Yếu tố của thành công là cho dù đi từ thất bại này sang thất bại khác vẫn không đánh mất sự nhiệt tình. (Success consists of going from failure to failure without loss of enthusiasm.)Winston Churchill
Ngủ dậy muộn là hoang phí một ngày;tuổi trẻ không nỗ lực học tập là hoang phí một đời.Sưu tầm
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Giữ tâm thanh tịnh, ý chí vững bền thì có thể hiểu thấu lẽ đạo, như lau chùi tấm gương sạch hết dơ bẩn, tự nhiên được sáng trong.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu tiền bạc không được dùng để phục vụ cho bạn, nó sẽ trở thành ông chủ. Những kẻ tham lam không sở hữu tài sản, vì có thể nói là tài sản sở hữu họ. (If money be not thy servant, it will be thy master. The covetous man cannot so properly be said to possess wealth, as that may be said to possess him. )Francis Bacon
Hãy làm một người biết chăm sóc tốt hạt giống yêu thương trong tâm hồn mình, và những hoa trái của lòng yêu thương sẽ mang lại cho bạn vô vàn niềm vui và hạnh phúc.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Lo lắng không xua tan bất ổn của ngày mai nhưng hủy hoại bình an trong hiện tại. (Worrying doesn’t take away tomorrow’s trouble, it takes away today’s peace.)Unknown
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tản văn »» Xem đối chiếu Anh Việt: NHỮNG TẾT THA HƯƠNG »»
Tết năm nào tôi cũng nghĩ đây là một tết tha hương cuối cùng và tự an ủi: “Thôi, chịu khó năm nay, sang năm về nhà ăn Tết. Tết ở quê hương có Thủy Tiên, hoa Đào, hoa Mai và nhất là có mẹ già.”
Nhưng hết năm này đến năm khác, mấy chục năm qua, không những vẫn Tết tha hương mà lại còn biến thành tết lưu vong, và mẹ thì cố nhiên là không còn nữa!
Năm nào cũng như năm nào, Tết ở đâu cũng cô đơn, dù tôi có xê dịch hay ở yên một chỗ, ăn Tết ở nhà mình, ở nhà người, một mình, hai mình, nơi đông đảo hay vắng vẻ. Và lắm khi càng đông người càng cảm thấy cô đơn hơn.
TẾT HONGKONG - 1946
Cuộc chiến đã bắn tất cả thanh niên nam nữ ra ngoài ngưỡng cửa gia đình, bắn tung ra cả đến ngoài biên giới, xô dồn tất cả lứa tuổi từ 16 trở lên vào con đường tranh đấu. Bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn, ai cũng khăn gói lên đường.
Sau khi thoát khỏi nanh vuốt và những vụ bắt bớ của phe này, phe khác, tôi kinh sợ cái hăng say khát máu của các cấp chỉ huy. Cuộc sống bấp bênh đến mức độ có thể, sau một giấc ngủ vô tư, sáng dậy, người ta bỗng trở thành lãnh tụ chỉ huy, hay là bị cùm xích cả chân tay. Không muốn lãng phí cái chết của mình, một sớm tinh sương, tôi phiêu phiêu đổ bộ đất HongKong với một bộ quần áo Tàu mong manh. Cái công ty Tàu tổ chức đám nạn dân đổ bộ, chờ đến sau khi “các chú”, “các thím” qua thoát lưới Hải Quan Anh là họ trút gánh nặng, quay tàu ra khơi để còn đi làm chuyến khác.
Trời Hong Kong mùa Tết gió rét như cắt, nhất là ở những con đường ngay cạnh bãi biển. Hai bên đường phố, các hàng bán hoa quả và hàng Tết bày lan tràn ra đến lề đường, như giục giã người ta sắm Tết, nhắc nhở Tết đây rồi, làm tôi thấy nhớ nhà, nhớ mẹ lạ lùng.
Tôi được giới thiệu vào ở trọ trong một gia đình Tàu. Nhà không rộng, nên họ dọn cho tôi một cái giường vải trong một góc phòng, giăng một tấm màn ngang qua giường, và trong chớp mắt, góc phòng bé nhỏ biến thành cái thế giới riêng biệt của tôi.
Bên kia tấm màn biên giới là giường của hai thằng bé độ sáu bảy tuổi, con nuôi của bà chủ nhà. Hai thằng bé thực khỏe mạnh và kháu khỉnh, nhưng bị mù. Chúng nó sinh ra toàn vẹn cho đến khi quân Nhật đánh chiếm Hương Cảng. Không biết lửa đạn vung vãi thế nào mà chúng biến thành ra mồ côi và tàn tật.
Trong nhà còn đôi ba cặp nữa, mỗi đôi ở một căn phòng nhỏ, ngăn lại bằng ván ép. Biên giới là tấm ván mỏng, không ngăn được tiếng nói thì thào âu yếm lúc đêm khuya, và cũng không ngăn được giọng cãi vã, dù người ta có xuống giọng thấp đến mấy đi nữa. Nhưng nhờ có cái biên giới tượng trưng nên ai cũng thấy yên tâm như được che chở, và khi bóng tối bao trùm thì bên kia biên giới là hư vô...
Thì ra biên giới thật co giãn. Biên giới có thể là Vạn Lý Trường Thành, là biệt thự này cách biệt thự kia hàng trăm thước, là cái hàng rào thưa, mảnh ván ép, và cũng có thể chỉ là một tấm màn mỏng manh.
Sau biên giới vải, tôi nằm im lìm vờ ngủ, lắng nghe những sống động ưu tư trong lòng, và đồng thời cũng lắng nghe cái Tết đang lan tràn.
Người ta có cả tháng để chuẩn bị, thế mà cho đến phút cuối cùng vẫn còn có kẻ mua bán rối rít. Người nào cũng lo áo quần mới cho gia đình, quà bánh cho khách đến chúc Tết, phong bao cho trẻ con. Đồ ăn thì cố nhiên là phải đặc biệt, những món ăn riêng cho ngày Tết. Đêm đã khuya mà ngoài đường vẫn còn cả một rừng người tấp nập đi mua sắm hay đi nhìn thiên hạ mua sắm! Họ đi vào ánh đèn ngũ sắc như trăm nghìn con thiêu thân, vì chính họ cũng là một loại thiêu thân.
Giờ này ở quê hương, gia đình của tôi đang ở lao tù nào? Các bạn của tôi, chắc hẳn từng đoàn, từng nhóm, đang “xếp bút nghiên”.., đang “một ra đi là không trở về”. Còn tôi mơ màng nghĩ đến ngày mai vào Quảng Châu để gặp các anh em sinh viên cách mệnh đang học ở đấy. Mấy hôm trước, anh Hùng sau khi đọc bản tự thuật “Hoa Sen trên biển” của tôi, đã bảo anh Vĩ, người liên lạc: “Anh đưa cô ấy đi Quảng Châu ngay. Càng sớm càng tốt. Đừng để mất!” Anh Vĩ tin là thế nào tôi cũng sẽ được ở lại học với các anh ấy.
TẾT NAM KINH
Căn nhà chúng tôi thuê được ở ngoại ô Nam Kinh nhỏ bằng một cái phòng. Và thực sự nó cũng chỉ có thế. Nó vỏn vẹn là một cái phòng vuông vắn, một cửa ra vào và một cửa sổ. Không có gì nữa, ngoài mấy cái giường vải, ngày xếp lại, tối mới giở ra. Nhà không có lò sưởi, đã thế, vách ván lại hở, cửa gài thô sơ, gió lọt vào lạnh thấu xương.
Bên cạnh nhà là hồ Huyền Vũ, cái tên thực đẹp. Người Tàu có tài đặt tên đẹp cho tất cả những gì cần đến tên. Hồ này là để cho tất cả xóm giải quyết vấn đề nước non. Họ dùng nước hồ để nấu nướng, giặt quần áo, rửa rau, vo gạo, ban ngày cho tất cả mọi người, và thêm tắm ban đêm cho chúng tôi.
Những nhà Tàu, nếu không phải là thứ tối tân thì không bao giờ có phòng tắm. Nhưng họ có cách tắm ngay trong phòng ngủ, nếu cần. Mỗi gia đình đều có một cái thùng gỗ. Họ ngồi trong thùng, pha một chậu nước ấm để bên cạnh, rồi từ từ dội từng gáo nước lên người. Tôi học được cách tắm này trong thời kỳ ở trọ với gia đình Tàu.
Bọn chúng tôi, cũng như tất cả các anh em đã nhất quyết “ra đi không vương thê nhi”, chả nhẽ lại đi vương cái thùng tắm kè kè bên hông, thành ra khi muốn tắm, phải cắn răng chạy ra hồ, tắm xong, cắn răng chạy một mạch về nhà. Hàng xóm trông thấy phục lăn, cứ tưởng bọn này võ nghệ siêu quần, nội công thần sầu quỉ khốc, chả biết rét là gì.
Mỗi ngày, ăn điểm tâm xong, chúng tôi cuốc bộ ra thư viện học, Anh Hùng thì chầu chực ở Bộ Giáo Dục về việc giấy tờ cho chúng tôi chính thức vào Đại Học.
Hồi ở nhà, tôi chỉ biết ăn mà không biết nấu, tiểu thư mà lại! Bây giờ là người nữ độc nhất và đầu tiên của cả bọn, nên phải học nấu cơm với các anh. Đồ ăn thì thực giản dị. Ai cũng học thuộc lòng câu “thánh kinh: “Muốn cao lương mỹ vị thì về nhà mà ăn”, nên không ai chê tôi nấu ngon nấu dở bao giờ cả. Vì tiền Tàu tụt giá theo với tình hình quân sự, nên khi có tiền, chúng tôi phải tích trữ rau ăn. Chả có rau gì để dành được lâu bằng hành, nên trong bữa cơm bao giờ cũng có hành. Tôi cũng gắng tập đổi món: hành xào, hành luộc, hành nấu canh, nấu xúp, dưa hành..
Được phép nghỉ học một buổi, chúng tôi ăn Tết bằng cách đi xem thiên hạ sắm sửa. Chúng tôi cũng hòa mình vào với các làn sóng người đang đi mua bán như điên, để hưởng thụ cái cảm giác say sưa của Tết. Xem thiên hạ tiêu tiền xong, chúng tôi về nhà ăn Tết với nhau. Bữa cơm Tết có thêm một món mới hành trộn dầu giấm.
Chiều đến, ông Lũ, một giáo sư đại học, bạn của anh Hùng và cũng là một Mạnh Thường Quân của anh em sinh viên cách mệnh, đến thăm. Ông bà ở thực xa nhưng cũng chịu khó đi xe ba bánh đến, tặng cho chúng tôi một bao gạo và một số lương khô. Chúng tôi nhất định làm cơm thết ông bà. Các anh chịu khó tỉa rau muống ngâm nước cho nó cuốn cong, trông thực đẹp, để trộn dầu giấm làm món xà lách. Chỉ tiếc, ông bà cũng như tất cả những người Tàu cẩn thận khác, không dám ăn rau sống. Với người Tàu, rau gì cũng có một tính chất: hàn, nhiệt, độc, lành v.v... Rau sống thuộc hàn, lạnh, rau muống cũng thuộc hàn, đã hai lần hàn, lại ăn vào mùa đông thì eo ôi, hậu quả không biết thế nào mà lường được!
Sau này tôi mới biết là đàn bà Tàu phần nhiều rất thạo tính chất của các món ăn hàn nhiệt, để chỉ huy sự “hàn, nhiệt”của các đấng trượng phu. Khi nào thấy các ông “hàn” với mình quá, các bà chẳng cần phải điểm phấn tô son gì cả, chỉ cần nấu mấy món “nhiệt” là các ông thay đổi thái độ ngay. Và trái lại, nếu các ông “nhiệt” quá, thì trong bữa cơm lại thấy có những món canh, món hầm đặc biệt. Trên nguyên tắc thì các ông vẫn là chủ động, nhưng chính các bà là người chỉ huy, giật giây lúc nào thì các ông được phép “chủ động” lúc ấy. Thực là tế nhị và hòa bình biết bao! Nếu nghiên cứu kỹ lại thì chắc Hồ Ly Tinh ngày xưa trong truyện Liêu Trai, có lẽ cũng chỉ là những cô nương biết sử dụng các món ăn hàn nhiệt.
Cơm xong, anh Thành, một sĩ quan Việt Nam trong quân đội Trung Hoa. Mang đến cho chúng tôi một gói mứt gừng, mứt sen, trà Tàu, hạt dưa. Chúng tôi vớt vát lại, mời khách tráng miệng mứt gừng, món nhiệt để cứu vãn cái hàn của bữa cơm rau đạm bạc. Anh Thành bảo chúng tôi liệu cuốn gói ngay đi. Chánh phủ cụ Tưởng sắp rời Nam Kinh đến nơi. Anh được lệnh chỉ huy một đoàn xe về Nam, sáng mai sẽ lên đường. Anh cho chúng tôi tháp tùng miễn phí.
Khỏi cần bàn cãi gì cả, chúng tôi sửa soạn xếp hành lý ngay. Cả bọn đã chuẩn bị bán đồ đạc từ lâu, nên khi quyết định đi là có thể đi liền. Tiền bán bớt hành lý đủ cho các anh, người thì đi xe lửa suốt, trực tiếp về Quảng Châu, người thì nghĩ xa xôi hơn, chạy thẳng qua Đài Loan trước khi chính phủ chạy, như thế, chạy một mạch, đỡ vất vả tốn kém đến hai lần. Đấy là anh Toàn, người giàu nhất, có bà con tiếp tế từ Pháp sang đều đều.
Tôi và anh Hùng nhẹ túi nhất, nên theo anh Thành leo lên chiếc xe nhà binh. Ngoài tài xế, chỉ vợ con họ là được ngồi trong xe, còn tất cả những kẻ tháp tùng đều phải ngồi trên đống thùng xăng, phụ tùng để sau xe không mui, tha hồ mà làm quen với nắng mưa sương tuyết trên con đường Nam tiến – nói cho đúng hơn là Nam lùi.
TẾT THƯỢNG HẢI
Đoàn xe lên đường lúc còn sớm tinh mơ. Đã là nhà binh, lại chạy loạn, nên hình như ai cũng vui lòng tập họp đúng giờ, không hề nghe một lời phàn nàn, thở than. Trong không khí hốt hoảng vội vàng, các bà vợ tháp tùng theo xe chồng vẫn ăn diện như Tết. Điểm đặc biệt, là tay bà nào cũng ôm kè kè một cái bọc mà họ gọi là “xám pao” (bọc quần áo). Cái bọc này, tôi chắc là dù có chết đến nơi họ cũng không thả ra.
Có tin Cộng quân đã lẩn quất đâu đây, nên dân chúng mạnh ai nấy chạy. Họ ôm quần áo, heo gà, gồng con gánh cái, chạy ngược chạy xuôi. Họ nội chạy sang họ ngoại, họ nhà trai chạy sang họ nhà gái, nhưng chạy đi đâu cũng thấy có người chạy ngược lại về phía mình vừa mới bỏ đi, gây thành cái hiện tượng kiến trong miệng chén, và cái chén đang ở trên một lò lửa đỏ hồng.
Đoàn xe vượt qua Tô Châu nhanh như chớp. Không ai nghĩ đến hoài tiếc, không thể đi chậm lại để thưởng thức một danh thắng, mà chỉ nghĩ đến vùng an toàn trước mặt.
Hùng và tôi ngồi trên đống thùng xăng cao ngất ngưởng lộ thiên, nên phải lấy chăn khoác thêm lên người để chống lại khí lạnh của sương mù. Nếu là thời bình, có thì giờ đi ngao du sơn thủy, thì thú vị biết bao.
Trước khi anh Thành đến “bốc” chúng tôi đi, cả bọn đã biết là sẽ phải về Nam, anh Hùng đã phác họa chương trình đi bộ nếu cần. Chúng tôi đã sửa soạn hành lý chỉ vừa đủ trong ba lô, các vật dụng khác, chỉ giữ lại cái gì sức mình có thể mang nổi trên lưng. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tôi khá đầy đủ về cái chương trình “Nam lùi” bằng chân, để tôi đỡ kinh sợ và chán ngán.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 13.58.45.238 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập