Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Yêu thương và từ bi là thiết yếu chứ không phải những điều xa xỉ. Không có những phẩm tính này thì nhân loại không thể nào tồn tại. (Love and compassion are necessities, not luxuries. Without them humanity cannot survive.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tôi biết ơn những người đã từ chối giúp đỡ tôi, vì nhờ có họ mà tôi đã tự mình làm được. (I am thankful for all of those who said NO to me. Its because of them I’m doing it myself. )Albert Einstein
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề bất ổn của mình với cùng những suy nghĩ giống như khi ta đã tạo ra chúng. (We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them.)Albert Einstein
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Nếu không giác ngộ, làm sao lìa khổ được vui »»
Tuy Kinh Vô Lượng Thọ nói đến muôn hạnh vãng sanh; nhưng xét ra, bổn nguyện của Phật cốt ý chỉ là muốn chúng sanh một bề chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà. Vì sao? Vì một khi hành nhân được vãng sanh, dù ở bất cứ địa vị nào, đều đạt được những sự lợi ích như chư đại Bồ tát trong cõi ấy. Vì thế nên trong phẩm Kinh này, đức Thế Tôn khuyên bảo hết thảy chúng sanh phải nên tôn trọng, y theo giáo chỉ và yêu thích tu tập pháp môn đã được giảng dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ mà một bề chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà cầu sanh Cực Lạc. Kinh nói, những ai y theo giáo chỉ và thực hành đúng theo Kinh giáo này thì được Phật Thế Tôn gọi người ấy là Nhất Thừa Đệ Tử. Vì sao? Vì những người này trong đời vị lai sẽ chứng quả Nhất Thừa thành Phật, chớ chẳng phải là Tiểu Thừa.
Bởi vì căn tánh của chúng sanh có lợi căn, có độn căn, nên trong Phẩm Ba Bậc Vãng Sanh, Phật tạm chia căn tánh chúng sanh ra thành ba loại Thượng, Trung và Hạ. Nhưng thật ra, ba căn này vốn không phải là nhất định nên Phật cũng không có định pháp nào để nói. Trong Cảm Ứng Thiên, lão sư Tịnh Không dạy rất hay: “Bạn chịu buông xả thì bạn thuộc về thượng căn; bạn có thể buông xả một phần, còn có một phần không thể buông xả thì bạn thuộc về trung căn; bạn hoàn toàn không thể buông xả thì bạn thuộc về hạ căn, làm gì có nhất định?” Thật vậy, căn tánh thượng, trung và hạ hoàn toàn là do ở nơi chính mình. Do tâm của mình thường luôn thay đổi nên căn tánh cũng chẳng có nhất định. Có những lúc tâm mình được sáng suốt, thanh tịnh, bình đẳng, có thể buông xả hết thảy thân tâm thế giới, thế gian và xuất thế gian pháp; lúc ấy mình là thượng thượng căn. Cũng có những lúc tâm mình bị phiền não bức bách, buông xả không nổi, lúc ấy mình bị tuột xuống thành hạ căn. Nhưng một khi phản tỉnh lỗi lầm ấy, liền buông xả vãn duyên, dứt muốn bỏ lo, bèn trở lại thành thượng căn. Do đây chúng ta nhận biết, căn tánh của người thường luôn đọc tụng, nghe pháp có quan hệ rất mật thiết với nhau. Vì sao? Vì người thường luôn đọc tụng và nghe Kinh Đại Thừa thì thường phản tỉnh lỗi lầm, trí huệ cũng theo đó mà thường phát sanh, dễ dàng giác ngộ, nên tâm thường thanh tịnh. Đại Kinh Vô Lượng Thọ có khả năng giúp chúng ta nâng cao căn tánh của mình lần lược từ hạ căn đến trung căn, rồi từ trung căn nâng đến thượng căn.
Trong Phẩm Bồ Tát Vãng Sanh, Phật đã giảng rõ cho chúng ta biết, các vị Bồ tát vãng sanh Cực Lạc, thấy Phật A Di Ðà, liền chứng được thân rốt ráo và pháp bình đẳng với chư đại Bồ tát từ Bát Ðịa trở lên, cho nên trong đoạn Kinh này, đức Phật nói: “Chư đại Bồ tát, khéo được lợi ích.” Ở đây, Kinh nêu rõ mười phương Thánh chúng vãng sanh Cực Lạc đều được những lợi ích lớn lao này nhằm khiến chúng sanh tin ưa, phát nguyện, một bề chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc. Phật khen ngợi pháp môn Niệm Phật là bậc nhất để khuyến tín chúng sanh rằng: Nếu có thiện nam và thiện nữ nào, được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà mà phát sinh một niệm với tâm vui thích, quy y chiêm lễ, y giáo tu hành thì phải biết người này sẽ được những lợi ích và công đức lớn lao như các chư Đại Bồ tát, tức là họ đều chứng được thân rốt ráo và pháp bình đẳng với các chư đại Bồ tát từ Bát Ðịa trở lên.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở thế gian này chỉ nhằm một mục đích là phá mê khai ngộ, cứu khổ ban vui. Khổ từ đâu đến? Khổ là từ mê mà đến. Vui từ đâu mà có? Vui là từ Giác mà có. Vì vậy, tâm vui thích ở đây chính là “hỷ giác” trong Thất Giác Chi, chớ chẳng phải cái vui phàm tục. Thất Giác gồm có: trạch pháp giác, tinh tiến giác, hỷ giác, khinh an giác, niệm giác, định giác, xả giác. Vì thế, Phẩm Bồ tát Tu Trì của Kinh Vô Lượng Thọ nói, các Bồ tát ở cõi Cực Lạc đều “theo chỗ Phật hành Thất Giác, Thánh Đạo” là nói đến Thất Giác Chi và Bát Thánh (Chánh) Đạo.
Vì sao chúng ta phải theo chỗ Phật mà tu hành Thất Giác? Vì tâm vui thích là từ Giác mà có. Vừa Giác ngộ thì tâm liền được hoan hỷ, nên gọi là Hỷ giác chi. Cũng giống như thế, vừa Giác thì liền chăm chỉ, kiên trì tu hành, nên gọi là “Tinh tấn giác chi.” Vừa Giác thì liền có năng lực chọn lựa đúng pháp tu, khế lý khế cơ với mình, nên gọi là “Trạch pháp giác chi.” Vừa Giác thì tâm liền có sự tập trung, lắng đọng, nên gọi là “Định giác chi.” Vừa Giác thì tâm liền thanh tịnh, sảng khoái, nên gọi là “Khinh an giác chi.” Vừa Giác thì tâm liền tỉnh ngộ, nhìn thấu chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, nên gọi là “Niệm giác chi.” Vừa Giác thì tâm liền xa lìa vọng tưởng, phân biệt chấp trước, dứt sạch các phiền não, nên gọi là “Xả giác chi.” Như vậy, nếu không Giác thì làm sao mà diệt khổ, được vui! Thế nhưng, Giác từ đâu mà có? Ngay trên đề tựa của Kinh Vô Lượng Thọ đã giải thích rõ ràng: Giác là do từ tâm bình đẳng mà có. Bình đẳng từ đâu mà có? Bình đẳng đến từ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh từ đâu mà có? Từ chỗ xa lìa tà hạnh mà có; xa lìa tà hạnh chính là Bát Chánh đạo hay Thánh đạo.
“Tâm vui thích” ở đây có nghĩa là “hỷ giác” mà cũng là pháp hỷ sung mãn. Niềm vui này không phải từ bên ngoài vào, mà từ nội tâm giác ngộ phát sanh, từ trong trí tuệ sanh ra. Cho nên, chúng ta đem sở học của mình nơi Kinh Vô Lượng Thọ thực hành trong cuộc sống hằng ngày, hằng ngày trí huệ đều tăng trưởng thì sẽ có pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Như vậy, “tâm vui thích” ở đây chính là trạng thái của tâm đang khế nhập trong cảnh giới của Kinh Vô Lượng Thọ, cũng tức là đang khế nhập trong cảnh giới của Phật Bồ tát; cho nên, hành nhân sẽ dần dần đạt được nếp sống của chư Phật Bồ tát, như vậy sao không hoan hỷ được! Đây chính là niềm vui lớn lao, pháp hỷ sung mãn mà Phật bảo Ngài Từ Thị (tức Di Lặc Bồ tát): “Ông hãy quán sát, chư đại Bồ tát, khéo được lợi ích. Nếu có thiện nam, và thiện nữ nào, được nghe danh hiệu, Phật A Di Ðà, hay sinh một niệm, với tâm vui thích, quy y chiêm lễ, y giáo tu hành, phải biết người này, được lợi ích lớn, sẽ đặng công đức, như trên đã nói, tâm không hạ liệt, cũng không cống cao, thành tựu căn lành, thảy đều tăng thượng, phải biết người này, không phải Tiểu thừa, trong giáo pháp ta, được xưng gọi là, đệ tử bậc nhất.”
Nếu có ai nghe được danh hiệu Phật A Di Đà mà nơi tự đáy lòng của mình sanh lòng hoan hỷ hớn hở; thì dẫu chỉ trong một niệm đó, người này liền được thanh tịnh tâm và phát được nhất niệm tín tâm. Vậy, câu “một niệm với tâm vui thích” ở đây có nghĩa là “nhất niệm thanh tịnh,” mà cũng chính là “phát một niệm tịnh tín, niệm đức Phật A Di Đà.” Nếu ai “được nghe danh hiệu Phật A Di Ðà mà phát sinh một niệm với tâm vui thích, quy y chiêm lễ, y giáo tu hành,” thì người ấy chính là bậc thượng căn; vì sao chúng ta biết vậy? Vì tiếp sau đó Kinh ghi, người như thế sẽ “thành tựu căn lành, thảy đều tăng thượng, phải biết người này, không phải Tiểu thừa, trong giáo pháp ta, được xưng gọi là, đệ tử bậc nhất.” Lẽ tất nhiên, đệ tử bậc nhất của Phật nhất định là bậc thượng căn, chẳng phải là hạng trung hạ căn.
Vì sao trong nhất niệm thanh tịnh này mà hành nhân lại có đầy đủ công đức vô thượng, lợi ích sâu xa? Bởi vì với một niệm tin tưởng hết mực, tu hành phát nguyện cầu sanh Tịnh Ðộ này, thì nhất định lúc mạng chung sẽ được sanh về cõi ấy, cuối cùng rồi cũng được Phật quả cứu cánh, đó mới chính là công đức vô thượng. Cũng bởi vì sự lợi ích hết mực chân thật này mà ngay trước lúc vãng sanh, Trí Giả Đại sư sai môn đồ xướng tụng đề mục của Kinh Vô Lượng Thọ và Quán Kinh, rồi chắp tay khen rằng: “Bốn mươi tám nguyện trang nghiêm Tịnh Ðộ, ao hoa, cây báu, dễ đi mà chẳng có người. Dẫu tướng xe bốc lửa hiện ra, nhất niệm cải hối còn được vãng sanh, huống hồ giới, định huân tu. Thánh hạnh đạo lực thật chẳng luống uổng.” Và cũng bởi do pháp môn niệm Phật vi diệu tột bực như vậy mà lại dễ tu, dễ thành tựu công đức vô thượng, nên trước lúc viên tịch, Ấn Quang Tổ Sư đã di chúc rằng: “Pháp môn niệm Phật không có chi đặc biệt lạ kỳ. Chỉ cần khẩn thiết chí thành, thì không ai chẳng được Phật tiếp dẫn.” Một pháp môn không có chi đặc biệt lạ kỳ mà ai ai thực hành cũng được thành tựu công đức vô thượng, muôn người tu muôn người vãng sanh, chứng ngay địa vị A-bệ-bạt-trí, được pháp thân rốt ráo, bình đẳng với Bát Địa Bồ tát trở lên thì đây mới chính thực là sự mầu nhiệm cực kỳ mà không có một pháp môn nào có thể so sánh nổi. Thế mà người đời vẫn còn nghi ngờ Thánh lực của Phật A Di Đà, thật là một lỗi lầm to lớn, làm mất đi lợi ích chân thật trong tất cả các lợi ích mà đức Thế Tôn đã đặc biệt ban bố cho hết thảy chúng sanh phàm lẫn thánh.
Vì niệm Phật là một pháp vô thượng không có pháp môn nào sánh nổi, cho nên dẫu chỉ có một niệm là được đại lợi như vậy, nên Kinh dạy: nếu ai có thể dẫu chỉ trong một niệm chân thành, cung kính mà phát khởi lòng hoan hỷ, tin kính, trì danh hiệu Phật, lấy đó hồi hướng cầu sanh Cực Lạc thì phải biết người này sẽ được lợi ích lớn và công đức như các chư Đại Bồ tát. Lợi ích và công đức ấy những gì? Ấy chính là: Vượt ngang ra khỏi tam giới, thoát khỏi luân hồi sanh tử một cách rốt ráo, chứng trọn vẹn bốn cõi Tịnh Ðộ (Phàm Thánh Đồng Cư, Phương Tiện Hữu Dư, Thật Báo Trang Nghiêm Độ và Thường Tịch Quang), mà chẳng cần phải tu chứng từng phần từ thấp lên cao như các pháp môn tự lực khác. Đấy cũng chính là như các phẩm Chánh Nhân Vãng Sanh và Bồ Tát Vãng Sanh đã nói, sau khi hành nhân vãng sanh Cực Lạc, liền được nghe Phật A Di Đà nói pháp, mau chóng chứng được pháp thân thanh tịnh bình đẳng, ngang hàng với các chư đại Bồ tát từ Bát Ðịa trở lên, Nhất sanh bổ xứ thành Phật, cứu cánh tịch quang.
Chúng ta hãy suy nghĩ xem, ngày nay chúng ta ở trong Phật pháp làm được những việc thiện, có thể sánh với Lương Võ Đế không? Lương Võ Đế đã xây dựng bốn trăm tám mươi ngôi chùa, chúng ta đã tạo được mấy ngôi chùa rồi? Lương Võ Đế hộ trì mấy chục vạn chúng xuất gia, chúng ta hộ trì được mấy người? Thế mà, khi Lương Võ Đế gặp hỏi tổ sư Đạt Ma, công đức này của tôi bao lớn? Tổ sư Đạt Ma lắc đầu bảo, hoàn toàn không có công đức. Như vậy, chúng ta làm sao mà có thể sánh với Lương Võ Đế đây? Việc làm của chúng ta ngày nay làm sao có thể gọi là công đức được? Vậy, cái gì mới được gọi là công đức? Trong tâm thanh tịnh, một mảy tơ cũng không dính mắc là công đức. Trong tâm thanh tịnh bình đẳng, chẳng chấp tướng, ấy mới chính thực là công đức vô thượng mà Phật nói trong Kinh này. Đại Sĩ Hạ Liên Cư dùng cái công đức vô thượng ấy làm tựa đề: “Phật Thuyết Đại Thừa Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.” Phật A Di Đà cũng có cái tên khác là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Phật.” Thế mới biết, chỉ có cái tâm thanh tịnh bình đẳng giác mới là công đức vô thượng. Vì lẽ đó, A Di Đà Phật mới nói: “Ví như cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạng cầu chánh giác.”
Nếu nói là chấp tướng tu hành, tu phước đều là nghiệp luân hồi. Vậy, chúng ta có cần phải làm những việc này không? Chúng ta vẫn phải làm tất cả mọi việc cần phải làm, nhưng trong tâm không được dính tướng đi làm, trong Phật pháp gọi là “làm mà không làm, không làm mà làm tất cả”, thì đấy mới là công đức chân thật. Chẳng hạn, lúc vua Lưu Ly đem quan chinh phạt dòng họ Thích, Phật đã nhiều lần, ra đường ngăn chặn, khuyên ngăn vua; ngày nay chúng ta gọi hành động ấy là gì? Phật ra đường ngăn chặn vua Lưu Ly, nó ra chánh kiến của mình, ngày nay chúng ta gọi là “biểu tình bất bạo động.”
Trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa cũng đã nêu rõ, Quán Thế Âm Bồ Tát vì thương xót chúng sanh đang bị chìm đắm, mà hiện ba mươi ba hóa thân, làm đủ mọi việc công việc để cứu độ chúng sanh, nhưng Ngài chẳng hề dính vào bất cứ một tướng nào cả, đó gọi là “tùy duyên, không phan duyên.” Ngài hiện thân vua, thân tể tướng để làm gì? Tất nhiên là làm chính trị, cứu quốc, an dân. Ngài hiện thân quỷ dạ xoa để làm gì? Tất nhiên là để dọa nạt, răn đe những kẻ cực ác, khiến họ khiếp sợ, không dám tạo ác nữa. Phật pháp dạy chúng ta tất cả đều phải tùy duyên, không nên phan duyên, thì mới có thể thành tựu công đức chân thật.
Hòa Thượng Tịnh Không bảo: “Ngày nay bạn xây đạo tràng, bạn lập hội, đi kéo tín đồ khắp nơi, ở đâu cũng khuyên người hãy cúng dường tu phước, đây chính là tạo nghiệp luân hồi. Quả báo ở đâu vậy? Bạn hãy thử xem thật kỹ Kinh luận của Phật pháp, quả báo ở tam đồ, không ở nhân thiên. Bạn mới biết ở trong cửa Phật tu phước không phải là việc dễ dàng, không có trí tuệ thì không có phước đức, tu phước cũng không tu được.” Hòa Thượng còn nói, nếu chấp tướng mà tu phước như thế là “gieo ruộng phước vào trong đá rồi, đâu có thể khai hoa kết quả được, thế đến cuối cùng ngay cả hạt giống cũng bị mục nát hết.” Do đó, chúng ta phải nên giác ngộ một điều, chấp tướng, tu phước không phải là không làm gì hết, mà lại là làm tất cả, nhưng trong tâm chẳng hề dính mắc với việc mình làm. Nếu chúng ta nghĩ rằng, buông xả vạn duyên là không làm gì hết, để tâm được thanh tịnh, thì đó lại chính là chấp tướng, tu phước. Chấp vào tướng gì? Chấp vào tướng không! Hiện nay, có rất nhiều đồng tu sơ học chấp không tu hành mà lại tưởng rằng mình đang tu hạnh buông xả, thì đấy chẳng phải là “trí huệ vô tướng” được nói trong nhà Phật. Đấy là hạnh Tiểu thừa, chẳng phải là Bồ tát hạnh. Bồ tát hạnh là làm tất cả mà chẳng thấy mình thật sự có làm một việc gì hết, như kinh Kim Cang nói: “Diệt độ vô lượng vô số chúng sanh như thế, mà thật ra chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả” thì đấy mới là “trí huệ vô tướng.”
Phàm phu chúng ta do không có “trí huệ vô tướng” nên không nhận thức được cái gì gọi là phước điền. Cho nên cứ tưởng là mình làm được chút việc lành, rồi tự cho đó là phước báo rất lớn, mà không biết tương lai quả báo ở trong tam đồ. Nguyên nhân đó là gì? Không có Bát-nhã, không có trí tuệ vô tướng, si mê chấp tướng mà làm những sự việc này, nên dù làm rất nhiều nhưng toàn là tạo nghiệp dữ. Người tu phước chân chánh, họ làm thật, không cần danh lợi. Thí dụ, họ đem rất nhiều tiền để in Kinh sách, nhưng chẳng cần in tên, không có ai biết đến họ; cái phước báo này mới là thật. Có người lại bỏ rất nhiều tiền của và công sức xây dựng đạo tràng; nhưng họ cũng chẳng cần ai biết đến danh tánh. Bởi vì họ hiểu rõ cái gì là chấp tướng tu phước bị đọa tam đồ, nên họ có thể tu phước báo một cách chân thật. Cư sĩ Bàng đời Đường nói, việc tốt không bằng không việc. Không việc là công đức đứng hàng đầu; bởi vì vô sự chính là buông xả tất cả thân tâm thế giới, buông xả hết thảy xuất và xuất thế gian pháp, nên sẽ không khởi phiền não mà được thân tâm thanh tịnh bình đẳng. Hư Vân Đại lão hòa thượng xây chùa, sửa chùa khắp nơi, xây xong rồi, lập tức tìm một người có tu hành giao cho họ trụ trì, rồi liền bỏ đi ngay, về sau cũng không đến nữa, cũng không hỏi đến nữa, đây là tấm gương dạy cho chúng ta bố thí ba la mật, “làm mà không làm,” làm được như vậy tâm mới thật sự được thanh tịnh.
Câu “Tâm không hạ liệt” có nghĩa là: Tin tưởng nổi thiện căn của chính mình, tức tin nơi Tự Phật của mình. Câu “Cũng không cống cao” có nghĩa là: Tin vào Tha Phật, tin nơi Phật trí cho đến Thắng trí. Nói tóm lại, ý nghĩa ẩn mật của câu “tâm không hạ liệt, cũng không cống cao” chính là do niệm Phật mà thành tựu căn lành vô thượng. Vì sao? Vì niệm Phật là niệm cả tự Phật lẫn tha Phật, niệm niệm tiếp nối không ngừng cho đến khi tự Phật và Phật A Di Đà trở thành một, chẳng phải hai thứ khác nhau. Niệm Phật như vậy thì có căn lành nào có thể sánh bằng căn lành này chứ! Do đó, “thành tựu căn lành” chính là thành tựu ba thứ: Tâm, Phật và chúng sanh không sai biệt. Đó cũng lại chính là chứng được thân thanh tịnh bình đẳng rốt ráo, ngang hàng với các chư đại Bồ tát từ Bát Ðịa trở lên, nhất sanh bổ xứ thành Phật, cứu cánh tịch quang. Do vậy, nên trên bia đá của Kinh A Di Đà đời Lục Triều đã được ghi khắc: “Xưng danh hiệu Phật chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.” Vậy, Người niệm Phật với cái “tâm không hạ liệt, cũng không cống cao, thành tựu căn lành” chính là người “biết đem, trí huệ vô tướng, trồng các cội đức, thân tâm thanh tịnh, cầu sinh Tịnh Ðộ.”
“Thảy đều tăng thượng” nghĩa là: Do hành nhân tịnh niệm tiếp nối, ngày đêm không ngừng, tinh tấn không thôi nên hết thảy các thiện căn, phước đức, nhân duyên đều được tăng trưởng thêm. Vì sao niệm Phật lại có cái quả báo vô thượng như vậy? Bởi do niệm niệm chính là Phật nên nó trở thành cái nhân duyên gần nhất để thành Phật; và bởi do tịnh niệm tiếp nối không gián đoạn nên duyên thành Phật cũng không hề gián đoạn. Nói một cách dễ hiểu “thảy đều tăng thượng” có nghĩa là người niệm Phật thu nhiếp sáu căn vào một câu Phật hiệu, tiếp đãi tất cả pháp (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) dù nhiễm hay tịnh đều bình đẳng như nhau; do xa lìa hết thảy các thứ tâm phân biệt như thế nên tâm được thanh tịnh.
Thuở nọ, có một bà nhà quê thật thà dốt chữ, bà ta niệm Phật bằng cách dùng những hạt đậu để đếm số. Mỗi một câu niệm, bà nhặc một hạt đậu từ cái bát này bỏ qua cái bát kia, cứ như thế mà niệm niệm không gián đoạn suốt mấy chục năm trường; cũng không biết bắt từ lúc nào mà mỗi lần bà niệm Phật thì hạt lại tự mình biết nhảy từ bát này qua bát kia mà không cần phải dùng tay để nhặc nó nữa. Bà ta cũng chẳng sanh tâm thắc mắc tại sao mà hạt đậu lại có thể tự động nhảy như vậy. Bà nhà quê thật thà nghĩ, đó chỉ là hiện tượng tự nhiên mà thôi. Một hôm có một vị cao tăng đang bộ hành ngang qua làng, sư bỗng thấy có một ánh hào quang ngũ sắc phóng ra làm sáng rực cả một bầu trời từ nơi ngôi làng nọ. Sư thầm nghĩ, chắc là có một vị Bồ tát nào đó đang xuất hiện ở thôn xóm này, nên vội vã nhắm theo hướng xuất phát hào quang mà tìm đến. Một lúc sau, sư tìm thấy trước mắt có một bà già nhà quê ngồi trước nhà đang lẩm bẩm niệm Phật. Lại thấy có những hạt đậu ngộ nghĩnh tự động biết nhảy với mỗi câu niệm. Cao tăng nhận biết hào quang này phóng ra do từ tâm thanh tịnh của bà cụ, nhưng lại thở dài tiếc cho cụ bà đang niệm sai câu Phật hiệu. Sư phát lòng từ bi dạy bà nên niệm cho đúng âm là “A Di Đà Phật.” Nói xong sư vui vẻ giả từ bà cụ mà đi. Lúc ấy, cụ bà buồn chán, than thở vì đã niệm sai câu Phật hiệu suốt mấy chục năm làm luống uổng công phu. Rồi bà niệm “A Di Đà Phật” với lòng phiền não nên hạt đậu không tự động nhảy từ bát này qua bát kia nữa. Vị cao tăng kia đi được một khoảng đường, ngoảy đầu nhìn lại thôn xóm của bà cụ, sư bỗng ngạc nhiên vì không còn thấy ánh sáng ngũ sắc phóng ra nữa. Sư liền giật mình tĩnh ngộ mà thốt lên rằng: “chết rồi ta đã phá hỏng công phu niệm Phật của bà nhà quê kia rồi.” Sư vội vả quay trở lại nhà của bà nhà quê; lúc ấy sư thấy bà nhà quê đang niệm Phật với nét mặt không hoan hỷ, nên liền bảo, bà cụ ơi tôi đã dạy bà niệm sai rồi, câu Phật hiệu mà bà thường niệm lúc trước là đúng rồi, bà cứ tiếp tục niệm như vậy ắt sẽ sớm thành tựu. Bà cụ nghe vậy hết sức vui mừng và an tâm là bà không bị luống uổng công phu niệm Phật mấy chục năm trường. Sư lại từ giả bà cụ mà lên đường. Từ phía xa nhìn về ngôi thôn sớm ấy, sư lại một lần nữa thấy một đạo hào quang ngũ sắc xuất hiện làm sáng rực cả bầu trời. Lúc ấy, sư mới thật sự an tâm và vui mừng; và cũng do nhờ vào bài học này mà từ đấy vị cao tăng xả bỏ được tâm phân biệt, thành tựu pháp thanh tịnh, bình đẳng. Từ trong câu chuyện này chúng ta nhận thấy nếu chúng ta đem cái tâm phân biệt của mình mà niệm Phật thì dù chúng ta có niệm được muôn ngàn câu Phật hiệu cũng không bằng người đem tâm thanh tịnh, bình đẳng mà niệm chỉ một câu Phật hiệu. Mỗi người đều không giống nhau, nên cách thức tu hành cũng chẳng đồng như nhau; vị Phật mình niệm chính là cái tâm Phật của chính mình. Phương pháp nào, âm thanh nào giúp cho mình thấy được vị Phật mình niệm chính là vị Phật trong tâm của mình, thì đó là phương pháp hay nhất của riêng mình. Phật pháp vốn vô nhân, vô ngã, nên chẳng có pháp nào gọi là cố định cả. Cách niệm Phật này hay đối với mình, chưa chắc là hay đối với người khác và ngược lại cũng là như vậy mà thôi.
Khi xưa Hòa Thượng Hải Hiền cũng thế, chỉ biết có câu Phật hiệu mà niệm suốt chín mươi hai năm. Thế mà Ngài đã hơn mười lần gặp được Phật A Di Đà. Ngài dạy mọi người rằng: “Chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà là thật, tất cả những thứ khác đều là giả cả.” Hòa Thượng Hải Hiền do công phu niệm Phật tương tục mà thành tựu trí huệ vô tướng, xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tĩnh, nên Ngài mới thốt lên bảo: “Cái gì cũng tốt cả, không có cái gì không tốt. Cái gì cũng ngon, không nên phân biệt cái này ngon, cái kia dở;” đấy cũng chính là diệu chỉ của tâm Kinh “thị chư pháp không tướng, không dơ không sạch, không tăng không giảm.” Chúng ta cũng biết niệm Phật là tâm niệm, chẳng nên chấp cứ vào nghi thức, âm thanh, danh tự mà làm cho tâm mình mất đi sự thanh tịnh và bình đẳng; như Kinh Kim Cang nói: “Thấy tất cả tướng là phi tướng tức thấy Như Lai,” “ Lìa tất cả tướng tức là Phật,” chính là cái ý này. Vì vậy, chúng ta chẳng nên vì ý riêng của mình mà chê bai cách tu hành của người khác mà gây lỗi lầm, phá hỏng công phu tu hành của người khác.
Phật bảo: “Người biết đem trí huệ vô tướng, nhất tâm niệm Phật, xa lìa phân biệt, sáu căn tịch tĩnh, hướng Phật Bồ Đề, không phải Tiểu thừa.” Thế mà, người đời chê bai là người niệm Phật chỉ cốt để giải thoát cho riêng mình, thậm chí khinh rẻ pháp môn Niệm Phật, thì thật là chẳng hiểu được ý chỉ của Phật trong câu “Phát Bồ Đề Tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật.” Lại cũng chẳng hiểu lời nói mà Thế Tôn kim khẩu thân tuyên: “Người này chẳng phải là Tiểu thừa.” Hơn nữa, Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải cùng bình đẳng ban bố cho chúng sanh cỗ xe trâu trắng lớn, chỉ là Nhất Thừa, chẳng còn có hai hay ba thừa gì cả; cho nên mới gọi “chẳng phải là Tiểu thừa.” Phật lại tán dương những người niệm Phật như thế một lần nữa: “Trong giáo pháp ta, được xưng gọi là, đệ tử bậc nhất.” Vì cớ sao? Vì pháp môn Niệm Phật thật là bậc nhất, thật khó tin nhất. Ðối với pháp hết thảy thế gian khó tin được nổi này mà sanh nổi lòng tin chân thật, phụng hành đúng như lời dạy trong Kinh, thì thật xứng đáng được xưng tụng là “đệ tử bậc nhất của Phật”. Nói cách khác người niệm Phật với trí huệ vô tướng chính là bậc đại trí, có căn tánh Nhất Thừa vậy! Người này đã được Phật A Di Đà ngầm thọ ký vãng sanh Cực Lạc, được bất thoái chuyển nơi quả vị Vô Thượng Bồ Đề.
Do vì trong Kinh Vô Lượng Thọ nói về Phật A Di Đà, nên ai nghe Kinh này đều được đại lợi. Do vậy, đức Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên hết thảy chúng sanh nên vui thích tu tập theo pháp môn được giảng dạy trong Kinh này mà sinh tâm hy hữu. Vì quả báo của người vui thích tu tập theo Kinh này vô cùng hy hữu, nên dù cho đại hỏa tràn ngập cả tam thiên đại thiên thế giới, chúng ta cũng phải vượt qua đó để nghe nhận Kinh này, huống hồ là vì các tai nạn và chướng ngại nhỏ khác ở thế gian này mà lại bỏ qua, chẳng nghe Kinh này. Hơn nữa, Kinh này là Kinh bậc nhất của Tịnh tông, Kinh giảng về nhân địa, nguyện hạnh của Phật Di Ðà; y báo, chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc; chánh nhân vãng sanh của ba bậc thượng, trung, hạ; nhân quả uế tịnh của hai cõi; lý sự vô ngại, sự sự vô ngại pháp giới v.v…; không điều gì trong hết thảy thế gian và xuất thế gian pháp mà Kinh này chẳng bao gồm. Bởi thế, Phật khuyên tất cả các loài phàm, Thánh đều phải nên ở trong Kinh này mà sinh tưởng đạo sư, phải nên kính vâng theo Kinh giáo này mà phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm A Di Đà Phật.
Phàm hành nhân đã phát Bồ Đề tâm, một dạ chuyên niệm A Di Đà Phật đều mong muốn làm cho vô lượng chúng sanh mau chứng bất thoái chuyển, muốn thấy cõi Phật Di Đà thù thắng quảng đại trang nghiêm, nguyện học theo Phật A Di Đà tự nhiếp thọ cõi Phật Tịnh độ, rồi lại dùng các sự quảng đại thù thắng như thế để độ khắp các căn, rộng thâu vạn loại, hòng viên mãn công đức. Những người có đại nguyện và đại hạnh như thế thì phải nên khởi lòng tinh tấn nghe nhận pháp môn này. Cho nên đức Thế Tôn dạy: “Muốn khiến vô lượng, hằng sa chúng sinh, nhanh chóng an trụ, được bất thối chuyển, muốn thấy nước kia, rộng lớn trang nghiêm, nhiếp thọ các cõi nước Phật thù thắng, tròn đầy công đức. Phải phát tinh tấn, nghe pháp môn này.”
Đức Phật còn dạy chúng ta, nếu muốn cầu pháp này thì trước hết chẳng nên sanh lòng thoái chuyển, khuất lấp, siểm ngụy. Ấy là vì trong tứ hoằng thệ nguyện, có nguyện “pháp môn vô thượng thệ nguyện học,” mà Tịnh tông lại là pháp bậc nhất, và Ðại Kinh này lại là Kinh bậc nhất của Tịnh tông. Lúc còn tu nhân, Phật Di Ðà đã từng nói: “Ví cho cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác.” Muốn cầu chánh giác thì trước hết phải cầu chánh pháp. Do đó, chẳng nên tự sanh tâm siểm ngụy, thoái chuyển, cong vạy, hư vọng mà chẳng cần cầu tu học theo Kinh này. Phật bảo chúng ta phải nên như Phật Di Ðà trong lúc tu nhân thệ nguyện rằng: “Ví dù thân đoạn lìa chư khổ, tâm nguyện con hằng chẳng thối lui,” thì mới là lòng tin sâu chắc, tâm nguyện thiết tha.
Phật hỏi: “Tại vì sao thế phải cầu pháp này?” Tiếp đó, Phật lại dùng cả hai khía cạnh thuận và nghịch để giảng rõ lý do tại sao hết thảy chúng sanh phải cầu pháp môn này: Một là như trong phẩm Bồ Tát Vãng Sanh đã thuật, vô lượng vô số các vị Bồ tát trong mười phương thế giới đều cầu pháp môn vi diệu này, tôn trọng lắng nghe, tin nhận, phụng hành, đều vãng sanh Cực Lạc Thế Giới. Hai là như phẩm Chẳng Phải Tiểu Thừa này nói: “Có nhiều Bồ tát, muốn nghe Kinh này, mà chẳng thể được.” Phẩm Thọ Ký Bồ Đề còn nói: “Bởi trong pháp này, không chịu lắng nghe, nên [có] ức Bồ tát, tâm bị thối chuyển, quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.” Ở đây Phật dùng hai điều tương phản để khuyến dụ chúng sanh phải nên giữ vững lòng tin chắc nơi pháp môn này. Cho nên, đức Thế Tôn từ bi phó chúc, phủ dụ rằng: “Vì thế các ông, phải cầu pháp này.”
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.155.149 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập