Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Thành công là khi bạn đứng dậy nhiều hơn số lần vấp ngã. (Success is falling nine times and getting up ten.)Jon Bon Jovi
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Trời không giúp những ai không tự giúp mình. (Heaven never helps the man who will not act. )Sophocles
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Trì Kinh »»
Phẩm Lễ Phật Hiện Quang của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Bồ-tát Thanh văn, tất cả quang minh đều bị ẩn mờ, chỉ ánh sáng Phật minh hiện chiếu diệu.” Đây đã nêu rõ chỉ có Phật trí mới là hoàn toàn viên mãn, hết thảy chúng sanh phải nên tin lời Đức Như Lai nói. Trong cuộc sống đời thường, khi chúng ta đối diện với người có trình độ trí thức sâu rộng, tự nhiên khó thể phát biểu được nổi ý kiến riêng của mình; bởi vì cái gì mình thấy biết thì họ đều thấu suốt hơn mình, những cái họ biết thì mình chẳng biết. Do đó, khi mình tiếp xúc với người có học vấn cao, chỉ biết lặng thinh mà lắng nghe. Cũng giống như vậy, Vương tử A Xà Thế và những năm trăm vị trưởng giả tuy là những người có trí tuệ và phước báu bậc nhất trong xả hội đương thời; thế mà sau khi nghe Đức Thế Tôn nói về trí huệ và phước báu của Phật A Di Đà thì họ chỉ đành biết cúi đầu đảnh lể, lắng nghe, chẳng thể thốt ra nổi một lời nào. Bởi vì họ tự biết rằng, nếu đem trí huệ và phước báu của họ so sánh với Phật thì có khác gì lấy dung lượng của một giọt nước đem so sánh với nước trong bốn biển. Thật vậy, nếu chúng ta đem trí huệ của mình so sánh với trí Phật thì khác chi đem năng lượng ánh sáng của con đom đóm so sánh với ánh sáng của mặt trời.
Trong phẩm Phước Huệ Ðược Nghe của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Ðời trước nếu không tu phước huệ, nơi đây chánh pháp chẳng thể nghe, đã từng cúng dường các Như Lai, thì hay vui vẻ tin việc này.” Phẩm Đều Nguyện Thành Phật của kinh này cũng nói: “Nhân duyên của vua A Xà Thế và năm trăm vị trưởng giả chẳng phải là ít ỏi, do vì họ ở trong đời trước đã từng cúng dường bốn trăm ức Phật. Từ muôn kiếp trước và ngay cả trong thời Phật Ca Diếp, các vị ấy đều là đệ tử nương tựa Phật. Nay trong đời này họ lại được gặp Phật nghe pháp, nên thiện căn của họ không ngừng tăng thượng, mau chóng thành tựu đạo quả.” Ngày nay, chúng ta được gặp gỡ và tiếp nhận nổi kinh này, thì chắc chắn là có duyên chẳng ít với Phật. Như kinh nói, từ trong đời quá khứ cho đến nay, chúng ta chẳng phải là đã từng gieo trồng thiện căn với một, hai hoặc ba Đức Phật mà là đã từng trồng căn lành nơi vô lượng chư Phật, nên mới có thể giống như vương tử A Xà Thế và các vị đại trưởng giả được nghe kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, nhẫn đến phát được lòng tin ưa, nguyện thọ trì đọc tụng, tu theo lời chỉ đạo trong kinh, nhiếp giữ lấy đức hiệu A Di Đà Phật để nhập vào trong Biển Nguyện Nhất Thừa, lần lượt dạy nhau, dìu dắt nhau đồng chứng Di Ðà vô thượng đạo.
Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ là chất liệu quý báu bậc nhất trong khắp thế gian, Phật trụ trong chân thật huệ, nói ra kinh này để nuôi dưỡng trí tuệ, làm tươi nhuận cuộc sống tu hành cho chúng sanh, khiến chúng sanh mau chứng được Pháp thân ngay trong một đời. Mỗi lần chúng ta đọc tụng kinh này là mỗi lần nhận biết thêm những yếu nghĩa vô cùng thâm sâu vi diệu, khiến trí tuệ trong Tự tánh được khai mở và lớn dần thêm lên, mau chóng thành tựu Phật trí. Cho nên trong Phẩm Cần Tu Kiên Trì, Phật bảo chúng sanh phải nên thường ghi nhớ kinh này không dứt, sẽ mau nhanh chứng đạo quả. Vì sao? Vì khi hành giả đọc kinh này một lần thì được Phật A Di Đà quán đảnh một lần, đọc kinh này hai lần là được Phật quán đảnh hai lần... Nếu người nào thường luôn đọc tụng kinh này bằng nhân duyên căn lành thì càng đọc kinh càng thấy rất thú vị, đọc đi đọc lại mãi mà không biết nhàm chán, mỏi mệt. Cứ như thế mà trí tuệ và đạo đức không ngừng tăng trưởng cho đến khi chứng được Pháp thân Phật.
Cư sĩ Đông Phương Mỹ bảo: “Học Phật là sự hưởng thụ của đời người.” Vì sao? Vì người trì kinh sẽ được Phật lực gia trì, khiến cho họ được sống trong Hóa Thành của Phật mà tu hành trong sự an lạc; đấy chính là sự hưởng thụ của đời người. Nếu chúng ta không được Phật lực gia trì thì làm sao có thể sống tu hành trong sự an lạc nổi trong thời Mạt pháp này? Chúng ta tự mình phải biết, tự lực tu hành nhỏ nhoi của mình trong đời này khó thể chống cự nổi tội nghiệp to lớn vô cùng mà mình đã từng tích lũy từ muôn kiếp trước; kiến thức của phàm phu lại không thể phá trừ nổi phiền não trần lao vô tận; chỉ có Phật lực và Phật trí mới có thể giúp chúng ta tránh được nghiệp lực, chuyển được hoàn cảnh sống hiện tại mà có được một cuộc sống tu hành an lành. Hoàn cảnh sống an lành trong một thế gian đầy dẫy ác trược và khổ đau chính là Hóa Thành mà Phật ban bố cho những ai trì tụng kinh Phật.
Khi xưa, khi Đức Phật thuyết kinh thường dùng cách nói lập đi lập lại với văn tự khác nhau, thí dụ khác nhau, góc độ khác nhau, cảnh giới sâu cạn khác nhau v.v... khiến người nghe xong liền ghi nhớ, hiểu rõ và bắt gặp được những điều thâm thúy mà giác ngộ Tự tâm. Có nhiều vị sau khi nghe Phật nói kinh, liền chứng quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A-la-hán cho đến Bất Thoái Chuyển. Thế mà ngày nay có rất nhiều người không tin Phật, từ chối việc thọ trì, đọc tụng kinh; đó là bởi do họ không hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong kinh, hoặc không biết cách trì kinh, nên chẳng biết công dụng của việc đọc tụng kinh Phật có thể giúp mình mau chóng khai mở tuệ giác, chuyển hóa thân tâm, chứng được Pháp thân. Lại nữa, do vì người học kinh không có tánh nhẫn nại, thường cảm thấy ngán sợ những lời văn lập đi lập lại, rồi lại do không hiểu thâm ý của Phật, vội vàng cho đó là không hay, không thực tế, không thích hợp với đời sống hiện đại v.v… Trong kinh Phật bảo, những suy nghĩ đó chẳng qua là do vì nghiệp chướng, tai ương của họ trong đời trước chưa dứt, khiến họ sanh lòng hồ nghi, chẳng thể tin ưa kinh Phật. Cũng vì lẽ đó, chư đại đức và các bậc trí thức mới hành quyền phương tiện rút kinh văn ngắn gọn lại, nhưng không tăng giảm nghĩa kinh, để khuyến khích hành giả đọc tụng kinh Phật, cốt hầu có được lợi ích chân thật từ nơi Phật. Do vậy, chúng ta không thể xem thường việc đọc tụng và nghe giảng kinh Phật
Người trì kinh bằng nhân duyên căn lành thì từ một chữ, một câu, một ý trong kinh đều có thể toát lên sự hiểu biết sâu xa. Vì sao? Vì từ sự trì nơi từng chữ, từng câu lập đi lập trong kinh mà được định, từ định sanh huệ. Nếu người học Phật nhiếp thủ sáu căn, dùng cả khối óc, con tim và căn lành của mình để thâm nhập kinh tạng của Phật, họ sẽ cảm nhận được sự thích thú kỳ diệu, pháp hỷ sung mãn, trí huệ phát sanh và được hưởng thụ mọi sự an lạc trong đời. Nhờ đó, dù cho kinh có dài đến đâu, họ vẫn thấy ngắn, vì sao? Vì càng đọc đi đọc lại, càng phát sanh trí huệ, nên càng thấy hứng thú, chẳng biết chán, chẳng thấy đủ. Thật ra, kinh dài hay ngắn đều tùy thuộc tâm lý của người đọc mà thôi. Nếu người đọc tụng kinh không có đủ căn lành với Phật thì họ cảm thấy đọc tụng kinh là một việc khổ nhọc, không vui, nên cảm thấy kinh dài. Còn người có căn lành với Phật thì họ cảm thấy đọc kinh là sự hưởng thụ của đời người; cho nên, suốt ngày lẫn đêm họ đều thường an trụ tâm trong kinh Phật, chẳng biết nhàm đủ, nên thấy kinh chẳng dài.
Do vì từ phàm phu chúng sanh cho đến chư đại Bồ-tát trong thập phương pháp giới đều thỉnh Phật nói pháp, nên Phật tùy thuận theo nhân duyên của từng vị mà diễn biến các pháp khác nhau, khiến từng mỗi căn cơ đều hưởng được pháp lạc nhiệm mầu phù hợp căn tánh của họ. Nếu ai thấy Phật pháp lúc nào cũng giống hệt như nhau, thì ắt hẳn người ấy là người không biết học kinh, không hiểu kinh và cũng không biết trì kinh. Người càng đọc kinh, càng thấy cảnh giới trí biến hóa không ngừng, đó là do trí huệ của họ không ngừng tăng trưởng, họ đang dần dần thâm nhập nghĩa tạng của Như Lai. Nói cách khác, mỗi lúc mình học kinh, nghe kinh hay diễn nói kinh là mỗi lúc trí tuệ phát huy thêm lên, nên mỗi lúc học kinh, nghe kinh hay diễn nói kinh là mỗi lúc mình hiểu biết khác nhau. Cái hiểu của mình ngày hôm nay chẳng giống cái hiểu ngày hôm qua là do trí huệ của mình ngày hôm nay không giống ngày hôm qua. Nếu mình học Phật nhiều năm mà sự hiểu biết nơi kinh chẳng thay đổi, tức là mình không có tiến bộ, trí tuệ không có tăng trưởng.
Người thọ trì kinh bằng Chân tâm thanh tịnh rỗng lặng thì sẽ có sự cảm thông không thể nghĩ bàn với chư Phật, Bồ-tát. Sự cảm thông đó là gì? Là sự tiếp nhận quang minh trí huệ Phật chiếu thẳng vào tận đáy lòng của tâm mình, nên tự nhiên được cấu diệt, thiện sanh, thân tâm nhu nhuyến, hoan hỷ an lạc. Vì thế, người học Phật liễu nghĩa đều phải khởi đầu bằng lễ Phật, lạy Phật, niệm Phật, đọc tụng và nghe giảng giải kinh điển Đại thừa cho đến khi trong lòng mình phát sanh được niềm tin chân thật, pháp hỷ sung mãn thì sẽ thấy Phật. Vị Phật mình thấy chính là Pháp thân Phật thường trụ của chính mình.
Người học Phật thông thường phải trải qua ba giai đoạn. Trước hết, mình bắt đầu thấy biết Phật bằng cái thấy thông thường nơi hình tướng qua việc đọc kinh, nghe pháp. Tiếp theo đó là thấy Phật bằng niềm tin nơi Phật do hiểu rõ Phật pháp. Và sau cùng là thấy Phật bằng Chân tâm Tự tánh của mình, tức là thấy Pháp thân Phật thường trụ của chính mình. Trong giai đoạn bắt đầu học Phật, chúng ta đều thường bị vướng mắc vào cái bệnh chấp trước, nên thấy các pháp có ngã, có đối đãi, sai biệt. Điều này chẳng có gì lạ cả, đó chỉ là thói quen tập khí của mình từ vô thủy kiếp đến nay mà thôi. Do nhờ vào sự tinh tấn học Phật, đọc kinh, nghe pháp không gián đoạn, dần dần tự nhiên mình nhận ra những hiểu biết sai lầm của mình; rồi từ đó, mình sẽ dần dần thay thế cách nhận biết của phàm phu bằng cách nhận biết thanh tịnh, sáng suốt của Phật một cách tự nhiên, không cần miễn cưỡng dụng công.
Trong Phẩm Duyên Khởi Đại Giáo của kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật phóng quang minh hiện rõ mười phương cõi nước, trong đó bao gồm tất cả các cõi uế lẫn tịnh, nhằm mục đích nói lên kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ, không phải chỉ dành riêng cho một loài chúng sanh, một nhóm chúng sanh nào đó, hay chỉ dành riêng cho người trí, kẻ ngu không thể tu được. Phật ban bố kinh này cho hết thảy các loài chúng sanh trong mười phương pháp giới, chẳng phân biệt loài ấy là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, trời hay nhẫn đến các hàng Đại thừa Bồ-tát. Hễ ai có nhân duyên tiếp nhận kinh này với một tấm lòng chân thành tha thiết, tuyệt đối mong muốn giải thoái, luôn có sự tập trung tinh thần ở mức độ cao nhất, thì người ấy đều có đầy đủ nhân duyên, căn lành và điều kiện thâm nhập tạng pháp của Như Lai. Chẳng những thế, trong tương lai họ lại còn có khả năng giảng nói kinh này bằng những kinh nghiệm từ sự học vấn và sự thực hành của họ trong cuộc sống hiện đời một cách rất sâu sắc. Những điều mà họ có được đều chỉ là do từ một cái tâm chân thành cung kính học Phật, chớ chẳng phải là do có trí thức của thế gian mà biết được nổi. Đấy đã nêu rõ, tâm chân thành cung kính học Phật chính là yếu tố quan trọng bậc nhất của người học Phật, chớ chẳng phải là do từ kiến thức thế gian.
Trong phẩm Đều Nguyện Thành Phật, Đức Phật nói về nhân duyên giáo hóa của Ngài đối với các bậc vương tử từ vô lượng kiếp xa xưa về trước đến nay, nhằm mục đích gợi ý cho chúng ta thấy, trên bước đường tu hành của mọi người đều có nhân duyên quả báo. Khi chúng ta nhìn vào thực tế thì sẽ thấy rõ ràng rằng, nếu người cầu đạo tìm đến đúng pháp, đúng thầy mà mình đã từng gieo trồng nhân duyên căn lành từ đời trước, thì căn lành do mình tu trong đời trước sẽ tự động bộc phát ra ngay, tự nhiên trong lòng phát ra niềm vui lớn, pháp hỷ sung mãn, giúp mình dễ dàng thăng hoa trong sự tu hành và mau chóng thành tựu hơn; bởi vì mình không cần phải tu lại từ đầu. Ngược lại, nếu trong đời trước, mình làm thiện ít, tạo ác quá nhiều, chưa từng kết duyên với Phật và thiện trí thức, thì đời nay phải gặp toàn là những chuyện ngang trái, oan gia đối đầu, chẳng thể gặp được kinh giáo của Phật, một vị thầy tốt hay một bạn tốt phù hợp với căn tánh của mình; tức là việc tu hành của mình bị chướng ngại, căn lành và pháp hỷ lạc khó bộc phát ra nổi.
Trên thật tế, do nhờ học Phật nên chúng ta thấy rõ nhân duyên quả báo xảy ra trong đời này. Người tốt giúp đỡ mình hay kẻ xấu chống phá mình đều là những người đã từng cùng với mình có quan hệ mật thiết trong quá khứ, đời này gặp lại nhau chỉ vì một nhân duyên. Mặc tình nhân duyên ấy là tốt hay xấu, đối với người chân thật học Phật, họ đều lấy đó làm điều kiện để cải sửa, làm cho tất cả nhân duyên xấu hay tốt đều biến chuyển thành căn lành. Họ có trí tuệ, biết nương theo cảnh duyên hiện tại mà chuyển thành cảnh duyên tốt lành cho tương lai. Họ chuyển cảnh giới bằng cách sửa đổi ý thức nhận biết của phàm phu thành trí tuệ nhận biết như Phật, họ sửa đổi cách cư xử nơi thân và ngữ của họ giống như Phật trong những lúc đối vật tiếp người. Người có trí tuệ và tấm lòng chân thật học Phật như thế, chắc chắn sẽ có thể chuyển được cảnh giới phàm thành thánh trong tương lai.
Người học Phật không thể chuyển cảnh giới là vì họ không biết cách học Phật, nên chưa có sự thành tựu thật sự trong Phật pháp. Người ấy cần phải kiểm điểm và sửa đổi lại cách học Phật của mình, phải chuyên tâm đọc kinh, nghe pháp và niệm Phật nhiều hơn nữa, để hiểu rõ pháp của Như Lai mà có lý giải thông suốt, có thực hành đúng đắn. Nếu lý và sự của việc tu hành chẳng dung hợp với nhau thì sẽ dễ sanh ra các thứ chướng ngại, làm tăng thêm nghiệp chướng và phiền não trong cuộc sống tu hành. Nếu chúng ta càng tu, càng sanh thêm phiền não, vọng tưởng, chấp trước, chẳng được ung dung tự tại trong mọi pháp, thì phải biết nguyên nhân chính yếu là do mình không thật sự học Phật, hoặc hiểu sai lầm lời Phật dạy.
Lại nữa, người học Phật phải có ý thức sâu sắc về lý nhân duyên quả báo và phải biết hằng thuận chúng sanh; tức là phải biết cách cư xử mọi người tùy thuận theo ý muốn của họ, bằng một tấm lòng thanh tịnh bình đẳng và từ bi, chớ nên cao ngạo bắt họ phải theo ý muốn của mình. Phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa từng dạy, Bồ-tát Quán Âm tùy theo ý thích của chúng sanh, ai đáng được thân nào, liền hiện ra thân đó vì họ nói pháp; đó là vì Ngài có trí huệ sâu rộng và phương tiện thiện xảo. Người học Phật phải có trí tuệ hiểu rộng, nhìn xa để đề phòng những chướng nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào; bởi vì nếu chúng ta có học rộng nhìn xa, có đề phòng chuẩn bị, thì lúc nghiệp báo bất chợt xảy ra, liền biết cách ứng phó, không bị sợ hãi, không bị vướng mắc vào trong lưới ma.
Khi thiên ma, ngoại đạo, oan gia trái chủ đến phá hoại, chúng ta liền biết cách hóa giải hận thù, tội nghiệp với họ, biết chuyển oán thành thân, biết khuyến dụ họ cùng nhau nương tựa nơi Phật, Bồ-tát để tránh khỏi những ma chướng trên con đường tu đạo giải thoát. Người học Phật như thế chắc chắn sẽ có thành tựu. Chúng ta nên biết, khi mình tu hành có được chút ít thành tựu, thì tất nhiên phải gặp phải nhiều ma chướng. Vì sao? Vì thiên ma và oan gia trái chủ không muốn cho chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Thiên ma và oan gia trái chủ sẽ tra xét những lỗi lầm còn sót lại nơi thân, ngữ và ý của chúng ta mà văng cái lưới bẫy chụp lấy chúng ta. Do đó, người tu hành không được cống cao ngã mạn, tức là phải biết luôn luôn nương tựa Phật, Pháp và Tăng để được Tam Bảo che chở, gia hộ cho mình không bị mắc vào lưới ma. Người tu hành cũng không được hạ liệt, phải nỗ lực tu Giới-Định-Huệ để hàng phục những ma quán, chế ngự những tà niệm hiện ra trong tâm ý của mình. Trì kinh, niệm Phật là pháp tu Giới-Định-Huệ hữu hiệu nhất, có khả năng giúp chúng ta hàng phục được nội ma lẫn ngoại ma.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.205.24 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập