Cuộc sống xem như chấm dứt vào ngày mà chúng ta bắt đầu im lặng trước những điều đáng nói. (Our lives begin to end the day we become silent about things that matter. )Martin Luther King Jr.
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Cách tốt nhất để tiêu diệt một kẻ thù là làm cho kẻ ấy trở thành một người bạn. (The best way to destroy an enemy is to make him a friend.)Abraham Lincoln
Người hiền lìa bỏ không bàn đến những điều tham dục.Kẻ trí không còn niệm mừng lo, nên chẳng bị lay động vì sự khổ hay vui.Kinh Pháp cú (Kệ số 83)
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Tài năng là do bẩm sinh, hãy khiêm tốn. Danh vọng là do xã hội ban cho, hãy biết ơn. Kiêu căng là do ta tự tạo, hãy cẩn thận. (Talent is God-given. Be humble. Fame is man-given. Be grateful. Conceit is self-given. Be careful.)John Wooden
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Bạn nhận biết được tình yêu khi tất cả những gì bạn muốn là mang đến niềm vui cho người mình yêu, ngay cả khi bạn không hiện diện trong niềm vui ấy. (You know it's love when all you want is that person to be happy, even if you're not part of their happiness.)Julia Roberts
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Diệu âm »»
Phẩm Suối Ao Công Đức chép: “Từng thanh từng loại, nghe đặng thế rồi, tâm ta thanh tịnh, chẳng chút phân biệt, chánh trực bình đẳng, thiện căn thuần thục, tùy chỗ muốn nghe, cùng Pháp tương ưng, nguyện nghe tiếng nào, riêng nghe tiếng ấy, chỗ không muốn nghe, tuyệt nhiên chẳng nghe. Hằng bất thối tâm A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ-đề.”
Ðoạn kinh trên tường thuật việc hễ ai lắng nghe được tiếng của những diệu pháp Tịnh độ qua các tiếng Phật Pháp Tăng, tiếng Ba-la-mật, Chỉ Tức Tịch Tịnh, Vô Sinh Vô Diệt, Mười lực Vô Úy, hoặc tiếng Vô Tánh, Vô Tác Vô ngã, hoặc tiếng Ðại Từ Ðại Bi Hỷ Xả, hoặc tiếng Cam Lồ Quán Ðảnh Thọ Vị, tâm liền lìa hết tất các cấu nhiễm, ngừng dứt hết thảy các vọng niệm, phân biệt chấp trước, trở nên thanh tịnh bình đẳng và triệt để khai ngộ.
Thế nào là tâm chẳng chút phân biệt? Do tánh của thức thứ bảy (Mạt-na) là phân biệt suy lường một cách lầm lạc khi tiếp xúc với các sự việc, nên nhận lầm cái vô ngã, vô pháp là có ngã, có pháp. Nếu tâm không còn thấy có ta, có người, có chúng sanh, có thọ giả nữa, thì tất cả các pháp tự nhiên trở nên bình đẳng không sai biệt, giống hệt nhau chẳng khác; đó chính là tâm chẳng chút phân biệt, hay còn gọi là tâm vô phân biệt.
Thế nào là tâm chánh trực? Kinh Pháp Hoa bảo: “Chánh trực xả phương tiện, chỉ nói đạo Vô Thượng.” Phẩm Bồ-tát Tu Trì của kinh Vô Lượng nói: “Ðộ chúng hữu tình, diễn nói Chánh pháp Vô tướng Vô vi, không buộc không mở, không phân không biệt, xa lìa điên đảo.” Từ hai câu kinh văn này, chúng ta thấy, chỉ có Chánh pháp Nhất thừa mới là pháp đoan chánh, chất trực, ngay thẳng, không tà, không cong vạy. Vậy, chữ “chánh trực” trong kinh Vô Lượng Thọ đã nêu lên bổn hoài của A Di Đà Phật là chỉ nói pháp Chân như, tức là diệu pháp Nhất thừa Viên giáo. Ngài không nói pháp sanh diệt, cũng không nói pháp phương tiện Tam thừa.
Thế nào là tâm bình đẳng? Bình đẳng có nghĩa là không sai khác. Tâm của Phật là tâm chân như, mà chân như thì hiện diện trong khắp tất cả pháp, thấy vạn pháp đều như một. Cho nên, bình đẳng chính là thể tướng chung của hết thảy pháp. Từ nơi tâm bình đẳng, Đức Phật sanh lòng thương xót hết thảy chúng sanh, xem tất cả chúng sanh như chính mình, nên muốn khiến tất cả chúng sanh đều thành Phật giống như Phật. Do vậy, A Di Đà Phật chỉ tuyên nói Chánh pháp Nhất thừa Vô tướng Vô vi, chẳng nói pháp phương tiện Tam thừa của hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát.
Trong cõi này, Thích Ca Mâu Ni Phật do tùy thuận theo kiến giải của phàm phu và Nhị thừa mà diễn nói Tam thừa (Thanh văn Thừa, Duyên giác Thừa và Bồ-tát Thừa). Tam thừa là tục đế, là pháp phương tiện, là sanh diệt môn, chớ chẳng phải là diệu pháp Nhất thừa liễu nghĩa trong Viên giáo. Diệu pháp Nhất thừa Viên giáo là Chân Như môn, là Chánh pháp Vô tướng Vô vi, không buộc không mở, không phân không biệt, xa lìa điên đảo.
Trong cõi Cực Lạc, A Di Đà Phật chẳng nói sanh diệt môn, chỉ nói Chân Như môn, tức là mười phương và ba đời đều chẳng có, tận hư không khắp pháp giới chỉ là một thể không hai. Đây cũng chính là Nhất chân Pháp giới được nói trong kinh Hoa Nghiêm. Người trong cõi Cực Lạc do được nghe các pháp âm diễn nói diệu pháp Nhất thừa như thế, nên họ xa lìa phân biệt, chánh trực chẳng tà, thoát khỏi các điều ràng buộc nơi thân, ngữ và ý, sanh trong nhà Như Lai, rốt ráo được tam nghiệp bình đẳng của Như Lai. Nói sâu xa hơn nữa, bình đẳng có hai nghĩa: Thứ nhất, bình đẳng chính là lý thể của Trung đạo, một mảy lông, một hạt bụi, không gì chẳng phải là Trung đạo. Thứ hai, bình đẳng chính là tâm, Phật, chúng sanh không sai biệt. Hết thảy chúng sanh vốn sẵn đủ trí huệ và đức tướng của Như Lai, nên chẳng luận là người trí hay kẻ ngu, ai nấy đều có khả năng cùng đắc Phật huệ như nhau. Chúng sanh cõi ấy do nghe tiếng của nước chảy thuyết pháp mà tất cả các thiện căn đều được thành thục, thành tựu Bồ-đề chánh đạo. Như vậy, hễ ai được vãng sanh Cực Lạc đều được nghe tiếng nước chảy, tiếng sóng vỗ diễn thuyết diệu pháp và cũng đều đắc Thanh Tịnh Bình Đẳng Trụ, một đời thành Phật. Vì thế, kinh Bi Hoa mới nói: “Người trong cõi nước ấy toàn là Bồ-tát.” Kinh Di Đà cũng nói: “Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi kia.” Như vậy, “chấp trì danh hiệu, phát nguyện vãng sanh, nguyện được thấy Phật A Di Đà, ngộ vô sanh” chính là nhiều thiện căn, là đại thiện căn, là thiện căn tối thắng, là thiện căn chẳng thể nghĩ bàn!
Kinh chép: “Tùy chỗ muốn nghe, cùng Pháp tương ưng,” tức là điều gì được nghe trong cõi Cực Lạc cũng đều tương ứng với Chánh pháp Nhất thừa Vô tướng Vô vi. Bất cứ ai sanh về cõi đó đều được nghe các thứ tiếng vi diệu như thế, nghe xong liền đạt được sự vui mừng yêu thích lớn lao, tương ứng với Quán chiếu Bát-nhã, tương ứng với nhàm lìa vọng tưởng điên đảo và những lậu hoặc phiền não, cho đến tương ứng với Vô vi Niết-bàn. Cho nên, tiếng vi diệu ấy được gọi là Diệu Âm. Chúng ta nên biết, những người vãng sanh là do tâm thanh tịnh và thiện căn thành thục, nên bất cứ pháp nào được nghe cũng đều là Diệu Âm, đều là diệu pháp Nhất thừa Vô tướng Vô vi. Lại nữa, do họ giải ngộ được tất cả ý nghĩa của tất cả pháp đã được nghe một cách chân thật, chẳng sai lầm, nên có thể phát khởi các hạnh thù thắng. Một khi các hạnh đã phát lên được rồi thì lý giải cũng dứt tuyệt, thì đó mới thật sự là Vô tướng Vô vi. Lý giải dứt tuyệt có nghĩa là không chấp trước vào điều mình đã hiểu, không bị hạn cuộc bởi số lượng, dứt tuyệt các ý niệm đối đãi, không rơi vào nhị biên, thì đấy chính là Quán chiếu Bát-nhã. Do sức mạnh của Quán chiếu Bát-nhã nên năng niệm và sở niệm chẳng phải hai, lý và trí đạt đến mức thăm thẳm đến nỗi với các điều được nghe đều khế hội ngay tức thời, chẳng cần suy nghĩ đo lường, tương ứng với Chánh pháp Vô tướng Vô vi. Như vậy, chữ “tương ứng” ở đây có nghĩa là khế hợp với nhau, từ tâm địa bên trong cho đến hành vi bên ngoài đều khế hợp với Chánh pháp Vô tướng Vô vi, giống như là nồi nào nắp ấy vừa khít với nhau. Chỉ có người thật tin, thật hiểu, thật tu và thật chứng mới có thể khế hợp các pháp với nhau một cách khắn khít, mới có thể khế nhập được cảnh giới ly niệm đúng như Hoa Nghiêm Luận bảo: “Một niệm tương ứng, một niệm Phật, một ngày tương ứng, một ngày là Phật.” Nay, kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Điều gì được nghe cũng tương ứng với Pháp,” thì quả thật là đã hiển thị sâu xa bổn nguyện công đức của Phật Di Ðà thật chẳng thể nghĩ bàn!
Nước trong ao thất bảo biết tùy thuận theo ý muốn của từng mỗi chúng sanh; hễ ai nguyện nghe tiếng nào, thì chỉ riêng nghe tiếng ấy, chỗ nào không muốn nghe, tuyệt nhiên chẳng nghe đến. Đấy đã nêu rõ tánh chất viên minh cụ đức, tự tại vô ngại, khéo ứng hợp với mọi căn cơ đến mức vô cùng tận của nước trong ao thất bảo. Đấy cũng nêu rõ tâm đại từ đại bi của A Di Đà Phật, Ngài nhất định không bỏ sót bất cứ một chúng sanh nào cả, nếu chúng sanh ấy hết lòng tin tưởng, hướng về Ngài cầu sự giác ngộ giải thoát. Đương nhiên, Phật chẳng thể độ người vô duyên, ai là người vô duyên với Phật? Người vô duyên với Phật chắc hẵn phải là người chẳng tin Phật, chẳng trọng pháp, cũng chẳng có cái tâm cầu học Phật pháp, nên dù Phật rất muốn độ họ, nhưng chẳng có cách nào làm được!
Trong cõi Cực Lạc, nước, chim, cây cối đều diễn thuyết diệu pháp, ánh sáng nhiều màu, tiếng động, mùi thơm cùng làm Phật sự. Những điều đập vào mắt, dội vào tai đều hiển hiện bổn tâm, mỗi lúc giở bước chân lên hay đặt bước chân xuống đều là làm Phật sự; nhờ vậy mà chúng dân nơi cõi ấy vĩnh viễn an trú trong Chánh pháp Vô tướng Vô vi, chẳng thoái chuyển nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề. Tất cả mọi thứ nơi cõi ấy đều thuần chỉ là cái nhân làm tăng thượng duyên, quyết định chẳng phải là nhân tạo ra duyên thoái chuyển. Trong cõi Sa-bà này có rất nhiều duyên thoái chuyển; cho nên chúng ta phải thường luôn trì kinh, niệm Phật không gián đoạn cho đến khi mắt thấy, tai nghe bất cứ thứ gì cũng là chư Phật thuyết pháp; đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng đều an trú trong chánh niệm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thì tâm mình mới có thể tương ưng với tâm Phật. Kinh Phật ví như nước Bát-nhã dùng để tẩy rửa bụi trần trong tâm chúng sanh, khiến tâm chúng sanh tương ưng với tâm Phật, cốt hầu làm lợi ích cho muôn loài. Do nước Bát-nhã có công hiệu vô cùng, nên Phật bảo chúng sanh phải dùng nó để rửa sạch hết các tạp niệm vọng tưởng nơi tâm mình, thì gương trí tuệ tròn đủ mới hiện tiền. Khi vật đến thì gương biết tùy duyên, tùy cảnh mà chiếu soi, không có gì chướng ngại; lúc vật đi thì gương im lìm, phẳng lặng, chẳng lưu giữ lại bất cứ dấu vết gì, thì đó mới đúng thật là Trí tuệ Bát-nhã được nói trong Bát-nhã Tâm Kinh.
Bổn thể Phật tánh cũng giống như tấm gương trí tuệ tròn đầy, ở nơi thánh hiền không tăng, ở nơi phàm phu không giảm. Thánh, phàm mỗi mỗi vốn đều có đủ trí tuệ quang minh giống hệt như nhau. Nhưng vì chúng sanh có một niệm bất giác vô minh mà sanh thành tam tế tướng: hiện tướng, nghiệp tướng và chuyển tướng; rồi từ đấy phải lưu lạc trong sáu nẻo luân hồi. Sáu nẻo bao gồm ba đường thiện (thiên, nhân, A-tu-la) và ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh). Lại nữa, do vì chúng sanh thường hay khởi tâm nghi hoặc nơi chánh pháp của Như Lai, chẳng chịu niệm kinh, nghe kinh để khai giải tâm ý, mặc tình cho vọng tưởng làm chủ cái tâm mình mà cứ tưởng đó là trí thông minh thật sự. Nào ngờ đó chỉ là sở tri chướng ngăn cản đạo Bồ-đề mà phải lãnh cái quả báo là ở mãi trong lục đạo, chịu biết bao khổ ách, không trồi đầu ra được. Tâm tánh của chúng sanh điên đảo như nước trong biển vỡ bờ, tuôn ra, phân tán thành vô số chi nhánh, ngàn đầu vạn mối, càng phân tán càng loạn động, càng loạn động, càng khó quy tụ trở về. Các thứ nghiệp lực tràn lan đó lại ngày càng khuếch đại thêm ra, đến nỗi không thể nào sửa chữa tình cảnh lại được. Những thứ nợ ô nhiễm đó chúng ta phải trả mãi từ kiếp này đến kiếp nọ, không bao giờ trả xong. Cho nên, chẳng ai biết tương lai của mình rốt cuộc rồi sẽ ra sao? Phật đã rất nhiều lần chân thật mở bày, khuyên dạy tỏ tường; vậy mà có mấy ai trong thế gian thật sự chịu tin tưởng, lắng nghe, ghi nhớ và y giáo tu hành. Thế nên mới có ngũ thống, ngũ thiêu đốt cháy thân tâm trong năm cõi, sáu đường.
Phật có đại trí tuệ rõ biết, hết thảy chúng sanh hoàn toàn không có đủ khả năng vượt ra khỏi tam giới, nên từ nơi lòng từ bi mà nói ra Tha Lực Pháp Môn này, nhằm dạy chúng sanh phải nương vào nguyện lực gia trì của A Di Đà Phật, niệm Phật để quay trở về với Nhất tâm. Do đó, tu pháp môn Niệm Phật thì cũng giống như việc đem nước trong muôn sông quy tụ trở về biển cả. Chúng ta đang ở trong thế giới ô nhiễm, đất nước, hoàn cảnh, không khí, thức ăn, ý nghĩ, lời nói và hành vi v.v… đều bị nhiễm ô, khiến cho thiên tai động loạn dồn dập xảy ra khắp nơi. Những thứ ô nhiễm đó từ đâu tới? Nguồn căn là từ một niệm vô minh của chúng ta! Vô minh giống như ngọn lửa lớn, lửa càng thiêu càng đốt mạnh mẽ, khiến cho tánh tình của con người càng thêm ô nhiễm, mù mờ, đen tối hơn nữa. Vô minh giống như vô số vi trùng sống bám trong thân thể con người, chúng lúc nào cũng không ngừng sanh sôi nẫy nở rất nhanh, chúng ta không cách chi tưởng tượng nổi sức tăng trưởng, lớn mạnh của chúng. Hiện nay, chúng ta đều thấy dịch virus Covid 19 đang lan tràn rất nhanh khắp mọi nơi trên thế giới, ngay cả những vùng Bắc Cực vắng vẻ ít người, thế mà cũng có người bị nhiễm virus Covid 19. Hiện nay, virus Covid 19 lại biến dạng thành Covid 19 Delta, Delta plus, Beta, Gamma v.v… mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Vô minh phiền não của chúng sanh cũng giống như thế, thường luôn tăng trưởng và biến dạng cải hình, khiến cho tánh tình của con người càng thêm ô nhiễm, mù mịt, tối tăm. Thật thà mà nói, virus Covid 19 chính là do tâm ô nhiễm của chúng sanh biến hiện ra. Phòng thí nghiệm Vũ Hán chỉ là duyên sanh chớ chẳng phải nhân sanh; cái nhân sanh ra virus Covid 19 là tâm tánh ô nhiễm của hết thảy chúng sanh trong thế gian này, trong đó có chính mình. Cho nên, chính mình phải gánh chịu cái quả báo này tùy theo nghiệp vô minh nặng hay nhẹ. Nhẹ nhất thì mất tự do đi đứng qua lại do luật cách ly, nặng nhất thì mất mạng.
Phật có thuốc hay có thể diệt trùng, trị bệnh, nhưng chúng sanh vẫn thờ ơ với bệnh căn của chính mình, chẳng chịu tiếp nhận thuốc hay của Phật, thì Phật phải làm sao đây? Phật đã nhiều lần tha thiết khuyên bảo: “Ta cõi này thành Phật, lấy thiện trừ ác, nhổ gốc khổ sinh tử, khiến đặng năm đức, đặng an vô vi. Ta vào Niết-bàn, kinh đạo lần diệt, nhân dân tà ngụy, lại làm điều ác, năm thiêu năm khổ, lâu sau càng nguy. Các ông thay nhau, khuyên lơn nhắc nhở, y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm.” Phật khuyên lơn nhắc nhở chúng sanh phải y kinh pháp Phật, chớ nên trái phạm. Di Lặc Bồ-tát hiểu rõ tâm ý của Phật, bèn chắp tay bạch: “Người đời khổ ác, như thế như thế, Phật đều thương xót, Phật đều độ thoát, chúng con xin vâng, theo lời Phật dạy, không dám trái phạm.” Di Lặc Bồ-tát và các chư Bồ-tát đều tuân theo lời Phât dạy, y giáo tu hành, không dám sanh nghi, còn người thế gian thì thế nào? Người thế gian chẳng có mấy ai chịu lắng nghe, chẳng có mấy ai hiểu rõ tâm ý của Phật, họ vẫn hời hợt, thờ ơ đối với kinh giáo của Phật. Vì sao có tình trạng này? Vì người thế gian, ai nấy đều tham lam, sân giận, ngu si, ngã mạn; chẳng có người nào chịu bị thiệt thòi cho người nào hết. Họ mặc sức tranh nhau, tạo ác, tự tư tự lợi, tự cầu sướng thân cho riêng mình, thì thế giới này làm sao tránh khỏi cảnh bị năm thiêu năm khổ hủy diệt! Bằng chứng cụ thể là ngày nay thiên tai, động loạn, bệnh dịch xảy ra khắp mọi nơi. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải có nhận thức rõ ràng rằng: Thời đại hỗn trược, dơ bẩn này là do chính mình gây ra chớ chẳng phải là do người khác gây ra; có biết rõ như thế thì mới biết quay đầu tỉnh giác, phát tâm giác ngộ đạo Bồ-đề, một dạ chuyên tâm niệm Phật, cầu sanh Cực Lạc.
Do nhờ thường luôn niệm kinh, niệm Phật, tức là thường luôn dùng nước Bát-nhã của Phật thấm nhuận tâm mình, nên biết rõ những gì người thế gian cho là thành công thì bậc thánh hiền cho là thất bại, còn những gì người thế gian cho là thất bại thì bậc thánh hiền cho đó thành công, mà có thể sáng suốt đi ngược dòng đời, xuất ly tam giới, vĩnh viễn giải thoát ra khỏi sinh tử. Nếu hiện đời chưa hội đủ nhân duyên xuất ly tam giới, thì nhờ nước Bát-nhã của Phật mà tránh được những tai nạn khổ đau, tích lũy thiện căn phước đức cho đời sau có thể gặp lại Phật mà tiếp tục tu hành cho đến khi viên mãn. Phật có nghĩa là giác, tức là đại trí huệ! Người biết niệm Phật thì phải biết dùng đại trí huệ của chính mình trong cuộc sống tu hành và tất cả các xử sự, tiếp vật, đãi người. Một khi chúng ta đã thật sự hiểu rõ chân lý của pháp môn Niệm Phật chính là dùng sức quán chiếu Bát-nhã để niệm Thật tướng Bát-nhã, bèn có thể tu hành một cách chân thật và chắc chắn; đừng nên theo vọng tưởng vô minh, phân biệt, chấp tướng để tu hành một cách gian dối, giả tạo; rốt cuộc rồi cũng chỉ là luống uổng công phu.
Hiện nay, chúng ta đang bị vô minh mê hoặc đến mức không thể tự chủ được cái tâm của chính mình, lại thường hay nương vào nhiễm tâm nên mới có năng kiến, năng hiện và hư dối. Nếu chúng ta không chịu học kinh, nghe pháp để thấu rõ chân lý, cứ mãi dùng nhiễm tâm để niệm Phật nhằm nắm bắt lấy cảnh giới, trái với tánh thanh tịnh bình đẳng của Chân như, thì dù có niệm Phật rất nhiều, nhưng càng niệm lại càng thêm động loạn, tạo thành nghiệp luân hồi trong sáu đường. Nhiễm tâm chính thực là phiền não ngại, mà phiền não ngại cũng chính là trí ngại làm che lấp Căn Bản trí, nên gọi là vô minh. Nếu chúng ta chịu khó ra sức học Phật, nghe pháp, lấy nước Bát-nhã tẩy sạch nhiễm tâm mình, lấy niệm Phật với sức quán chiếu Bát-nhã để gìn giữ cho tâm mình thư thái bình thản, thì có khác gì trời người nơi cõi Cực Lạc được tắm trong nước ao thất bảo, dùng nước tám công đức để rửa sạch cấu ô, thân tâm mát mẽ giống như Tỳ-kheo đắc Diệt Tận định.
Trong cõi này, khi chúng ta nghe âm nhạc, nhất định phải có âm thanh; nếu chẳng có âm thanh thì nhạc ở đâu ra? Thế mà trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, đại nhạc chương của chư Phật, Bồ-tát chẳng có âm thanh. Tuy chẳng có âm thanh, nhưng lại có thể vang trời, rền đất, chuyện này là như thế nào? Xét theo Thật tướng Bát-nhã, sắc tướng do đâu mà có? Bát-nhã Tâm Kinh nói: “Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc,” tức là hết thảy sắc tướng và âm thanh trong tận hư không khắp pháp giới đều thuộc loại thiên nhạc của Tự tánh, những gì chúng ta mắt thấy, tai nghe toàn là thiên nhạc trong Tự tánh biến hiện ra. Xét theo Khoa học hiện đại, sắc tướng sanh ra từ chấn động; do sự chấn động của các hạt tử mà tạo thành sắc tướng và âm thanh. Đối với người đã giác ngộ Tự tánh, y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới đều là thiên nhạc của Tự tánh, nên chẳng có sắc tướng, âm thanh nào chẳng phải là Phật thuyết pháp. Nói cách khác, tiếng Phật thuyết pháp chính là thiên nhạc của Tự tánh, là đại nhạc chương của Phật, nên được gọi là Diệu Âm.
Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh chép: “Như tràng báu cõi trời, chẳng gõ mà tự kêu.” Kinh Vô Lượng Thọ cũng ghi: “Chuông khánh đàn cầm và đàn không hầu, không đánh tự nhiên, cũng phát ngũ âm.” Thiên nhạc nơi cõi Cực Lạc là một thứ âm thanh kỳ diệu, không những chẳng tấu mà tự kêu, lại còn không có tiếng để có thể nghe, thế mà nó lại vang trời, rền đất. Vì sao? Vì nhạc trong Tự tánh là một thứ Diệu Âm chẳng thể thấy bằng nhị thính. Do sự đối ứng của nhĩ căn đối với động và tịnh của thanh trần mà có hai loại nghe: khai thính và bế thính, gọi chung là nhị thính. Khai thính là do nghe các thứ ồn náo nên tinh thần rối loạn. Bế thính là do im lặng chẳng nghe thấy gì nên thần phách chìm đắm trong hôn trầm. Còn Diệu Âm thì chỉ có thể nghe bằng Chân tâm Tự tánh vô cùng thanh tịnh bình đẳng mà thôi!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.63.214 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập