Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Hạnh phúc không tạo thành bởi số lượng những gì ta có, mà từ mức độ vui hưởng cuộc sống của chúng ta. (It is not how much we have, but how much we enjoy, that makes happiness.)Charles Spurgeon
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tùy bút »» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài ký ức về mẹ »»

Tùy bút
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Vài ký ức về mẹ

Donate

(Lượt xem: 7.397)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Vài ký ức về mẹ

Mẹ ơi, giã từ sao lại thành biệt ly?

Xuống Cần Thơ làm việc, tôi không trực tiếp trông nom trại chăn nuôi nho nhỏ của gia đình tại Sàigon nên đã chuyển nhượng cho người khác và thu nhỏ việc chăn nuôi tại nhà, để cho bố mẹ tôi chăm sóc kiếm ăn. Dù thu nhập không được như trước nhưng gia đình tôi vẫn ở mức khá an toàn. Sáu đứa em vẫn được ăn học đàng hoàng, việc chi phí nặng nhất vẫn là việc gửi tiền hằng năm cho đứa em trai vừa đi du học tự túc tại Âu châu.

Từ khi tôi sang Nhật, cuộc sống của gia đình tôi càng vững chãi hơn. Với mức học bổng khá to của chính phủ Nhật Bản kèm theo lối sống khá đơn giản, không nhiều nhu cầu xa hoa nhất là hoàn toàn dị ứng với những tật ách của xã hội như thuốc lá, ăn nhậu, cờ bạc, đỏ đen… nhờ vậy việc dành dụm tiền gửi về giúp gia đình với tôi không có gì khó khăn cả. Thêm vào đó, tiền lương căn bản hàng tháng của tôi tại Cần Thơ, thay vì chuyển sang Nhật, tôi đã dành cho mẹ tôi, coi như một món quà báo hiếu người mẹ quê mùa, thất học nhưng lại rất văn minh trong cách đối xử với con cái. Nhưng sự an định, phong lưu đó chỉ được khoảng một năm, từ năm 1975 cuộc sống của gia đình tôi cũng như phần lớn người dân của Nam Việt Nam lại rơi vào khó khăn của thời thế.

Thời gian qua mau, mới ngày nào mà đã hơn 45 năm đi qua! Với biết bao nhiêu đổi thay, tôi cũng như tất cả người VN khác ở hải ngoại, ra đi từ ngày xưa hay sau này. Ai cũng phải tự tìm cách yên định cuộc đời mình, tuỳ theo hoàn cảnh và vận may của mỗi người nơi chốn định cư mà có được những thành tựu khác nhau. Hôm nay, một mình ngồi trong nhà, qua khung cửa sổ, bên ngoài những cánh tuyết bay bay trong gió, dưới cái lạnh lẽo, buồn tẻ và yên ắng cố hữu của mùa đông Thuỵ Sĩ. Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi, ngày bà ra phi trường tiễn đưa tôi sang Nhật, với bao lời nhắn nhủ và mong đợi ngày tôi hoàn tất việc học hành trở lại với quê hương, gia đình. Nhưng rồi thời gian và hoàn cảnh đã đẩy lùi tất cả vào dĩ vãng thật xa. Mẹ tôi đã trở về với hư vô, đất đá, không có dịp gặp lại thằng con trai mà bà chờ mong. Còn tôi từ một thanh niên đang tuổi hăng say bước vào đời với tí chút thành công và mộng ước tương lai, nhưng thời gian đã gọt dũa tôi thành một ông già ngoài bảy chục.

Tôi còn nhớ rất rõ, ngày rời Việt nam ra đi, tôi đúng nghĩa là một tên nhà quê ra tỉnh, với vẻ lếch thếch trong bộ quần áo “second hand” mua sắm từ khu dân sinh, Sàigòn. Lần tiễn đưa tôi hôm đó rất đơn sơ, buồn tẻ, chỉ có bố mẹ và hai đứa em. Chúng tôi, năm người chèn ép nhau trên một chiếc taxi của người hàng xóm chở tôi ra phi trường. Thật ra cuộc đời tôi trước ngày đi Nhật cũng có vài ba lần tiễn đưa, nhưng tất cả cũng là những lần tạm biệt trầm lặng, yên vắng mà thôi. Lần này cũng vậy, khi đến phi trường chúng tôi lặng lẽ tụ gom ở một góc tương đối thưa thớt người. Hai đứa em đưa mắt nhìn chung quanh tỏ vẻ thích thú với những hoạt cảnh của phi trường, mẹ tôi thỉnh thỏang im lặng đưa tay vuốt nắn cánh tay áo hay vỗ vào vai tôi nhè nhẹ như muốn biểu lộ sự thương mến dành cho thằng con trai đầu đàn chưa bao giờ làm cho bà thất vọng, mất niềm tin. Gần đó là những hình ảnh hoàn toàn trái ngược, những đám đông cha mẹ, anh chị em vợ chồng… của những người bạn cùng đi với tôi, mọi người cười vui, ồn ào hay dẫn nhau lên dãy nhà hàng trên lầu ăn uống, hàn huyên.

Cuối cùng, cuộc chia tay cũng đến, bố mẹ và hai đứa em cùng đi với tôi đến tận cửa khu cách ly. Trước khi để tôi bước vào khu ngăn cách, mẹ quàng tay kéo tôi sát vào người, với giọng nói rất nhẹ như chỉ muốn cho riêng tôi nghe:

- Con đi mạnh khoẻ, nhớ đừng theo chúng bạn ăn chơi mà bỏ bê việc học hành. Cố gắng cho xong mà trở về với bố mẹ và gia đình nhe con!

Tôi im lặng, cảm động nhìn hai hàng nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt của mẹ. So sánh với thời còn lê lết buôn bán chuối bên lề đường, nét mặt bà đã có phần nào bớt đi màu đen đủi với nắng mưa nhưng vẫn còn dấu vết cực nhọc của một người đang bận rộn với sinh nhai bằng lao lực. Cúi đầu, ghé sát vào tai mẹ, với giọng run run tôi trấn an:

-Bố mẹ ở nhà khoẻ mạnh, con chắc chắn sẽ về, gia đình ta sẽ khá hơn và mẹ sẽ được an nhàn, không phải làm việc cực nhọc nữa.

Hình như lời nói của tôi đã làm mẹ yên lòng, bà buông tay cho tôi bước vào phía trong khu ngăn cách, rồi đưa mắt ngẩn ngơ nhìn theo. Còn tôi chậm chạp vừa đi vừa ngoái nhìn lại phía sau. Dù với giọng nói không to nhưng cũng đủ cho tôi nghe lời nói của mẹ với theo:

-Nhớ nhe con! Đừng bao giờ quên các em, chúng nó còn rất cần sự giúp đỡ của con đó.

Tôi cúi xuống, kéo chiếc va-li về phía trước, chân bước nhanh hơn vào phía trong mà lòng trĩu nặng, có lẽ nếu tiếp tục quay nhìn lại phía sau hay dừng lại nhìn mẹ, tôi sẽ khóc vì biết chắc chắn rằng bà đang đờ đẫn với hai giòng lệ nhìn theo tôi. Tôi chợt nhớ đến vài câu thơ của Nguyễn Bính mô tả cảnh bà mẹ tiễn đứa con gái về nhà chồng rồi lại cô đơn với khung dệt vải:

………….
Đưa con ra đến cửa buồng thôi
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc
Đêm nay mình mẹ lại đưa thoi.
…………….
Đúng như vậy, ngày hôm đó tôi đã ra đi với rất nhiều ước vọng cho ngày trở về để thăng tiến danh vọng và cũng để báo hiếu mẹ cha. Trong lòng tôi lúc ra đi hoàn toàn không mang một dấu tích gì dù rất nhỏ là sẽ đi và không bao giờ trở lại, bởi vì tôi biết chắc chắn rằng nơi đó có người mẹ luôn luôn đợi chờ ngày trở về của tôi để cho bà được nhàn nhã như lời tôi đã hứa với bà lúc chia tay. Nhưng cuối cùng ngày trở về chỉ còn là ảo ảnh, cái ảo ảnh hình như mãi mãi tiềm tàng trong tâm tư tôi trong suốt hơn 40 năm qua, những khi rảnh rỗi hay những lúc ngồi một mình cô đơn, tôi lại kéo nó ra khỏi ký ức mà không sao tránh được nỗi buồn nhè nhẹ.

Mẹ tôi mất vào năm 1980, lúc đó tôi không có điều kiện trở về dự đám tang của mẹ. Biết làm sao hơn khi không thể làm khác đi được, tôi chỉ biết lịm người mà nước mắt tràn mi. Sau đó, khi có đủ điều kiện, suốt nhiều chục năm qua, không một năm nào, dù bận rộn với công việc, tôi vẫn cố sắp xếp để về Việt Nam. Ít nhất cũng một lần mỗi năm để thăm lại nơi an nghỉ của mẹ (sau này là của bố tôi nữa). Thắp cho mẹ vài nén hương, im lặng ngồi bên ngôi mộ đã lem luốc bụi thời gian mà thì thầm với mẹ hàng giờ đồng hồ như những lời tạ tội vì đã không kịp mang cho mẹ những niềm vui như đã hứa lúc ra đi. Mẹ ơi, ai ngờ lần tiễn biệt của mẹ con ta ngày đó lại là lần vĩnh biệt muôn thu!

Vài ký ức viết dành làm quà cho mẹ

Trong 28 năm sống tại quê hương với gia đình cha mẹ, tôi có biết bao nhiêu ký ức về những cực nhọc, đắng cay từ những thua thiệt, nghèo hèn và dĩ nhiên cũng có những niềm vui, nụ cười từ những thành công (to hay nhỏ) mà tôi đã có chút tự hào. Đúng như vậy, ngay từ khi lọt lòng mẹ, tôi đã phải nghe tiếng đạn xé, bom rơi hay khốn khổ trong những lần tản cư, lánh nạn. Đã từng run sợ khi nhìn thấy những thân xác thối rữa bập bềnh trên sông hay sình chương bên mé ruộng.

Rồi khi vào Nam, sống lây lất ở những nơi bùn lầy nước đọng, ít nhiều tôi cũng phải thu nhận những thói hư, tật xấu của xã hội chung quanh. Nhưng nhờ sự hy sinh của bố, tình thương của mẹ, tôi vươn lên, đứng dậy, vượt qua thân phận kẻ nghèo hèn như một chuyện thần thoại khó tin. Tôi đã bước vào đời, giúp đỡ mẹ cha ngay từ khi còn là thằng bé 13, 14 tuổi. Ở cái tuổi ngây ngô đó, tôi đã thoát khỏi bao nhiêu những bẫy rập của sự tha hoá, đồi truỵ. Những cái đó sẵn sàng huỷ hoại bất cứ đứa trẻ dại khờ, yếu đuối nào rơi vào chiếc vòng quay quái quỷ của chúng.

Với 28 năm dài đằng đẵng đó, ngoài những bài học đức dục làm người từ những vị thầy đáng kính trong học đường, tôi đã nhận được những bài học có phạm vi rộng rãi, bao quát hơn trong cuộc sống, đó là từ bà mẹ quê mùa nhưng rất đáng tôn vinh của tôi. Những bài học làm người được dựa trên tình yêu và cảm thông, nhưng quan trọng nhất là lòng tin của mẹ dành cho tôi. Chính lòng tin gần như tuyệt đối đó đã cho tôi sức mạnh mãnh liệt, giúp tôi khôn ngoan để vượt qua những khó khăn trong cuộc đời quá nhiều nhá nhem của tôi vậy.

Trong bài viết cuối năm, mừng xuân mới này, tôi muốn dành một khoảnh khắc hoài niệm để viết về những mẩu chuyện nho nhỏ đã có giữa tôi và mẹ, coi như một nén hương tưởng nhớ, tôn vinh dành riêng cho người mẹ quê mùa, thất học nhưng tôi mãi mãi kính yêu. Những mẩu chuyện tôi viết trong bài không theo tuần tự của thời gian mà dựa trên sự cảm xúc của tôi về mẹ.

&

Mẹ tôi và cô gái bán bar

Vào khoảng năm 1961 hay 1962, gia đình tôi rời bỏ xóm Tre, Tô Hiến Thành dọn sang một căn nhà 2 tầng, mỗi tầng có diện tích khoảng 35 mét vuông trong hẻm 521 đường Lê Văn Duyệt. Một nửa tầng trệt của căn nhà dành cho việc chất chứa và ủ chuối của mẹ tôi, một nửa khác dành cho phòng ngủ của bố mẹ, còn phía sau là bếp, WC, buồng tắm. Tầng trên lầu dành cho ông nội và 7 anh em chúng tôi. Với 10 người sống trong một diện tích nhỏ bé như vậy, việc tìm chỗ học hành của tôi rất khó khăn, nhất là khi tôi lên trung học đệ nhị cấp và đại học.

Ban ngày, ngoài giờ học tại giảng đường và tìm những công việc lặt vặt như dạy kèm, giúp mẹ trong việc buôn bán sinh nhai. Ban đêm tôi mới về nhà ngủ còn việc ăn uống tại nhà coi như rất hiếm. Với hoàn cảnh như vậy, việc học hành của tôi từ lớp đệ nhị (lớp 11) đến hết đại học phần lớn tại thư viện Đắc Lộ, đường Yên Đổ, Sàigon. Đây là một thư viện của một ngôi nhà thờ công giáo. Phần trước, sát đường lộ là một dãy nhà đúc 2 tầng rộng lớn, được gọi là thư viện nhưng thực ra là 2 căn đại sảnh rất lớn có hàng nhiều chục dãy bàn ghế dành cho hội viên ngồi học, mà phần lớn là sinh viên. Muốn vào thư viện phải có thẻ hội viên và đóng niên liễm hằng năm. Thư viện mở cửa quanh năm, kể cả thứ bảy, chủ nhật từ 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Lúc 9 giờ đêm đóng cửa lần thứ nhất, không cho ai ra hay vào. Lần đóng của thứ hai vào lúc 10 giờ cho những người ở lại học và không về sớm lúc 9 giờ. Thư viện được kiểm soát và điều hành rất nghiêm khắc bởi một vị linh mục Tây biết tiếng Việt khá tốt. Giờ giấc đóng, mở cửa cũng như sự yên lặng, sự sạch sẽ... được tôn trọng tối đa, kẻ phạm luật sẵn sàng bị thu hồi thẻ hội viên và cấm vào thư viện.

Suốt nhiều năm trời, hằng ngày bất cứ khi nào có thời gian kể cả ngày nghỉ hay gặp những ngày có giáo sư nào nghỉ dạy bất thường, tôi luôn luôn bê sách, ôm courses đến để học vì tại đó không khí học hành rất tốt. Nhất là nhờ sự kiểm soát của vị linh mục nên không có chuyện lộn xộn, ồn ào. Có một khoảng thời gian tôi không đến Đắc Lộ học vì được người bạn cho ở nhờ một căn nhà nhỏ riêng biệt tại khu giáo xứ Nghĩa Hòa. Ở đây tiện lợi cho việc học hành và ăn uống của tôi hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, người bạn của tôi vào quân đội, nên phải trả lại căn nhà và tôi lại đến thư viện Đắc Lộ để học cho đến khi tốt nghiệp. Việc học của tôi được trôi suốt phần rất lớn là nhờ thư viện Đắc Lộ đã cho tôi chỗ học cũng như tạo cho tôi cái không khí để chăm chỉ học.

Vào khoảng thời gian tôi đang học năm thứ nhất đại học (1966), lúc đó tôi đã sắm được một chiếc xe Suzuki, 50cc dành cho việc đi học, hay làm thêm cũng như giúp mẹ trong việc sinh nhai. Hằng ngày tôi đều đến thư viện Đắc Lộ để học đến 10 giờ đêm là thời điểm thư viện đóng cửa hoàn toàn, mọi người phải ra về. Với thời điểm chưa quá khuya đó, nhiều khi tôi lái xe chạy long nhong xem thành phố ban đêm trước khi về nhà đi ngủ. Cũng nhờ những chuyến lang thang ban đêm đó, tôi quen biết vài ba người, họ sinh nhai bằng việc dùng xe gắn máy chở các người lính Mỹ (GI) hay các cô gái làm việc tại các quán bar ở trung tâm Saigon. Qua sự chỉ dẫn của họ, tôi đã nhập cuộc để kiếm thêm thu nhập sau 10 giờ đêm, khi ra khỏi thư viện.

Tôi còn nhớ rất kỹ, cứ một lần chở một người lính Mỹ từ một quán bar nào đó tại trung tâm Saigon đến căn cứ Mỹ tại Khánh Hội hay Tân Sơn Nhất được 1 dollar đỏ (đổi chợ đen khoảng 350- 400 đồng, so với việc bán chuối của mẹ tôi trên lề đường, có lẽ hằng ngày nếu khá lắm cũng chỉ lời đến 200 hay 250 đồng là nhiều!) Với các cô gái bán bar, họ trả ít hơn và phần lớn bằng tiền Việt, rất hiếm khi họ trả bằng dollar, mỗi chuyến khoảng 100 - 150 hay quá lắm là 200 đồng.

Tuy nhiên cuộc kiếm ăn đó không dễ dàng, sự may rủi vẫn là yếu tố rất quan trọng, nhất là tôi chỉ làm việc khoảng 1 hay quá lắm 2 tiếng đồng hồ vào đêm khuya. Với thời gian ngắn ngủi đó, tìm được một người khách (Mỹ hay Việt) cho mỗi ngày được coi là không dễ. Thời gian đầu tiên, chưa quen biết, tôi trở về nhà với cái túi trống không là chuyện rất bình thường. Nhưng sau vài ba tuần lễ, tôi đã tìm được một mối làm ăn có tí chút đều đặn và không phải lang thang, tốn xăng, kiếm khách nữa.

Sau vài lần chuyên chở tôi quen một cô gái tên Ngọc, làm cho quán bar, tôi không còn nhớ tên, nhưng quán khá nhỏ, 2 tầng ngay góc đường Hai Bà Trưng và đường Mạc thị Bưởi ngày nay, đối diện với nhà máy làm nước đá hay bia BGI (?) thời xưa. Quán bar cũng chỉ cách một đoạn ngắn là đến công trường Mê Linh. Ngọc và một người bạn gái tên Thi cũng bán bar tại trung tâm Saigon nhưng khác chỗ. Cả hai cùng sống với nhau tại một căn hộ trong một ngõ hẻm nhỏ, khá sâu trên đường Trương Minh Giảng (Nguyễn văn Trỗi). Hằng ngày cả hai đều lên trung tâm Saigòn làm việc từ 7 giờ 30 tối đến 11 giờ đêm cho những quán bar gần như dành cho lính Mỹ vào ăn uống và vui chơi. Lúc đi làm, khi trời chưa quá tối, còn đông người nên cả hai thường đi bộ ra ngoài đường rồi dùng xích lô lên Saigon làm việc. Ban đêm, trời khuya, vắng vẻ, taxi không thể vào trong hẻm được và nhất là họ thường không về cùng lúc nên phải dùng xe honda (xe ôm hiện nay) chở vào tận nhà là tiện lợi và an toàn nhất.

Trong vài lần chở Ngọc, qua những cuộc nói chuyện lúc chạy xe, sự tin tưởng đã có giữa tôi và Ngọc. Giá cả cũng như phương thức chờ đợi để chở Ngọc về nhà vào ban đêm được chúng tôi qui định rõ ràng. Hằng ngày tôi học tại thư viện Đắc Lộ cho đến khi thư viện đóng cửa hoàn toàn vào lúc 10 giờ đêm. Tôi lấy xe, chạy lòng vòng hay đi đâu đó rồi đúng 11 giờ đêm đến đậu xe, chờ Ngọc ở phía bên kia đường, đối diện với quán bar. Nếu sau 11 giờ 30 phút mà không thấy Ngọc đi ra, tức là hôm đó Ngọc “bận” và không đi xe. Tóm lại việc đón Ngọc chở về nhà không phải là chuyện chắc chắn, còn tuỳ thuộc vào “công việc làm ăn đặc biệt” của cô ta. Tuần lễ nào được 3 hay 4 lần, với tôi đã là một may mắn lắm rồi.

Còn việc trả tiền công chuyên chở cho tôi, cũng rất vi vu, không nhất thiết mỗi lần đi là một lần trả. Thông thường cứ 2 hay 3, đôi khi 4 lần Ngọc mới trả cho tôi một lần. Tuy nhiên cô ta luôn luôn trả cho tôi cao hơn giá qui định và chưa bao giờ ít hơn hay quên lãng. Ngoài ra còn một niềm vui khác, đôi khi làm cho tôi cảm động. Thỉnh thỏang khi chở cô ta trên đường về, Ngọc nói tôi tạt vào một quán ăn nào đó và tôi luôn luôn được cô ta trả tiền cho món ăn khuya.

Hằng ngày khi ra khỏi thư viện Đắc Lộ lúc 10 giờ đêm, thay vì đến quán bar vì còn quá sớm. Tôi chạy xe đến công viên dọc bờ sông Sàigòn, đối diện với công trường Mê Linh, dựng xe bên lề đường rồi tìm một chỗ ngồi chờ cho đến giờ đi làm việc. Có thể là chiếc ghế đá hay những thanh ngang chạy dọc theo bờ sông, tôi ngồi hóng mát hay suy nghĩ vẩn vơ như một kẻ nhàn hạ trong đêm khuya. Cũng có lúc chạy xe xa hơn một tí, đến nơi đối diện với khách sạn Majestic, cũng tìm một chỗ ngồi đưa mắt nhìn lên tầng sân thượng của khách sạn. Trên đó có lẽ là quán ăn hay vũ trường, vài ba cặp nhân tình ôm nhau ẩn hiện dưới bóng đèn nhiều màu mờ ảo, trong khi những âm thanh dồn dập từ những bản nhạc kích động hay êm nhẹ, réo rắt của những bản hoà tấu vang vọng xuống phía dưới. Âm thanh dù không rõ nét lắm vì đã bị nhòa bởi không gian và tiếng ồn của xe chạy qua, nhưng trong cái vắng vẻ hòa trộn với bóng đèn mù mờ từ những cột đèn đêm bên đường hay từ những khung cửa kính của khách sạn hắt ra, đôi khi cũng mang lại cho tôi cảm giác buồn nhè nhẹ. Cái buồn vu vơ, không lý do của một sinh viên nghèo đang tìm cách sinh nhai bằng một công việc không giống ai!

Tuy nhiên, đôi khi nghe những âm thanh đó lại cho tôi cái cảm giác trái ngược, tôi thấy thú vị khi tưởng tượng ra mình nhìn thấy những âm thanh rơi rụng, bay là là từ trên cao xuống phía dưới chứ không phải tôi nghe thấy nó bằng thính giác. Dù biết rằng đó chỉ là những âm thanh dư thừa không dành cho mình nhưng hình như có những lúc, nó lại làm cho tâm hồn tôi như lơ lửng trong cái khoảng không gian vắng vẻ, hiu quạnh của Sàigon về đêm.

Rồi khi đồng hồ gần 11 giờ khuya, từ công viên dọc theo bờ sông tôi chạy xe đến chỗ đợi chờ để chở Ngọc về nhà nếu cô ta yêu cầu. Sau 11 giờ 30 khuya, không thấy Ngọc xuất hiện tức là ngày đó cô ta không có nhu cầu và tôi thong dong chạy xe về nhà với cái túi trống không, coi như có một tối lang thang. Đó là một việc làm kiếm tiền không đều đặn, không chắc chắn nhưng hình như có tí mùi văn nghệ của thời sinh viên đáng nhớ trong cuộc đời tôi vậy.

Một hôm, khi chở Ngọc về nhà, lúc xuống xe, Ngọc cho biết cô bạn (tên Thi) hôm nay không về nhà nên Ngọc muốn tôi đến chở cô ta đi làm việc vào lúc trước 7 giờ tối ngày mai. Dĩ nhiên là tôi đến đúng giờ như lời yêu cầu. Vừa ngồi trên xe Ngọc cho biết chưa ăn cơm tối nên muốn cùng tôi đi ăn cơm trước khi đi làm việc. Với tí ngần ngại tôi cho Ngọc biết là tôi muốn chở Ngọc đi làm rồi phải trở về nhà lấy một số sách vở mang lên thư viện học vì ngày mai tôi có cuộc thi. Nghe tôi nói, Ngọc trả lời:

- Chẳng có gì phiền phức cả, anh chở Ngọc cùng về nhà lấy sách rồi đến quán bar sau cũng được. Trên đường đi chúng ta tạt vào một hàng quán nào đó cùng ăn cơm, thế là xong, không có gì rắc rối. (cô ta nói thêm) Hôm nay Ngọc có thể đến bar muộn tí chút cũng không sao vì quán đang sửa chữa.

Với xếp đặt rất hợp lý như vậy, tôi chẳng có lý do gì từ chối, nhưng tôi tự hỏi, việc chở Ngọc về nhà có thực sự không gây ra những phiền phức cho chính tôi và gia đình không? Trong nhiều tháng qua chở Ngọc đi làm, chúng tôi cũng có những lúc gần gũi, kể lể cho nhau nghe tí chút riêng tư, nhưng cũng chỉ quanh quẩn những chuyện cá nhân mà thôi, gần như chưa ai nói gì về gia đình của nhau. Tôi cũng chỉ biết thoáng qua, Ngọc từ miền quê của một tỉnh vùng đồng bằng Cửu Long vì chiến tranh và nghèo túng nên phải lên Sàigon kiếm sống, gửi tiền về cho gia đình nuôi mấy đứa em ăn học. Ngược lại Ngọc cũng chỉ biết tôi là một sinh viên, ngoài giờ học, đi làm đủ mọi việc để có tiền chu cấp cho việc học hành và nếu có hơn thì giúp đỡ gia đình tí chút. Chỉ có vậy, toàn là những chuyện vu vơ hằng ngày mà thôi. Nhưng đã đồng ý rồi, thì phải làm, hơn nữa việc chở Ngọc về nhà cũng chẳng có gì quan trọng, có gì đâu mà phải giấu cô ta? Nghĩ như vậy nên tôi vẫn bình thản lái xe cùng với Ngọc về nhà.

Dựng chiếc xe, để Ngọc đứng bên ngoài hàng dậu trước nhà rồi tôi vội vàng lên lầu lấy sách vở. Ngọc bình thản đứng chờ, với chiếc váy mini cũn cỡn, hở hang lại thêm chiếc áo mỏng ngắn như một dải yếm mong manh lộ rõ làn da trắng của bộ ngực căng phồng đầy vẻ khêu gợi thêm vào đó mái tóc loà xoà, bềnh bồng càng làm nổi bật khuôn mặt đầy son phấn của Ngọc. Ngọc đúng nghĩa là một cô gái của bóng đêm, đèn màu, hoàn toàn không hợp dưới bóng đèn neon trắng đục của cái xóm nghèo, bình dân nơi gia đình tôi cư ngụ.

Chẳng cần quan sát nhưng tôi cũng biết chắc chắn, ngay khi tôi dừng xe đã có hàng chục cặp mắt tò mò, xoi mói của hàng xóm đổ dồn vào Ngọc và tôi với những lời bàn tán không có nhiều thiện cảm. Nhưng biết làm sao, khi chuyện đã xảy ra? Từ trong nhà, dù đang loay hoay với việc “dấm” chuối, mẹ tôi cũng dừng tay, chau mắt ngắm nhìn Ngọc với khá nhiều thắc mắc, vì đây là lần đầu tiên tôi mang một cô gái có bề ngoài như vậy về nhà. Dù cô ta chỉ đứng bên ngoài, nhưng cũng làm cho bà phải ngại ngần, im lặng nhìn theo thằng con trai đang vội vàng đi lên lầu mà không nói với bà một lời giải thích nào .

Còn Ngọc, im lặng với vẻ bâng quơ đứng bên cạnh chiếc xe gắn máy của tôi, ra vẻ không chú ý đến chung quanh. Nhưng tôi biết chắc chắn qua khung cửa sổ rất lớn, gần như chiếm phần lớn mặt tiền căn nhà, cô ta cũng đã nhìn thấy mẹ tôi trong chiếc áo bà ba màu xám nâu nhem nhuốc nhựa chuối đang kín đáo nhìn cô ta với ánh mắt ngạc nhiên, tò mò.

Nhưng rồi mọi việc cũng xong, với tập sách vở trong tay, tôi chỉ nói với mẹ vài ba câu từ giã và ra xe chở Ngọc đi như dự tính. Lúc ngồi ăn phở, hình như hoàn cảnh sống của gia đình tôi đã làm cho Ngọc có tí chút tò mò. Ngọc hỏi tôi khá nhiều về sự sinh nhai của của bố mẹ và toàn thể gia đình tôi. Tôi cũng chẳng có gì để giấu giếm, với tôi Ngọc cũng chỉ là một người khách qua đường, có dịp thì tâm sự sơ sài với nhau về cuộc sống riêng tư của nhau, chẳng hại gì. Dĩ nhiên cũng có những cái không thể nói ra được, vẫn phải giữ ở một mức nào đó trong sự quen biết. Với Ngọc, qua nhiều tháng chở cô ta đi làm việc, dĩ nhiên tôi và cô ta cũng có phần nào gần gũi hơn, nhưng cũng chỉ là những lo lắng thoáng qua với những việc thường ngày như ốm đau, lộn xộn vì vài ba chuyện bực bội trong công việc, đơn giản thế mà thôi.

Có một điều rất lạ, làm tôi ngạc nhiên khi nghe Ngọc nhận xét về mẹ tôi, dù chỉ nhìn mẹ tôi qua khung cửa sổ. Theo Ngọc, mẹ tôi là một bà mẹ rất hiền thục, trầm lặng, rất tôn trọng con và nhất là kín đáo không phơi bày sự bực mình hay không vui khi nhìn thấy thằng con chở một cô gái như Ngọc đến nhà. Với Ngọc, bên ngoài mẹ tôi là dạng người lam lũ nhưng tâm tư trầm lặng của một người có ăn học. Nghe Ngọc nói, tôi buông tiếng cười nhẹ, nhìn thẳng vào cô gái với khuôn mặt khá xinh nhưng loè loẹt phấn son, tôi trả lời:

- Có lẽ nhận xét của em đúng tất cả về mẹ anh, nhưng chỉ có một điều em sai lầm đó là mẹ anh hoàn toàn không là người trí thức, có ăn học. Ngược lại còn là một người gần như thất học, không biết đọc, biết viết.

Câu trả lời của tôi đã làm cho Ngọc ngẩn ngơ, chau mày đưa mắt nhìn tôi, gật gật mái tóc bập bồng mấy cái, chầm chậm nói rất nhẹ:

- Rất lạ kỳ! Tự nhiên em cảm mến mẹ anh quá, rất muốn một lần nào đó được gặp, nói chuyện với bà một lần. (đưa mắt nhìn tôi với nụ cười dí dỏm trên môi, Ngọc nói tiếp) Anh có thấy phiền phức không?

Không trả lời, tôi chuyển câu chuyện sang hướng khác vì dù sao tôi cũng chưa hiểu được phản ứng của mẹ tôi (và cả lũ em tôi) ra sao với sự việc quá bất chợt, ra ngoài sự hình dung thông thường của mọi người như vừa rồi.

Ngày hôm đó tôi chở Ngọc đến quán Bar làm việc, rồi trở lại với những hoạt động thường ngày. 10 giờ tối, rời thư viện, trầm lặng ngồi dưới ánh đèn mù mờ bên sông Saigon rồi đúng 11 giờ đêm đến chở Ngọc về nhà. Trước khi mở cửa vào nhà, Ngọc mở xách tay đưa cho tôi tờ 1 dollar và nói:

- Gửi anh chi phí cho 2 lần ngày hôm nay.

Cầm lấy tờ giấy bạc, với tí ngạc nhiên tôi hỏi:

- Có quá nhiều không Ngọc? Để anh trả lại tiền thừa.

Đưa tay vẩy nhẹ vài cái về phía tôi, quay mình mở cánh cửa căn nhà, Ngọc nói với theo:

- Không nhiều đâu, đừng nghĩ gì cho mệt.

Tối khuya hôm đó, tôi về nhà rất khuya, ngay khi đẩy chiếc xe vào nhà, hình như mẹ tôi đã đợi từ trước, với tí chút chau mày trong vẻ nghiêm nghị hướng về tôi mẹ hỏi:

- Thế là sao? Cô ta liên hệ với con thế nào? Mẹ nhìn cô ta mà không thể tin vào mắt mình, đó lại là người bạn của con hay sao?!

Đưa mắt nhìn mẹ, tôi mỉm cười với tí chút thích thú, tiếp theo là một tràng giải thích sự quen biết, làm ăn… Để trấn an, tôi cho mẹ biết, giữa tôi và Ngọc chẳng có gì để nói là người bạn bình thường chứ nói gì đến việc mang một người bạn gái với ý hướng tương lai ra mắt gia đình. Mẹ im lặng nghe tôi kể lể, thỉnh thoảng chen vào vài câu hỏi tò mò, nhưng hình như có cái gì đó vui vui vì biết rằng lòng tin vào thằng con trai của bà không nhầm lẫn. Cuối cùng, tôi đã phủi bỏ được tất cả những lo phiền trên mặt mẹ, thay vào đó những nụ cười rất nhẹ cùng với cái liếc mắt chọc ghẹo dành cho tôi. Với nụ cười rất thoải mái, trước khi đi vào phía nhà bếp, mẹ nói với tôi:

- Thế là mẹ yên tâm rồi. Tuy nhiên con không nên để cho cô ta đứng bên ngoài, dù sao cũng là người tốt với con, lần sau con nên mời cô ta vào nhà, có lẽ tốt hơn.

Rồi liên tiếp 4 ngày sau đó, 10 giờ đêm, thư viện đóng cửa, tôi vẫn lên Saigòn lang thang tí chút ở công viên, thả hồn theo làn gió hơi lành lạnh về đêm của bến Bạch Đằng rồi đến chỗ chờ Ngọc như qui định. Nhưng tôi lại phải trở về nhà, coi như một ngày không thu hoạch. Chỉ duy nhất một ngày, lúc đứng chờ, tôi thấy Ngọc khoác tay một người lính Mỹ từ trong quán bar đi ra, nhìn thấy tôi Ngọc đưa tay vẫy vẫy ra ý nói tôi đi về.

Nhưng đến ngày thứ năm, Ngọc ra khỏi quán, bước xuống mặt đường, vẫy tay chờ tôi đến, và hôm đó tôi có việc làm. Tối khuya trên đường về tôi lại được Ngọc mời bữa ăn đêm và Ngọc cho biết hôm nay, cô bạn Thi cũng không về nhà và yêu cầu tôi ngày mai đến chở cô ta đi làm, nhưng sớm hơn thường lệ, tốt nhất là trước 6 giờ tối. Dĩ nhiên, chẳng có gì khó khăn với tôi vì 6 hay 7 hay muộn hơn, nhất là vào buổi tối .

Tối hôm sau, tôi đến nhà Ngọc khoảng 6 giờ tối. Chưa kịp ngồi lên xe, Ngọc đã yêu cầu tôi, trước khi đến chỗ làm việc, cô ta muốn ghé qua nhà tôi, thăm mẹ tôi và có tí quà cho bà. Với khá nhiều ngạc nhiên, tôi đưa mắt chau mày nhìn Ngọc ra vẻ không tin với yêu cầu khá bất ngờ của cô ta. Có lẽ nhìn thấy thái độ của tôi, vừa ngồi lên xe, Ngọc vừa nói:

- Có gì đâu mà anh lo lắng thế? Em chỉ đến thăm và nói chuyện tí chút với mẹ anh mà thôi. (không để cho tôi trả lời, Ngọc cười nói tiếp) Nói thật nhe! Chẳng biết tại sao em có cảm tưởng mẹ anh có cái gì gần gũi và rất dễ mến thì phải?

Với tôi lời yêu cầu của Ngọc, chẳng có gì được gọi là khó khăn để tôi phải lưỡng lự hay chối từ, bởi vì tôi biết chắc chắn mẹ tôi đã hiểu quá rõ vấn đề rồi. Nhưng thành thật mà nói cũng đã làm cho tôi có tí chút ngạc nhiên.

Cũng như lần trước, những khuôn mặt, ánh mắt tò mò của hàng xóm cũng dán vào chiếc jupe cũn cỡn, chiếc áo mỏng dính, khuôn mặt, cặp môi tô hồng với phấn son của Ngọc, ngay khi tôi dừng chiếc xe sát cửa nhà. Chỉ có khác là lần này Ngọc không đứng ngoài mà vui vẻ mỉm cười bước theo tôi đi vào trong nhà. Còn mẹ tôi và mấy đứa em thì ngẩn ngơ đứng nhìn. Ngay cả mẹ tôi, có lẽ nếu không có tiếng chào của Ngọc thì bà vẫn còn chưa ra khỏi vẻ đờ đẫn:

- Con chào dì Hai, dì có khoẻ không? (Có lẽ phải là dì Ba mới chính xác, bố tôi có một người anh ruột!)

Lời chào khá to, như đã từng quen biết của Ngọc đã làm mẹ tôi hoàn hồn, bà cười rất tươi, đưa tay kéo chiếc ghế gỗ, rất thân thiện bà mời Ngọc:

- Mời cô ngồi chơi. Xin lỗi nhà cửa bề bộn quá!

Ngọc cũng chẳng e dè ngồi vào chiếc ghế mà mẹ tôi kéo ra gần phía cô ta. Thế là những câu trò chuyện cởi mở, thân tình rất vui về đủ mọi lãnh vực, từ quê hương đến cha mẹ anh em..v..v.. Nhưng không một câu nào mẹ tôi hỏi đến công việc làm của Ngọc, đó là điều mà tôi rất cảm phục sự tế nhị của mẹ. Bà trầm lặng, rất thận trọng trong lời nói, im lặng lắng nghe, không có những câu nói xỏ xiên hay tò mò mang cho Ngọc có cảm giác đang bị điều tra, xoi mói về những cái mà cô ta không muốn nói. Cuối cùng Ngọc mở chiếc cặp xách tay, đưa tận tay mẹ tôi 2 thẻ Chocolat và một bịch trà Lipton.

Cuộc thăm viếng của Ngọc không có tí gì để gọi là ngăn cách, nếu không muốn nói là có quá nhiều nụ cười thích thú trong đối thoại giữa Ngọc và mẹ cũng như mấy đứa em gái của tôi. Có lẽ đây cũng là điều rất độc đáo của gia đình tôi. Bất cứ bạn bè của anh em chúng tôi, nhất là của tôi khi còn là học sinh, sinh viên hay lúc ra đời đi làm việc cũng như nhân viên của tôi, ai đến nhà chơi, hay vì công việc đều được tiếp đãi rất ân cần và tôn trọng trong giao tiếp.

Cũng như lần đến nhà tôi trước kia, sau khi từ giã gia đình tôi, tôi và Ngọc đến quán cơm bên hông chợ Tân Định để ăn bữa tối trước khi chở Ngọc đến nơi làm việc cách đó không xa. Trong lúc ăn cơm, Ngọc đã không tiếc lời khen sự khôn khéo, cởi mở cũng như sự hòa nhã nồng ấm với tấm lòng đôn hậu của mẹ tôi. Tôi mỉm cười, trả lời sơ sài nhưng trong lòng đầy vẻ tự hào về bà mẹ của mình. Nhận xét của Ngọc về mẹ tôi rất chính xác, bởi vì đó là sự thật. Nhất là với tôi, mẹ tôi chưa bao giờ dù chỉ một lần nghi ngờ hay không tin vào tôi, khi tôi đã cho bà biết tất cả những gì bà thắc mắc về bạn bè hay người quen của tôi. Ngay từ khi ở tuổi 14, 15, tôi đã bao lần dẫn bạn trai cũng như gái về nhà, chưa một lần nào mang đến cho bà những rắc rối, không vui. Đã thế qua quen biết giữa tôi và bạn bè đã nối kết sự thân tình giữa gia đình cũng như họ hàng của bạn với gia đình chúng tôi. Tình thân giữa chúng tôi đến nay dù thời thế đổi dời, không gian cách trở mà vẫn sắt son. Đó là nhờ sự chân tình, thật thà và đạo đức của bố mẹ tôi vậy. Không phải là niềm tự hào của tôi sao?

***

Tôi chuyên chở Ngọc được khoảng gần một năm, cho đến khi tôi được gia đình một người bạn cho ở nhờ hẳn một căn nhà nhỏ riêng biệt tại khu giáo xứ Nghĩa Hòa. Nơi đó rất thuận tiện cho việc làm thêm của tôi trong lãnh vực chăn nuôi. Cũng thời gian sống ở đó tôi đã tạo được cơ ngơi chăn nuôi riêng biệt cho riêng tôi và gia đình sau này tại Tân Phú, Bà Quẹo. Với sư thay đổi tốt đẹp đó tôi đã không chở Ngọc đi làm nữa vì đó cũng chỉ là việc kiếm sống không chắc chắn, không đều đặn.Trước khi chia tay, tôi đã giới thiệu Ngọc cho một người chuyên nghiệp chở các cô gái bán Bar kiếm sống ở Saigon.

Cuộc chia tay của tôi và Ngọc ít hay nhiều dĩ nhiên cũng có cái gì đó mông lung níu kéo, nhưng biết làm sao hơn khi cả hai chúng tôi chẳng có mấu chốt nào để giữ được nhau. Làm sao tôi (và có lẽ cả Ngọc nữa) quên được những buổi tối cùng đi ăn đêm hay những lần đêm khuya hơi lành lạnh, Ngọc ôm sát tôi khi chạy xe trong mưa gió? Cũng làm sao quên được lần Ngọc đến thăm gia đình tôi, cái không khí vui nhộn hoàn toàn không ngăn cách của một cô gái lòe loẹt phấn son với bà mẹ nhà quê nhem nhuốc, đó không phải là một lạ lùng trong giao tình rất đáng nhớ hay sao?

Từ ngày chuyển việc chuyên chở Ngọc cho người khác, tôi không còn liên hệ với Ngọc, cũng chẳng bao giờ dừng xe lại góc con đường nơi mà tôi vẫn chờ đợi để chở Ngọc về nhà vào lúc đêm khuya nữa. Tôi cũng không một lần nào tạt vào thăm Ngọc tại căn nhà lầu đúc hai tầng trong ngõ hẻm ngoằn ngoèo trên đường Trương Minh Giảng, nơi mà Ngọc cư trú. Sự quen biết của tôi và Ngọc chỉ có thế, đúng nghĩa một thoáng qua, không có gì nhiều để phải buồn phiền, tiếc nuối khi chia tay và cũng dễ dàng đi vào quên lãng.

Nhưng bến Bạch Đằng với những chiếc ghế đá, những thanh sắt bắc dọc bờ sông thì sau này khi đã rời xa Ngọc, tôi vẫn đến đó với một người con gái khác. Chúng tôi quen nhau khoảng 5 năm sau ngày tôi không chuyên chở Ngọc nữa. Lúc đó tôi đã tốt nghiệp và đi làm việc tại Cần Thơ. Vào những dịp từ Cần Thơ về Saigon, tôi và cô bạn rất thường lên đó, tìm một chỗ ngồi hóng gió hay nói chuyện vu vơ. Chúng tôi đã bao lần đưa mắt nhìn những âm thanh, những nốt nhạc từ trên gác thượng của Khách sạn Majestic tung rơi lã chã xuống mặt đường phủ che lên hai chúng tôi. Rồi đầu năm 1974 chúng tôi tạm biệt nhau khi tôi đi Nhật và tiếp theo là những gió bão của cách ngăn, cô bạn của tôi đã ra người thiên cổ còn tôi thì mãi mãi là một kẻ viễn xứ nhưng vẫn ôm những ký ức buồn.

Đôi lần khi về VN, tôi cũng chợt nhớ đến Ngọc, tôi tự hỏi bây giờ cô gái đó ra sao? Về đâu? Có hạnh phúc không hay tàn tạ với kiếp già nua của một cô gái hết thời son phấn? Nghĩ đến Ngọc, trí nhớ tôi lại kéo tôi về với bài thơ “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu. Ý của bài thơ chính xác làm sao! Buồn làm sao!Và cũng lãng mạn làm sao! Chỉ tưởng tượng ra cảnh người du khách nhất định “Gỡ tay vướng” để ra đi, không một tí băn khoăn, lưỡng lự dù người kỹ nữ đã nài nỉ, cầu xin anh ta ở lại. Đọc bài thơ,bất cứ ai có một tấm lòng (dù rất ít) cũng phải ngậm ngùi, đau buồn:

……………….
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả,
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng, và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
………………….
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi
Người viễn du lòng bận nhớ xa khơi
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước.

Đúng như vậy, cảnh tượng ngơ ngác của cô gái trong khung cảnh hư vô trống vắng khi người tình của mình đã đi, chỉ còn lại tiếng gà xao xác! Buồn bã lắm thay:

…………….
Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi. Du khách đã đi rồi.

Cũng với cảnh “gỡ tay vướng” để ra đi của kẻ ôm mộng hải hồ, nhưng tôi không thích cái vẻ quyết liệt buông xuôi của anh chàng Ly Khách trong “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm. Với tôi hành động của anh ta có tí chút “bạo lực , vô tâm”! Chỉ vì chí lớn mà phải phủi bỏ cả tình thân của em, của chị và cả của mẹ để ra đi! Cuộc dứt áo ra đi này quá cứng ngắc, không mang sắc thái lãng mạn, ướt át chất chứa đa tình của người Viễn Khách trong bài “Lời Kỹ Nữ” của Xuân Diệu.

………………
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
……….
Người đi? Ừ nhỉ người đi thực.
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say!
&


 
Mẹ tôi và niềm tin “ Bói Kiều”

Mẹ tôi là con gái trưởng của một gia đình tàm tạm khá giả trong một làng quê thuộc tỉnh Nam Định. Dưới mẹ tôi có 3 người cậu và một bà dì. Tất cả các em của mẹ tôi đều được ăn học vào dạng cũng khá trong làng, sau này tất cả đều có chút thành danh trong xã hội. Riêng mẹ tôi thì không được đi học như các em, có lẽ xã hội phong kiến thời đó phụ nữ không dễ dàng được chấp nhận theo việc đèn sách, nhất là ở vùng quê. Cũng có thể vì ông bà ngọai tôi có khá nhiều ruộng vườn cho nên việc coi sóc tá điền, thâu hoạch buôn bán nông sản của gia đình cần đến mẹ, người con gái lớn trông coi. Riêng với bà dì, em gái mẹ tôi thì được học hành ở mức tàm tạm, đó là nhờ phong trào “bình dân học vụ” của Việt Minh tại những nơi mà họ kiểm soát (hầu hết ở miền quê). Tôi còn nhớ, khi còn là thằng bé 3, 4 hay 5 tuổi, Việt Minh họ thường mang những tấm bảng hay tờ giấy có viết chữ quốc ngữ, đứng ở chợ hay cổng làng đưa cho bất cứ người nào đi qua, bắt họ đọc. Ai không đọc được thông suốt theo ý họ sẽ bị ghi tên và cưỡng bách đến các lớp ban đêm để học.

Chính nhờ phong trào cưỡng bách này mà mẹ tôi biết viết và đọc chút ít, tuy nhiên với thời gian việc viết chữ của mẹ tôi coi như không! Còn về đọc thì cũng rất chậm, thường phải đánh vần từng chữ và là chữ dạng in ấn, còn dạng viết tay không rõ ràng thì mẹ tôi coi như thua! Lúc còn bé, thời còn là học sinh tiểu học, tôi cũng dạy mẹ tôi tí chút nhưng cũng chỉ ở mức làng nhàng mà thôi. Riêng dì của tôi, nhờ còn trẻ hơn và lại có tính ham học, tiếp tục học cao hơn nên khá hơn mẹ tôi rất nhiều.

Trình độ “thất học” của mẹ tôi như vậy, nhưng có một vài dữ kiện liên quan đến mẹ làm tôi khá ngạc nhiên. Mẹ tôi nhớ khá nhiều nhịp phách cũng như lời hát của những bài hát cổ xưa của Việt Nam như hát chèo, hát xẩm, hát đối, hát quan họ..v..v.. Thỉnh thoảng, lúc nhàn rỗi, nhất là khi trên đài phát thanh có chương trình nhạc truyền thống miền Bắc, tôi thường thấy mẹ lắng nghe và lẩm bẩm hát theo. Ngoài ra mẹ tôi còn có một tập “Truyện Kiều” nhỏ khoảng bàn tay, bìa màu nâu sậm. Tôi cũng không biết mẹ có nó từ bao giờ và từ đâu, chỉ thấy khi tôi học bậc tiểu học đã thấy bà gìn giữ nó rồi.

Ở cái tuổi “con nít” đó, dù biết là truyện Kiều nhưng tôi hoàn toàn mù tịt không biết gì về nội dung của nó. Nhưng khi bước lên bậc trung học tôi đã hiểu và còn có rất nhiều thích thú khi đi sâu vào nội dung của tác phẩm. Rất nhiều lần, những khi gia đình tôi có điều gì khó khăn hay mù mờ không biết giải quyết ra sao. Chẳng hạn như lần tôi đi thi bằng tiểu học hay bố tôi bị đổi lên sư đoàn 22 bộ binh hay bố và em tôi bị tai nạn xe ô tô tại đèo Bảo Lộc phải nhập viện..v..v.. Trong những lần bối rối đó tôi thường thấy mẹ tôi cầm cuốn Kiều lên với vẻ thành kính cầu khấn rồi mở ra, đưa trang bên phải (trai tay trái, gái tay mặt) nói tôi đọc to, chậm rãi cho bà nghe. Rồi bà im lặng, trầm tư suy nghĩ một lúc rồi dựa vào ý nghĩa của những câu Kiều đó mà tính toán buồn vui hay khuyên nhủ cho một quyết định gì đó liên quan đến những sự kiện mà bà đang lo lắng hay cầu mong.

Tôi còn nhớ một lần, lúc đó tôi đã thi xong và đậu bằng tiểu học. Tiếp theo, phải chuẩn bị thi vào lớp đệ thất trường trung học công lập. Lúc đó gia đình tôi còn quá nghèo, sống chui rúc trong Xóm Tre, Tô Hiến Thành. Bố mẹ thì thấp kém, không kiến thức. Còn tôi, thằng bé 13 tuổi vẫn mù mờ với thi cử. May mắn sao, ngày hôm đó, tôi xách nước “phông tên” mướn cho một cặp vợ chồng người miền Nam, tên là chú Úc (hay Út?). Vợ chồng chú biết tôi vừa xong bằng tiểu học và thấy tôi học hành cũng khá. Chú khuyên tôi nên nộp đơn và thi vào trường Chu Văn An, lý do tôi là người Bắc, còn trường Pétrus Ký là trường cho người miền Nam. Nghe chú Úc nói vậy, về nhà nói với Bố và ông đã dẫn tôi đi nộp đơn thi tuyển vào lớp đệ thất.

Vào ngày thi, lúc chờ đợi bố dẫn đi thi, mẹ tôi gọi tôi vào và nói tôi hãy thành tâm cầu nguyện cô Kiều, Đại vương Từ Hải phù hộ cho được may mắn. Nói thật lúc đó tôi cũng chẳng biết gì, mẹ nói sao thì làm vậy nên nhắm mắt cầu khấn rồi mở cuốn Kiều ra, đưa cho mẹ. Bà cầm lên ngắm nghía tí chút (vì có đọc được đâu?), đưa trang bên trái cho tôi đọc. Nghe xong, bà ngẫm nghĩ một lúc rồi với vẻ trịnh trọng nói với tôi:

- Theo ý nghĩa của những câu Kiều mà con vừa đọc, chắc chắn con sẽ đậu!

Lạ kỳ thay! Lần thi đó tôi đậu thật. Lần thi đậu đó đã ghi sâu vào trí nhớ tôi suốt đời bởi vì là một chiến thắng đầu đời, rất oai dũng của tôi. Tôi còn nhớ rất kỹ, năm đó có gần 700 thí sinh, chỉ chọn 110 cho 2 lớp đệ thất 7P và 7A, tôi đậu vào hạng 66 (không dở!). Nhất là trường Chu Văn An rất khó, vì là trường nổi tiếng, và cũng là trường chuyên đào tạo học sinh đệ nhị cấp (ban tú tài) nên thu nhận học sinh ít hơn so với các trường công lập khác trong Sàigon như Nguyễn Trãi, Võ Trường Toản v..v... Chưa kể nạn quen biết, xin cho!

Tôi lớn dần trong quá nhiều biến chuyển, gió bão của gia đình, nhất là thời gian cuối ban tiểu học và đầu ban trung học. Mẹ tôi bị bệnh nặng suýt chết, bố tôi bị đổi lên Kontum, tôi đi bán báo và làm nhiều chuyện (dù vô tình) rất gần với tội phạm… Việc học của tôi bết bát từ năm đệ lục kéo dài đến hết năm đệ ngũ. Nhưng cũng may khi bước sang năm đệ tứ tôi đã vực dậy, tàm tạm cho cuộc thi trung học. Cuối năm đệ tứ, trước ngày đi thi bằng trung học, mẹ cũng bảo tôi cầu nguyện cô Kiều, Đại vương Từ Hải để bói xem kết quả cuộc thi ra sao. Dù lúc đó tôi đã có chút kiến thức về truyện Kiều, nhưng với lời khuyên của mẹ và có lẽ cũng vì sự thiếu tự tin vì học dốt mà ra. Tôi cầm cuốn Kiều lên, vẫn thành tâm khẩn cầu rồi mở sách, đọc cho mẹ tôi nghe. Bà nghe rất thận trọng, ngẫm nghĩ tí chút rồi nói với tôi:

- Con sẽ đậu nhưng rất chật vật, cố lên! Mẹ sẽ đi chùa khấn vái đức Phật phù hộ cho con may mắn.

Rồi tôi đậu thật và đậu hạng bét! (người ta gọi là đậu vớt, nghĩa là đậu chính thức ở điểm số trên 10/20 , nhưng bộ giáo dục thấy sĩ số người đậu ít quá nên cho giảm điểm xuống để tăng người đậu, chẳng hạn 8 hay 9/10… Tôi thuộc dạng đậu vớt!)

Nhưng khi lên ban trung học đệ nhị cấp, tôi học và hiểu kỹ về truyện Kiều. Qua những câu thơ lục bát của cụ Nguyễn Du mô tả vẻ đẹp, tài năng đàn hát, thơ văn… của Thuý Kiều đã làm tôi mê mẩn. Với tôi đó là một áng văn tuyệt vời, bất tử, đầy tính lãng mạn của dân tộc. Tôi đã đến với truyện Kiều trong đam mê và ngây ngất. Với cái nhìn trong sáng của nghệ thuật như vậy thì làm sao tôi có thể tin được cái trò BÓI KIỀU của mẹ tôi được (dù tôi vẫn kính thương mẹ). Mẹ tôi biết tôi không tin, nên cũng không ép tôi phải làm nhưng mỗi khi tôi đi thi hay có việc gì không yên lành, bà thường kín đáo tự bói Kiều cho tôi, và nhờ các em tôi đọc rồi suy giải tìm ra cái “lý ẩn tàng” trong bài bói rồi khéo léo khuyên tôi, mong tôi thay đổi cho hợp với thiên cơ!

Với cái nhìn của mẹ tôi, việc bói Kiều giúp cho mình biết trước việc xảy ra để tìm đường giải quyết vẫn tốt hơn là mù mờ theo số mệnh v.v... Đôi khi tôi cũng chẳng ngại nói thẳng với mẹ, đó chỉ là một chuyện vớ vẩn, không tin. Trong một lần lo lắng vì cuộc thi cử nào đó của tôi, mẹ đề cập đến việc bói Kiều, mong tôi “nhập cuộc”, tôi cười toáng lên và nói:

- Mẹ ơi, con chưa bao giờ biết “học tủ”, con học tất cả các môn học phải thi từ đầu đến đuôi, không bỏ sót bài nào thì làm sao có thể trượt cho nổi? Họa chăng gặp ông giám khảo mù hay dốt mà thôi!

Tôi còn nói thêm:

- Nói thật với mẹ, nếu mẹ nói con cầu khẩn để được lấy cô Kiều làm vợ thì con làm ngay bởi vì con mê mẩn sắc đẹp, tài năng thơ phú, đờn ca của cô ta lắm. Con ghét Từ Hải vì hắn chỉ là một tên cướp mà thôi!

Với những câu trả lời đại loại như vậy, mẹ tôi thường im lặng hay nói vuốt vài câu cho qua chuyện vì bà biết rõ thằng con quá rồi. Chẳng hạn như:

- Thôi tôi can ông tướng! Học tài thi phận không phải là chuyện người ta nói để đùa vui đâu.

Rồi cứ thế, dù hoàn cảnh sống của gia đình tôi có những lúc khó khăn nhưng việc học và tiến thân của tôi vẫn đều đặn tiến bước. Chuyện tin Bói Kiều của mẹ tôi, nghĩ cho cùng cũng là một chuyện rất vui, dù có tí sắc thái của mê tín, nhưng nó không làm hại người khác mà còn tiềm ẩn cái gì đó nho nhỏ mang đậm mầu sắc văn chương nữa là khác. Chẳng hạn trong những lần bói Kiều, khi tôi đọc một đoạn trong truyện Kiều cho bà nghe, bà im lặng đem hết cả tâm hồn, lòng tin của mình vào ý nghĩa của những câu thơ rồi tìm cách hòa nhập nó với một sự kiện nào đó mà bà muốn biết. Cuối cùng bà đưa ra một lời giải thích, nhưng thông thường những lời giải thích đó mang sắc thái của an ủi, khuyên răn hay trấn an người muốn bói chứ không có tính cách dẫn người ta đến tội phạm. Nguyên lý chỉ có vậy, không tốn kém, không gò ép ai … Đó không phải là một dạng đức tin mang tính tao nhã của văn chương sao? Nhất là với một tác phẩm vĩ đại của dân tộc mình. Với lòng tin đó cả đời mẹ tôi vẫn chăm chỉ làm việc và luôn luôn có lối sống đạo đức làm khuôn mẫu chỉ dạy các con.

Riêng cá nhân tôi, đọc Truyện Kiều là một nhã thú tuyệt vời. Hình bóng một cô Kiều tuyệt sắc giai nhân, toàn vẹn về tài năng thi phú, văn chương … Giả sử nếu có chút lãng mạn mà nhận mình là một kẻ thần tượng, yêu say đắm Thúy Kiều, đem hình bóng, tài năng của nàng vào mơ mộng thì cũng chẳng có gì đáng trách. Trong làng văn học Việt nam có biết bao nhiêu người đã ngẩn ngơ vì Thuý Kiều, có gì đâu mà khác thường nhỉ?

Hãy tưởng tượng ra, sau hội Đạp Thanh, trên đường trở về Thuý Kiều chợt trông thấy mả Đạm Tiên, buồn đau cho thân phận của một giai nhân bạc mệnh, với tài năng thơ phú, Kiều đã rút cây trâm trên mái đầu, viết vào vỏ cây một bài thơ cảm tác đầy bi đát thương tâm:

Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây, vịnh bốn câu ba vần.

Rồi cảnh ban đêm Kiều lén lút sang nhà Kim Trọng, đánh đàn cho chàng Kim nghe. Chẳng còn gì để diễn tả hơn được tài năng tuyệt vời của Kiều trong âm nhạc với những câu thơ mà người ta khi đọc lên chỉ biết ngẩn ngơ thưởng thức:

……………
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
…………
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
………….

Tóm lại, với tôi mê mẩn tài sắc của Kiều là thế! Với mẹ tôi đặt niềm tin vào “bói Kiều” cũng là thế. Dù có khác nhau nhưng vẫn là những cái say mê rất văn chương thích thú vậy!

&

Mẹ ơi, con đã cho mẹ một niềm vui

Từ Đà Lạt trở về Sàigon, gia đình tôi sống tại Xóm Tre, 116 Tô Hiến Thành, từ năm 1955 khi tôi học lớp tư ban tiểu học cho đến hết năm 1961, lớp đệ ngũ ban trung học. Tôi đã có rất nhiều ký ức đẹp (cũng như xấu) trong khoảng 6 năm sống tại đó. Đó là một con hẻm rất dài, nhiều ngõ ngách, cư dân rất hỗn tạp, khúc đầu của ngõ là những căn nhà khá to có vườn cây ăn quả và hầu hết là những gia đình khá giả. Đi sâu vào phía trong hẻm, sự nghèo túng và lộn xộn thấy rõ. Thành phần dân cư gần như hầu hết là dân lao động, lính tráng, du đãng và gái điếm. Ban ngày thì có chút đỡ hơn nhưng về đêm thì đúng là đáng sợ, bất an, những cuộc đánh nhau vì gái hay cờ bạc rất thường xảy ra. Thêm vào đó, ngày nào cũng có nạn ăn nhậu, bàn ghế xếp tràn ra cả đường đi của ngõ, hát hò vọng ồn ào suốt đêm, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Suốt thời gian nhiều năm sống tại đó, ít hay nhiều tuổi thơ của tôi cũng bị ảnh hưởng, đó là điều đương nhiên, tôi không phủ nhận. Nhưng có lẽ nhờ tình thương yêu, hy sinh tột cùng cũng như tấm gương quá nhân bản, ngay ngắn, đạo đức của cha mẹ mà tôi đã nên người, vượt qua được rất nhiều những bẫy rập hư hỏng trong cuộc sống.

Nói như vậy không có nghĩa là trong cái xóm lao động nhiều tật ách đó không có người tốt. Trong 6 năm đầu đời, với lứa tuổi mới lớn sống tại đó, gia đình tôi cũng có những người bạn rất tốt. Họ từng giúp đỡ gia đình tôi khi gặp khó khăn hay hoạn nạn ốm đau. Họ có những đứa con cùng trang lứa với anh em chúng tôi, chơi đùa hay cùng nhau đến trường học … Tình thân thiết của họ và gia đình tôi vẫn kéo dài hàng chục năm sau khi gia đình tôi đã xa rời họ dọn đi nơi khác. Riêng cá nhân tôi, sự giao tình thân thiết giữa tôi và vài người bạn ở tuổi ngây thơ trong thời gian sống tại đó vẫn là những kỷ niệm tuyệt vời mà tôi không bao giờ quên được. (Tôi đã viết truyện ngắn Nguyễn thị Hồng Yểm, do kết nối câu chuyện có thật của cá nhân tôi và của người bạn cùng thời quân ngũ với tôi).

Vào khoảng năm 1961 khi tôi đang học lớp đệ ngũ, bố tôi từ sư đoàn 22 bộ binh đóng tại Kontum rồi được trở lại Saigon, nhờ vậy cuộc sống của gia đình tôi tàm tạm ổn. Có lẽ nhìn thấy tình trạng lộn xộn, không tốt cho tương lai việc học hành của anh em chúng tôi nên bố mẹ tôi đã bán nhà và di chuyển sang hẻm 521 đường Lê văn Duyệt. Con hẻm này khá hơn nhiều so với Xóm Tre về mọi lãnh vực, an ninh cũng như trình độ văn hóa của cư dân. Căn nhà mới cũng không xa căn nhà cũ lắm, chỉ đi tắt qua vài con hẻm phụ, bắt ra đường Tô Hiến Thành là đến nhà cũ. Chính vì vậy dù đã rời xa nhưng gia đình tôi vẫn giữ liên hệ với họ hàng cũng như những gia đình thân quen tại hẻm cũ. Hằng năm vào những dịp lễ tết, giỗ kỵ hay nghe tin ai trong xóm cũ bệnh hoạn chúng tôi vẫn sang thăm nhau. Những lần thăm viếng đó thông thường bố mẹ tôi vẫn dẫn một vài đứa anh em chúng tôi đi theo, cũng để cho chúng tôi gặp gỡ, gần gũi, vui chơi với lũ bạn bè ngày xưa.

Thời gian qua mau, tôi thực sự đã là một thanh niên chững chạc, có ăn học của con hẻm mới. Những cuộc thi cử lấy bằng cấp vẫn tiếp nối và tôi vượt qua một cách đầy tự tin với tí chút ngạo mạn, dù cũng phải trầy trụa với những cố gắng gấp 2, 3 lần so với bạn bè chỉ vì khối óc không mấy thông minh của mình. Tôi xong tú tài hai, đậu vào phân khoa có thi tuyển rồi tìm việc làm thêm kiếm tiền chu cấp cho những chi tiêu cá nhân và giúp đỡ tí chút cho gia đình. Tôi hoàn toàn không vướng vào những thói hư tật xấu đầy rẫy trong xã hội. Đó là niềm tự hào của chính tôi và cũng là sự sung sướng, an tâm của bố mẹ tôi.

Ở cái tuổi tạm gọi là lớn khôn, trưởng thành, có chút chuẩn mực của một sinh viên đại học, chưa gọi là từng trải nhưng qua nhiều năm lăn lộn kiếm sống, tôi đã nhìn rất rõ giá trị của sự hy sinh to lớn mà cha mẹ đã dành cho tôi. Rồi cũng từ sự lớn khôn, biết suy nghĩ đó tôi đã hiểu ra một điều rất đơn giản, ngoài việc học hành giỏi giang, không ăn chơi, phá phách xóm làng mang đến những phiền phức lo buồn cho bố mẹ, vẫn còn một dạng thức khác, tế nhị, đơn giản hơn, nó không liên quan đến số lượng hay giá trị vật chất, nhưng lại làm cho cha mẹ mình lịm người vì sung sướng, đó là những sự săn sóc từ con tim mình dành cho bố mẹ. Chẳng hạn tôi từng cởi chiếc áo khoác của mình cho mẹ tôi mặc khi bà ngồi sau chiếc xe gắn máy trong đêm khuya mưa gió, mặc dù thân thể tôi cũng có tí chút run run vì mưa lạnh. Tôi đã bao lần nhường chỗ khô ráo, che chắn cho mẹ vào những lúc trời mưa tầm tã hay những buổi nắng chang chang khi phải đợi chờ nơi góc chợ, bờ hiên của những dãy nhà bên đường. Rồi những lần đi với mẹ trên những con đường khi thăm viếng người thân hay những nơi lễ hội, tôi đã khoác vai mẹ, không phải là một sự nâng đỡ bình thường mà đúng nghĩa là một sự trân trọng tình nghĩa mẹ con v.v…

Đúng như vậy, khi dọn nhà sang xóm 521 Lê văn Duyệt, sau một thời gian ngắn, ngoài việc chăm chỉ học hành, lo toan làm việc giúp đỡ gia đình, tôi còn biết làm cho mẹ tôi vui thích và tự hào về tôi nữa. Vào khoảng thời gian tôi đang học năm thứ nhất hay thứ 2 đại học (1966 hay 1967). Lúc đó ngoài vệc bán chuối mẹ tôi còn bán thêm vài loại trái cây dành cho giới khá giả như cam, táo, nho… Ngoài việc chở mẹ đi lấy chuối ở chợ Cầu Ông Lãnh, tôi còn phải chở bà lên chợ Saigon để mua các loại trái cây cao cấp này nữa. Tôi còn nhớ, trong những lần đi mua hàng đó, những bà bạn hàng nhìn thấy tôi chăm sóc, giúp đỡ mẹ tôi rất ân cần từ công việc khuân vác đến mời mẹ từng ly nước, đĩa cơm hay nắn bóp, xoa tay cho mẹ khi bà ngồi nghỉ vì mệt nhọc...v..v.. Họ ngẩn ngơ nhìn vào sự gần gũi tràn đầy tình thương yêu mẹ con của chúng tôi, vài người quá cảm mến, họ không tiếc những lời khen rất chân tình và cảm phục tài năng dạy dỗ của mẹ tôi.

Dù không nói ra nhưng với nụ cười kín đáo chứa đựng rất nhiều sung sướng và tự hào, mẹ đưa mắt liếc nhẹ nhìn tôi. Trong ánh mắt chứa đầy sự tự mãn đó, tôi biết rằng mẹ tôi đã có được một món quà vĩ đại từ thằng con trai mà chắc chắn bà không thể mua nó bằng tiền bạc hay vật chất. Còn tôi thì im lặng, làm như không chú ý đến những lời khen “có cánh” đó nhưng tôi hiểu rằng chính mình đã vừa đem tặng cho mẹ tôi một món quà không có trọng lượng nhưng lại đủ sức làm tràn đầy con tim sung sướng của bà.

Cũng tương tự như vậy, vài ba lần khi có công việc phải sang xóm Tre, thấy tôi rỗi rảnh mẹ lại rủ tôi đi cùng. Dù có khá nhiều ấn tượng không tốt với con hẻm nhưng mỗi lần đi với mẹ đến thăm người quen, được nhìn lại nơi chốn ngày xưa mà mình đã bao lần vui chơi với bạn bè, tôi vẫn mang cái cảm giác thích thú vì được gặp lại những dấu tích, kỷ niệm của thời thơ ấu đầy “bụi bặm” của đời mình ngày xưa. Trong những lần đi như vậy, tôi và mẹ thường đi sát gần nhau, tôi quàng tay qua vai mẹ chậm rãi len lỏi vào những ngóc ngách phân chia như bàn cờ trong con hẻm để đến những nơi mà mẹ con chúng tôi muốn đến. Cả hai mẹ con với vẻ mặt vui tươi vừa đi vừa nói chuyện với nhau. Hình ảnh đẹp đẽ tình mẹ con, rất tự nhiên, hoàn toàn không có một tí gì giả dối hay đóng kịch, đã không giấu được những ánh nhìn thèm thuồng của những người thân quen và cả những người xa lạ trong xóm, họ chưa bao giờ quen biết với mẹ con chúng tôi. Riêng cá nhân tôi nhìn thấy rất rõ, ánh mắt kín đáo tràn đầy hoan lạc của mẹ dành cho tôi. Cái cảm giác run run nhè nhẹ sung sướng từ thân thể của mẹ lan truyền qua bàn tay, rồi cánh tay thấm vào con tim tôi, cho tôi hiểu được rằng chính tôi, đứa con trai đầu đàn của mẹ vừa mang cho mẹ một niềm vui!

Hôm nay, trong cái vắng vẻ, lạnh lẽo giữa mùa đông của quê người, ngồi nhớ đến mẹ, đến những kỷ niệm của gần 50 năm đã qua, tất cả bây giờ chỉ còn là hoài niệm và buồn thương. Tôi tự hỏi, những người thân quen ở xóm Tre nhiều tật ách đó họ ra sao? Những bà bán chuối, bán nho táo cho mẹ ở Cầu Ông Lãnh, ở chợ Sàigon bây giờ họ làm gì, trôi nổi về đâu? Mẹ tôi thì cũng đã trở về với đất đá, hư vô, còn tôi thì vẫn lang bạt kiếm sống, tìm vui nơi xứ người, khiến tôi chợt nhớ đến vài câu thơ nhớ mẹ trong bài “Nắng Mới” của Lưu Trọng Lư:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày xưa
Tôi nhớ mẹ tôi thủa thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
……………..
Rồi cũng trong cái cảm giác buồn viễn xứ, tôi lại hình dung ra cái cảnh cô đơn của Thôi Hiệu khi ngồi trên lầu Hoàng Hạc nhìn mây trắng phản chiếu trên mặt sóng nhấp nhô, lòng buồn mà nhớ cố hương:

………………
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tản Đà dịch:

…………..
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
&
 

Vài hàng kết luận

Khi tôi bước lên đại học được vài năm, gia đình tôi đã có chút khá hơn vì mẹ tôi không còn ốm bệnh như thời còn sống ở xóm Tre nữa. Việc buôn bán của chúng tôi ở lề đường tuy cực nhọc nhưng cũng là nguồn thu nhập tạm đủ cho việc chi tiêu của gia đình. Tôi còn nhớ, vào dịp Mậu Thân, lúc đó vì chiến sự nên Sàigon bị cô lập nhiều tuần lễ, nguồn cung cấp trái cây , rau cỏ từ các tỉnh cho Sàigon bị đình trệ. Tôi đã liều lĩnh chở mẹ vượt nguy hiểm xuống tận Trung Chánh, Hóc Môn để mua rau muống về bán kiếm lời. Trong những chuyến đi mua hàng đó, có khi chúng tôi phải mất hàng tiếng đồng hồ chờ đợi để người ta cắt rau cho mình, hay phải dừng lại trên đường đi vì chiến sự… Trong những lúc rảnh rỗi ngồi chờ đợi đó, mẹ con chúng tôi thường tâm sự với nhau rất cởi mở về mọi vấn đề .

Có lần mẹ hỏi, tôi có những ước mơ hay dự tính gì cho tương lai không? Tôi đã cho mẹ biết giấc mơ của tôi là trở thành một ông giáo rất giỏi về nhiều môn học. Ngoài giờ phải làm việc theo hành chánh tôi sẽ dạy thêm cho các trường tư thục trong những khóa luyện thi, hoặc nếu có khả năng về tài chánh tôi sẽ tìm cách mở một trường trung học tư thục. Tôi sẽ giàu có, bố mẹ không phải làm gì, tôi sẽ xây một căn nhà rộng rãi, đầy đủ phòng ốc, có vườn tược để cho bố mẹ trồng rau, nuôi heo gà làm vui. Tôi sẽ mua một chiếc xe ô tô nho nhỏ đi làm việc và cuối tuần sẽ chở bố mẹ, các em đi ra Vũng Tàu hay lên Đà Lạt nghỉ mát, rong chơi..v..v.. Mẹ tôi im lặng ngồi nhìn và nghe những giấc mơ của thằng con trai nhưng bà cũng đờ đẫn, mơ màng theo những gì tôi xây trong tưởng tượng. Rồi đến khi tôi chấm dứt mơ mộng, mẹ cũng bị thực tế kéo trở về với hiện tại, bà đưa mắt nhìn những bó rau muống, những nải chuối rẻ tiền trước mắt, bà kín đáo buông tiếng thở dài buồn bã. Rồi bà trầm tư suy nghĩ, về giấc mơ của thằng con trai. Thật ra giấc mơ của con bà cũng không có gì quá xa vời với một gia đình ở mức tạm khá giả trong xã hội. Nhưng với hoàn cảnh của gia đình bà hiện nay, nó lại là những hình tượng không bao giờ có thật!

Rồi thời gian cứ bình thản trôi, đến năm 1974, gia đình càng lúc càng khá hơn nhưng nhìn kỹ vẫn chưa có gì chắc chắn để thực hiện giấc mơ không quá cao sang đó. Tôi đã phấn đấu để có được học bổng đi Nhật với mong ước ngày hồi hương sẽ biến những hình tượng của giấc mơ của mình thành sự thật. Nhưng thời gian và thời cuộc đã không như ước muốn, không đồng điệu để rồi ngày ra đi, hôm giã biệt của tôi đã thành ngày vĩnh biệt mẹ tôi! Con đường xây giấc mộng của mẹ con tôi đã thực sự chấm dứt, đi vào quá khứ, nếu còn chăng chỉ là những hoài niệm đẹp đẽ mà thôi.

Nhiều năm qua tôi vẫn đi đi, về về Việt Nam nhưng chỉ như một người khách du lịch tham quan, tôi đến rồi lại khăn gói chuẩn bị ra đi. Mẹ tôi không còn nữa, nấm mồ đã lạnh tanh theo năm tháng, đó là chứng tích lần lỗi hẹn cuối cùng của tôi, một thằng con thương mẹ! Đau đớn thay và cũng buồn bã lắm thay! Thời gian và trí nhớ!

Thỉnh thoảng vào những lúc rảnh rỗi ngồi buồn nhớ đến mẹ, tôi thường nghe lại bài hát “Chuyến xe lửa mùng năm” của Trần văn Trạch. Hình như cảnh chàng thanh niên dành dụm được tí tiền, mang về cho mẹ mua trầu cau, nhưng cũng là một cuộc trở về trong bi thương, có cái gì đó giống với “ngày trở về” đầy buồn bã của tôi thì phải?!

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn
(Zuerich, Jan, 2019)




none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Nghệ thuật chết


Vì sao tôi khổ


Nguyên lý duyên khởi

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.6.140 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...