Chúng ta thay đổi cuộc đời này từ việc thay đổi trái tim mình. (You change your life by changing your heart.)Max Lucado
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Nếu người nói nhiều kinh, không hành trì, phóng dật; như kẻ chăn bò người, không phần Sa-môn hạnh.Kinh Pháp cú (Kệ số 19)
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Nếu muốn tỏa sáng trong tương lai, bạn phải lấp lánh từ hôm nay.Sưu tầm
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trường Sinh Bất Tử qua cái nhìn của nhà Phật »»
Từ ngàn xưa, con người đã hằng nung nấu, ôm ấp ước mơ được trường sinh bất tử. Tuy nhiên, sự bất tử trường sinh dường như chỉ thấy có được trong những câu chuyện thần thoại hoang đường, hay truyền thuyết mơ hồ viễn vông.
Trường sinh, sống lâu sống thọ, sống dài dài nhưng hữu hạn chứ không phải vô hạn bất cùng, thì có. Bất tử, hiểu theo nghĩa đen là không bao giờ chết, thì không. Sau, quan niệm bất tử đã được suy nghĩ và thay đổi lại, con người không thể không chết đi, không thể tồn tại mãi với thời gian vùn vụt trôi và không gian đầy ô nhiễm bụi bặm, vì vậy “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ). Để lại tiếng thơm, để lại một công trình, để lại chiến công oanh liệt vẻ vang, hay để lại một tinh thần bất khuất quả cảm… đó là một cách để bất tử với nhân quần xã hội. Còn trường sinh? Tần Thuỷ Hoàng, hay Từ Hy Thái Hậu, đều đã từng ôm mộng trường sinh của bậc bạo chúa mà mang theo về cõi cát bụi hư vô. Phương Đông có thuật Yoga (Du Già thuyết) ở Ấn Độ, có phương pháp Thiền định (Zen) phối hợp với gạo lứt muối mè theo cách thức “nhai thức uống, uống thức ăn” ở Nhật Bản… đã mang lại những thành công tương đối trong cuộc kiếm tìm trường sinh đại thọ cho con người. Nhưng các thuật trường sinh đầy công phu, đòi hỏi sự quyết tâm và kiên trì ấy, đều phải phối hợp với rất nhiều yếu tố khác, bao gồm cả ở nội tâm lẫn ngoại cảnh, nếu thiếu đi một yếu tố ắt xôi hỏng bỏng không, uổng phí một công phu tu luyện.
Với nhà Phật, giáo lý siêu việt của Đức Thích Ca Mâu Ni luôn chú trọng về nhân quả báo ứng, về nghiệp duyên luân hồi, cho nên sẽ không có những phương pháp chỉ dạy cho chúng sinh lao theo những cuộc tìm kiếm vô vọng sự bất tử trường sinh ở trần gian tạp uế; mà chỉ có con đường Chánh đạo dẫn cho con người tìm đến với an vui thanh thản, với siêu thoát thường hằng. Làm sao con người bất tử được khi duyên nghiệp kiếp này của mình đã dứt? Làm sao trường sinh được khi “cái số” của mình là… mệnh yểu? Làm sao sống lâu hơn trăm tuổi để hưởng thụ cuộc sống phú quý sướng vui, khi cái nghiệp ác của mình đã tạo tác từ kiếp này, hay kiếp trước, đã đến hồi phải vay trả sòng phẳng? Hết duyên, hết nợ là dứt sạch. Còn nợ còn duyên thì phải lo mà trả cho đầy đủ, dù đang có một cuộc sống bần cùng cực khổ, hay đang thọ hưởng một cuộc sống nhung lụa cao sang, rồi muốn đi đâu thì đi!
Giáo lý nhà Phật chỉ cho con người phương pháp đoạn trừ phiền não, dứt lìa khổ đau, liễu sinh thoát tử tìm đến an nhiên cực lạc qua mỗi bước chân hùng lực không rời Bát Chánh Đạo. Trường sinh bất tử có chăng thì cũng chỉ hiện hữu tồn tại ở một cõi siêu thoát vĩnh hằng vượt khỏi vòng luân hồi (Niết Bàn), cõi bất sinh bất diệt, mà chỉ bậc giác ngộ chân tu mới chứng đắc được tận cùng rốt ráo. Giáo lý nhà Phật không phán bảo khuyên răn con người phải lưu luyến tiếc nuối một kiếp sống đầy khổ luỵ bi ai với đủ tử biệt sinh ly thất tình lục dục ở cõi trần gian giả tạm vọng ảo. Pháp Phật chỉ hướng dẫn cho chúng sinh đang còn ngụp lặn trong bể khổ trầm luân cách thức tu hành để tự mỗi người giải thoát cho mình, và nếu thuận duyên thì cho cả tha nhân, được thoát ly sanh tử ngay cuộc sống hiện tiền bằng cách nỗ lực tu tập, tinh tấn thực hành những giới hạnh oai nghi và công năng thiện lành. Tu là chuyển nghiệp, chúng sinh có thể chuyển được cái nghiệp của mình, làm cho nhân quả báo ứng có thể sẽ xảy đến với mình trong kiếp sống này được hoá giải, được tiêu tan, hay được thay đổi qua đầy vơi dầy mỏng ít nhiều tròn méo… bằng chính sự tĩnh tâm tu niệm, nhất tâm hành trì, thành tâm sám hối của chính mình. Hoà thượng Thích Quảng Đức không phải đã để lại nhân thế này một trái tim bất tử đó sao? Các vị Hoà thượng, Tăng Ni và Phật tử đã vị pháp thiêu thân, bảo vệ Hiến Chương trong các thời kỳ Pháp nạn, hoặc để cầu nguyện Hoà Bình, như: Thích Tiêu Diêu, Thích Quảng Hương, Thích Nữ Diệu Quang, Đoàn Thị Yến Phi, Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang… vân vân và vân vân… há chẳng phải là những con người đã đạt được bất tử đó sao? Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, chộp bắt được sự bất tử ngay trong cửa tử!
Vậy còn trường sinh? Xin kể sơ lược nơi đây tiểu sử và cuộc đời hành đạo của một vài vị danh tăng Việt Nam hiếm hoi đã “đắc” được trường sinh đại thọ, để chúng ta cùng gẫm suy những điều kỳ diệu diễn ra ngay trong cuộc sống, cũng như để học hỏi noi gương những đạo hạnh cao quý có thể mang lại cho con người những tháng ngày tự tại vô ngại trước sinh tử luân hồi. Xin kể đến chư vị cao tăng nước nhà đã sống trên 100 năm, con số bách niên mơ ước của rất nhiều người.
Trước tiên, xin nói đến vị “Danh tăng trường thọ” có lẽ sống lâu nhất trong lịch sử Phật giáo nước ta cho đến thời điểm này: Đại lão Hoà thượng Thích Đạt Thanh, pháp hiệu Như Bửu, thế danh Võ Minh Thông. Sư xuất thân trong một gia đình quy ngưỡng tôn kính Phật Pháp, được sinh ra vào năm 1853, dưới triều Tự Đức năm thứ 6, tại phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là huyện Hóc Môn-TP. Hồ Chí Minh). Theo lời song thân của Sư kể lại, ngày mà Sư chào đời bỗng dưng có một đàn bồ câu không rõ xuất xứ ở đâu bay lại đậu kín trên mái nhà, con gáy con gù, con nhảy con nhót như đang hoan ca hoan hỷ. Cho đó là điềm báo an lành linh thiêng, song thân Sư liền thiết lập bàn thờ Phật, phát nguyện ăn chay trường, trì kinh niệm chú. Thông minh hiếu học từ thuở nhỏ, Sư đã không chỉ thông làu kinh điển mà còn tinh thông xuất sắc cả võ nghệ, nhưng lại luôn tỏ ra rất khiêm tốn nhún nhường. Năm 12 tuổi, Sư được cha mẹ đồng thuận cho xuất gia học đạo với Tổ Minh Phương- Chơn Hương ở chùa Linh Nguyên. Qua 2 năm tu học tinh cần, Sư được sư phụ đưa sang tu học thêm kinh điển với Tổ Minh Vi-Mật Hạnh tại chùa Giác Lâm. Rồi thời gian dài tiếp sau đó, Sư đã được nhiều phước duyên thọ giáo với chư vị Hoà Thượng giáo thọ danh tiếng uyên thâm và đạo hạnh, nên sớm trở thành một tăng nhân nổi tiếng trong Thiền lâm đương thời. Từ năm 1879, Sư được tôn cử làm trụ trì các chùa Linh Nguyên, Long Quang. Năm 1926, Sư tham gia tổ chức yêu nước Thiên Địa Hội chống chế độ cai trị của thực dân Pháp, bị bắt đày đi Côn Đảo. Sống khổ sai trong địa ngục trần gian suốt 4 năm trời, như đã sống trong cõi chết, vậy mà Sư vẫn mặc áo nâu sồng, giữ trai tịnh với cơm muối nước lã, không để suy suyễn hao hụt oai nghi đạo hạnh của người xuất gia đầu Phật. Từ công việc nặng nhọc đốn củi đốt than trên rừng, Sư đã cùng một số bạn tù kết bè vượt ngục, trôi nổi giữa biển khơi mênh mông, đương đầu với sóng to gió lớn, bảy chết còn ba, hai bạn tù còn lại bên Sư thì ngoi ngóp nhắm mắt chờ chết, chỉ riêng Sư là còn tỉnh táo, định tâm. Ngồi trên bè với tư thế bán già, Sư đã nhất tâm trì niệm kinh chú qua một thời khắc sinh tử tồn vong chỉ cách nhau một sợi chỉ. Vậy rồi, sóng chìm gió lặng, bè trôi bềnh bồng lặng lẽ ba ngày hai đêm giữa mênh mông biển nước, cho đến khi được một chiếc thuyền buôn xuất hiện cứu vớt. Nhân duyên đã đưa đẩy một thương gia ở Rạch Giá có mặt trên thuyền buôn, vốn là một phật tử thuần thành đã đưa Sư về nhà của ông, chăm sóc bảo bọc ân cần chu đáo, làm giấy tờ giả để qua mắt nhà cầm quyền Pháp, đổi tên cho Sư là Võ Bửu Đạt. Từ đó, Sư không dám về quê xưa chùa cũ, mà ngao du giáo hoá khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ với tấm căn cước mang tên mới, rồi từ năm 1949 chính thức về Sài Gòn khi án tù vượt ngục không còn hiệu lực. Như một du tăng khứ đáo tự tại, Sư đã đến và đi qua rất nhiều ngôi chùa ở Sài Gòn, sau cùng mới dừng chân lại làm trụ trì chùa Giác Ngộ ở Ngã Sáu Vườn Lài. Đến năm 1951, là một bậc cao tăng được giới Tăng già hết mực tôn kính, nên ngôi vị Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt đã trao cho Sư đảm nhiệm. Giữ ngôi vị Pháp Chủ được 3 năm, thấy sức khoẻ suy yếu, Sư làm Chứng minh Đạo sư của Giáo Hội Tăng Già, xin cáo lui để về an dưỡng tại chùa Long Quang, mở cuộc trùng tu ngôi chùa này thành một cõi già lam trang nghiêm. Từ năm 1956 đến năm 1972, tạm rời vùng Bà Điểm –Hóc Môn để tránh bom đạn, Sư được cung thỉnh đến trụ trì ngôi chùa mới Long Nguyên sau đến an trú ở chùa Chưởng Thánh, rồi lại trở về chùa Long Quang khi sức khoẻ ngày càng như ngọn đèn cạn dầu, mặc dù tinh thần vẫn còn sáng suốt, trí tuệ vẫn minh mẫn… Đúng vào sáng mồng Một Tết Quý Sửu 1973, sau khi lên chánh điện lễ bái chư Phật, Sư bảo môn đồ kê một chiếc đơn bên cạnh bàn thờ Tổ, rồi nằm đó qua 11 ngày chỉ uống nước. Đến sáng ngày 11 tháng Giêng, Sư tắm rửa nước nấu bằng các loại hoa thơm, rồi sai thông báo cho tất cả các đệ tử ở khắp nơi trở về để phụng giáo. Đúng 12 giờ trưa ngày 12 tháng Giêng, môn đồ pháp chúng tề tựu đông đủ, Sư thuyết giảng một bài về lẽ vô thường, căn dặn không ai được sầu bi khóc lóc, rồi đọc một bài kệ 8 câu cho chúng đệ tử nghe. Sau đó, Sư bảo môn đồ tập trung lên chánh điện tọa thiền, đánh trống Bát Nhã liên hồi từ 15 giờ 30 đến 16 giờ thì Sư thâu thần thị tịch, trên tay vẫn còn nắm một xâu chuỗi mười tám hạt bồ đề, hưởng đại thọ 120 tuổi, với 99 tuổi đạo.
Một vị cao tăng khác cũng sống trên 100 tuổi, đó là Đại lão Hoà thượng Thích Trừng Văn, pháp hiệu Giác Nguyên, sinh vào năm 1877. Sư có thế danh là Đặng Văn Ngộ, quê quán ở Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Với hoàn cảnh đặc biệt, lên 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ, Sư được một quan Thái giám nhận làm dưỡng tử, và cho xuất gia quy y với Hoà thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu- Huế. Qua 5 năm tinh tấn tu học, thông làu kinh điển, Sư được Sư phụ xem như là Trưởng tử, cho thọ giới Sa di. Năm 1903, Sư rời chùa Từ Hiếu theo hầu sư phụ, đến tu ở thảo am Thiếu Lâm trên ngọn đồi phía Nam đàn Nam Giao. Khi 33 tuổi, Sư được thọ Cụ túc giới, đắc pháp với pháp hiệu là Giác Nguyên, và được tăng chúng suy tôn làm Thủ toạ chùa Tây Thiên. Khi Hoà thượng Tâm Tịnh viên tịch, Sư được suy cử làm trụ trì chùa này, nổi tiếng là một bậc cao tăng thanh tịnh khiêm cung, rất đông Phật tử xin cầu học thọ giới. Sư đã dành nhiều tâm huyết và đại nguyện để trùng tu ngôi chùa Tây Thiên trở thành một ngôi tự viện danh tiếng với công trình xây dựng một tượng đức Phật A Di Đà oai nghiêm lộng lẫy. Đến năm 1926, chùa được chính vua Bảo Đại ban sắc hiệu là “Sắc Tứ Tây Thiên Di Đà Tự”. Sau, Sư cùng chư tăng đạo hạnh thành lập trường Cao đẳng Phật học để đào tạo Tăng tài phung sự Phật giáo, giáo hoá chúng sinh. Vào thời kỳ Pháp nạn (năm 1963-1966), Sư đã cùng chư vị cao tăng xuống đường tuyệt thực để chỉ đạo cuộc đấu tranh bất bạo động, đòi quyền bình đẳng tôn giáo, chống chế độ gia đình trị họ Ngô, cũng như các chính quyền sau đó. Đã nhiều lần môn đồ pháp chúng định tổ chức lễ mừng Sư thượng thọ, nhưng Sư đã chối từ, và luôn răn dạy: “Hãy dùng tiền đó để đúc tượng, sửa chùa, bố thí cho người nghèo dân khổ!”. Đúng 01 giờ sáng mồng Một Tết Nguyên Đán năm Canh Thân (nhằm 16 tháng 2 năm 1980), Sư thản nhiên viên tịch, thọ 103 tuổi, với 70 hạ lạp.
Một vị cao tăng nổi tiếng khác, cũng sinh vào năm 1877, cùng tuổi và cũng chính là pháp đệ của Hoà thượng Trừng Văn, đó là Đại lão Hoà Thượng Thích Trừng Thuỷ, pháp danh Giác Nhiên, thế danh Võ Chí Thâm. Sư xuất thân từ một gia đình gia phong đức hạnh ở Triệu Phong- Quảng Trị. Năm lên 7 tuổi, đã xin quy y cầu pháp với Hoà thượng Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên Di Đà (Huế). Năm 55 tuổi, Sư cùng chư Tăng uyên bác và đạo hạnh lập nên Hội An Nam Phật Học, đảm nhiệm chức Chứng minh Đạo sư, kiêm nhiệm Giám đốc Phật học đường Tây Thiên-Huế, rồi trú trì chùa Thánh Duyên, đứng ra Chứng minh cho tạp chí Viên Âm ra đời. Sau đó, Sư được suy cử làm trú trì Tổ đình Thuyền Tôn-Huế, Viện trưởng Phật học Viện Trung phần -Nha Trang. Đến lúc tuổi đã 86, chân yếu tay run, nhưng gặp Pháp nạn 1963, Sư vẫn hiên ngang chống gậy trúc dẫn đầu đoàn Tăng Ni xuống đường đòi bình đẳng tôn giáo, bảo vệ Chánh Pháp. Đặc biệt nhất, vào năm 1973, Sư được suy tôn chức Đệ Nhị Tăng Thống của Giáo hội PGVNTN… Sau năm 1975, Sư về lại chùa Thuyền Tôn tiếp hướng dẫn đồ chúng tu tập. Vào ngày 02 tháng 2 năm 1979, Sư an nhiên viên tịch, hưởng thọ 102 tuổi đời, với 69 hạ lạp.
Xem ra, chúng ta thấy các Sư “đắc” được trường sinh đại thọ không phải vì các Sư đã chú tâm lập chí đi tìm, cũng không phải vì các Sư nhờ đã tu luyện thần thông nên nắm được “bí quyết sống lâu”, hay vì các Sư đã được Tây Vương Mẫu trên cõi trời cao ban xuống cho mấy trái đào tiên để “thọ thực trường sinh”, mà chỉ vì các Sư “chuyển được nghiệp, đổi được duyên” của mình bằng cuộc sống y áo bình dị, muối tương thanh bần, cơm rau đạm bạc, vô ngã vị tha, kính thờ Tam Bảo, y giáo phụng hành. Đến khi không muốn “sinh trụ” nữa, thì đón lấy “hoại diệt” một cách bình thản an nhiên, nhiều khi các Sư còn thấy trước được ngày giờ mình ra đi, thăng khỏi cõi phàm trần uế tạp, nên đã có dư thời giờ sắp xếp nghênh đón giây phút tiêu diêu thiêng liêng ấy.
Vậy cho nên, đã thấy biết rõ vô thường, thấu hiểu duyên khởi duyên sinh, thì chuyện trường sinh hay đoản thọ, bất tử hay mệnh yểu đối với nhà Phật có lẽ là… thôi, bất khả tư nghị, miễn bàn.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.172.21 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập