Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Khi ý thức được rằng giá trị của cuộc sống nằm ở chỗ là chúng ta đang sống, ta sẽ thấy tất cả những điều khác đều trở nên nhỏ nhặt, vụn vặt không đáng kể.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Pháp Bất Nhị »»
Trong kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa, Đại Trang Nghiêm Bồ-tát hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ-tát muốn mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cần phải tu hành những pháp môn nào?” Đức Phật trả lời: “Có một pháp môn làm cho các vị Bồ-tát mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác... Pháp môn này gọi là Vô Lượng Nghĩa. Bồ-tát nếu tu được pháp môn này sẽ mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vô Lượng Nghĩa này từ một pháp sanh ra, pháp ấy chính là Vô tướng. Vô tướng nghĩa là Vô tướng mà chẳng phải Vô tướng. Chẳng phải Vô tướng mà Vô tướng nên gọi là Thật tướng.”
Để hiểu câu nói này của Phật, trước hết chúng ta phải biết Pháp thân là gì? Pháp là chư pháp, thân là bản thân. Bản thân của ta là hết thảy các pháp, hết thảy các pháp là bản thân của ta, thì đó gọi là Pháp thân. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, nếu cái thân này là hết thảy các pháp, là toàn thể vũ trụ, thì nó có tướng không? Nếu chúng ta nói Pháp thân là vô tướng thì làm sao nó có thể là tất cả các pháp, là toàn thể vũ trụ. Ngược lại, nếu Pháp thân chẳng phải là Vô tướng thì tại sao Pháp thân chẳng sanh chẳng diệt? Vì Pháp thân chẳng phải Vô tướng mà lại là Vô tướng, nên Phật gọi nó là Thật tướng. Tỷ dụ: Chúng ta nằm mộng, khi tỉnh mộng, suy nghĩ thấy tất cả cảnh giới trong mộng đều là do cái tâm của chính mình biến hiện ra, không những chỉ có cái ta trong mộng là ta, mà hết thảy mọi người, mọi vật, mọi hiện tượng cho đến hư không, toàn bộ những gì hiện ra trong mộng đều là do tâm ta biến hiện ra. Toàn bộ tâm ta biến thành mộng cảnh, toàn bộ mộng cảnh chính là cái tâm của chính mình, tâm và thức đều là chính mình. Nếu chúng ta có cái thấy đúng thật như thế thì sẽ thoát nhiên đại ngộ rằng: “Tận hư không khắp pháp giới vốn là ta! Tất cả hết thảy chư Phật, Bồ-tát trong mộng của ta vẫn là ta, đều do chính ta biến hiện ra.” Vạn pháp trong tận hư không khắp pháp giới đều do Chân như Bổn tánh của chính ta biến hiện. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười phương pháp giới đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Bởi do chư Phật chứng đắc Pháp thân thanh tịnh nên triệt để hiểu rõ đều này và nói cho chúng ta biết rõ điều này. Sau khi hiểu rõ, chúng ta bèn đối với hết thảy vạn pháp chẳng còn phân biệt, thị phi, nhân ngã nữa, nên các tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả đều chẳng còn, ngã kiến, nhân kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến cũng chẳng có. Đức Phật nói, người chứng thực được pháp như vậy chính là Bồ-tát thật sự. Hết thảy vạn pháp là hình ảnh Tự tánh của chính ta. Hiện tại, ta hiện ra cái thân này, sống trong hoàn cảnh này cũng chính là hình ảnh của Tự tánh biến hiện ra.
Bát-nhã Vô tri là tánh đức của Tự tánh. Vô tri tức là chẳng có tri kiến, hễ có tri kiến thì đó là hữu tri chớ chẳng phải vô tri. Hễ có hữu tri thì sẽ có phân biệt, chấp trước và vô minh. Cho nên, hữu tri chẳng phải là Thật tướng của các pháp. Vô tri chính là Căn Bản trí, là Thật tướng Vô tướng có thể làm cho các vị Bồ-tát mau thành đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ trong Căn Bản trí ấy, Phật phát sanh ra Hậu Đắc trí mà nói ra vô lượng nghĩa môn nhằm hóa độ chúng sanh với căn cơ khác nhau. Chúng ta phải biết, Hậu Đắc trí chỉ có thể sanh ra từ Căn Bản trí. Nếu Bồ-tát chưa đắc Căn Bản trí thì chẳng thể khởi sanh Hậu Đắc trí. Đấy cho ta thấy rõ, nếu một người chưa đắc Căn Bản trí thì tất cả pháp nghĩa nói ra đều là tà tri, tà kiến chớ chẳng phải là trí huệ chân thật lưu lộ từ Chân tâm Bổn Tánh. Kinh Kim Cang dạy: “Mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế;” đó là cảnh giới Chiếu Kiến của Sơ Trụ Bồ-tát trở lên trong Viên giáo, đó cũng là cảnh giới Minh Tâm Kiến Tánh của Bồ-tát trong Thiền tông, mà cũng là cảnh giới của các bậc Bồ-tát niệm Phật đắc Lý Nhất tâm Bất loạn trong Tịnh độ tông. Bất luận ai tu pháp môn nào mà đạt tới cảnh giới ấy thì tâm và cảnh bèn như một, tướng tức là tánh, tánh tức là tướng, vạn pháp bình đẳng như nhau. Hễ trong tâm còn có sai biệt, còn có phân biệt, chấp trước, thì chắc chắn chẳng thể đạt tới cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy gọi là Nhất Pháp (Một Pháp) hay Pháp Bất Nhị (Pháp Không Hai). Hết thảy Bồ-tát đều từ trong Một Pháp này mà thành Phật và cũng từ trong Một Pháp này mà lưu xuất vô lượng hạnh môn, nói vô lượng nghĩa kinh nhằm hóa độ chúng sanh.
Khi xưa, sư Ấn Tông hỏi Lục Tổ Huệ Năng: “Bình thường Ngũ Tổ thuyết pháp cho các thầy, có nói tới thiền định và giải thoát hay không?” Huệ Năng trả lời: “Thiền định và giải thoát là hai pháp, Phật pháp chỉ là pháp Bất Nhị.” Lục tổ ắt hẵn đã chứng đắc Pháp thân thanh tịnh nên thấy Phật pháp chỉ là pháp Bất Nhị và chỉ trụ trong Một Pháp, chẳng rơi vào hai, ba pháp. Trong cảnh giới của Ngài, vạn pháp bình đẳng như nhau, tâm và cảnh như một, tướng là tánh, tánh là tướng. Ngược lại, sư Ấn Tông do chưa chứng đắc Pháp thân nên mới có tâm phân biệt, chấp trước mà bị rớt vào trong hai, ba pháp. Tổ dùng câu nói này để chỉ điểm, cảnh tỉnh sư Ấn Tông: Nếu muốn chứng đắc Pháp thân Phật thanh tịnh thì phải thâm nhập pháp môn Bất Nhị, phải đạt tới cảnh giới thanh tịnh bình đẳng, tâm và cảnh như một, tánh và tướng đồng nguyên. Tuy rằng các tông phái chủ trương tu hành khác nhau, lý luận cũng khác nhau, nhưng hết thảy các pháp đều là Bất Nhị, đều là Một Pháp.
Tu hành Phật pháp là để gột sạch ý niệm, chẳng chấp nhận có phân biệt, chẳng chấp nhận có chấp trước, chẳng chấp nhận có vọng tưởng, thì mới có thể khôi phục sự thiên chân, đạt tới cảnh giới Nhất tâm, vạn pháp như một, đó là Phật pháp chân chánh. Tịnh độ tông gọi cảnh giới này là Nhất tâm Bất loạn. Nếu người niệm Phật chẳng có chủ ý hướng tới Một Pháp, chẳng lấy Nhất tâm Bất loạn làm mục tiêu để tu hành, tức là vẫn cứ muốn giữ lấy nhị tâm, tam tâm, thì đó không phải là Phật pháp chân chánh. Tu hành trong các pháp môn khác cũng chẳng ngoại lệ, cũng phải chọn lấy Nhất tâm làm mục tiêu để đạt tới, thì đó mới là Phật pháp chân chánh. Chúng ta phải biết, tất cả những tướng trạng, cách thức tu hành khác nhau trong các tông, các phái đều chỉ là phương tiện thiện xảo, nhưng dù nó có thiện xảo đến mấy, chúng vẫn chỉ là như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp. Chỉ có Nhất tâm Bất loạn mới là vĩnh hằng, bất biến, chẳng thay đổi, nên đó gọi là Pháp thân hay Thật tướng.
Trong Bồ-tát hạnh có một loại hành pháp gọi là Anh Nhi hạnh. Anh Nhi có nghĩa là trẻ thơ chưa có cảm thọ, chưa có tâm phân biệt. Chúng ta cho Anh Nhi ăn kẹo, nó cũng ăn. Chúng ta để mặc cho nó ăn phân, nó cũng ăn ngon lành, chẳng cự tuyệt. Vì sao? vì nó chẳng có tâm phân biệt chấp trước đối với mọi hoàn cảnh nhân sự và hoàn cảnh vật chất. Trong Phật giáo, Anh Nhi là hình ảnh của Bồ-tát đại hạnh. Trong Thiên Chúa giáo, Anh Nhi là hình ảnh của Thiên Thần (Angel). Nhưng vì sao rốt cuộc rồi Anh Nhi lại biến thành phàm phu? Khi Anh Nhi bắt đầu có cảm thọ, có phân biệt, có chấp trước, có thích cái này ghét cái kia, Anh Nhi liền biến thành phàm phu. Mọi người trong chúng ta từ lúc mới lọt lòng mẹ cho đến nay, ai nấy đều có lần là Anh Nhi, là một đức bé ngây thơ, vô tư vô tưởng, trong tâm chẳng hề dấy lên một niệm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hiện nay chúng ta dùng phương pháp niệm Phật để hồi phục lại tâm cảnh của chính mình lúc còn là Anh Nhi. Nếu chúng ta có thể khôi phục được tâm cảnh của chính mình giống như lúc còn là Anh Nhi thì nhất định sẽ niệm Phật được Nhất tâm Bất loạn, mau chóng thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Giác.
Nói tóm lại, ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn, vô lượng nghĩa môn, vô số cách thức dáng vẻ tu hành khác nhau cũng đều hướng tới cùng chung một mục tiêu, cùng chung một phương hướng; đó là đạt tới cảnh giới Nhất tâm Bất loạn, trái với phương hướng này thì chẳng phải là Phật Pháp chân chánh. Sở dĩ pháp môn Tịnh độ đặc biệt hơn các pháp môn khác là do Bốn Mươi Tám Bi Nguyện Độ Sanh của A Di Đà Phật mà thôi! Ngoài Bốn Mươi Tám Bi Nguyện này ra, mục tiêu tu hành của Tịnh độ cùng với các pháp môn khác đều là giống nhau, đều là Bất Nhị, đều là để đạt tới cảnh giới rốt ráo Nhất thừa, chứng Vô Sở Đắc. Thế nhưng, vì cảnh giới ấy rất khó đạt tới nên Phật đặc biệt dạy chúng ta pháp đới nghiệp vãng sanh. Trong pháp này, chúng ta nương vào nguyện lực độ sanh của A Di Đà Phật để bảo đảm liễu sanh tử, thoát tam giới ngay trong một đời này. Sau khi đến Tây Phương Cực Lạc Thế Giới rồi, chúng ta phải tu lại từ đầu. Pháp môn Niệm Phật thù thắng hơn hẵn các pháp môn khác chỉ là ở chỗ này mà thôi! Ngoài chỗ này ra, pháp môn Niệm Phật và các pháp môn khác đều là Bất Nhị. Tuy nói pháp môn Niệm Phật đặc biệt hơn các pháp môn khác là ở chỗ này, nhưng nếu muốn thành tựu thật sự, muốn bảo đảm vãng sanh, thì chẳng thể dùng loạn tâm để niệm Phật, vì sao? Vì loạn tâm niệm Phật chẳng tương ứng với tâm thanh tịnh của Phật, chúng ta nhất định phải dùng tâm thanh tịnh niệm Phật mới cảm thông với Phật.
Trong pháp môn Tịnh độ cầu vãng sanh, tâm thanh tịnh có nghĩa là “một bề chuyên niệm, chẳng xen tạp với ý niệm khác.” Chúng ta chớ nên niệm quá nhiều thứ, xen tạp chẳng chuyên, vì đó chẳng phải là pháp “một bề chuyên niệm,” chẳng đúng với tông chỉ của pháp môn này, không tương ứng với điều kiện được nói trong Bốn Mươi Tám Nguyện của Phật A Di Đà, nên chẳng thể vãng sanh. Do vậy, nếu chúng ta thật sự muốn bảo đảm vãng sanh thì suốt đời này phải nhất tâm chuyên niệm, những thứ khác đều phải buông xuống hết, buông thế duyên xuống, hết thảy Phật pháp cũng phải buông xuống hết, chỉ niệm một bộ kinh Tịnh độ (Kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh A Di Đà), chỉ niệm một câu Phật hiệu A Di Đà thì mới có thể đi thông suốt con đường này. Ai chịu đi trên chỉ một con đường này thì người đó sẽ thành tựu. Ai thích nghiên cứu, thích tu hành xen tạp, thì phải đứng kẹt ở ngã ba, ngã tư đường. Càng xen tạp nhiều pháp môn bao nhiêu, càng trở thành bế tắc bấy nhiêu, chẳng thể tiến lên thêm một bước nào được trên con đường đến Tây Phương Cực Lạc. Tục ngữ có câu: “Kẻ ngốc có phước của người ngốc.” Chúng ta có ngốc nghếch đến mấy, nhưng nếu chịu buông xuống hết vạn duyên, một bề niệm Phật cầu sanh Tịnh độ cũng được A Di Đà Phật tiếp dẫn đến Tây Phương. Một khi vãng sanh rồi, quyết định sẽ thành Bồ-tát, thành Phật, chẳng còn ngốc nghếch nữa. Người tự cho mình là thông minh thì sẽ mắc phải cái sai lầm của người thông minh. Bình thường kẻ thông minh hay tự kiêu, tự cậy vào cái thông minh của chính mình, chẳng chịu buông xuống, thứ gì cũng muốn biết, thứ gì cũng muốn học, tới lúc cuối cùng chính kẻ thông ấy bị thua thiệt, phải đứng sau người. Vì thế, chúng ta nhất định phải giác ngộ điều này, nhất định phải chuyên tu, chẳng nên tạp tu, tạp tấn.
Hiện nay, chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm Phật thật là dễ dàng, niệm bất cứ lúc nào cũng được, niệm bất chứ chỗ nào cũng được, rãnh cũng niệm được, bận cũng niệm được, đi, đứng, ngời, nằm đều có thể niệm, chẳng cần phải chuốc lấy nỗi phiền phức, vất vả mà cũng được vãng sanh. Một khi vãng sanh rồi, bèn có được công đức xứng tánh với Như Lai, đạt tới diệu cảnh Bất Nhị chẳng gì sánh bằng. Đây chính là địa vị Diệu Giác mà các vị Bồ-tát tu trong những pháp môn khác phải trải qua hằng sa số kiếp mới có thể đạt tới địa vị này. Mỗi ngày chúng ta niệm Phật thì cũng giống như đang bước trên thềm báu do A Di Đà Phật đã lót sẵn cho chúng ta đi. Nếu chúng ta đang đi trên thềm báu mà chẳng biết thì đúng là chẳng biết hưởng thụ, đúng là chính mình đang tu vô thượng đạo mà cũng chẳng biết đó là vô thượng đạo. Mỗi ngày chúng ta niệm kinh Vô Lượng Thọ thì cũng giống như đang ở trong căn nhà lộng lẫy của A Di Đà Phật. Nếu mỗi ngày chúng ta đều ở trong nhà Phật mà chẳng biết hưởng thụ những thứ trân bảo trong căn nhà ấy thì thật là đáng tiếc! Những gì người niệm Phật có được trong pháp môn Tịnh độ mà chính mình cũng chẳng hay chẳng biết thì như cổ nhân thường nói: “Dựa cửa khảy ngón tay, chẳng biết thân đã ở trong lầu ngọc,” thật đáng tiếc lắm! Nói cách khác, tuy chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, nhưng bản thân chẳng biết trạng huống chân thật của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, cũng chẳng biết chính mình đang tu hành điều gì và đang hướng tới cảnh giới gì? Do chẳng biết chẳng hiểu, nên niệm Phật suốt đời mà chẳng thể vãng sanh. Vấn nạn chung của người niệm Phật chính là ở chỗ này! Do chẳng biết rõ, nên ý chí do dự, tâm không chuyên nhất, tạp tâm xưng danh, loạn tâm niệm Phật, tu hành với cái tâm như vậy thì chẳng thể thành tựu, hết sức đáng tiếc!
Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật nói: “Ta thương các ông, khổ tâm khuyên dạy, trao cho kinh pháp, thảy đều thọ trì, quán chiếu, phụng hành.” Thích Ca Mâu Ni Phật đã tỉ mỉ nói ra hết những điều chướng ngại của chúng ta với niềm hy vọng rằng, chúng ta sẽ thật sự siêng năng tu học theo kinh điển này, nhằm liễu giải hết mọi sự vi diệu trong pháp môn Niệm Phật, có trí huệ hiểu rõ trạng huống chân thật của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, phá tan mọi nghi lự và sai lầm. Chúng ta nhất định phải thấu hiểu mục đích khổ tâm của Thích Ca Mâu Ni Phật trong việc khai mở Phật tri kiến cho bọn phàm phu mê hoặc điên đảo cực nặng như chúng ta.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.118.28.217 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập