Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh cánh buồm để luôn đi đến đích. (I can't change the direction of the wind, but I can adjust my sails to always reach my destination.)Jimmy Dean
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. (A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people.)Will Rogers
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Năm sự đau đớn, năm sự thiêu đốt »»
Trong kinh Vô Lượng Thọ, sau khi giảng về năm sự ác của người đời, Phật tổng kết lại năm sự ác, năm sự đau đớn, năm sự thiêu đốt, để chúng sanh ghi nhớ chẳng quên. Kinh chép: “Ở trong trời đất, năm nẻo rành rành, thiện ác báo ứng, họa phước nối nhau, tự làm tự chịu, không ai gánh thay. Người hiền làm thiện, từ vui vào vui, từ sáng vào sáng. Kẻ dữ làm ác, từ khổ vào khổ, từ tối vào tối, có ai hay biết! Chỉ Phật rõ biết. Lời dạy mở bày, ít kẻ tin làm, sinh tử chẳng dừng, đường ác không dứt, người đời như thế, khó thể dứt tận. Thế nên tự nhiên, có ba đường ác, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời kiếp kiếp, không có ngày ra, khó đặng giải thoát, đau không kể xiết!”
Trời đất chỉ chung cả ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Năm nẻo chỉ chung tất cả các đường lành lẫn nẻo ác trong tam giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, a-tu-la, trời. Trong vòng trời đất, sanh tử trong năm đường, khổ vui ai cũng thường tự thấy rõ, nhân quả phân minh. Hễ có nhân ắt có quả! Nghiệp nhân là như thế thì quả báo cũng là như thế, chẳng sai trật một tơ hào, có làm ắt có báo, có cảm ắt có ứng. Như vậy, họa phước gặp phải trong hiện tại đều do sự báo ứng của túc nhân. Thiện ác thuộc về nhân, phước họa thuộc về quả. Nhân có thiện ác thì quả có cảm vui khổ. Nghiệp nhân quả báo giống như bóng theo hình, tiếng vọng vang ra từ âm thanh không sai mảy may. Vì nghiệp nhân đời trước có thiện và ác lẫn lộn, nên đời sau thọ quả báo có vui có khổ. Hoặc trước vui sau khổ, hoặc trước khổ sau vui, khổ vui tiếp nối nhau, họa phước thay phiên nhau, làm lành được phước, tạo ác mắc họa, đều là tự mình làm tự mình chịu, chẳng ai có thể thay thế cho.
Người hiền gieo nhân lành, đời sau sanh trong nhà tôn quý, thân hình đoan chánh, duyên cảnh hòa mỹ, thân tâm sướng vui, đó gọi là vui. Người hiền có trí huệ sáng suốt, thông đạt, ưa điều thiện, thích bố thí, đó gọi là sáng. Nếu người hiền làm nhiều thiện nghiệp, siêng tu phước huệ thì được sanh lên cõi trời; hay hơn thế nữa, nếu người hiền lại biết phát Bồ-đề tâm, một lòng niệm Phật, lấy tất cả công đức của các thiện nghiệp đã làm hồi hướng cầu sanh Tây Phương Cực Lạc, thì đó chính là “từ vui vào vui, từ sáng vào sáng.” Kẻ dữ tạo ác nghiệp, gieo nhân ác phải lãnh chịu quả ác, đời sau sanh trong nhà ty tiện, hình dung khô kháo, cả đói lẫn rách bức não thân tâm, đó là khổ. Kẻ dữ lại còn ngu muội vô tri chẳng tin chánh pháp của Phật, chẳng làm việc lành, đó là tối; thảng hoặc lúc sống tạo nhiều ác nghiệp, lúc chết bị đọa vào ác đạo, đấy chính là “từ khổ vào khổ, từ tối vào tối.” Phật đã dạy rõ lý nhân quả sanh tử trong sáu đường rành rành là như thế, rất thâm sâu u huyền mà hết thảy chín mươi lăm phái ngoại đạo chẳng thể biết được nổi, chỉ mình Đức Thế Tôn mới biết được căn nguyên, nên trong kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Có ai hay biết! Chỉ Phật rõ biết.”
Phật rủ lòng từ bi giáo hóa, mở bày sự chân thật, nhưng chúng sanh si mê, chẳng tin theo, chẳng hành theo. Thậm chí có những kẻ si mê đến cùng cực, chẳng những không coi trọng nhân quả mà còn vọng ngôn bài bác, cho là không có nhân quả, chống báng lời Phật dạy, nên trong thế gian mới có chuyện “sinh tử chẳng dừng, đường ác không dứt.” Vì thế, Phật mới than thở: “Lời dạy mở bày, ít kẻ tin làm.” Thế nhân chẳng tin lời Phật răn dạy, cứ mãi tiếp tục làm ác không thôi, thế nên tự nhiên có ba đường ác, vô lượng khổ não, xoay vần trong đó, đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, khó đặng giải thoát, đau không kể xiết! Do năm sự ác đã nói trên khiến chúng sanh xoay vầng trong ba ác đạo đời đời kiếp kiếp không có ngày ra, để lãnh chịu năm sự đau đớn và năm sự thiêu đốt không sao kể xiết. Phật khuyên người đời phải chuyển đổi năm điều ác thành năm điều thiện. Kinh chép: “Năm ác, năm khổ, năm thiêu như thế, ví như lửa lớn, thiêu đốt thân người. Nếu từ trong đó, tận chế tâm ý, đoan thân chánh niệm, nói làm đi đôi, chỗ làm chí thành. Chỉ làm việc thiện, không làm việc ác, thân tự độ thoát, đặng phước đức kia, mạng sống dài lâu, đặng đạo Niết-bàn, là năm thiện lớn.” Phật dùng lửa lớn để ví cho năm điều ác: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ và nghiện ngập. Nếu ai có thể từ trong năm thứ đau đớn, năm thứ thiêu đốt ấy mà chuyên nhất chế ngự, ngăn dứt tam độc tham, sân, si trong ý nghiệp, đoan thân chánh tâm, lời nói đi đôi với việc làm, dùng thiện hạnh để thực hiện lời nói, thành thật chẳng dối trá, chẳng làm các điều ác, thì sẽ được các phước đức, thoát ra khỏi sanh tử. Hết thảy thế gian trong tam giới nào có sự trường sanh bất tử, chỉ có chứng được đạo Vô thượng Bồ-đề mới bất sanh bất diệt. Vì vậy, lìa được sự sanh tử của thế gian mới đúng là trường sanh thật sự. Dẫu cho ở ngay trong địa ngục mà chứng đắc được ba đức thân-ngữ- ý thanh tịnh thì địa ngục cũng biến thành Niết-bàn. Vậy, Niết-bàn chính là cái quả của sự chứng ngộ trọn vẹn ba đức: không tham, không sân, không si. Nói riêng trong Tịnh tông thì Niết-bàn chính là Cứu Cánh Thường Tịch Quang. Sự lành như thế mới thật sự là thiện lớn!
Đức Thế Tôn nói, những người muốn được sanh về cõi Phật A Di Ðà, nếu chẳng thể đại tinh tấn thiền định, trì kinh, giữ giới, thì ít nhất phải dũng mãnh làm các việc lành, tu Thập Thiện Nghiệp. Tuy Thập Thiện vốn chỉ là nghiệp để sanh cõi trời, nhưng do nhân duyên niệm Phật, không tham cầu phước báo nhân thiên, rồi lấy đó hồi hướng Tây Phương Cực Lạc, nên nghiệp sanh cõi trời bèn chuyển thành nghiệp sanh Tịnh độ. Kinh gọi đó là Chánh Nhân Vãng Sanh của bậc Trung Bối. Vì sao niệm Phật có thể chuyển nghiệp sanh cõi trời thành nghiệp sanh Tịnh độ? Nếu hành nhân dùng câu niệm Phật mà có thể chuyển được nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển công đức hữu lậu thành công đức vô lậu, chẳng còn tham đắm phước báu nhân thiên nữa, thì lẽ nào chẳng thể chuyển được nghiệp sanh cõi trời thành nghiệp sanh Cực Lạc! Do đó, người tu tịnh nghiệp phải tận hết sức mình hành thêm các điều thiện để làm cho duyên vãng sanh được tăng thượng. Chúng ta thường nghe nói đến đới nghiệp vãng sanh, tức là tuy những ác nghiệp trong quá khứ chưa tiêu hết hoàn toàn, nhưng do tự tâm sám hối, dứt bỏ ác niệm ác hạnh, kết hợp với bổn nguyện của Phật và diệu đức của việc trì danh hiệu Phật, nên được đới nghiệp vãng sanh, chẳng lọt vào đường ác nữa. Đấy đều do nguyện lực thứ hai của Phật A Di Ðà: “Sanh vào cõi ta, được ta giáo hóa… chẳng đọa vào trong đường ác nữa.” Như vậy, cái nghiệp được nói trong đới nghiệp chính là túc nghiệp, tức là nghiệp tạo ra trong quá khứ, quyết chẳng phải là cái nghiệp hiện tại.
Trong kinh Niết-bàn có nói, người đồ tể tên Quảng Ngạch buông con dao mổ xuống, ngay lập tức thành Phật. Vậy, nếu chúng ta muốn vãng sanh thành Phật thì phải buông bỏ con dao mổ xuống. Nếu người tu Tịnh Ðộ một mặt niệm Phật, mặt khác lại làm ra năm điều ác: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ và nghiện ngập, trong tâm hiện tại vẫn còn chất chứa ba độc tham, sân, si, quyết định chẳng thể vãng sanh nổi! Có người cho rằng làm lành là thuộc về Nhân Thiên thừa, coi thường Ngũ Giới, Thập Thiện. Đây là một sai lầm rất to lớn! Vào đời Ðường, Ngài Ô Sào thiền sư dùng cách thổi sợi lông trên vải để dạy đệ tử Hội Thông, đệ tử liền ngộ nhập lý đạo. Rồi Ngài lại dùng bài kệ “Đừng làm các điều ác, vâng giữ những điều lành” để dạy ông Bạch Cư Dị. Ông Bạch có ý chê pháp này tầm thường, nên bảo: “Hai câu ấy thì đứa nhỏ ba tuổi cũng nói được.” Ngài Ô Sào liền đáp: “Ông lão tám mươi làm điều đó còn chẳng xong.” Ông Bạch Cư Dị nghĩ hai câu ấy là cạn cợt, coi việc thổi lông trên tấm vải mới là sâu xa. Ngài Ô Sào thiền sư lại coi hai việc ấy đều bình đẳng như nhau. Một kẻ mê, một người ngộ, xa cách nhau một trời một vực. Người có căn cơ viên đốn như Ngài Ô Sào thì thấy pháp nào cũng viên đốn, cũng bình đẳng như nhau, Nhân thừa, Thiên thừa cũng chính là Nhất Phật thừa Phật pháp! Ngược lại, người căn cơ còn khiếm khuyết như ông Bạch Cư Dị, chẳng thấy tất cả các pháp đều bình đẳng như nhau. Cho nên, chúng ta chớ nên coi thường Nhân Thiên thừa, cho đó là việc làm tầm thường của bọn phàm phu.
Ðiểm mầu nhiệm của Tịnh tông là ở chỗ biết dùng Ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục. Ngũ nhãn là như kinh này nói: “Nhục nhãn giản trạch, Thiên nhãn thông suốt, Pháp nhãn thanh tịnh, Huệ nhãn thấy chơn, Phật nhãn đầy đủ.” Chiếu chân là dùng Chân Đế trí (còn gọi Phật trí, Căn Bản trí, trí tuệ Bát-nhã) để thấu rõ hết thảy các pháp đều là Không, Vô tướng, Vô tác. Đạt tục là khéo léo dùng Tục Đế trí (còn gọi là Phương Tiện trí hay Sai Biệt trí) để chỉ phương, lập hướng, rộng hành các điều lành của pháp thế gian, nhằm mở đường cho pháp xuất thế gian mà chẳng vướng mắc vào đó. Nói cách khác, dùng Ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục là từ nơi sự tướng trong thế gian mà hành các điều lành thế gian, nhưng lại biết rõ các điều lành ấy đều là không thật, đều chỉ là như huyễn mộng, nên từ đó có thể thâm nhập Chân Đế trí. Vậy, nếu chúng ta biết dùng ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục, chẳng những có thể tạo phước cho xã hội trong đời hiện tại mà còn làm trợ hạnh cho Tịnh nghiệp vãng sanh Cực Lạc. Vừa tu điều lành thế gian, lại thêm có tín nguyện sâu chắc trì danh hiệu Phật cầu sanh Cực Lạc là cách tu bao gồm cả hai hạnh tự lợi lẫn lợi tha. Người tu tịnh nghiệp đúng theo lời Phật dạy như thế thì Sa-bà và Tịnh độ Tây Phương không còn ngăn cách nữa, ngay trong đời ác ngũ trược này cũng được thường vui sướng vô cực, dù thân đang ở cõi Sa-bà nhưng tâm lại thường an trụ nơi Tây Phương Cực Lạc; đấy mới đúng như lời kinh Phật dạy: “Duy tâm Tịnh độ,” “Hoa sen cõi Cực Lạc đầy khắp thế giới.”
Từ trong phẩm Trược Thế Ác Khổ, chúng ta thấy Đức Phật tuy giảng bày về mặt sự tướng, tức Ngũ giới, nhưng trong đó Phật thật sự hiển bày trọn vẹn lý Nhất tâm của Nhất thừa Phật pháp: “Tâm nhơ uế ắt cõi mình ở cũng nhơ, tâm ác độc ắt sanh trong các đường ác, không thứ nào mà chẳng do tự tâm của mình biến hiện ra.” Phật nêu rõ hai cõi Tịnh và Uế để cho chúng ta thấy rõ mà chọn lựa, nên ưa thích cái gì hay chán nhàm cái gì? Sách Di Ðà Yếu Giải viết: “Sa-bà chính là do cái nhơ bẩn trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải chán lìa những cái nhơ uế trong tâm mình; Cực Lạc chính là những cái thanh tịnh trong tâm mình cảm thành, lý ưng phải vui cầu những cái thanh tịnh trong tâm mình. Ðã chán uế thì phải bỏ đến rốt ráo, không còn gì để bỏ nữa; ưa tịnh thì phải lấy cho đến rốt ráo, không còn gì để lấy được nữa.” Thuyết này của sách Di Đà Yếu Giải hiển thị sự lý viên dung, thật là khế hợp khéo léo với Trung đạo Thật tướng Đệ Nhất Nghĩa Đế! Hành nhân thấu suốt lý lẽ này, tức là đã thâm nhập Bát-nhã Tâm Kinh, biết xử dụng Ngũ nhãn để chiếu chân đạt tục!
Trong phẩm Trùng Trùng Hối Miễn, Đức Phật nói rõ về cái họa do ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu sanh ra. Sau đó Phật khuyên chúng sanh nên tận sức làm lành. Kinh chép: “Phật bảo Di Lặc: Ta bảo các ông, năm ác, năm khổ, năm thiêu như thế, luân chuyển sinh nhau, nếu phạm điều này, phải trải đường ác. Hoặc trong hiện đời, trước bị bệnh ương, sống chết chẳng đặng, chỉ cho đại chúng. Hoặc lúc mạng chung, vào ba đường ác, khổ đau sầu thống, tự cùng thiêu cháy. Oan gia gặp gỡ, giết hại lẫn nhau, khởi từ việc nhỏ, kết thành khổ lớn.”
Do bởi chúng sanh trong ác đạo tạo tác ba độc quá nặng, thường lấy năm ác làm nhân, năm khổ làm quả, nên Đức Phật răn đe: “Ta bảo các ông, năm ác, năm khổ, năm thiêu như thế, luân chuyển sinh nhau, nếu phạm điều này, phải trải đường ác.” Đức Phật đã nhiều lần giảng rõ về nhân ác, quả khổ để chúng sanh biết mà kiêng sợ. Ngài cũng thường luôn tận tụy chỉ bày, khuyên lơn chúng sanh phải nên đoan chánh thân tâm, đoạn ác, tu thiện, chẳng nên quên lãng công phu tịnh nghiệp, chiết phục ác nghiệp để khỏi phải hối hận về sau. Ác, đau khổ và thiêu đốt lần lượt sanh lẫn nhau, kẻ dám phạm vào ngũ ác ắt sẽ mãi mãi lăn lóc, trải thân trong đường ác. Bởi do ba độc tham, sân, si lừng lẫy luôn xoay vần luân chuyển, hổ trợ lẫn nhau, nên nếu không trừ ác thì ác chẳng tuyệt, khổ quả chẳng dứt. Trước hết, điều ác sanh ra nỗi đau khổ và thiêu đốt, tiếp đó từ thiêu đốt lại sanh ra các điều ác và đau khổ khác. Cứ thế mà cái này, cái kia lần lượt sanh ra nhau không lúc nào ngớt; giống như gà đẻ ra trứng, trứng lại nở ra gà.
Phật nêu lên tướng trạng của khổ quả để răn đe chúng sanh, ngõ hầu khiến họ dứt bỏ nhân ác, quả khổ. Quả khổ là trong hiện đời phải bị lãnh chịu các thứ bệnh tật không chửa trị được, hoặc các ương họa như thủy tai, hỏa tai, động đất, bệnh dịch, chiến tranh v.v.. gây ra sầu khổ muôn mối, dồn dập đến mức mong sống chẳng được, cầu chết cũng không nổi, chẳng có cách nào thoát khỏi được. Phật nói, những cảnh trạng khốn khổ xảy ra như vậy cốt là để làm gương chỉ cho đại chúng nhận biết rành rõ nhân quả chẳng dối mà sanh lòng kiêng sợ. Khổ chính cái quả do việc ác chiêu cảm! Thế nhưng, đây cũng chỉ là hoa báo trong đời hiện tại mà thôi, đến lúc mạng chung còn bị đọa vào ba đường ác đạo, phải gánh chịu lắm nỗi lo buồn, đau đớn thảm thiết nhất, ví như ngọn lửa địa ngục dữ dội thiêu cháy thân mình; đó mới chính là quả báo của năm sự thiêu đốt vậy! Trong trận lửa địa ngục, oan gia lại gặp gở nhau; kẻ ác vì đau đớn quá mức nên nổi cơn sân hận, đâm ra tàn sát, đả thương lẫn nhau. Trong khi đang bị thiêu đốt đau đớn lại gây thêm tội ác, kết thành đại oán cừu, oan oan tương báo, đòi nợ lẫn nhau. Từ bé xé ra to, nổi khổ quá mức kịch liệt, càng lúc càng tăng thêm phiền toái, khốc liệt, chẳng lúc nào hết. Chúng sanh đã bị lọt vào ác đạo rồi mà vẫn còn làm ác chẳng thôi, khiến cho các khổ càng thêm tăng trưởng, tai họa càng thêm sâu nặng, lâu ngày kết thành cái khổ lớn lao quá mức, không sao kể xiết!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.188.23 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập