Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Cơ học lượng tử cho biết rằng không một đối tượng quan sát nào không chịu ảnh hưởng bởi người quan sát. Từ góc độ khoa học, điều này hàm chứa một tri kiến lớn lao và có tác động mạnh mẽ. Nó có nghĩa là mỗi người luôn nhận thức một chân lý khác biệt, bởi mỗi người tự tạo ra những gì họ nhận thức. (Quantum physics tells us that nothing that is observed is unaffected by the observer. That statement, from science, holds an enormous and powerful insight. It means that everyone sees a different truth, because everyone is creating what they see.)Neale Donald Walsch
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Đừng cố trở nên một người thành đạt, tốt hơn nên cố gắng trở thành một người có phẩm giá. (Try not to become a man of success, but rather try to become a man of value.)Albert Einstein
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Mục đích cuộc đời ta là sống hạnh phúc. (The purpose of our lives is to be happy.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chuyên nhất niệm Phật quy tâm về một chỗ, không việc gì chẳng thành »»
Hiện tại, chúng ta đang sống trong xã hội động loạn, ngày nào cũng có rất nhiều chuyện xảy ra trên thế giới. Vậy, chúng ta có cần phải theo dỏi tin tức để biết rõ về thế gian này không? Thật ra mà nói, rất nên nhưng chưa phải lúc. Khi nào mới tới lúc, khi nào chúng ta đắc Căn Bản trí, tức là có định huệ cân bằng rồi thì được, nếu chưa có định huệ, thì chớ nên nghe ngóng chuyện thế gian. Chúng ta hãy làm một cuộc thí nghiệm thử xem, mỗi khi tiếp xúc với thông tin bên ngoài, đầu óc chúng ta liền phát sanh đầy ắp những ý nghĩ lộn xộn, bực tức, lo sợ v.v… Như vậy, suốt ngày chúng ta đều phải sống trong vọng tưởng tham, sân, si, mạn rồi! Người đắc Căn Bản trí do không bị trần cảnh trói buộc nên khi họ tiếp xúc với thông tin bên ngoài, bèn phát sanh Hậu Đắc trí. Còn người chưa đắc Căn Bản Trí vừa tiếp xúc với thông tin bên ngoài, liền tăng trưởng phiền não, tâm bị dày dò với những sự ác khổ và thiêu đốt của người đời, nhưng lại cảm thấy rất bất lực đối trước hoàn cảnh ấy.
Lục Độ Tập Kinh ghi: “Bồ-tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than.” Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói: “Trong các cõi Phật đều hay thị hiện như ảo sư giỏi, hiện các tướng lạ, trong mỗi tướng đó thật chẳng thể được.” Bồ-tát đã thành tựu Căn Bản trí nên các Ngài có thể xông vào chốn sanh tử, nơi chính trị để cứu dân thoát khỏi nạn lầm than, mà nơi các Ngài chẳng hề tạo tác. Vì sao? Vì Bồ-tát thông đạt hết thảy các pháp tánh, rõ tướng tất cả chúng sanh, nên các Ngài có thể xông vào chốn sanh tử để khai đạo quần sanh, xé lưới ma kiến, cởi dây triền phược cho chúng sanh, mà trong tâm không hề giữ lại một dấu vết nào cả. Thử hỏi, hiện thời chúng ta có thể làm được những chuyện Bồ-tát làm không? Vẫn chưa thể làm được, vì sao chưa được? Vì chưa đắc Căn Bản trí. Người chưa đắc Căn Bản trí thì phải buông xuống vạn duyên, chớ nên đọc báo chí, chớ nên xem TV, chớ nên nghe radio, chớ nên ngóng tai nghe người khác bàn bạc chuyện đời v.v…. Nếu chúng ta có thể đoạn hết những thứ ấy, tâm bèn thanh tịnh. Tâm thật sự định sẽ có trí huệ phát sanh, trí huệ ấy chính là Căn Bản trí. Sau khi đắc Căn Bản trí rồi mới có thể làm được những gì Bồ-tát làm mà chẳng khởi vọng, tạo nghiệp. Do đó, Phật dạy phàm phu chúng ta nên cầu vô tri, chớ nên cầu hữu tri.
Kinh Vô Lượng ghi: “Ngoài như chậm hoãn, trong ứng xử nhanh, tâm lượng bao dung ví như hư không, thích nghi Trung đạo” là nói về định huệ của Bồ-tát. Định huệ là chúa tể trong Phật pháp! Một khi tâm được định, lúc tiếp xúc những chuyện thế gian, ngay lập tức sẽ có sức phán đoán thật giả và biết cách xử sự như thế nào cho đúng lẽ mà không rơi vào nhị biên. Thế giới hiện thời loạn lạc đến mức như vậy, nhưng không có một vị lãnh tụ nào trong các quốc gia có cách giải quyết ổn thỏa, vì sao? Vì đầu óc của họ bận rộn quá nhiều, suy nghĩ lung tung, quá phức tạp, quá nhiều phiền toái, nên chẳng biết cách giải quyến vấn đề. Còn chư Phật, Bồ-tát tâm thường rỗng lặng, mặc dù bên ngoài nhìn vào tưởng chừng như là rất chậm hoãn, nhưng bên trong phán đoán, ứng xử mọi việc rất nhanh chóng, vì sao? Vì một khi tâm định, liền có được Căn Bản trí, nên mọi vấn đề chướng ngại gì đều có thể được giải quyết một cách đơn giản và nhanh chóng như điện chớp. Như vậy, dẫu thế giới có loạn động đến mấy, nếu chúng ta có thể nhẫn nhục và buông xả ra hết, tâm mình sẽ không bị loạn; lúc ấy thứ gì cũng sẽ được thấy rõ ràng, minh bạch, nên không việc gì làm ra mà chẳng thành tựu.
Trong kinh Hoa Nghiêm, sau khi Thiện Tài Đồng Tử theo thầy là Văn Thù Bồ-tát tu học Căn Bản trí xong rồi, Ngài mới đi cầu bác học đa văn với năm mươi ba vị thiện tri thức. Nếu Ngài chẳng đạt được Căn Bản trí, há sư phụ của Ngài là Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát cho phép Ngài đi tham học với nhiều vị thiện tri thức như vậy hay sao? Ở trong thế gian này, thầy trò chân thật như Văn Thù và Thiện tài rất khó có. Có rất nhiều vị thầy suốt đời chẳng gặp được một học trò nào chân thật để truyền tâm pháp, nên thầy dạy trò đến một mức độ nào đó phải ngừng lại, không thể dạy thêm nữa, vì sao? Vì thầy thấy rõ tư chất của trò chỉ có thể học tới chừng ấy thôi, không thể học thêm hơn nữa.
Tổ Bồ-đề Đạt-ma từ khi đến Trung Quốc có rất nhiều đệ tử theo học đạo, nhưng cả đời chỉ truyền tâm pháp cho một đệ tử Huệ Khải mà thôi, vì sao? Vì Ngài chẳng tìm được ra được học trò thứ hai để truyền tâm pháp. Lương Vũ Đế là một người có công rất lớn trong việc phụng sự đạo Phật, vua đã cho xây trong nước rất nhiều chùa chiền, bảo tháp. Một hôm nọ, Vũ Đế hỏi Tổ Đạt-ma: "Trẫm từ lúc lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?" - Tổ Đạt đáp: "Không có công đức." – Vua hỏi: "Tại sao không công đức." – Tổ đáp: "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật." – Vua hỏi: "Vậy công đức chân thật là gì?" – Tổ đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được." - Vua hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?" – Tổ đáp: "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh." – Vua lại hỏi: "Ai đang đối diện với trẫm đây?" – Tổ đáp: "Tôi không biết." Tổ Đạt-ma đã khai thị về yếu tính Phật pháp rất rõ ràng, thế mà Vũ Đế vẫn không lĩnh hội được, nên Tổ chỉ có thể khai thị cho vua tới đây mà thôi, Phật pháp bị tắc nghẹn tại đây, chẳng thể dạy thêm nữa.
Ngũ Tổ cũng chỉ truyền tâm pháp được cho hai người, đó là Thần Tú và Lục Tổ Huệ Năng. Từ ngũ Tổ trở về trước, các Tổ khác cũng chỉ có thể thật sự truyền tâm pháp cho một người mà thôi. Lục tổ Huệ Năng là người duy nhất trong lịch sử của Phật giáo có thể truyền tâm pháp cho bốn mươi ba học trò. Đó cho chúng ta thấy, muốn truyền tâm pháp cho một người là chuyện hết sức khó khăn! Vì sao tâm pháp lại khó truyền quá vậy? Vì tiêu chuẩn của tâm pháp là định huệ. Người chưa đắc định huệ chẳng có tiêu chuẩn học tâm pháp, nên sư phụ chẳng thể truyền, chớ chẳng phải sư phụ thiên vị, không bình đẳng truyền tâm pháp cho tất cả học trò. Sau khi học trò tiếp nhận tâm pháp rồi, phải rời sư phụ, đi ra ngoài để tham học nhằm thành tựu Hậu Đắc trí. Do đó, chúng ta trước hết phải tu Căn Bản trí, tức tu định huệ; sau đó mới có thể tu Hậu Đắc trí.
Hiện thời, sau khi chọn lấy một bộ kinh thích hợp với mình và pháp môn mình tu rồi, phải nhất định khăng khăng một mực niệm trì chỉ một bộ kinh ấy mà thôi, lại phải thường xuyên niệm tụng chẳng hề ngừng dứt, chẳng cần mong hiểu rõ, chỉ cứ niệm niệm không ngừng dứt như vậy tới mấy ngàn lần sẽ đắc định. Phương pháp tu hành này nhằm để đắc Căn Bản trí, chớ chẳng phải là bác học đa văn như nhiều người lầm tưởng, rồi cho việc tụng kinh là tăng trưởng vọng tưởng. Sau khi Căn Bản trí đã hiện tiền, chúng ta mới có thể bác học đa văn, tức là có thể nghiên cứu tra vấn nghĩa kinh, biên soạn chú giải, hay vì người khác diễn giải kinh Phật v.v… Nếu Căn Bản trí chưa đạt mà muốn mở rộng ý nghĩa trong kinh sẽ hỏng bét, chẳng thể nào thành tựu, vì sao? Vì những ý nghĩa mở rộng đều từ tâm ý thức, chẳng phải là Hậu Đắc trí. Ví như một hoa sen trước hết phải có đài hoa, sau đó mới sanh ra những cánh hoa; đài hoa ví cho Căn Bản trí và những cánh hoa là Hậu Đắc trí. Người muốn chuyển đưa giáo pháp của Như Lai đến khắp chúng sanh nhất định phải có cả hai thứ Căn Bản trí và Hậu Đắc trí mới có thể đảm trách được sự nghiệp này.
Lục tổ Huệ Năng Đại sư dạy: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần,” đó chính là bỏ hết. Một khi chúng ta thật sự buông xuống hết thảy, chẳng có mảy may dính nhiễm, vướng mắc nào, nội tâm vĩnh viễn thanh tịnh sạch trần lao, Căn Bản trí liền hiện tiền. Nếu chưa thể xả bỏ mọi thứ sạch sành sanh, thì bất cứ điều gì chúng ta nghĩ tưởng đều là bất hảo. Nếu chẳng chịu buông xả, chẳng thể đoạn phiền não, chẳng thể thoát khỏi tam giới, chẳng thể liễu thoát sanh tử, thì nói chi đến chuyện đắc Căn Bản trí và Hậu Đắc trí. Nói rõ ràng hơn, trong tâm chẳng có mảy may vướng mắc nào, mới có thể làm mọi việc như không làm, không làm mà lại làm tất cả. Đấy mới thật sự là hạnh bố thí cao tột bậc nhất mà kinh này gọi là Bảy Báu, tức là bảy Bảo Bố Thí nơi thân. Điều này chẳng dễ gì hiểu và cũng chẳng dễ gì làm được, nhất định phải có giải ngộ, hiểu rõ sâu xa vạn pháp đều là không, phải có trí huệ biết rõ vô thường vô ngã, mới có thể thật sự buông xuống được! Chúng ta phải thật sự liễu ngộ trong thế gian này chẳng có thứ gì là của chính mình, phải thật sự giác ngộ điều này mới có thể buông xả hết tất cả mọi vướng mắc trong tâm mà có thể làm như không làm, không làm mà làm tất cả! Ngay cả thân thể này cũng chẳng phải là của chính mình thì đó mới là Phật bảo bố thí. Thân thể này chẳng phải là của chính mình, huống gì vật ngoài thân? Do đó, chúng ta phải buông bỏ hết thảy vọng tưởng, chấp trước xuống, mới có thể đắc Căn Bản trí, rồi từ Căn Bản trí sanh ra Hậu Đắc trí để có thể làm tất cả. Chỗ khác nhau giữa Phật, Bồ-tát và phàm phu là các Ngài thật sự đã buông bỏ sạch sành sanh, còn chúng ta thì vẫn còn nắm giữ, chấp trước quá nhiều. Nguyên nhân là gì? Phật, Bồ-tát thấy mọi thứ đều là giả, trong khi đó chúng ta ngỡ mọi thứ đều là thật, nên phải gánh chịu nhiều thiệt thòi to lớn như vậy! Căn bản sanh tử từ vô thủy kiếp đến nay đều là do không buông xuống được, nên phiền toái mới to lớn đến mức như thế! Vì vậy, chính mình nhất định phải giác ngộ, phải có trí huệ, đối với hết thảy các cảnh giới đều phải hiểu rõ, thông đạt chính xác, chẳng nhìn sai lầm cảnh giới, chẳng bị cảnh giới trói buộc, mới có thể buông xuống mà được tự tại giải thoát. Điều này vô cùng quý báu, không cách chi diễn tả cho nổi. Cho nên kinh dùng Bảy Báu làm tỷ dụ khiến chúng ta có thể hình dung ra công đức trang nghiêm thù thắng của cái tâm giác ngộ.
Một khi chúng ta có trí huệ, chẳng nhìn sự việc sai lầm nữa, thì cách làm cũng chẳng sai lầm, xử lý chắc chắn chính xác. Sở dĩ, hiện nay chúng ta còn làm việc sai sót, tu hành cũng không đúng với Phật pháp, là do trong kiến giải lẫn tư tưởng đều có sai lầm. Do cái nhìn của chúng ta lúc nào cũng trật lất, nên Đức Phật khuyên chúng ta phải theo chỗ Phật dạy mà tu hành Ngũ Nhãn để chiếu chơn đạt tục. Vì sao phải có Ngũ Nhãn mới có thể chiếu chơn đạt tục? Vì nếu muốn dứt trừ phiền não, nghiệp chướng, thoát khỏi sanh tử, đòi hỏi phải có trí huệ, mà trí huệ nhất định phải phát sanh từ tâm thanh tịnh. Do đó, bất cứ tu học pháp môn nào trong Phật pháp đều phải lấy trí huệ làm mục tiêu chung cục. Giới và định là những phương tiện để đạt đến mục đích, huệ là mục đích cuối cùng. Trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định là năm thứ bảo được ví như là năm báu vật nơi cõi Cực Lạc. Trí huệ là sự thụ dụng của năm thứ bảo vật ấy. Vì thế, trong kinh Vô Lượng Thọ, A Di Đà Phật nguyện đem Lục độ Ba-la-mật giáo hóa chúng sanh, cũng chính là ban cho chúng sanh năm thứ báu vật quý giá bậc nhất chẳng gì sánh nổi để chúng sanh có thể hưởng thụ cái quả báo là có trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại. Thế nhưng, vì sao chúng ta chẳng thể đạt được năm thứ báu vật ấy? Vì chúng ta chưa có năng lực gìn giữ, nhà Phật gọi đó là “thủ.” Thủ là khả năng gìn giữ các pháp lành. Quán Thế Âm Bồ-tát còn có các tên khác như là Thiên Thủ Thiên Nhãn và Quán Tự Tại là vì Ngài có trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại, lại còn có khả năng gìn giữ các pháp lành một cách tự tại vô ngại.
Người như thế nào mới có năng lực gìn giữ? Người có Tàm Quý mới có thể gìn giữ năm thứ báu: trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Tàm và Quý là hai điều trong mười một thiện pháp thuộc về Thiện Tâm Sở. Tàm là sức mạnh của lương tri, là pháp lực của chính mình. Người đời gọi việc tôn sùng kính trọng sự hiền thiện, xa lìa sự ác là lương tâm, Phật pháp gọi đó là Tàm. Trong kinh Phật dạy: “Giữ mình đoan chánh, trọn đời không lười, tôn thánh, kính thiện, nhân từ bác ái” là bảo chúng ta phải biết gìn giữ Tàm, tức là phải biết sử dụng sức mạnh của lương tri để gìn giữ thiện pháp. Tôn sùng kính trọng người hiền, việc thiện đều là những điều phát ra từ nội tâm lương thiện có thể ước thúc chính mình trên con đường học tập để thành Phật. Những điều như vậy đều phải cậy vào sức mạnh của lương tri mới có thể đi đứng vững vàng trên con đường chánh đạo. Quý là sức mạnh bên ngoài bó buộc, do nương vào sức mạnh của thế gian như là luật pháp, dư luận, phong tục tốt trong xã hội mà con người chẳng dám làm những điều sai quấy, chẳng dám phạm những điều xấu ác, vì sao? Bởi vì sợ bị tù tội, sợ dư luận đàm tiếu, chê bai. Một đằng là Tàm: chẳng dám làm sai, làm ác vì lương tâm của chính mình, đằng khác là Quý: sợ luật pháp, dư luận xã hội, chẳng dám làm chuyện sai trái, xấu xa, nên không bị rơi vào sai lầm trong việc cầu Phật chánh đạo.
Vào đời Minh, có một vị tiên sinh tên là Vương Dương Minh; ông là một người rất nổi danh trong giới học thuật Trung Hoa. Ông Vương có viết bộ sách gọi là Truyền Tập Lục nói về lương tri thức tỉnh; trong đó ông có nói một câu lừng danh: “Người ta ai nấy đều có lương tâm, lương tri.” Một bữa nọ, ông ta đang đi giữa đường, bổng nhiên bị bọn cường đạo bắt giữ làm kẻ hầu. Bọn thổ phỉ bảo ông ta: “Nhà ngươi nói ‘trí lương tri’, mọi người đều có lương tâm, ngươi nói sai be bét!” Ông Vương hỏi: “Vì sao ta sai?” Thổ phỉ đáp: “Bọn ta làm cường đạo chẳng có lương tâm. Nếu ngươi có thể chứng tỏ bọn ta cũng có lương tâm, ta sẽ thả ngươi.” Ông Vương đáp: “Có thể chứ! Ta sẽ chứng tỏ quý vị xác thực là có lương tri, có lương tâm.” Thổ phỉ hỏi: “Chứng tỏ bằng cách nào?” Ông Vương nói: “Vậy thì các vị nhất định phải nghe theo lời tôi, tôi nói quý vị làm sao, quý vị bèn làm đúng như vậy, lương tâm nhất định sẽ tỏ lộ.” Thổ phỉ ưng thuận: “Được!” Ông Vương bảo: “Được rồi! Quý vị nghe lời tôi, hãy cởi quần áo bên ngoài ra.” Thổ phỉ cởi ra. Ông Vương bảo tiếp: “Sau đấy lại cởi quần áo bên trong ra. Cởi bỏ sạch quần áo phía trên, lại cởi nốt quần ra, cởi đến cuối cùng luôn!” Bọn Thổ phỉ nói: “Vương tiên sinh! Chẳng thể cởi hơn nữa, cởi nữa là không được đâu!” Vương Dương Minh bảo: “Quý vị thấy đó, chẳng phải là lương tri tỏ lộ rồi đó ư?” Bọn thổ phỉ tin nhận, liền thả tiên sinh Vương Dương Minh. Thật thà mà nói, thổ phỉ thời xưa còn có lương tri, còn biết hổ thẹn trước việc làm chẳng tốt, vi phạm thuần phong mỹ tục; còn thời nay thì không được vậy, con người bình thường thời nay còn thua bọn thổ phỉ thời xưa. Trong xã hội hiện thời, luật pháp xã hội không cho phép họ cởi trần truồng trước công chúng, họ vẫn muốn cởi tuốt ra hết, lại còn muốn chạy long nhong, phô trương thân thể trần truội khắp bải biển, đường phố nữa chứ. Hiện nay bên Âu Châu, phụ nữ xuống đường biểu tình đòi quyền tự do trần truồng trên đường phố; đó gọi là gì? Đó gọi là chẳng biết gìn giữ Tàm Quý. Những người như vậy không cách chi có thể tiếp thu Phật pháp được! Nếu tiên sinh Vương Dương Minh còn sống gặp người bình thường trong xã hội hiện thời, cũng bèn chịu thua, đành phải chịu làm người hầu cho bọn cường đạo suốt đời.
Hai thứ tâm sở Tàm và Quý có liên quan đến vấn đề giáo dục nhân tánh mà ngày nay con người đã đánh mất. Con người thời nay chỉ chú trọng phát triển giáo dục khoa học, kỹ thuật, kinh tế, chẳng coi trọng giáo dục xã hội, chẳng dạy phải tôn sùng điều thiện, kính trọng thánh hiền, nên nhân tánh và đạo đức không còn nữa. Vì lẽ đó, thiên hạ mới loạn lạc, trật tự xã hội mới xáo trộn, luân thường đạo lý bị tận diệt. Phương pháp duy nhất hiện thời chỉ cậy nhờ vào Phật pháp để cứu vãng lương tri của con người. Thế nhưng, Phật pháp hiện nay đang biến dị, một khi Phật pháp cũng mất đi, thì như Phật đã nói: “Ta vào Niết-bàn, kinh đạo lần diệt, nhân dân tà ngụy, lại làm điều ác, năm thiêu năm khổ, lâu sau càng nguy.” Hiện nay, có những người mất hết lương tri, tôn thờ chế độ vô thần, không kính tin Phật, không tôn trọng pháp, không tin nhân quả thiện ác, mặc sức phá hoại hiền minh, thiêu hủy chùa chiền, đập phá tượng Phật, Bồ-tát, gây hổn loạn trong tăng đoàn, bất hiếu với cha mẹ, coi nhẹ sư trưởng, khinh miệt hủy báng người đạo đức, cưỡng bức ngăn cản những nơi chuyên hành lễ giáo, làm cho thân Phật chảy máu. Đây là những người không có tâm Tàm Quý. Họ chẳng có lương tri cũng chẳng tuân thủ pháp luật, làm đủ các điều ác, khiến năm thiêu năm khổ lâu sau càng nguy. Thế mới biết, người không có tâm Tàm Quý chẳng có cơ hội được cứu. Dẫu họ gặp Phật, Bồ-tát, các Ngài cũng chẳng có cách nào cứu họ được. Do vì hai tâm sở Tàm Quý vô cùng quan trọng, nên Đức Phật căn dặn chúng sanh phải giữ mình đoan chánh, trọn đời không lười, tôn Thánh, kính thiện, nhân từ bác ái, mới có thể bứng gốc sinh tử, dứt sạch mầm ác, lìa ba đường dữ. Nếu con người không có hai tâm sở Tàm Quý, việc khổ ác nào cũng chẳng sợ, cũng dám làm, khiến thế giới đại loạn, chúng sanh phải chịu nhiều thống khổ.
Sáu món trì giới, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ ví như của báu trong khắp thiên hạ. Hai món Tàm và Quý ví như sự khéo gìn giữ các của báu ấy. Nếu chẳng có Tàm Quý, thì sáu thứ báu trước đều chẳng thể đạt được, dẫu có cố gắng siêng năng tu học đến mấy vẫn chẳng thể thành tựu. Hai điều kiện Tàm Quý được kinh Di Đà gọi là thiện căn và phước đức. Tàm là thiện căn, Quý là phước đức. Người chẳng có thiện căn và phước đức, tu gì cũng chẳng thể thành tựu, huống gì là vãng sanh Cực Lạc thành Phật. Lão Ấn Quang Tổ sư vô cùng khiêm hư, tự nói chính mình thiếu đức, vô khả năng, chỉ có Tàm Quý mà thôi, nên Ngài suốt đời ký tên là “Tàm Quý Tăng.” Hiện thời, chúng ta cũng nôi gương chư cổ đức, cũng nói hoằng dương Phật pháp, cũng nói cứu độ chúng sanh, cũng bàn luận chuyện cao xa, kỳ diệu nhiệm mầu; nhưng thực tế, hai chữ Tàm Quý cũng không giữ nổi, thì biết làm sao đây? Nếu không giữ nổi hai thứ Tàm Quý mà bàn luận Phật pháp thâm sâu, nhiệm mầu, nói chuyện cứu độ chúng sanh, thì phải tự hỏi lại chính mình có thật lòng và có khả năng làm nổi không?
Nhằm đáp ứng hạnh nguyện độ sanh, Phật A Di Đà thị hiện Báo thân đang ở Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, thành lập Pháp môn Tịnh Ðộ để chỉ phương lập hướng, khiến chúng sanh chuyên nhất, quy tâm về một chỗ. Do nhân duyên ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo đại chúng hãy cùng nhau hướng về phương Tây phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, tức là bảo đại chúng buông xả vạn duyên, chuyên nhất, quy tâm vào một câu Phật hiệu, không trụ tâm vào bất cứ chỗ nào khác. Phật dạy đại chúng! Nếu ai muốn thấy Phật thì phải niệm Phật, Ðức Phật mình thấy chính là nhất niệm tâm tánh của người niệm Phật: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật.” Do các Đức Như Lai của hai cõi gia bị nên cảm ứng đạo giao ngay trong niệm ấy mà được thấy Phật A Di Đà. Nếu chúng ta có chí nguyện vãng sanh mà không thường niệm Phật, hoặc có niệm nhưng không chuyên nhất, thì chẳng khác nào bị tình ái dẫn đi nơi khác.
Niệm Phật là để loại trừ vọng tưởng, chặt đứt tình căn, thoát ra khỏi lưới ái, khiến cho cho tâm mình chuyên nhất, vì thế cần phải khẩn thiết chuyên tâm trì danh hiệu Phật. Nếu còn một niệm ái nặng chưa thể dứt trừ, lúc lâm chung sẽ bị niệm ái ấy dẫn vào luân hồi sanh tử, huống gì là còn nhiều tâm ái? Còn một niệm không chuyên nhất, lúc lâm chung sẽ bị niệm này lưu chuyển, huống gì là còn nhiều vọng niệm? Cho nên Đức Phật mới bảo nên hướng về Tây phía mặt trời lặn, ngụ ý khuyên chúng ta phải loại trừ vọng tưởng, chặt đứt tình căn để cho tâm mình được nhẹ nhàng, thanh tịnh. Ái có nhẹ có nặng, có mỏng có dày, có chánh báo có y báo. Những thứ ái buộc ràng trước mắt như cha mẹ, vợ con, anh em, bè bạn, công danh phú quý, văn chương thi phú, đạo thuật, nghề nghiệp, ăn uống, áo quần, nhà cửa, vườn ruộng, của cải bạc vàng v.v... nhiều không kể xiết. Hễ còn nhớ nghĩ một vật nào trong những thứ ấy tức là còn tâm ái, niệm sẽ không chuyên nhất. Hễ còn một niệm không chuyên nhất thì không được vãng sanh. Vì thế, cổ đức mới nói: “Ái không nặng, không đọa Sa-bà. Niệm không nhất, không sanh Cực Lạc.” Chúng ta niệm Phật là làm cho ái của Sa-bà ngày càng nhẹ, khiến cho niệm của Cực Lạc ngày càng chuyên nhất, niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn cho đến khi tâm mình quy về một chỗ, thì tự nhiên đạt đến vô niệm. Lâm chung chánh niệm hiện tiền, chắc chắn vãng sanh Cực Lạc.
Vạn pháp vốn chẳng tự có, sở dĩ có là do tình chấp. Hễ tình có thì vật có, hễ tình không thì vật không, một khi vạn pháp rỗng không thì Tự tánh tự nhiên hiện tiền, Tự tánh hiện tiền thì tình niệm liền dứt, nó vốn tự nhiên là như vậy chứ không hề miễn cưỡng. Hiện nay, sở dĩ chúng ta niệm Phật không chuyên nhất là do tâm và cảnh theo nhau. Tán tâm chạy theo duyên là do loạn tưởng chạy theo cảnh mà có. Do muôn duyên náo động bên trong, nên rong ruổi tìm cầu ở bên ngoài. Nếu muốn làm nhẹ tâm ái thì phải đoạn cái tâm duyên theo trần cảnh. Nếu muôn cảnh đều định, vạn duyên đều tịnh, thì nhất niệm tự nhiên thành. Nhất niệm thành, thì ái duyên đều tự dứt. Cho nên, nếu muốn làm chuyên nhất cái niệm của mình, không gì hơn là làm nhẹ cái tâm ái của mình xuống. Thế nhưng, dù có thể làm nhẹ tâm ái ở Sa-bà, chưa chắc có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc; nhưng ngược lại, nếu có thể làm chuyên nhất niệm ở Cực Lạc, tất thời tâm ái ở Sa-bà tự nhiên nhẹ đi. Do vậy, nếu muốn làm nhẹ tâm ái thì không gì hơn là chuyên tâm nhất niệm một câu A Di Đà Phật.
Phương pháp làm cho niệm chuyên nhất là Tín Hạnh trì danh hiệu Phật. Không nghi ngờ gọi là Tín. Nếu còn một niệm nghi ngờ, tâm không thể nào chuyên nhất được. Do đó, cầu sanh Tịnh độ thì tâm thuần tín đứng đầu. Thế nên, người niệm Phật cần phải thọ trì, đọc tụng và tư duy quán chiếu kinh điển một cách sâu xa để hiểu rõ giáo môn Tịnh độ một cách kỹ lưỡng, cốt hầu liễu đạt được Cực Lạc nguyên là Tịnh độ duy tâm của chính mình chứ không phải ở cõi nào khác. Thấu triệt được Di Đà nguyên là chân thân Phật của chính bản tánh của mình, chứ không phải Đức Phật nào khác. Vì lẽ đó, Phật bảo Ngài A Nan và tất cả đại chúng hãy cùng nhau hướng về phương Tây, phía mặt trời lặn, cung kính đảnh lễ, xưng niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, cũng chính là bảo đại chúng chuyên nhất niệm Phật, quy tâm về một chỗ, thì không việc gì chẳng thành, không nguyện nào chẳng viên mãn.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.16.51.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập