Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Hãy sống như thể bạn chỉ còn một ngày để sống và học hỏi như thể bạn sẽ không bao giờ chết. (Live as if you were to die tomorrow. Learn as if you were to live forever. )Mahatma Gandhi
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Trời sinh voi sinh cỏ, nhưng cỏ không mọc trước miệng voi. (God gives every bird a worm, but he does not throw it into the nest. )Ngạn ngữ Thụy Điển
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Thành công không phải điểm cuối cùng, thất bại không phải là kết thúc, chính sự dũng cảm tiếp tục công việc mới là điều quan trọng. (Success is not final, failure is not fatal: it is the courage to continue that counts.)Winston Churchill
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Tiểu luận giáo dục »» Xem đối chiếu Anh Việt: Xét lại nguồn gốc và bản thể giáo dục Việt Nam hiện đại »»
Tạp chí TƯ TƯỞNG, SỐ 4 (Bộ Mới) ngày 1 tháng 9 năm 1969). Đặc biệt về: GIÁO DỤC VIỆT NAM và GIÁO DỤC QUỐC TẾ (do Giáo sư Dương Thiệu Tống phụ trách)
Văn hóa là phần hồn của một nước, chính văn hóa đã tạo ra mọi bình diện, mọi hoạt động của đời sống dân tộc. Bởi thế, những chuyên gia về văn hóa đã gọi kinh tế sinh hoạt, chính trị sinh hoạt, trí thức sinh hoạt là những hình thái văn hóa. Học giả Đào Duy Anh đã dựa trên những phạm trù đó mà viết cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương vậy.
Văn hóa tức là văn minh, và văn hóa cũng là giáo dục, giáo dục là xây dựng cơ sở văn hóa cho ngày mai thừa hưởng và vun bồi cho truyền thống ngày hôm qua.
Cổ thời, nhiệm vụ giáo dục không đè quá nặng lên trên học đường; học đường không đè quá nặng lên trên chính quyền nên không cần phải kế hoạch hóa đại quy mô những chương trình vừa sâu rộng vừa tinh vi như bây giờ. Xưa kia những trường học là hiếm, những cơ sở tôn giáo thì nhiều; những trung tâm văn hóa bắt đầu từ đó. Pythagore mở trường dạy triết học, khoa học, chính trị có màu sắc tôn giáo; Khổng Tử mở trường dạy đạo đức và chính trị, hay đúng bơn, cái chính trị diễn dịch từ đạo đức — những trường như thế không có nhiều, phương pháp giáo dục như thế không rộng lớn so với tôn giáo.
Nước Việt Nam suốt nghìn năm Bắc thuộc, gần hoàn toàn do những nhà tu hành gánh vác việc giáo dục quần chúng; ngay đến cả những quân sư chính trị thời mới độc lập như Đinh, Lê, Lý cũng là những thiền sư như Khuông Việt, Vạn Hạnh. Người Tàu có dạy đạo Khổng nhưng không được phổ biến, một vài tên như Lý Cầm, Lý Tiến khóc lóc thảm thiết mới xin được làm quan sau mấy trăm năm Bắc thuộc, đủ chứng tỏ cái học ngoài tôn giáo đã thu hẹp đến mức độ tối thiểu vì hai lẽ: một là tinh thần quốc gia, hai là số quan liêu thư lại xưa kia không cần nhiều mà phần lớn để dành cho người Tàu. Sang đến thời độc lập Lý Trần có khoa thi Tam giáo, từ đời Lê chỉ độc tôn Khổng Mạnh thì nhiệm vụ giáo dục của tôn giáo thu bớt lại. Nhưng dầu sao những chính quyền Lý, Trần, Lê gần 10 thế kỷ cũng chỉ mở vài trường Quốc Tử Giám tức đại học, thời Nguyễn mở thêm ít trường công lập với những chức vụ giáo thụ. Nhưng ở mọi chiều sâu rộng vẫn là tư nhân gánh vác với những ông thầy từ cỡ anh khóa chưa đỗ đạt chỉ có xóm làng biết, đến những Trương Hán Siêu, Chu Văn An, Nguyễn Khuyến đã thành danh trở về. Khuynh hướng của chính quyền thường kết tinh ý thức dân tộc với những môn thi và những đề thi, đã định chương trình, đã làm kim chỉ nam đơn giản nhưng chắc chắn cho thầy trò bảo nhau.
Nhưng bây giờ giáo dục là một guồng máy khổng lồ với những bộ phận phức tạp từ tiểu học đến đại học qua hai cấp trung học phải có một sự phối hợp tinh vi với những chương trình tỉ mỉ và những tổ chức đại quy mô của chính quyền lôi cuốn chặt chẽ mọi tổ chức tư lập.
Nếu guồng máy giáo dục đã khó khăn thì nhiệm vụ những nhà giáo dục của một nước thay đổi lớn lại cực kỳ khó khăn vì hoàn cảnh với não trạng của dân tộc không như xưa, tự nó đã không giống nó thì làm sao lại hệt như người khác? Mà sự mất còn của một nước là ở giáo dục, ở việc đào tạo linh hồn từ người lãnh đạo ngày mai cho đến những cán bộ với toàn dân phải có một ý thức tập thể lành mạnh. Mà một nền giáo dục không hợp thời, hợp thế, hợp cảnh, hợp người, một nền giáo dục mô phỏng thiếu linh động, chắc chắn chỉ đào tạo ra những quần chúng lệch lạc bệnh hoạn — một dân tộc chuẩn bị đưa nhau xuống vực thẳm.
GIÁO DỤC VIỆT NAM TỪ ĐÂU ĐẾN VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Hãy xét lại giáo dục Việt Nam hiện đại. Nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Hãy xét lại trước khi quá muộn. Và phải xét lại nếu ta chưa xóa bỏ hai chữ trách nhiệm trong tự điển. Chúng ta không thể nào làm giáo dục như trâu kéo cày theo đường hướng của người đã vạch.
Từ năm 1945, sau khi Pháp bị Nhật đảo chính, chính phủ Trần Trọng Kim đã đưa ra một chương trình giáo dục. Tôi không có tài liệu ấy trong tay nhưng có nhiều tập kế tiếp đến bây giờ, từ loại in đến loại quay ronéo. Ngoài ra tôi cũng có theo dõi những dự định và hoạt động giáo dục. Có lẽ ít quốc gia trải qua nhiều cuộc sửa đổi chương trình như chúng ta, nhưng xét kỹ chỉ nhắm vào những chi tiết của nội dung giáo dục và hình thức tổ chức điều hành những cơ quan hơn là vào căn bản sâu xa của giáo dục. Việc cử phái đoàn sang thăm những cơ sở giáo dục ngoại quốc cùng những phương pháp giảng dạy là điều nên làm nhưng chỉ là cái ngọn, những việc ấy chỉ hữu dụng khi chúng ta đã tìm ra được nền giáo dục của mình. Đến đây cũng nên phân biệt mấy điều vẫn được gọi đại khái là phương pháp giáo dục.
ĐẦU TIÊN PHẢI PHÂN BIỆT ĐƯỜNG LỐI GIÁO DỤC VỚI KỸ THUẬT GIÁO DỤC
Một là đường lối giáo dục hay là cái lý tưởng, cái tinh thần được cụ thể hóa trong một chương trình ghi những điều đem ra giáo dục để đào tạo con người, [hay mục đích giáo dục]. Hai là kỹ thuật giáo dục gồm cách tổ chức, lề lối truyền bá và những phương tiện, [hay phương pháp giáo dục]. Hầu hết mọi sửa đổi của những chính phủ đã nhắm vào chỗ sau này mà cứ tưởng rằng xây dựng một nền giáo dục mới mẻ.
Đào tạo một con người siêu thời gian và không gian có đủ mọi yếu tố tốt đẹp và cần thiết của nhân loại muôn đời là một điều không tưởng; mà đào tạo một con người theo đúng như một người ở hoàn cảnh khác, khả năng khác, cứu cánh khác, xứ sở khác, lịch sử khác cũng là một điều khôi hài bi thảm. Nhưng giáo dục Việt Nam vài chục năm nay đã làm gì?
Thật ra thì chúng ta đã mô phỏng giáo dục Pháp, dầu có sửa đổi lặt vặt, quanh quẩn như truyện vợ anh phù thủy trong cổ tích sai âm binh đánh cây cau đàng sau ra đàng trước để anh phù thủy sai âm binh đánh lại cây cau đàng trước ra đàng sau.
Nhưng nền giáo dục Pháp từ đâu đến, những nguyên nhân nào tạo ra nó, bản thể nó là gì và đã đưa tới những hậu quả nào? Giải được mấy điều này là ta hiểu được chân tướng của giáo dục Việt Nam hiện đại.
Năm 1789, người Pháp phá ngục Bastille lật đổ nền quân chủ, lật theo cả giáo quyền, đã đưa ra một phương châm mới là Học đường ly khai với Giáo hội. Xưa kia ròng rã nhiều thế kỷ, giáo dục là do Giáo hội. Không phải những tu viện, mà cả đến những trường đại học như Sorbonne cũng do một nhà tu hành sáng lập với mục đích giảng dạy thần học. Sự hình thành, sự phát triển và sự cải biên của trường ấy từ thời Trung cổ đến bây giờ chứa đựng nhiều ý nghĩa. Tuy từ xưa người Pháp cũng như Tây phương đã tham bác cả khoa học vào giáo dục, nhưng cho đến trước ngày Cách mạng, hình bóng của Giáo hội vẫn bao trùm Học đường. Vậy cho Học đường ly khai với Giáo hội, người Pháp thay thế bằng một nền giáo dục trung lập thoát ra khỏi mọi giáo điều, một nền giáo dục nhằm vào việc mở mang tri thức, đào tạo những chuyên viên, chuyên viên về khoa học, chuyên viên về văn hóa, chuyên viên thuần túy mà thôi. Không phải là nền giáo dục đào tạo con người, bởi nói con người thì phải nói lý tưởng, phải nói đường hướng. Mà muốn đào tạo con người có lý tưởng, có đường hướng phải dạy cho họ một thứ đạo đức hoặc cũ hoặc mới, một cách quan niệm vũ trụ và nhân sinh, để lấy đó làm kim chỉ nam giữa đường đời vạn nẻo, giữa thiện, ác, giả, chân chằng chịt giao nhau như mê hồn trận.
TA ĐÃ THEO GIÁO DỤC PHÁP, KHÔNG CHO NGƯỜI HỌC KIM CHỈ NAM GIỮA MÊ HỒN TRẬN
Nền giáo dục Pháp, nền giáo dục sau 1789, là một nền giáo dục phá hoại. Phá hoại cũng có khi cần, có giai đoạn thiết yếu, nhưng nhất định phải vượt qua như san phẳng cái cũ thì phải xây một cái gì trên đất mới. Nhưng giáo dục Pháp chỉ phá hoại, chỉ san phẳng, sau khi lật đổ lý tưởng của Giáo hội thì không có gì để thay vào, cho đến bây giờ, gần hai trăm năm.
Môn đức dục, công dân giáo dục được dành cho một, hai giờ tượng trưng trong số 24 giờ học mỗi tuần ở trung, tiểu học; lên đến đệ nhất, đạo đức học trong chương trình triết học biến thành môn giải phẫu đạo đức hơn là truyền dạy đạo đức cho học sinh. Ở đại học, văn khoa gồm mấy mươi chứng chỉ để lựa chọn, chỉ có một vài chứng chỉ về triết lạc loài, yếu tố đạo đức trong một vài triết hệ mà người ta xét qua với quan điểm giải phẫu đã được trang bị dưới đệ nhất trung học. Người ta ngầm cho đức dục là thứ ấu trĩ, không đáng phải dạy nhiều, nói lắm hóa nhàm, quên phắt rằng từ mấy chục thế kỷ cho đến gần đây nó đã là nguồn gốc của thiên kinh vạn quyển, cũng là một thứ khoa học với những chân trời sâu xa kỳ diệu và lý thú bội phần. Chỉ cần nhắc lại tư tưởng của Socrate được người ta hiểu theo hai nghĩa, mà theo ý chúng tôi phải hiểu theo hai nghĩa mới đủ, vì hai nghĩa sinh hóa tương tục.
Nghĩa thứ nhất: Đạo đức là minh triết.
Nghĩa thứ hai: Đạo đức là một thứ khoa học.
Mà sự giảng dạy của Socrate kết tinh trong mấy chục bộ sách của Plalon thêm vài cuốn của Xenophon chứng tỏ điều đó. Ngũ kinh, Tứ thư của Khổng Mạnh không phải là những bộ sách luân lý khô khan cứng nhắc; Đạo đức kinh, Nam hoa kinh của Lão Trang lại càng tỏ rõ đạo đức là một hệ thống huyền diệu, tinh vi, phong phú như một khoa học, trên mọi khoa học. Khỏi nói đến kinh điển Ấn Độ thực mênh mang sâu thẳm như rừng biển. Chỉ cần thêm: Vương Dương Minh chỉ làm cái việc sáng tỏ chân nghĩa Khổng Mạnh với thuyết tri hành hợp nhất mà đã đủ lập nên một môn phái đạo đức, một khoa học dồi dào khiến cho dân Nhật hùng cường vì biết tham cứu.
Văn học sử gia Gustave Sanson đã nhận xét sâu sắc là thời Trung cổ người hiệp sĩ lập thân với hai chữ Đức tin và Danh dự; và khi hai chữ đó phai mờ là lúc sụp đổ cả trật tự phong kiến, suy tàn cả một nền văn minh. Ông cha chúng ta thời Lý Trần đã lập thân với mấy chữ Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi; hậu bán triều Trần trở đi, ba chữ đó thay thế bởi năm chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Bây giờ chúng ta được trang bị với cái gì trước cơn lốc của mọi chiều ý thức hệ? Những bóng ma phất phơ giữa cơn tranh tối tranh sáng của lịch sử để không biết đi về hay thổi giạt về cái nẻo khơi nào.
Nước Pháp đã đạt hậu quả nào với nền giáo dục ấy?
Cá nhân chủ nghĩa phát triển đến tột độ, và nước Pháp đã bại trận trong cuộc Thế chiến Đệ nhị. Không thể đem thành bại mà luận anh hùng vì chính nước Đức cũng rốt cuộc thất trận, nhưng thứ bại trận của Pháp đặc biệt nhất trong lịch sử loài người khi ta so sánh trình độ văn minh giữa hai nước với thời gian chớp nhoáng và thái độ khi bại trận của nguời Pháp. Nước Nam Tư với dân số nhỏ hơn, với vũ khí thô sơ hơn đã cầm chân 20 sư đoàn thiện chiến của Đức suốt sáu năm Thế chiến để đợi ngày phản công thắng lợi, trong khi quân Đức tiến vào đất Pháp như vào chỗ không người với thời gian kỷ lục. Cũng người Nam Tư, sau Thế chiến đến bây giờ đã thách thức Nga Sô để giữ vững chủ quyền chứ không chịu lệ thuộc mặc dầu xứ đó bị nước khổng lồ với mấy nước chư hầu bao vây đe dọa.
Chính tinh thần đã quyết định và người Pháp đã tận hưởng cái quả của nền giáo dục sai đuờng.
Nhiều nước cũng có nền giáo dục phảng phất gần xa với Pháp nhưng những nước như Anh Cát Lợi nhờ căn bản tinh thần vững chắc nên đã tiết giảm sự độc hại.
ĐỨC, NGA ĐÀO TẠO CON NGƯỜI TRƯỚC CHUYÊN VIÊN
Đức quốc xã, Nga Cộng sản nhận thấy nhược điểm này nên đã đưa ra một nền giáo dục lấy tuyên truyền chủ nghĩa thay vào giáo lý cổ truyền, trong khi nước Pháp chỉ lật đổ mà không có gì thay thế.
Người Pháp lo việc đào tạo chuyên viên, Quốc xã và Cộng sản đoạt lấy con người trước khi và sau khi đào tạo nó thành chuyên viên cho mình. Bởi thế người Đức, người Nga, người Nam Tư ra trận với tất cả sự hăng say quyết tử thì người Pháp chỉ có hai bàn tay cầm súng không hồn. Đem hoang mang chọi với cuồng tín, đem triệu tấm lòng rời rã mà đụng vào khối một tấm lòng của triệu con người đúc lại thì có khác gì đem triệu quả trứng đập vào một tảng đá.
Nước Hoa Kỳ, một dân tộc trẻ mạnh đương lên, có một kho tài nguyên lớn bằng cả thế giới góp lại theo thống kê chính xác và có một kho vũ khí khổng lồ, ấy thế mà danh tướng Mac Arthur tức là một người Mỹ yêu nước bậc nhất, có thẩm quyền cũng bậc nhất trong việc phát ngôn, đã thở than rằng tinh thần người Mỹ nhẹ hơn đồ trang bị nên đã bỏ lỡ dịp quyết định chiến trường bên Cao Ly.
Võ khí không chưa đủ, phải có một tinh thần, mà chúng ta từ kỹ thuật đến mọi phương diện đều thiếu, thì tinh thần phải được coi là yếu tố sinh tử làm nguyên động lực cho tất cả. Nền giáo dục của chúng ta hiện thời mô phỏng dại dột nền giáo dục của Pháp đã cho thấy những kết quả tai hại và còn hứa hẹn một tương lai đen tối mịt mù.
HỌC LỆCH LẠC THÀNH ÍCH KỶ VÀ PHÁ HOẠI
Người đi học càng lên cao càng vị kỷ, cho rằng xã hội phải đền công ăn học cho mình. Đáng lẽ phải tự hỏi với ngần này kiến thức phải có bao nhiêu bổn phận thì người ta nghĩ với ngần này năm ăn học phải có bao nhiêu xe hơi, nhà lầu. Một bác sĩ tổng trưởng y tế phơi bày tâm lý của sinh viên y khoa mà ông là bực thầy đã được gần cận nhiều, với những lời đại khái như sau: Trừ một số ít đáng khen còn phần lớn học không ra gì mà chỉ thích thi đỗ để ra hốt bạc và lấy vợ giàu. Về phần chúng tôi, có lần hỏi một thanh niên trước đã học mình thì chàng ta trả lời: “Thưa thầy, con đang học lấy cái bằng giết người.”
Đành rằng đó là câu nói đùa, nhưng chẳng cần biết môn phân tâm học người ta cũng thừa hiểu chàng thanh niên này đã tập trâng tráo, coi cái nghề chữa bệnh là làm tiền và có lỡ tay cũng chẳng thằng nào làm quái gì nổi vì đã có bằng cấp làm áo giáp. Nghĩa là người ta cũng chẳng thèm đạo đức giả nói lên rằng mình học cái nghề cứu nhân độ thế.
Không ít bệnh nhân đã từng phàn nàn trên báo chí về thái độ của một số sinh viên y khoa thực tập, đã coi việc mổ bụng, mổ mắt người khác là trò đùa với nhau, một trò đùa tất nhiên nguy hiểm.
Nhưng không phải riêng sinh viên y khoa mà nhiều kẻ đi học cũng có tinh thần tương tự vì họ cũng đều là nạn nhân của một nền giáo dục sai lầm.
Nếu nước Pháp là đại thi trường của cái học một chiều thì cũng trên đất Pháp có những người trắc lượng sâu sắc tinh vi hơn đâu hết những hậu quả trầm trọng như sử gia Guizot đã nói:
“Trí dục nếu không đi đôi với đức dục sẽ là gốc của sự kiêu ngạo, bất phục tùng, ích kỷ và như thế càng nguy hiểm hơn cho xã hội.”
Câu nói đó có giá trị phổ quát muôn đời nhưng riêng nước Việt Nam ta mấy chục năm trở lại đây đã cung cấp ngàn vạn thí dụ điển hình nhất, linh động nhất để chứng minh đến nỗi ta có cảm tưởng nó kết tinh tất cả diễn tiến của tâm trạng cũng như chung đúc mọi hành vi thành một định luật thép đanh bao hàm đủ nhân với quả.
Có lẽ từ cực đoan này sang cực đoan khác, từ thái độ các ông quan nho học thời Tự Đức phản đối đường lối giáo dục mới của Nguyễn Trường Tộ, chỉ biết có Tứ thư Ngũ kinh, người ta đi đến thái độ ngược lại là chỉ mở mang tri thức, không còn lo xây dựng tâm hồn. Nhưng nền giáo dục xưa nếu đã lộ nhược điểm từ vài thế kỷ nay trước kỷ nguyên khoa học thì nó cũng đã làm tròn nhiệm vụ ròng rã mấy ngàn năm, nên nước Việt Nam mới tồn tại đến bây giờ với những thế kỷ oanh liệt đánh Tống, bình Chiêm, diệt Mông Cổ với đoàn quân đã bách chiến khắp thế giới. Và trước khi tắt, nền giáo dục xưa đã cung hiến cho Tổ quốc những Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, với biết bao nhiêu là nho sĩ vô danh đã xả thân vì nước. Nguyễn Thái Học với đồng chí đã hiểu giá trị của họ, biết rằng mình chỉ là những kẻ thừa kế nên đã suy tôn Phan Bội Châu, tính chuyện rước Phan Bội Châu khỏi nơi quản thúc.
Người ta đã quên rằng chính Phan Bội Châu với Phan Chu Trinh đã khởi xướng phong trào Duy Tân đem đạo Nho thích nghi với thời đại, thâu thái văn minh khoa học. Và cũng chính Phan Bội Châu đã gửi đồng chí sang Nhật, Đức để thực hiện điều đó. Mà điều hiển nhiên là nước Nhật đã duy tân đuổi kịp những nước Tây phương về khoa học là bởi đã thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh chân chính được Vương Dương Minh làm sáng tỏ với thuyết tri hành hợp nhất. Vậy, tự cái học xây dựng con người không chống trái với văn minh khoa học. Hai chí sĩ họ Phan đã cực lực đả kích bọn hủ nho vì thiển cận, vì lười biếng, đã ôm lấy cái học từ chương, thu hẹp đạo Khổng Mạnh trong cái vỏ tu thân khô cứng mà không cho nó được hòa vào cái dòng sinh hóa không ngừng, đúng như tinh thần Kinh dịch. Cái học đào tạo con người là gốc, cái học đào tạo chuyên viên là ngọn, cái học trước có khi lỗi lầm ứ đọng nhưng cái học sau không có nó là cái nhà không nền tảng.
CŨNG LẠI THẤT BẠI NỐT TRONG VIỆC ĐÀO TẠO CHUYÊN VIÊN
Dứt hẳn với quá khứ, chắc chúng ta phải thành công rực rỡ trong việc đào tạo chuyên viên, nhưng sự thực ngược lại. Về mặt này chúng ta cũng lại không thành công mà còn hứa trước sẽ thất bại hơn nữa nếu còn tiếp tục đường lối giáo dục hiện hành. Cái học quen tầm chương trích cú từ sau thời thịnh Lê đã thành một cái nếp ăn sâu vào tim óc chúng ta và hiện đang tác yêu tác quái vì chúng ta lại được một ông thầy rất hợp là người Pháp. Mặc dầu thiên về việc đào tạo chuyên viên nhưng giáo dục Pháp lại rất nặng về lý thuyết, đã nặng về lý thuyết tất nhiên phải nhồi sọ. Người học phải nhớ nhiều nhưng ít thấy và ít thực hành — Nói để tỏ mình biết nhiều nhưng không thực hiểu.
Từ thế kỷ thứ XIX, nhà văn hóa Pháp Hippolyte Taine đã phàn nàn rằng bảo một kỹ sư Pháp đọc thuộc lòng những trang sách dài dằng dặc nói về máy thì nhất định hơn một kỹ sư Anh nhưng khi bước vào một nhà máy, người kỹ sư Pháp vụng về chậm chạp kém xa một kỹ sư Anh thông thạo, tinh tế, tự nhiên như sinh hoạt giữa nhà mình. Người kỹ sư Pháp được nhồi sọ những pho sách đồ sộ, người kỹ sư Anh chỉ cần thuộc lòng những công thức cần thiết nhưng họ được nhìn thấy, được sờ mó, được sinh hoạt trong không khí nhà máy, vừa học vừa làm, vừa làm vừa học, sự học làm kim chỉ nam, sự làm cụ thể hóa, làm cho sự biết thành sự hiểu, tức là thực biết.
Cũng theo nhận xét của nhà văn hóa Hippolyte Taine, thì chỉ trong mấy ngày thi tú tài mà người ta bắt những thanh niên mười tám đôi mươi phải huy động hầu hết những hiểu biết cơ bản của nhân loại. Tất nhiên phải cắm đầu cắm cổ học để trả lời nhưng sau kỳ thi chỉ còn những bộ óc rã rời để quên dần dần hay chỉ còn lưu giữ một mớ ý niệm nhạt mờ lộn xộn.
Chúng ta nhiều người và nhiều dịp được thấy lời của nhà văn hóa Taine là đúng. Cách đây vài chục năm ở Hải Phòng có xảy chuyện như sau. Nhà máy phát điện bị hỏng, kỹ sư Pháp mới tốt nghiệp lúng túng không tìm ra được cách sửa chữa, khiến cho cả thành phố bị tối om. Nhiều giờ qua thấy kỹ sư lo sợ cuống cuồng người ta mới đưa ý kiến là hỏi ông cai Bát, một người thợ An Nam làm lâu năm nhiều kinh nghiệm. Tình thế nguy ngập vì chấn động cả thành phố nên ông kỹ sư đành dẹp tự ái hỏi ông cai vô học thì một lát sau máy chạy đều, điện sáng rực. Không phải một lần một vụ, mà nhiều lần nhiều vụ chứng tỏ khả năng ông cai này, nên ông ta lĩnh lương thợ mà hưởng phụ cấp với tiền thưởng gần bằng lương kỹ sư.
PHÙ PHIẾM TRONG NHỮNG MÔN HỌC CAO XA
Sang đến những môn trừu tượng như triết với văn thì cái học này trở nên phiếm hết chỗ nói. Xin kể vài thí dụ trong ngàn vạn thí dụ:
Vào khoảng 1963-1964 trên báo Le Journal d‘Extrême Orient có đăng một bài luận nhất trong kỳ thi trung học toàn quốc bên Pháp. Người khôi nguyên trong kỳ thi này có thể coi là thiên tài, là bông hoa quý nhất của một nền giáo dục, có thể căn cứ vào đấy mà đánh giá nền giáo dục đó. Người học sinh năm cuối cùng của 7 năm trung học đã đoạt giải với bài luận tràng giang nhan đề Con người trước tương lai — L’Homme devant l’Avenir.
Nếu tôi không nhớ lầm thì một vị bất tử trong số 40 vị bất tử của Hàn Lâm Viện Pháp đã phê rằng mình bàng hoàng trẻ lại trước áng thần văn của bậc hậu sinh khả úy này. Tôi hồi hộp thẩm từng câu từng chữ thấy hay hay nhưng ngờ ngợ xét lại thì đó là một mớ hư văn, tuy bóng bẩy rực rỡ nhưng thực chất của một nguời học sinh chưa nắm vững được những khái niệm triết học sơ đẳng mà lại trích dẫn phê bình lung tung những văn hào cũng như những triết gia, chắp nối đầu Ngô mình Sở những mẩu sách không ăn nhập gì với nhau, so sánh nhưng điều không ở cùng một bình diện để mà so sánh. Đọc xong tôi thấy tiếc thời tầm chương trích cú vì ít nhất cái học lệ thuộc những giáo điều của cổ nhân mà không xiển dương nổi nghĩa lý cao xa, cái học ấy ít nhất cũng có một công dụng là tạo cho người ta một lập trường vững chắc, một phương châm làm người. Còn cái học này chỉ tạo ra những tay nói truyện tài hoa trong những sa lông, biết tất cả mà không thực biết gì cả.
Những bậc thầy của người học sinh này như André Malraux, Tổng trưởng Văn hóa Pháp, Jean Wahl giáo sư đại học Sorbonne cũng phiếm như vậy vì cùng là sản phẩm của một nền giáo dục. Tôi đã xem qua sau khi trân trọng bỏ ra một số tiền khá to đối với hoàn cảnh của tôi để mua bộ Les Voix du Silence, một kiệt tác của Malraux bàn về tâm lý nghệ thuật nhưng suy rộng ra đến những nền văn minh Đông Tây kim cổ. Bộ sách đồ sộ mà chỉ một trang cũng đủ cho tác giả thoăn thoắt nhảy như vượn, khoe khoang những kiến thức sặc sỡ tạp nhạp, phối hợp những điều không ăn nhập gì với nhau ngoài đặc tính là đã lọt vào bộ não kỳ dị của tác giả.
Jean Wahl cho ra đời cuốn Traité de Métaphysique gom góp những bài thuyết giảng tại trường đại học lừng danh nhất của Pháp. Cũng lại như vượn thoăn thoắt truyền cành, nô đùa với những khái niệm to tát của siêu hình học, như quán hết mọi học thuyết mà thực ra không thấu triệt một cái gì, táo gan nhất là dám phê bình những cổ triết gia cao thâm của Hi Lạp bằng cái giọng siêu đạt. Thế hệ của những bậc thầy thận trọng như Paul Janet, Abel Rey đã qua rồi, bây giờ là kỷ nguyên của phù phiếm và liều lĩnh.
ÁP DỤNG SAI THUYẾT NHÂN BẢN
Thầy của mình là người Pháp còn thế, nữa là mình — Sự bi thảm không sao kể xiết. Bởi văn hóa Pháp dầu sao cũng đã cung hiến cho nhân loại những người như Descartes, đặt nền tảng cho duy lý chủ nghĩa; Pasteur, vi trùng học mở một chân trời mới cho y khoa; Perrin lập công đầu về nguyên tử học. Nước Nhật Bản dầu cố gắng vượt bực cũng chưa cung hiến cho nhân loại được lấy một người thuộc cỡ vĩ nhân trên, họ chỉ mới là những người giỏi thâu thái, biết học hỏi ứng dụng.
Người ta đã áp dụng sai thuyết nhân bản. Theo thuyết này phải làm cho người học được phát triển toàn diện để có đủ mọi yếu tố làm cho người thực trở nên người. Nhưng thế nào là có đủ mọi yếu tố nếu không phải tình cảm với lý trí, đạo đức với chuyên môn? Thì người ta đã đào tạo những con người lệch lạc với một chương trình vừa lắm môn, vừa lắm điều, vừa lắm lời, thiên về một phía.
Trung học đệ nhị cấp tiếng rằng chuyên khoa nhưng vẫn là phổ thông ở thực chất, một món sinh ngữ là đủ lại thêm sinh ngữ hai. Vì thế được thấy những câu văn không hiểu viết theo văn phạm gì. Việt? Pháp? Anh? Mà có lẽ cả ba, để thành một thứ ngôn ngữ kỳ dị.
Não trạng người Tây phương với Đông phương có khác nhau, người Tây phương quen với một kiến thức nhiều khu vực, người Đông phương thiên về chuyên nhất, vì thế kinh điển Đông phương được những học giả Tây phương thông thạo cho biết rằng, người Tây phương chịu không nổi vì khai thác triệt để một vấn đề và có lối hành văn điệp khúc không biết bao nhiêu lần trong một quyển kinh hay một bài kệ. Ấy thế mà những nhà giáo dục sáng suốt bên Tây phương đã phải kêu lên chịu không nổi lối giáo dục nhồi sọ với nhiều môn tạp nhạp và lắm tiết mục rườm rà lẫn với chiều sâu. Vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu óc học sinh Việt Nam càng ngày càng loạn lên và mụ đi với nền giáo dục hiện đại.
Hãy thử xem một bộ Triết học giáo khoa thư của Cuvillier nổi tiếng từ lâu và đến bây giờ còn lưu hành vì được thêm bớt sửa chữa thích nghi. Bộ đó được coi là tiêu biểu ở lề lối giảng dạy cũng như số trang. Hai quyển gồm đủ 4 chi phần của triết, dày xấp xỉ 1400 trang khổ rộng, bàn giải trong 40 chương dư hàng trăm vấn đề với không biết bao nhiêu tiết mục trong một vấn đề. Những bộ giáo khoa triết Việt Nam thường mô phỏng bộ ấy với vài bộ nữa như của Foulquié hoặc nhà Hachette do nhiều chuyên gia, chỉ có khác là viết mỏng hơn, không phải vì gọn sáng hơn nhưng rút bớt lời giảng.
Chương trình những ban khoa học dùng từ hai đến ba chi phần, chương trình ban văn chương đủ cả. Trong một năm với 9 giờ một tuần mà nuốt hết ngần ấy vấn đề với không biết bao nhiêu là tiết mục thì tất nhiên phải là bậc thần đồng giáng sinh. Đành rằng chương trình của ta gần đây có tỉnh giảm vì thời cuộc và cũng đành rằng chỉ học thuộc lòng toát yếu, nhưng cái quan trọng không ở chỗ toát yếu mà ở chỗ nhiều hay ít khái niệm và yếu tố phải ghi nhớ, mà trước khi ghi nhớ phải có đủ sức lực với thời gian để hiểu. Tất nhiên người học sinh chỉ có việc chấp nhận không kịp suy nghĩ để nhồi mau vào óc cho kịp với kỳ thi như ma rình cửa sổ. Và không gì phản bội tinh thần triết học bằng lối dạy triết cho con người ta như vậy. Bi hài nhất là trong bài luận triết cũng có mục bàn cãi sau khi trình bày một triết thuyết hay một điểm nào đó của một triết thuyết khiến học sinh tưởng mình suy nghĩ thực, phê bình thực, trong khi chỉ làm việc chép lại những đoạn giáo khoa, thay đổi tý lời văn vì thông minh hay vì phải thế cho những chỗ bấp bênh của trí nhớ. Nhắm mắt nói mò, quả thế nữa, vừa nói mò vừa dùng những danh từ chuyên môn của triết học, không thực hiểu nhưng cứ tưởng là hiểu.
Đáng lẽ với năm cuối cùng của trung học chỉ cho con người ta nhập môn với một số khái niệm vừa phải còn để thời giờ dạy cách suy nghĩ cho có hệ thống và thực nghiệm những hiện tượng tâm lý ở chính trong mình thì người ta làm ngược lại, dắt tuổi trẻ vào một cái siêu thị của triết học hoa mắt lên trước ngàn vạn món hàng không có tiền mua mà cũng chẳng có thì giờ nhận cái gì là cái gì nữa.
Trong cuộc đàm đạo với một nhà tu hành nổi tiếng về triết được mời mọc nhiều lần dạy triết mà không nhận, tôi được người tâm sự như sau :
“Với thời gian ấy tôi chỉ có thể trang trải một phần ba hay một nửa chương trình, vì tôi không thể nào dạy vội cho con người ta không hiểu.” Người nghe hoàn toàn đồng ý và kính phục.
Về lối dạy khoa học thì cũng lại nhồi sọ với lý thuyết dài dòng mà không thực thấy, thực hiểu. Một giáo sư vạn vật kể lại rằng có lần dạy về con bọ hung, ông ta mang con bọ hung thực cho học trò quan sát thì nhiều kẻ ngơ ngác nghi ngờ hiện lên mắt vì nó không giống như con bọ hung vẫn trông thấy trong nhiều quyển sách.
Có một số mệt mỏi chán chường giở sách ra xem và gật gù thưởng thức những câu văn tả con bọ hung chứ không thèm nhìn con bọ hung thực đã luân lưu đến bàn chúng. Giác quan và tim óc lũ trẻ thơ này đã bị méo mó vì lề lối giáo dục sai lầm, nó như cái không khí sống của học đường chúng ta từ bao nhiêu thế hệ. Xưa kia những anh hủ nho cúi đầu học như cuốc kêu mùa hạ những lời Khổng Tử nói mà không cần suy ngẫm, bây giờ những anh sinh viên đọc vanh vách những trang nói về nguyên tử nhưng chắc rằng hiếm có anh được cái may nhìn thấy nguyên tử ngoài những tấm ảnh chụp. Nhiều người phàn nàn rằng ngay đến những dụng cụ thô sơ để thí nghiêm ở đại học chúng ta cũng thiếu và hỏng lung tung. Một vài vị trong phái đoàn giáo dục của ta cách đây mười mấy năm sang mấy nước về nói rằng cả nước Pháp mới có mấy trường đại học được trang bị những kính hiển vi điện tử, còn bên Nhật nhan nhản trong nhiều trường từ đại đến trung. Mỗi chiếc hình như độ mấy triệu đồng Yen, họ rất tiết kiệm nhưng biết rộng rãi với những cái cần thiết.
Học như thế nhiều khi không cần cours, người học soạn lấy cours bằng cách đúc kết những quan sát của mình được thầy hướng dẫn, khuyến khích và sửa chữa.
Học như thế mới thực là học, mới chứng tỏ mình là người có đầy đủ tư cách của con người.
PHƯƠNG PHÁP MUÔN ĐỜI LÀ THỰC NGHIỆM TỪ TÂM LINH ĐẾN VẬT LÝ
Những bậc thầy chân chính như Socrate bên Hi lạp cổ thời, Thích Ca bên Ấn Độ, đã dạy với phương pháp đó, chỉ có khác thời xưa thiên về tâm linh, thực nghiệm tâm linh, thời nay thiên về vật lý. Nhưng điều quan trọng là ở phương pháp muôn đời là tự mình thấy, tự mình nghĩ trên điều tự mình thấy để biến thành hành động khi thực biết. Người thầy chân chính là người biết giúp cho người học về truyện đó, giáo dục như thế mới là khai phóng, còn ngoài ra chỉ là những hình thức nô lệ hóa con người.
Socrate không giảng dạy như kiểu mọi người thường hiểu vì người dùng Vấn Đáp Pháp nêu cho người học những câu hỏi, gây thắc mắc tìm tòi, tự mình khám phá ra chân lý chẳng khác gì một bà mụ không nặn ra được cái thai mà chỉ giúp cho sản phụ nở nhụy khai hoa đều đặn. Người ta đã từng rên lên với kẻ học rằng:
“Các anh đừng chờ tôi ban phát kiến thức, tôi không có gì để dạy các anh, ở các anh có tất cả, chỉ cần biết khai thác.”
Người ta thường hình dung Đức Phật thuyết pháp thao thao bất tuyệt để đệ tử kết tập thành mấy ngàn bộ kinh điển nhưng không để ý tới lối giảng dạy thâm mật dành cho những người xuất gia, những cán bộ nòng cốt dìu dắt quần chúng. Lối giảng dạy đó là phép tham thiền để tự mình thực thấy chân lý chứ không phải nhắm nghiền mắt lại, nhắc lời thầy như đàn nô lệ dắt đàn nô lệ. Bởi thế Thiền là thuộc tính lớn nhất của đạo Phật, Thiền tức là đạo Phật, cửa Thiền tức là chỗ tu hành, Thiền sư là những nhà tu hành, để ngụ cái ý đạo Phật là đạo thực nghiệm chân lý.
GIÁO DỤC NỬA ĐÒI NỬA ĐOẠN CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ
Với ngần ấy nhược điểm nền giáo dục Việt Nam hiện đại quả là một nền giáo dục nửa đòi nửa đoạn — đào tạo con người không ra con người, chuyên viên không ra chuyên viên — một nền giáo dục không hình dạng, chưa từng có trong lịch sử mấy ngàn năm. Lề lối giáo dục dưới thời Bắc thuộc ngàn năm còn hay hơn nhiều, vì nó đào tạo được con người; mà có con người mới có liêm sỉ, mới có tinh thần dân tộc để sinh tồn. Cái học theo đạo Nho thời đó đào tạo những quan lại như Lý Cầm, Lý Tiến nhưng nội dung của nó vẫn lành mạnh, vì thế những thời độc lập cũng dạy như vậy với những bộ Tứ thư, Ngũ kinh. Những Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, những người lãnh đạo những cuộc tranh đấu chống Tàu, chống Pháp đã được thấm nhuần những sách ấy, và nguời Việt Nam, quá khôn ngoan và biết ơn khi phụng thờ Sĩ Nhiếp. Mà ở chiều rộng và chiều sâu là giáo dục của những thiền sư, những tấm gương rực rỡ nhất về Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.
Giáo dục xưa của ta đã hoàn hảo trong giai đoạn lịch sử của nó, khi mà mọi nước trên thế giới chưa cần đến kỹ thuật để đào tạo chuyên viên.
Nhưng giáo dục Việt Nam hiện đại? Nó thiếu cả hai yếu tố để sinh tồn: Nó sẽ đưa về đâu? — Không phải là thầy bói cũng suy đoán được.
Văn hóa giáo dục chỉ là một bộ trong số trên mười bộ của một chính phủ, mà nói tầm quan trọng đối với hiện đại thì nó còn thua xa những bộ Nội vụ, Quốc phòng, Kinh tế, nhưng đối với tương lai, đối với cuộc sinh tồn miên viễn thì nó là tất cả. Chính nó đang đào tạo những người lãnh đạo, những cán bộ, những công dân, tức là tất cả ngày mai. Một nền giáo dục sai đường sản xuất hàng loạt những người con bất hiếu, những người dân bất trung, những người gánh vác vừa thiếu khả năng chuyên môn vừa tham nhũng trốn trách nhiệm. Và thế hệ này đến thế hệ khác, mỗi thế hệ vài chục năm cứ hàng loạt lại hàng loạt sinh sinh hóa hóa phát triển tăng cường sự suy đồi đến mức độ tự diệt.
Ngày 17 tháng 3 năm 1926, trước đây 43 năm, tức là gần nửa thế kỷ, chí sĩ Phan Bội Châu có đọc tại trường Khải Định một bài diễn văn kết tinh trong câu sau đây:
“Tới lúc bấy giờ, hình thức học đường tuy là khác học đường khoa cử ngày xưa rất nhiều, da vỏ bề ngoài hình như vừa mắt, nhưng xét đến tinh thần cốt tủy có khác gì vượn học tiếng người, đạo đức cũ đã sạch sành sanh, và văn hóa mới lại chẳng có chút gì dây vướng ở học đường, ra rồi chưa có thành tựu gì, mà chỉ thấy cái bình rượu tây, túi cơm tây, giá đồ tây, ngồi xe tây, ngày ngày rộn rịp trước mắt người ta, tuy cũng có một vài người phảng phất văn minh, nhưng mà cầu cho cái tinh thần chân văn minh, thì giống như muôn người không được một, vậy cho nên, những người thương tâm thế đạo ai cũng bảo rằng: “Cái mục đích người ta ngày nay vào học chẳng qua vì cầu quan to, hốt đồng bạc, để làm môi giới cho rượu tây, cơm tây, đồ mặc tây, xe tây, lầu tây mà thôi?”
Lời nói đó đã đúng với cảnh giáo dục thời bấy giờ, mà lại càng đúng với cảnh giáo dục bây giờ, khiến ta phải kinh sợ con mắt của chí sĩ. Nó vừa là nhận định về hiện trạng vừa là lời tiên tri, lời cảnh cáo cho hậu sinh chúng ta. Chỉ xin nhắc lại vài điều.
Vượn học tiếng người là khỉ bắt chước người vừa dại dột vừa nguy hiểm.Có một người thợ giày thấy sau những giờ đóng cửa hiệu đi ăn cơm trở lại là nhiều miếng da bị cắt nát bét. Để tâm rình anh được biết con khỉ nhà hàng xóm đã chui vào lối cửa sổ, cũng bắt chước anh choàng tấm vải thô vào mình rồi lấy dao cắt da. Anh nghĩ được một mẹo. Ngày hôm sau con khỉ thập thò xem thấy trò mới là anh cắt xong một miếng da lại dưa dao lên gại vào cổ. Nghỉ làm đi ăn trở về anh thợ giày thấy xác khỉ lăn ra vì đứt cổ như anh đã dự tính. Thì ra khỉ bắt chước người cứa cổ mà không biết rằng trước đó đã có một miếng da kèm sắt được đệm vào cổ nhưng khuất sau cổ áo đưa lên cao.
Chúng ta cũng mô phỏng chương trình Tây học nhưng loại bỏ những tinh hoa cố hữu và chỉ nhặt những cặn bã của người, khiến cho đạo đức cũ đã mất sạch sành sanh mà văn hóa mới chẳng có gì dây vướng ở học đường. Không phải tổ chức học đường của mình như Tây phương hay đi sang ngoại quốc đoạt được những mảnh bằng mà đã được như người, với ba chữ “văn hóa mới” chí sĩ muốn nói tinh thần văn hóa mới phân biệt với kiến thức văn hóa mới. Người ta có thể là tiến sĩ khoa học mà không có tinh thần khoa học. Ông bạn Nguyễn Xuân Vinh hiện nay là giáo sư Khoa học Không gian ở một trường đại học Hoa Kỳ có nói với tôi hồi còn ở trong nước.
“Người ta chịu khổ học có thể đỗ thạc sĩ toán học nhưng chưa chắc đã có tinh thần toán học. Bởi thế có lần một giáo sư bạc đầu nhìn hai anh sinh viên giải toán phê bình như sau: 'Bài giải của anh A đúng, của anh B sai, nhưng bài giải sai lý thú hơn bài giải đúng, vì anh B chứng tỏ có tinh thần toán học.'”
PHẢI THẤU TRIỆT TINH THẦN DÂN CHỦ VÀ KHOA HỌC
Tinh thần văn hóa mới là tinh thần Dân chủ và Khoa học. Người ta không phải dân chủ ở hình thức chế độ mà còn ở thực chất, ở nếp sống hằng ngày, người ta không phải cứ thuộc lòng những bộ sách khoa học là có tinh thần khoa học mà phải biết vận dụng lý trí để soi sáng vào những chỗ uẩn vi của vũ trụ cũng như nội tâm, không chấp nhận những điều mà chính mình chưa xét nghiệm thấy hiển nhiên hợp lý. Cũng như người mua quất chơi Tết, đuợc những cành nặng trĩu quả đỏ ối cắm vào những bó đất nhưng chỉ mấy ngày là quất héo lá rụng vì nó không có rễ, thì cái học nhặt nhạnh kiến thức, những cái thừa thãi của trí khôn người khác cũng vậy. Nó không thể nảy nở sinh hóa thêm, nó cằn cọc đi vì thiếu cái tinh thần làm gốc cho mọi sự phát minh những lý thuyết và ứng dựng lý thuyết vào cuộc đời. Cách đây độ ba chục năm, học giả khả kính Nguyễn văn Tố, Giám đốc trường Đông Phương Bác Cổ mà lại sáng lập ra Hội Truyền Bá Quốc Ngữ đã nói một câu chua chát:
“Chúng ta có nhiều bậc đỗ cao về khoa học mà chưa chế tạo được một ngòi bút tốt để viết.”
Còn nói gì đến việc tự mình tìm ra thuyết này thuyết nọ với việc ứng dụng để khoa học hóa đại quy mô những hình thức sinh hoạt. Về triết học rặt những bộ giáo khoa và biên khảo mô phỏng chắp nối những công trình ngoại quốc với chủ ý đạo văn chứ không đàng hoàng phiên dịch, một vài người cố gắng sáng tác triết thuyết thì không tìm được nhà xuất bản, phải đăng lạc loài mấy chương ở tạp chí nào đó từ mười mấy năm nay.
Và như thế, cứ cái đà này chúng ta không biết còn lệ thuộc đến bao giờ — lệ thuộc văn hóa, lệ thuộc về kỹ thuật kéo theo lệ thuộc về kinh tế, quân sự và chính trị, vì trong thế kỷ này không kỹ thuật nhất định là đói nghèo, không kỹ thuật nhất định phải ngửa tay xin súng đạn để tự vệ, mà trên đời này không ai cho không ai một cái gì.
Lời tiên tri mà cảnh cáo của chí sĩ họ Phan quả là lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu những người làm giáo dục ở xứ này từ bao năm xưa đến bây giờ và không biết còn đến bao giờ.
ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI THỰC HIỆN QUÁ TRÌNH BIỆN CHỨNG
Sự vật đi theo quá trình biện chứng gồm ba giai đoạn là chánh đề, phản đề và tổng hợp đề. Không phải đợi đến thế kỷ XIX với những triết gia Đức như Hegel duy tâm, Karl Marx duy vật, loài người mới biết được lẽ đó, mà từ mấy ngàn năm xưa bên Ấn Độ đã có những triết gia tìm ra sâu sắc và mênh mông hơn nhiều. Đi theo lẽ đó thì sinh tồn, ngược lại hay chậm chạp là bị đào thải. Vậy đã đến lúc ta phải thực hiện quá trình biện chứng.
Cái thời những nhà nho chỉ biết có đạo tu thân là chánh đề, thời Pháp thuộc đến bây giờ là phản đề từ cực đoan nọ sang cực đoan kia. Lẽ phải là vượt lên trên hai cái đối nghịch để thấy nó là hai yếu tố phải dung hòa và thâu nhiếp vào một toàn diện là tổng hợp đề. Trung đạo ở đâu và bao giờ cũng là đường lối lý tưởng, ổn cố, trường kỳ vì không lệch lạc. Đức Khổng đưa lẽ Trung dung, Đức Phật đưa lẽ Trung Đạo, những đảng phái đủ điều kiện để sinh tồn, thường kiêng sự quá hữu cũng như quá tả, nền giáo dục của chúng ta cũng phải vậy.
Không thể lạc quan, không được bi quan, chúng ta phải khách quan và can đảm nhận thức hiện trạng như một con bệnh dám phơi mình ra trước ánh sáng điện tàn nhẫn để tìm những ung độc trong phủ tạng chứ không quanh co giấu bệnh để chữa vớ chữa vẩn với những phương thuốc không đánh thẳng vào gốc bệnh. Nguy hiểm nhất là những thứ thuốc như công hiệu thực thì gây kết quả ngoạn mục. Một bác sĩ Pháp lừng danh, tác giả một cuốn sách xây dựng con người từ sinh lý đến tâm lý, đã nhận xét rằng có nhiều người đi chữa những vết mụn trên mặt ở những mỹ viện trong khi bệnh gốc ở ruột nên không khỏi và càng thêm nguy hại. Chúng ta cũng đã hơn một lần chữa bệnh cho nền giáo dục của chúng ta như vậy. Có thể đến nông nỗi chữa gù lòi mắt, quá cả việc chữa biến chứng của bệnh ruột ở mỹ viện.
Đã đến lúc phải trọn vẹn cái quá trình tam cấp, phải nhìn bao quát quá khứ mấy ngàn năm với vị lai miên viễn của Dân tộc. Phải phá vỡ cái thói quen độc hại hàng thế kỷ, phải ứng dụng thuyết Nhân bản cho phải đường, phải đào tạo con người toàn diện đi bằng hai chân chứ không phải một.
Người ta thường bị thói quen thống trị như đàn nô lệ gục đầu dưới bàn tay bạo chúa, nhưng mọi tiến bộ để sinh tồn đều bắt đầu bằng những cuộc xét lại phá vỡ những thói quen.
Những nhà nho xưa sợ hãi chống lại những bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ vì thói quen, tuy cũng có những người như Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản đã linh cảm thấy lẽ chuyển hướng. Bây giờ một thứ thói quen mới là không dám vượt ra khỏi đường lối giáo dục của nguời Pháp để lại, như đàn tù đã ra khỏi ngục nhưng còn khư khư giữ lấy cái gông. Một vài biện pháp vá víu, một vài phương tiện vay mượn của một vài nước khác cũng chỉ là trò chữa biến chứng của bệnh ruột ở mỹ viện.
Hãy xét lại những giá trị cổ truyền để giữ lại những cái đáng giữ. Tôi không phục người Nhật ở chiều cao chiều sâu nhưng tôi sợ người Nhật ở nghệ thuật thâu thái, ứng dụng để sinh tồn: Nhiều truyện chứng tỏ điều đó và gần đây một truyện lý thú là họ đã chế tạo ra một thứ thép tốt nhất thế giới, vừa cứng vừa dai gấp rưỡi thứ thép vẫn nổi tiếng của Hoa Kỳ. Phương pháp đó lấy căn bản ở nghệ thuật đúc thép luyện kiếm cổ truyền, chỉ cần thêm cách đưa từ tiểu công nghệ sang đại kỹ nghệ, tức là hiện đại hóa cái cố hữu. Họ đã khai thác Nho giáo cũng như thế với đường lối Vương Dương Minh, tức là làm cho Nho giáo sống, trong khi bọn hủ nho của ta với Tàu làm cho nó chết. Bây giờ xuất hiện một thứ Tân Hủ Nho khư khư bám lấy cái cặn bã của giáo dục Pháp.
Phải giữ lại những cái gì đáng giữ, phải lựa chọn những cái đáng lựa chọn ở cái mới. Tôi không hiểu những điểm Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín của đạo Nho lạc hậu ở chỗ nào, và tôi đố ai chứng minh được rằng làm giống người không cần Nhân Nghĩa, dầu ở bên Đông hay ở bên Tây, là người Việt Nam hay người Y Pha Nho. Những cái lỗi thời của Nho giáo tất nhiên có, như thuyết tôn quân hay những hình thức quá nặng nề của đạo hiếu. Nhưng lỗi không ở Khổng Mạnh vì Khổng Mạnh phải thích nghi những nguyên tắc muôn đời với hoàn cảnh xã hội và lịch sử thời Khổng, Mạnh. Nếu có lỗi là tự ta không biết thích nghi với thời đại của ta.
Nước Việt Nam thua Pháp không phải vì Khổng Mạnh mà chỉ vì không biết dùng tư tưởng Khổng Mạnh, và nhất là cũng không đủ sức theo nổi những điểm căn bản của tư tưởng Khổng Mạnh. Tức là ta mất nước vì thiếu vũ khí tối tân thì ít mà vì chia rẽ mục nát thì nhiều. Xem kỹ lại sử hồi đó, ta thấy vua chúa nhà Nguyễn thống nhất đất nước rồi mà còn không vượt khỏi não trạng thời phân tranh, nên Gia Long chứ không phải người Pháp, đã chia đất nước ra làm ba kỳ với lối kỳ thị xứ sở rõ rệt. Minh Mệnh đã lộ chất kỳ thị đến mức độ tiểu nhân không xứng đáng với Đế vương trong lời lẽ kết tội Lê Văn Duyệt dùng bọn Bắc Kỳ làm thủ túc. Về phần con cháu nhà Lê, hết mượn Tàu sang đánh nhà Tây Sơn lại tình nguyện tiếp tay cho Pháp đánh nhà Nguyễn; quan lại đa số mục nát, dân trí kém cỏi, đó là nguyên nhân sâu nặng nhất để mất nước. Lỗi đó chính là bởi không giữ vững căn bản Khổng Mạnh.
Các việc chính phủ Pháp hồi đó không muốn thôn tính vì vừa mới thua Đức bên Âu Châu nhưng bọn võ quan hết sức vận động, rồi việc Quốc hội Pháp hơn 400 người thì phe chủ chiến thắng phe đối lập có vài phiếu, chứng tỏ sự thua về kỹ thuật là phụ, mà về tinh thần là chính. Chính phủ bên Pháp không lạ gì trình độ văn minh của mình mà ngần ngại không muốn, còn bọn võ quan quyết chiếm là bởi vì họ sang tận nơi thấy được cái yếu tố thuận lợi cho họ hơn cả vũ khí tối tân là tinh thần dân tộc suy đồi từ trên xuống dưới. Hồi đó trình độ kỹ thuật của Nhật bản không hơn gì mình mà họ giữ được nước để duy tân cho kịp bước Tây phương là bởi họ giữ vững căn bản Khổng Mạnh mà lại còn biết sử dụng tư tưởng Khổng Mạnh. Ta chớ nên bắt chước những con bệnh quẫn trí không biết dùng thuốc lại đổ vạ cho thuốc.
PHẢI ĐÀO TẠO CON NGƯỜI TOÀN DIỆN BIẾT THỰC CHẮC ĐỂ HỮU DỤNG CHỨ KHÔNG CẦN BIẾT NHIỀU
Nên khách quan và can đảm đặt lại cơ sở giáo dục. Phải tạo đủ yếu tố để làm người cho thanh niên, phải giảm bớt một số môn học cần thiết ở cấp này nhưng không cần ở cấp khác, cần thiết ở ban này không cần ở ban khác, phải loại bỏ những cái không thực sâu xa bổ ích, phải tránh bệnh lý thuyết nhồi sọ dài dòng để thực nghiệm tối đa dưới mọi hình thức từ cấp tiểu học lên đến đại học. Dạy cho em nhỏ biết phân biệt những màu sắc, hình dáng, thanh âm, mùi vị, quan sát và tả tại những cảnh vật thường thấy một cách trung thực dầu ngây ngô và sai văn phạm hơn là bắt trẻ tập làm văn với lối điền khuyết những chỗ trống trong câu để thành lũ khôn vặt miệng lưỡi. Phải cho chúng nhìn thấy những yếu tố sống của địa lý cũng như mọi môn. Môn quan sát đã có tức là Cách trí chỉ mới là tượng trưng, phải quan sát sâu rộng hơn nữa. Ở nước người, lên đến trung và đại học, nhiều bài học về vạn vật, lý hóa cũng chỉ là kết quả của công trình quan sát của học sinh, sinh viên được thầy hướng dẫn, khuyến khích và sửa chữa. Người học tự soạn lấy bài, không có một mớ từ chương duy nhất để biến người thành vẹt.
Chấm dứt cái trò học triết, nhất là môn tâm lý thuộc lòng giáo khoa – chỉ những công thức gọn ghẽ rồi thực nghiệm theo nghĩa sâu và đúng là nội quan những sự trạng tâm lý chứ không phải ngoại quan với dụng cụ như những người không hiểu gì về đờì sống tinh thần đã xâm nhập vào khoa này. Không gì phẫn nộ bằng đọc những trang mơ hồ trừu tượng như mớ ngôn ngữ lảm nhảm của người đui mà tác giả cóp nhặt sách giáo khoa ngoại quốc nói về sự liên tưởng với những định luật, những trường hợp, trong khi tác giả có thể đưa ra những thí dụ có thật của mình hoặc tự mình khai thác những tác phẩm văn chương như tiểu thuyết Bướm Trắng của Nhất Linh, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Đem tất cả những thí dụ về liên tưởng trong những bộ Cuvillier, Burloud, Foulquié nổi tiếng của Pháp ra hội lại, chúng tôi cũng không thấy dồi dào linh động như những thí dụ trong một bộ Bướm Trắng. Nó có khá nhiều nhưng phong phú ở chỗ rất sâu và rất thực, tự nó đánh đổ quan niệm cơ giới của môn phái tâm lý Anh Cát Lợi mà không cần lý luận dài dòng, và ở nó còn bao hàm những viễn tượng phân tâm học.
Tôi miễn bàn đến những thí dụ có thật nhưng ấu trĩ vì nông cạn và gần giống như tưởng tượng suy diễn từ sách vở đến dối người dối mình là cũng có tìm tòi.
ĐỨC DỤC PHẢI CÓ Ở MỌI TRÌNH ĐỘ VÀ THÍCH NGHI LINH ĐỘNG
Đức dục phải có ở mọi trình độ, mọi ban dưới mọi hình thức thích nghi linh động. Thích nghi với thời đại, thích nghi với tình cảnh nước ta, thích nghi với những loại người học. Ở y khoa cũng vẫn phải có đức dục vì cũng có một đạo đức y khoa. Trong một bài nói về tư cách người thầy thuốc đăng trên báo Chính Luận gần đây, năm 1969, Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm đã hé mở cho tôi, người không biết gì về y khoa, một chân trời đẹp đẽ về đức dục y khoa, tự nó cũng là một khoa học phải chiếm một số giờ bên những giờ học về chuyên môn. Mà chính nó là một thứ kích thích tố cho chuyên môn.
Đạo Khổng phải được lựa chọn những yếu tố bổ ích thích hợp, đạo đức mới như tinh thần Dân chủ, tinh thần khoa học phải được thấm nhuần. Cho đến bây giờ cũng còn nhiều nguời có ý niệm mơ hồ về tinh thần Dân chủ, nó ẩn bên trong và vượt lên trên những hình thức Dân chủ, nó là một đạo đức một nghệ thuật phải được thể hiện trong nếp sống hằng ngày dưới mọi hình thái. Chính cái tinh thần này mới khiến cho người ta thực hiện một nền chân dân chủ và cũng vì thiếu tinh thần này mà nhiều nơi trên thế giới người ta hiện đang nhân danh Dân chủ mà phạm biết bao tội ác, bao trò nô lệ hóa con người, quá cả thời quân chủ.
Tinh thần khoa học không riêng gì cho những người chuyên về khoa học mà cho mọi người muốn sống còn, muốn hành động ở kỷ nguyên này. Hoàng Đạo cách đây mấy chục năm hồi còn thuộc Pháp đã phàn nàn chúng ta thiếu trí xếp đặt nên làm việc luộm thuộm không ra sao. Bệnh đó đến bây giờ lại càng dữ dội. Chúng ta không biết sắp xếp kế hoạch, không biết tổ chức và phân công, không liệu trước những giai đoạn phải trải qua, những trở lực phải đối phó và hỏng việc thì đổ trách nhiệm cho nhau một cách đáng xấu hổ. Nhỏ như việc tổ chức một cuộc liên hoan, ra một tờ bích báo ở học đường, lớn như việc thực hiện những quốc sách. Vậy phải thấm nhuần tinh thần khoa học, từ cách tìm hiểu chân lý đến lề lối làm việc, tức là tác phong vậy.
Phật giáo, Cơ Đốc giáo cũng phải được lựa chọn những yếu tố thiết dụng cho cuộc sống thực tế về phương diện hình thức cũng như ở những điểm cao sâu. Hai tôn giáo này khác nhau cũng như khác với đạo Khổng; nhưng ở mặt trung bình người ta có thể tìm ra những cái tương đồng của Ngũ Thường với Công bình Bác ái và Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi. Ông cha ta xưa kia cũng như người Tàu, người Nhật, đã sống với tinh thần Tam giáo mà Khổng Lão Phật kết hợp thành thể kim tự tháp hoàn toàn tốt đẹp. Vua chúa, danh tướng, sĩ phu thời Lý Trần nhiều người vừa sống hết với lẽ Tu Tề Trị Bình khi kinh bang tế thế, đánh Tống, bình Chiêm, kháng Nguyên, vừa trầm tư về đạo siêu việt nhũng lúc thư nhàn hoặc công thành danh toại. Và chính tinh thần vong kỷ, đại dũng, đại hùng theo đạo Phật đã khiến ông cha ta hy sinh anh dũng để lập những chiến công rực rỡ nhất thế giới thời bấy giờ.
Không nên ngại là bắt đầu óc thanh niên phải biến thành một cái siêu thị tôn giáo với trăm ngàn món. Những điểm thiết dụng của những tôn giáo được lựa chọn và trình bày như những khái niệm cơ bản để làm người trong một hệ thống không có gì tạp nhạp. Như chúng tôi đã nói là những đạo giáo chỉ khác nhau ở hình thức và những điểm cao sâu, còn ở mặt trung bình vẫn hòa đồng, khả dĩ xây dựng một con người. Ở đại học với những chứng chỉ chuyên môn mới cần sự phân biệt tinh vi những tòa kiến trúc tôn giáo gồm đủ mọi yếu tố nhân sinh vũ trụ quan và mọi chiều thấp cao thô tế.
Chúng tôi cũng đã nghĩ đến vấn đề sinh viên của ta du học nước người liệu có thể thích nghi khi được trang bị như thế ở nước nhà, thì chúng tôi nhận thấy rằng không có gì trục trặc vì chúng ta không đi từ cực đoan này sang cực đoan khác, từ cái học chuyên môn trở về cái học tu thân cách đây một trăm năm, mà chúng ta thực hiện một thứ Chân Nhân Bản. Đạo đức với tri thức song song, mà phần tri thức lại được xây dựng vững vàng với lối học cần thực hiểu chứ không cần nhiều lý thuyết dài dòng và yếu tố vô dụng cho một ngành chuyên môn, mà sinh viên du học là theo một ngành chuyên môn. Việc bỏ bớt một số môn không cần thiết, bỏ cả sinh ngữ hai để thêm giờ cho sinh ngữ một, rất có lợi cho chuyên môn.
ĐÀO TẠO CON NGƯỜI MỚI CÓ CHUYÊN VIÊN CHÂN CHÍNH
Không thể trù trừ được nữa, phải đặt lại cơ sở giáo dục, phải đào tạo những con người, những con người thực biết để làm và làm cho một lý tưởng. Và ở nước ta, trong hoàn cảnh lịch sử nước ta, chỉ có thể đào tạo những chuyên viên chân chính, những chuyên viên giỏi giang khi đào tạo được những con người.
Có những nước như Pháp, vì mê man đào tạo chuyên viên mà nhẹ phần đào tạo con người, nhưng nước ta bây giờ muốn có những chuyên viên ra hồn phải có những con người. Người ta học như vẹt, học không cần thực hiểu để mà hành, miễn là đoạt được bằng cấp để vinh thân phì da, người ta kém về chuyên môn như thế là bởi vì thiếu ý thức trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Khi cúi đầu xuống sách lắng nghe những lời giảng, nhìn vào một ống nghiệm, nếu người ta cảm thấy ở đáy lòng rằng đây không phải là trò đùa, cũng không phải là truyện suông, biết để mà biết, mà để làm, để phụng sự, để định đoạt sự hưng vong của giống nòi, biết để sinh tồn bản thân, sinh tồn dân tộc – ý thức ấy chắc chắn sẽ khiến người ta đưa hết mình vào sự học.
LÝ TƯỞNG ĐÃ ĐƯA CHUYÊN MÔN LÊN MỨC TỐI ĐA
Nhiều chuyên viên Đức nói rằng Hitler đã bắt họ làm cái không thể được. Những chuyên viên đã đưa ra những con số tỉ mỉ, những định luật khoa học để chứng minh rằng không thể thực hiện được như ý muốn của Hitler với tài nguyên ấy, số người ấy và thời gian ấy. Hitler đưa trực giác soi sáng lại vừa thắt buộc vừa tạo niềm tin, và cái không thể được đó đã thực hiện - nghĩa là năng xuất tăng vọt lên gấp mấy lần với tài nguyên ấy, số người ấy và thời gian ấy. Người ta bảo Hitler có tài thôi miên và Hitler cũng biết vậy cho nên kề ngày cuối cùng trước khi nói với dân tộc Đức qua Vô tuyến, Hitler đã bảo với người thân cận rằng mình cuồng tín hóa nhân dân một lần nữa. Cuộc phục hưng kinh tế của Tây Đức cũng như của Nhật Bản được coi là những phép lạ vì chỉ trong vòng mười năm mà họ đã nhảy vọt từ địa vị nước bại trận kiệt quệ lên hàng đại cường kinh tế, chỉ kém có Hoa Kỳ, nước sẵn có kho tài nguyên lớn bằng cả thế giới góp lại. Nga Sô chỉ nhảy vọt về kỹ nghệ chiến tranh nhưng ở mặt khác họ còn thua Đức, Nhật, dầu diện tích nước họ lớn nhất thế giới và dân số lớn hơn cả Nhật, Đức hai miền góp lại.
Cái gì đã tạo nên phép lạ đó, nếu không phải cái tinh thần yêu nước đã đưa chuyên môn lên tới mức tối đa, cái tinh thần đó đã khiến dân Nhật đi hia bảy dặm, dùng gậy rút đất thời Minh Trị Thiên Hoàng để học hỏi đuổi kịp Tây phương? Cái tinh thần đó đã khiến dân tộc Đức làm được cái không thể được, cái tinh thần đó, cái tiềm lực đó sau khi bại trận chỉ biến tướng chứ còn nguyên thể là chuyển từ nỗ lực chiến tranh sang phục hưng xứ sở, mà cái tinh thần đó là trước hết phải làm cho những học sinh sinh viên chuyên chú ở học đường để thành những chuyên viên lỗi lạc sau này.
THỰC HIỆN GẤP CHÂN NHẢN BẢN
Vậy xét cho thực sâu, việc đào tạo con người song song với việc đào tạo chuyên viên ở mỗi người là điều trọng yếu, là điều lớn nhất cho mọi xứ sở qua mọi thời thế mà lại cùng khẩn thiết đối với chúng ta, một nước yếu đau bệnh hoạn đã từ lâu rồi.
Không thể trù trừ được nữa, thay đổi giáo dục là làm lịch sử khi nó còn trong trứng, cứ đi trên lối mòn là phó ngày mai cho bất trắc rủi may, xét ngay, làm ngay, vì thời gian không biết đợi chờ.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.137.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập