Người ngu nghĩ mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, thật xứng gọi chí ngu.Kinh Pháp cú (Kệ số 63)
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Không có sự việc nào tự thân nó được xem là tốt hay xấu, nhưng chính tâm ý ta quyết định điều đó. (There is nothing either good or bad but thinking makes it so.)William Shakespeare
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy đạt đến thành công bằng vào việc phụng sự người khác, không phải dựa vào phí tổn mà người khác phải trả. (Earn your success based on service to others, not at the expense of others.)H. Jackson Brown, Jr.
Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tu học Phật pháp »» Xem đối chiếu Anh Việt: Sự sự Vô ngại Pháp giới »»
Phẩm Thọ Dụng Ðầy Ðủ của kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Lại nữa, Thế giới Cực Lạc, có các chúng sanh, đã sinh đang sinh, hoặc sẽ được sinh, đều được sắc thân, vi diệu như thế, hình mạo đoan nghiêm, vô lượng phước đức, trí huệ sáng suốt, thần thông tự tại. Các thứ thọ dụng, thảy đều đầy đủ, thảy đều phong phú, cung điện phục sức, hương hoa phan cái, đồ dùng trang nghiêm, chỗ cần tùy ý, đều được như ý.”
Phẩm Hiếm Có Siêu Vượt Thế Gian nói: Hết thảy chúng sanh trong cõi Cực Lạc đều có dung sắc vi diệu vượt đời hiếm có. Sắc thân ấy vượt xa thân của các vị thiên vương nơi sáu cõi trời Dục giới đến ngàn vạn ức lần. Phẩm Thọ Dụng Ðầy Ðủ lại bảo, tất cả chúng sanh hoặc đã vãng sanh trong quá khứ, hoặc đang vãng sanh trong hiện tại, hoặc sẽ vãng sanh trong tương lai cũng đều được sắc thân vi diệu, đoan chánh, trang nghiêm như thế. Hết thảy các chúng hữu tình trong thế giới ấy không có các nỗi khổ nơi thân và tâm, họ chỉ hưởng vô lượng hỷ lạc thanh tịnh; đó chính là ý nghĩa của câu “vô lượng phước đức.”
Phật A Di Đà thấy chúng sanh trong lục đạo khổ sở trăm bề đều là vì miếng ăn, cái mặc, chỗ ở. Nhẫn đến do vì miếng ăn, cái mặc, chỗ ở mà phải bán thân làm tôi tớ, nô lệ cho người khác. Thậm chí, do vì người có quyền thế muốn ăn trên, ngồi trước thiên hạ mà không ngừng tạo ra bao nhiêu ác nghiệp, bốc lột, hảm hại, cướp đoạt của người khác để thỏa mãn tâm tham dục, gây ra chiến tranh thảm khóc, tan thương, tạo ra tam ác đạo. Ở trong thế gian này, chúng ta muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc chẳng phải là chuyện dễ dàng, có rất nhiều nơi cuộc sống vô cùng gian nan, vất vả, muốn có được một chén cơm, manh áo, một chỗ ở thật chẳng phải là chuyện dễ dàng. Chúng ta thấy, ngay cả trong những cường quốc như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức v.v... vẫn còn có người sống lang thang vất vưởng, không nghề nghiệp, không nhà cửa, không nơi nương tựa, huống gì là các nước nghèo nàn, lạc hậu. Cuộc sống tinh thần lẫn vật chất của họ rất khốn khổ, rất đáng thương tâm. Chính vì lẽ đó mà Phật A Di Đà lập Nguyện 37: “Thức ăn, y phục tự đến.” Từ nơi kinh điển này, chúng ta biết có một cõi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới vô cùng tốt đẹp, các thế giới phương khác chẳng thể sánh bằng, và chúng ta cũng được nghe hết thảy chư Phật đều khuyên ngợi chúng sanh niệm Phật sanh về cõi ấy.
Người trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới có thân là thanh hư, có thể là vô cực, thì lẽ nào lại cần cơm ăn, áo mặc, nhà ở để sinh tồn! Họ quả thật chẳng cần những thứ này để duy trì thân thể và mạng sống. Nhưng vì sao trong kinh này, Đức Phật lại nói đến nhà cửa, thức ăn, áo mặc? Nói theo nghĩa nông cạn, ở đây Đức Phật muốn nói đến chúng sanh trong các cõi trời, người trong Dục Giới lúc mới sanh về bên đó, chưa quen thuộc với đời sống bên ấy, vẫn còn chưa quên tập khí lo có chỗ ở, miếng ăn và áo mặc, nên còn khởi ý niệm muốn ăn, muốn mặc, muốn có chỗ ở, chớ Phật chẳng phải nói đến những người ở bên đấy đã lâu. Hiện nay, chúng ta đang sống trong cõi Sa-bà thuộc về Dục Giới, những nổi khổ lo vì miếng ăn, manh áo và chỗ đã ăn sâu trong tâm tưởng của chúng ta, nên khi vừa mới sanh về bên kia Cực Lạc, chẳng dễ gì quên được những tập khí ấy. Khi một ý niệm nghĩ đến ăn uống, áo mặc, nhà ở vừa khởi động, thì cảnh giới ấy liền hiện tiền. Hết thảy sự thụ dụng trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đều thuận theo lòng mong muốn của mỗi người mà biến hóa ra những thứ vật dụng tốt lành nhất đúng theo lòng mong muốn. Lúc muốn ăn thì có trăm món thức ăn ngon nhất, mỗi món đều có hương vị chua, ngọt, mặn, nhạt, nóng, lạnh v.v… đúng với ý muốn của chính mình, tự nhiên hiện ra trước mặt. Những thức ăn ấy không thừa cũng không thiếu, số lượng phù hợp vừa đúng với ý muốn của chính mình. Lại nữa, những món ăn ấy lại được đựng trong bát bạc, bát vàng hay các thứ bát báu tốt đẹp được chạm trổ tinh vi theo đúng ý thích của chính mình. Trong tâm chúng ta nghĩ đến thứ gì, bèn hiện ra thứ ấy với hình dạng, kích thước, màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, chạm trổ v.v… chẳng có gì không thuận theo lòng mong muốn, mà lại chẳng cần phải lo liệu, tạo tác. Ai biến hóa ra những thứ thụ dụng ấy? Tự tâm của chính mình biến hiện ra những thứ ấy, nên chẳng có thứ gì chẳng thích hợp nhất với chính mình.
Trong thế gian này, chúng ta gặp được thức ăn ngon bèn tham ăn, muốn ăn nhiều hơn một chút, nên lấy quá nhiều ăn không hết phải vứt bỏ đi. Nơi Tây Phương Cực Lạc Thế Giới chẳng có hiện tượng này, họ ăn xong, ẩm thực tự biến mất, chẳng còn sót lại cặn bã, nên cũng chẳng cần dọn dẹp, rửa ráy. Thật ra, chuyện ăn uống bên cõi ấy chẳng phải thật, sau khi mắt trông thấy sắc hoặc mũi ngửi mùi vị của thức ăn, ý bèn nghĩ đã ăn no đủ, thỏa thích. Sau khi ăn xong, tự nhiên thân tâm no đủ, nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Do cách ăn uống như thế, nên người vừa mới sanh về cõi ấy chẳng lâu sau, trừ bỏ được tập khí thích ăn uống, tuyệt đối không còn tham đắm mùi vị và chấp tướng nữa. Ở đây, kinh chỉ nói đến mặt tốt đẹp trong chuyện ăn uống mà thôi, chứ nơi ấy còn có biết bao nhiêu điều tốt đẹp khác, tự nhiên biến hiện theo ý nguyện mà chẳng cần phải quan tâm, chẳng cần phải vất vả trù tính, lo toan. Cảnh giới đó là gì? Kinh Hoa Nghiêm gọi đó là Sự sự Vô ngại Pháp giới! Trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, dẫu là hạ phẩm hạ sanh cũng đều là Sự sự Vô ngại Pháp giới chẳng thể nghĩ bàn!
Kinh Di Đà nêu lên chuyện “sau khi bữa ăn xong, đi kinh hành” nhằm miêu tả cuộc sống thông thường, phong thái thanh tịnh, giải thoát và tiêu dao tự tại ung dung của đại chúng nơi cõi Cực Lạc. Vào thời cổ xưa, trong tông Thiên Thai, người ta vừa tản bộ vừa học thuộc lòng kinh điển, nên gọi là kinh hành. Trong Phật môn, sau khi đại chúng đả Phật Thất hay thọ trai xong, bèn nhiễu Phật kinh hành mấy vòng rồi mới mới giải tán, đó cũng gọi là kinh hành. Loại vận động này hết sức điều hòa, không vội vàng cũng không rề rà. Kinh hành không những có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe mà còn là phương pháp đối trị hôn trầm rất hay. Bất luận tu học theo tông phái nào, nếu hành nhân có thể điều hòa những phương pháp kinh hành, lễ bái, ngồi xếp bằng một cách thích hợp lẫn nhau, thì thân thể không bị mệt mỏi, chẳng bị hôn trầm, nên có thể công phu lâu dài và đắc lực hơn. Người thường hay hôn trầm nặng nề, dễ ngủ gà ngủ gật lúc tọa thiền niệm Phật, tốt nhất là nên đi nhiễu Phật nhiều. Niệm Phật giúp tâm thanh tịnh, kinh hành giúp thân thể vận động linh hoạt, khiến nhịp tim và máu huyết lưu thông điều hòa, tinh thần phấn chấn, vẻ mặt hồng hào, tươi tắn, âm thanh sang sảng. Đích xác kinh hành niệm Phật rất có lợi cho thân thể lẫn tinh thần! Nói chung kinh hành niệm Phật sau bữa ăn, có ba điều lợi ích lớn: một là điều hòa thân thể, hai là trừ hôn trầm, ba là điều phục tâm giúp tâm thanh tịnh. Do trong tâm thanh tịnh, chẳng có vọng niệm, lại chẳng buông lung hôn trầm, nên đạt được sự ung dung, niềm vui chân thật trong lúc công phu tu hành.
Trong phần trước, kinh dùng sự ăn uống của đại chúng nơi cõi Cực Lạc để giải thích về Sự sự Vô ngại Pháp giới trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Kế tiếp, kinh dùng y phục và đồ trang sức nơi thân để miêu tả thêm về cảnh giới sự sự vô ngại ấy. Đại chúng sanh vào cõi Cực Lạc, lúc vừa nghĩ muốn mặc những thứ y phục gì, mang những đồ trang sức như thế nào, thì những thứ ấy liền hiện tới đúng như ý thích của họ. Nghĩ áo được áo, nghĩ ăn được ăn, chẳng cần phải lo tính, tạo tác, thì đó chính là tướng trạng của sự sự vô ngại! Lại nữa, quần áo nơi cõi ấy là thiên y vô phùng (áo trời) tự nhiên biến hóa ra theo lòng mong muốn và không bao giờ bị dơ bẩn, nên chẳng cần cắt may, giặt giũ. Chúng ta thích quần áo bằng chất liệu nào, nó bèn là chất liệu đó, đúng như lời nguyện của Ngài Tỳ-kheo Pháp Tạng: “Khi ta thành Phật, người trong cõi ta, mong muốn y phục, vừa nghĩ bèn hiện tới. Chẳng cần phải cắt, may, đập, nhuộm, giặt, giũ. Lại có vô lượng y phục đẹp đẽ, quý giá nhất. Mão báu, vòng, xuyến, bông tai, chuỗi ngọc, tràng hoa, đai áo đeo giắt các thứ vật báu để trang nghiêm, trăm ngàn màu sắc đẹp đẽ tuyệt vời, tự nhiên ở trên thân.” Y phục bên ấy đều là bảy bảo, thể tánh của chất báu như vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, mã não v.v… có thể biến hóa thành cứng hay mềm tùy theo ý thích. Nếu chúng ta muốn nó cứng chắc thì nó liền biến thành cứng chắc như kim cang. Nếu chúng ta muốn nó mềm mại mỏng manh thì nó biến thành mềm mại mỏng manh như tơ lụa có thể dùng làm y phục, mũ, đai hay đồ trang sức nơi thân. Còn chất báu trong cõi này đều có thể tánh cứng chắc, không thể nào dùng làm quần áo.
Nói chung, đại chúng trong cõi Cực Lạc có vô lượng loại y phục và các đồ trang sức như mũ, đai áo, vòng đeo tay, bông tai, anh lạc (vật trang sức đeo trước ngực) v.v... kỳ diệu lạ lùng, tốt đẹp bậc nhất chẳng đâu có được, chẳng đâu sánh bằng. Hết thảy những thứ ấy chẳng những có thể biến thành cứng hay mềm, dầy hay mỏng, ấm hay mát, mà lại còn biết tùy theo ý thích mà hiện ra trăm ngàn màu sắc, đẹp đẽ, lộng lẫy, tuyệt vời. Tướng trạng ấy gọi là gì? Đó chính là Sự sự Vô ngại Pháp giới trong Sự sự Vô ngại Pháp giới! Thế nào là Sự sự Vô ngại Pháp giới trong Sự sự Vô ngại Pháp giới? Hoa Tạng Thế Giới là Sự sự Vô ngại Pháp giới; Tây Phương Cực Lạc nằm trong tầng thứ mười ba của Hoa Tạng Thế Giới là cõi thù bậc nhất trong hết thảy các cõi trong hai mươi tầng của Hoa Tạng thế, nên Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đích xác là Sự sự Vô ngại Pháp giới trong Sự sự Vô ngại Pháp giới. Nói một cách nông cạn cho dễ hiểu, Tây Phương Cực Lạc Thế Giới ví như một tòa lâu đài diễm lệ nhất trong Hoa Tạng Thế Giới của Tỳ Lô Giá Na Phật.
Tây Phương Cực Lạc là một thế giới bình đẳng nên tướng mạo của mọi người nơi ấy đều giống như nhau. Tuy cuộc sống, ăn, ở, phục sức, tướng mạo của hết thảy đại chúng nơi ấy đều giống như nhau, nhưng vẫn có chỗ khác nhau. Chỗ khác nhau đó là gì? Kinh nói: “Quang minh của Thánh chúng nơi cõi Cực Lạc có thể chiếu từ một do-tuần, mười do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần.” Quang minh của mỗi vị lớn nhỏ khác nhau là do mức độ đoạn hoặc chứng chân của mỗi vị có chỗ khác biệt, vị nào đoạn phiền não nhiều thì quang minh to lớn nhiều hơn.
Vạn vật trong cõi ấy có vô lượng hương thơm mầu nhiệm như ý, hương ấy xông khắp các cõi nước Phật. Một điều rất kỳ diệu mà chúng ta cần phải lưu ý là cõi nước của A Di Đà Phật bao la rộng lớn không có ngằn mé, đích xác là tận hư không khắp pháp giới là cõi nước của A Di Đà Phật, thế mà hương ấy lại có thể xông khắp các cõi nước Phật. Như vậy, nếu quốc độ Sa-bà nằm ngoài A Di Đà Phật, thì làm sao chúng ta có thể vãng sanh? Làm sao sự giáo hóa của A Di Đà Phật có thể thấu đến chỗ chúng ta? Làm sao hương thơm và quang minh của vạn vật trong cõi ấy có thể phóng tới chỗ chúng ta? Ở cõi này chúng ta có kinh Vô Lượng Thọ và kinh A Di Đà, những kinh điển ấy phát xuất từ đâu? Những kinh điển này đều từ Tây Phương Cực Lạc Thế Giới gửi đến cho chúng ta đọc. Chúng ta đọc kinh xong vẫn không hiểu, thì Tây Phương Cực Lạc Thế Giới liền gửi các vị Bồ-tát sang đây giải thích cho chúng ta hiểu. Như vậy, chúng ta dù đang sống trong cõi Sa-bà, nhưng thật sự là đang ở trong quốc giới của A Di Đà Phật. Vì sao? Vì tận hư không khắp pháp giới mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều nằm trọn trong Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Môn khoa học Lượng tử (Quantum Physics) hiện đại gọi đó là thế giới đa chiều (multiple dimensions). Cảnh giới Sự sự Vô ngại của Tây Phương Cực Lạc đích xác là vô lượng chiều, nên mới có thể bao trọn hết thảy các cõi nước Phật trong mười phương. Điều kỳ diệu này không thể giải thích bằng lời, chỉ khi nào chúng ta thật sự chứng nhập vào cảnh giới Nhất chân Pháp giới, hoặc vãng sanh về cõi đó, mới hiểu được chân tướng sự thật. Quốc giới của A Di Đà Phật đích xác là một không gian vô lượng chiều, không có ngằn mé, rộng lớn vô tận, bao trùm hết thảy các cõi sắc giới lẫn vô sắc giới. Vì thế, kinh Vô Thượng Thọ mới ví quốc giới của A Di Đà Phật giống như biển cả, muôn sông đều cùng đổ về biển cả ấy, mà nước trong biển chẳng tăng chẳng giảm. Đây chính là điều kỳ diệu mà kinh này dùng các tướng trạng như là hương thơm xông khắp thế giới, quang minh chiếu khắp pháp giới, pháp âm vang khắp pháp giới v.v… để miêu tả cảnh giới Sự sự Vô ngại của Tây Phương Cực Lạc Thế Giới.
Diệu Âm Trí Thành
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.191.233.251 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập