Sự hiểu biết là chưa đủ, chúng ta cần phải biết ứng dụng. Sự nhiệt tình là chưa đủ, chúng ta cần phải bắt tay vào việc. (Knowing is not enough; we must apply. Willing is not enough; we must do.)Johann Wolfgang von Goethe
Bất lương không phải là tin hay không tin, mà bất lương là khi một người xác nhận rằng họ tin vào một điều mà thực sự họ không hề tin. (Infidelity does not consist in believing, or in disbelieving, it consists in professing to believe what he does not believe.)Thomas Paine
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người duy nhất mà bạn nên cố gắng vượt qua chính là bản thân bạn của ngày hôm qua. (The only person you should try to be better than is the person you were yesterday.)Khuyết danh
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Mạn đàm quanh triết lý giáo dục Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: Mạn đàm quanh triết lý giáo dục Phật giáo »»
Có thể nói Phật giáo ra đời thể hiện sự phản kháng đối với chế độ phân biệt đẳng cấp phi nhân tính ở Ấn Độ cổ đại. Trong sự phản kháng đó, Đức Phật đã chỉ ra cho chúng sinh con đường giải thoát khỏi sự bất công đày ải của kiếp người ở trần gian để hướng về nước Phật. Xét về biện chứng của tâm hồn và biện chứng của nhân văn, triết lý về sự siêu việt của con người có những giá trị nhất định đối với việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục tính Thiện.
Theo dòng chảy của lịch sự, Phật giáo – một trong những tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam – đã đồng hành cùng dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước, đã tạo dựng được những dấu ấn quan trọng về văn hóa. Từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XV, Phật giáo đã góp phần quan trọng tạo nên tính triết lý sâu sắc trong nền văn hóa văn học dân tộc, đặc biệt là văn học thời Lý-Trần. Chính tư tưởng Phật giáo kết hợp với quan niệm “Văn dĩ tải đạo” trong văn học trung đại đã tạo thành một khối gắn kết thống nhất giữa đạo với đời, vừa mang giá trị thẩm mỹ vừa mang giá trị giáo dục.
Phật giáo cho rằng, nỗi khổ của con người là do ái dục và vô minh mà ra. Nếu chưa nói đến tính cao siêu của khái niệm vô minh và ái dục trong nhà Phật thì có thể hiểu rằng một trong những nguyên nhân đưa con người đến khổ ái là do thiếu tri thức, là giới hạn của nhận thức mà cơ thể sinh học của mỗi con người và ham muốn của họ đã đặt ra. Đức Phật đã tìm ra Tứ diệu đế: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
Trước hết, Khổ đế (Dukkha) cho chúng ta thấy rằng tất cả những nỗi đau trên thế gian này mà mỗi chúng sinh đều phải chịu, như Sống là khổ, Đau là khổ, Già là khổ, Chết là khổ v.v..những nỗi khổ dẫy đầy trên thế gian, bao vây chúng ta, nhận chìm chúng ta như nước biển. Do đó, Đức Phật thường ví cõi đời là một bể khổ mênh mông. Kế tiếp, Tập đế(Sameda Dukkha) trình bày nguyên nhân của bể khổ trần gian, là lý do vì đâu có những nỗi khổ ấy. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của chứng bệnh; còn Tập đế nói rõ nguyên nhân của chứng bệnh, lý do vì sao có bệnh. Sau đó, Diệt đế (Nirodha Dukkha) giới thiệu cụ thể hoàn cảnh quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sinh sẽ đạt đến khi đã diệt trừ được những nỗi khổ và những nguyên nhân của đau khổ. Và cuối cùng, Đạo đế (Nirodha Gama dukkha) là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Đó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết-bàn. Nói một cách giản dị, đó là những phương pháp tu hành để diệt khổ và được an vui.
Vậy cách giáo dục của Đức Phật thể hiện qua bốn chân lý vĩ đại ấy như thế nào? Trước tiên, Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấy cái thảm cảnh hiện tại của cõi đời. Cái thảm cảnh bi đát nằm ngay trước mắt ta, bên tai ta, ngay trong chính mỗi chúng ta; những sự thật có thể thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ được, chứ không phải những sự thật xa lạ ở đâu đâu. Đã là một chúng sinh, ai không có sinh, ai không đau ốm, ai không già, ai không chết v.v.? Và những trạng thái ấy đều chứa đựng những khía cạnh biểu trưng của khổ đau. Đã có thân, tất phải khổ. Đó là một chân lý rõ ràng, giản dị, không ai không nhận thấy. Khi chỉ cho mọi người thấy cái khổ ở trước mắt, ở chung quanh và chính trong mỗi chúng ta rồi, Đức Phật mới đi qua giai đoạn thứ hai, là chỉ cho chúng sinh thấy nguồn gốc, lý do của những nỗi khổ ấy. Ngài đã từ hiện tại đi dần về quá khứ, đã từ bề mặt đi dần xuống bề sâu, đã từ cái dễ thấy đến cái khó thấy. Như thế là lý luận của Ngài đã đặt căn bản trên thực tại, trên những điều có thể chứng nghiệm được, chứ không phải xa lạ, viển vông, mơ hồ. Đến giai đoạn thứ ba, Đức Phật diễn giải cho chúng ta thấy cái vui thú của sự hết khổ. Giai đoạn này tương phản với giai đoạn thứ nhất: giai đoạn trên khổ sở chừng nào, thì giai đoạn này lại vui thú chừng ấy. Cảnh giới vui thú mà Ngài trình bày cho chúng ta thấy ở đây, cũng không có gì là mơ hồ, viễn vông, và khi đã thấy rõ được cái khổ như thế nào, thì mới hăng hái tìm cách thoát khổ và khao khát hướng đến cái vui mà Đức Phật đã giới thiệu. Đến giai đoạn thứ tư là giai đoạn Phật dạy những phương pháp để thực hiện cái vui ấy. Ở đây chúng ta cần chú ý là Đức Phật trình bày cảnh giới giải thoát trước, rồi mới chỉ bày phương pháp tu hành sau. Đó là cách trình bày rất khôn khéo, đúng tâm lý: trước khi bảo người ta đi, thì phải nêu mục đích sẽ đến như thế nào, rồi để người ta suy xét, lựa chọn có nên đi hay không. Nếu người ta nhận thấy mục đích ấy cao quý, đẹp đẽ, khi ấy người ta mới hăng hái, nỗ lực không quản khó nhọc, để thực hiện cho được mục đích ấy.
Như vậy, điều cơ bản trong cách thức giáo dục của Đức Phật là mang đến cho con người nhận thức, sự hiểu biết không phải đến từ nơi xa lạ mà ngay chính trong mỗi chúng ta. Con người phải nhận thức được rõ nguyên nhân của đau khổ mới diệt trừ được đau khổ. Con đường giáo huấn của Đức Phật là cách thức đi từ gốc gác bản chất vấn đề và tự thân chiêm nghiệm. Có người cho rằng, triết lý của Phật giáo về con người là đi đến không con người. Về điều này, có thể có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng theo thiển ý của người viết, triết lý không con người là đi đến triết lý con người với ý nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này. Bởi vì không con người không có nghĩa là không còn con người mà ở đây con người được hiện hữu vượt qua những giới hạn của sinh học và trí tuệ. Chính vì thế, khái niệm giải thoát trong Phật giáo hợp lưu với dòng chảy của tư tưởng nhân văn của loài người. Đó cũng chính là một trong những lý do để Phật giáo tồn tại và phát triển không chỉ ở Việt Nam mà khắp nơi trên thế giới.
Tư tưởng nhà Phật không chỉ giúp cho con người nhận thức về mình, nhận thức về thế giới mà còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn. “Duy tuệ thị nghiệp” là một định hướng rất đúng đắn trong giáo dục Phật giáo. Từ xưa đến nay, đạo Phật luôn đề cao tinh thần vận động nhằm giúp con người đánh thức trí tuệ tiềm tàng của mình. Cách thức giáo dục này chính là tự giáo dục, tức là con người dựa vào nội lực của chính mình để phấn đấu vươn lên, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng phải lấy trí tuệ làm đòn bẩy, chí có trí tuệ mới đem lại cho con người niềm vui sống đích thực, hiểu được giá trị của cuộc sống và biết thích ứng với môi trường xã hội.
Quan trọng hơn, giáo dục đạo Phật chứa đựng cơ sở của một triết lý giáo dục toàn diện. Tính toàn diện được thể hiện qua việc diệt trừ vô minh, diệt trừ tham, sân, si..những nhân tố tạo nên sự bất ổn cho mỗi cá nhân và cộng đồng. Đạo Phật chủ trương diệt trừ tận gốc các nhân tố này để giải quyết mọi khổ đau cho con người không phân biệt bất cứ giai cấp, thành phần nào trong xã hội. Nhưng cốt lõi của giáo dục vẫn là “con người tự thắp đuốc mà đi”. Đó chính là vai trò của cá nhân. Đề cao nội lực cá nhân và ý nghĩa của tự thức tỉnh, thái độ giáo dục của Phật giáo thể hiện tính dân chủ, đạt đến sự hiển minh với tinh thần vô ngã, phá chấp và từ bi. Đây không phải là chủ thuyết vị kỷ mà ngược lại, chính việc phát huy tinh thần tự lực đã thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy là một tôn giáo và chịu sự ràng buộc của giáo lý, nhưng Đức Phật luôn chỉ rõ rằng: “con người và chỉ có con người mới có thể thực hiện được hoài bão, lý tưởng” và “con người là cao cả nhất” (nhân thị tối thắng). Trong kinh Dị giáo, Đức Phật còn đề cao mối quan hệ giữa thầy và trò trên tinh thần tự giác ngộ. Phương pháp giáo dục này vẫn còn giá trị thực tiễn cho hôm nay và mai sau. Chúng ta luôn đề cao vai trò chủ thể trong công tác giáo dục và tạo điều kiện cho người học nỗ lực vươn lên, chủ động trong việc tiếp nhận tri thức và khai minh cho trí tuệ mình. Nói về điều này, Đức Phật đã khẳng định vai trò định hướng dẫn dắt của người thầy: “Như người dẫn đường, chỉ dẫn đường cho mọi người, nhưng nghe lời rồi mà không đi thì lỗi không phải ở người dẫn đường”.
Như vậy, triết lý giáo dục của Phật giáo lấy con người làm gốc. Dù mang tính tư tưởng nhưng phương pháp giáo dục hết sức khoa học. Ta có thể khái quát quan niệm giáo dục của nhà Phật như sau: giúp con người nhận thức về thế giới,về bản thân; từ sự nhận thức đó con người hiểu chính mình và tự điều chỉnh mình để vươn tới chân,thiện, mỹ.
Xã hội loài người đã chuyển dịch sang nền kinh tế tri thức, thế giới dường như nhỏ bé hơn trong sự phát triển của khoa học hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin. Tuy vậy, bản thân nó cũng có mặt trái. Thế cho nên có nhà triết học ở phương Tây đã cho rằng, sự hiểu biết của con người về thế giới tỉ lệ nghịch với sự hiểu biết về chính bản thân con người. Vì thế, trong Hành trình về phương Đông của Blair T. Spalding, bên cạnh những tư tưởng tâm linh huyền bí mà một số học giả nghiên cứu về đạo Phật khó có thể chấp nhận, vẫn toát lên một điểm cần quan tâm. Đó là: trong thế giới hiện đại, đời sống tâm linh của con người vô cùng quan trọng. Con đường đến với tương lai của bất cứ tôn giáo nào cũng được tác thành từ những tín đồ của tôn giáo đó mà khởi đầu là cách giáo dục về bổn phận và trách nhiệm của tín đồ thông qua hệ thống giáo lý. Nhờ phương pháp giáo dục vừa khoa học vừa mang đậm giá trị nhân bản, triết lý giáo dục của Phật giáo đã vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng cụ thể để trở thành một cách thức giáo dục con người toàn diện. Qua những nhận định trên, ta có thể khẳng định tư tưởng Phật giáo nói chung và tư tưởng giáo dục của Phật giáo nói rieng thể hiện mục đích cao đẹp là cứu giúp con người, mong muốn loài người được sống trong xã hội giàu tình thương yêu và hạnh phúc hơn. Có lẽ chính vì điều đó mà triết lý giáo dục của Phật giáo có một sức sống lâu bền, trường cửu.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.8.68 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập