Như cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó tiếp xúc, người ngu cũng không thể hiểu được trí tuệ của người khôn ngoan, dù có được thân cận với bậc thánh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Ai dùng các hạnh lành, làm xóa mờ nghiệp ác, chói sáng rực đời này, như trăng thoát mây che.Kinh Pháp cú (Kệ số 173)
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Khi thời gian qua đi, bạn sẽ hối tiếc về những gì chưa làm hơn là những gì đã làm.Sưu tầm
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Lá thư hằng tuần »» Xem đối chiếu Anh Việt: Lá thư hằng tuần và Chia sẻ Phật pháp bài số 13 - năm 2024 »»
Chúng ta tiếp tục với bài chia sẻ Phật pháp lần thứ 13. Trong phần trước, chúng ta đã được giới thiệu khái quát về Bát chánh đạo (八正道). Kể từ bài này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu về từng yếu tố trong Bát chánh đạo. Yếu tố đầu tiên được tìm hiểu hôm nay là chánh kiến (正見), tức sự thấy biết chân chánh, cũng có nghĩa là sự thấy biết đúng thật.
Chánh kiến trong ý nghĩa đơn giản nhất là sự thấy biết đúng thật về thực tại khách quan, tức là mọi sự vật, sự việc, hiện tượng… Thực tế như thế nào thì thấy biết đúng như thế ấy, không có sự so sánh, thẩm định hay phán xét. Ngược lại, nếu sự thấy biết đi kèm theo với so sánh, thẩm định hay phán xét thì đó không phải là thấy biết chân thật. Ví dụ, khi ta quan sát một đĩa thức ăn và thấy có các loại gia vị như tiêu, ớt v.v… Đó là thực tế khách quan. Nếu là người thích ăn cay, ta thấy đĩa thức ăn đó ngon lành; nếu là người không ăn cay, ta cho rằng đĩa thức ăn đó không ngon… Sự thấy biết kèm theo phán xét ngon hay không ngon đó không còn là đúng thật nữa.
Chánh kiến hay sự thấy biết chân chánh, đúng thật là yếu tố quan trọng trước tiên của người tu tập, cũng giống như người đi đường thì quan trọng nhất là phải nhìn thấy rõ đường đi. Một người mù không nhìn thấy sẽ đi lại rất khó khăn, phải dò dẫm từng bước, không thể đi nhanh và rất dễ đi sai đường. Cũng vậy, người không có chánh kiến trong sự tu tập thì phải dò dẫm từng bước, khó đạt được tiến bộ và rất dễ rơi vào sai lầm.
Chánh kiến bao quát mọi phạm vi trong sự tu tập. Nói chung thì tất cả những nhận thức, hiểu biết nào phù hợp với giáo pháp do đức Phật chỉ dạy đều là chánh kiến. Những nhận thức, hiểu biết sai lệch, không đúng với lời Phật dạy thì không phải là chánh kiến. Sở dĩ có thể nói như vậy là vì những gì đức Phật đã chỉ dạy đều dựa trên sự quan sát và trải nghiệm đúng thật của tự thân ngài và do đó luôn giúp chúng ta có được những nhận thức, hiểu biết đúng thật.
Nhận thức đúng thật trước tiên là nhận thức về nhân quả. Người tu tập phải nhìn nhận mọi sự vật, sự việc, hiện tượng trong mối quan hệ nhân quả tất yếu. Tính tất yếu này thể hiện ở chỗ, khi một hiện tượng xảy ra, một sự vật xuất hiện… điều tất yếu là phải có những nguyên nhân gần và xa dẫn đến sự xuất hiện của chúng. Không thể có bất kỳ hiện tượng nào mà không có nguyên nhân. Mặt khác, tính tất yếu cũng thể hiện ở nguyên tắc “nhân thế nào, quả thế ấy”. Không thể có một nhân tốt đẹp nào lại dẫn đến quả xấu xa hay ngược lại. Khi có được nhận thức đúng thật này, chúng ta hiểu rõ rằng mọi điều tốt đẹp hay xấu ác mà ta nhận được ngày nay chính là do những gì ta đã tạo ra từ ngày trước, cũng như tất cả những việc làm tốt đẹp của chúng ta hôm nay rồi sẽ mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai. Với nhận thức đúng thật như vậy, chúng ta sẽ xác định rõ ràng về những việc nên làm và không nên làm và điều này giúp ích rất nhiều cho sự tu tập.
Nhận thức quan trọng cần đề cập tiếp theo là về bốn tính chất phổ quát trong vũ trụ. Đó là các tính chất khổ, vô thường, không và vô ngã.
Nhận thức cuộc đời là khổ không phải bi quan, mà là đúng thật, vì vốn dĩ những sự bất như ý luôn xảy ra và điều đó khiến cho cuộc sống tràn đầy các nỗi khổ. Những nỗi khổ mang tính phổ quát như sinh, già, bệnh, chết là điều không ai có thể phủ nhận, và cũng không ai có thể tránh khỏi. Ngoài ra còn có những nỗi khổ như mong cầu không được (cầu bất đắc khổ), yêu thương phải xa lìa (ái biệt ly khổ), oán ghét phải gặp gỡ (oán tắng hội khổ)… Những nỗi khổ này tuy có vẻ như cũng có thể tránh được, nhưng trong thực tế thì hầu như bất cứ ai cũng đã từng trải qua ở những mức độ khác nhau. Do vậy, nếu không thấy được tính chất khổ đau của đời sống thì chưa có được nhận thức đúng thật.
Nhận thức rằng mọi hiện tượng đều vô thường cũng là một nhận thức đúng thật. Chúng ta không thấy có bất cứ sự vật, sự việc nào có thể tồn tại bất biến và vĩnh cửu. Ngay cả những ngọn núi cao cũng biến đổi sau thời gian hàng ngàn năm, hàng triệu năm… Còn trong thực tế đời sống thì vô thường biểu hiện ở khắp mọi nơi, bởi bất kỳ sự vật, sự việc nào ta quan sát được cũng đều phải trải qua chu kỳ “hình thành, tồn tại, biến hoại rồi diệt mất” (thành trụ hoại không). Đây là quy luật phổ biến với tất cả mọi sự vật, chỉ khác biệt về thời gian và hình thức biểu hiện mà thôi. Thật ra, luật vô thường thậm chí còn biểu hiện ngay trong thân thể của chúng ta, bởi vì mỗi giây phút đều có những tế bào suy yếu, chết đi và những tế bào mới sinh ra, vận hành. Cuối cùng, thân thể cũng như mạng sống này của tất cả chúng ta đều đang biến hoại từng ngày, suy yếu qua thời gian và cuối cùng đều sẽ chết.
Nhận thức về bản chất sự vật là "không", cũng là một nhận thức đúng thật khác. Mọi sự vật đều không tự chúng hiện hữu. Mỗi sự vật đều do sự kết hợp của nhiều nhân duyên khác nhau, và khi nhân duyên không còn nữa, sự vật cũng sẽ không còn tồn tại. Do vậy, những tính chất mà ta nhận biết từ sự vật như xanh, đỏ, trắng, vàng, cao, thấp, cứng, mềm v.v… thật ra chỉ là những biểu hiện tạm thời do duyên hợp, trong khi bản chất rốt ráo thật sự của mọi sự vật đều không thật có. Sự “không thật có” này mới chính là bản chất chân thật của hết thảy mọi sự vật. Nói cách khác, sự hiện hữu của tất cả các pháp đều chỉ là giả tạm, do nhân duyên hợp thành, cho nên tự thân chúng không có gì là chắc thật, không thực sự hiện hữu.
Nhận thức về vô ngã cũng là một nhận thức đúng thật quan trọng. Khi quán chiếu sâu xa, chúng ta sẽ thấy rõ rằng tự thân chúng ta không hề có một bản ngã (nhân vô ngã) cũng như hết thảy mọi hiện tượng đều không có tự thể độc lập (pháp vô ngã). Chính vì bám chấp vào một bản ngã không thật có nên chúng sanh mới tạo ra vô số nghiệp lành dữ, làm nhân cho sự lưu chuyển mãi mãi trong luân hồi. Do chấp có “ta” nên từ đó mới cần “bảo vệ cái ta” và bồi đắp, vun vén cho cái ta không thật ấy cùng những thứ “của ta”. Từ đó chúng ta tạo ra bao tội nghiệp, ràng buộc và xô đẩy chúng ta mãi mãi trong luân hồi. Do vậy, nhận thức rõ về vô ngã là bước đầu giúp ta buông xả dần mọi ý niệm bám chấp, từ đó mới có thể tu tập dứt trừ tham, sân, si… vì không còn động lực thôi thúc làm phát triển những tâm niệm xấu này.
Những nhận thức đúng như vừa nói trên cũng chỉ là những bước khởi đầu, nhưng rất quan trọng trong sự tu tập. Bởi vì nhờ có nhận thức chân thật, chúng ta mới không còn bị cuốn hút, xô đẩy theo những khuynh hướng sai lầm. Phạm vi tu tập của chánh kiến thật ra còn bao quát hơn rất nhiều, và sự mở rộng này sẽ luôn tương ứng với khả năng thực hành cũng như nghiên cứu học hỏi giáo pháp của mỗi chúng ta. Điều này cũng giống như một người leo núi, càng lên cao thì tầm nhìn sẽ càng mở rộng ra xa hơn, thấy được nhiều cảnh vật hơn. Tuy nhiên, ở những bước khởi đầu tu tập thì việc chú ý đến những nhận thức đúng thật căn bản như trên là điều rất quan trọng.
Theo một cách giải thích khác hơn thì chánh kiến là trừ bỏ, xa lìa hết thảy mọi tà kiến, tức là những cách nhận hiểu sai trái, lệch lạc. Chẳng hạn như bác bỏ nhân quả là tà kiến, không hiểu lý tứ đế là tà kiến, bám chấp cho rằng có một linh hồn thường còn là tà kiến, cho rằng sau khi chết là dứt hết mọi việc, không còn tái sinh, không còn thọ nghiệp, đó cũng là tà kiến… Thấu hiểu và dứt trừ tất cả tà kiến chính là nuôi dưỡng và phát triển chánh kiến. Tu tập chánh kiến sẽ giúp ta phát triển niềm tin chân chánh vào chánh pháp, bởi vì ta luôn hiểu đúng về con đường và kết quả của sự tu tập.
Trong những bài tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu các yếu tố còn lại trong Bát chánh đạo.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.238.37 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập