêu cầu những lá thư của Thu Can gửi cho hắn phải đem cho tôi đọc, ngoài ra hắn còn phải kể lể tâm sự cũng như cảm xúc của chính hắn khi nhận và đọc lá thư cũng như những gì hắn muốn viết trả lời. Tôi sẽ dựa vào những tâm tư, suy nghĩ của hắn và Thu Can để thay hắn viết lá thư cho hợp lý. Để cho Phước an tâm, tôi cho hắn biết làm như vậy, hoàn toàn không có ý tò mò, soi mói vào chuyện tình yêu riêng tư của hắn. Ngược lại, tôi chỉ muốn gián tiếp kéo hắn vào cảm xúc thực sự của mối tình để nếu có những lần hẹn hò, gặp gỡ Thu Can, hắn sẽ không bị ngỡ ngàng hay luống cuống vì sự khác biệt giữa con người thực tế và trong thư từ của hắn.

Đúng như vậy, suốt thời gian khoảng gần một năm trời yêu thương trước khi dắt nhau vào tình nghĩa vợ chồng, với bao nhiêu lần hò hẹn, khi thì Thu Can lên Saigon, khi thì hắn xuống Long An, tôi có cảm tưởng vở kịch “viết thư tình mướn” của tôi hoàn toàn thông suốt. Không một lần nào Phước tỏ ra không vừa ý hay có tí gì bực bội khi mang thư của người yêu cho tôi đọc, cũng như lúc hắn mơ màng kể lể những suy nghĩ, ước mơ, mong đợi… cho tôi nghe. Lúc tôi viết nháp, hắn ngồi im lặng đưa mắt nhìn theo ngòi bút chuyển động liên tục của tôi trên mặt tờ giấy với vẻ cảm phục, đầy thích thú vui tươi. Thi thoảng có những sự việc tôi muốn hỏi về hắn hay Thu Can, hắn trả lời tôi với tất cả chân tình, hoàn toàn không một tí gì giấu giếm. Đôi lúc tôi có cảm tưởng hắn lột xác hoàn toàn, không còn một tí gì của thằng Phước Đen đầy tật ách mà tôi đã nhiều lần muốn tránh xa trong quá khứ. Hắn thực sự là một người bạn rất chân thành, hiền lành và hình như có chút lãng mạn mà tôi rất vui mừng được quen biết.

Viết nháp xong lá thư, tôi đọc chậm rãi cho hắn nghe một vài lần rồi thêm bớt hay sửa chữa những gì mà hắn yêu cầu trước khi đưa cho hắn mang về nhà nắn nót viết gửi cho Thu Can. Suốt nhiều tháng trời, mỗi khi nhận bản nháp viết thư của tôi,Phước vui mừng như một đứa trẻ được quà, đưa bàn tay vỗ liên hồi vào vai tôi với những lời cảm kích, khen tặng. Dĩ nhiên hắn không bao giờ quên mời tôi những bữa ăn thừa mứa, thi thoảng còn nhét vào túi tôi món tiền nho nhỏ hay vài tấm vé mời ciné.

Cứ như vậy, cuộc tình kéo dài nhờ những “lá thư tình viết mướn” của tôi cùng với những lần hò hẹn của hắn và Thu Can được diễn tiến trong êm đẹp khoảng gần một năm thì đến giai đoạn nở hoa kết trái. Phước bỏ việc làm cho hãng phim, cùng với Thu Can lo việc đám cưới rồi về Long An làm việc cho người anh cả của Thu Can đang làm chủ một cơ sở khá lớn, chuyên buôn bán nông cụ tại trung tâm thị xã Long An. Trước ngày cưới vài ba ngày Phước trực tiếp mang thiệp cưới đến tận nhà và khẩn khoản mời tôi tham dự. Nhưng thời gian đó, tôi đang bận rộn với thi cử, gia đình cũng đang luộm thuộm với sinh nhai, nên tôi chỉ viết thiếp chúc mừng và hứa trong tương lai, khi có dịp sẽ đến tận nhà thăm viếng hắn mà thôi.

Từ khi Phước làm việc cho ông anh Hai tại Long An, chúng tôi không còn dịp gặp nhau thường xuyên như trước nữa. Chỉ duy nhất một lần, vào khoảng năm 1970 khi gia đình tôi chuẩn bị di chuyển xuống khu Bà Quẹo, vì công việc phải lên Sàigon, Phước có tạt vào nhà tôi nhưng đúng lúc tôi không có nhà. Qua lời mẹ tôi cho biết, Phước đã được gia đình bên vợ giúp đỡ và mở một cơ sở thương mại riêng buôn bán dụng cụ xây cất tại trung tâm thị xã Long An, và cũng đang chuẩn bị chờ đón đứa con thứ 2 vào cuối năm.

Mãi đến khoảng đầu năm 1971, trong lần xuống Rạch Giá thực tập về ngư sản, trên đường về lại Saigon tôi đã tạt vào thăm gia đình Phước. Đúng là một gia đình hạnh phúc, 2 đứa con ngoan ngoãn, xinh đẹp, người vợ nhu mì, ăn nói nhỏ nhẹ với chồng con. Phước không còn một tí dấu tích gì, dù rất nhỏ, dáng dấp của một thằng bé lười biếng, lêu lổng, bỏ ngang việc học trong cái xóm Tre phức tạp của hơn 10 năm về trước nữa. Hiển hiện ngày nay, Phước với bộ quần áo chỉnh tề, đang ở vị trí ông chủ của một cơ sở khá lớn với khoảng hơn chục nhân viên.

Buổi tối hôm đó khi mấy đứa con yên ngủ, vợ chồng Phước và tôi ngồi quanh chiếc bàn đá trong góc sân uống trà, nói chuyện. Có chút ngại ngần, Thu Can đưa mắt nhìn Phước rồi hướng sang tôi, nhỏ nhẹ nói:

- Vợ chồng em cám ơn anh, nhờ anh mà chúng em mới được như ngày nay.

Tôi ngẩn ngơ, chau mày ra vẻ không hiểu ý tứ lời nói của Thu Can. Phước cười thành tiếng, đưa tay vỗ mấy cái lên vai tôi, nói thay vợ:

- À, cái chuyện ngày trước, mày thay tao viết thư cho Thu Can. Tao đã kể tất cả cho vợ tao nghe rồi. Hôm nay gặp được mày nên cô ấy cám ơn mày đó!

Tôi đã hiểu lý do và không ngờ cái chuyện vớ vẩn đó mà Phước cũng nói cho vợ biết. Chuyển ánh nhìn thích thú về Thu Can, trong nụ cười vui tôi trả lời:

- Tôi chỉ đóng vai trò của một cái cassette thu và phát ra những tiếng nói trung thực của con tim hắn muốn gửi cho chị, chứ có gì đâu phải nói đến ơn với huệ cho phiền phức.

Ngưng lại một tí, nhìn thẳng vào mặt Phước, tôi cười khá to, nói tiếp:

- Mà chị có biết không? Hắn đã phải tốn biết bao nhiêu tiền để cung phụng cho tôi những bữa ăn nhậu phủ phê, còn chưa tính đến tiền cà phê, tiền dằn túi cho tôi nữa đó!

Tiếp theo là những câu chuyện rất thật nhưng đầy hài hước khi chúng tôi nhắc lại những câu văn, ngôn từ ướt át, lãng mạn mà chính tôi tạo ra, đã làm đẹp một tình yêu có hậu.

Sáng hôm sau, lúc chuẩn bị lên xe trở lại Saigòn, đứng trước dãy nhà 4 tầng lầu, cơ ngơi khá đồ sộ của vợ chồng Phước, tôi im lặng đưa mắt nhìn Phước đang phân công việc cho cả đám nhân viên, trong lòng tôi tự hỏi: “Con đường vào đời của tôi với hàng chục năm chăm chỉ, thức khuya dậy sớm lo chuyện học hành thi cử… có thật sự là chính xác và khôn ngoan không? Còn con đường của Phước, một người không bước qua cấp tiểu học, không đủ chữ nghĩa để viết một lá thư đơn sơ diễn tả cảm xúc của mình với người con gái mà anh ta yêu, nhưng trước mặt tôi, anh ta đang phân chia rạch ròi công việc cho hàng chục nhân viên một cách rất chuyên nghiệp. Con đường của anh ta có gì là sai lầm không?

Với tí chút chán nản, tôi buông nhẹ tiếng thở dài, rồi im lặng, cho qua những điều rất thật trước mắt mà tôi không muốn biết và cũng không có câu trả lời chính xác. Rồi uể oải xách chiếc ba lô, nói vài lời từ giã thân tình với vợ chồng Phước, tôi lên xe trở về Sàigon.


Kiếp hải hồ, tìm nhân ngư trong sóng biển

Rời bỏ căn nhà chật chội ở “xóm nhà cháy” trên đường Lê Văn Duyệt, gia đình tôi chuyển xuống một căn nhà có đất vườn khá rộng ở Bà Quẹo, thuận tiện cho việc chăn nuôi hơn. Sát bên căn nhà mới của tôi là một hẻm cụt với 5, 6 gia đình sinh sống. Ngay đầu hẻm là một căn nhà nhỏ lợp tôn cũ kỹ, phía trước sân xếp ba chiếc bàn bằng plastic cùng với khoảng chục chiếc ghế gỗ dùng cho việc bán cà phê, nước uống. Đây là nơi kiếm sống của gia đình ông bà Sáu. Ông bà có 2 đứa con, thằng Bôn 18, 19 tuổi, học xong bậc tiểu học rồi ở nhà giúp đỡ bố mẹ bán cà phê hay làm những công việc không chắc chắn như phụ hồ, khuân vác… cho những gia đình hay cơ sở làm ăn nhỏ lẻ trong khu vực. Thằng Ẩn, em của Bôn 9 tuổi đang học cấp tiểu học. Ông Sáu ngày ngày tụ họp vài ba người cùng lứa tuổi gần nhà đánh cờ tướng hay vác cần “câu nhấp” ra những vùng trũng nước quanh khu vực câu cá lóc hay ếch. May mắn thu hoạch được nhiều thì đem bán lấy tiền tiêu dùng cá nhân, ít thì mang về cho bà Sáu nấu ăn hay làm đồ nhậu chiêu đãi bạn bè.

Dọn đến khu ở mới này, nhờ rộng rãi nên tôi xây dựng một dãy chuồng trại để nuôi heo gà, ngoài việc kiếm sống còn tạo ra việc làm tại nhà, đỡ cực nhọc cho mẹ tôi hơn là việc buôn thúng bán bưng trên lề đường ở Sàigon. Ngoài việc chăn nuôi, tôi còn pha trộn thức ăn gia súc cung cấp cho những người chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực và các vùng lân cận. Việc mua bán vật liệu như cám, bắp, bột đậu nành v.v... cũng như công thức pha trộn hoàn toàn do tôi tính toán. Còn việc cân đo từng thành phần trong công thức, đóng gói rồi đem cung cấp cho những người mua là việc của mẹ tôi. Công việc này khá nặng nhọc nên mẹ tôi phải thuê vài ba người trong xóm giúp đỡ. Thằng Bôn là người luôn luôn được mẹ tôi giao công việc vì tánh tình thực thà, chăm chỉ lại đang tuổi thanh niên nên việc mang vác rất dễ dàng.

Đối với cư dân trong khu vực, tôi là người rất được họ cảm mến, dưới mắt họ tôi học giỏi, siêng năng làm việc và biết giúp đỡ cha mẹ trong việc sinh nhai. Cũng chính vì cái nhìn nhiều ưu ái đó mà thằng Bôn coi tôi như một khuôn mẫu để noi theo. Mỗi khi gặp tôi trên đường hay đến nhà tôi làm việc nó luôn luôn chào kính tôi với tất cả sự lễ phép, quí mến. Ngược lại tôi cũng coi nó như một đứa em thật sự, luôn luôn nói những lời động viên hay chỉ bảo bất cứ việc gì mà nó cần đến sự định hướng, khuyên nhủ của tôi.

Như thường ngày, hôm đó sau khi rời thư viện, nơi mà hằng ngày tôi đến để học và làm bài cho đến khuya mới trở về nhà, vừa dừng xe trước cổng nhà chưa kịp mở cánh cổng, Bôn từ nhà của nó chạy vội ra, nói với tôi:

- Anh Hai, em muốn nhờ anh giúp em một chuyện được không?

Dĩ nhiên là tôi sẵn sàng vì luôn luôn coi nó như một thằng em, nhiều tính tốt và dễ thương. Mở cánh cổng, dẫn xe vào nhà xong, hai chúng tôi đến ngồi trên chiếc ghế dựa bằng đá ở góc vườn. Tôi đưa mắt nhìn Bôn tỏ ý sẵn sàng chờ đợi nghe yêu cầu của nó. Với bộ mặt có chút ngượng ngùng Bôn cho biết, vài ba tuần trước, Hồng em gái của Huy cũng là bạn của nó, cùng với bố mẹ lên Saigon đón Huy về Tuy Hòa sống với gia đình. Bôn gặp và quen Hồng trong dịp đến chơi với Huy. Qua vài lần liên hệ, nó và Hồng đã có nhiều cảm mến nhau và cũng được cả gia đình Hồng khích lệ. Khoảng gần 2 tuần trước, Hồng và gia đình đã về lại Tuy Hòa. Lúc chia tay Hồng cho nó địa chỉ, tỏ ý sẵn sàng liên hệ trao đổi thư từ với nó để hiểu biết và gần gũi hơn trong tương lai. Ngay tuần vừa rồi Hồng đã viết cho nó một bức thư đầu tiên khá dài và mong chờ nó hồi âm. Móc trong túi ra một lá thư giấy pơ-luya màu hồng, xếp gấp rất vuông vức, Bôn đưa tận tay tôi và nói:

- Anh Hai đọc đi, Hồng viết cho em rất hay, em đọc lá thư rất thích. Cô ta mong đợi em hồi âm, nhưng nói thật với anh, em chưa bao giờ biết viết thư cho ai, nhất là cho bạn gái. Đọc thư của Hồng viết, em chắc chắn mình không thể nào đủ tài để viết một lá thư cho Hồng mà không bị cô ta chê bai.

Ngần ngừ tí chút, Bôn nói tiếp:

- Suốt mấy ngày qua, em cũng đã cố gắng viết thử nhưng coi vẻ không ra làm sao, em nghĩ nếu viết thư kiểu đó mà gửi cho Hồng thì chắc cô ta cũng chán mà quên em mà thôi. Chợt nhớ đến anh, đến những lần anh và nhóm bạn đến nhà anh chơi, mọi người ai ai cũng văn thơ rôm rả. Đứng bên ngoài nghe lén, em cũng phải đê mê, cảm phục. Chính vì vậy gặp anh hôm nay, mong anh giúp em hay nhờ ai đó trong nhóm bạn của anh viết lá thư hồi âm cho Hồng, em sẽ trả tiền công đúng nghĩa.

Nghe Bôn nói, hình ảnh của Phước hiện ra trong trí nhớ tôi. Lại một “đệ tử của tình si” thiếu ngôn từ, mặc cảm với khả năng văn chương nhưng lại muốn có được những lá thư mùi mẫn để “cưa đổ” một nhan sắc trong mơ! Ngần ngừ tí chút tôi giở lá thư cuả Hồng ra đọc. Đúng như Bôn nhật xét, cô bé này có trình độ học vấn khá tốt, bỏ xa Thu Can vợ của Phước. Câu văn viết rất chỉnh tề, thi thoảng xen kẽ vào vài ngôn từ trong văn chương, thơ nhạc rất chính xác làm cho người đọc thích thú, tò mò với những cái mà cô ta muốn giải bầy. Đúng là một cô gái có khả năng viết lách, có kiến thức tốt về văn chương, thích thơ văn, nghệ thuật. Trả lại lá thư cho Bôn, với tí chút trầm tư tôi nói với Bôn:

- Đúng như vậy, Hồng viết thư rất hay và trí thức, anh nghĩ Hồng thuộc gia đình có học thức và chính cô ta cũng học hành đến nơi đến chốn. Viết một lá thư cho cô ta vui lòng, vừa ý không đơn giản tí nào cả.

- Thì em đã nói với anh rồi, em không thể nào viết được lá thư hay như thế, dù chỉ bằng một góc cũng khó với em rồi. Nhưng khổ nhất là em rất thích và không muốn cô ta coi thường mà ghét bỏ, rời xa em. Anh cố giúp em, chắc chắn anh làm được mà!

Cứ như vậy Bôn cầu khẩn tôi liên tục. Thấy khó từ chối thằng em và cũng có cảm giác thích thú để viết thư cho một cô gái có trình độ văn chương như Hồng, tôi đã gật đầu đồng ý. Rồi cũng như với Phước trước kia, tôi nói rõ những điều cần thiết mà Bôn phải cộng tác với tôi. Phải thật thà kể lể cho tôi hiểu chính xác những suy tư của chính Bôn và Hồng cũng như phải đưa những lá thư của Hồng viết cho tôi đọc v.v... và v.v... vì đó là những cái tôi cần cho việc cải trang “nhân vật” để viết được những lá thư chính xác, không bị khập khễnh trong “việc vun đắp” cho tình yêu của hai người tốt hơn. Thế là sau một lúc bàn thảo, chỉ dẫn, tôi lại có thêm một lần nữa lợi dụng cái tài lòn lách ngôn ngữ trong văn chương, thơ phú của mình để rồi lại bước vào cái nghề không giống ai: “viết thư tình mướn” cho người khác. Lại đóng vai trò miễn cưỡng vun đắp cho một cuộc tình mà mình hoàn toàn không dính dấp.

Rồi cũng như lần viết thư cho Phước trước kia. Cứ khoảng vài ba tuần lễ tôi lại được đọc những lá thư không phải của mình, nhưng vẫn phải đọc kỹ lưỡng, suy nghĩ tìm nguồn cảm hứng, cố ép suy tưởng của mình vào để viết ra những lá thư tình lãng mạn, ướt át gửi đến cho đối tượng, người nhận thư thích thú mà gắn kết hơn với người hàng xóm đang chập chững bước vào yêu đương của tôi. Nhiều khi viết xong lá thư cho người bạn trẻ, tôi đọc lại mà chính tôi cũng phải buông tiếng cười vang, tự khen tài nghệ hóa thân của mình đã đến mức đáng nể!

Viết những lá thư gửi cho Hồng, không dễ dàng, đơn sơ như những lá thư tôi viết cho vợ của Phước trước kia. Với Hồng tôi tốn nhiều thời gian suy nghĩ, lựa chọn những ngôn từ lãng mạn nhưng cũng không quá suồng sã, thấp kém của người ít kiến thức… Nó phải ở trình độ cao cấp hơn. Đôi khi tôi phải chêm vào những câu thơ, những lời hát… để nhờ nó chuyển tải cảm xúc hay ý tưởng kín đáo mà tôi muốn cho Hồng (người đọc) phải tự suy nghĩ về một vấn đề mà người viết thư (là tôi, người viết mướn) muốn đề cập đến một cách kín đáo dành riêng cho Hồng.

Còn thêm một điểm khác biệt giữa 2 mối tình của Bôn và của Phước. Với Bôn và Hồng khảng cách giữa Saigon và Tuy Hòa quá xa xôi, việc hò hẹn gặp nhau rất khó khăn, hoàn toàn không đơn giản. Ngược lại Phước và Thu Can dễ dàng hơn, chỉ cần ngồi lên chuyến xe đò, sau khoảng 1, 2 giờ đồng hồ là có thể gặp nhau, lang thang phố phường rồi trở về nhà lúc chiều tối mà chẳng lo phiền phức với gia đình. Trong tình yêu, nhất là khi tình cảm mới chỉ ở điểm bắt đầu, qua một vài lần gặp thoáng qua như Bôn và Hồng rồi xa nhau, tôi có cảm giác có cái gì mông lung, không thực tế. Thiếu thốn những cuộc hẹn hò để tìm hiểu nhau, tỏ bày cho nhau cá tính, ước mơ của mỗi người trong cuộc sống thì làm sao mà có được một cái kết có hậu? Thư từ viết cho nhau đôi khi cũng chỉ là một dạng màu mè, chỉ cho người ta cái cảm giác là mình đang có một tình yêu để bước vào đó mơ mộng khi buồn tẻ. Nó chỉ là một tình yêu trong trong sương khói tưởng tượng không bao giờ có thực. Họa chăng có một động lực nào đó giúp đỡ hay vun vén tích cực cho tình yêu gắn bó và thực tế hơn, chẳng hạn như sự hối thúc, vun vào từ cha mẹ, họ hàng, hay chính người trong cuộc có ưu điểm vượt trội làm cho đối tượng si mê, ham muốn như giàu có, thế lực, tài năng… Những cái đó sẽ làm cho tình yêu thực tế và tiến đến trọn vẹn hơn. Còn đứng xa, chỉ dùng những lá thư văn vẻ không phải là điều thực tế. Mà Bôn, người bạn trẻ của tôi thì quá thiếu những cái đó. Biết làm sao khi tôi chỉ là người viết mướn!

Cuộc tình xây tạo bằng những lá thư bay bướm “viết thuê” đó kéo dài được khoảng hơn một năm. Tôi cũng không nhớ rõ là tôi đã phải đọc và viết bao nhiêu lá thư cho Hồng trong vai trò một kẻ si dại tên Bôn. Nhưng tôi có linh cảm cuộc tình đó sẽ chỉ là những ảo ảnh, mang sắc thái của sự giải trí, tìm vui trong thư từ mà thôi. Nó hào nhoáng với những ngôn từ rất lãng mạn mà Hồng cũng như tôi là những người có khá nhiều khả năng để viết ra, dẫn dụ người đọc thích thú. Và có lẽ chính cá nhân tôi và Hồng khi viết ra những ngôn từ bay bướm đó cũng có những khoái cảm của kẻ đang dìm mình vào cái ướt át của văn chương, từ ngữ. Tôi hình dung ra, đến một điểm thời gian nào đó cuộc tình “viết lách” này sẽ phải đi vào ngõ cụt và kẻ si tình không thực sẽ phải nhận lấy những buồn đau mà thôi. Trực giác cho tôi biết kẻ đó có phần rất lớn là Bôn, người bạn trẻ mà tôi thương mến. Nhưng tôi cũng chẳng có tư cách gì để ngăn cản Bôn, khi nhìn thấy cậu ta luôn dìm mình trong khoái cảm của tình yêu trong mộng. Chính cá nhân tôi đã có ít nhiều từng trải để hiểu rằng, sự khôn ngoan, trưởng thành trong tình yêu đôi khi không đến bằng suy luận hay truyền đạt từ người khác mà phải đến bằng đau buồn, thất bại của chính mình. Nghĩ như vậy tôi đã giữ im lặng không nói suy nghĩ của mình với Bôn, dù qua những bức thư nhận từ Hồng tôi biết được có cái gì đó không thật thà, nó chỉ là một thú vui của một người thích viết lách, muốn bước vào thế giới mơ mộng trong văn chương mà thôi.

Rồi một hôm, cái gì phải đến, nó đã đến. Khi tôi vừa về đến cổng nhà, Bôn với vẻ thất thần đến gần tôi trong dáng điệu chán chường bực bội, lắc nhẹ đầu, nói khá to tiếng:

- Khốn nạn! Thật là khốn nạn! Cô ta đã lừa dối em anh Hai ạ. Em đã lầm lẫn với biết bao nhiêu mơ mộng, đợi chờ, nhưng cuối cùng chỉ là xảo trá, lưu manh.

Không nói ra nhưng tôi cũng đoán được ngày tàn của mối tình chỉ xây tạo bằng những lá thư hoa hòe đã bước vào điểm kết thúc. Bôn cho biết tuần vừa rồi có dịp theo người bác họ đi Nha Trang, vì quá vội vàng nên không thể nhờ tôi viết thư báo cho Hồng biết trước là sẽ dành thời gian đến Tuy Hòa để gặp và thăm Hồng. Khi đến Tuy Hòa, lúc đứng chờ taxi trước nhà ga xe lửa, Bôn nhìn thấy Hồng, người yêu trong mộng của mình, ngồi sau chiếc Honda do một người đàn ông khá sang trọng cầm lái. Cô ta ôm siết người đàn ông, miệng cười vui, đùa giỡn ra vẻ đã quen biết từ lâu, thân thiết, đúng là một cặp tình nhân.

Nhìn thấy sự việc quá rõ ràng nhưng Bôn vẫn cố tìm ra những lý do để mong cô gái đó không phải là Hồng, người mình yêu thương, người đã viết cho mình những lá thư nặng tình trong suốt một năm qua. Bôn tự nói, không thể nào như thế được, Hồng không phải là hạng người dối trá. Người mà mình nhìn thấy chỉ giống Hồng mà thôi. Với những suy nghĩ như vậy, Bôn có được tí chút bình thản bước vào quán nước trước nhà ga uống ly cà phê để cho lòng mình thực sự bình yên trước khi lấy taxi đến nhà Hồng.

Chiếc xe taxi mang Bôn đến đúng địa chỉ nhà Hồng, đứng thẩn thờ đưa mắt nhìn căn nhà tí chút, trước khi giơ tay bấm chuông. Người ra mở cổng không ai khác chính là Hồng. Thấy Bôn, Hồng thoáng vẻ ngỡ ngàng nhưng trở lại bình thản ngay, nhìn thẳng vào Bôn với vẻ không thân thiện và cũng chẳng thèm mở rộng cánh cổng. Giương mắt không vui nhìn Bôn, Hồng gắt:

- Anh lên đây khi nào? Tại sao không cho em biết trước? Thật là vớ vẩn, chỉ tạo ra những phiền phức cho người ta mà thôi.

Bôn ngẩn ngơ với thái độ và câu nói gắt gỏng không một tí thân thiện đón chờ của Hồng. Chưa kịp trả lời thì Hồng nói tiếp:

- Anh về đi, còn sớm vẫn đủ thời gian cho anh mua vé xe trở lại Saigon. Nhà em hôm nay có khách không thể tiếp đón anh được.

Dù đã cảm nhận được một sự thật quá rõ ràng, nhưng Bôn tự nén nóng giận, nói với Hồng:

- Tại sao anh phải về? Anh lên đây mong muốn được gặp em, tình cảm chúng mình viết cho nhau trong suốt năm qua, nó vô nghĩa với em sao?

Hồng mở to mắt, nhìn thẳng vào mặt Bôn, cô ta lùi lại đằng sau tí chút như muốn đóng cánh cổng. Đưa bàn tay vẫy về phía trước, tỏ ý xua đuổi Bôn, với câu nói chậm rãi, rất rõ ràng:

- Anh đừng mơ mộng nữa cho mệt! Anh tưởng tôi yêu thương anh để thả mồi bắt bóng hay sao? Anh nhìn lại mình đi, có cái gì để bảo đảm cho tương lai của tôi. Những lá thư tôi viết cho anh cũng chỉ là một lối chơi văn nghệ tìm vui mà thôi. Nó chẳng có nghĩa gì của yêu thương, hứa hẹn đâu.

Đến lúc này thì Bôn thực sự đã cảm nhận được mình quá dại khờ mà bước vào vòng xoáy trò chơi của Hồng. Bực bội vì bị làm trò cười, Bôn chỉ thẳng tay vào mặt Hồng:

- Đồ giả dối! Tao đã ngu ngơ để lầm lẫn về con người nhiều mặt như mày….

Chẳng để cho Bôn nói hết lời, Hồng lùi vào phía trong sân nhà, đóng sập cánh cổng, trề môi cười khinh bỉ hướng ra phía Bôn, nói to:

- Thôi ông nhà quê! Hãy nhìn lại bóng dáng, tài năng và cả vị trí của mình xem rồi hãy nghĩ đến tình yêu. Một tên nhà nghèo, không học thức, không nghề nghiệp… Hãy trở về mà suy nghĩ và nhìn lại mình đi.

Nói xong, Hồng bước nhanh vào nhà, coi như không có chuyện gì xảy ra. Bôn đưa mắt tức giận nhìn cánh cổng đã đóng kín rồi cúi đầu, im lặng bước xa chiếc cổng căn nhà của Hồng như một kẻ không hồn!

Tôi ngồi im nghe Bôn kể, dù có phần ngạc nhiên và trách móc sự quá tàn nhẫn của Hồng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ hơn, nhìn vào hoàn cảnh của Bôn tôi cũng chẳng tìm thấy một cái gì khả dĩ có thể chinh phục được một cô gái biết suy nghĩ khôn ngoan, có trình độ, muốn tìm một cuộc sống an định tương lai như Hồng. Cái đáng trách và tàn nhẫn trong cuộc tình yêu trên giấy này, đó là Hồng là đã đóng vai trò “tàn độc” trong một vở kịch quá dài.

Im lặng, đưa mắt nhìn nét khổ sở hiện rõ trên khuôn mặt khá điển trai của Bôn với cảm giác thương hại, nhưng tôi nghĩ lúc này tất cả những lời khuyên nhủ hay chia buồn đều là vô nghĩa lý và dư thừa. Có lẽ vài ba ngày nữa, nếu được tôi sẽ đọc cho hắn nghe một vài câu thơ làm vội vừa hiện ra trong cảm xúc của tôi:

Này người em dại khờ mà ta từng thương mến,
Có gì đâu khi chỉ một vài lần thất bại trong tình yêu hay trong cả cuộc đời
Hãy đứng dậy, vui cười và ngạo nghễ.
Đời đã dạy cho em một lần khôn lớn, hãy cười vang mà chấp nhận!
Còn tình yêu cũng đã dạy cho em một phép đo lường
Xin đừng ngại ngần, đắn đo, lo lắng.
Hãy nhìn thẳng vào tình yêu
Không bằng cảm xúc con tim mà bằng lý trí khôn ngoan của một người biết tính toán.
Hãy biết đo đếm tình yêu bằng đơn vị tiền tài và danh vọng.
Để không phải buồn, thất vọng vì si mê.
Hãy nhớ kỹ lời anh dặn, hỡi thằng em mới lớn ngây ngô.
Thời gian dành cho mơ mộng chỉ là một thứ hão huyền của một cuộc tình không thực tế.
Hãy đứng dậy, thằng em dại khờ!
Hãy mạnh bạo phá đi những mạch máu trói buộc con tim,
Chính là nó.
Đúng! Chính là nó, tác nhân của những nỗi buồn làm cho ta đau đớn không nguôi.
Hãy cười vang để khôn lớn lần sau.

Từ đó tôi không còn bị phiền phức, mất thời gian để đọc những lá thư không gửi cho mình nhưng phải dành thời gian để suy tư, tìm ý tưởng đóng đúng vai trò của một người “viết thư mướn”nữa. Bẵng đi một thời gian khá dài tôi không gặp hay nhìn thấy Bôn trong xóm hay đến nhà giúp mẹ tôi trộn thức ăn gia súc nữa. Sau khi dò hỏi tôi mới biết Bôn đã đăng ký vào lính Hải quân. Sau khi thụ huấn xong khóa thủy thủ tại Nha Trang, Bôn được gửi đến phục vụ tại căn cứ hải quân ở Cà Mau.

Sau đó khoảng một năm, khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, một hôm từ đại học về, chưa kịp dẫn xe vào nhà, từ khu xóm bên cạnh những tiếng ồn ào pha lẫn tiếng than khóc của bà Sáu. Tôi vẫn bình thản mở cổng vào nhà vì nghĩ rằng đó chỉ là một vụ đánh chửi nhau vẫn thường xảy ra trong xóm. Nhưng chưa kịp dựng chiếc xe, mẹ tôi đã hốt hoảng chạy ra cho biết ông bà Sáu vừa nhận được điện tín đánh về từ Cà Mau cho biết Bôn đã tử trận, hiện xác đang được quàng trong nghĩa trang quân đội tại Gò Vấp.

Tin buồn đã làm tôi ngẩn ngơ, lắc nhẹ đầu nhiều lần ra vẻ không tin đó là sự thật. Trong vẻ thẩn thờ nhìn bâng quơ, tôi nói nhỏ trong miệng: “Không! Không thể tin được đó là sự thật! Xảy ra quá nhanh! Bôn, nó chết thật rồi sao?”Hình bóng thằng Bôn trắng trẻo, hiền lành, rất lễ độ, luôn luôn nhìn về tôi như một thần tượng, một khuôn mẫu của người hoàn hảo. Nó chưa bao giờ nói một câu phản đối hay càu nhàu không vừa ý với tôi về bất cứ điều gì khi nói chuyện với tôi. Đổi lại tôi cũng luôn luôn xem nó như một đứa em cần nhường nhịn hay chỉ bảo. Kỷ niệm đau buồn cùng với những lá thư “viết thuê” của tôi trong cuộc tình giả dối của nó với Hồng lại hiển hiện trở lại trong trí nhớ tôi, tất cả bây giờ đã trở thành quá khứ. Tôi tự nhủ sẽ viết thư, báo tin buồn này cho Hồng. Một lá thư cuối cùng, tôi sẽ dùng tài năng văn chương ngôn ngữ của mình một cách chính trực để cố gắng làm sao cho Hồng dành tí chút thời gian lên Sàigon, tạt vào nghĩa trang thắp cho nó một nén hương. Nói với linh hồn nó vài lời an ủi như là một món quà cuối cùng dành cho một kẻ si tình đã vì cô ta mà thất vọng, chán chường rồi bước chân vào quân ngũ để rồi mãi mãi ra đi.

Riêng tôi, dù bận thế nào, tôi cũng sẽ dành thời gian đến với Bôn lần cuối trong ngày an táng nó tại nghĩa trang. Tôi sẽ đốt cho nó vài nén hương cùng với bản nhạc “Thủy thủ và Biển cả” như một lời chúc cho một thằng em, trong một chuyến hải hồ, nó sẽ tìm được một nàng tiên cá, chân thật với nó giữa sóng biển mù khơi như câu truyện thần thoại lãng mạn đã làm mê mẩn thế gian của Hans C. Andersen.

Với biển cả anh là thuỷ thủ…ù…u…
Với lòng nàng anh là hoàng tử… ù…u…

……………………
Kìa ngư nhân in hình trên sóng
Bao nàng công chúa dưới thâm cung

………………………..
Và chuyện thần tiên bao thế hệ
Cho anh bao giây phút say sưa
Cho anh thêu muôn giấc mơ hoa
Cho anh luôn yêu đời hải hồ.
(Nhạc Y Vân)



Những lá thư tình viết mướn bằng Anh ngữ vỡ bể

Trong sách báo người ta thường nói “năng khiếu là sự cố gắng lâu dài” hay tục ngữ Việt Nam có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim.” Không biết với người khác thì sao, nhưng với tôi đó chỉ là những lời sáo ngữ, sai lầm để đánh lừa hay khuyến khích, an ủi những người yếu kém bẩm sinh về một lãnh vực nào đó mà thôi. Dĩ nhiên tôi không phủ nhận được sự cố gắng, chăm chỉ chắc chắn sẽ mang đến cho người ta một sự thay đổi ở mức nào đó chứ không thể thành một kẻ tuyệt tài, vượt trội một cách khác thường được.

Đối với cá nhân tôi, môn ngoại ngữ là một trong nhiều lãnh vực mà tôi yếu kém nhất, dù tôi đã dành rất nhiều nỗ lực cho nó, không phải vài ba năm mà có lẽ trải dài nhiều chục năm. Dĩ nhiên tôi cũng đã có tí chút thu thập nào đó nhưng nhìn chung vẫn là một hiện tượng đáng buồn của đời tôi. Nhưng một điều rất lạ kỳ, như có một đẩy đưa nào đó của định mệnh, cuộc sống của tôi có khá nhiều liên quan đến ngoại ngữ, tôi phải gần gũi và nương tựa vào nó trong cuộc sinh nhai, kiếm sống. Trong hoàn cảnh đó, không còn cách nào hơn, tôi đành phải tận dụng cái khả năng dù yếu kém để tồn tại hay ít ra cũng tạm đủ ở mức có thể trong công việc mà mình trách nhiệm.

Một điều khác cũng khó tin, đó là tôi chỉ yếu kém về ngoại ngữ nhưng lại hoàn toàn tự tin vào khả năng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Tôi không phải và cũng chưa bao giờ nói mình là một nhà văn, nhưng tôi tin là mình đủ khả năng hiểu một bản văn xuôi hay một áng văn vần (dĩ nhiên bằng tiếng mẹ đẻ) một cách thông suốt với niềm đam mê của một người có trình độ trong văn chương, thơ phú. Có lẽ nhờ cái trình độ kha khá ngôn ngữ mẹ đẻ đó, phụ trợ cho cái sở đoản ngoại ngữ, đã đem đến cho tôi những câu truyện tiếu lâm đáng nhớ trong đời. Hôm nay, dù đang ở tuổi của một cụ già xấp xỉ 75, mái đầu gần như bạc trắng nhưng mỗi khi có dịp hàn huyên tâm sự với những bạn bè xưa cũ, nhắc và nhớ lại những câu truyện tiếu lâm về ngoại ngữ của tôi, vẫn là những khuấy động cho tôi và lũ bạn thích thú cười vang.

Có lẽ vào khoảng năm 1969, khi tôi đang là sinh viên năm thứ 2 hay thứ 3 đại học, hằng đêm vào khoảng 22 giờ, sau khi rời khỏi thư viện Đắc Lộ, nơi mà tôi đến để học hành, tôi xách xe đi chở một vài cô gái bán bar cho các quán snack bar dành riêng cho các lính Mỹ tại Sàigon như trên trung tâm Sàigon, khu vực gần phi trường Tân Sơn Nhất, đường Nguyễn văn Thoại, khu Khánh Hội v.v… Công việc là chở họ bằng xe Honda về nhà hay đến những nơi mà họ muốn, đôi khi chở cả lính Mỹ nếu tìm được khách (dạng thức như xe ôm ngày nay, nhưng thời đó còn khác lạ và không nhiều).

Có lẽ, trong bất cứ công việc nào cũng có những sự bi hài ẩn hiện trong một góc nào đó, dù ít hay nhiều, dù kín đáo hay lộ liễu… nó mang đến cho người ta sự chua xót, đắng cay. Công việc chuyên chở các cô gái bán bar này của tôi cũng vậy, có những trạng huống xót xa nhưng vẫn có những buồn cười ẩn hiện ở một góc kín đáo hay lộ liễu trong xã hội Việt Nam khá phức tạp của thời chiến tranh. Ngày nay, cuộc chiến đã qua, những đoàn quân Mỹ cũng đã không còn ở Việt Nam nữa và quá khứ của chiến tranh cũng đã bị nhấn chìm vào dĩ vãng gần 50 năm rồi, nhưng khi gặp phải một kích thích làm cho tôi hồi nhớ lại mà vẫn cảm thấy ngỡ ngàng như là những chuyện khó tin.

Từ công việc chuyên chở đó, nhờ sự giới thiệu từ người này sang người khác trong thế giới của những cô gái bán snack bar. Vô hình trung đã cho tôi được dịp len lỏi vào dù chỉ ở một góc nhỏ của cái thế giới khá phức tạp và cũng nhiều chuyện buồn cười của những cô gái bán bar Mỹ.

Hôm nay trong cái không gian lạnh lẽo, buồn tẻ của giữa đông Thuỵ Sĩ, ký ức và cảm khoái viết lách, tôi muốn dùng cái tài mọn chữ nghĩa, văn chương của mình để kể lể về một chuyện rất hài hước với công việc không giống ai của tôi, đó là “viết thư tình mướn bằng Anh ngữ”, trong thời gian chuyên chở các cô gái bán bar Mỹ, để kiếm tiền ăn học và giúp đỡ gia đình. Có lẽ nhiều người khó tin nếu tôi nói gần như phần rất lớn các cô gái bán bar Mỹ mà tôi quen biết, họ có thể nghe hay nói tiếng Mỹ (dĩ nhiên là tiếng Mỹ bồi) hay họ chửi nhau với các người lính Mỹ một cách rất “hùng hồn”… Nhưng họ không thể viết nổi một lá thư, dù chỉ nửa trang giấy bằng Anh ngữ! Lý do rất dễ hiểu là tiếng Anh của họ rất nghèo, quanh đi quẩn lại chỉ có khoảng 100 hay 200 từ, những từ đó được lặp đi lặp lại hằng ngày trong quán rượu, trong phòng ngủ. Cuộc sống và làm việc của họ hằng ngày chỉ quanh quẩn dưới dạng ngôn ngữ nói, rất nghèo từ ngữ với những câu nói cụt cỡn không cần sự nối kết chuẩn xác với nhau như trong văn viết. Thêm vào đó, họ thuộc thành phần có trình độ giáo dục thấp kém trong xã hội, kiến thức thô thiển, gần như hầu hết họ ra đi từ các vùng nông thôn hay khu dân cư nghèo khổ của thị thành, làm sao họ có thể viết ra một bản văn bằng tiếng Anh đúng nghĩa được? Ngay như trong ngôn ngữ tiếng Việt, họ cũng không thể viết về một chủ đề đơn giản hay viết một lá đơn gửi cho cơ quan hành chánh dù chỉ ở mức chấp nhận được. Tiếng Việt của họ như vậy thì nói gì đến tiếng Anh!

Chính vì quen biết họ, tôi đã có một công việc làm rất nhàn nhã, phải nói là rất may mới có, nhưng khi đã có, chắc chắn nó mang đến cho tôi món tiền công rất hậu hĩ. Điều rất đáng nói, công vệc đó với tôi lại là một cảm khoái tột cùng. Không phải vì được tiền trả công nhiều, mà nó mang đến cho tôi cái cảm giác thích thú vì tôi được đem vào những bức thư tình yêu bằng Anh ngữ (dù là Anh ngữ vỡ bể) lối tả tình rất ướt át, lãng mạn của văn chương Việt nam. Cái lãng mạn mà trong ngôn ngữ mẹ đẻ đã cho tôi tôi khá nhiều sự tự tin mỗi khi được dìm cảm xúc vào nó.

Ban đầu khi mới bước vào cái dịch vụ viết thư tình bằng tiếng Anh trong cái khung cảm xúc của văn chương tiếng Việt, tôi cũng có sự nghi ngờ vì nghĩ rằng cái lối viết “lai giống văn hoá” đó chắc sẽ không hay và tôi sẽ phải rước lấy thất bại. Nhưng rất lạ kỳ, sự việc xảy ra hoàn toàn khác với sự lo lắng của tôi. Lá thư “lai căng văn hoá” và không chuẩn xác văn chương Anh ngữ của tôi không sinh ra phiền phức, chê bai từ người nhận (anh chàng Mỹ GI hay gia đình của anh ta tại Mỹ) mà còn được khen vì lá thư đã mang đến cho họ quá nhiều thích thú, cảm động. Họ không tiếc lời khen tặng cô người yêu của họ là người có tâm hồn lãng mạn, rất đáng yêu v.v... và v.v... (dĩ nhiên người nhận thư không bao giờ biết lá thư họ nhận được chỉ là tác phẩm viết mướn, mà kẻ viết mướn đó là tôi!)

Nhưng nếu chỉ là một lá thư (dù được viết thuê) thông thường, chất chứa những lời tâm sự chân thành, tình cảm nhớ nhung, buồn bã, cô đơn vì xa cách… thì sẽ chẳng có gì để nói. Kẻ viết thư tình mướn như tôi sẽ không phải cười vang, thích thú nhưng rồi lại cúi đầu buông tiếng thở dài chán nản vì chính mình đang làm một công việc của kẻ đồng phạm trong sự giả dối, lừa đảo của nhân gian! Viết ra đây một câu truyện điển hình trong dịch vụ “viết thư tình thuê bằng Anh ngữ vỡ bể” của tôi cho một cô gái bán bar Mỹ như một chứng minh cho những cái mà người ta gọi là vô luân đã đôi lần đã làm tôi áy náy.

Cũng như những lần “viết thư mướn” cho vài người khác, tôi cũng phải tìm hiểu tí chút về hoàn cảnh, về suy tư, tính toán, nhiều khi cả về xảo trá của người muốn tôi viết thư cho họ. Chính nhờ đó mà tôi biết khá rõ về những cô gái bán bar Mỹ, người đã thuê tôi viết thư cho người lính Mỹ, bạn trai của cô ta và cả cho người mẹ của người lính đó, sống ở Mỹ. Thời gian của câu truyện mà tôi viết trong bài tạp bút này đã được đẩy lùi quá xa vào dĩ vãng, cái dĩ vãng với quá nhiều bi đát của chiến tranh. Ngày nay chẳng còn gì để suy nghĩ đúng hay sai, vô luân hay đạo đức nữa. Với tôi ngày nay, nó chỉ còn là một sự hoài nhớ về một công việc làm kiếm sống có tí chút hài hước trong đời tôi mà thôi.

Út Tư là tên cô gái, cái tên chỉ cần đọc lên thì ai cũng biết cô ta đến từ miền Nam sông nước. Vì một đưa đẩy hay hấp dẫn nào đó, Út Tư lên Sàigon kiếm sống và cũng giống như rất nhiều cô gái quê khác, không học hành, không nghề nghiệp chuyên môn… Cuối cùng, bị vướng vào những bẫy rập của những kẻ buôn bán thân xác người dưới dạng thức gái bán Bar nhưng thật ra chỉ là bình phong che đậy hình thức “gái mại dâm” phục vụ cho những quân nhân Mỹ trong thời chiến tranh VN mà thôi. Sinh hoạt của Út Tư cũng như phần lớn các cô gái khác cùng nghề đều có một hình thức khá giống nhau. Buổi tối đến Bar làm việc, tiếp đãi và uống rượu với khách hay “tiếp khách”theo xếp đặt của chủ Bar hay nhóm bảo kê. Tiền thu được ăn chia theo tỷ lệ ngay tại cơ sở của Bar. Nếu có khách riêng thì dẫn về nhà hay một nơi nào đó “phục vụ”vào buổi tối hay ngoài giờ làm việc sau khi Bar đóng cửa. Ban ngày thì ngủ lấy sức để tối làm việc hay tụ tập đánh bài, hút hít (thời đó dạng chích, thuốc lắc… chưa thông dụng).

Đó là con đường sinh hoạt hằng ngày gần như rất giống nhau của phần rất lớn các cô gái bán Bar Mỹ. Nhưng đôi khi con đường phổ quát đó có một khúc rẽ dẫn họ vào một dạng thức khác có chút nhàn nhã và thoải mái, sung túc hơn. Chính ở cái khúc rẽ đó, Út Tư đã cần đến cái tài mọn “viết thư mướn bằng Anh ngữ” của tôi.

Trong thời gian làm việc tại Bar, Út Tư quen biết được một chàng lính Mỹ da đen tên Roland, lính không quân, phục vụ trong căn cứ Mỹ đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất. Sau thời gian ngắn quen biết hai người về sống chung với nhau như vợ chồng trong một căn hộ 2 phòng, trên đường Trương Minh Giảng gần Tân Sơn Nhất, khá khang trang, đầy đủ tiện nghi như salon, TV, tủ lạnh, máy hát đĩa, thu băng v.v... Dĩ nhiên, tiền thuê nhà, mua sắm các tiện nghi, tiền chi tiêu ăn uống và cung phụng cho Út Tư đều do Roland chi trả. Thông thường Roland đi làm rồi về nhà sống với Út Tư, thi thoảng vì công tác, Roland mới vắng nhà vài ba buổi mà thôi. Cuộc sống của Út Tư an nhàn, sung túc hơn so với cảnh làm việc tại bar, không còn phải bận rộn với việc bán bar, thu nhập ổn định hơn, đã thế hằng ngày còn có nhiều thời gian rảnh rỗi để tụ tập đánh bài coi TV…

Nhưng tực tế cho biết bất cứ ai vì ngu dốt hay ham mê những trò tiêu khiển thấp hèn như cờ bạc, hút hít… ngu dại bước chân vào những bẫy rập của những tổ chức vô luân trong xã hội thì làm sao tránh được vòng xoáy của khốn khổ, nợ nần? Út Tư cũng vậy, dù sống với Roland, an nhàn, thu nhập ổn định hơn nhưng vẫn phải lén lút “tiếp khách” kiếm tiền trả nợ mỗi khi Roland không có nhà hay bận công tác vắng nhà vài ba buổi.

Roland hoàn toàn không biết gì về sự phản bội của cô bạn gái mà mình chung sống như vợ chồng, luôn luôn nghĩ rằng mình đã may mắn có được một người yêu lý tưởng. Tiền lương hằng tháng cũng như những quyền lợi của một quân nhân phục vụ nơi chiến tuyến như mua hàng giá rẻ PX, phụ cấp sinh sống ngoài doanh trại… đều được anh ta cung ứng cho Út Tư. Anh ta còn gửi thư, hình ảnh cuộc sống chung của mình với Út Tư về cho gia đình bố mẹ tại Mỹ, kể về “tánh tốt”của cô bạn gái cùng với niềm vui hạnh phúc của mình tại Việt Nam. Rồi bố mẹ Roland viết những lá thư thương yêu kèm theo quà tặng cho Út Tư, người yêu tuyệt vời của con trai mình tại Việt Nam. Với những lá thư tình cảm như vậy, Út Tư phải trả lời, chính vì lý do đó, tài năng viết “thư mướn “của tôi được Út Tư sử dụng. Tôi phải viết trả lời những lá thư của Bố mẹ Roland từ Mỹ gửi sang.

Dĩ nhiên trong vai trò của một kẻ viết thư mướn, tôi không thể viết khác được những gì mà người thuê tôi muốn viết (dù trong lòng tôi có tí chút không vui vì nó hoàn toàn không thật!) Dù trình độ Anh ngữ của tôi còn khá giới hạn nhưng tôi lại có tí tài năng biết dẫn dắt đối tượng nhận thư vào những cái khéo léo rất thích thú, cảm động của văn chương Việt Nam. Với giúp đỡ của những cuốn tự điển và một tí văn phạm tôi đã viết thay cho Út Tư những lá thư tràn đầy ý tưởng trong sáng, đã làm cho bố mẹ Roland cảm mến và tự hào về cô ta. Tôi dẫn họ vào cái văn hoá đẹp đẽ của Đông phương, hình ảnh người cha dưới mắt của những đứa con là biểu tượng của sự vĩ đại, oai nghi đáng kính phục như một ngọn núi. Với người mẹ lòng thương con rộng lớn bao la hiền hòa như đại dương. Trong tình yêu với Roland, tôi viết cho bố mẹ anh ta về những kỷ niệm đẹp lúc mới quen, lo lắng và nhớ nhau lúc Roland vì nhiệm vụ mà phải đi công tác xa nhà v.v... và v.v...

Đại khái những lá thư tôi viết thuê cho Út Tư là như vậy. Kết quả là những lời khen có cánh bay đầy sự tự hào và hạnh phúc tràn đầy trong những lá thư hồi âm của bố mẹ Roland gửi đến cho Út Tư. Đôi khi ông bà còn gửi tiền cho thằng con trai yêu mến của mình, thúc giục nó mua quà tặng làm kỷ niệm cho cô bạn gái đẹp đẽ, tốt bụng và giỏi văn chương của nó bên kia bờ đại dương xa tắp. Còn về phần tôi, kẻ viết thư mướn thì với những bức thư quá thành công như vậy, tôi nhận được tiền công nhiều hơn qui định rất nhiều vì nó đã mang đến cho Út Tư nhiều mối lợi hơn mong đợi.

Rồi cứ thế cô gái này nói với cô gái khác, việc viết thư mướn của tôi không chỉ đóng khuôn vào một chủ đề hay một đối tượng. Nó bao quát hơn, có thư tôi viết cho một cô bạn đồng nghiệp của Út Tư, cô ta có một anh bạn trai Mỹ, hết nhiệm vụ và đã trở về Mỹ nhưng vẫn còn liên hệ với cô ta. Trong lá thư tôi nhắc lại những ngày tháng hạnh phúc mà anh ta sống với cô ta tại Saigon, cô ta vẫn giữ gìn những kỷ vật của anh tặng ngày xưa như những dấu tích vô giá của mối tình đẹp, đáng nhớ trong suốt đời của cô ta v.v... (có thật hay không thì chỉ cô ta biết mà thôi, nhưng theo tôi nghĩ thì toàn là dối trá!) cuối cùng cô ta xin anh giúp đỡ tiền bạc vì đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn!

Rồi một lá thư khác, tôi viết cho một cô gái khác, kể lể về kỷ niệm đẹp đẽ, mặn nồng của những ngày tháng bên nhau, những ngày tràn trề hạnh phúc, hình bóng anh ta gần như lúc nào cũng hiện diện trong trí nhớ và trong tim cô ta v.v... cuối cùng với một lối văn nhẹ nhàng mong chờ từ anh ta những giấy tờ cần thiết từ Mỹ gửi sang để hoàn tất việc kết hôn cho việc đi Mỹ định cư của cô ta v.v... Tôi đã làm khá trôi chảy tất cả, dù tôi biết chắc chắn, trong những lá thư tôi viết bằng tài Anh ngữ rất giới hạn của tôi (theo đơn đặt hàng) vẫn đầy dẫy lỗi lầm về văn phạm nhưng cũng đầy dẫy sai lầm, dối trá về đạo đức nữa. Nhưng biết làm sao khi cuộc đời vốn dĩ vẫn tiềm tàng những hạt mầm của gian trá, buồn nôn mà tôi chỉ là hạt bụi trong ngọn gió vô luân.

Tôi viết thư mướn bằng Anh ngữ như vậy kéo dài khoảng gần một năm trời trong đời sinh viên của tôi. Trong khoảng thời gian đó, tôi viết cho Út Tư nhiều nhất, đặc biệt trong khoảng 4 tháng khi Roland phải lên Pleiku công tác. Đây cũng là một chuyện buồn làm cho tôi suy nghĩ và ăn năn nhiều nhất. Ngay tuần lễ đầu tiên khi Roland đi công tác, Út Tư suốt ngày từ sáng đến đêm vùi đầu vào cờ bạc và thuốc phiện, kết quả nợ nần không có tiền trả nợ nên cô ta bán dần đồ đạc mà Roland mua trước kia. Nhưng cũng không đủ cho lũ ma cô, du đãng nên cô ta chẳng còn gì để ngại ngần, cùng với vài cô gái khác tiếp khách ngay tại nhà coi như một địa điểm bán dâm.

Chính trong hoàn cảnh thiếu thốn tiền bạc cung ứng cho cờ bạc, heroin đó, tôi lại có nhiều việc làm hơn cho Út Tư. Cô ta nhờ tôi viết một vài lá thư tình toàn là những câu văn tả tình thắm thiết, thủy chung hay nhớ thương nhau ngày đêm vì xa cách v.v... và v.v… gửi đến Roland ngoài chiến trường. Đã thế cô ta còn dựng đứng lên một vở kịch bị trộm vào nhà lúc đi vắng, quét sạch máy móc, dụng cụ âm nhạc, TV và cả sợi dây chuyền kỷ vật của bố mẹ Roland mua tặng… Cuối cùng là những lời than van, khổ sở và chờ mong Roland giúp đỡ.

Thế là chỉ sau một tuần lễ anh chàng GI, lính Mỹ dại khờ mới lớn Roland, tìm cách nhờ bạn bè cùng đơn vị có dịp trở lại Saigon mua trả góp tại PX những món đồ mà Út Tư bị “trộm”, gửi tiền cho cô ta sinh sống và còn hứa sẽ viết thư về cho bố mẹ tại Mỹ mua món quà khác đền bù cho sợi dây chuyền mà Út Tư bị mất cắp v.v…! Dù biết là mình đang đóng vai trò của một tên đồng phạm trong lừa đảo, gian dối nhưng biết làm sao hơn khi vị trí của tôi cũng chỉ là người viết thư mướn! Họ trả công thì tôi phải làm như họ muốn mà thôi, tôi không làm thì cũng có người khác làm, huống chi món tiền thuê viết thư đó không hề nhỏ và luôn luôn cần thiết cho sinh hoạt của chính tôi và gia đình. Nghĩ như vậy, tôi lại đóng đúng vai trò của một người viết thư mướn dù lòng mình không vui.

Tôi cứ tưởng mọi việc sẽ trôi chảy theo tính toán và sẽ không có gì xảy ra cho đến ngày Roland hoàn tất công tác, trở về lại Saigon. Rồi cuộc sống và sinh hoạt của Út Tư sẽ trở lại khuôn mẫu ngày xưa (dù cái khuôn đó vẫn chứa đầy gian dối). Nhưng một bi kịch đã xảy đến! Một người bạn Mỹ cùng đơn vị với Roland cho biết Roland đã bị chết trong một đêm phi trường Pleiku bị pháo kích! Với tin thật buồn đó, có lẽ điều Út Tư tiếc rẻ nhất là những món quà và tiền lương tháng của Roland chưa kịp lãnh để gửi cho cô ta dùng trả nợ cho bài bạc và heroin. Út Tư vẫn bình thản, không một tí đau xót, ý nghĩa của chữ “TÌNH YÊU” với cô ta hoàn toàn không có thật. Nó chỉ là một truyện thần thoại dành riêng cho những kẻ khù khờ như Roland, một tên lính Mỹ 20, 21 tuổi mà thôi. Sau đó không lâu, Út Tư lại trở về vị trí cũ của một cô gái bán Snack bar cho lính Mỹ. Ban ngày đánh bạc, nghiện hút hay ngủ lấy sức để làm việc ban đêm và hy vọng may mắn khác sẽ lại đến, lại có một kẻ dại khờ nào đó như Roland nhập cuộc để cho cuộc đời của cô ta lại có những nhàn nhã hơn, sung túc hơn dành cho chuyện bài bạc và hút hít.

Từ đó tôi không còn dịp để viết thư mướn cho Út Tư nữa vì cô ta trở về với vị trí của một cô gái bán bar bình thường, khách đến rồi lại ra đi. Cô ta không có nhu cầu viết và gửi thư cho ai nữa. Nhưng tôi vẫn còn kéo dài cái công việc không giống ai đó thêm khoảng nửa năm thì chấm dứt, khi tôi đã tìm được hướng làm ăn khác liên hệ đến chuyên môn việc học của tôi.

Để kết luận, tôi xin kể ra đây một đoạn đối thoại của Út Tư với nhóm cô gái cùng nghề ngiệp khi họ ngồi quanh chiếu cờ bạc. Khi nghe Út Tư đề cập đến Roland, một cô bạn cười và nói:

- Ôi cái thằng đen và hôi ấy nhắc đến làm gì cho mệt!

Út Tư cười, bình thản trả lời:

- Nó đen nhưng đồng tiền của nó cho tao lại đỏ hay xanh, thế là thích rồi. (ý nói dollar đỏ và dollar xanh)

Câu trả lời của Út Tư đã làm cho tôi trầm tư suy nghĩ, đưa mắt nhìn những bàn tay móng vuốt đỏ chót, khuôn mặt nhem nhuốc phấn son của những cô gái đang mê say quanh chiếu bạc. Tôi tự nói thầm: “Chẳng biết những đồng tiền từ bàn tay, từ khuôn mặt đầy son phấn của họ trả tiền viết thư mướn cho tôi có màu sắc hay mùi vị gì không, nhưng chắc chắn nó không phải là đồng tiền bẩn, nó sẽ được sử dụng vào một chỗ có ý nghĩa và tự hào hơn.”


Những lá thư viết mướn & ban nhạc “thùng gánh nước”.

So với bạn bè cùng lứa, cuộc sống của tôi không êm ả, có chút sóng gió hơn, nhất là thời ấu thơ và thời gian còn đi học. Nhưng tôi lại có khá nhiều may mắn, chẳng hạn tôi có một ông bố, bà mẹ tuyệt vời, tôi có những người bạn thân thiết, chân tình và rất dễ thương. Một trong những người bạn thân thương đó là Nguyễn Duy Dương. Ngay sau khi tốt nghiệp tú tài, tôi và Dương rủ nhau ghi tên vào phân khoa Kiến Trúc, nhưng vì hoàn cảnh quá tệ, không có điều kiện cho việc học (cần văn phòng KTS cho thực tập) nên tôi đã chuyển qua phân khoa Khoa Học (chứng chỉ MPC) nhưng ngành Nông Nghiệp lại là kết quả cuối cùng của con đường tiến thân của tôi.

Dù khác phân khoa nhưng tôi và Dương cũng như một vài người bạn khác vẫn thi thoảng gặp nhau, ăn nhậu, cà phê quán cóc… nói chuyện tầm phào hay đùa nghịch với nhau. Dương là một dạng người mà hầu hết các bạn rất thích mến. Cá tính vui nhộn, nói chuyện, pha trò rất có duyên, đậm chất khôi hài. Mỗi lần bạn bè gặp nhau, có Dương là không khí ồn ào đầy tiếng cười vui, mọi người không ai muốn rã đám. Trong bài tạp bút này, có lẽ sẽ thiếu sót nếu tôi không dành vài đoản khúc văn chương viết về Dương, người bạn đã ghi sâu vào ký ức của tôi và tất cả bạn bè khi nói về những “áng văn chương rất sến” của tôi trong những lá thư viết mướn.

Lần đó, có lẽ vào khoảng năm 2000, khi tôi về Việt Nam, chúng tôi lại gặp nhau trong một quán cà phê vùng Quận 2, Saigon. Khi tôi nhắc đến những kỷ niệm buồn vui trong công việc “viết thư tình mướn” thời sinh viên của tôi, với dáng điệu bình thản, nụ cười hóm hỉnh trên môi, hướng ánh mắt nhìn tôi, Dương chậm rãi nói:

- Cậu nói về những lá thư tình viết thuê của cậu, mình mới nhớ ra một hôm trên đường đến nhà cậu, định rủ cậu đi uống cà phê. Chẳng biết sao khi gần đến nhà cậu thì cái Vespa thổ tả của mình nó làm reo không chạy dù mình đã làm đủ mọi thủ thuật. Cuối cùng đành phải đem nó vào một tiệm sửa xe ngay gần đó. Trong khi ngồi chờ sửa xe, mình chợt thấy ngay gần chỗ mình ngồi là một cái máy nước công cộng, có khoảng 10 người ghánh nước thuê, trai có, gái có. Một cô trong nhóm, tay trái cầm một xấp giấy lên đọc to với vẻ rất thích thú, tay phải cầm khúc củi gõ liên tục vào cái thùng để sát dưới chân như muốn hoà điệu cùng lời đọc của cô ta. Những người gánh nước khác cũng vậy, họ nhẩy múa như điên cuồng, tay cũng cầm những khúc củi gõ vào những chiếc thùng tạo những âm thanh chói tai nhưng rất hoà hợp với tiếng gõ và lời đọc của cô gái.

Nói đến đây, Dương dừng lại một lúc, cũng vẫn với nụ cười hóm hỉnh trên môi, nhìn tôi rồi hắn kể tiếp:

- Ngồi nhìn họ ồn ào, vui thú như vậy, mình thắc mắc tự hỏi, cô gái kia đọc cái gì mà làm cho họ thích thú, kích động như vậy? Quá tò mò, mình đứng dậy, chậm rãi đi đến gần họ, lắng tai nghe một lúc mới biết là cô gái đang đọc những lá thư tình yêu. Đến gần hơn, lắng nghe kỹ hơn…. Cuối cùng mình có cảm tưởng như ngôn từ và cả văn phong rất quen thuộc, nó rất giống lối viết văn của cậu! Mình đến sát cô gái hơn, ghé mắt vào xem thì đúng là những bản chụp của những bức thư tình yêu mà cậu đã viết thuê cho ai đó! Quá thích thú, mình chờ cho cô gái đọc xong tất cả xấp thư và không ai còn gõ thùng, nhảy múa nữa. Mình hỏi cô gái, ở đâu cô ta có những bản chụp của những lá thư này? Ngước mắt lên nhìn mình thoáng chút vui mừng, có lẽ cô ta nghĩ vừa tìm được một kẻ đồng điệu. Hoan hỉ, nhìn mình cô ta trả lời: “Em đã chụp lén xấp thư của cô bạn cùng gánh nước mướn với em đó! Cô bạn em đã phải trả khá nhiều tiền cho người viết những lá thư này!” Nói xong cô gánh nước đưa mắt nháy mình một cái rất có duyên, rồi nói tiếp: “Anh có thấy những lá thư này quá hay không? Có lẽ nếu em tìm được một mối tình, một người yêu em, em cũng sẽ phải nhờ anh ta viết cho em những lá thư tình ướt át, lãng mạn như thế này mới được.”

Nghe cô gái gánh nước nói xong, mình cũng nhìn lại cô ta và nháy mắt với cô ta một cái trả lễ rồi lẳng lặng bước lùi, quay mặt đi về tiệm sửa xe trong khi cô gái đờ đẫn nhìn theo mình với tí lạ lùng. Đến chỗ sửa xe, mình dắt chiếc xe ra nổ máy đi về nhà, không đi tìm cậu nữa vì đã có một niềm vui rồi thì cần gì uống cà phê cho tốn tiền!

Cuối cùng Dương cười vui, đưa tay vỗ nhẹ lên vai tôi vài cái và hả hê kết luận:

- Cậu tài thật! Có lẽ cậu chẳng nên học hành thêm gì nhiều cho mệt và tốn kém. Cậu chỉ cần mở một văn phòng “chuyên viết thư tình mướn” chắc chắn tiền thu nhập sẽ cho cậu một cuộc sống vinh quang rồi!

Rồi một câu chuyện khác, cũng liên hệ đến cái “tài viết thư tình mướn” của tôi mà Dương cũng là người đưa nó vào kỷ niệm tình bạn của chúng tôi. Đại khái câu chuyện như sau:

Một lần tôi ghé vào tiệm may NHÂN, để tìm Dương, chủ nhân của tiệm là chị gái của Dương và cũng là tên của chị, trên đường Phan Đình Phùng (sát cạnh ngã tư Lê văn Duyệt –Phan đình Phùng), chị Nhân là một người phụ nữ duyên dáng, hiền hậu rất dễ mến. Không gặp Dương, tôi và chị Nhân nói chuyện tí chút rồi tôi ra về. Không biết lủng củng ra sao, tôi để quên xấp “thư tình viết mướn” của tôi tại tiệm may. Mấy ngày sau, Dương đến tận đại học tìm tôi. Chúng tôi kéo nhau vào quán cà phê lẹp xẹp trong khuôn viên của đại học, Dương nhìn tôi với nụ cười thích thú rồi kể cho tôi nghe một chuyện như sau:

- Hôm qua chị Nhân có nhờ mình đem trả lại tập thư viết mướn cho cậu, nhưng đúng lúc có một lũ bạn, trong đó có vài tên quen biết với cậu, cả nhóm rủ mình đi ăn kem. Khi vào quán kem gần nhà, chúng tớ đều gọi kem chocolate hay kem Venille. Trong lúc ăn kem, mình mới giở tập thư của cậu ra đọc to cho tất cả mọi người nghe, coi như thú vui lúc thanh nhàn. Đọc được vài trang, thì có một tên bạn càu nhàu nói lớn: “Kỳ lạ thật! Tao gọi kem Chocolate mà sao có mùi gì thôi thối, kem bị hư thì phải?” Lại một tên khác cũng la lên: “Đúng vậy, ly kem vanille của tao sao cũng có mùi thum thủm!” Rồi lại vài tên bạn khác la lên là kem hư, kem thối…. Chính mình cũng cảm thấy có mùi khó ngửi từ ly kem chocolate của mình!

Cả nhóm định không ăn, đang tính gọi chủ quán ra than phiền. Đúng lúc đó, một thằng vỗ tay thích thú và nói to: “Mùi sầu riêng! Đúng là mùi thối của sầu riêng rồi!” Hắn gật gù vừa cười, vừa nói tiếp: “Bố khỉ, những lá thư tình viết mướn mà thằng Dương vừa đọc có mùi sầu riêng đó, không phải từ kem thối hư đâu! Cứ thoải mái an tâm mà ăn đi!”

Kể xong câu chuyện, Dương trịnh trọng mở cặp lấy tập “thư viết mướn” đưa tận tay tôi, với nụ cười mỉm có tí “đêu đểu” hắn nói với tôi:

- Mình cũng không ngờ những lá thư tình cậu viết nó “đạt” đến mức làm kem sầu riêng mà không cần sầu riêng!

Nghe hắn nói “móc” tôi đã bực mình muốn giơ tay đấm cho hắn một cái, nhưng nghĩ kỹ thấy cũng có lý và đúng sự thật. Những lá thư tình viết cho những người thuê tôi viết, họ cần những câu văn, những ngôn từ ướt át, than van hay những suy tư rất mộng mị mang đầy chất liêu trai hay hào nhoáng như tiên cảnh bồng lai. Tôi phải viết làm sao cho đúng ý họ vì họ là người trả tiền cho tôi viết, đó là một điều rất hợp lý! Đơn giản và dễ hiểu thế mà thôi. Đã vậy thì có gì tôi phải khó chịu, bực mình với thằng bạn mà tôi mến thích, thân thương khi hắn nói quá đúng? Nghĩ như vậy nên tôi cũng cười trừ, bỏ qua.

Sau khi tốt nghiệp trường Kiến Trúc, Dương được tuyển vào làm việc cho Đại học Cần Thơ sau tôi khoảng hơn một năm. Chúng tôi lại có dịp chơi đùa, gần gũi với nhau như xưa, cho đến khi tôi xa Việt Nam đi Nhật. Chúng tôi tạm xa nhau, hẹn gặp nhau khi tôi về nước. Năm 1975, Dương bị mất việc tại Cần Thơ, trở về lại Saigon, Dương mở một văn phòng kiến trúc tư nhân cũng là nơi gia đình sinh sống, ngay trung tâm Saigon, trên đường Nguyễn Công Trứ rất gần bùng binh Quách thị Trang. Những lần tôi về Việt Nam rong chơi, lần nào chúng tôi cũng gặp nhau, ăn nhậu, uống cà phê và tụ tập bạn bè nói tếu, đùa giỡn như xưa. Nhưng vào khoảng năm 2016 hay 2017, Dương đã ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông ngay trước cửa chợ Saigon, rất gần nhà của Dương.

Cuộc sống nhân gian là thế, luôn luôn có những vui cười, hạnh phúc xen lẫn với những chán chường khổ đau. Theo tôi, người hạnh phúc nhất là người biết chấp nhận tất cả những vui ca cũng như khổ đau mà cuộc sống mang đến cho mình. Tôi nghĩ Dương, người bạn thân thương dễ mến của tôi thuộc nhóm người hạnh phúc đó, vì tôi và nhóm bạn chưa bao giờ thấy anh ta buồn lo và không đùa giỡn.

Thụy Sỹ, tháng 2 năm 2020
(Lưu An Vũ Ngọc Ruẩn)




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.115.139 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...