Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Điều kiện duy nhất để cái ác ngự trị chính là khi những người tốt không làm gì cả. (The only thing necessary for the triumph of evil is for good men to do nothing.)Edmund Burke
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Ngã và vô ngã là một không hai »»
Kinh Hoa Nghiêm giảng, bản chất của tướng cảnh giới là do tánh khởi. Sau khi chúng ta mê, tánh khởi biến thành duyên khởi. Nhưng thật ra, duyên khởi và tánh khởi chỉ là một không hai. Khi mê thì tánh khởi biến thành duyên khởi, khi giác ngộ thì duyên khởi trở về tánh khởi. Nói cách khác, trong Bổn tánh vốn trọn đủ đức năng có thể sanh ra vạn pháp; tuy vạn pháp đều do Tự tánh biến hiện ra nhưng những cảnh giới ấy chỉ giống như mộng, huyễn, bọt bóng. Nếu trong hết thảy các cảnh giới ấy, chúng ta đều chẳng mê, đều chẳng dấy lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tự nhiên sẽ trở về Tự tánh, đó gọi là kiến tánh.
Kinh Kim Cang nói: “Nếu nhận ra các tướng đều không phải tướng, tức thấy rõ Như lai.” “Thấy rõ Như lai” có nghĩa là trở về Tự tánh, là kiến tánh hay kiến đạo. Kinh Kim Cang chẳng nói là không có cảnh giới, cảnh giới tất nhiên là có, nhưng chúng chẳng phải là thực tại, chúng chỉ giống như là mộng huyễn, bọt bóng mà thôi, tức có đó nhưng rồi lại mất đó. Đức Phật lấy mộng huyễn, bọt bóng làm tỷ dụ cho cảnh giới tướng, nhằm dạy chúng ta đừng nên phân biệt, chấp trước, vọng tưởng đối với hết thảy các pháp. Khi nào chúng ta lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng lúc đối diện hết thảy các pháp, mới có thể thọ dụng hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ giống như Phật. Sự thọ dụng ấy chỉ có lạc chẳng có khổ, chỉ có thanh tịnh quyết định chẳng có tạo nghiệp.
Nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp tạo ra từ một niệm phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, chớ chẳng phải là từ sự thọ dụng. Kinh Vô Lượng bảo: “Không buộc không mở, không phân không biệt, xa lìa điên đảo, ngay chỗ thọ dụng, đều không nhiếp thủ” có nghĩa là như vậy đó! Nếu chúng ta lìa khỏi hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng thì lấy đâu ra nghiệp? Không những chẳng có nghiệp mà tạo tác cũng không có. Tuy đạo lý này hết sức dễ thấy, nhưng đó lại là Phật pháp chân chánh. Tiểu thừa còn mê hoặc quá nặng, chẳng liễu giải đạo lý này, nên việc tu hành của họ vô cùng khó khăn và khổ cực mà chẳng thể kiến đạo. Tiểu thừa phân biệt ngã và vô ngã là hai pháp khác nhau. Đại thừa xem ngã là vô ngã chỉ là một không hai. Lục tổ Huệ Năng bảo: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp.” Phỏng theo lời dạy của Lục tổ Huệ Năng, Phật pháp là pháp bất nhị, ngã và vô ngã chỉ là một. Nếu ngã và vô ngã là hai pháp thì đó chẳng phải là Phật pháp chân chánh.
Kinh A Di Đà chép: “Xá-Lợi-Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn.” Nay chúng ta tu pháp môn Niệm Phật thì phải biết là mình đang tu Nhất tâm Bất loạn, một lòng không tạp loạn. Nếu lúc niệm Phật, tâm mình chẳng nhất, tức còn có tam tâm nhị ý, thì công phu niệm Phật đó chẳng phải là Phật pháp chân chánh. Một khi chúng ta nắm vững nguyên tắc này, dù chúng ta chẳng gặp thiện tri thức dẫn dắt cũng không đến nỗi phải bị lạc lối. Phàm những ai lạc lối đều là do phân biệt, chấp trước, tách Nhất chân ra làm hai, rồi từ hai chia thành bốn, rồi từ bốn chia làm tám, càng chia càng phức tạp, rối loạn tơi bời. Nói như vậy, chúng ta học Phật phải bắt đầu từ đâu? Phải khởi sự bằng chuyện tịnh hóa đầu óc của chính mình, đầu óc chúng ta quá sức phức tạp, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, nên càng tu càng trở thành phức tạp, rối loạn, trái nghịch với ý chỉ của Phật, chẳng thể đạt được nhất tâm thanh tịnh.
Thế hệ chúng ta hiện thời, bất luận tại gia hay xuất gia, đều chẳng sánh kịp thế hệ trước, nguyên nhân ở chỗ là chúng ta chẳng vun bồi cơ sở căn bản. Vun bồi cơ sơ căn bản là gì? Trước hết phải tu định, tu tâm thanh tịnh, thật thà niệm một câu A Di Đà Phật vài ba năm cho tâm mình giảm bớt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, sau đó học kinh Phật mới thật sự hiểu được lẽ thật. Nếu tâm chẳng có định, chẳng thanh tịnh, thì càng học Phật càng tăng trưởng phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Đó là điên đảo mộng tưởng chớ chẳng phải giác ngộ trong Phật pháp. Chúng ta tu pháp môn Tịnh độ nhất định không nghiên cứu một cách xen tạp, chỉ nhiếp giữ một bộ kinh Tịnh độ (Kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh Di Đà) trường kỳ huân tu, không nên mỗi ngày nghiên cứu kinh này kinh nọ, nhồi cả đống kinh luận vào trong óc của mình, sau mấy chục năm nghiên cứu kinh luận, rốt cuộc vẫn không thể liễu sanh tử, thì cũng chỉ là uổng công mà thôi. Vì sao hiểu nhiều kinh chẳng tốt? Vì sở học mà chúng ta tiếp thu trong óc toàn là pháp thế gian, chẳng phải là Phật pháp chân chánh. Phật pháp chân chánh phải từ Tự tánh lưu xuất ra rồi lại trở về Tự tánh; kinh gọi đó là quang minh phóng ra rồi lại thu về. Pháp thế gian là mê hoặc, biết phóng ra nhưng chẳng biết thu trở lại, nên càng tích lũy nhiều pháp thế gian càng thêm mê sâu hơn nữa.
Thanh Lương Đại sư dạy: “Chúng ta niệm kinh, nghe giáo, tăng trưởng tà kiến. Chẳng niệm kinh, chẳng nghiên cứu giáo, bèn tăng trưởng vô minh.” Nói như vậy, Phật pháp thật sự chẳng dễ tu hành. Niệm kinh, nghe pháp loạn xạ, xen tạp chẳng giúp ích gì, trái lại còn tăng thêm tà kiến. Ngược lại, nếu chẳng niệm kinh, chẳng nghiên cứu giáo điều cần thiết để tu, thì càng tu càng tăng trưởng vô minh. Thanh Lương Đại sư nói ra hai điều này nhằm dạy chúng ta phải biết tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên mà lấy bỏ, mới có lợi ích thật sự trong Phật pháp, nếu chấp vào một bên liền sanh tà kiến. Chúng ta phải hiểu đạo lý cơ bản này thì mới biết chính mình phải nên làm theo cách nào cho đúng với chính mình, học Phật phải uyển chuyển sáng suốt mới hiểu được ý nghĩa của câu “ngã và vô ngã là một không hai.”
Ngã nghĩa là bất biến, vô ngã nghĩa là tùy duyên. Vậy, ngã và vô ngã là một không hai chính thực là tùy duyên bất biến. Hễ khi nào chúng ta có thể tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên trong mọi hoàn cảnh nhân sự thì sẽ được bốn tịnh đức: thường, lạc, ngã, tịnh. Nói cách khác, thường, lạc, ngã, tịnh chỉ có thể kiến lập trên cơ sở ngã và vô ngã là một không hai. Tỷ dụ, nếu bản thân chúng ta giàu có và hưởng lạc được tạo dựng trên sự mất mát và nỗi thống khổ của kẻ khác, thì đó chẳng phải là cái lạc trong thường, lạc, ngã, tịnh. Sự giàu có và sung sướng phải được kiến lập trên phương diện giàu có và sung sướng của chúng san, thì đó mới là chân lạc. Người tu hành thấy người khác giàu có, sung sướng, thành công trong sự nghiệp, bèn tự mình cảm thấy rất sung sướng, thấy chúng sanh đang thọ khổ, làm gì cũng thất bại, bèn chẳng cảm thấy sung sướng, thì người ấy chẳng khác gì Phật, Bồ-tát.
Kinh Phật thường nói đến bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não, dụng ý tuyệt đối chẳng phải là để khiến cho chúng ta tham cầu hưởng thụ vật chất mà trong đó có ý nghĩa sâu xa. Xét theo y báo, bảy báu nơi cõi Cực Lạc tượng trưng cho sự phú quý, giàu có trong cõi ấy. Nếu ai sanh về đó sẽ thọ hưởng tất cả sự phú quý, sung sướng giống như Phật, Bồ-tát. Thế nhưng, chúng ta phải biết, niềm vui của Phật, Bồ-tát khác hẵn với chúng ta. Niềm vui của các Ngài là chân lạc, là cái lạc biết đủ trong thường, lạc, ngã, tịnh. Đặc biệt là chư Phật, Bồ-tát sung sướng nhất khi thấy nhiều người giác ngộ, nhiều người niệm Phật cầu vãng sanh. Vì sao? Vì các Ngài thấy nhiều người ngần ấy niệm Phật, trong tương lai sẽ có nhiều vị được vãng sanh, bất thoái thành Phật. Xét theo chánh báo, bảy báu tượng trưng cho tánh đức viên mãn của Tự tánh. Con số bảy biểu trưng cho ý nghĩa của sự viên mãn, tròn đầy.
· Vàng có bốn đặc tính: Một là màu sắc của vàng chẳng thay đổi, biểu thị tánh thường hằng của Tự tánh. Hai là thể của vàng tinh khiết chẳng nhơ, biểu thị tánh thanh tịnh, trong sạch của Tự tánh. Ba là tuy vàng lần lượt được chế biến thành các thứ khác nhau nhưng chất vàng vẫn không hề biến đổi; thể chất không biến đổi của vàng biểu thị chân ngã, tức tánh bất biến của Tự tánh. Bốn là vàng có thể khiến cho con người giàu có, biểu thị tánh lạc của Tự tánh. Do bốn đặc tính này nên kinh thường dùng vàng để biểu thị cho bốn tánh đức thường, lạc, ngã, tịnh của Tự tánh.
· Bạc cũng có bốn ý nghĩa giống như vàng, cũng biểu thị tánh đức của Tự tánh, nhưng nói theo mặt thể chất, bạc chẳng bằng vàng.
· Lưu ly màu xanh nên còn gọi thanh sắc bảo. Màu xanh là màu mà mắt chúng ta có thể dễ dàng nhận ra dưới nhiều cấp độ đậm nhạt, nên nó biểu tượng cho sự chắc chắn, chính xác, chẳng sai lầm của Tự tánh.
· Pha lê còn được gọi là thủy tinh. Pha lê mong manh dễ vỡ nhưng rất bền bĩ và trong sáng. Pha lê thường dùng để tượng trưng cho tình thương cao quý, bền bĩ, tốt đẹp, trong sáng, thanh tịnh và bình đẳng phát xuất từ trí huệ chân thật, chớ chẳng phải là ái duyên từ phát xuất từ cảm tình nhất thời. Phật pháp gọi tình thương này là Vô Duyên Đại Từ Đồng Thể Đại Bi của Tự tánh.
· Xa cừ có màu trắng sạch, tinh bạch biểu thị thiện đức thanh tịnh, lìa lỗi lầm, dứt sai trái của Tự tánh. Trong Phật pháp, trắng đen dùng để biểu thị thiện ác, màu trắng tượng trưng cho thiện, màu đen tượng trưng cho ác, đoạn ác tu thiện với Tam Luân Không Tịch mới là tịnh pháp chân chánh.
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật dạy: “Nếu gặp việc thiện, trước nhất làm gì? Tâm phải tự đoan, thân phải tự đoan, mắt tai miệng lưỡi, đều phải tự đoan. Thân tâm đều giữ, thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng, đừng theo tham dục, không phạm điều ác, sắc mặt lời nói, phải nên nhu hòa, hành thân phải chuyên, cử chỉ ngó nhìn, an định từ tốn, làm việc cẩn trọng.” Đấy là cách thức làm thiện với Tam Luân Không Tịch, tức là trong việc làm thiện, hết thảy ba đối tượng: ta, người và vật đều là không, nên điều thiện ấy mới là “thanh tịnh trong sạch, cùng thiện tương ưng.” Hiện nay, chúng ta tuy cũng tu thiện, nhưng trong việc thiện ấy chúng ta có khởi tâm chấp trước, thấy có ta làm thiện, có người tiếp nhận điều thiện của ta và có điều thiện được làm, nên điều thiện ấy chẳng phải là Tam Luân Không Tịch, chẳng thanh tịnh, chẳng trắng sạch giống như xa cừ. Phàm phu chúng ta hễ làm được điều thiện gì bèn khởi tâm chấp tướng, đem ra khoe khoang, phô trương cho người khác biết, hoặc nhẹ hơn một chút là tuy không nói ra, nhưng trong tâm vẫn chấp giữ ấn tượng về những điều thiện đã làm, nên điều thiện ấy chẳng phải là Tam Luân Không Tịch, chẳng thanh tịnh trắng sạch như xa cừ.
· Xích châu còn được gọi là trân châu hay ngọc trắng ma-ni. Xích châu là loại đá quý có thể tỏa ra ánh sáng. Đương nhiên, chúng ta chẳng thể tìm thấy bảy báu tự chiếu ra ánh sáng trong thế gian này. Bảy báu trong thế gian phải nhờ vào sự phản xạ của ánh sáng bên ngoài mới có thể chiếu sáng lấp lánh. Tỷ dụ, vàng trong thế gian chẳng thể tự tỏa ánh sáng; nếu chúng ta đem vàng đặt vào chỗ tối đen, nó chẳng thể tỏa sáng, chỉ khi nào có một tia sáng chiếu vào nó rồi bị phản xạ thì chúng ta mới thấy ánh sáng lấp lánh của vàng. Bảy báu nơi cõi Cực Lạc thì khác hẵn, tự nó chiếu sáng mà không cần tia sáng nào bên ngoài tạo ra sự phản xạ. Xích châu đại biểu cho quang minh tự chiếu của Tự tánh. Xích châu phóng quang soi sáng vạn vật xung quanh và bản thân của chính nó nhằm biểu thị: Phật pháp chân chánh phải từ trong Tự tánh lưu lộ và chẳng có pháp nào không trở về Tự tánh. Nói cách khác, không những chúng ta học kinh để biết rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh mà còn để trở về Tự tánh. Ngay cả những lúc mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, cho đến sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần đều có thể trở về Tự tánh.
Thế nhưng, vì sao chúng ta chẳng lúc nào làm giống Phật, Bồ-tát? Vì mỗi khi chúng ta tai nghe, mắt thấy một chuyện tí tẹo gì, đều cho đó là hiện thực, đều cho đó là chẳng không, nên liền dấy lên vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Sáu căn của Phật, Bồ-tát tiếp xúc sáu trần đều là giác chứ không mê. Giác ở đây có nghĩa là trở về Tự tánh, tức là trong tâm chẳng dấy lên một niệm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hết thảy các pháp lưu xuất từ Tự tánh rồi lại trở về Tự tánh, công phu của Bồ-tát là ở ngay chỗ này! Còn phàm phu chúng ta do đã mê mất Tự tánh nên khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần, liền bị cảnh giới chuyển, chẳng thể quay đầu trở về Tự tánh. Nhằm giúp chúng sanh có thể trở về Tự tánh, trong chương Niệm Phật Viên Thông của kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ-tát dạy: “Nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai.” Đây là phương pháp độc nhất mà A Di Đà Phật đã dạy cho Đại sĩ lúc Ngài còn tu Bồ-tát đạo để sớm thành Phật, nay Đại sĩ truyền dạy lại cho chúng ta, nhằm giúp chúng ta có thể sớm trở về Tự tánh mà chẳng cần nhọc công xen tạp với bất cứ phương tiện nào khác.
Trong chương Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Thủ Lăng Nghiêm, Quán Thế Âm Bồ-tát dạy “phản văn văn Tự tánh,” dịch nghĩa là “xoay tánh nghe để nghe Tự tánh,” cũng có nghĩa là trở về Tự tánh. Quán Thế Âm và chư đại Bồ-tát thấy công đức trong Tự tánh cùng với tướng của các vật bên ngoài đồng thời lưu lộ thì mới có tác dụng mới to lớn, nên các Ngài xả bỏ cả hai bên ngã và vô ngã để có thể phát tâm đại từ đại bi, tùy duyên thị hiện các thân tướng khác nhau nhằm cứu khổ chúng sanh, thành tựu vô lượng vô biên công đức. Hiện thời, phàm phu chúng ta chẳng thể làm được như vậy là vì đối trước cảnh giới chúng ta liền mê mất Tự tánh, chẳng biết trở về Tự tánh. Sau khi đã mê mất Tự tánh, bèn khởi tham, sân, si, mạn. Phản ứng trong tâm của chúng ta đối trước trần cảnh đều là những thứ ấy, đều là tham, sân, si, mạn. Còn phản ứng của Phật, Bồ-tát đối trước trần cảnh đều là tự tánh quang minh chói rực với đầy đủ các đức thanh tịnh, trí huệ và từ bi phát xuất ra từ Tự tánh. Kinh ví phản ứng ấy ví như xích châu có thể tự phóng quang minh, lại tự biết thu ánh sáng trở về để soi sáng lấy chính nó.
Khi xưa, Lục tổ Huệ Năng đến gặp ngũ Tổ thưa rằng: ”Trong tâm đệ tử thường sanh trí huệ.” Vì sao sáu căn của Lục Tổ tiếp xúc cảnh giới sáu trần thường sanh trí huệ? Vì tâm của Ngài giác mà chẳng mê nên thấy thứ gì trong sáu trần cũng đều là Phật thuyết pháp. Phật nào thuyết pháp? Tự tánh Phật của chính mình thuyết pháp cho chính mình nghe khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, cũng giống như xích châu tỏa sáng cảnh giới sáu trần và chính nó. Lục đạo phàm phu chúng ta học Phật khác hẵn với chư đại Bồ-tát, chư Bồ-tát học Phật trong tâm thường sanh trí huệ, phàm phu chúng ta học Phật trong tâm thường sanh vọng tưởng phiền não. Cho nên, chúng ta học Phật suốt đời suốt kiếp mà tánh đức chẳng thể lưu lộ mà ngược lại càng học Phật càng lộ ra các tướng tham, sân, si, mạn. Đấy đều do chẳng có trí huệ sáng tỏ ví như xích châu, nên chẳng có thọ dụng thật sự trong Phật pháp, chướng ngại của chúng ta là ở ngay tại chỗ này đây!
· Mã não là loại bảo thạch có chất liệu khá kiên cố nên kinh dùng mã não để biểu thị Tự tánh chân thật, kiên cố, không biến đổi.
Tóm lại, Phật dùng bảy báu nơi cõi Cực Lạc để sánh ví cho những tánh đức trang nghiêm, đẹp đẽ đầy đủ của Tự tánh. Tất cả những tánh đức ấy đều do A Di Đà Phật trụ huệ chân thật trong vô lượng kiếp mà kết thành để bồi đắp thành Pháp thân, nên kinh ví Pháp thân như là nhà cửa lầu gác được trang hoàng mỹ lệ bằng bảy báu sáng diệu vô thượng.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.85.238 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập