Với kẻ kiên trì thì không có gì là khó, như dòng nước chảy mãi cũng làm mòn tảng đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn
Con người sinh ra trần trụi và chết đi cũng không mang theo được gì. Tất cả những giá trị chân thật mà chúng ta có thể có được luôn nằm ngay trong cách mà chúng ta sử dụng thời gian của đời mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Mất lòng trước, được lòng sau. (Better the first quarrel than the last.)Tục ngữ
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì đó chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều phục tâm. Khi tâm được điều phục, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Bát-nhã hiện tiền »»
Trong truyện ký của nhà Phật có kể rằng: Khi Ngài Tu Bồ-đề đang ngồi yên lặng, tỉnh tọa, bổng dưng thấy mưa hoa trời Mạn-Đa-La rơi xuống, Tu Bồ liền hỏi: “Ai đang rải hoa?” Bổng dưng từ trên hư không có tiếng trả lời: “Tôi là Đao Lợi Thiên Chúa đây”. Ngài Tu Bồ lại hỏi: “Vì sao ông rải hoa?” Vua trời Đao Lợi trả lời: “Tôi rải hoa cúng dường ông, vì ông khéo nói Bát-nhã”. Ngài Tu Bồ chỉ ngồi yên tịnh một chỗ mà vua trời Đao Lợi lại khen là khéo nói Bát-nhã, nghĩa ấy là như thế nào? Tu Bồ-đề là tiếng Phạn, có nghĩa là Không Sanh. Ngài Tu Bồ-đề là bậc đương cơ trong kinh Kim Cang, thấu hiểu tánh Không bậc nhất. Lúc ông tỉnh tọa chính là lúc quán Không, cũng tức là quán Bát-nhã, nên vua trời Đao Lợi mới rải hoa Mạn-Đà-La cúng dường và khen là “khéo nói Bát-nhã”. Điều này nói rõ tâm thanh tịnh tốt lành có thể cảm động chư thiên, thiện thần. Chư thiên, thiện thần sẽ rất hoan hỷ, rải thiện hoa cúng dường và tận tình giúp đỡ thiện nhân.
Trong pháp môn Tịnh độ, lúc hành giả niệm câu Phật hiệu đến mức tâm thanh tịnh lắng trong, chẳng có một vọng niệm nào hết, Bát-nhã hiện tiền, thì đây cũng chính là pháp tu Quán chiếu Bát-nhã. Ngài Tu Bồ-đề ngồi Thiền là tu quán “không tức là có”, “vô niệm tức là niệm”. Người niệm Phật là tu quán “có tức là không”, “niệm tức là vô niệm”. Cả hai pháp quán “không tức là có” và quán “không tức là có” đều là cùng một pháp Quán Bát-nhã và có kết quả như nhau, nên nếu hành giả nào niệm Phật có sức quán Bát-nhã như vậy, ắt cũng được chư thiên rải mưa hoa trời Mạn-Đà-La cúng dường và khen ngợi là “khéo nói Bát-nhã”. Niệm câu Phật hiệu A Di Đà cho đến vô niệm, niệm cho đến Nhất tâm Bất loạn, bèn hàm nhiếp toàn bộ hết thảy các kinh giáo do Thích Ca Mâu Ni Phật và mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đã nói và tất cả các pháp môn do các Ngài đã tu, chẳng sót một điều gì cả. Một câu Phật A Di Đà Phật quả thật là chẳng thể nghĩ bàn! Điều này chẳng phải dễ hiểu, chỉ khi nào chúng ta thật sự chú tâm học kinh Vô Lượng Thọ mới thấu hiểu điều này. Từ một câu niệm Phật, niệm cho đến không còn một chút vọng tưởng phiền não nào sót lại trong tâm, thoát nhiên khai ngộ, chẳng có pháp môn nào không đạt được, thì đó chính là Bát-nhã hiện tiền.
Kinh Vô Lượng Thọ chép: “Một mai khai thông triệt sáng, trong tướng tự nhiên, bản nhiên thanh tịnh, ánh sáng vô lượng, dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng”. Câu kinh văn này miêu tả cảnh giới Bát-nhã hiện tiền lúc người niệm Phật đắc Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Chính vì lẽ đó, câu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” được đặt sau câu “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Niệm Phật đến một lúc nào đó, bổng dưng tâm được thanh tịnh lắng trong, chẳng còn nhiễm bẩn một mảy may phiền não, thì tự nó biết chiếu sáng, thông rõ hết thảy các pháp, chẳng có pháp nào chẳng biết rõ ràng rành rẽ, thì đấy chính là Bát-nhã hiện tiền, là thành tựu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Đương nhiên sau khi đã thành tựu nguyện này rồi, thì nguyện cuối cùng “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” cũng theo đó mà tự nhiên thành tựu. Đã thành Phật đạo rồi, đương nhiên hết thảy các pháp môn đều thông đạt, hết thảy các nguyện trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện đều đạt đến mức rốt ráo. Từ một câu Phật hiệu A Di Đà Phật và một bộ kinh Vô Lượng Thọ mà có thể thành tựu Tứ Hoằng Thệ Nguyện đến mức viên mãn rốt ráo, thì hãy tự hỏi: Hiện thời chúng ta phải tu pháp nào? Trong tương lai, sau khi thành tựu đạo nghiệp, chúng ta sẽ hoằng truyền kinh nào? Thật ra mà nói, nếu bản thân mình tạp tu loạn xạ, rồi lại đem cái thế trí biện thông loạn xạ ấy chia sẻ với người khác, chắc chắn chẳng những hại mình mà còn hại người khác, Vì sao? Vì đó chỉ là nói pháp chấp tướng, là nói pháp ngoài da, chẳng thật sự lý giải được một pháp nào cả, chẳng thể hiển bày được chân thật trí huệ và cũng chẳng thể hiển lộ được Bát-nhã từ trong bất cứ một kinh điển nào của Phật. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật tuyên bố: “Ban cho chúng sanh lợi ích chân thật”. Vậy, lợi ích chân thật ấy là gì? Lợi ích chân thật chính là ba điều chân thật liên tiếp: chân thật trí huệ, chân thật chi tế và chân thật lợi. Lợi ích chân thật trước tiên nhất mà Đức Phật ban cho chúng sanh không gì bằng chuyên học, chuyên tu, chuyên nói chỉ một bộ kinh Vô Lượng Thọ hoặc kinh Di Đà và chuyên niệm chỉ một câu A Di Đà Phật để thành tựu chân thật trí huệ. Một khi đã có chân thật trí huệ, tức Bát-nhã đã hiện tiền rồi, thì chân thật chi tế và chân thật lợi tự nhiên hiện ra đầy đủ viên mãn, dung hóa tự nhiên, chuyển biến tối thắng.
Kinh Vô Lượng Thọ giảng về sự trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới: Hư không đổ mưa hoa, gió thổi hoa cuốn đi từ cây cối phiêu lãng khắp nơi, đẹp đẽ khôn kể xiết. Hoa rơi xuống đất, dầy đến bốn tấc, lại còn tự nhiên bày ra những kiểu dáng đẹp đẽ nhất một cách trật tự, chẳng rối loạn. Hoa nơi ấy vĩnh viễn trong sạch, tươi nhuận. Lúc hoa vừa bắt đầu khô héo, liền tự nhiên biến mất đi chẳng còn nữa, hoa mới tươi đẹp khác lại rơi xuống thay thế cho hoa củ. Có người nghe vậy, bèn thắc mắc hỏi: Kinh nói Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là liên hoa hóa sanh, hễ ai vãng sanh về đó đều có cái thân hư vô, cái thể vô cực, liền có tướng hảo quang minh giống y như A Di Đà Phật, sống đời đời kiếp kiếp, chẳng hề có trưởng thành dần dần, cũng chẳng có sanh, lão, bệnh, tử. Kinh còn nói, tất cả hoa cỏ cây cối trong cõi Cực Lạc đều do bảy báu hợp thành, chẳng sanh trưởng vào mùa Xuân, chẳng xơ xác vào mùa Thu, tất cả hết thảy các pháp đều là vô lượng thọ, đều là bất sanh bất diệt. Thế thì tại sao lại có hiện tượng hoa khô héo, rơi rụng, biến mất? Đấy chẳng phải là hiện tượng sanh diệt đó ư? Phải giải thích những hiện tượng ấy thế nào mới xứng tánh pháp giới ấy? Xin thưa: Tất cả cảnh giới nơi cõi Cực Lạc đều là hiện tượng do A Di Đà Phật biến hoá ra nhằm để thuyết pháp, cảnh tượng hoa héo rơi rụng nơi cõi Cực Lạc chỉ là biểu pháp. Pháp này có hai nghĩa: Một là tượng trưng cho tập khí của người từ thế giới phương khác vừa mới tới Tây Phương Cực Lạc. Hai là biểu thị nhân hạnh của Bồ-tát nơi cõi ấy.
· Nghĩa thứ nhất: Trong Thế Giới Cực Lạc, hết thảy đều là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Hoa héo biểu thị tập khí của người vừa mới đới nghiệp vãng sanh về đó, tâm vẫn còn biến hiện, vẫn còn khởi tâm động niệm. Lúc người ấy vừa sanh ra ý nghĩ hoa rơi xuống, lẽ nào chẳng bị héo khô, thì nó liền khô héo, khiến họ lập tức thức tỉnh, biết chính mình đang khởi tâm động niệm, liền quay trở về chánh niệm, dứt vọng, quy chân.
· Nghĩa thứ hai: Hoa tượng trưng cho nhân hạnh của người tu Bồ-tát đạo. Tu hành giải đãi giống như hoa héo úa tàn, rơi rụng. Trong cõi này, khi chúng ta phát tâm thật sự muốn vãng sanh Cực Lạc, trong ao bảy báu nơi cõi ấy liền trổ ra một đóa hoa sen. Nếu chúng ta tinh tấn, siêng năng niệm Phật, hoa sen ấy được vun bồi ngày càng to lớn hơn, quang minh ngày càng chiếu sáng hơn, màu sắc ngày càng đẹp đẽ lộng lẫy hơn. Nếu chúng ta giải đãi, ngã lòng, chẳng muốn niệm Phật cầu vãng sanh nữa, hoặc chẳng tin pháp môn Tịnh độ nữa, đổi sang học pháp môn khác, hoa sen ấy liền khô rụng, chẳng còn nữa. Tương tự như vậy, trong cõi Cực Lạc, hễ vị nào giải đãi đôi chút, liền thấy màu sắc và quang minh của hoa sen bổng dưng trở nên kém hẳn đi. Khi vị ấy thấy hoa hơi héo một chút hay chân bị lún sâu vào thảm hoa một chút, thì A Di Đà Phật liền thổi gió Bát-nhã lên để trừ khử tập khí giải đãi và phiền não của họ, khiến họ tăng thêm tinh tấn lực. Hiện tượng hoa héo tàn, rơi rụng bị gió Bát-nhã thổi sạch mất đi, lại hiện ra mưa hoa mới mang ý nghĩa: A Di Đà Phật thị hiện sự quan tâm và cảnh giác rất lớn đối với sự tu hành của Bồ-tát trong cõi ấy. Ngài luôn khuyên nhắc Bồ-tát phải luôn tinh tấn tu hành, bởi vì tinh tấn chính là thiện căn của Bồ-tát. Trong hết thảy các thời nơi cõi Cực Lạc đều xảy ra hiện tượng được diễn tả trong kinh Vô Lượng Thọ: “Qua bữa ăn xong, hoa kia tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại giăng hoa mới. Tùy thời tùy tiết trở lại biến khắp như trước không khác, sáu lần như thế”. Hoa vừa khô héo, rơi rụng, liền bị gió Bát-nhã của A Di Đà Phật thổi đi mất hết, chỉ còn lại những hoa mới xinh đẹp, nhằm biểu thị rằng: Với lực gia trì của A Di Đà Phật, các vị Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc chẳng bao giờ gặp duyên thối thất, lui sụt trong đạo Vô thượng Bồ-đề.
Chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ, nhất định phải hiểu ý nghĩa này, mới biết vì sao chư vị vãng sanh về cõi Cực Lạc đều trụ trong Bất Thoái Chuyển, đều là A Bệ Bát Trí Bồ-tát nơi quả vị Vô thượng Bồ-đề. Chúng ta phải hiểu như vậy mới có thể trực nhập vào trong cảnh giới gia trì bất khả tư nghì của A Di Đà Phật. Mỗi khi chúng ta hơi giải đãi, biếng nhác, hoặc thối tâm tu hành trước hoàn cảnh bất lợi nào đó, hoặc phiền não bởi hoàn cảnh vật chất và nhân sự gì đó, bổng dưng nghe được một câu kinh, gặp một hiện tượng xảy ra dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, liền tỉnh thức, giác ngộ chân tướng sự thật, phiền não tự nhiên lặn xuống, tự mình trở nên tinh tấn niệm Phật hơn, thanh tịnh hơn, thì đó chính là gặp phải gió Bát-nhã của A Di Đà Phật thổi tới mình. Trạng huống này chẳng phải là giống như hình ảnh của hoa héo bị thổi mất đi, mặt đất trở lại thanh tịnh, lại giăng hoa mới đó sao? Mặt đất ví cho tâm chúng sanh. Gió Bát-nhã ví cho trí tuệ Phật. A Di Đà Phật thổi gió Bát-nhã tới người nào, người ấy liền thanh tịnh, phấn chấn, ngũ căn ngũ lực tăng trưởng, pháp hỷ sung mãn, giống như hoa mới hiện ra thay thế vào chỗ hoa héo rủ vậy. Chúng ta học kinh hiểu được ý nghĩa ẩn mật như vậy mới đúng với ý chỉ của kinh Kim Cang: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như lai” (Nếu nhận ra các tướng đều không phải tướng, tức thấy Như lai).
Như vậy, “gió đức, mưa hoa” cũng có nghĩa là khi gió Bát-nhã của A Di Đà Phật thổi tới ai, Bát-nhã liền hiện tiền, Tự tánh lưu lộ như trận mưa hoa nở cực kỳ rực rở, lộng lẫy, xinh đẹp. Học Phật với sức quán chiếu Bát-nhã như vậy, cảnh giới tu hành nơi cõi này mới chẳng khác gì mấy với cõi Cực Lạc. Học Phật mà chẳng có sức quán chiếu Bát-nhã, thì dù gió Bát-nhã của A Di Đà Phật thổi tới, nhưng chính mình không có bản lãnh tiếp nhận, nên chẳng có ích lợi chân thật. Chấp trước đối với cảnh giới tướng, chấp trước đối với tướng danh tự, tướng ngôn từ, khiến tâm bị mê hoặc điên đảo, chẳng thể thấy Bát-nhã vốn nằm trong những cảnh giới tướng ấy. Trong pháp Kim Cang của Thiền tông, Tu Bồ-đề do quán “không tức là có” nên tâm được thanh tịnh lắng trong, chẳng còn phân biệt chấp trước nữa, thì đó chính là “khéo nói Bát-nhã”. Trong pháp môn Tịnh độ, hành giả niệm Phật do quán “có tức là không”, tức là quán tất cả pháp đều là như mộng huyễn, bọt bóng, nên cũng được tâm được thanh tịnh lắng trong giống hệt như Tôn giả Tu Bồ-đề, thì đó cũng chính là “khéo nói Bát-nhã”. Nếu chúng ta biết dùng sức quán chiếu Bát-nhã để học Phật, thì tất cả Phật pháp trong Thiền, Tịnh. Mật, Giáo, Giới v,v… đều trở thành một pháp, đều cùng quy về một pháp Quán chiếu Bát-nhã, và kết quả cuối cùng sẽ giống hệt như nhau. Kết quả đó là Bát-nhã hiện tiền, tâm trở nên thanh tịnh lắng trong, minh tâm kiến tánh, ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Tuy cảnh giới tu hành ở Sa-bà chẳng thể giống hệt như trong cõi Cực Lạc, nhưng với sức gió Bát-nhã của A Di Đà Phật, hành giả niệm Phật cũng có thể tương ứng với Tây Phương Cực Lạc. Gió Bát-nhã của A Di Đà Phật trong cõi này là gì? Chính là quyển kinh Vô Lượng Thọ này đây! Kinh Vô Lượng Thọ chính là gió Bát-nhã của A Di Đà Phật, gió này lúc nào cũng thổi vù vù, thổi tới tấp suốt sáu thời, chẳng lúc nào ngừng nghĩ, khiến người học kinh tiêu mất tập khí trần lao, Bát-nhã hiện tiền. Đây mới thật sự là cảnh giới tu hành xứng tánh của người chân thật tu học kinh Vô Lượng Thọ.
Khi chúng ta cúng hoa tươi cho Phật cũng phải dùng pháp Quán chiếu Bát-nhã để hiểu điều này. Sau một hai ngày, hoa trên bàn thờ bị khô héo rơi rụng, hiện tượng này biểu thị cảnh giới tu hành của phàm phu học Phật. Phàm phu chúng ta vừa mới tinh tấn tu hành được chút ít thanh tịnh, vừa mới có tí xíu giác ngộ, nhưng chẳng giữ được bao lâu, liền sanh vọng tưởng phiền não, giải đãi và tà kiến. Nếu thấy chính mình có vọng tưởng phiền não, giải đãi và tà kiến, thì phải biết lập tức buông những thứ ấy xuống hết, lập tức tinh tấn niệm Phật hơn để những thứ ấy tự mất đi, thì mới đúng với ý nghĩa của câu kinh văn: “Hoa kia tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại giăng hoa mới”. Chữ “tự” trong câu kinh văn này rất trọng yếu, nó mang ý nghĩa tự nhiên, chẳng phan duyên cũng chẳng cưỡng cầu. Hễ có phan duyên, mong cầu thì chẳng thể nào có được tâm thanh tịnh lắng trong, Bát-nhã chẳng thể hiện tiền. Người học kinh hiểu và làm được như vậy cũng có thể gọi là Bát-nhã hiện tiền!
Nếu thấy hoa trên bàn thờ khô héo, bèn lập tức chạy u ra chợ mua mấy bó hoa mới để thay vào hoa củ cho giống với cõi Cực Lạc, thì đó là mê hoặc điên đảo, là học Phật chấp tướng, là vô minh hiện tiền, chớ nào phải là Bát-nhã hiện tiền. Có người đọc kinh Nhân Quả Ba Đời, nghe nói cúng hoa tươi cho Phật, đời sau sẽ có thân tướng đẹp đẻ thì ham lắm, rất thường xuyên cúng hoa cho Phật với lòng mong cầu đời sau trở thành hoa hậu hoặc mỹ nam, mỹ nữ. Đây cũng chính là mê hoặc điên đảo, là vô minh hiện tiền, chớ chẳng phải giác ngộ Phật pháp chân chánh, nhất định chẳng phải là Bát-nhã hiện tiền. Trong kinh Phật có nói, Tôn giả Đại Ca Diếp đời trước lấy vàng lắp tượng Phật, nên đời sau có được thân tướng sáng chói mang ý nghĩa thật sự là: Trong đời trước, Ngài đã từng tu đại tịch định, đoạn dứt mọi ô nhiễm, tâm địa thanh tịnh sáng ngời như chất vàng ròng lắp trên thân Phật, nên được cái quả báo thù thắng như vậy. Nếu chúng ta học Phật mà không dùng pháp Quán chiếu Bát-nhã để hiểu điều này, thì chẳng thể nào đạt được ba thứ chân thật: chân thật trí huệ, chân thật chi tế và chân thật lợi mà Đức Phật đã ban bố.
Bát-nhã Tâm Kinh bắt đầu bằng câu: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật đa thời” (Khi Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu xa pháp Bát-nhã Ba-la-mật đa), nhằm nhắc nhở người học Phật phải biết dùng sức quán chiếu Bát-nhã để cảnh tỉnh, nhắc nhở chính mình thường luôn gieo nhân hạnh tốt lành trong mọi xử sự, tiếp vật, đãi người. Cúng dường hoa cho Phật là phương pháp dùng để cảnh giác nhân hạnh của chính mình. Tâm phiền não, giải đãi và tà kiến giống như hoa héo rơi rụng. Thường luôn gieo nhân hạnh tốt lành trong mọi xử sự, tiếp vật, đãi người giống như cảnh tượng thường luôn giăng hoa mới, không giữ lại hoa củ héo tàn. Hoa nhân hạnh là thiện hoa, là hoa Mạn Đà La mà chư Phật, Bồ-tát rất muốn tiếp nhận từ chúng ta. A Di Đà Phật dạy: “Dẫu cho cúng dường hằng sa thánh, chẳng bằng vững mạnh cầu chánh giác”. “Vững mạnh cầu chánh giác” là hoa nhân hạnh tốt đẹp nhất mà Phật muốn chúng ta cúng dường đến cho Ngài, chớ nào phải đâu Phật muốn loại hoa tầm thường, sớm nở tối tàn của thế gian. Dù chúng ta mỗi ngày đều đem hoa tươi đến cúng dường cho vô lượng chư Phật số nhiều như cát trong sông Hằng bên Ấn Độ, cũng chẳng bằng vững tâm cầu chánh giác. Vì sao? Vì hoa trong thế gian chỉ tươi đẹp có hai ba ngày thôi, rốt cuộc rồi cũng khô héo, tàn phai, rơi rụng giống như rác rưới, thì có gì đâu mà gọi là quý báo, thơm tho. Chỉ có hoa nhân hạnh mới là loại hoa quý báo nhất trên đời, chỉ có hoa nhân hạnh mới có thể xông mùi thơm khắp thế giới mười phương. Nếu chúng ta muốn dâng cúng loại hoa tươi đẹp vĩnh viễn không bao giờ khô héo tàn phai đến cho Phật, thì hãy cúng dường hoa nhân hạnh. Hoa nhân hạnh chính là thường luôn cảnh giác chính mình, niệm niệm đều nhắc nhở chính mình phải luôn tinh tấn niệm kinh, niệm Phật cầu chánh giác. Chúng ta lấy hoa nhân hạnh ấy cúng dường cho Phật, thì đó mới là hạnh đức chân thật của người tu Bồ-tát đạo thực hành sâu xa pháp Bát-nhã Ba-la-mật đa.
Thời thời khắc khắc, từ sáng tới tối đều là tin tinh tấn chuyên tu tâm thanh tịnh, chẳng xen tạp loạn xạ, chẳng bàn chuyện thế sự thị phi, thì mới có thể giống như cảnh tượng mặt đất thanh tịnh, luôn giăng hoa mới trong hết thảy sáu thời, chớ chẳng phải chỉ lúc đến Niệm Phật đường mới chịu tu tâm thanh tịnh, còn những lúc khác thì mặc tình cho tham, sân, si, mạn, nghi nổi dậy. Nói cách khác, tập khí của phàm phu chúng ta quá nặng, khó thể chuyển hóa được, nên phải thường xuyên công phu niệm kinh, niệm Phật cho thật tinh tấn, mới hy vọng chuyển hóa được những tập khí xấu. Nếu tu hành hời hợt mà mong chuyển hóa được tập khí xấu, thì chẳng thể nào được. Chúng ta đem đạo vào đời để sống và thực tập trong mọi hoàn cảnh xử sự, tiếp vật, đãi người, thì đấy chính là cúng dường hoa nhân hạnh cho Phật. Cúng dường Phật như vậy, chắc chắn cuộc sống hằng ngày sẽ tràn đầy chân, thiện, mỹ, huệ. Đây gọi là cảnh chuyển theo tâm, Sa-bà biến thành Cực Lạc. Nếu chúng ta đem đời vào đạo, tức là đem ngũ dục lục trần, tham, sân, si, mạn, nghi vào trong đạo, thì đạo liền biến thành địa ngục A-tỳ. Hơn nữa, không phải chỉ có hoa tươi cúng Phật mới biểu thị pháp, bất luận loại hoa nào cũng đều có thể dùng để biểu thị pháp. Học Phật với sức quán chiếu Bát-nhã như vậy mới là Đệ Nhất Nghĩa Đế! Thấy hoa sắp héo, sắp rụng bèn nghĩ đến sự giải đãi, lập tức phát khởi tinh tấn, phá trừ tâm giải tâm, lười biếng. Thấy hoa giả, thứ hoa làm bằng cao su hay bằng vải, bèn nghĩ đến cái tâm hư giả của chính mình, nghĩ đến sự tu hành giả dối của chính mình, lập tức phản tỉnh hồi đầu. Thấy hoa tươi nở rộ trông rất đẹp, rất sum suê, bèn thấy đó là tinh tấn, là pháp hỷ sung mãn, là Bát-nhã hiện tiền. Nếu chúng ta tu hành với sức quán chiếu Bát-nhã như vậy, ắt sẽ thường luôn tương ứng với Tự tánh, thường luôn tương ứng với Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, và thường được chư thiên rải hoa cúng dường, khen ngợi và ủng hộ.
Kệ vãng sanh nói rất hay: “Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh”. Hoa tươi thắm nở rộ, sắc đẹp lỗng lẫy biểu thị Tự tánh khai giác, chỉ có cái tâm viên giác mới giống như đóa hoa nở rộ, soi rõ các cõi nước trong mười phương. Nói thu nhỏ lại, hễ tâm thường luôn thanh tịnh, giác ngộ, sáng suốt, tự nhiên sẽ hiểu rõ hoàn cảnh trước mắt. Hết thảy hoàn cảnh vật chất và nhân sự trước mắt, thứ gì cũng hiểu rõ tường tận, thứ gì cũng thông đạt rõ ràng, thứ gì cũng là giác mà chẳng mê, thì đó chính là Bát-nhã hiện tiền! “Kiến Phật” ở đây có nghĩa là Kiến tánh hay Chiếu kiến. Vị Phật mà chúng ta thật sự muốn thấy chính là Tự tánh của chính mình. Bát-nhã hiện tiền giống như hoa nở. Một khi Bát-nhã hiện tiền sẽ kiến tánh thành Phật, thì đó mới đúng với ý nghĩa của câu “Hoa khai kiến Phật ngộ vộ sanh”. Phật Địa Luận cũng ghi: “Như tỉnh giấc mộng lớn, như hoa sen nở” cũng là nói về điều này. Trong hết thảy pháp đều là giác mà chẳng mê mới là giác ngộ Phật pháp chân chánh, mới là “như tỉnh giấc mộng lớn”, mới là “như hoa sen nở”. Nếu hằng ngày đều mê hoặc điên đảo, đều sanh ý niệm tham, sân, si, mạn, nghi, thị phi, nhân ngã, ganh ghét, đố kỵ, thì dù có niệm đến mấy chục vạn câu Phật hiệu mỗi ngày, hoa sen nơi ao thất bảo của mình cũng chẳng thể nào nở rộ. Nếu hoa sen kia chẳng nở thì chẳng thể thấy Phật, chẳng thể ngộ vô sanh. Tự tánh đang mê ví như hoa sen còn búp, chưa nở. Chợt giác ngộ Tự tánh ví như chợt tỉnh giấc mộng lớn, ví như hoa sen búp kia nở tung ra.
Kinh Phật thường dùng tánh hoa để biểu trưng tánh đức trong Tự tánh. Điều này rất trọng yếu đối với người tu hành. Hiện thời, Tự tánh của chúng ta đang bị phiền não chướng và sở tri chướng ngăn trở nên chẳng thể hiện tiền. Phật bảo chúng ta hãy buông hết thảy các thứ ô nhiễm tham, sân, si, mạn, nghi, thị phi, nhân ngã, ganh ghét, đố kỵ xuống, thì phiền não tự nhiên dứt tận, Tự tánh tự nhiên lưu lộ, Bát-nhã tự nhiên hiện tiền, thông đạt tất cả pháp, vô lượng pháp môn chẳng có pháp nào chẳng thấu suốt rõ ràng, thành tựu “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện. Nếu chúng ta chẳng hiểu rõ đạo lý này, vẫn cứ muốn đi tìm cầu, nghiên cứu, học hỏi đủ thứ pháp, sách nào cũng muốn đọc, pháp nào cũng muốn tu, ai nói pháp gì kỳ lạ cũng muốn nghe, cũng muốn thử qua cho biết, thì đó chỉ khiến tăng trưởng thêm tà tri, tà kiến mà thôi. Đó chẳng phải là hoa nhân hạnh mà chính là sở tri chướng, là hoa héo rụng, úa tàn. Nếu chúng ta lưu ý đôi chút sẽ biết trên thân con người có quang minh, có mùi hương. Hiện thời, có nhiều người tu học trong Mật tông đến mức độ kha khá, họ có khả năng thấy quang minh của người khác. Quang minh phóng ra màu xám xịt là hiện tượng của nghiệp chướng. Thân người phát ra mùi hôi khó ngửi cũng là hiện tượng của nghiệp chướng. Quang minh màu xám nơi thân mình phóng ra khiến người khác cảm thấy rất khó chịu, bất an, bèn tránh xa ra. Mùi hôi nơi thân mình quá nặng, khó ngửi cũng khiến người ta không dám tới gần. Nếu tình trạng này xảy ra với chính mình, thì phải biết bản thân mình tội nghiệp rất nặng, phải lập tức ngừng dứt ý niệm cống cao ngã mạn, quyết định nghiêm túc tu hành để đắc tâm thanh tịnh, mới hòng tiêu trừ nghiệp chướng, được thân tướng quang minh lại có hương thơm vi diệu. Đây cũng được ví như là “hoa kia tự mất, mặt đất thanh tịnh, lại giăng hoa mới”.
Lại nữa, mưa hoa nơi cõi Cực Lạc từ không trung tự nhiên rơi xuống, hoa ấy chẳng trồng mà sanh, chẳng ngắt mà rơi xuống. Cây báu trong cõi Cực Lạc chẳng cần trồng trọt mà tự nhiên sanh trưởng, chẳng có thứ nào là do tạo tác mà có. Hết thảy hiện tượng nơi đó đều là biểu thị pháp: “Tự tánh vô cùng thần kỳ, linh diệu, thông đạt hết thảy mọi sự”. Sau khi đã giác ngộ, Bát-nhã hiện tiền, tánh đức lưu lộ, thì muôn pháp tự nhiên rạng ngời giống như đóa hoa tươi nở, rực rở muôn màu, muôn sắc, lộng lẫy, xinh đẹp lạ kỳ, chẳng chi sánh bằng. Y báo, chánh báo, sắc, tâm của mười pháp giới đều thuận theo nghiệp mà phát khởi hiện ra, nên hết thảy muôn pháp không có người chủ trì, không có người tạo tác, cũng không có người chia chẻ. Diệu dụng tùy ý vô tác chẳng thể nghĩ bàn của Tự tánh là như thế đó! Chúng ta học Phật là để cầu Tự tánh khai phát, hết thảy thông đạt. Chúng ta phải nương vào đâu để cầu điều này? Cầu Tự tánh khai phát thì phải nương vào Tự tánh mà cầu. Vì sao? Vì ngoài Tự tánh chẳng có Phật thì làm sao mà cầu!
Hiện thời, phần đông Phật tử chúng ta coi Phật pháp như một môn học vấn thế gian, thường dùng phương pháp học vấn thế gian để nghiên cứu Phật pháp, biến Phật pháp thành môn Phật học thế gian. Có người coi Phật pháp là môn Triết Lý, có người coi Phật pháp là môn Lịch Sử, có người coi Phật pháp là môn Siêu Khoa Học v.v… Họ vào trong Phật pháp để nghiên cứu, để tìm ra một phát minh nào đó dựa trên hình tướng, suốt đời chỉ là học Phật pháp thế gian chớ chẳng phải là Phật pháp chân chánh. Phật pháp chân chánh là Tam Vô Lậu Học Giới-Định-Huệ. Muốn đạt được Tam Vô Lậu Học Giới-Định-Huệ, nhất định phải xả ly hết thảy các tướng sở hữu của thế gian. Vì sao phải xả ly hết thảy các tướng sở hữu của thế gian? Kinh Kim Cang dạy: “Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như lai” (Nếu nhận ra các tướng đều không phải tướng, tức thấy Như lai). Nghiên cứu là dùng tâm ý thức để suy nghĩ, phân biệt, cũng tức là nơi tướng mà khởi tâm động niệm, nên kết quả đạt được chỉ là tà tri, tà, chẳng phải là thanh tịnh tâm và trí huệ chân thật. Chư cổ đức chẳng học Phật như vậy, các Ngài dùng kinh Phật để tu Giới, Định và Huệ cùng một lượt, dùng kinh Phật để khai mở Tự tánh, trở về với bản lai diện mục của chính mình. Đây mới là chân chánh học Phật!
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.97.133 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập