Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Giặc phiền não thường luôn rình rập giết hại người, độc hại hơn kẻ oán thù. Sao còn ham ngủ mà chẳng chịu tỉnh thức?Kinh Lời dạy cuối cùng
Thành công có nghĩa là đóng góp nhiều hơn cho cuộc đời so với những gì cuộc đời mang đến cho bạn. (To do more for the world than the world does for you, that is success. )Henry Ford
Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Thầy tôi »» Xem đối chiếu Anh Việt: Thầy tôi »»
Khi ra khỏi trại cải tạo Kim Sơn tỉnh Bình Định, tôi đáp chuyến tàu lửa Thống Nhất vào thẳng Sài gòn để đảnh lễ vị Bổn sư khả kính mà tôi xa cách hơn ba năm ròng. Ngôi chùa Thiền Lâm tọa lạc trên đường Lục Tỉnh Phú Lâm là nơi tôi đã theo học nhiều năm trước ngày chế độ miền nam Cộng Hòa thất thủ hiện rõ trước mặt tôi sừng sững ngôi Cửu trùng đài bên cạnh mái hiên cong vút của lầu chuông trống khi chiếc taxi ngừng ngoài cổng tam quan. Chiếc áo nhựt bình màu đà quá cũ trên tấm thân oai nghiêm to lớn của Thầy, cũng dáng dấp từ ái đôn hậu trên vầng trán mênh mông cao rộng, thầy nhìn tôi bình thản dù hình hài tôi đã thay đổi quá nhiều, mỉm cười thầy ôn tồn hỏi:
-Con mới về đấy ư?
Tôi nghèn nghẹn không nói được lời vì tháng ngày xa cách như bặt vô tín đã cho tôi những đồn đoán tin tức sai lạc, nào là thầy bị bắt đi mất tích, nào là người đã viên tịch sau những trận khủng bố dã man v.v. và v.v. khiến tôi sững sờ giây lát rồi quỳ xuống đảnh lễ ba lạy. Đến phút giây này tôi mới tin vào đôi mắt của mình với lòng kiên định, vì tháng ngày phiền não đã tăng trưởng niềm tin và ý thức rõ ràng rằng tình thương mà thầy dành cho đủ để có thể nhắc nhở và an ủi tôi giữa những cơn sóng gió của cuộc đời, và lòng kính tín đối với Tam Bảo đã giúp tôi an nhiên vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó. Đã bao lần tưởng như gục ngã trước những đe dọa, khảo tra nhưng văng vẳng từ tiềm thức vẫn nghe thầy khuyên bảo, đừng làm mất nhuệ khí để xứng đáng là người Phật tử trưởng thành trên đường tu học. Và đó là sức mạnh giúp tôi vươn lên khỏi đớn đau hèn mọn.
Thầy vào hậu liêu tĩnh tọa, tôi lần mò lên gác chuông thỉnh mấy tiếng hồng chung cầu nguyện. Các vị sư huynh của tôi đã lần lượt ra đi và chốn già lam vẫn muôn đời thanh tịnh. Thầy không mừng rỡ khi thấy tôi về mà cũng không xót xa khi tôi ngộ nạn, tâm Thầy không vì hạnh phúc của tôi mà vui, cũng không vì khổ đau của tôi mà buồn; chỉ có sự tinh tấn để thấy được lẽ thật của cuộc sống như niềm đau nổi khổ tột cùng cần phải vượt thoát thì mới làm thầy hoan hỷ mĩm cười.
Tôi tự tay nấu nước pha trà dâng cho Thầy như năm tháng xa xưa, đợi chung trà cạn chén tôi ngập ngừng trình lên ý nghĩ vượt biên, khó khăn lắm mới dám mở miệng nói những điều riêng tư, ích kỷ. Thầy tôi dạy, đừng mong cầu gì cả, cứ thản nhiên chấp nhận hiện hữu, không sợ hãi oán thù, tập kham nhẫn kiên trì và lắng nghe thời gian trôi chảy vì đi tìm hạnh phúc hay tránh né khổ đau qua lăng kính và ngôn ngữ trần gian chỉ là ảo tưởng. Như con chim sơn ca hót véo von ngoài thềm, thích hay không, đẹp hay xấu, xanh vàng đỏ tia hoặc nóng lạnh, buồn vui cũng mặc kệ cuộc đời, nó cứ hồn nhiên hót líu lo bất tận thì dính dáng gì đến ai mà khen chê bình phẩm?. Những âm thanh và hình ảnh đó theo tiết độ không gian và thời gian trôi chảy cùng mạch sống đi qua là lẽ tự nhiên của thiên thu muôn thuở. Nếu chận lại tiến trình biến dịch thì hoa không tàn, nước không trôi, chim muông ngừng hót thì ôi thôi cuộc đời trường cữu hay tàn lụi trơ trơ? Hãy tập sống với vô thường để luôn luôn mới mẻ, có khổ đau để nhận lãnh hạnh phúc, tìm hạnh phúc cho mình thì bỏ khổ đau cho ai gánh chịu; cũng như ngày và đêm, không thích tối thì màn đêm cũng buông xuống, dẫu ghét ánh mặt trời thì thái dương vẫn hiển lộ ở phương đông. Mấy năm qua trải nghiệm với khổ đau và tủi nhục thì ít ra những đệ tử của Phật phải quán chiếu để thấy bản lai diện mục của nó ra sao, cái chân tướng huyền cơ chốn hậu trường hạnh phúc có mang dấu ấn của phiền não ẩn núp thế nào hầu kiến tạo bước chân chính xác không sa vào vũng lầy tham dục. Bốn sự thật diệu nghĩa thâm uyên mà Đức Thế Tôn đã khai thị đầu tiên cho nhân gian thức giấc phải chăng là thông điệp muôn đời mà làm người ai cũng phải thông qua?
Hãy đứng trên đôi chân giới đức để nhìn ngắm cuộc đời với sự trực diện vô úy, đừng trốn tránh cũng đừng lo toan quá độ để mưu tìm hạnh phúc thế gian, vì hạnh phúc đó là cạm bẫy nguy hiểm, cái ảo ảnh trước mặt của kẻ lữ hành đi trong sương đêm. nhưng thôi, chí con đã quyết thì nhớ mấy lời Thầy dặn mà tuân hành, phải sống và thể nghiệm đời sống bằng chính sự trong sáng, chân thực, trọn vẹn và an nhiên tự tại của mình, luôn là người hướng thượng, vị tha, hòa ái và thanh tịnh thì dù vào địa ngục hay lên thiên đàng cũng chẳng lìa pháp hành trì con đường tuệ giác của Phật. Chân lý thì luôn hiện hữu ở cõi sa bà hay chốn tịnh độ nhưng phải ngắm nhìn mới thấy, phải lắng tai mới nghe và chiêm nghiệm tâm linh để thể hội trong tâm tư sâu kín.
Thầy tôi dạy mấy lời nhưng tôi đã học Người qua oai nghi phạm hạnh từ lâu, dù ít nói, ít cười nhưng bậc thạc đức luôn tỏa ra bao niềm bi mẫn từ ái khiến đàn na cảm niệm triêm ân. Sáng sớm hôm sau tôi dậy sớm, pha bình trà thật thơm đặt trên chiếc đôn dâng sáng cho Thầy rồi tiến về chánh điện thắp hương đảnh lễ chúc tán thù ân. Khi xướng danh hiệu chư Phật, Bồ tát và chư vị Lịch đại tổ sư tôi không cầm được nước mắt khi thụp lạy đến công ơn huấn dục:
“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”
*
* *
Mùa Phật Đản năm Canh Tý 1960, mẹ đã ẵm tôi đến Sắc Tứ Từ Lâm Tự quy y Tam bảo với vị danh tăng trú trì nhân dịp khánh thành đại hùng bửu điện nơi đây. Thầy tôi tức Bổn sư truyền giới là Hòa Thượng Thích Trí Hưng, pháp danh Chơn Miên, pháp tự là Đạo Long, thế danh là Nguyễn Tăng bởi cha mẹ hoài vọng cho Thầy đi tu từ thuở bé.
Cũng nhân dịp này xin mạn phép ghi lại đôi hàng tiểu sử Thầy tôi dù biết rằng sanh trụ dị diệt còn gì là sắc tướng. Thầy sanh tại làng Thạch Trụ, xã Đức Mỹ, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày mùng Tám tháng Bảy năm Mậu Thân (1908) trong gia tộc đại quan triều đình nhà Nguyễn. Thân phụ Thầy là quan Đại thần Cần Chánh Đại học sĩ Nguyễn Thân, mẫu thân là bà Nguyễn Thị Định đều là những Phật tử thành tín và ngưỡng mộ đức Đệ tứ Tổ sư Thích Giác Tánh chùa Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn, ngôi cổ tự và cũng là danh lam đệ nhất tỉnh Quảng Ngãi. Tổ Giác Tánh một hôm phú chúc cho quan đại thần rằng, sau này ông bà sẽ có một người con đủ đạo hạnh xuất gia tu học, nên khi được sinh ra thì thân sinh liền đặt tên Thầy là Tăng (Tăng là tu sĩ) và mang lên chùa Thiên Ấn xin quy y với đệ ngũ tổ Hoằng Phúc cho pháp danh Chơn Miên (Miên là trường cửu) lúc Thầy chưa đầy hai tháng tuổi.
Không ra ngoài khuôn giáo của các quan thần triều Nguyễn, Thầy được đưa vào trường Quốc Học Khải Định rồi đến trường nhà dòng Thiên Chúa Giáo Pellerin tại Huế để theo bậc tiểu học và trung học. Với lễ nghi phong tục quý tộc chịu sự ảnh hưởng của Khổng giáo nên gia đình buộc Thầy lập gia thất năm Đinh Mão 1927 lúc chưa tròn hai mươi tuổi. Sau ba năm gia duyên ràng buộc, Thầy vẫn tham học đạo pháp với Hòa Thượng Thích Diệu Nguyên và thấy cảnh thế gian vô thường, phiền não bất tận nên năm Canh Ngọ 1930 Thầy quyết tâm cát ái ly gia chọn vùng núi Đá Đen tại thôn Cổ Lũy lập thảo am nghiền ngẫm giáo pháp vi diệu, sau này nơi đây được mệnh danh là Thạch Liêm, tức là cái hộp đá để kỷ niệm bước đầu nhập đạo.
Thuộc lòng bộ luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, Cảnh Sách và nhị thời khoá tụng trong khoảng vài ba năm, Thầy xin thọ giới Sa Di năm Quý Dậu 1933 với Hòa Thượng Hoằng Thạc, Trụ Trì Sắc tứ Thạch Sơn Tự, được pháp hiệu là Đạo Long. Đại giới đàn năm Giáp Tuất tổ chức tại chùa Thạch Sơn Thầy xin thọ Tỳ Kheo tức Tam đàn Cụ túc giới. Sau mấy mùa an cư kiết hạ với đức hạnh và tài năng tiến bộ trong khi Bổn sư Hoằng Thạc tuổi già, sức yếu bèn phú pháp cho Thầy hiệu là Trí Hưng để hoằng dương Phật đạo, đồng thời toàn thể sơn môn cùng thiện tín công cử Thầy đảm trách chức vụ Giám tự Sắc Tứ Thạch Sơn để điều hành và phát triển giảng đường, trượng thất, chánh điện thêm trang nghiêm, thanh tịnh.
Phong trào chấn hưng Phật giáo được đề xướng khắp Bắc Trung Nam từ sự khởi xướng của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám nên năm Mậu Dần (1938), Hội An Nam Phật Học tỉnh Quảng Ngãi được thành lập cung thỉnh nhị vị Đại lão Hòa thượng Thích Hoằng Thạc và Tăng Cang Thích Diệu Quang làm Chứng minh Đạo sư kiêm cố vấn đạo hạnh cho Tỉnh hội, Thầy được chư sơn môn thuộc sáu phủ huyện (Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức và Đức Phổ) công cử đảm nhiệm chức vụ Kiểm Tăng tỉnh Quảng Ngãi. Với trách nhiệm quan trọng cho tiền đồ Phật Giáo ở giai đoạn phát triển, Thầy trở thành nhân tố tích cực vận động khắp nơi ủng hộ bước mở đầu quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Năm này, Thầy trùng tu chánh điện Tổ đình Thiên Ấn, và làm đệ nhất tôn chứng cho đại giới đàn Chùa Phước Sơn, Bồng Sơn, tỉnh Bình định.
Với đức độ và việc hành trì Phật pháp nghiêm mật cũng như tinh tấn trong cuộc vận động chấn hưng Phật Giáo khắp nơi nên được triều đình nhà Nguyễn sắc chỉ chuẩn phong Thầy là Tăng Cang và chùa Từ Lâm do Thầy kiến tạo được vua ban Sắc Tứ vào giữa năm Kỷ Mão 1939. Cuối năm này Thầy chính thức trụ trì chùa Thạch Sơn kiêm nhiệm chức vụ Kiểm Tăng Sơn Môn lần thứ hai để chỉnh đốn hàng ngũ Tăng Ni lập tăng tịch, kiến nghị chính phủ xác nhận danh lam cổ tự và xây dựng nhiều chốn Già lam uy nghiêm để đào tạo tăng tài. Tổ Phước Huệ trú trì chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định tán thán công đức mà Thầy đã tu tạo nên đề tặng Thầy bức hoành phi với bốn đại tự “Giác Hoàng Tứ Nhơn” vẫn còn treo trong phương trượng đường.
Thầy làm Giáo Thọ A xà Lê cho đại giới đàn chùa Thiên Phước quận Mộ Đức năm Giáp Thân 1944 tấn phong Hòa Thượng Khánh Hạ đương vi Đàn Đầu Hòa Thượng, và làm Yết ma A xà lê sư cho giới đàn chùa Thiên Đức ở Gò Bồi Bình Định năm Ất Dậu 1945. Khi trở về chùa Thiên Ấn thì bão lụt khá nặng làm hư hại rất nhiều, Thầy bắt tay vào việc trùng tu và trở thành Kế Tổ Sắc Tứ Thiên Ấn tự.
Mùa an cư kiết hạ năm Đinh Hợi 1947 tại Huế, Thầy được chư sơn môn tỉnh Thừa Thiên công cử chức vụ Tổng Thư Ký Hội đồng Trị sự kiêm chức Tòng Lâm Thuyền Chủ của tổ chức Chư Sơn Thuyền Lữ có trụ sở đóng tại chùa Ngự Chế Diệu Đế. Sau mùa an cư hoàn mãn Thầy lại được cung thỉnh trụ trì Tổ đình Huệ Lâm, và từ đó, Thầy vẫn nguyên vị chức Tòng Lâm Thuyền Chủ kiêm Hội trưởng Sơn môn Tăng Già Trung Việt.
Uy tín và đạo hạnh đã bay xa nên Hội Phật Học Tăng Già Bắc Việt cung thỉnh Thầy ra Hà Nội năm Nhâm Thìn 1952 để chia sẻ những kinh nghiệm về việc chấn hưng Phật Pháp tại chùa Thần Quang Ngũ Xá do Tổ Vĩnh Tường trú trì, dịp này Thầy vấn an Tổ Thuyền gia Pháp chủ Mật Ứng tại chùa Hòa Giai, Sư cụ chùa Bà Đá và chiêm bái các danh lam thắng tích Thăng Long.
Công cuộc trùng tu Sắc Tứ Thiên Ấn Tự đã hoàn thành vào tháng Ba năm Ất Mùi 1955 nên Thầy trở về Quảng Ngãi vận động thành lập Hội Phật Giáo tỉnh nhà với danh xưng hợp pháp để hành đạo trong một thể chế quốc gia giao thời.
Ngày 29 và 30 tháng Tư năm Mậu Tuất 1958 tại chùa Sắc Tứ Từ Lâm, Phú Thọ đã khai sinh Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam với nhiều tỉnh hội, quận hội và chi hội khắp Trung phần, Thầy được công cử chức vụ Tăng trưởng tỉnh hội Quảng Ngãi đầu tiên.
Mùa đông năm Canh Tý 1960 chùa Sắc Tứ Từ Lâm vừa sửa sang xong với lễ khánh thành rất trọng thể, tăng phòng đủ rộng để khai mở hạ trường vào mùa Phật Đản năm Tân Sửu 1961 do Thầy làm Hóa chủ. Mùa Vu lan năm ấy Đại giới đàn Từ Lâm tấn phong Thầy đương vi Đàn đầu Hòa Thượng (6-7-8 tháng 7 năm 1961) với nhiều vị danh tăng toàn quốc làm Tam sư Thất chứng A xà lê sư.
Tình hình chính trị vô cùng phức tạp đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ XX và nhất là sau khi chính quyền Tổng thống họ Ngô gia tăng việc đàn áp Phật Giáo nên Thầy cùng chư tôn đức khác vận động thành lập Giáo Hội Trung Ương Phật Giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam để chỉ đạo và điều hành Phật sự toàn quốc hữu hiệu hơn, do vậy ngày 12 tháng Sáu năm 1963 tại Tổ Đình Giác Lâm thuộc Phú Thọ Hòa, tỉnh Gia Định đại hội thành công và suy cử Đức Tăng Thống là Hòa Thượng Thích Huệ Tâm, và Thầy là Phó Tăng Thống Quản Tăng kiêm Viện Trưởng Viện Hành Đạo Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam.
Cuộc đấu tranh của Tăng Ni Phật tử chống lại việc kỳ thị tôn giáo là trang sử bi hùng của Phật giáo Việt Nam hiện đại, bao nhiêu máu và nước mắt của các Thánh Tử Đạo đã đổ xuống để thẩm thấu vào lương tâm nhân loại ủng hộ cuộc đấu tranh chánh nghĩa dẫn đến vụ sụp đổ chế độ đệ I Cộng Hòa bởi cuộc đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm ngày 1 tháng 11 năm 1963. Dù vậy, khi chính phủ dân sự quản trị đất nước cũng là lúc sự manh nha ý thức chính trị trong tâm thức một số vị lãnh đạo Phật Giáo trỗi dậy, do đó Đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm Giáp Thìn 1964 chưa phải là thời cơ thuận tiện cho Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn và Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền tham dự với tính cách thành viên chính thức. Vài năm sau Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất rơi vào cuộc khủng hoảng mới bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các tổ chức Phật giáo trong Giáo Hội vừa mới thống nhất, Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn cũng như Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền vẫn tôn trọng và không can dự vào.
Cũng năm này Tổ đình Linh Sơn Trường Thọ tại núi Tà Cú tỉnh Bình Tuy khánh thành tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nhập diệt dài 59 thước dưới sự chứng minh của Thầy. Đến ngày 13 tháng 2 năm Ất Tỵ 1965 thì Thầy được cung thỉnh trụ trì chùa Thiền Lâm bên cạnh Cửu trùng đài tại số 570/2 đường Lục Tỉnh, Phú Lâm, Chợ Lớn. Chính nơi đây Thầy tiếp kiến nhiều vị danh Tăng ngoại quốc như Đại đức Narada Maha Théra đến từ Tích lan, Thượng Tọa Yoshioka thuộc Phật giáo Tăng già Nhật Bản, Hòa Thượng Hội trưởng Phật Giáo Nam Hàn, Đài Loan, trong những dịp như vậy, Thầy đã gởi gắm một số tăng ni sinh xuất dương du học hầu sau này thành những bậc thiệu long thánh chủng.
Mùa Phật Đản Bính Thìn 1976, Thầy khai mở hạ trường tại chùa Thiền Lâm, nghinh tiếp hơn một trăm Tăng, Ni khắp nơi quy tụ và Thầy đảm trách Thiền chủ kiêm Hóa chủ hạ trường. Năm 1980, một số tôn túc vận động Thầy quang lâm chùa Quán Sứ Hà Nội để thành lập Phật Giáo Việt Nam, Thầy điềm nhiên chỉ tay lên đại hùng bửu điện trả lời: Chúng tôi chỉ có một vị đạo sư đang ngồi kia kìa, đó là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, chúng tôi ra Hà Nội để tìm ai nữa đây?
Thầy sống cuộc đời bình thường qua nhiều thể chế thăng trầm của đất nước. Nhưng với tôi, thầy là người phi thường vì ít ai sống trong gia tộc quyền thế mà có thể cát ái ly gia. Dĩ nhiên Thầy không phải bất thường để mang cả giáo hội khoe khoang chỗ nọ, chốn kia mà hẳn nhiên chẳng bao giờ tầm thường để khúm núm cúi đầu viếng thăm lăng “bác”. Tôi hiểu Thầy sống “bình thường tâm thị đạo” chính là cái “đương như” của kẻ "bất muội nhân quả" chứ không phải "bất lạc nhân quả", cũng bình thường trong cảnh khổ đau, cũng bình thường nhìn đời vô thường và ý thức tấm thân vô ngã; một nhân cách an nhiên từ hòa, khiêm cung bình dị khiến bao nhiêu pháp lữ và đệ tử cảm kích.
*
* *
Chuông điện thoại reo vang trong đêm khuya khi bào huynh tôi từ Canada báo tin ân sư đã xả bỏ huyễn thân để trở về Pháp thân thường trụ vào sáng ngày 14 tháng 9 năm Bính Dần nhằm 17-10-1986 tại chùa Thiền Lâm, trụ thế 80 năm với gần 60 hạ lạp. Tôi bất động hồi lâu như chưa tin những gì bào huynh vừa nói, nỗi bi thiết tự sâu kín dâng lên và hình bóng Thầy uy nghiêm đang thị hiện huyễn tướng sinh diệt đặng rời bỏ trần gian làm cho người đệ tử phương xa thổn thức vô ngần.
Thầy ơi! Con biết làm gì đây với ngàn trùng xa cách, những tưởng một ngày bình an trên quê hương con lại quỳ gối, hầu quạt cho thầy thọ trai trên chiếc đôn nhoẵng bóng ngày nào. Hành trạng tu tập và công đức hoằng hóa cao sâu của Thầy đã cho con một ít tri kiến nhưng không đủ ngôn ngữ trần gian để trải bày cảm xúc.
Đêm đã khuya lắm rồi, tôi đốt trầm hương dâng lên bàn thờ Phật, lặng lẽ cắt một mảnh vải vàng gắn lên vạt áo tràng, mặc cho giòng lệ rơi dù vẫn nghe Thầy dạy, lẽ sinh diệt mất còn sao đệ tử Như Lai vẫn hoài nghi chẳng thấu?
Thời khóa Lăng Nghiêm vừa xong thì ánh sáng mùa Thu cũng òa chiếu đến. Tôi chế một bình trà thật thơm kính cẩn dâng lên Giác Linh và xướng lễ :
-Nhất tâm đảnh lễ Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Thế, Đệ Lục Tổ Thiên Ấn, Khai Sơn Tổ Đình Sắc Tứ Từ Lâm Tự, thượng Đạo hạ Long húy Chơn Miên hiệu Tăng Cang Trí Hưng Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh Sư chứng minh.
Lòng thanh thản nhẹ nhàng, tôi bèn lấy giấy bút viết đôi dòng ai điếu, ngưỡng vọng tôn sư từ bi nạp thọ:
Trí huệ thiền gia ban ân bố đức tinh hoa Việt tộc chơn tự tại.
Hưng quang Phật hội đạo cao nghĩa trọng lương đống lạc bang vĩnh vô sanh.
Đệ tử Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.10.207 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập