Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Một người sáng tạo được thôi thúc bởi khát khao đạt đến thành công, không phải bởi mong muốn đánh bại người khác. (A creative man is motivated by the desire to achieve, not by the desire to beat others.)Ayn Rand
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Sự ngu ngốc có nghĩa là luôn lặp lại những việc làm như cũ nhưng lại chờ đợi những kết quả khác hơn. (Insanity: doing the same thing over and over again and expecting different results.)Albert Einstein
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Học vấn của một người là những gì còn lại sau khi đã quên đi những gì được học ở trường lớp. (Education is what remains after one has forgotten what one has learned in school.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Văn học Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: THẦY TÔI – ÔN MINH CHÂU »»
(VÀI KỶ NIỆM VỀ VIỆC IN TRƯỜNG BỘ KINH, TRUNG BỘ KINH & KINH LỜI VÀNG)
Thành kính tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012)
Riêng tặng Văn Công Tuấn
NHĐ
I. VỀ VIỆC DỊCH KINH TẠNG PÀLI RA TIẾNG VIỆT
Trường Bộ Kinh tập I in năm 1965. Trong Lời Giới thiệu, (Phật lịch 2508. Sài Gòn 01.02.1965) Thượng tọa Thích Trí Quang, Tổng Thư ký Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) viết:
“Trước ngày trăng tròn 2508, Viện Tăng Thống quyết định khuyến khích sự phiên dịch Tam Tạng thuộc văn hệ Pàli và Hoa văn. Riêng văn hệ Pàli, Thượng tọa Minh Châu phát nguyện phiên dịch, và sẽ được xuất bản tuần tự từng tập một.
Tam Tạng thuộc văn hệ Pāli là tài liệu tương đối chính xác của tư tưởng hệ Phật giáo Nguyên Thỉ, hiện vẫn là kinh sách căn bản của hết thảy Phật giáo ở các quốc gia Tích Lan, Thái Lan, Ai Lao, Miến Điện, Cao Miên và quốc mẫu Phật giáo là Ấn Độ.
Với Tam Tạng quan trọng như vậy, ban đầu Viện Tăng Thống nghĩ tổ chức một hội đồng phiên dịch và kiểm duyệt cho viên mãn. Nhưng sau thấy như vậy sẽ khó thực hiện được trong tình trạng Phật giáo hiện tại, một tình trạng “cây muốn lặng mà gió không ngừng”. Viện lại thấy công tác phiên dịch Tam Tạng Pàli không thể trì hoãn nên thà tạm làm bởi một người, huống chi người ấy là Thượng tọa Minh Châu, bác sĩ văn học Pāli xuất xứ từ Nalanda, nơi xưa kia đào tạo ra ngài Huyền Trang. Về sự nhuận sắc, Viện Tăng Thống có ý kiến hãy để y nguyên dụng ngữ và văn khí của Thượng tọa Minh Châu, vì lẽ ai đã từng đọc dịch văn của ngài La Thập và ngài Huyền Trang thì thấy rõ là có những văn khí và từ ngữ mà nhìn vào là tức khắc biết của ngài nào, chứa đựng ý nghĩa gì.
Viện Tăng Thống thiết tha cầu nguyện Phật giáo Việt Nam song song phát triển 3 mặt: học lý, tổ chức, và hộ pháp. Phải có ba phần ấy, Phật giáo Việt Nam mới có nội dung và hình thức mới có bề sâu và bề rộng, mới còn và còn một cách có ý nghĩa. Công tác phiên dịch nằm trong công tác hoằng pháp, trở nên tối trọng đại chính là vì thế.”
Trong Lời Tựa Trường Bộ Kinh, tập I, (ngày 28.5.1965), Thượng tọa Thích Minh Châu viết (trích):
“Ba Tạng Pāli gồm Kinh, Luật và Luận. Kinh tạng có 5 bộ: Digha Nikàya (Trường Bộ Kinh), Majjhima Nikàya (Trung Bộ Kinh), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ Kinh), Angutta Nikàya (Tăng Nhứt Bộ Kinh) và Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh hay Tạp Bộ Kinh.)
…“Để khuyến khích học giả, sinh viên và Phật tử nghiên cứu kinh điển chữ Pàli, chúng tôi cho in bản Pàli, song song với bản chữ Việt, một sự cố gắng cần nhiều thiện chí mới có thể thực hiện trong khi ở Việt Nam rất ít nhà in có thể in được chữ Pàli. Chúng tôi dùng bản Pàli của hội Pàli Text Society, một bản tương đối chính xác hơn cả. Lẽ dĩ nhiên, khi in chữ Pàli thì giá sách tăng lên gấp hai ba lần. Nhưng trong vấn đề nghiên cứu và phụng sự học vấn, giá tiền không thể là một trở ngại cho những ai tha thiết hiểu biết và nghiên cứu.
“Tập sách này nằm trong loại Tùng thư tiếng Pàli của Viện Đại học Vạn Hạnh tuần tự xuất bản. Trung thành với tôn chỉ thống nhất của GHPGVNTN. Viện Đại học Vạn Hạnh dạy cả hai hệ thống Nam Tông và Bắc Tông với hy vọng đi đến một sự dung hòa thống nhất thực sự giữa hai tông phái căn bản của đạo Phật. Và bước đầu đi đến sự thông cảm là sự hiểu biết kinh điển lẫn nhau. Cho in tập Trường Bộ Kinh này là hướng đến mục đích ấy. Chúng tôi cho in Pàli Việt đối chiếu từng trang để dễ so sánh tìm hiểu. Nhưng vì chữ Việt dài hơn, nên nhiều khi phải dùng thêm trang Việt, và do vậy phải đánh số trang trùng nhau, mong độc giả chú ý. Ở đây chúng tôi xin ghi ân Viện Tăng Thống và Thượng tọa Thích Trí Quang đã khuyến khích, giúp đỡ tôi dịch và xuất bản tập này. Cử chỉ cao đẹp ít có ấy chỉ có thể đến với những vị chân thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự hiểu biết.”
Ở đầu tập Kinh này, Thượng tọa Thích Minh Châu có ghi Lời nguyện của dịch giả như sau: “Tiền bán được tập Kinh này sẽ cúng tất cả vào quỹ Tu Thư của Viện Đại học Vạn Hạnh để tiếp tục in các tác phẩm khác.”
Về bản dịch Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh v.v… nhiều bậc cao Tăng và hàng thức giả uyên thâm Phật học trong và ngoài nước đã chân thành và vui mừng đón chào “sự kiện trọng đại” khi các bản dịch này được ra mắt. Ở đây, chúng tôi cập nhật bổ sung một vài cảm nhận nữa:
- Hòa thượng Thích Như Điển, trong bài “Tán Thán Công Đức Những Danh Tăng Thạc Đức Đã Dày Công Phiên Dịch Đại Tang Kinh” đã viết:
“Từ thế kỷ thứ 13 chúng ta đã đọc Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán và mãi cho đến thế kỷ thứ 20 chúng ta vẫn phải đọc chữ Hán, chỉ khi vào cuối thế kỷ thứ 20, đầu thế kỷ thứ 21, có một bậc Danh Tăng thạc đức người Việt Nam du học tại Đài Loan từ năm 1967, đến năm 2016 chủ trương phiên dịch Đại Tạng Kinh này ra chữ Việt hoàn toàn và điều đó đã trở thanh hiện thực ở đầu thế kỷ thứ 21 này.
“Để triển khai phần này một cách chi tiết, nhân đây cũng xin giới thiệu cả Đại Tạng Nam Truyền được dịch từ tiếng Pāli và Anh văn sang Việt ngữ từ năm 1964 đến nay, do Cố Hòa thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn đề xướng và nay thì Đại Tạng Nam Truyền này đã có mặt khắp nơi trên thế giới gồm 3 tạng Kinh, Luật, Luận vơi 13 quyển, tổng cộng gần 10.000 trang kinh sách… “Tất cả 7 quyển đầu đều do chính tay của Cố Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh phiên dịch từ tiếng Pali sang tiếng Việt và độ chính xác hầu như không còn nghi ngờ gì nữa, vì Ngài giỏi cả Hán văn, Pháp văn và Anh văn, lại du học ở Tích Lan và tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ tại Đại học Nalanda ở Ấn Độ, nên đọc qua những bản văn trên của Ngài dịch, chúng ta có thể cảm nhận được điều nầy. Công đức thật là bất khả tư nghì.”
- Thượng tọa Thích Mãn Giác trong bài “Lịch Sử Phát Triển Nền Phật Học Việt Nam” viết:
“… Căn cứ vào một ít trường hợp điển hình trên đây, nên chúng tôi mới nói rằng công tác phiên dịch Tam tạng Pāli đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển Phật học Việt Nam…” Và: “Nhưng nhìn lại công trình mà Thượng tọa Thích Minh Châu đã đơn độc thực hiện, trong khi công việc đa đoan của một Viện trưởng Đại học mà Thượng tọa phải đảm trách hằng ngày, chúng tôi tự thấy rằng công trình ấy của Thượng tọa đã gợi lên niềm tin tưởng vô biên trong lòng toàn thể Phật tử Việt Nam. Riêng cá nhân chúng tôi, chúng tôi tự thấy không đủ lời để bày tỏ tất cả sự ngưỡng mộ và kính phục của mình đối với Thượng tọa. Và, với tư cách một Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa của Giáo hội, công trình mà Thượng tọa đã thực hiện được quả là một khích lệ lớn lao đối với chúng tôi, trong nỗ lực cho một nền văn hóa Phật giáo Việt Nam giữa hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội và của cả dân tộc nữa.”
- Ni trưởng Trí Hải trong bài “Nguồn Sinh Lực Đạo Phật Qua Trung Bộ Kinh”, trong cuốn Từ Nguồn Diệu Pháp, viết:
. “Qua Trung Bộ Kinh gồm 152 kinh do Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, chú thích và giảng giải, chúng ta tìm thấy một nguồn sinh lực rạt rào của kinh tạng Pāli mà các học giả đều công nhận là gần với thời Phật nhất, ghi lại những lời dạy của Ngài qua 49 năm du hóa. Ở đây, đức Phật được làm sống lại như một con người, và một con người tuyệt luân. Nghe Trung Bộ Kinh, chúng ta như được thở lại bầu không khí trong lành vườn Cấp cô độc ngày xa xưa ấy. Chúng ta cảm như được dự phần vào pháp hội đông đảo thính chúng của Phật gồm cả loài Người và chư Thiên. Chúng ta như được gần gũi chư vị Thánh đệ tử quen thuộc kính yêu mà khoảng cách thời gian dài 25 thế kỷ và không gian cả đại trùng dương không làm cho chướng ngại…”
- Trong bài “Cuộc Sống Cao Đẹp Và Sự Nghiệp Vĩ Đại Của Hòa thượng Thích Minh Châu”, [1] Chơn Tâm Lương Châu Phước cho biết một số chi tiết liên quan đến việc dịch, xuất bản Đại Tạng Kinh như sau:
“Có thể nói một cách tóm tắt rằng vai trò, đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu cho Phật giáo Việt Nam là rất độc đáo và cũng rất vĩ đại… “Ngài Minh Châu có nhiều đóng góp đa dạng cho Phật giáo Việt Nam, nhưng chỉ với công trình tạng kinh Pāli, nhiều người đã gọi ngài là Huyền Trang của Việt Nam. Điều đó quả không quá xa với thực tế.”
Bây giờ chúng ta thử lướt qua những khó khăn, những rào cản khi Thượng tọa tiến hành dịch bộ Kinh này. Đó là:
+ Về tài liệu thì: “… Không có nhiều tài liệu sẵn có để có thể nương tựa. Bản tiếng Hán thì “tối nghĩa” và không thống nhất, chỉ dùng được những từ ngữ đã dịch sẵn. Ngài phải dựa vào bản ghi chép riêng (khi còn học ở Colombo), bản tiếng Anh của Pāli Text Society và bản tiếng Nhật.”
+ Về tiếng Pāli thì: “Việc này không phải dễ dàng, ít gặp thuận lợi. Vào những năm 1960, ở Việt Nam, chỉ có tu sĩ gốc người Cam Bốt mới biết tiếng Pali.., Đại đức Thích Minh Châu phải làm việc một mình, hay gần như một mình gần suốt 50 năm.”
+ Về dư luận, những dèm pha, chỉ trích về việc tại sao lại đi dịch, đi truyền bá kinh tạng Nam Tông. Về điều này, Thượng tọa Thích Minh Châu đã nói một cách thẳng thắn, sâu sắc và chân thành hết mực như sau:
“Thật sự chúng tôi chỉ mong rằng quý vị hãy đọc thiệt kỹ và suy tư thật chín chắn… rồi quý vị hãy tự hỏi, những đoạn ấy có phải là những đoạn “Tiểu Thừa” dành riêng cho những vị có tiểu tâm, chỉ biết tự lợi không biết lợi tha, chỉ biết tự giác, không biết giác tha… chúng ta đừng có mắc bẫy các vị Bà La Môn Ấn Độ giáo đã tìm cách gán cho chữ “Tiểu Thừa” để loại ra ngoài những lời Phật dạy căn bản như một số lớn Phật tử Đại Thừa đã bị mê hoặc, không dám đọc những lời Phật dạy, vì bị dán nhãn hiệu Tiểu Thừa. Bên phái Nam Tông, tuy tôn thờ Tam Tạng Pali, nhưng một số Phật tử cũng rơi vào một nạn tương tự, là chỉ học Luật Tạng và A Tỳ Đàm Tạng, bỏ rơi Kinh Tạng Pāli… Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm, vì A Tỳ Đàm Tạng phát xuất từ Kinh Tạng, và bỏ gốc để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây mà chỉ mang về cành lá.”
Và, Nguyễn Thanh Vân [2], đã viết:
“Có biết thành kiến sâu nặng khi phân biệt tông phái chưa phai những thập niên 50, 60, đầu những năm 70 ở Miền Nam mới thấy sự sáng suốt, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm với Đạo Pháp của Ngài [Thích Minh Châu] và không nghi ngờ gì nữa đấy cũng là trái chín đến từ mùa Chấn Hưng Phật giáo từ những thập kỷ trước nữa…”
Nguyễn Thanh Vân viết tiếp:
“Nhân đây xin nhận xét dù chậm, Phật giáo Việt đã có sự quật cường đúng lúc và đầy dũng cảm. Ví dụ hùng hồn nhất là bất chấp truyền thống “Đại Thừa” ăn sâu gần hai thiên kỷ với không ít thiên kiến, Ngài Thích Minh Châu du học Ấn với một kế hoạch vĩ đại: chuẩn bị dịch toàn bộ Kinh “Tiểu Thừa” Nikāya / Bộ Kinh ra tiếng Việt. Điều đáng nói là công việc này được sự tán thán của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và cánh tay mặt của Ngài là Hòa thượng Thích Trí Quang. Chính Ngài Trí Quang - một tu sĩ “đại thừa” - chấp bút giới thiệu, cổ vũ sự nghiệp của tu sĩ “tiểu thừa” Thích Minh Châu. Có gì đẹp hơn, hương vị đoàn kết nào trong sáng hơn và chứng minh được chủ trương, tầm nhìn của các bậc chức sắc Phật giáo Việt Nam một thời sáng láng, đáng kiêu hãnh.”
+ Về quỹ thời gian dành cho việc dịch thuật: phải nói là rất ít ỏi, hạn hẹp. Theo lời của dịch giả thì: “Chúng tôi chỉ có thể để dành những ngày nghỉ, những buổi sáng thật sớm và những buổi tối (nếu không quá mệt mỏi vì những công việc ban ngày), để phiên dịch”. Dịch giả bộc bạch: “Tôi tự đánh dấu hỏi, làm Viện trưởng hay làm một vị dịch kinh, làm chức vụ nào có lợi cho Phật giáo hơn? Và tôi phải tự thẳng thắn để trả lời, dịch kinh có lợi hơn! Và tôi chỉ có thể vớt vát, bằng cách để những thời giờ thong thả, chú tâm vào vấn đề phiên dịch. Chúng tôi viết những dòng chữ này vừa để sám hối, vừa mong các Phật tử và các Học giả thông cảm cho.” Và “Cứ xem thời gian hoàn thành từng tập một, mới thấy chức vụ đa đoan của một Viện trưởng làm trở ngại cho sự phiên dịch như thế nào. Về nước năm 1964, nếu tôi không nhận chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh thời nay tôi đã dịch ít nhất cũng trọn bộ Kinh Tạng Pāli rồi”. Điều này Thượng tọa Minh Châu viết vào năm 1972.
+ Về dụng ngữ, văn phong, văn khí của bản dịch:
Thượng tọa Thích Giác Nguyên (Toại Khanh) trong bài “Bản Tình Ca Duy Nhất Trong Kinh Điển Pāli” [3] có cảm nhận sắc bén này (trích):
“… Nhưng vẫn chưa hết, cái duyên ngầm trong chữ nghĩa của Hòa thượng càng kinh người hơn khi ta có dịp so sánh các bài kệ trong bản dịch Kinh Tạng với nguyên tác Pāli hay qua bản dịch tiếng Anh. Từng chữ trong lời Việt của Hòa thượng cứ như một hòn giả sơn tái hiện tận lực cái không khí cổ phong của một thứ ngôn ngữ của ngàn năm trước. Giữ lại cái hồn của một tiếng nói thiên cổ đã khó, trung thành được với ngôn phong ngữ khí của một bậc đại thánh như đức Phật lại càng thiên nan vạn nan. Dĩ nhiên không phải ai cũng làm được việc đó.” Và tiếp theo: “… Nói quẩn quanh chỉ để thưa rằng tôi đã yêu mê lời dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu qua các bộ Kinh Tạng tiếng Việt…”
+ Về mục đích và cách thức việc chuyển dịch kinh tạng Pali
Thượng tọa Minh Châu xác định:
“Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những Kinh điển có thể được xem là nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dầu là Ấn Độ, Trung Hoa hay Việt Nam. Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho độc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, từ mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình tìm hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch, vì Đạo Phật là Đạo đến để mà thấy chớ không phải Đạo đến để nhờ người thấy hộ, Đạo của người có mắt (Cakkhumato), không phải Đạo của người nhắm mắt; Đạo của người thấy, của người biết (Passato Jànato), không phải là Đạo của người không thấy, không biết (Apassato Ajànato). Nên chỉ có người đọc mới có thể tự mình thấy, tự mình hiểu và tự mình chứng nghiệm. ” (…)
“ Ở nơi đây, chúng tôi cố gắng dịch trọn vẹn, không bỏ qua một kinh nào, và dịch có in nguyên bản Pāli đối chiếu với dụng ý để người đọc có thể tự mình tìm hiểu nguyên nghĩa của từng chữ từng câu, khỏi rơi vào những giải thích hay lệch lạc của người dịch. ”
“Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che giấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành.”
Trong Lời giới thiệu luận án Tiến sĩ Phật học Đại học Bihar - Ấn Độ, 1961 của Tỷ-kheo Thích Minh Châu, S. Mookerjee Viện trưởng, Tân Tòng lâm Nalanda đã tôn vinh công trình đặc sắc này như sau:
“Chúng ta rất cần một sự khám phá toàn diện về đạo Phật, và bằng nỗ lực và tấm gương của ông. Tiến sĩ Thích Minh Châu có thể gợi cảm hứng cho nhiều học giả về sau. Phật giáo phải được phục hồi trở lại với vinh quang và nguồn sinh lực nguyên thủy, và điều này chỉ có thể thực hiện nhờ đi theo đường hướng làm việc của tác giả trong chân tinh thần truyền giáo…Khi ông trở về quê hương (Việt Nam), Tiến sĩ Thích Minh Châu cũng sẽ như Huyền Trang (Hsuan-tsang), dành trọn cuộc đời của mình để làm tròn sứ mạng truyền bá chân diệu pháp (Saddharma) vì an lạc cho nhiều người, vì hạnh phúc cho nhiều người, phát triển từ bi bằng cách nêu rõ sự vô ích của thiên kiến ngã chấp.”
II. VÀI KỶ NIỆM VIỆC IN TRƯỜNG BỘ KINH, TRUNG BỘ KINH VÀ KINH LỜI VÀNG
2.1. Đôi điều về Thầy tôi - Ôn Minh Châu:
Sau đây, tôi ghi tóm tắt thời kỳ xuất dương du học của Ôn Minh Châu (theo Kỷ yếu Thành Kính Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012.)
- Trong quá trình nghiên cứu Kinh Luật Luận Hán tạng, Ôn thấy cách phiên âm các từ ngữ Pāli, Sanskrit mỗi người mỗi khác, khiến bản văn trở nên khó hiểu. Từ đó Ôn xin xuất dương du học để nguyện sau này về nước tiếp tục phiên dịch kinh điển làm phong phú kho tàng Tam tạng nước nhà. Năm 1952, Ôn xuất dương du học tại Sri Lanka, học Pali và Anh văn tại Colombo. Năm 1955, được trường Đại học Sri Lanka tặng bằng Pháp sư. Sau đó, sang Ấn Độ theo học tại Đại học Bihar. Năm 1958, Ôn liên tiếp đỗ các văn bằng cử nhân Pali và Anh văn, đặc biệt là đỗ thủ khoa M. A (Cao học) về Pāli và Abhidhamma. Với luận án So Sánh Tập Pali Trung Bộ Kinh Với Tập Trung A-Hàm Chữ Hán, (The Chinese Madhyama Agama and The Pāli Majjhima Nikaya - A Comparative Study) tháng 9 năm 1961, Ôn là người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ Phật học, Văn học tại Ấn Độ. Năm 1962-1963, Ôn được Đại học Bihar mời ở lại giảng dạy...”
Ở Nalanda, Ôn Minh Châu đã viết các tác phẩm như Một Đêm Trăng Trên Núi Linh Thứu (tháng 3/1956), đồng tác giả cuốn Đường Về Xứ Phật (1962) và viết bằng tiếng Anh các công trình nghiên cứu: Hsuan T’sang, The Pilgrim and Scholar; Milindapanha And Na-Hsien Bhikshu Sutra - A Comparative Study; Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim... Năm 1964, Ôn Minh Châu trở về nước tiếp tục trước tác và dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị cho hàng xuất gia và tại gia tu học.
- Trong 12 năm du học trong đó có 8 năm ở Đại học Nalanda, Ôn Minh Châu đã khởi đầu cho “Dòng Pháp Khí Tỏa Sáng” của một “Sứ Giả Như Lai” để làm nên một cuộc sống cao đẹp và một sự nghiệp vĩ đại của một bậc Thầy viên mãn tâm và Tuệ giải thoát. Tại Đại học Nalanda, Ôn Minh Châu đã phát nguyện: “Tôi đảnh lễ, xướng các danh hiệu chư Phật và chư vị Bồ Tát, hồi hướng công đức cho toàn thể Phật tử Việt Nam. Riêng tôi tự nguyện luôn luôn cố gắng tu học Phật pháp cho đến trọn đời, để đền đáp công ơn Phật Tổ, xứng với danh nghĩa của một người xuất gia và khỏi phụ lòng trông đợi của Phật tử Việt Nam.“
- Và như Văn Công Tuấn đã viết: “Đại Lão Hòa thượng Thích Minh Châu, một bậc tăng tài, một nhà văn hóa giáo dục kiệt xuất không những của Phật giáo Việt Nam mà cho cả thế giới trong thế kỷ này.” Và: “Tại tất cả những khu vực mang tính giáo dục và đại học này, tâm trí tôi luôn nghĩ về Ôn Minh Châu. Tôi luôn thấy Ôn có mặt ở bên tôi.”
Tôi trở lại với Vầng Nhật Nguyệt Sáng Ngời Đỉnh Núi Thứu. [4] vì với tôi, hai bài viết của một Ân Sư là Ôn Minh Châu và một đệ tử là Văn Công Tuấn cách nhau 60 năm đều làm tôi rưng rức và tụng thầm: “Ôn ơi!” vì cái hùng tâm, hùng lực, từ bi tâm quá đỗi lớn lao của Ôn qua lời phát nguyện cho Phật tử và cho cả Phật giáo Việt Nam khi Ôn mới 38 tuổi.
Như đã thưa, tôi rất may mắn và được hưởng cơ duyên lớn là được gần gũi, được làm việc nhiều năm ở Tòa Viện trưởng, trực tiếp nhận việc do Ôn Minh Châu giao, được đọc nhiều tác phẩm của Ôn, được nghe Ôn giảng dạy về Phật học, được Ôn làm lễ quy y Tam bảo và ban cho Pháp danh là Nguyên Tánh… Nói chung, tôi hưởng được nhiều lợi ích và phước lành không thể nói được bằng lời. Vì vậy, tôi xin phép được ghi lại vài điều mà tôi biết và cảm nhận về Ôn Minh Châu - người Thầy mà tôi thực sự ngưỡng mộ và tôn kính.
Với trọng trách Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục GHPGVNTN trong bối cảnh chính trị, kinh tế còn nhiều khó khăn và phức tạp cả về đối nội và đối ngoại, cộng với nhiều công tác về giáo dục, văn hóa, xã hội và Phật sự. Vì vậy mà Ôn rất bận rộn. đa đoan, lao tâm khổ trí về việc phải kiêm nhiệm chức vụ Khoa trưởng của năm Phân khoa khi mới thành lập. Đó là các Phân khoa: Phân khoa Phật Học, Phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Phân khoa Khoa Học Xã Hội, Phân khoa Giáo Dục, Phân khoa Khoa Học Ứng Dụng. Ôn quản lý, điều hành mọi việc lớn nhỏ của từng Phân khoa cho đến khi thấy ổn định, rồi sau một thời gian chọn lựa đúng người, đúng việc Ôn mới thôi việc kiêm nhiệm này.
Riêng việc dịch Đại Tạng Kinh, Thượng tọa Thích Minh Châu đơn độc và chỉ… đơn độc làm một mình. Hãy so sánh với cách tổ chức phiên dịch kinh điển của Pháp sư Huyền Trang, theo nhà văn Võ Đình Cường [5] mới thấy điều vĩ đại và “bất khả tư nghì” của Ôn Minh Châu:
“Ngài Huyền Trang tổ chức một hệ thống phiên dịch rất hoàn bị, có ít nhất khoảng 80 vị, trong đó Ngài Huyền Trang là dịch chủ, là người chỉ huy vì Ngài tinh thông Hán, Phạn, nghĩa lý phán đoán xác thực. Bên cạnh đó có 6 ban chuyên trách phụ trách xuyên suốt từng lĩnh vực học thuật như: Vị bút thụ dịch nghĩa Phạn văn ra Hoa văn; Vị Độ ngữ thạo tiếng Phạn, đọc lên để nghe âm vận, nếu không ổn thì phiên âm lại; Vị Chứng Phạn để đem so lại với Phạn văn có đúng không; Vị Nhuận văn làm công việc nhuận văn cho hợp với văn pháp Trung Ho; Vị Chứng nghĩa đem bản dịch so lại nghĩa lý nguyên bản, nếu sai thì chữa lại; Vị Tổng khám xét chung lại một lần cuối cùng trước khi hoàn thành bản dịch.”
Tôi cảm nhận sâu sắc và chân thành về ý chí, nghị lực, tài năng, trí tuệ, đạo hạnh và phương pháp làm việc của Ôn qua một số chi tiết như sau:
- Ôn làm việc rất điều độ với sự say mê, yêu thích công việc mình làm với một năng lực và ý chí phi phàm. Ôn ăn uống đạm bạc và tiết chế. Tiêu chuẩn phần ăn của Ôn chỉ “hơn” chúng tôi 1 - 2 trái chuối hoặc 1 đĩa trái cây nhỏ và 1 khăn lạnh. Chỉ có như vậy và đó là sự thật!
Cả một đời Ôn tập trung sức lực, tâm huyết và trí tuệ cho sứ mệnh phát triển nền giáo dục, nền văn hóa giáo dục Phật giáo Việt Nam. Với cương vị và trách nhiệm nặng nề của Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục, Ôn đã xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống trường Bồ Đề trên cả nước. Là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, Ôn đã góp phần đáng kể, phần quan trọng nhất, quyết định nhất trong việc duy trì, phát triển thế, lực vững chắc của Viện Đại học Vạn Hạnh trong và ngoài nước. Nếu không kiên trì và quyết tâm thực hiện bằng được tôn chỉ, mục đích đã nêu với cái tâm cực kỳ thanh tịnh và trong sáng, với một bản lĩnh và trí tuệ siêu việt thì người chèo chống con thuyền Vạn Hạnh nếu không phải là Ôn thì Viện Đại học Vạn Hạnh chắc chắn khó có thể tồn tại sau những biến động chính trị dữ dội và những toan tính của nhiều phe nhóm…
Tôi kính phục Ôn tôi quá, khi thấy Ôn dành thời gian vốn rất hạn hẹp cho việc khai mạc các cuộc triển lãm hội họa, các cuộc thi đấu thể thao, các đêm văn nghệ, rồi lại dự hàng giờ buổi thuyết trình về Âm nhạc truyền thống Việt Nam của Nhạc sư Trần Văn Khê, nhiều buổi thuyết trình về Phật học, Văn học nghệ thuật v.v… Và tôi rất tâm đắc nhất là việc Ôn tổ chức tại Đại học Vạn Hạnh các khóa đào tạo Hiệu trưởng các trường Mẫu giáo cho Tăng, Ni cả nước.
Được gần gũi bên Ôn, tôi hiểu phần nào tâm trạng của Ôn. Ngoài sự kính trọng và lo lắng, tôi chẳng biết làm gì, chẳng biết thưa trình gì với Thầy tôi cả! Tôi chẳng làm được một điều gì đó dù rất nhỏ nhoi cho Thầy tôi cả! Đáng tiếc, đáng buồn và cũng rất đáng thương cho tôi!
2.2. Về việc cắt bỏ các bài Tựa Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh trong các bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu???…
Mãi đến giờ, hơn 55 năm rồi, tôi vẫn nhớ rất rõ sự hỷ lạc và xúc động đến kỳ lạ khi đọc toàn văn Lời Tựa này của Ôn Minh Châu. Tôi như “ngộ” ra một điều gì đó rất quan trọng, rất sâu sắc đúng như mong ước rất tâm huyết của mình về điều mà nhiều người gọi là “Đại thừa”, “Tiểu thừa”. Cho đến khi đọc loạt bài nhiều kỳ của Tác giả Nguyễn Thanh Văn [6] , tôi đâm ra băn khoăn, trăn trở và buồn phiền khi đọc đoạn này: “Để các bạn tham khảo, tôi trích nguyên văn một nhắn nhủ của Ngài Thích Minh Châu trong Lời Tựa cho bản dịch Kinh Bộ, bản in trước 1975 (Tu thư Đại học Vạn Hạnh) - lưu ý trong các bản in sau 1975 không đăng lại, không rõ lý do.”
Và, Chơn Tâm Lương Châu Phước cho biết thêm: “Ít lâu sau khi được xuất bản, các bộ kinh được tái bản nhiều lần. Ở những lần xuất bản đầu tiên, mỗi tập kinh đều có lời nói đầu, nói rõ mục đích, kể lại những khó khăn, nêu ra những nhận xét. Rất tiếc rằng, trong những lần tái bản sau này, và khi phổ biến trên internet, những lời nói đầu hữu ích đó đã không được giữ lại.” (NHĐ nhấn mạnh).
Tôi mong rằng điều Nguyễn Thanh Văn và Chơn Tâm Lương Châu Phước nêu trên không thể có được, bởi đây là vấn đề quan trọng. Theo tôi việc ai đó cắt bỏ Lời Tựa cho bản dịch Kinh Bộ, bản tái bản sau 1975 khi Ôn Minh Châu đã viên tịch mấy năm trước đó, như vậy có nghĩa là dịch giả của bộ Kinh không còn có điều kiện giải thích, bảo vệ chính kiến và tâm huyết của mình đã viết trong Lời Tựa ấy. Nhớ rằng Ôn Minh Châu đã trân trọng, chân thành biết bao khi viết: “Ở đây chúng tôi xin ghi ân Viện Tăng Thống và Thượng tọa Thích Trí Quang đã khuyến khích, giúp đỡ tôi dịch và xuất bản tập này. Cử chỉ cao đẹp ít có ấy chỉ có thể đến với những vị chân thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự hiểu biết”.
Rất nhiều người chúng tôi mong nhận được và học được sự chân “thành yêu quý văn hóa và tha thiết phụng sự hiểu biết” này.
2.3. Một ít kỷ niệm Về việc in Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh…
Trong rất nhiều Kinh sách và các công trình nghiên cứu, biên khảo, dịch thuật do Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản, tôi nhớ nhất là lần in bộ Trường Bộ Kinh (Digha - Nikaya) (4 tập), Trung Bộ Kinh (Majjhima - Nikaya) (3 tập), Tương Ưng Bộ Kinh và Kinh Lời Vàng - (Pháp Cú Kinh - Dhammapda).Việc in ấn, phát hành Kinh Bộ được tổ chức rất gọn nhẹ nhưng chặt chẽ và khoa học. Ai cũng hết lòng làm tốt nhất công việc được giao. Chúng tôi chỉ có 4-5 người thôi và chỉ lo việc tài chánh, in ấn và phát hành, còn việc dịch Kinh thì chỉ có mình Ôn đơn độc, âm thầm gánh vác một mình thôi.
+ Cứ 7 giờ mỗi sáng, tôi vào phòng làm việc của Ôn nhận xấp “bản thảo” để sẵn trong một cái khay đan bằng mây rất đẹp, bên cạnh có cái kính lúp. Ôn viết bằng bút máy, mực màu xanh trên giấy trắng khổ 21 x 33cm, không có bất kỳ dấu bôi bỏ, tẩy xóa nào. Số lượng từ 20 đến 35 trang. Cứ đều đặn như thế, ngày này qua ngày khác, mỗi sáng tôi đều nhận “bản dịch” của Ôn. Trừ những ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật hoặc thời gian Ôn không ở Vạn Hạnh thì việc dịch Kinh mới tạm dừng; còn khi Ôn làm việc tại Vạn Hạnh thì chưa bao giờ và chưa một lần nào tôi không nhận được bản dịch mỗi sáng. Tôi hết lòng kính trọng và khâm phục ý chí, nghị lực, tâm huyết và phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc của Ôn. Khi đọc tác phẩm về Đại sư Huyền Trang của Thượng tọa Thích Minh Châu, của Cư sĩ Võ Đình Cường và bài: Ý chí sắt đá của Nguyễn Hiến Lê, tôi đinh ninh rằng Ôn học được nhiều điều cụ thể, thiết thực và có hiệu quả từ việc Ngài Huyền Trang tổ chức phiên dịch, truyền bá Đại Tạng Kinh Phật giáo.
Sau khi nhận bản thảo, tôi đọc kỹ nhiều lần, sửa lại các chữ khó đọc (chữ Ôn viết rất khó đọc. Từ bản viết tay của Ôn, tôi sửa kỹ hoặc viết rõ sang một tờ giấy khác trước khi giao cho nhà in. Xin lưu ý rằng, vào thời điểm đó, phải xếp chữ bằng tay, cắt bìa cứng thành những miếng mỏng để chèn các khoảng cách của từng chữ, anh chị em công nhân nhà in phần lớn đều ít học, lại phải in 1 trang chữ Pàli đối chiếu với 1 trang tiếng Việt nên việc in Kinh càng khó khăn hơn. Tôi thường xuyên đến nhà in, cứ mỗi lần nhà in “vỗ” cho tôi 5 - 10 trang bản in thử (épreuve), tôi đối chiếu với bản thảo rồi sửa chữa cẩn thận đến lần thứ năm, thứ sáu. Buổi tối, tôi lên Thiền viện tĩnh tâm trước khi đọc lại một lần nữa những trang mà tôi đã sửa morasse. Nhiều đêm, trong giấc ngũ, tôi nghe “ai đó” mách cho tôi những chỗ sai. Tôi bật dậy và xem thì đúng là có sai như vậy. Trong quá trình in các bộ Kinh, tôi thường gặp, thường nghe việc mách bảo này và việc mách bảo này hoàn toàn đều đúng cả. Thật lạ!
Sau khi đã chấm morasse thật kỹ các trang Kinh, thường thì trước 10 giờ sáng hôm sau, tôi trình cho Ôn duyệt sửa một lần cuối rồi Ôn ký bon à tirer, chiều tôi đưa xuống nhà in. Vì số lượng chữ chì rất ít, nên cứ đủ 1 cahier 16 trang, thì in ngay để có đủ số lượng chữ sắp tiếp các trang sau. Cứ thế hai thầy trò chúng tôi và các anh chị em Ấn quán Vạn Hạnh, Ấn quán Văn Thơ cặm cụi làm việc, say mê làm việc… và rồi mọi chuyện đều suôn sẻ, tốt đẹp. Đến nay đọc lại mấy ngàn trang Kinh sách nay, tôi vui mừng vì không để sai sót gì lớn. Nơi đây, tôi chân thành biết ơn các em/bạn ở Vạn Hạnh đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi trong việc “chấm morasse” các bản in thử của Kinh Bộ, đặc biệt là Văn Công Tuấn…
Thêm nữa, đây là chuyện làm tôi buồn phiền đến ngao ngán và ngậm ngùi. Chuyện rằng, sau khi Viện Đại học Vạn Hạnh phải giải thể. Nhiều lúc nhớ Vạn Hạnh quá, tôi thẩn thờ ngồi ở quán café đối diện Vạn Hạnh. Mới chỉ mấy tháng thôi mà sao Viện Đại học Vạn Hạnh ngơ ngác, tàn tạ đến thế. Từ trên lầu cao xuống đến tầng trệt của mặt tiền Đại học Vạn Hạnh áo quần bộ đội kể cả nội y của các bà giăng đầy trông hết sức phản cảm và vô văn hóa đến không tưởng. Tôi cũng nghe nói, những người ở đây nuôi heo trong các phòng, ở Thư viện và cả Thiền viện nữa (?). Họ tháo gở một số cánh cửa gỗ để… nấu cám heo! Buồn quá, tôi qua chợ Trương Minh Giảng mua ít thức ăn. Gói xôi bắp được bọc lại bằng 2 trang Trường Bộ Kinh rất quen thuộc với tôi. Tôi đau quá, nên mấy tháng sau tôi thưa việc này với Ôn Minh Châu. Ôn nói rất tự tại và tự tin rằng: “’Anh Hiền’ đừng buồn. Bây giờ người ta nắm quyền và có quyền, nhưng ‘chúng tôi’ tin rằng đến một lúc nào đó họ sẽ phải in lại những bộ Kinh đó.”
2.3. Kinh Lời Vàng
Lần đầu tiên ở nước ta kinh Pháp Cú. Ôn Minh Châu gọi là Kinh Lời Vàng được in trọn bộ với Pāli -Việt đối chiêu và đầy chất thơ. Tôi vui mừng vì tôi may mắn khi hai năm học Cao học Sử, được nghe Ôn giảng bộ kinh này. Khi làm tiểu luận môn Văn học Phật giáo trong hai năm đó, tôi đều viết tiểu luận cuối khóa.
Sau đó, tôi có thêm tập “Lời Phật Dạy - Dhammapada” do Hòa thượng Thích Thiện Siêu dịch và “Pháp Cú Thi Kệ” do nhà thơ, nhà nghiên cứu Phật học Trụ Vũ dịch. Tiếp đó, tôi được một người bạn tặng cuốn “Kinh Lời Vàng” của Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Tỳ khưu Giới Đức).
Cả bốn bản dịch Kinh Pháp Cú này đều mang lại nhiều lợi lạc, hoan hỷ cho người tu học. Bản dịch của Hòa thượng Thích Thiện Siêu sớm nhất từ năm 1959. Thầy dịch theo bản chữ Hán và có đến 221 chú thích rất rõ ràng và cần thiết. Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu song ngữ Việt - Pāli giúp ích rất nhiều cho những ai học Pāli. Bản dịch Kinh Lời Vàng này rất trau chuốt, dễ nhớ, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người. Bản dịch của Trụ Vũ có sự mới lạ về nội dung và hình thức (in ấn rất đẹp, có thêm phần thư pháp của dịch giả). Và sau nữa là bản dịch Kinh Lời Vàng của Sư Minh Đức Triều Tâm Ành có nhiều nét mới lạ và độc đáo.
Đối chiếu Pháp Cú 82, các bản dịch lần lượt như sau:
- Bản dịch của Hòa thượng Thiện Siêu: “Như hồ nước sâu, yên lặng trong sạch, những người có trí sau khi nghe Pháp, tâm họ cũng thanh tịnh và yên lặng”.
- Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu:
“Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng không khuấy đục.
Cũng vậy nghe Chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc”.
- Bản dịch của nhà thơ Trụ Vũ:
“Hồ sâu thì nước lắng,
Nước lắng lại, thì trong.
Người trí nghe giáo lý
Và trong lắng cõi lòng”.
- Bản dịch của Minh Đức Triều Tâm Ảnh:
“Ví như hồ nước thẳm sâu
Lắng yên, trong suốt
chẳng màu bợn nhơ!
Lòng người trí giả lặng tờ
Khi nghe diệu pháp
bến bờ như nhiên!”
Khi đọc lại Pháp Cú kinh, tôi hết sức tâm đắc về ý kiến các quý Hòa thượng dịch giả bộ kinh này.
- Hòa thượng Thích Thiện Siêu:
“Đọc xong kinh Pháp Cú, độc giả sẽ thấy trong đó gồm những lời dạy về triết lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên trùm cả hàng xuất gia. Do đó, dù ở hạng nào, đọc cuốn kinh này, cũng thu thập được nhiều lợi ích thanh cao.”
- Thượng tọa Thích Minh Châu:
“Nét nổi bật nữa là trong kinh Pháp Cú là dầu cho Đức Phật có đề cập đến các điều ác, các điều bất thiện, nói đến sự quyến rũ của dục lạc, sự phá hoại của Ác Ma, nhưng cuối cùng nét nổi bật lên vẫn là khả năng hướng thượng của con người, khả năng phá vỡ vô minh, vươn lên ánh sáng của giác ngộ, khả năng loại trừ các triền phược, khổ ách, vươn lên sức mạnh của giải thoát, thanh tịnh. Tiềm tàng trong những lời dạy của Đức Phật, kinh Pháp Cú đem lại cho những người Phật tử và thân hữu của Phật tử một nỗi vui nhẹ nhàng thanh thoát của những con người hướng thiện, biết tránh điều dữ, làm các điều lành, biết làm cho nội tâm, thân hành, khẩu hành và ý hành thanh tịnh, nhất là nhờ làm các hạnh lành, được hưởng viễn ly lạc, nhờ nghe Chánh pháp, được hưởng pháp lạc, nhờ hành thiền, được hưởng thiền lạc và nhờ đi gần đến giải thoát, được hưởng giải thoát lạc. Những bài kệ sau đây nói lên sự hoan hỷ, sự an lạc của những người con Phật trung thành với giáo lý Phật dạy:
“Vui thay, chúng ta sống,
Không hận giữa hận thù!
Giữa những người thù hận.
Ta sống không hận thù.”
2.4. Sự sám hối muộn màng
Con là Nguyễn Hiền - đệ tử của Thầy, pháp danh Nguyên Tánh - xin thưa trình với Thầy những nỗi niềm xót xa, ân hận, tiếc nuối và mong được sám hối về những lỗi lầm của con trong thời gian con được Thầy giao cho một số công việc.
Khi Thầy dặn con cần in gấp cuốn Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam của Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, con đã băn khoăn và có ý trì hoãn chỉ vì biết chắc chi phí rất cao vì sách này phải in khổ lớn, có đến hàng trăm hình minh họa phải làm “cliché’. Đây lại là một cuốn sách rất kén chọn đôc giả, nên biết đến năm nào mới thu hồi lại vốn? Rồi sau đó, Thầy lại dặn con in cuốn Lý Thường Kiệt của GS Hoàng Xuân Hãn. Con cũng tính toán, cân nhắc thu-chi, lại tiếp tục đặt vấn đề biết đến năm nào mới thu hồi lại vốn? Trước sau hai lần như thế, Thầy vẫn ôn tồn bảo: “ ‘Chúng tôi’ đã suy nghĩ kỹ. ‘Anh Hiền’ cứ làm đi.”
Sau này, con mới biết khi qua Paris, Ôn phải đi mấy chuyến xe điện ngầm dưới thời tiết giá lạnh để đề nghị GS Hãn ưu tiên dành cho Tu Thư Đại học Vạn Hạnh tái bản tác phẩm này để phục vụ cho học giới, sinh viên và độc giả trong nước về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Một lần khác, khi chuẩn bị cho Đại lễ Vaska, Thầy cho biết sẽ mời GS-BS Trần Ngọc Ninh thuyết giảng. Lần đó, thấy con im lặng khá lâu, Thầy bảo: “Anh Hiền thấy sao?”. Con liền bạo gan thưa: “Nếu GS Ninh thuyết giảng về y học, y khoa; về văn hóa - giáo dục; về ngôn ngữ học thì khó ai có thẩm quyền bằng… nhưng ở dây là thuần về Phật học… ở Viện mình có rất nhiều vị là danh Tăng, giáo sư, cư sĩ uyên thâm về Phật học… sao Thầy lại…?
Thầy vẫn ôn tồn bảo: “Chúng tôi đã suy nghĩ kỹ.”
Thầy đã suy nghĩ kỹ và đã có một quyết định rất sáng suốt và đúng đắn. Khi Tư Tưởng in bài này, GS Trần Văn Tự (?) dịch sang tiếng Anh, được một nữ học giả Phật giáo nổi tiếng người Anh hết lời tán thán. Và rồi, sau đó Tu Thư Vạn Hạnh in thành sách liền được được đông đảo độc giả tìm đọc. Cái Tâm, cái Tình, cái Tầm của Thầy lớn lao và sâu sắc đến thế mà con lại hiểu nông cạn quá!
Vào năm 2011, Thầy Chơn Nguyên và thị giả của Ôn đã ưa ái cho con được lên phòng dưỡng bệnh để đãnh lễ thăm Ôn. Nhìn Ôn tiều tụy quá. Ôn nhìn con mà hình như chẳng còn nhớ con là ai, môi Ôn chỉ mấp máp vài lần. Con đau như xé ruột gan, chẳng thưa với Ôn được lời nào, chỉ có những giọt nước mắt sống của con thôi. Đó là lần cuối cùng con gặp được Ôn.
Nhớ lại, sau khi Ôn về Thiền Viện Vạn Hạnh, sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán gia đình con lạy Phật rồi chúc Tết Ôn. Ôn ân cần hỏi thăm về sức khỏe, công ăn việc làm, việc học của các cháu. Đứa con trai khoảng 10 tuổi của con - cháu Miêu -, sau khi dập đầu dãnh lễ, vui mừng nhận bao “lì xì” của Ôn, bỗng cháu nhìn con và nói lớn: “Bố! Bố. Ông này sao giống Phật Di Lặc quá!” Vợ con kinh ngạc vì lời đó của cháu; còn con thì ôn tồn nói với cháu: “Nhận xét của con là đúng đấy nhưng con phải thưa trình nhỏ nhẹ, lễ phép, lịch sự; những lần sau con phải thưa Ôn, thưa Thầy chứ tuyệt đối không được dùng chữ Ông nghe.”
Hôm tiễn biệt Thầy ở Thiền Viện Vạn Hạnh, Hội Ái hữu Cựu Sinh Viên Đại học Vạn Hạnh giao cho con và nhạc sĩ Miên Đức Thắng cầm vòng hoa kính viếng dẫn đầu cả Đoàn. Chúng con bồi hồi, nức nỡ nhớ ơn Thầy. Sau đó hai con cung kính thắp nhang tưởng niệm Thầy, nhìn lên bảo tháp thấy ghi: “Yo sāro thassati. Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài.”
Cung kính dập đàu đãnh lễ thưa Thầy. Thầy là một lõi cây bền chắc, vĩnh hằng; đương nhiên sẽ tồn tại lâu dài.
Nguyên Tánh Nguyễn Hiền-Đức
Bản cập nhật, bổ sung
Santa Ana, CA đầu tháng 3 năm 2021
--------------------
Tài liệu tham khảo chính:
1. Hội Đồng Chứng Minh - Hội Đồng Trị Sự GHPGVNTN và Môn Đồ Pháp Quyến: Thành Kính Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu (1918-2012), Nhà Xuất bản Hồng Đức, Quý 3 năm 2014.
2. Tuyển tập Vằng Vặc Một Mảnh Lòng do Nguyễn Hiền-Đức tuyển chọn, Nhà xuất bản Liên Phật Hội, California tái bản, tháng 3 năm 2019.
3. S. Mookerjee - Thích Nữ Trí Hải: Giới Thiệu Luận Án Tiến Sĩ Phật Học Của Tỷ-Kheo Thích Minh Châu, trong Tuyển tập Vằng Vặc Một Mảnh Lòng, trang 25.
Chú thích:
[1] Chơn Tâm Lương Châu Phước: Cuộc Sống Cao Đẹp và Sự Nghiệp Vĩ Đại của Hòa thượng Thích Minh Châu, Kỷ yếu…trang 162.
[2] Nguyễn Thanh Văn: Tản Mạn Về Văn Hóa, Văn Nghệ… Và Văn Gừng, đăng nhiều kỳ trên Trang Nhà Văn Việt, kỳ I ngày 07/08/2017. Mời xem bài Kỳ 14, nhan đề “Thiền Tông và Thiền Học Trung Quốc Trong Liên Quan với Phật Giáo Việt Nam (1).
[3] Toại Khanh: Bản tình Ca Duy Nhất trong Kinh Điển Pāli; Trích từ Tuyển tập Vằng Vặc Một Mảnh Lòng.
[4] Văn Công Tuấn: Hạt Nắng Bồ Đề, Nhà xuất bản Lao Động…2018, trang 332.
[5] Võ Đình Cường: Đường Tam Tạng Thỉnh Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 2000, đã có trên Trang Thư Viện Hoa Sen.
[6] Nguyễn Thanh Văn: bài đã dẫn.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.116.89.70 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập