Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Nhẫn nhục có nhiều sức mạnh vì chẳng mang lòng hung dữ, lại thêm được an lành, khỏe mạnh.Kinh Bốn mươi hai chương
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Mục đích chính của chúng ta trong cuộc đời này là giúp đỡ người khác. Và nếu bạn không thể giúp đỡ người khác thì ít nhất cũng đừng làm họ tổn thương. (Our prime purpose in this life is to help others. And if you can't help them, at least don't hurt them.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy lắng nghe trước khi nói. Hãy suy ngẫm trước khi viết. Hãy kiếm tiền trước khi tiêu pha. Hãy dành dụm trước khi nghỉ hưu. Hãy khảo sát trước khi đầu tư. Hãy chờ đợi trước khi phê phán. Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện. Hãy cố gắng trước khi bỏ cuộc. Và hãy cho đi trước khi từ giã cuộc đời này. (Before you speak, listen. Before you write, think. Before you spend, earn. Before you retire, save. Before you invest, investigate. Before you critisize, wait. Before you pray, forgive. Before you quit, try. Before you die, give. )Sưu tầm
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Một chuyến hành hương Trung quốc »»
Vô Tích. Một địa danh không mấy ai nghe tiếng. Ngay cả trong những cuốn sách hướng dẫn du lịch (guide), Vô Tích cũng bị liệt vào những địa phương "không có gì đáng nói" trên bình diện du lịch cũng như thắng cảnh. Nhưng từ năm 1996, Vô Tích đã có Linh Sơn Đại Phật.
Linh Sơn Đại Phật, kiến trúc cận đại, là một pho tượng đức Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao 88m, nặng 7 tấn, được xây trên một ngọn đồi nhỏ, sẽ biến Vô Tích thành một nơi thu hútkhách du lịch trong tương lai. Nhưng hiện tại đã thu hút được phái đoàn hành hương đến tham bái.
Lên đến chân đức Phật gần như không còn ai khác ngoài phái đoàn 85 người này. Phái đoàn đông quá nên chỉ cần đến nơi nào là gần như nơi ấy không còn ai có chỗ đứng nữa.
Vô Tích là nơi tham bái cuối cùng của chuyến hành hương, sau Vô Tích là có thể xếp áo tràng cất vào va li được rồi. Do đó đến Vô Tích là một phần lớn đoàn viên đã nhuốm bệnh và đã kiệt quệ, trong đó có tôi. Trước pho tượng Bổn Sư lớn như vậy, điều duy nhất tôi muốn làm là phủ phục xuống lạy, lạy cho đến khi không còn sức nữa mới thôi. Lúc ấy tâm hồn tôi sẽ vô cùng khoan khoái, hân hoan vì đã thắt thêm chặt mối dây liên hệ giữa mình và đức Phật, và mối dây liên hệ ấy sẽ dẫn dắt tôi, nhiếp hộ tôi, chở che tôi trong đời này và muôn đời sau trên con đường tu tập. Nhưng tôi không còn đủ hơi thở để làm việc ấy nên đành thành kính đi từng bước, từng bước thật chậm nhiễu xung quanh Ngài theo thể thức Ấn Độ để bày tỏ lòng cung kính.
Tôi cố gắng ngửa cổ lên để chiêm ngưỡng tôn nhan Ngài, và bỗng nghĩ rằng căn cứ theo cuốn sách nói về sự chết của Tây Tạng, giờ phút lâm chung khi chư Phật và chư Bồ Tát đến tiếp dẫn, có lẽ mình cũng sẽ thấy các Ngài vĩ đại như vậy, tôn nghiêm như vậy. Nếu không tập quán cho quen thì đến giờ phút ấy sẽ kinh hoàng trước sự vĩ đại và tôn nghiêm này và dễ bị lôi cuốn vào những nẻo tái sinh không tốt. Do đó tôi phải tập những thế đứng xứng đáng biểu diễn trong gánh xiếc để nhìn thấy Ngài cho rõ.
Xung quanh tôi, mỗi người "sống" theo lối riêng của mình sự tiếp xúc với Đại Phật. Kìa một bác cứ mấy bước lại sụp xuống lạy một lạy. Hình như bác ấy lớn tuổi nhất đoàn và đây có thể là lần cuối bác đi theo một phái đoàn hành hương. Bác nghĩ gì trong đầu mỗi lần sụp xuống lạy như vậy ? Bác có đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sắp đến với các Ngài không ? Bác có sợ không ? Và chúng tôi có lầm lẫn không khi nghĩ rằng mình còn nhiều thì giờ trước mặt mình để chuẩn bị cho giờ phút lâm chung ? Biết đâu chính tôi sẽ gặp chư Phật trước bác không chừng...
Mỗi người bày tỏ lòng cung kính đối với chư Phật theo ý và theo khả năng của mình. Có người lạy không ngừng nghỉ, không biết mệt, cặp mắt chân thành ngước lên nhìn đức Phật như cầu mong sự chứng minh. Có người thực hiện tam bộ nhất bái. Có người cũng đi nhiễu như tôi, và mỗi người đắm chìm trong thế giới nội tâm của mình.
Bức tượng vĩ đại này gợi lại cho tôi hình ảnh pho tượng ngài Quan Âm ở Phổ Đà Sơn, cao 33m, đứng nghiêng nghiêng nhìn xuống chúng sinh. Pho tượng này cũng mới được xây lên không lâu, năm 1996 chỉ mới có sơ đồ mà thôi. Ngày ấy chúng tôi còn sức sung mãn, nên cả đoàn thực hiện tam bộ nhất bái, cứ ba bước lại cúi xuống lạy một lạy. Ngày xưa chư Tổ còn thực hiện nhất bộ nhất bái trên một đoạn đường rất dài. Tôi mang ơn thầy Nhất Chân đã dạy cho chúng tôi làm điều ấy, đã dạy cho chúng tôi những tác phong và thái độ của người Phật tử chân chính. Rõ ràng là sau khi đã lễ bái, cúng dường, thì mối liên hệ của người Phật tử đối với đối tượng lễ bái cúng dường ấy có phần thân thiết hơn, gần gũi hơn. Và niềm tin nơi đối tượng ấy thâm sâu hơn. Đó cũng là một trong vô số những ích lợi của việc đi hành hương.
Trên đảo Phổ Đà, hình ảnh ngài Quan Thế Âm phảng phất ở tất cả mọi nơi, từ trong tâm mỗi người trở đi. Trong đoàn ai cũng thấy Phổ Đà Sơn là nhà của mình, có lẽ vì khách sạn ở gần chùa Phổ Tế nên mạnh ai nấy dập dìu lai vãng khung cảnh chùa ấy một cách thân mật, như con cái về nhà bố mẹ, ra vào tự do, không cần phải khách khí, ngại ngùng. Lạy Phật xong, bèn làm một vòng ở các "xạ trường" xung quanh, tượng Phật bằng gỗ rất nhiều, đủ kiểu đủ dạng, chỉ có thiếu "đạn dược" để "bắn" thôi (người nào đã đi hành hương cũng quen với loại tiếng lóng này. Xạ trường = phố mua bán, đạn dược = tiền, và bắn = mua, thỉnh) chứ muốn bắn gì cũng có.
Từ Thượng Hải chúng tôi lấy tàu tốc hành đến đảo, thầy trò bị nhồi sóng xanh máu mặt, cô Diệu Trạm bày cho lấy một viên aspirine bỏ vào rốn rồi lấy băng keo dán lại thì khỏi bị say sóng, không biết có phải nhờ cái mẹo ấy không mà tôi không đến nỗi thê thảm như phần đông các bạn đồng hành. Lại nhờ đêm trước thức tới 2g sáng nên lên tới tàu là ngủ li bì, nhờ thế không bị say sóng chăng ?
Nhưng say thì say, đến tới đảo rồi là phải tìm xạ trường để bắn. Thiên hạ thỉnh được tượng đức Quan Âm rất đẹp, nào tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn, nào tượng Từ Phụ (đức Phật A Di Đà theo tiếng gọi của chị Trang), còn tôi thì đi theo để giúp thiên hạ trả giá nhờ bập bẹ được dăm ba chữ tiếng Hoa. Nhưng tuy công nhận tượng của các bạn đẹp thật, tôi chưa nghe lòng "thổn thức" trước một bức tượng nào, nên bèn khấn Ngài Quan Âm "cho con gặp một bức tượng của Ngài thật đẹp, vừa sức của con, để con đem về Paris lễ lạy cúng dường". Tôi nghĩ rằng tượng của Ngài Quan Âm phải thỉnh ở Phổ Đà Sơn mới có ý nghĩa, sau này ở Hàng Châu, Tô Châu tuy có tượng đẹp nhưng ý nghĩa không bằng.
Hữu cầu tất ứng, chiều hôm đó tôi nhìn lên khuôn mặt Ngài trong một cửa tiệm nhỏ, và biết rằng mình đã gặp Ngài rồi. Tập khí tiểu thừa hãy còn, tôi không dám nghĩ tới chuyện thỉnh tượng to, phần thì vì đạn dược đã kiệt quệ, phần vì sợ phải xách nặng và lố ký. Nhưng thầy Nhất Chân bảo là đã thỉnh tượng thì nên thỉnh tượng cho to để quán cho rõ. Và thầy đích thân thỉnh cho tôi. Khi ôm tượng Ngài trong tay, tôi rưng rưng nước mắt, rõ ràng Ngài giống như một bà mẹ vô cùng thương con, con cầu xin điều chi cũng chìu ý, không những cho nó những gì nó xin mà còn cho nhiều hơn thế, đẹp hơn thế, cho đến mức mà nó không dám tưởng tượng.
Nói tới chuyện lố ký, đó là vấn đề chung của đoàn trong suốt chuyến đi. Ai cũng bị vấn đề đó cả, phần vì đem theo quá nhiều đồ đạc không cần dùng tới, phần thì mua thêm quá nhiều thứ có lẽ cũng sẽ không cần dùng tới. Đó là kinh nghiệm cho những chuyến đi sau, máy bay nội địa chỉ cho phép có 20 ký, và cứ lố một ký là phạt 14 nguyên (gần 2 đô la mỹ). Chưa kể số lượng kiện hành lý cứ theo đó mà tăng lên, mỗi lần đến một khách sạn mới là thì giờ chờ hành lý chiếm trọn cả buổi tối. Cô Diệu Trạm nẩy ra ý kiến đánh số từng kiện hành lý và đưa cho người khiêng một bảng tên với số phòng và số của hành lý, thế là yên. Nhưng lại không biết làm sao để đánh dấu hành lý, ban đầu viết số bằng phấn lên một vài chỗ trên hành lý nhưng phấn rất mau phai, gắn nhãn hiệu thì nhãn hiệu lại dễ mất, chưa kể một số người còn lưỡng lự không biết nên gởi hay nên xách tay kiện hành lý này hay kiện hành lý nọ, nhức cả cái đầu. Nhưng không thể nào ngăn những "xạ thủ" thiện nghệ tiếp tục "bắn", vì có những "xạ trường" cầm lòng không thể nào đậu được ! Cuối cùng là mấy cô làm phòng trong khách sạn là lời, vì càng về sau thiên hạ càng bỏ bớt đồ đạc, tha hồ cho họ lượm !
Trước khi đi, tôi được biết là sư ông Minh Tâm đã tỏ ý lo ngại không biết đoàn đông như thế có xẩy ra chuyện đụng độ gì không, nhất là giữa cường quốc Mỹ và cộng đồng kinh tế Âu Châu ! Ban đầu tôi cũng có cảm giác là hai bên cũng nhìn nhau đọ sức, và cùng áp dụng câu "đời ai nấy sống". Nhưng hình như chư Bồ Tát quyết định khác. Đêm lấy xe lửa đêm di chuyển từ Bắc Kinh đến Đại Đồng, phái đoàn Mỹ bị rơi vào một toa xe xui xẻo, vì lên đến toa thì thấy rằng chỗ của mình đã có mấy ông bà người Hoa chiếm đóng và ngủ say rồi ! Kêu réo tên hướng dẫn viên toàn quốc cũng như không, tên này bị mắc cái bệnh lười trầm trọng nên hắn chỉ muốn chúng tôi ngủ đại dưới đất giữa hành lang và để yên cho hắn (may mắn thay sau Ngũ Đài Sơn thì tên này bị cách chức, nhường chỗ cho một anh chàng khác rất tốt, rất có lương tâm). Nhưng nhìn mấy bác ngồi chờ một cách kiên nhẫn, chịu đựng, tôi phải "thị hiện tướng phẫn nộ", la om sòm lên bắt hắn phải thương lượng với những chức trách của xe lửa. Khổ thay chúng tôi được chứng kiến sự bất động, ù lì và vô hiệu quả của cách họ làm việc ! Cuối cùng một sợi dây thân ái được đúc kết giữa những người trong đoàn, một số người phải chia nhau chỗ nằm tức là hai người chất lên trên cái giường nhỏ xíu của xe lửa, một số người khác phải đành lòng chia phòng với mấy ông "con trời" đang ngáy ngon lành trên giường vốn đặt trước cho mình, và cuối cùng một số "phiêu lưu" xuống toa hạng nhì để thấy rõ sự may mắn của mình khi được ở khách sạn 4, 5 sao trong suốt quãng hành trình còn lại, giữa mấy ông "con trời" ấy suốt đêm khạc nhổ, hút thuốc phun khói phì phì, và nhất là nói chuyện tình mà nghe như sắp bóp cổ nhau tới nơi rồi ! Thầy Nhất Chân an ủi chúng tôi và bảo là "hành hương thường có giá phải trả của nó", nhưng khi thầy xoay lưng đi, 6 đứa khúc khích cười tự hỏi thầy sẽ nghĩ thế nào nếu mấy cô đệ tử thưa với thầy là ở toa này chả sao cả, chỉ xin được tắm bồn thôi là mãn nguyện !
Hôm sau, lắng tai nghe xem có bị "dũa" không, thì không nghe một tiếng than vãn nào hết, không một lời trách móc nào hết. Thì ra tất cả mọi người đã thấm nhuần "tinh thần hành hương". Tôi thầm nhủ, đây là những người có lẽ chưa bao giờ bị đối xử như thế ở xứ luật lệ khắt khe của họ, thế mà họ không có cả đến một thái độ nào phản kháng, thật là đáng phục lắm thay ! Có qua một cơn "bỉ cực" với nhau rồi mới thân nhau hơn, thế là từ đó trở đi đại cường quốc Mỹ châu và cộng đồng kinh tế Âu Châu gặp nhau là toe toét cười thân mật.
Trước khi đi mỗi người được phát cho một cuốn kinh do thầy Nhất Chân tự tay soạn thảo đặc biệt cho chuyến hành hương. Tới chỗ nào thuận tiện là cả đoàn mặc áo tràng đứng tụng kinh, với sự đồng ý của những nhà chức trách địa phương. Có những chỗ tụng rất là hữu tình và khắc sâu vào tâm khảm Phật tử, thí dụ như ở Phổ Đà Sơn . Đối diện chúng tôi là một dãy núi có hình dáng giống như một người nằm, người Tàu bèn nói đó là Ngài Quan Âm nằm. Nhưng nhìn kỹ chúng tôi lại thấy giống như khuôn mặt của Ngài thì đúng hơn, và chúng tôi hướng về dãy núi ấy mà tụng kinh. Quý Thầy Cô đứng trong một cái đình nhỏ, còn Phật tử muốn đứng đâu thì đứng, tôi tìm được một tảng đá bằng phẳng, có thể ngồi và quỳ lạy thoải mái. Ở các núi như Cửu Hoa hay Nga Mi, chúng tôi được tụng kinh ngay điện thờ hai vị Bồ Tát Địa Tạng và Phổ Hiền !
Ở Đại Phật Lạc Sơn, ban đầu Thầy Nhất Chân dự tính cho cả phái đoàn lên trên bàn chân Phật để tụng kinh, vì bàn chân Phật đủ rộng cho 85 người vừa quỳ vừa lạy vừa đứng vừa ngồi thong thả. Nhưng muốn trèo lên trên ấy, nếu không có thần thông thì phải hoặc là có thang, hoặc là đánh đu kiểu con cháu Tôn Ngộ Không. Nhưng thang tìm không có, và các bác, các cụ không thể nào đánh đu được, nên cuối cùng quyết định quy tụ trước mặt đức Phật để mà tụng. Trời hôm ấy rất nóng, nóng đến nỗi chỉ quẹt tay ra sau gáy là bàn tay ướt đẫm. Đang tụng kinh, bỗng tôi nghe một luồng gió mát thổi đến, xoay lại tìm vị đạo hữu nào phát tâm cho tôi hưởng ké gió quạt để cám ơn, thì không thấy ai cầm quạt cả. Tụng kinh xong anh Hải hỏi "hồi nãy có ai nhận thấy điềm lành không ?" Đang ngần ngừ, anh ấy nói tiếp "Đang tụng kinh tự nhiên có gió thổi cho mát đó !". A, thì ra đó là một điềm lành. Mà tại sao lại không ? Đại Phật là nơi bao nhiêu người đến lễ bái, là nơi tập trung của bao nhiêu tấm lòng tin tưởng và quy ngưỡng. Thì không khí linh thiêng của một nơi như vậy có gì là lạ ? Hẳn nơi đây cũng là nơi chư vị hộ pháp cũng quy tụ về. Nếu cái ngài thương hại phái đoàn đang nóng bức mà gởi đến cho một luồng gió mát, có gì phải ngạc nhiên ? Ở thời đại này người ta không tin vào "phép mầu" và "điềm lành" nữa. Nhưng đứng trên đất thánh thì điều đó bỗng trở nên rất dễ hiểu và dễ tin. Như hiện tượng lư hương bỗng dưng phực lên cháy bừng bừng lúc phái đoàn đang đứng tụng kinh dưới chân tượng đức Phật nhập Niết Bàn ở Thiên Tháp Phật Quốc. Sự kiện xẩy ra quá đột ngột khiến ai nấy đều giật mình, và trong khung cảnh ấy, trong bầu không khí ấy, không thể nào không nghĩ đến một sự hiện hữu siêu nhiên đang ủng hộ, gia trì hay chứng minh cho chúng tôi.
Trong lúc anh Hải đang vui vẻ kể chuyện "điềm lành" cho mọi người nghe, chị Châu, vợ anh ấy đứng bên cạnh gật đầu biểu đồng tình. Chị Châu là một nhân vật mà nghĩ đến, không ai là không cảm phục. Ở Ngũ Đài Sơn, phải trèo khá cao mới đến được chùa Quán Đảnh. Đang trèo thì nghe tiếng kêu lên "Bác sĩ Đức ! Xin gọi bác sĩ Đức, có người bệnh !", và anh chàng bác sĩ Phật tử xách túi chạy bay về phía có tiếng gọi. Sau này mới biết người bệnh là chị Châu, lên tới nửa đường thì khó thở, bệnh tim bộc phát. Từ đó trở đi, mỗi lần phải trèo cao, một quang cảnh rất thường được chứng kiến là chị Châu chậm chạp bước từng bước đi trước, tay cầm tràng hạt, môi mấp máy niệm Phật. Anh Hải đi theo sau quạt cho chị ấy, và không xa, anh chàng bác sĩ Đức vừa đi vừa canh chừng bệnh nhân. Vậy đó mà không có chỗ nào mà chị ấy không lên tới, dẫu cao đến đâu : Cửu Hoa Sơn với hằng trăm bậc thang, Nga Mi Sơn đến tận Kim Đỉnh, Thiên Tháp Phật Quốc, Vô Tích v.v... Khi được thầy Nhất Chân đọc cho câu kệ ở Nga Mi Sơn "Thệ đăng tuyệt đỉnh bất từ lao" (thề lên đến tuyệt đỉnh không ngại lao khổ), tôi nghĩ câu ấy áp dụng rất đúng cho chí nguyện của chị Châu.
Dĩ nhiên là tôi tùy hỷ ngay công đức (tội gì bỏ qua một cơ hội quý báu như thế để có công đức), nhưng đồng thời trong tâm dâng lên một tình cảm tri ân. Tri ân những người bạn đồng hành yếu đuối, bệnh hoạn, già nua, mà vẫn không "từ lao" để lên đến tuyệt đỉnh, để được khấu đầu dưới chân chư Phật hay chư vị Bồ Tát, làm gương cho bản thân mình.
Nói về những pho tượng Phật vĩ đại mới được tạo dựng lên sau này (thập niên 90), ban đầu tôi nghĩ những tôn tượng như thế được chính phủ Trung Hoa cho phép xây để lôi cuốn du khách, nhất là những du khách Trung Hoa lắm tiền từ Đài Loan, Hồng Kông hay những China Town tứ xứ, thì chỉ có giá trị nghệ thuật thôi chứ làm sao đã có được lực nhiếp hộ như những bức tượng tầm vóc Lạc Sơn Đại Phật, không những do một vị cao tăng tạo dựng mà còn có hằng bao nhiêu thế hệ đã đến đấy lễ lậy. Nhưng tôi nghĩ lầm. Bất cứ khối đồng, khối sắt, khối đất hay khối gỗ nào, một khi đã mang hình dáng một tôn tượng Phật hay Bồ Tát thì đều có được năng lực gia trì và hộ niệm. Người Phật tử nào cũng cảm nhận được năng lực huyền diệu ấy mà bằng chứng cụ thể nhất là họ có thể đứng trước một tôn tượng như thế đảnh lễ hằng trăm lễ mà không biết mệt. Đó cũng là một "hiện tượng", nếu không làm thử thì không thể hiểu được.
Do đó khi nghe tin tôn tượng ngài Địa Tạng đã bắt đầu khởi sự xây tại Cửu Hoa Sơn, một bức tượng cao 99m, mà chỉ nhìn mấy cái đồ hình thôi là ai nấy đã tấm tắc khen đẹp, chúng tôi vô cùng nôn nóng. Lên đến chùa Hồi Hương Các gặp ngài Huệ Quang, ngài cho biết bức tượng Ngài Địa Tạng bằng gỗ của chùa, 3 năm trước còn ngồi ngoài sân, che phủ bằng vài tấm ni lông, nay đã có điện thờ trang nghiêm và hai bên là hai Ngài Văn Thù Phổ Hiền. Nay ngài có ý định quyên góp để thỉnh cặp đèn quang minh cúng dường tôn tượng ấy. Nghe nói thế, phái đoàn muôn người như một đều thò tay vào hầu bao móc ra kẻ ít người nhiều và chẳng bao lâu số tiền được quyên góp đầy đủ. Chúng tôi reo hò mừng rỡ khi nghe tin ấy, và hẹn nhau thế nào cũng phải trở lại Cửu Hoa Sơn để chiêm ngưỡng cặp đèn mà mình có góp phần cúng dường, dẫu phần ấy nhỏ nhoi tới đâu. Dĩ nhiên là phần cúng dường cho tôn tượng Ngài Địa Tạng cao 99m cũng nhiều, vì bây giờ thì ai nấy đều thấy phải "kiếm chút công đức cho có phước". Phần đông người Phật tử hay nghĩ rằng nếu làm gì để cầu phước là có tâm tham lam, không tốt, việc làm sẽ không có công đức nữa. Nhưng thầy Nhất Chân đã nhiều phen nhắc nhở rằng nghĩ như thế là sai. Công đức rất cần, muốn được học đạo, muốn làm Phật sự đều cần phải có công đức, nghĩa là phải có phúc. Người có phúc như một anh nhà giàu, có chuyện chi cũng giải quyết dễ dàng và mau chóng. Người vô phúc như một anh chàng cùng đinh, lúc nào cũng lúng ta lúng túng, gặp chuyện nhỏ cũng trở thành to, khó khăn nào cũng không vượt qua nổi. Phái đoàn chúng tôi nhờ những lời nhắc nhở quý báu đó nên người nào cũng trở thành kẻ "bòn phước" !
Cũng nhờ như thế mà những câu trong kinh nói về công đức vô lượng của sự đúc tượng, dựng chùa trở nên sáng tỏ hơn. Lần này phái đoàn có duyên thỉnh được rất nhiều tượng Phật và Bồ Tác ở các đạo tràng hay cả ở những "xạ trường" không chờ đợi như chỗ dừng chân đi "hát" (tức là đi toa lết), hay các quán bên đường. Tôi có cảm giác, như Hà nói là "dưới chân bức tượng nào cũng có tên người sẽ thỉnh", cho nên mỗi người, trước một bức tượng nào đó bỗng xao xuyến, rung động và nhất quyết thỉnh cho được (giống như bị "tiếng sét ái tình" không khác !). Và có nhiều tượng đặc biệt đẹp, nhìn vào bức tượng không thể không đặt câu hỏi, người đã khắc một bức tượng như thế phải là người như thế nào, tin tưởng như thế nào mới diễn tả được một vẻ mặt linh động, có hồn đến dường ấy ! Và công đức của người ấy hẳn phải là nhiều lắm, kiếp sau sinh ra hẳn sẽ đẹp, sẽ hảo tướng đến nỗi hoa hậu thế giới cũng chỉ đáng làm... a hoàn cho họ mà thôi !
Có nhiều người bị "sét đánh" nhiều lần và lần nào cũng xiểng niểng, trong số ấy có thầy An Chí, thầy Hạnh Vân và nhất là thầy Nguyên Lộc, không kể những người âm thầm lặng lẽ không chuông không trống, nhưng một hôm chưng bày gia tài sự sản của mình ra thì cả đoàn đều trố mắt khâm phục. Nhất là mấy vị bên Mỹ, phước đức nhiều nên đạn dược nhiều, cúng dường nhiều nên phúc đức nhiều, như cái vòng xoay hoài bất tận. Biết như vậy thì quả thật không nên coi thường công đức.
Công đức là một đề tài mà thầy Nhất Chân không ngừng nhắc nhở trong các bài giảng của Thầy. Thầy đã tô điểm nguyên chuyến hành trình bằng những bài giảng có liên quan tới các vị Bồ Tát mà chúng tôi đến đảnh lễ, hoặc ngay tại đạo tràng của các Ngài, hoặc trong lúc di chuyển đường dài trong xe. Phái đoàn đông nên chia làm hai xe, xe "pháp" và xe "mỹ", tên gọi theo xuất xứ của đa số những người ngồi trên xe ấy. Thầy thay đổi xe để giảng, và nhất là để chia đều sự có mặt của Thầy cho người trong phái đoàn có cơ hội nghe Pháp. Cô Diệu Trạm không ngại tổn phí, mướn cho phái đoàn những căn phòng họp có micro, có máy phóng thanh, để mọi người ngồi nghe giảng cho được thoải mái. Trong những bài giảng của Thầy, đề cập nhiều đến hạnh nguyện và hoạt động các vị Đại Bồ Tát, và đồng thời chỉ dẫn cách suy nghĩ, hành vi cư xử của các vị đang tập tễnh học phát tâm Bồ Đề. Trong phái đoàn, hẳn cũng đến 90% là đã thọ Bồ Tát giới, nhưng lúc nào cũng cần được nhắc nhở những điều mình đã thệ nguyện. Có những vị thọ Bồ Tát giới vì đã thấm nhuần tư tưởng đại thừa, làm gì cũng vì chúng sinh. Còn có những người đã thọ vì "điếc không sợ súng", tập khí tiểu thừa còn nặng (trong đó than ôi ! có tôi), thấy có nhiều "đấng" chúng sinh là chỉ muốn kính nhi viễn chi cho thật xa chứ đừng nói là nhào vô "độ", nhưng lại biết rằng nếu không đi theo con đường ấy thì không còn con đường nào khác để đi nếu không muốn nổi trôi theo làn sóng nghiệp đưa đẩy từ kiếp này sang kiếp khác, bềnh bồng như lục bình trôi sông. Thành phần thứ hai này rất, rất cần được thầy nhắc nhở, chỉ bày, khai thị bằng những bài thuyết pháp mang nặng tính chất từ bi ấy.
Dĩ nhiên đi chùa, tụng kinh, thọ giới không có nghĩa là ngày một ngày hai mình trở thành một ông hay một bà thánh. Biết bao nhiêu lần tôi đã nghe câu "đi chùa mà như thế đấy hả ?" để chỉ trích một quan niệm, một câu nói hay một thái độ nào đó của người đi chùa. Bỗng dưng, mỉa mai thay, người không đi chùa và không tu thì có quyền thả lỏng cho bao nhiêu thói hư tật xấu hiển bày, rồi còn tự cho mình cái quyền chỉ trích người đi chùa nếu những người này làm những điều mà nói cho cùng, cũng giống mình thôi ! Không chịu hiểu cho rằng người đi chùa là những người cũng còn phải cố gắng để tự sửa đổi, để đạt đến chỗ thánh thiện của chư Phật và chư Bồ Tát, và trên đường đi cũng có lúc vấp ngã chứ.
Nếu phải kể lại chuyến hành trình tỉ mỉ từng chi tiết thì không thể nào trong một vài trang mà kể hết được. Có những điều đánh mạnh vào tâm khảm của người hành hương ngay tại chỗ (thí dụ những lúc được lễ bái Xá Lợi Phật), và còn có những điều đã vào trong tạng thức và lâu ngày chày tháng sẽ ảnh hưởng, sẽ thay đổi con người từ từ lúc nào không biết.
Cũng như mỗi người trong đoàn là một người bạn, là một câu chuyện dài, là một hình ảnh đặc biệt. Sự có mặt của quý thầy, quý cô, quý chú đã làm cho phái đoàn hùng hậu và nổi bật so với các phái đoàn du lịch khác. Như ở Vạn Lý Trường Thành, một người đã nhìn thầy Nguyên Lộc tò mò hỏi "sao ông lại ăn mặc kỳ quái như thế ?". Khi được giải thích rằng bộ quần áo kỳ quái ấy là y phục của một ông thầy tu, cô ta bèn xin chụp hình với thầy. Đối với người trong phái đoàn, thì sự có mặt của chư tăng ni cũng là luồng gió mát dập tắt sự mệt mỏi của mỗi người. Một thí dụ nhỏ, trong những lúc trời nóng như nung, chỉ cần nhìn quý thầy quý cô thản nhiên trong bộ y áo vàng rực là cảm thấy mát mẻ ngay, vì biết là có người... nóng hơn mình. Chưa kể những nụ cười, những câu diễu đặc biệt của mỗi người, những biệt hiệu mà Phật tử đặt cho quý thầy quý cô, đều là những niềm vui nho nhỏ, mà gom lại đã trở thành một niềm phấn khởi lớn.
Dĩ nhiên, người bạn gần nhất là người đã chia phòng với mình trong suốt gần một tháng trời đó. Ở với nhau gần một tháng, lúc mệt mỏi, lúc bệnh hoạn, lúc phải cấp bách vội vàng, dễ lộ tẩy "bổn lai diện mục" với nhau lắm. Có những tình bạn hoặc tan vỡ, hoặc khắn khít hơn sau một chuyến đi chung như thế. Tôi may mắn nên được ở chung với má Đều. Má Đều là "má" của hầu hết anh chị em trong gia đình Phật tử chùa Khánh Anh, một người "mẹ Việt Nam" đúng nghĩa, rất vui tính, hay đùa hay nhộn, đồng thời rất tế nhị và kín đáo. Tôi muốn lợi dụng diễn đàn này để gởi đến má lời cám ơn chân thành nhất : má đã giúp đỡ tôi rất, rất nhiều trong cả chuyến đi. Tôi muốn nhắc đến những đĩa trái cây mà má đã tranh thủ để mua cho được trong lúc di chuyển rồi ôm rồi xách rồi bới về phòng, gọt vỏ cẩn thận để ra dĩa cho "nó ăn để nó còn sức mà đi tiếp". Những ly sữa nóng khuấy sẵn chờ đợi dẫu buổi tối tôi ngao du qua phòng các bạn tán gẫu. Không có người bạn đồng hành nào lý tưởng hơn.
Tôi không muốn nói tới nhiệm vụ thủ quỹ của má, vì nói tới nhiệm vụ của người này thì phải nói tới nhiệm vụ của tất cả những người khác, và người nào cũng đã làm tròn nhiệm vụ của mình rất chu đáo, rất nhiệt tình khiến cho chuyến đi được tròn vẹn, hoàn mãn như thế.
Trở về trụ xứ, nếu có ai hỏi đi như thế có nghỉ ngơi được không, thì phải kể đến 3 ngày đi du thuyền trên sông Trường Giang (Dương Tử) để thưởng thức những cảnh đẹp hùng vĩ của ba eo biển (tam hiệp). Quả là ba ngày thần tiên, ai muốn làm chi thì làm, muốn thức muốn ngủ bao giờ cũng được, trên một con tàu sang trọng, lộng lẫy. "Nếu không đi theo phái đoàn hành hương thì làm sao mà đi nổi một chuyến du thuyền như vậy", má Đều cứ tấm tắc nói. Nhưng quan trọng nhất, đây là cơ hội cuối cùng để được du thuyền trên giòng sông ấy, vì năm sau đó, sông Dương Tử sẽ bị đổi hướng vì Tam Hiệp đại đập sẽ được khánh thành. Những nguyên do thúc đẩy chính phủ Trung Hoa lấy quyết định này dĩ nhiên chắc nịch, nhưng những hậu quả trên môi trường chưa ai đoán biết là sẽ quan trọng đến đâu !
Nhưng sau chuyến du thuyền là phải trở lại chương trình hành hương, tức là phải khép mình vào kỷ luật, giờ giấc. Trong bữa cơm tối, chú Bảo Lâm hay đi từng bàn đọc một câu thần chú "7giờ, 7g rưỡi, 8 giờ, hành lý để ra ngoài cửa phòng trước 10g", thế là mọi người hiểu ngay ý nghĩa. Câu thần chú ấy thay đổi từng ngày, có khi "6g, 6g rưỡi, 7 giờ" là mọi người than vắn thở dài, còn nếu 7g rưỡi, 8g, 8 giờ rưỡi" là thiên hạ reo hò mừng rỡ. Đố quý vị biết ý nghĩa của câu thần chú ấy là gì ?
Nói lại vấn đề nghỉ ngơi, thì mục đích của sự đi hành hương không phải để nghỉ ngơi. Di chuyển nhiều, thay đổi chỗ ngủ mỗi đêm, và tranh thủ để đi viếng nhiều chỗ cho đáng đồng tiền bát gạo, cuối cùng ai cũng mệt mỏi. Nhưng nếu định nghĩa hai chữ nghỉ ngơi không nhất thiết là phải ra biển nằm phơi nắng, mà chính là thay đổi toàn diện cuộc sống bình thường, là sống một cuộc sống hoàn toàn khác để trí não được "đổi khí trời", thì chúng tôi đã được nghỉ ngơi hoàn toàn. Trong gần một tháng, tất cả những giá trị vẫn được coi trọng trong đời sống hằng ngày như tiền tài, danh vọng, nhan sắc, v.v... đã bị bỏ quên, không có sự cạnh tranh, không có sự phải gồng mình để tỏ ra mình giỏi hơn, hay hơn, đẹp hơn sự thật vốn dĩ của mình, mà đôi khi trong thị trường "đời" không thể nào tránh khỏi. Như thế cũng đã là một sự thư giãn trí não, tức là một sự nghỉ ngơi rất đáng kể !
Đi hành hương Trung Quốc như thế, nếu như có một vị Bồ Tát nào hiện thân đến hỏi tôi "cho con một điều ước thì con ước điều gì", tôi sẽ không ngần ngại "cho con có tài hội họa !".
Bởi vì cảnh đẹp của núi non sông nước nơi này không thể nào tả cho cạn cùng được. Lắm lúc tôi đưa máy ảnh lên rồi lại bỏ xuống lắc đầu : không có một tấm hình nào có thể diễn tả trọn vẹn những cảnh đẹp mà chúng tôi được mục kích.
Trong chuyến hành hương này chúng tôi được đi đảnh lễ cả tứ đại danh sơn (Ngũ Đài, Nga Mi, Cửu Hoa và Phổ Đà), hai thạch quật (Đại Túc và Vân Cương) cùng hai tượng Phật vĩ đại, ở Lạc Sơn và Vô Tích. Đấy là nhưng thánh địa Phật giáo nổi danh nhất, không riêng gì của Trung hoa mà của cả toàn cầu. Chưa đặt chân lên đất Phật, mà chỉ nghe tên các địa danh ấy là đã nghe tim rộn rã, đã thấy ẩn hiện trước mắt những cảnh núi non hùng vĩ, những bức tranh màu sắc sống động và linh hoạt.
Trước kia tôi rất thán phục những ông họa sĩ vẽ được những bức tranh thủy mặc hay các thi sĩ cổ xưa... nghĩ rằng đó là sản phẩm đầu óc tưởng tượng của họ. Đến khi chiêm ngưỡng được Hoàng Sơn, Nga Mi Sơn thì mới thấy thiên nhiên đã "gà" cho các ông ấy không ít. Thảo nào mà đất này đã xuất sinh được những thiên tài như Lý Bạch, Vương Duy, Bạch Cư Dị v.v.. và v. v...
Những người con Phật còn được chiêm ngưỡng những bức tượng Phật và Bồ Tát ở các chùa cổ, nhìn những nét đẹp xuất thần, trác tuyệt ấy, lắm khi phải tự đặt câu hỏi nếu không có thần lực của các Ngài phù trợ thì làm sao một kẻ phàm tục có thể sáng tác nổi những pho tượng như thế.
Đi Trung Quốc để được sống lại những nền văn minh cổ xưa, nơi những tác phẩm, kiến trúc từ đời Minh, đời Tống được nhắc đến một cách thản nhiên như thể sự được tiếp xúc với những tác phẩm ấy là một sự thường tình nhất trên đời, khiến cho khái niệm thời gian bỗng có một ý nghĩa khác, khiến cho các thế kỷ được hòa nhập vào nhau và cái thân tứ đại cát bụi này bỗng trở lại đúng vị trí của nó : tứ đại và cát bụi.
Con người hay thấy mình nhỏ bé trước cảnh núi sông uy nghi sừng sững, nhưng trước vết tích của thời gian ? Khi ngàn năm trước sẽ nối tiếp ngàn năm sau, thì cái khoảng nam, sáu chục năm của cái mạng sống này thật có ý nghĩa to tát như ta thường nghĩ không ? Và những phiền não hằng ngày làm cho tim óc hao mòn ấy có thật to lớn như ta hằng tưởng ?
Bạn đọc có thể đặt câu hỏi vậy chuyến đi hành hương vừa qua, điều kiện nào cũng tuyệt vời, người nào cũng trở nên dễ thương, tốt đẹp thánh thiện như tôi tả hay sao ? Như một hãng quảng cáo lúc vẽ ra sơ đồ kiến trúc của một khu chung cư sắp khởi sự xây cất lúc nào cũng giống như một cảnh thiên đàng địa giới. Không phải vậy.
Vấn đề cầu xí ở Trung Hoa vẫn cần được đặt ra (Lonely Planet đã chẳng cảnh cáo rằng nhiều nơi vẫn chưa được chùi rửa từ thuở triều đại nhà Hán hay sao ?), người đi vẫn có người kỳ khôi, khó chịu, bí xị, trễ nãi nhưng suy nghĩ cho cùng, họ cũng có cùng một cái phước được đi hành hương với mình, tức là trong một tiền kiếp nào đó, họ cũng đã gieo phúc đức, đã gần gũi thánh chúng như mình. Tập suốt đời có lẽ cũng sẽ không được như ngài Ca Diếp thề nguyện không bao giờ phê bình ai, sợ phê bình phải một vị bồ tát hiện thân độ thế, nhưng nếu nghĩ rằng chúng tôi đã từng gieo duyên với nhau để ngày hôm nay cùng mặc áo tràng xám, cùng lễ lạy một pho tượng Phật, một pho tượng Bồ Tát với nhau, thì chắc chắn sẽ còn gặp nhau nữa, sẽ còn tu hành với nhau dài lâu, và điều đó hẳn là quan trọng hơn một vài xích mích, một vài bất đồng nhỏ !
Và chuyến hành hương này được hiện hữu là nhờ công đức của từng đó người họp lại, và nếu tôi được tham dự, được thọ hưởng tất cả những niềm vui kể trên, thì tôi phải mang ơn từng ấy người không sót một người nào. Vì thế, để kết thúc bài này, tôi xin gởi đến cho tất cả những ai đã cùng đi chuyến hành hương Trung Quốc 1999 này một lời cám ơn nồng nhiệt, và hy vọng sẽ còn gặp nhau trong những chuyến hành hương khác.
none
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.64.185 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập