Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Sống trong đời cũng giống như việc đi xe đạp. Để giữ được thăng bằng bạn phải luôn đi tới. (Life is like riding a bicycle. To keep your balance you must keep moving. )Albert Einstein
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Để có thể hành động tích cực, chúng ta cần phát triển một quan điểm tích cực. (In order to carry a positive action we must develop here a positive vision.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chư Bồ Tát Cảm Mộ Ân Đức Phật A Di Đà »» Xem đối chiếu Anh Việt: Chư Bồ Tát Cảm Mộ Ân Đức Phật A Di Đà »»
Do nhân duyên là mười phương Bồ tát đến cõi Cực Lạc nghe nhận sự giáo hóa và cúng dường A Di Đà Phật, các Ngài tận mắt thấy cõi Cực Lạc thù thắng, trang nghiêm, thanh tịnh vượt xa mười phương, lại thấy rõ câu Phật hiệu có công đức phổ độ hết thảy muôn loài chúng sanh, nên các Ngài cảm mộ ân đức của Phật A Di Đà mà đồng phát đại bi tâm, nguyện mình khi thành Phật cũng sẽ thành tựu cõi Tịnh độ giống như vậy, để tế độ chúng sanh đến tột cùng đời vị lai giống như Phật A Di Ðà, nên Kinh Vô Lượng Thọ ghi: “Nhân phát tâm vô thượng. Nguyện chóng thành Bồ Ðề.”
Kinh Duy Ma cũng nói: “Bồ tát dùng những sự trang nghiêm của các Tịnh Ðộ, để tạo thành cõi Phật của chính mình.” Nay, Chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ với tâm thái cũng giống vậy! Mỗi khi chúng ta đọc kinh, nghe giảng kinh hãy liên tưởng chính mình cũng giống như mười phương Bồ tát đi đến cõi Cực Lạc để lễ cúng nghe pháp. Sau khi chúng ta lãnh hội trọn đủ giáo nghĩa của đức Như Lai, bèn lấy danh hiệu A Di Đà Phật và Tây Phương Cực Lạc thế giới làm cảnh để niệm, làm mục tiêu, phương hướng để đạt tới.
Có người thấy chúng ta Quán Cảnh như vậy, bèn nghĩ Phật đã từng nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức,” tức là “ngoài tâm chẳng có cảnh,” thì người tu hành chỉ nên Quán Tâm, sao lại Quán Cảnh? Nhà Thiền chủ trương Quán Tâm, chẳng Quán Cảnh; quán như vậy có thể thành công hay không? Đương nhiên là có thể thành công! Thế nhưng, cảnh giới Quán Tâm chẳng phải là phàm tình chúng sanh có thể làm nổi! Trong Đàn Kinh, chúng ta thấy đối tượng tiếp dẫn của Lục Tổ đại sư đều là những bậc thượng thượng thừa, người như vậy mới có tư cách Quán Tâm. Ngay cả các bậc căn cơ Đại Thừa cũng chẳng có mấy ai làm được nổi chuyện này, huống hồ hạng trung hạ căn! Thật thà mà nói, phần đông chúng ta ngay cả tư cách trung hạ còn chưa có, thì làm sao có thể chủ trương Quán Tâm, chẳng Quán Cảnh? Do vậy, chúng ta phải biết, tuy Quán Tâm là một biện pháp rất tốt đẹp, là một con đường tắt trong pháp môn Đại Thừa, nhưng kẻ bình phàm chẳng thể làm được!
Thiền do Đạt Ma tổ sư truyền sang Trung Hoa là Quán Tâm. Thế nhưng, về sau, căn tánh của học nhân ngày càng kém cỏi, chẳng có cách nào Quán Tâm; cho nên, tổ sư bèn đổi sang dùng Tham Thoại Đầu. Tham Thoại Đầu là gì? Hư Vân Đại Lão Hòa Thượng bảo: “Khi muốn nói một lời, phải nổi niệm mới có thể nói ra, khi chưa nổi niệm muốn nói, thì gọi là thoại đầu; nếu đã nổi niệm mặc dù chưa nói ra miệng, đã thành thoại vĩ, là cuối chứ chẳng phải đầu.” Tỷ dụ: Trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt mũi bổn lai của ta ra sao? Cái ra sao đó chính là nghi tình, là dấu hỏi. Cái bổn lai diện mục của ta trước khi cha mẹ sanh ra chẳng phải là tâm, chẳng phải là Phật, cũng chẳng phải là vật thì là cái gì? Cái gì đó cũng chính là nghi tình, cũng chính là dấu hỏi. Khi chúng ta đưa ra câu hỏi mà không biết, bèn kích thích nghi tình; thì đấy chẳng phải là Tham Thoại Đầu, mà là Vĩ Thoại Đầu. Nói cách khác, Tham Thoại Đầu là lấy câu thoại làm mục tiêu để tìm hiểu đáp án, chớ chẳng phải để kích thích nghi tình.
“Tham Thoại Đầu” còn gọi là Tham Thiền hay Khán thoại đầu. “Khán” có nghĩa là nhìn, chẳng phải dùng con mắt để nhìn, mà chỉ dùng cái tâm để nhìn, nói đúng hơn là dùng Tánh Thấy để nhìn. “Tham thoại đầu” là dùng một tâm để nhìn và hỏi phải cùng một lúc, chớ chẳng phải dùng tam tâm, nhị ý để nhìn, để hỏi. Do đó, nếu hành nhân dùng tam tâm, nhị ý để nhìn, để hỏi hay để tìm hiểu đáp án của câu thoại thì chẳng phải là Tham Thoại Đầu nữa, mà là Tham Thoại Vĩ. Trong Tham Thoại Vĩ có khởi tâm động niệm, có nghi tình; đấy đều là vọng niệm, chẳng phải là chánh niệm của Đại Thừa.
Nói thật ra, Tham Thoại Đầu rất gần với niệm Phật, chẳng sai khác cho mấy, mục tiêu cùng là để đạt tới cảnh giới Nhất Tâm. Thế nhưng, Tham Thoại Đầu chỉ có thể đắc Định, chẳng thể khai ngộ. Niệm Phật của Tịnh tông và Quán Tâm của Thiền tông có thể khai ngộ. Đắc Định trong Tham Thiền (hay Tham Thoại Đầu) đã là khó khăn đến mức như vậy, người bình thường như chúng ta chẳng thể làm nổi, thì làm sao có thể Quán Tâm đây? Mà dẫu có thể đắc định trong Tham Thiền thì quả báo cũng chỉ là sanh vào Tứ Thiền Thiên, chẳng thể thoát ra khỏi tam giới. Thậm chí, trong lúc Tham Thiền, dù đạt được công phu định lực khá cao, nhưng trong tâm còn có đôi chút nghi ngờ, muốn tìm hiểu đáp án của câu thoại bèn là khởi tâm động niệm, đánh mất đi cái tâm thanh tịnh đã đạt được, thế là chẳng còn là Tham Thiền nữa, liền bị đọa lạc trong cảnh giới nghi tình, ngăn ngại.
Lão pháp sư Đàm Hư có kể câu chuyện của một đồng học của Ngài, tức là một đồ đệ của lão hòa thượng Đế Nhàn. Vị ấy tham thiền ở chùa Giang Thiên thuộc Trấn Giang suốt hai mươi mấy năm. Về sau, vị ấy làm đến chức Thủ Tọa chùa Giang Thiên, được đại chúng vô cùng tôn kính, nên tâm ngạo mạn dấy lên, cảm thấy chính mình lỗi lạc lắm, ma chướng bèn hiện tiền. Trong tâm có đôi chút ngăn ngại, chẳng thanh tịnh, kiêu căng, ngã mạn. Thế là oan gia trái chủ bèn có chỗ để tìm được ông ta. Oan gia chính là bà vợ của ông ta. Vì khi ông xuất gia, bà vợ không cam lòng bèn tự sát, hồn ma của bà vợ vẫn luôn quanh quẩn bên ông ta, không lúc nào rời khỏi. Nhưng do bản thân ông ta có công phu tu hành, có thần hộ pháp bảo vệ, nên hồn ma chẳng có cách nào tiếp cận. Đến khi ông ta dấy lên ý niệm kiêu căng, ngã mạn, đánh mất đạo tâm, thần hộ pháp bỏ đi, oan hồn của bà vợ liền dựa thân, nên ông ta trở thành điên điên khùng khùng, cuối cùng nhảy sông tự vận, trở thành Thổ Địa Công. Thổ Địa Công là địa vị gì? Là chức lý trưởng trong ngạ quỷ đạo. Tham thiền suốt mấy chục năm, rốt cuộc lúc cuối đời bị ma dựa, lúc chết còn bị đọa trong quỷ đạo, có phải là oan uổng lắm không?
Vì sao bị ma dựa? Tâm chẳng thanh tịnh! Tâm chẳng thanh tịnh chính là nội ma! Kinh Bát Đại Nhân Giác nói tới bốn loại ma, trong đó nội ma chính là phiền não tham, sân, si, mạn, nghi. Nội ma (tham, sân, si, mạn, nghi) làm nội gián kết hợp với ngoại ma, quấy phá chúng ta. Sau khi đã thật sự liễu giải đạo lý này, lại hiểu rõ “lý, cơ, thời, xứ” của pháp môn niệm Phật vãng sanh, thì mới biết công đức chẳng thể nghĩ bàn của danh hiệu A Di Đà Phật là như thế nào. Chúng ta niệm Phật là tu cả ba thứ Giới-Định-Huệ cùng một lúc nhằm đoạn tham, sân, si, mạn, nghi, tẩy chay tên nội ma. Do bên trong chẳng có gian tế của ma, nên dẫu ma bên ngoài có sức mạnh lớn đến mấy, bên trong chẳng có gì làm nội ứng cho nó, ma đành bó tay, hết đường xoay sở đối với chúng ta. Chúng ta sợ nhất là nội ma, nếu trong tâm có nội gián của ma, trong ngoài phối hợp với nhau, thì chúng ta xong đời!
Đức Phật nói hai câu: “Ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh chẳng có tâm.” Nhưng cớ sao, phần đông người tu Thiền lại bỏ mất câu sau “ngoài cảnh chẳng có tâm”? Tâm là cái tâm nơi toàn thể cái cảnh, cảnh là cái cảnh trong toàn bộ cái tâm. Nếu chúng ta nhớ câu đầu, bỏ mất câu sau, hoặc nhớ câu sau bỏ mất câu đầu, bèn rơi vào chấp trước. Chấp “ngoài tâm không có cảnh” là chấp Không. Chấp “ngoài cảnh chẳng có tâm” là chấp Có. Hễ một khi đã khởi tâm chấp trước, trí huệ bèn bị che lấp, rơi vào tà kiến. Tà kiến là gì? Tà kiến cũng chính là nội gián của ngoại ma!
Sau khi chúng ta đã hiểu rõ điều này, niệm cảnh và niệm tâm có gì khác nhau chứ? Chẳng khác nhau, tâm và cảnh là như nhau, tâm cảnh là bất nhị. Nhưng do pháp Quán Tâm quá sức khó, Tham Thoại Đầu cũng chẳng dễ cho mấy, phàm phu chúng ta chẳng thể làm nổi, nên Phật dạy chúng ta hãy niệm cảnh, niệm cảnh cũng chính là niệm tâm, có gì mà chẳng thể đạt được? Hễ ai biết khéo dùng phương tiện thiện xảo của Phật, kết quả cuối đều sẽ giống nhau, thì tại sao phải chọn pháp khó hành? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ Phật pháp, biết tám vạn bốn ngàn pháp môn chánh xác chỉ là một pháp, bèn là hiểu chẳng sai lầm. Nếu trong tâm thấy có hai, ba pháp, bèn có mâu thuẫn xung đột. Học Phật mà trong tâm lại sanh ra những ý niệm mâu thuẫn xung đột là chướng ngại trong Phật pháp, chớ chẳng phải là thành tựu Phật pháp.
Lục Tổ Huệ Năng nói: “Hai pháp chẳng phải là Phật pháp,” huống gì là tám vạn bốn ngàn pháp môn! Khi nào chúng ta thật sự thấy tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ là một pháp, thì khi ấy mới thật sự biết Phập pháp là gì! Thật vậy, “pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp,” chẳng thể nói pháp môn này hay, pháp môn kia chẳng hay, chẳng thể nói như vậy được. Chúng ta chỉ có thể nói là pháp môn này khế hợp căn cơ của loại người nào đó, pháp môn kia khế hợp căn cơ của hạng người khác, chỉ có thể nói theo kiểu như vậy mà thôi.
Nếu luận theo căn tánh của người thời nay thì tu pháp môn nào khác với niệm Phật cũng đều chẳng thể thành tựu. Thật đấy! Chúng ta muốn tu Thiền, nhưng chẳng có Bát Nhã, vô tri thì làm sao có thể Quán Tâm. Nay, chúng ta hạ công phu tu Thiền xuống một bực trong Thiền môn, muốn Tham Thiền, tức tu pháp Tham Thoại Đầu, nhưng vừa khởi tâm thắc mắc, nghi ngờ, muốn khởi lên câu hỏi bèn chẳng phải là Tham Thoại Đầu nữa, thì phải bắt đầu tu như thế nào đây? Thời nay, có biết bao nhiêu người tu Thiền, nhưng chẳng hiểu biết Thiền trong Phật giáo là gì, cũng chẳng biết phải bắt đầu tu từ đâu, lại cũng chẳng thể tìm được một Thiền sư có thành tựu thật sự để thọ giáo, nên họ tu mãi cho đến già gần chết mà vẫn chẳng có một chút thành tựu gì hết. Lúc sắp chết, quay đầu thức tỉnh, muốn niệm một câu Phật hiệu cầu A Di Đà Phật đến cứu thì quá muộn rồi.
Chư Bồ tát trong mười phương thế giới đến cõi Cực Lạc, lễ cúng A Di Đà Phật và lắng nghe A Di Đà Phật thuyết giảng pháp xong, hết thảy đều khai minh, tâm được mở sáng và phát lên những âm thanh hòa nhã, vi diệu tán thán ân đức bố thí pháp của Phật A Di Đà. Liền ngay sau đó, A Di Đà Phật mỉm cười, hiện thân sắc vàng ròng, từ nơi miệng lại phóng ra quang minh chói lọi chiếu khắp mười phương tất cả các cõi nước Phật. Quang minh ấy lại được thâu về nhiễu quanh Phật ba vòng, cuối cùng nhập vào đảnh đầu của Phật. Bồ Tát thấy tướng hào quang hiện ra như thế, liền biết đây chính là hiện tượng Phật A Di Đà đang thọ ký Bồ đề cho họ, nên họ đồng sanh tâm hoan hỷ, và liền chứng ngôi bất thối, quyết định thành Phật.
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.67.218 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập