Mỗi ngày, hãy mang đến niềm vui cho ít nhất một người. Nếu không thể làm một điều tốt đẹp, hãy nói một lời tử tế. Nếu không nói được một lời tử tế, hãy nghĩ đến một việc tốt lành. (Try to make at least one person happy every day. If you cannot do a kind deed, speak a kind word. If you cannot speak a kind word, think a kind thought.)Lawrence G. Lovasik
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Đối với người không nỗ lực hoàn thiện thì trải qua một năm chỉ già thêm một tuổi mà chẳng có gì khác hơn.Sưu tầm
Nếu muốn có những điều chưa từng có, bạn phải làm những việc chưa từng làm.Sưu tầm
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Đừng làm một tù nhân của quá khứ, hãy trở thành người kiến tạo tương lai. (Stop being a prisoner of your past. Become the architect of your future. )Robin Sharma
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chuyển pháp luân »»
Khi xưa, ngay sau khi đức Phật Thích Ca thành đạo; trong năm mươi ngày, Ngài ngồi im lặng chẳng nói một lời, trong lòng tự nhủ: “Pháp ta rất sâu, khó hiểu, khó biết, hết thảy chúng sanh bị pháp thế tục trói buộc nên chẳng hiểu nổi, chi bằng ta yên lặng nhập niềm vui Niết-bàn.” Ngay khi ấy, các Bồ-tát và chư thiên hết sức ngưỡng mộ, chắp tay kính lễ, thỉnh Phật vì hết thảy chúng sanh bị chìm đắm trong biển khổ sanh tử mà chuyển pháp luân. Khi ấy, đức Phật im lặng nhận lời thỉnh cầu, rồi Ngài đến rừng Nai nơi thành Ba La Nại chuyển pháp luân lần đầu tiên, nhận năm anh em Kiều Trần Như là đệ tử. Từ đó, Ngài liên tục nói pháp suốt bốn mươi chín năm, độ vô lượng chúng sanh trong cữu giới.
Phật đem giáo pháp từ nơi tâm của Ngài đưa vào tâm của chúng sanh để hóa độ họ thì gọi là Chuyển Pháp Luân. Người diễn thuyết Phật pháp là đem giáo pháp của Phật đưa vào tâm của người khác nên cũng gọi là Chuyển Pháp Luân. Từ xưa đến nay, các bậc hiền đức đều chỉ là đem giáo pháp của Phật ra để nói; nhẫn đến chư Phật, Bồ-tát thị hiện trong đời cũng không nói khác lời đức Thích Ca Mâu Ni nói. Vì thế, người nói ngoài kinh giáo của Phật dù nữa bước thì chính là ma nói, pháp đó chẳng phải là Phật pháp mà là ma pháp. Lại nữa, Phật pháp là pháp thanh tịnh và bình đẳng; cho nên nếu người nói pháp khởi tâm phân biệt, chấp trước, thị phi nhân ngã, đúng sai phải trái, thuận nghịch, chánh tà... thì người ấy chẳng phải là đang chuyển pháp luân. Chuyển Pháp Luân phải thực hành nơi cả ba tướng thân, khẩu và ý thanh tịnh và bình đẳng. Khi đức Phật đi, đứng, nằm, ngồi và ngay cả sự im lặng của Phật cũng đều là tướng Chuyển Pháp Luân. Do đó, Chuyển Pháp Luân không phải là chỉ riêng cho việc thuyết pháp mà là tất cả các tướng và không tướng có tác dụng khai ngộ chúng sanh. Trong Phẩm Đức Tuân Phổ Hiền của kinh này, từ câu “thường dùng pháp âm giác ngộ thế gian” cho đến trước câu “với căn trung hạ, thị hiện diệt độ” đều là nói về các pháp tướng khác nhau mà Phật dùng để chuyển pháp luân. Đấy cho chúng ta thấy, ngay cả tướng thị hiện diệt độ (nhập Niết-bàn) của Phật cũng chính là chuyển pháp luân.
Thế Tôn sau khi nhận lời thỉnh cầu của chư thiên, cả một đời diễn giảng đủ các pháp Ðại, Tiểu, Quyền, Thật, Thiên, Viên để đánh thức hết thảy chúng sanh trong tam giới, nên kinh nói là “thường dùng pháp âm, giác ngộ thế gian.” Phật pháp được lưu chuyển trong hết thảy chúng sanh giới, bao gồm bốn thứ Giáo, Lý, Hạnh, Quả, đều là để phá trừ vô minh phiền não cho chúng sanh. Bốn món này giống như luân bảo của Chuyển Luân Thánh Vương xoay chuyển trong tứ thiên hạ, dùng để đè bẹp các oán địch. Vô minh phiền não chính là oán địch làm cho chúng sanh phải luân chuyển trong luân hồi sanh tử khổ đau. Khi đức Thế Tôn thuyết pháp thì tất cả vi trần cũng nói pháp, tất cả cõi nước cũng nói pháp, nói một cách mạnh mẽ, nói không gián đoạn. Chẳng phải chỉ có hữu tình nói pháp mà vô tình cũng nói pháp. Lúc nói là thuyết pháp, lúc ăn uống, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghĩ v.v… cũng đều là thuyết pháp, thậm chí lúc Phật im lặng hoặc lúc Phật nhập Niết-bàn cũng là thuyết pháp. Vì vậy, chúng ta không thể cho rằng pháp âm chỉ thu hẹp trong ngôn giáo của đức Thế Tôn. Pháp âm của Phật đích thực là tất cả giáo pháp của Như Lai, chớ chẳng phải chỉ giới hạn trong thanh âm, ngôn ngữ; vì thế kinh mới ghi: “Nguyện con đắc tiếng Phật thanh tịnh, Pháp Âm vang khắp vô biên cõi, rộng truyền của cửa giới định tinh tấn, thông đạt thâm sâu pháp niệm mầu, trí huệ lớn rộng sâu như biển, nội tâm thanh tịnh sạch trần lao.”
Phật diễn nói diệu pháp nhằm để cảm hóa chúng sanh, giúp chúng sanh thấy rõ hai điều cơ bản: Thứ nhất là nguyên nhân gây ra phiền não, thứ hai là phương pháp dùng để phá vở thành phiền não. Phật dạy chúng sanh muốn phá vở thành phiền não thì phải lấp cái hố dục vọng sâu thâm thẩm của mình. Nếu chúng ta y theo lời Phật dạy ở trong kinh mà thực hành thì sẽ mau chóng tẩy sạch được những cấu ô, tâm mình sẽ trở nên sáng sạch thanh tịnh như tâm Phật. Trong kinh Phật nói, có mười căn bản phiền não, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi và năm thứ ác kiến: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới thủ kiến; gọi chung là kiến tư, trần sa và vô minh phiền não. Nguyên nhân từ đâu mà có mười thứ căn bản phiền não này? Ái dục là nguyên nhân chánh, là cái gốc của các phiền não, khổ đau. Dòng dục vọng vô cùng sâu rộng, khi chúng ta bị chìm đắm trong ấy rồi thì khó mà vượt qua được, nên kinh gọi nó là cái “hố.” Phật pháp dạy chúng ta đoạn trừ tâm ái dục, khiến nó không còn nữa thì gọi là “lấp hố dục vọng.” Đối với Tịnh tông thì “tẩy sạch cấu ô” chính là thu nhiếp sáu căn. “Sáng sạch thanh tịnh” chính là tịnh niệm tiếp nối, tự được tâm khai. Do tịnh niệm tiếp nối không ngừng nên sáu căn được thu nhiếp, tịch tĩnh; không bị sự tướng bên ngoài làm não loạn. Khi ấy Chân tâm Tự tánh sẽ tự nhiên hiển lộ, rõ thông không ngằn mé, xuất ly tam giới, dứt hẵn sanh tử. Vì vậy, các kinh đều nói: Pháp môn trì danh hiệu Phật là pháp độ tận chúng sanh.
Sáu căn và tâm là mấu chốt phát sinh vọng tưởng. Khi sáu căn tiếp xúc với trần cảnh, tâm liền phát sinh ra vọng thức; mà vọng thức thì gồm có đủ các thứ như là buồn vui, thương ghét, thuận nghịch, ngược xuôi, có không, hơn thua, đúng sai, phải trái v.v... Đấy chính là những cấu ô làm nguyên nhân của sinh tử luân hồi mà đức Phật bảo chúng ta phải tẩy sạch. Mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây tâm thức của con người thường luôn thay đổi, nên con người phải sống với vọng tâm điên đảo. Cũng bởi do cái cái tâm cuồng loạn này mà chúng ta phải luân chuyển theo thời gian và không gian, nên cái tâm thức ấy gọi là vọng tâm. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm đức Phật bảo, vọng tâm chỉ là khách trần, nó thường luôn biến tướng theo thời gian và không gian; nó có đến thì tức nhiên sẽ có đi. Còn Chân tâm thì lúc nào cũng sáng sạch thanh tịnh, không biến đổi theo thời gian và không gian. Chân tâm không bao giờ có những thứ cấu ô như là buồn, vui, hờn, giận, tham, muốn, thương, ghét, tốt, xấu v.v... Vì thế, Phật khuyên chúng sanh: Nếu muốn tìm thấy Chân tâm Tự tánh của mình thì phải phá thành phiền não, lấp hố dục vọng, tẩy sạch cấu ô thì tâm mới có thể sáng sạch thanh tịnh. Nói cách khác, bởi do vọng tưởng là căn bản của sinh tử luân hồi, và Chân tâm thanh tịnh là căn bản của Bồ-đề Niết-bàn, nên Phật khuyên bảo chúng sanh phải buông xả rốt ráo vọng tâm phiền não xuống để Chân tâm thanh tịnh được hiển lộ.
Tất cả Bồ-tát đều tu hạnh Phật, nên cũng đều có nguyện lực hoằng thâm, nguyện nguyện đều là để độ hết thảy chúng sanh qua bờ bên kia, không bỏ sót lại một ai. Vì độ quần sanh mà các Ngài thị hiện khắp nơi để khai thị Phật tri kiến, khiến cho hết thảy hữu tình ngộ Phật tri kiến và nhập Phật tri kiến, nên kinh ghi: “Độ tận chúng sanh, tuyên nói diệu lý.” Chư vị Bồ-tát thuyết minh, tuyên nói diệu lý là để giúp chúng sanh nhìn thấu cái tướng trạng phiền não của họ, nhằm hướng dẫn họ tu giới định huệ để điều hòa tâm tưởng, đoạn trừ tham, sân, si, xa rời hết thảy vọng tưởng, phân biệt chấp trước, tinh cần nỗ lực tích lũy công đức. Như Lai là đại y vương biết được hết thảy các thứ bệnh của chúng sanh, tùy theo bệnh mà cho thuốc khác nhau. Phật pháp ví như thuốc chữa bệnh tật khổ của chúng sanh. Đức Phật nói, hết thảy các pháp công đức đều là thuốc hay có thể cứu trị hết thảy các bệnh của chúng sanh; nhưng trong các thuốc hay đó, niệm Phật là thuốc hay nhất có thể trị được tất cả các thứ bệnh nơi thân lẫn tâm. Vì ở nơi Phật chứa đựng vô lượng vô biên công đức thắng diệu, nên Phật được ví như là mãnh ruộng tốt lớn, là phước điền cho hết thảy Bồ-tát và chúng sanh. Vì thế, Phật là nơi cho hết thảy Bồ-tát và chúng sanh nương tựa, quy y chiêm lễ, cung kính cúng dường, gieo trồng và tích lũy các công đức lành. Ở nơi chư Phật Như Lai, vật cúng dường tuy nhỏ, nhưng lại được phước rộng lớn; giống như trên mãnh ruộng tốt, chúng ta chỉ cần gieo chút ít lúa giống mà lại thâu được rất nhiều hạt lúa mập mạp tốt lành. Vì vậy, phương pháp tu học và giáo lý của kinh Vô Lượng Thọ là nhằm giúp cho phàm phu chúng ta trong một đời này có thể đem cuộc sống khổ đau trước mắt thay đổi thành cuộc sống đại tự tại, tròn đầy an vui giống như chư Phật, Bồ-tát. Đồng thời, kinh này còn có khả năng giúp cho chúng ta có thể dự báo thời điểm, lúc nào sẽ được vãng sanh, thành Phật. Nếu chúng ta niệm niệm đều lưu nhập trong tạng pháp này của A Di Di Đà Như Lai, quyết định sẽ không còn thối chuyển nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề, nên phẩm Thọ ký Bồ-đề ghi: “Nếu có chúng sanh nơi kinh điển này biên chép cúng dường, thọ trì đọc tụng. Trong một khoảnh khắc vì người diễn nói, khuyến khích lắng nghe, không sanh ưu não, cho đến ngày đêm nghĩ tưởng cõi đó và công đức Phật nơi đạo vô thượng, rốt không thối chuyển. Người ấy lâm chung, giả sử ba ngàn đại thiên thế giới chìm trong lửa lớn, cũng đặng siêu hóa, sanh về Cực Lạc. Người ấy đã từng gặp Phật quá khứ thọ ký Bồ-đề, tất cả Như Lai đồng thời khen ngợi. Thế nên cần phải chuyên tâm tin nhận, trì tụng nói làm.”
Đức Phật nói ra pháp lành để chúng sanh thường luôn không ngừng học tập và đồng thời áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống đời thường, tức là giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Vì vậy, chúng ta phải biết áp dụng lời Phật pháp ngay trong cuộc sống đời thường, ở ngay nơi huyễn mà tâm mình lìa được huyễn thì đấy mới thật sự là giác ngộ. Thêm nữa, vì để lưu chuyển kinh này cùng khắp thập phương thế giới, nên Phật tuyên bố là Ngài sẽ hướng dẫn người thọ trì kinh này tu hành đúng như lý như pháp, tức là người tu học theo liễu nghĩa kinh này sẽ được chư Phật, Bồ-tát đích thân chỉ dạy để trở thành vị A-xà-lê sư phạm. Đức Phật tuyên dương, tán thán chư đại Bồ-tát có đầy đủ khả năng và lực dụng để giúp cho các hàng Bồ-tát sơ học thành tựu vô biên căn lành và cũng trở thành những vị A-xà-lê sư phạm. Vì vậy, chư đại Bồ-tát tu trì theo kinh này đều được sự hộ niệm của hết thảy chư Phật trong mười phương, nên kinh ghi: “Thăng bậc quán đảnh, thọ ký Bồ-đề, vì dạy Bồ-tát làm A-xà-lê, thường tập tương ưng vô biên các hạnh, thành thục vô số căn lành Bồ-tát, được vô lượng Phật đồng nhau hộ niệm.” Chư Phật từ tâm đại bi hộ niệm làm cho Bồ-tát trụ nơi Phật quả cao tột nhất thì gọi là “Quán Ðảnh.”
Quán đảnh có nhiều loại, nói giản lược thì có hai thứ: Kết duyên Quán đảnh và Thọ chức Quán đảnh. Kết duyên Quán đảnh là pháp Quán đảnh cho người chân thật cầu pháp được kết duyên với Phật, nên được chư Phật dẫn dắt vào đàn, truyền cho tâm ấn và chân ngôn của Bổn Tôn. Từ đấy trở đi, người ấy có thể nương theo lời Phật dạy mà tùy sức tu tập. Thọ chức Quán đảnh là pháp Quán đảnh dành riêng cho bậc tích chứa công hạnh đúng pháp, nên được Phật truyền thọ pháp bí yếu thâm sâu. Người được Thọ chức Quán đảnh xong thì có thể làm thầy dạy, làm bậc A-xà-lê trong Mật pháp của Như Lai. Chữ “Mật pháp” ở đây có nghĩa là pháp thâm mật, sâu xa, huyền diệu, chớ không có nghĩa là pháp bí mật; bởi vì Phật chẳng hề giữ pháp nào bí mật cả.
Ngoài ra, Quán đảnh còn có hai địa vị; đó là Sơ vị Quán đảnh và Hậu vị Quán đảnh. Sơ vị Quán đảnh là: Để duy trì dòng giống Phật chẳng bị đứt đoạn nên chư Phật dùng nước cam lộ rưới lên đảnh đầu của Phật tử, từ đây trở đi hết thảy Thánh chúng đều phải kính ngưỡng, ủng hộ và bảo vệ người này; bởi vì người này rốt ráo chẳng thối thất nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề, người này quyết định sẽ kế tục địa vị pháp vương của Như Lai. Hậu vị Quán đảnh là: Bồ-tát từ Sơ địa đến Ðẳng giác lúc gần đạt quả vị Phật cứu cánh, chư Phật dùng nước đại bi quán đảnh làm tăng thượng duyên cho Bồ-tát, làm cho tự hạnh của Bồ-tát liền được viên mãn, chứng đắc Phật quả. Nếu xét về các bậc Đại sĩ trong pháp hội Vô Lượng Thọ thì chữ “thăng bậc quán đảnh” đây có nghĩa là Hậu vị Quán đảnh, còn về phía chúng sanh được Phật dạy dỗ theo kinh này là Sơ vị Quán đảnh. Đấy cho chúng ta thấy, kinh Vô Lượng Thọ thật sự là đảnh pháp của Như Lai, là pháp cao tột đỉnh, cao hơn cả kinh Hoa Nghiêm, nên người thọ trì kinh này đều được Phật quán đảnh. Bởi thế, nếu ai đọc tụng bộ kinh này từ đầu đến cuối một lượt thì được mười phương Như Lai quán đảnh một lần, nếu người đó đọc bộ kinh này từ đầu đến cuối mười lần thì được mười phương Như Lai quán đảnh mười lần; đây chính là Sơ vị Quán đảnh.
Phật đối với chúng sanh phát đại bi tâm, làm pháp Quán đảnh, trao lời huyền ký cho họ biết trước trong tương lai họ quyết định sẽ thành Phật, thì gọi là “thọ ký Bồ-đề.” đức Phật tiên đoán trong ương lai vào thời điểm nào hành nhân sẽ được vãng sanh, thành Phật là để cho hành nhân biết được cái lợi ích của việc tu nhân của chính mình, làm cho hành nhân biết được rằng: Với cái nhân Bồ-đề hiện tại, quyết định sẽ trở thành cái quả thành Phật trong tương lai, hành nhân chớ nên nghi hối điều này mà tự gây lỗi lầm, làm mất lợi lớn. Chúng ta phải biết kinh Vô Lượng Thọ có khả năng báo cho hành nhân biết trước thời điểm họ được vãng sanh, thành Phật. Vì sao? Vì nội dung của kinh này hàm chứa ý rằng: Các bậc Đại sĩ trong pháp hội đều được Phật thọ ký, quyết định sẽ thành Phật; cũng giống như chư Phật, các vị Đại sĩ này cũng rộng độ hữu tình, vì chúng sanh mà thọ ký cho họ thành Phật. Vì thế, kinh Vô Lượng Thọ còn có cái tên khác là Kinh Thọ Ký Bồ-đề.
A-xà-lê (acarya) dịch là giáo thọ hay quỹ phạm sứ, thường dùng để tôn xưng các bậc dạy dỗ pháp lành, bậc khuôn phép về chánh hạnh, bậc làm mô phạm cho chúng Tăng. Trong Mật tông, A-xà-lê cũng là tiếng tôn xưng bậc truyền pháp Quán đảnh. Sau khi hành nhân được thăng bậc quán đảnh, tức là được Thọ chức Quán đảnh thì sẽ được vị A-xà-lê chỉ dạy chân ngôn và được gọi là Kim Cang A-xà-lê, kế tục địa vị của tổ sư Kim Cang Tát-đỏa (tức Phổ Hiền Bồ-tát) đi giáo hóa chúng sanh. Cũng giống như vậy, trong kinh này nói, sau khi được Phật thọ chức Quán đảnh, chư Đại sĩ trong pháp hội đảm trách công việc dạy dỗ các sơ địa Bồ-tát thành Kim Cang A-xà-lê, nên bản thân của Đại sĩ cũng phải thường luôn tu tập vô lượng vô biên các hạnh tương ưng với chư Phật, tức là sự hành trì phải khế hợp với Tam Mật Tương Ưng. Khi thân, khẩu, ý của chúng sanh khế hợp với tam mật của Như Lai thì ngay nơi thân này mà thành Phật, chớ chẳng phải chờ đến khi xả bỏ nghiệp báo thân mới thành Phật. Nói cách khác, thành Phật là tâm thành Phật chớ chẳng phải thân thành Phật; cho nên, ngay nơi thân này thành Phật thì được gọi là thân Chánh Biến Tri. Tỷ dụ: Thân của Thích Ca Mâu Ni trước và sau khi thành Phật đều chỉ là một thân sanh lão bệnh tử, chớ chẳng có gì khác nhau; thế nhưng cái thân trước khi thành Phật thì gọi là thân phàm phu, còn cái thân sau khi thành Phật thì gọi là thân Chánh Biến Tri.
Vì chư Phật muốn khiến cho các Chánh sĩ trong hội đều thành thục vô biên thiện căn, nên các Ngài hết sức khen ngợi, khuyến khích các Chánh sĩ tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Đại sĩ. Thêm nữa, vì chư Phật muốn khiến cho sự lành của Bồ-tát vững chắc không thay đổi nơi ba nghiệp thân, miệng, ý nên chư Phật luôn thân cận, giữ gìn, che chở khiến cho Bồ-tát lìa ác và giúp cho Bồ-tát tăng trưởng lực niệm thêm lên. Cũng giống như vậy, chư Phật hộ niệm cho Bồ-tát như thế nào, thì Bồ-tát lại hộ niệm cho chúng sanh như thế đó, nên kinh ghi: “Thành thục vô số căn lành Bồ-tát, được vô lượng Phật đồng nhau hộ niệm.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.27.152 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập