Dầu nói ra ngàn câu nhưng không lợi ích gì, tốt hơn nói một câu có nghĩa, nghe xong tâm ý được an tịnh vui thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 101)
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Sự thành công thật đơn giản. Hãy thực hiện những điều đúng đắn theo phương cách đúng đắn và vào đúng thời điểm thích hợp. (Success is simple. Do what's right, the right way, at the right time.)Arnold H. Glasow
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Điều người khác nghĩ về bạn là bất ổn của họ, đừng nhận lấy về mình. (The opinion which other people have of you is their problem, not yours. )Elisabeth Kubler-Ross
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Giảng giải Cảm ứng thiên - Bài thứ năm »» Xem đối chiếu Anh Việt: Giảng giải Cảm ứng thiên - Bài thứ năm »»
(Giảng ngày 24 tháng 5 năm 1999 tại Tịnh Tông Học Hội Singapore, file thứ 6, số lưu trữ: 19-012-0006)
Thưa quý vị đồng học, cùng tất cả mọi người.
Ngày hôm qua chúng ta đã giảng đến câu “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu” (Họa, phước không cửa vào, đều do người tự chuốc). Câu này nói rõ nguyên tắc cảm ứng tương giao trong đạo lý. Câu văn tuy đơn giản nhưng ý nghĩa hết sức sâu sắc.
Nếu nhìn theo khoa học hiện đại thì đó là sự cảm ứng của tâm điện. Tâm là nói sự có thật, điện là nêu việc thí dụ. Nêu thí dụ thì nói chung không thể hoàn toàn chính xác, chỉ có thể ở mức tương tự, gần giống mà thôi. Vì trong các hiện tượng vật lý ở thế gian, dường như chỉ có dòng điện là truyền đi với tốc độ nhanh nhất, tương đương với tốc độ ánh sáng. Sự cảm ứng tức thời của tâm, nếu so với tốc độ ánh sáng hay tốc độ dòng điện, cũng không thể biết được là nhanh hơn bao nhiêu lần, không thể so sánh chính xác. Nhưng tốc độ của sóng điện truyền đi mỗi giây là 300.000 km, còn tốc độ của ý niệm trong tâm thì vừa sinh khởi đã biến hiện cùng khắp pháp giới hư không. Điều này trong lúc giảng giải tôi đã nhiều lần nói cùng quý vị. Đó là nguyên lý của sự cảm ứng.
Nội dung sách Cảm ứng thiên vị biên hết sức phong phú, nêu ra nhiều chuyện tích xưa với công năng, hiệu quả tu tập [theo Cảm ứng thiên] để chứng minh. Nhưng thật ra những trường hợp nêu ra như vậy đều không nói hết được. Chỉ cần chúng ta lặng lẽ quan sát cuộc sống ngay quanh mình là thể nghiệm được ngay hiện tượng cảm ứng này một cách đúng thật. Người phương Tây gọi đó là lý lẽ thực tế.
Sách Cảm ứng thiên vị biên, trong đoạn thứ năm có nêu một câu của Đại sư Huệ Năng, tổ thứ sáu Thiền tông Trung Hoa vào đời Đường. Trong Pháp Bảo Đàn kinh, Đại sư dạy rằng: “Hết thảy ruộng phước không lìa tự tâm.” Đây là lời dạy khái quát. Dựa theo đó mà giảng rộng ra thì cũng chính là ý nghĩa “họa phước không cửa vào, đều do người tự chuốc”.
Nói tự tâm là chỉ mọi ý niệm sinh khởi trong tâm. Trong tâm vừa khởi sinh ý niệm liền tức thời chiêu cảm những việc lành hay dữ, họa hay phước. Quả báo nhỏ là những việc lành, dữ. Quả báo lớn thì đó là những tai họa hay phước báo. Trong kinh điển, đức Phật dạy rằng: “Cát hung họa phúc giai do tâm tạo.” (Việc lành dữ, họa phước đều do tâm tạo ra.) Lại dạy rằng, những việc tội phước, những quả báo khổ não hoặc an vui, đều do nghiệp tạo bởi thân, khẩu, ý chiêu cảm mà có.
Người thế gian không hiểu được ý nghĩa này. Nếu ai thấu rõ được ý nghĩa này mới có thể nói là làm lợi lạc cho chính mình và người khác. Nếu không hiểu được, chỉ biết chạy theo những phiền não, vọng tưởng mà tạo nghiệp, nhất định sẽ chiêu cảm những việc xấu ác, tai họa.
Cho nên, chúng ta nếu muốn tiêu trừ thiên tai hay hiểm họa do con người tạo ra ở thế gian này liệu có được không? Câu trả lời chắc chắn là được. Phải dùng phương pháp nào? Chính là giáo dục. Có một lần tôi đang ở Australia, ông Cục trưởng Cục Đa văn hóa Queensland đến gặp tôi, bàn về việc hòa hợp các chủng tộc, hòa hợp các tôn giáo. Làm sao để mọi người có thể buông bỏ những thành kiến của tự thân, tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau, cùng chung sống hòa hợp trong thực tế? Ông Cục trưởng là người chịu trách nhiệm các vấn đề này tại Australia. Tôi chỉ nói với ông ấy một điều duy nhất, đó là giáo dục.
Các bậc thánh hiền Trung quốc từ xa xưa đã dạy chúng ta rằng: “Trong việc dựng nước, trị dân, trước hết là giáo dục.” Chúng ta lập ra một chính quyền, xây dựng một đất nước, cai trị người dân, phải dùng phương pháp gì? Trước hết là giáo dục. Ngày nay, nếu muốn đạt đến một xã hội hòa hợp, một thế giới hòa bình, trừ việc giáo dục ra thì không còn bất kỳ biện pháp nào khác.
Vậy nội dung của một nền giáo dục như thế là gì? Chính là ý nghĩa cảm ứng [chúng ta đang bàn]. Nếu đối với ý nghĩa này đã hiểu rõ ràng, đối với chân tướng sự thật này đã nhận biết sáng tỏ, thì mỗi lúc khởi tâm động niệm liền tự nhiên có sự kiềm chế, soát xét lại, từ đó biết nỗ lực làm việc thiện.
Vậy tiêu chuẩn thế nào là việc thiện? Đó là Mười nghiệp lành (Thập thiện nghiệp). Nếu ai ai cũng làm theo Mười nghiệp lành, thì thiên tai hay hiểm họa do con người tạo ra đều không còn nữa, cũng không thể phát sinh.
Trong kinh điển đức Phật dạy rằng, nếu như mọi vọng tưởng, ý niệm của chúng ta đều chạy theo, đều vướng mắc nơi sân hận, tật đố, tà dâm, thì địa ngục sẽ hiện ra ngay trước mắt. Địa ngục như thế từ đâu đến, chúng ta phải nhận hiểu rõ.
Nếu mỗi ý niệm đều chạy theo keo kiệt, tham lam, ham muốn không chán, những gì hiện có không thể bỏ ra bố thí, đó chính là tạo nghiệp ngạ quỷ. Cảnh giới của quỷ trong sáu đường liền hiện ra trước mắt.
Thế nào gọi là ngu si? Đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian, không có khả năng phân biệt giữa chân thật và giả dối, giữa chánh với tà, giữa đúng với sai, thậm chí cũng không phân biệt được thiện ác, lợi hại, hết thảy đều thấy biết điên đảo trái ngược, như vậy là ngu si. Ngu si là nghiệp của loài súc sinh. Nếu mỗi ý niệm đều ngu si, [cảnh giới súc sinh liền hiện ra trước mắt.]
Cho nên, tham lam, sân hận và si mê là các nghiệp dẫn đến ba đường ác. Ngày nay, chúng ta hãy bình tĩnh quan sát quảng đại quần chúng trong xã hội này, xem ai là người không có tham sân si? Chẳng những là có, mà tham sân si ấy còn không ngừng phát triển, phát triển với tốc độ thật đáng sợ! Khi những ý niệm, hành vi tham lam, sân hận, si mê đều phát triển, thì ba đường ác liền hình thành hết sức nhanh chóng. Chúng ta đâu cần phải đọa vào ba đường ác trong sáu nẻo luân hồi, chỉ sợ rằng chính xã hội hiện nay của chúng ta đây rồi sẽ biến thành những cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Quý vị nói xem, như thế có đáng sợ hay chăng?
Ngày nay cũng có một số người thấy biết sáng tỏ, các bậc chí sĩ nhân đức, mong muốn cứu vớt xã hội này. [Trong số đó,] Đại sư Ấn Quang vì chúng ta dẫn dắt, vì chúng ta chỉ bày, dạy dỗ, kêu gọi chúng ta cứu vãn đại nạn khẩn cấp này. Vận dụng đạo lý của Nho gia không kịp nữa, cho đến đạo lý lớn lao của nhà Phật cũng không còn kịp nữa. Cho nên ngài mới đề cao các bản văn Liễu Phàm tứ huấn, Cảm ứng thiên, Văn Xương Đế quân Âm chất văn, nhằm cứu khổ cứu nạn.
Trong tất cả ác nghiệp, hai nghiệp giết hại và dâm dục là nặng nhất. Cho nên, An Sĩ toàn thư đối với hai nghiệp ác này đặc biệt dành riêng mỗi loại trọn một quyển để giảng giải thật rõ, cảnh tỉnh chúng ta phải chú ý. Hai nghiệp ác này là tội lỗi nặng nề căn bản nhất, cũng là cội nguồn của mọi điều hung hiểm, tai họa. Mười nghiệp lành có thể cứu vãn được kiếp nạn này.
Niệm Phật là pháp lành cao trổi nhất. Cho nên phần cuối An Sĩ toàn thư là sách Tây quy trực chỉ, khuyên chúng ta niệm Phật cầu sinh về thế giới Cực Lạc.
Các nghiệp ác dẫn đến ba đường ác chúng ta đã thấu hiểu rõ ràng. Bây giờ nói đến ba đường lành. Cảnh giới a-tu-la nằm trong ba đường lành, [những chúng sinh] tuy làm việc thiện, tâm hạnh tương ưng với Mười nghiệp lành, nhưng tập khí ngạo mạn quá nặng, tánh tình quá nóng nảy, tâm háo thắng quá mạnh, nên rơi vào cảnh giới a-tu-la.
Những ai có thể kiên trì giữ theo Năm giới, tạo Mười nghiệp lành, khởi tâm động niệm, ứng xử đối đãi với người, tiếp xúc muôn vật đều không ra ngoài đường hướng nguyên tắc này, thì được sinh vào cõi người.
Nếu có thể dựa theo Mười nghiệp lành mà ngày càng nâng cao hơn nữa, đến mức cực kỳ trọn vẹn đầy đủ, thì đó là con đường sinh vào cõi trời.
Có thể thấy rằng, trong sự giáo dục của Phật giáo thì mục tiêu trước hết là dạy người dứt ác làm lành. Mục đích là bảo đảm chắc chắn cho chúng ta đời sau không đọa vào các đường ác, có thể được hưởng phước báo ở hai cõi trời người, chỉ có điều là chưa thể vượt thoát ra khỏi ba cõi, sáu đường luân hồi.
Những người thông minh sáng suốt hơn nữa, thấy biết được ba đường lành cũng không phải biện pháp giải thoát rốt ráo, không giải quyết được tận gốc rễ [luân hồi], nên tiếp tục hướng thượng tu tập, vượt thoát ra ngoài Ba cõi, như là các bậc A-la-hán. Bậc A-la-hán thấu hiểu được ý nghĩa chân thật của nhân ngã, như trong kinh Kim Cang có dạy: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng ảo bào ảnh” (Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng ảo, bọt nước), cho nên các ngài buông xả mọi sự bám chấp vào bản ngã. Trong Phật pháp thường dạy đó là vô ngã. Bám chấp vào bản ngã liền có đủ sáu đường luân hồi, đạt đến vô ngã thì sáu đường luân hồi đều không còn nữa. Vượt thoát sáu đường luân hồi, đó là chứng đắc quả A-la-hán.
Nếu có người thấu hiểu được hết thảy mọi hiện tượng trong vũ trụ này đều do duyên khởi, thấy được bản chất đều là không, thì những hiện tượng ấy từ đâu mà có? Sáu đường luân hồi từ đâu mà có? Mười pháp giới từ đâu mà có? Hết thảy hiện tượng như thế đều đồng một duyên khởi. Sáng tỏ được ý nghĩa này rồi liền buông xả được những bám chấp cực kỳ vi tế, biết rõ rằng bám chấp là sai lầm. Đạt được cảnh giới ấy là cao trổi hơn bậc A-la-hán, chứng được quả Phật Bích-chi.
Nếu có người hiểu rõ được ý nghĩa vô ngã như trên, lại có thể phát tâm cứu giúp hết thảy chúng sinh, dạy dỗ, dắt dẫn hết thảy chúng sinh, học và làm theo sáu pháp ba-la-mật, đó chính là hạnh nguyện Bồ Tát.
Nếu khởi tâm từ bi, chân thành, bình đẳng, dùng việc làm của chính bản thân mình để giáo hóa người khác, đó chính là hạnh nguyện, là việc làm của chư Phật.
Những lời như trên đều là giảng về chánh báo. Phật từ người tu tập mà thành, Bồ Tát cũng từ người tu tập mà thành, chỉ cần quý vị một niệm quay về tự tâm liền vượt thoát cõi phàm, nhập vào cõi thánh. Vì sao chúng ta không chịu nỗ lực? Vì sao không chịu hướng thượng học theo? Học làm theo Phật, Bồ Tát thì hết sức tốt lành, hết sức lợi lạc, được phước báo không giới hạn.
Cho nên, những điều lành dữ, tai họa hay phước báo đều “không cửa vào”, chính là không có sự nhất định, không có pháp cố định, hết thảy đều [biến chuyển] do nơi một niệm trong lòng người. Người phàm chỉ biết được một ý niệm là hiền thiện hay xấu ác, không thấu hiểu được rằng trong chỗ thiện hay ác đó còn có rất nhiều khác biệt. Chính trong pháp Phật giảng giải cho chúng ta ý nghĩa này hết sức thấu triệt, hết sức sáng tỏ. Một khi ta chuyển biến được chánh báo thì y báo liền theo đó cũng được chuyển biến. Y báo là quốc độ, là môi trường sống quanh ta, [còn chánh báo là tâm thức, là ý niệm, hành vi của mỗi chúng ta].
Quý vị xem kinh Hoa Nghiêm có giảng về thế giới Hoa Tạng, là quốc độ, môi trường sống của đức Phật Tỳ-lô-giá-na. Lại thấy có thế giới Cực Lạc, là quốc độ, môi trường sống của đức Phật A-di-đà, như nói có lầu thơm, cây báu, trang nghiêm thanh tịnh... Những điều ấy từ đâu mà có? Thảy đều từ nơi sự giáo hóa chúng sinh bằng tâm chân thành, từ bi, bình đẳng, chiêu cảm mà biến hiện ra.
Chúng ta ngày nay sống trên trái đất này, trái đất là quốc độ, là môi trường sống của chúng ta. Mọi người đều đã thấy, đã nghe, nhiều người nói rằng trái đất này đã lâm bệnh rồi, mà là bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Nơi nơi đều xảy ra thiên tai, hiểm họa. Những thiên tai, hiểm họa ấy từ đâu mà ra? Đều từ tâm niệm tham lam, sân hận, si mê biến hiện ra.
Tâm tham lam [của con người] quá nặng, tâm tham ấy là nước, nên tai họa lũ lụt hiện ra trước mắt. Tâm sân hận [của con người] quá nặng, tai họa lửa thiêu liền hiện ra trước mắt. Tâm ngu si [chiêu cảm] tai họa gió bão. Tâm không bình đẳng [chiêu cảm] động đất. Trạng thái tâm của đại đa số quần chúng trong xã hội chúng ta hiện nay thế nào mà chiêu cảm những thiên tai, hiểm họa như thế?
Thiên tai, hiểm họa có thể tiêu trừ, có thể hóa giải. Tôi thường nói rằng, khoa học kỹ thuật không làm được điều đó. Các biện pháp chính trị, vũ lực quân sự hay kinh tế cũng không làm được. Tất cả đều do nơi tâm địa con người. Chuyển biến tâm địa con người thì duy nhất chỉ có thể nhờ vào nền giáo dục của thánh hiền. Nền giáo dục của thánh hiền là một nền giáo dục bình đẳng.
Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều vị lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới, cùng với các vị ấy bàn luận. Hiện nay các vị ấy đều ý thức được rằng kiếp nạn của thế giới này rất đáng sợ. Vì thế, họ đều mong muốn tôi đưa ra phương cách làm thế nào để có hòa bình, có sự hòa hợp chung sống, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau. Nhận thức được như vậy là rất tốt. Trong Phật pháp gọi đó là sự giác ngộ ban đầu, tối sơ giác ngộ, đó là hiện tượng tốt. Nguyện vọng như thế của chúng ta, nếu muốn thành hiện thực phải nhờ đến giáo dục. Tôi giải thích với các vị ấy rằng, tôn giáo hiện nay chẳng có biện pháp gì để giải quyết vấn đề, đó là vì chúng ta chỉ có “tôn” (lòng tôn kính, tín ngưỡng) mà không có “giáo” (sự giáo dục), mọi người thử nghĩ xem có đúng vậy chăng?
Điều này tôi đã nói trong Hội nghị Tôn giáo Thế giới về Hòa bình tại Sydney (Australia). Chúng ta đã có “tôn”, cần xem trọng giáo dục. Trong chữ “tôn giáo” thì giáo là giáo dục, phải làm thế nào giáo dục tín đồ của chúng ta phát huy tình thương yêu rộng lớn bình đẳng. Trong Thiên Chúa giáo cũng như Cơ Đốc giáo đều nói rằng: “Thượng đế thương yêu người đời.” Chúng ta suy ngẫm câu nói ấy xem, Thượng đế thương yêu người đời, hoàn toàn không phải chỉ thương yêu tín đồ tôn giáo của mình. Người tín ngưỡng Thượng đế được ngài thương yêu, kẻ không tín ngưỡng cũng được ngài thương yêu. Bởi vì đó là con người, mà Thượng đế thương yêu người đời, hoàn toàn không có phân biệt trong sự thương yêu đó.
Nhà Phật dạy tâm từ bi chân thật bình đẳng, thương yêu bảo bọc hết thảy chúng sinh, đem lòng thương yêu chân thành, vô tư bố thí, vì hết thảy chúng sinh phụng sự vô điều kiện. Như vậy thì vấn đề nêu ra đã được giải quyết. Nếu kèm theo điều kiện thì không thể giải quyết được vấn đề. Phải phụng sự hết thảy chúng sinh hoàn toàn vô điều kiện.
Chúng ta sau khi học hỏi phải mang ra thực hành. Học mà không hành thì nào có ích lợi gì? Như vậy thì vẫn chiêu cảm tai nạn đến với mình thôi. Học hỏi xong, phải tức thời vận dụng vào thực tế, phải mang ra thực hành.
Ngày nay, khi viếng thăm những người khác tôn giáo, khác chủng tộc, tôi đều lấy tâm thương yêu chân thành, vô tư cúng dường, nhiệt tình giúp đỡ họ. Và tôi đã nhận lại được sự đáp ứng tương tự, chứng minh cho những lời dạy của Phật, Bồ Tát, chứng minh cho lời nói của Thái Thượng, đúng là “đều do người tự chuốc”. Tôi chiêu cảm được rất nhiều người đối với tôi hết sức nhiệt tình thương yêu.
Từ một điểm nhỏ này, chúng ta có thể suy xét sâu rộng ra để nhận hiểu được rằng, sự bình an ổn định của xã hội, hòa bình của thế giới, quả thật có hy vọng đạt được, dựa vào nhiệt tâm giáo dục của các nhà tôn giáo trên thế giới, phát huy tình thương yêu rộng khắp, như vậy mới có thể giải quyết tai họa hiện nay. Ý nghĩa này chúng ta cần thể hội thật sâu sắc.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta giảng đến đây thôi.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.192.2 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập