Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Ai sống quán bất tịnh, khéo hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần, ma không uy hiếp được, như núi đá, trước gió.Kinh Pháp cú (Kệ số 8)
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Tôi phản đối bạo lực vì ngay cả khi nó có vẻ như điều tốt đẹp thì đó cũng chỉ là tạm thời, nhưng tội ác nó tạo ra thì tồn tại mãi mãi. (I object to violence because when it appears to do good, the good is only temporary; the evil it does is permanent.)Mahatma Gandhi
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Kẻ thù hại kẻ thù, oan gia hại oan gia, không bằng tâm hướng tà, gây ác cho tự thân.Kinh Pháp Cú (Kệ số 42)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Sự giúp đỡ tốt nhất bạn có thể mang đến cho người khác là nâng đỡ tinh thần của họ. (The best kind of help you can give another person is to uplift their spirit.)Rubyanne
Ngu dốt không đáng xấu hổ bằng kẻ không chịu học. (Being ignorant is not so much a shame, as being unwilling to learn.)Benjamin Franklin
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Nhân vật Phật giáo »» Xem đối chiếu Anh Việt: Cuộc đời và sự nghiệp Tổ Sư Khương Tăng Hội »»

Nhân vật Phật giáo
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Cuộc đời và sự nghiệp Tổ Sư Khương Tăng Hội

Donate

(Lượt xem: 6.850)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Cuộc đời và sự nghiệp Tổ Sư Khương Tăng Hội

I. Dẫn Nhập

Đạo Phật truyền vào Việt Nam bằng con đường hàng hải. Đây chính là thể thức giao tiếp của các nước lân cận thời ấy. Người dân qua lại giao hảo bằng những đoàn thương thuyền để trao đổi hàng hóa cần dùng như tơ lụa, quế, tiêu… các vật dụng hàng ngày. Trên những đoàn thương thuyền ấy đã mang theo các nhà Sư Ấn Độ, để họ tụng kinh cầu nguyện cho được bình an. Đây là quan niệm và cũng là niềm tin tôn giáo được khẳng định một cách tích cực trong những sinh hoạt hàng ngày của dân hàng hải thương nghiệp này.

Từ đây, chúng ta hiểu được rằng, đạo Phật có mặt trên quê hương Việt Nam từ thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch. Con đường hoằng pháp của chư Tăng quá ư là đơn giản, không nhu cầu, phương tiện to tát mà chỉ được xem như là người thương lái trong đoàn hàng hải, nhưng họ có một niềm tin kiên cố. Chư Tăng có thể tụng kinh, niệm Phật thắp hương, đốt trầm trên những con thuyền đó. Nếp sống tâm linh ấy đã in sâu vào tâm thức người dân Ấn Độ. Đời sống tâm linh này đã được sinh hoạt thường nhật dù nơi quê hương Ấn Độ hay Việt Nam… thời bấy giờ. Chính vì sự sinh hoạt tâm linh này mà người Việt Nam mới biết đến đạo Phật. Ngoài tinh thần văn hóa Phật giáo, người Việt Nam cũng đã học thêm được nhiều điều khác của nền văn hóa dân gian, cách trồng cấy, lương thực, thảo dược, y học v.v… nhờ vậy mà đời sống xã hội đã có một bước tiến xa hơn.

Trong những đoàn người thương lái ấy, có Thân phụ Tổ Sư Khương Tăng Hội đã đến Giao Chỉ, lưu lại và lập nghiệp nơi đây, có lẽ vì tìm ra vùng đất mới thích hợp cho nếp sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc, thân sinh Ngài đã lập gia đình với cô gái Việt. Năm Ngài 10 tuổi cả hai bậc sinh thành đều khuất núi, kể từ đó Ngài chịu cảnh mồ côi. Mặc dù tuổi còn nhỏ, nhưng hẳn là có túc duyên nên Ngài quyết chí xuất gia, tu học đạo giác ngộ mà chính Thân phụ Ngài thuở sinh tiền cũng đã tu tập trong vai trò người cư sĩ Phật tử. Sự hiện diện của Ngài trong bối cảnh lịch sử thời ấy đã minh thị một cách hùng hồn rằng: Cây Phật Giáo Việt Nam đã ăn sâu mọc rễ vững chắc trên mảnh đất Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 sau Tây Lịch. Qua cái giá trị lịch sử ấy đã cho ta cái nhìn tường tận và hiểu biết chính xác để biết Phật Giáo Việt Nam đã có mặt trên quê hương Việt Nam sớm hơn Phật Giáo Trung Quốc có mặt trên đất nước Trung Quốc.

Phật Giáo Việt Nam tiếp nhận trực tiếp từ Phật giáo Ấn Độ, Ngài đã đi tu từ năm 10 tuổi và khi trưởng thành Ngài đã mang tinh thần Thiền học Việt Nam sang truyền giáo nơi vùng Giang Tả thời Ngô Tôn Quyền xưng Đế. Ngài mở cuộc Đông Du vào năm Xích Ô thứ 10 (247) mới đến Kiến Nghiệp. Ngài dừng chân tại đây, lập ngôi nhà tranh trú ngụ, dựng tượng Phật để thờ và bắt đầu cho công trình hoằng pháp.

II. Cuộc đời và Sự nghiệp

Thiền Sư Khương Tăng Hội, xuất gia năm 10 tuổi như đã nói ở trên. Cha của Ngài là người Khương Cư (Sogdane Bắc Ấn), Mẹ là người Việt Nam, song thân qua đời khi Ngài còn thơ ấu, được chùa nhận cho xuất gia làm chú tiểu quét lá Bồ Đề. Trong thời gian hành điệu ở chùa, Ngài được dạy học kinh điển qua hai ngôn ngữ Phạn bản và Hán tạng, từ đó lớn dần tuổi thọ đại giới. Ngoài giáo lý nhà Phật, Ngài còn làu thông Nho giáo lẫn Lão giáo. Vì bẩm chất thông minh, học đâu hiểu đó, tinh thông những cổ ngữ điển tích. Một cách khái quát chúng ta hiểu như vậy, nhưng tiếc rằng các tài liệu bị thất thoát quá nhiều nên không biết được ai là Thầy nhận Ngài làm đệ tử xuất gia và tu ở chùa nào, tên gì?

a. Trung tâm Luy Lâu - Nền Văn hóa Phật Việt thời phôi thai

Luy Lâu là tên một thủ phủ thời đó, giờ là phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nơi đây Ngài xây dựng đạo tràng để phiên dịch Đại Tạng. Vừa phiên dịch Ngài vừa giảng dạy cho chư Tăng học tiếng Phạn, chữ Nho để có kiến thức về Phật học. Tất cả mọi sự sinh hoạt hàng ngày dưới mái chùa Pháp Vân hay chùa Dâu còn gọi là chùa Diên Ứng. Chư Tăng đông, Phật tử nhiều tạo thành một Trung tâm Phật giáo phồn thịnh, mà cho đến nay Luy Lâu đã đi sâu vào tâm thức người khảo cứu Phật học. Luy Lâu đã dựng thành nền văn hóa Phật giáo căn bản trên đất Việt để từ đó đạo Phật được phát triển lớn mạnh. Sự lớn mạnh ở đây không chỉ tại Giao Châu thời đó mà con đường hoằng pháp của Ngài còn lan rộng đến vùng Giang Tả của Ngô Tôn Quyền, Trung Quốc. Hình ảnh Ngài quá mới dưới cái nhìn của người Tàu khi đó. Hình ảnh một vị Tăng đối với họ còn khác lạ, từ cách ăn mặc cho đến sự đi đứng, nói năng không giống người xã hội. Điều này chứng tỏ rằng, con đường truyền đạo từ Ấn Độ vào Việt Nam tức Giao Chỉ, rồi từ Giao Chỉ vào Trung Quốc. Do vậy, Ngài chống gậy vân du hoằng pháp vào Trung Quốc, người dân thấy lạ nên Hữu Ty tâu lên:

“Có người Hồ nhập cảnh, tự xưng Sa Môn, mặt mày áo quần chẳng thường, việc nên kiểm xét”.

Quyền nói: “Xưa Hán Minh Đế mộng thấy Thần, hiện gọi là Phật. Kẻ kia thờ phụng, há chẳng là di phong của đạo ấy ư?”. Nói xong bèn cho gọi Hội đến hỏi:

“Có gì linh nghiệm?”

Hội nói: “Như Lai qua đời, thoắt hơn nghìn năm, để lại Xá Lợi thần diệu khôn sánh. Xưa Vua A Dục dựng tháp đến tám vạn bốn ngàn ngôi. Phàm việc dựng chùa tháp là nhằm làm rõ phong hóa còn sót lại ấy.”

Quyền cho là khoa đảm, bảo Hội:

“Nếu có được Xá Lợi ta sẽ dựng tháp, nhược bằng dối trá thì nước có pháp thường.”

Qua câu chuyện ấy, chúng ta thấy, đạo Phật lúc bấy giờ hoàn toàn chưa được truyền vào đất Giang Tả này. Tôn Quyền là Vua của nước Ngô mà chưa biết đạo Phật thì làm sao dân dã bình thường thấy được hình dáng chư Tăng, nghe được Phật pháp.

Dưới dạng thức này, xã hội thời bấy giờ của Giao Chỉ hình ảnh chư Tăng và mô thức sinh hoạt cộng đồng Phật giáo rất tương lân và thân thiết trên tinh thần hòa hợp thanh tịnh. Trong bước đầu công cuộc truyền giáo này, Ngài Khương Tăng Hội là hình ảnh nổi bật như là một vị Sư Tổ của dòng Thiền Phật giáo Việt Nam, tạo lập nền văn hóa Luy Lâu tại bản địa để thấy được đôi nét về bản thân cũng như gia đình của Ngài.

Chúng ta có thể chia ra 3 mốc dữ kiện để phân định cuộc đời và nghiệp của Ngài:

- Mốc dữ kiện thứ nhất

Nơi đây xin được phép lặp lại để thấy sự lý giải của các nhà nghiên cứu về cuộc đời của Ngài. Tổ tiên Ngài Khương Tăng Hội vốn là Khương Cư, đã có nhiều đời sinh sống tại Ấn Độ, cho đến khi cha của Ngài lập nghiệp, xây dựng gia đình sinh sống nơi đất Giao Chỉ. Mốc dữ kiện lịch sử này, khả dĩ tin tưởng: “Các nước biển Nam đại để trên các đảo biển lớn phía Nam và Tây Nam của Giao Châu… Đời Hán Đế nhà Hậu Hán, Đại Tần Thiên Trúc đều do đường đó sai sứ đến cống”. Lương Thư 54 còn ghi thêm về nước Đại Tần là: “Nước đó làm nghề buôn bán thường đến Phù Nam, Nhật Nam, Giao Chỉ” (Thiền sư Khương Tăng Hội - Lê Mạnh Thát. Tr. 5). Như vậy, chính thực là cha của Ngài Khương Tăng Hội vì sự buôn bán trên các con tàu mà có mặt trên vùng đất Giao Chỉ thời ấy. Nhưng mốc thời gian không xác định được năm nào. Sau khi định cư và lập gia đình với người con gái Giao Chỉ và sinh Ngài Khương Tăng Hội. Sự kiện này đã chứng minh rằng: Ngài Khương Tăng Hội đã chịu ảnh hưởng rất lớn nơi Mẹ qua các lãnh vực, ngôn ngữ, truyền thống Lạc Việt, tư tưởng, văn hóa, tập quán… về phần ngôn ngữ đã hàm tàng qua bản dịch Lục Độ Tập Kinh hay Bài Tựa An Ban Thủ Ý làm sáng ngôn ngữ Việt một cách sâu sắc. Đây chính là yếu tố trực tiếp chịu nhiều ảnh hưởng qua tính di truyền của Mẹ. Chứng tỏ Mẹ Ngài mang dòng máu Việt tộc ấy phải là người phụ nữ đoan trang, thuần hậu có học thức cao qua nền văn hóa Luy Lâu thời cực thịnh. Bởi vì những ngôn ngữ được sử dụng trong Lục Độ Tập Kinh rất nhuần nhuyễn, trong sáng, nhiều ấn tượng sâu đậm của nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam từ buổi đầu đời. Nơi đây không chỉ nói đến phần ngôn ngữ không thôi mà kể cả lãnh vực nội dung và tư tưởng cũng vậy. Ngài Khương Tăng Hội đã chứng tỏ lòng yêu thương về truyền thống sinh thành của dòng máu Việt tộc, dòng máu anh hùng, chống giặc xâm lăng, bảo vệ bờ cõi nước non, được thanh bình như lời lẽ trong An Ban Thủ Ý của Ngài: “Khi gặp giặc xâm lăng, người dân kêu ca, oán trách, thì Bồ Tát vì lòng từ bi mà gạt lệ, xông pha nơi chiến trận, để đem lại sự an bình hạnh phúc cho muôn dân.” Ngài đã viết lên dòng lịch sử quê hương theo tinh thần nhập thế của đạo Phật.

Căn cứ vào những tài liệu này, người đọc sẽ suy nghĩ và đặt vấn đề là Ngài có bao nhiêu anh chị em hay cha mẹ Ngài chỉ có mình Ngài không thôi? Chính tác phẩm của Ngài là Bài Tựa An Ban Thủ Ý trong xuất Tam Tạng Ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 43b24 có nói: “Tôi sinh ra muộn màng” (Dư sinh mạt tung) sinh vào thời gian cuối cùng. Chúng ta có thể hiểu:

1. Sinh vào thời gian mạt pháp, cách Phật lâu xa.

2. Sinh ra là con út trong gia đình.

Đây chỉ là giả thuyết của người nghiên cứu lịch sử nêu ra để được xác lập vị trí của Ngài trên bối cảnh chặng đường lịch sử.

- Mốc dữ kiện thứ hai

Ngài chưa trưởng thành, chỉ mới biết vác củi thì cha mẹ đều mất (thỉ năng phụ tân, khảo tỷ trở lạc) chứng tỏ cha mẹ Ngài đã lớn tuổi, Ngài bị sinh muộn nên đến khi Ngài biết vác củi thì cha mẹ qua đời. Chứng tỏ Ngài còn có các anh chị khác nữa, vì Ngài là người con út trong gia đình, nhưng vì các anh chị Ngài không đi tu hay không liên quan nhiều đến công trình tu tập và hoằng pháp của Ngài nên sử liệu không đề cập đến. Hoặc giả vì cha mẹ Ngài lập gia đình muộn nên chỉ sinh có Ngài rồi qua đời.

Sau khi lo việc ma chay, tang lễ xong Ngài xuất gia. Chứng tỏ rằng Phật giáo tại Giao Chỉ thời đó đã thịnh hành, có các tự viện, đạo tràng tu tập. Chư Tăng đông đúc để Ngài có nơi nương tựa, hành điệu, học tập, thọ giới Tỳ Kheo. Trong sự kiện này, Ngài viết lời tựa Kinh An Ban Thủ Ý như sau: “Tôi sinh muộn màng, mới biết vác củi, cha mẹ đều mất, ba Thầy viên tịch, người trông mây trời, buồn không biết hỏi ai, nghẹn lời trông quạnh, lệ rơi lặng lẽ”. (Dư sinh mạt tung, thỉ năng phụ tân, khảo tỷ trở lạc, tam Sư điêu táng, ngưỡng chiêm vân nhật bi vô chấp thọ, quyện ngôn cố hi, tiềm nhiên xuất thế!). Qua đó, chúng ta cũng thấy rõ về thân thế của Ngài là bị sinh muộn màng, vừa được 10 tuổi thì cha mẹ đều mất, lo bề tang lễ, liền xin xuất gia, nhưng sau đó 3 Thầy cũng viên tịch. Ba Thầy ở đây là có thể khi Ngài thọ Đại Giới, qua Giới Đàn Tam Sư Thất Chứng. Qua sự kiện này, theo luật định, người thọ Cụ Túc giới phải đủ 20 tuổi. Cũng có những trường hợp đặc biệt chưa đủ 20. Do vậy, cha mẹ mất Ngài mới 10 tuổi, liền xin xuất gia cho đến năm 20 tuổi thọ Đại giới, phải là 10 năm sau, hay ít nhất là 7, 8 năm sau.

Qua những tài liệu hiện có, chứng minh rằng vào thế kỷ thứ 3, sau dương lịch, đạo Phật đã có một nền tảng hoằng pháp vững chắc, từ phương diện cơ sở vật chất, chùa viện, tòng lâm cho đến nhân sự cộng đồng Tăng già và nền văn hóa, giáo dục, hoằng pháp được phát triển có phương thức thực tiễn, thích nghi với nền văn hóa dân tộc thời đó, để người dân có tầm nhìn thiết yếu mà lãnh thọ và phát huy tinh thần hoằng dương Phật pháp.

- Mốc dữ kiện thứ ba

Tinh thần giới luật thời bấy giờ, quả thật Tứ Phần Luật đã được áp dụng vào đời sống chư Tăng cũng như truyền trì qua các giới đàn Cụ Túc giới. Chứng tỏ Sa môn giữ 250 giới, ngày ngày ăn chay là đời sống đích thực của chư Tăng thời bấy giờ, chứ không phải như sự gièm pha của các người theo Lão, Nho thuở ấy. Từ những chứng tích đó, chúng ta minh thị rằng Ngài Khương Tăng Hội thọ cụ túc giới tại Việt Nam chứ không phải ở Trung Quốc. Giới đàn Ngài thọ Tỳ Kheo giới có đủ Tam Sư Thất Chứng. Đây là một giới đàn đủ tiêu chuẩn luật nghi. Chứng cứ ấy đủ khẳng định Thiền Sư Khương Tăng Hội sinh ra tại Việt Nam, đến năm 10 tuổi thì cha mẹ qua đời. Ngài đi tu thọ Cụ Túc giới rồi 3 Thầy cũng mất sớm và từ đó Ngài mở rộng con đường hoằng dương Phật pháp, phiên dịch Tam Tạng và mang Phật pháp vào quê hương Trung Quốc vùng Giang Tả thời vua Ngô Tôn Quyền.

Cha mẹ mất, Thầy Tổ qua đời là những hình ảnh sâu đậm in vào tâm thức của Ngài một cách thắm thiết, đầy yêu thương. Chúng ta đọc An Ban Thủ Ý Kinh Tự, Pháp Kính Kinh Tự và Tạng Thí Dụ Kinh, trong Xuất Tam Tạng Ký Tập, Ngài viết: “Tang Thầy nhiều năm (nên) không do đâu mà hỏi lại được. Lòng buồn, miệng nghẹn, dừng bút rầu rĩ, nhớ thương Thánh xưa, nước mắt ràn rụa” (Thiền Sư Khương Tăng Hội - Lê Mạnh Thát).

Tình cảm của Ngài đặc biệt dành cho Thầy mình một cách thắm thiết, đầy yêu thương, kính trọng. Nhờ truyền thừa tư tưởng của Thầy mà Ngài đã xây dựng một tư tưởng học, đạo giáo học, trên nền tảng thiền định Phật giáo Việt Nam mà không bị ngoại lai tư tưởng hoặc nền tảng giáo dục nào, dẫu cho luồng tư tưởng và nền giáo dục được truyền thừa từ Ấn Độ, rồi sau đó truyền sang Trung Quốc. Dòng đạo học - Phật giáo Ấn Độ trực tiếp du nhập vào Việt Nam, nhưng tư tưởng Phật giáo Ấn đã hòa nhập và Việt hóa thuần túy. Học phong này có thể khẳng định giá trị đặc thù văn hóa Việt Nam thời ấy, mang tính độc lập, sáng tạo bằng đôi chân Việt và Phật giáo Việt, mặc dù nền văn hóa Việt Nam và nền văn hóa Phật giáo Việt Nam đứng giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng không bị chi phối và ảnh hưởng của hai nền văn hóa ấy.

Vì truyền thừa trực tiếp phong thái nền văn hóa Việt nên Ngài đã phát huy một cách rực rỡ tạo thành nguyên tắc chủ đạo cho công việc phiên dịch trước tác, mà chính yếu là Lục Độ Tập Kinh để từ đó mang tư tưởng thiền học Phật giáo Việt Nam truyền vào Trung Quốc. Điều đáng nhớ và quan trọng nơi đây là Lục Độ Tập Kinh Trung Quốc hôm nay không phải là một tác phẩm được dịch ra từ tiếng Phạn, cũng không phải do Ngài viết ra mà là một bản dịch của Ngài từ nguyên bản Lục Độ Tập Kinh bằng tiếng Việt. Việc làm này mang tính trung thành truyền thống văn hóa giáo dục Việt Nam và nền văn hóa giác ngộ Phật giáo Việt Nam.

b- Tinh thần Thiền học qua Bài tựa An Ban Thủ Ý

Y cứ vào các nguồn tài liệu cho thấy bên Trung Quốc vị Sơ Tổ sáng lập Tổ Sư Thiền đầu tiên là Bồ Đề Đạt Ma vào thế kỷ thứ 6 từ Ấn Độ qua. Tổ Bồ Đề Đạt Ma chủ trương: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến thánh thành Phật” - Chẳng lập văn tự. Ngoài giáo truyền riêng. Chỉ thẳng lòng người. Thấy tánh thành Phật - Trong khi đó, Tổ Khương Tăng Hội ở Giao Châu, vào thế kỷ thứ 3, Ngài đã viết xuống những gì ý Tổ muốn dạy. Ngài đem ý ấy để giảng dạy cho mọi người, y cứ như trên nền văn hóa Phật Việt và thuần túy tư tưởng Việt Nam.

Bài tựa An Ban Thủ Ý, Ngài viết tại Giao Châu, không phải tại Trung Quốc. Khi Ngài sang kinh đô nước Ngô dân chúng thấy làm lạ, hình dáng của một vị Tăng mà từ trước đến giờ họ chưa thấy - theo lời Cao Tăng Truyện thuật lại. Đến kinh đô nước Ngô, Ngài dựng một am tranh để tu tập, Ngô Vương biết cho mời Ngài và hỏi đạo lý. Chứng tỏ Ngài Khương Tăng Hội đã có mặt trên nước Ngô chưa có Phật giáo. Khi ấy Ngô Vương xây dựng trung tâm sinh hoạt giáo lý Phật Đà, ngôi chùa này sau được đặt tên là Kiến Sơ. Đây là ngôi chùa đầu tiên trên nước Ngô. Chúng ta đọc Bài Tựa An Ban Thủ Ý để thấy được ý chí Thiền của Tổ chứa đựng nội dung sâu sắc, nhiệm mầu khi Ngài định nghĩa về tâm: “An Ban là Đại Thừa của chư Phật dùng để tế độ chúng sinh đang lênh đênh chìm nổi. An Ban gồm sáu loại, nhằm đối trị sáu tình. Tình có trong và ngoài. Sáu tình bên trong là: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu tình bên ngoài là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, tà niệm”.

“Ta không thấy được tâm vì nó không hình tướng, ta không nghe được tâm vì nó không có âm thanh; đi ngược lại để tìm thì không gặp bởi vì tâm không có khởi điểm, đi xuôi về để kiếm cũng không thấy bởi vì tâm không có chung kết. Tâm ấy thâm sâu và vi diệu, không chút tác tỏ hình tướng cả đến Phạm Thiên Đế Thích cũng không thấy rõ được sự hóa sinh của các hạt giống ẩn tàng trong ấy, huống nữa là kẻ phàm tục. Cũng vì thế tâm được gọi là ấm (ngăn che). Cũng giống như một người gieo hạt trong lúc trời sẩm tối, một nắm trong tay đưa lên thì hàng ngàn vạn hạt được gieo xuống, hàng ngàn vạn cây con sẽ mọc lên. Cũng như thế, trong thời gian một cái búng tay, tâm có thể trải qua tới 960 lần chuyển niệm. Trong thời gian một ngày một đêm, tâm có thể trải qua mười ba ức niệm mà ta không biết được. Cũng giống như người gieo hạt kia”.

“Thiền có nghĩa là loại trừ. Loại trừ cái tâm có mười ba ức niệm để đạt đến tâm pháp: Sổ, Định, Chuyển, Niệm, Trước, Tùy, Xúc và Trừ. Tám pháp này đại khái được chia làm hai phần. Tâm ý sở dĩ định được là nhờ theo dõi hơi thở (sổ). Khi cấu uế được tiêu diệt thì tâm ý dần dần trong sạch. Đó gọi là Nhị Thiền. Bỏ phép đếm đi, chú tâm vào chóp mũi gọi là Chi”. (Bài Tựa An Ban Thủ Ý - Thích Nhất Hạnh)

Phương pháp tu Thiền được diễn đạt trong Bài Tựa An Ban Thủ Ý - An Ban tiếng Phạn là Ànàpàna, có nghĩa là thở vào thở ra. Thủ Ý là nắm giữ cái tâm - Chánh Niệm. Do vậy Ànapànasmuti (An Ban Thủ Ý) có thể dịch là Quán Niệm hơi thở hay là Xuất Tức Nhập Tức Niệm. Ngoài Thiền An Ban Thủ Ý, Ngài còn tu theo các pháp môn Thiền khác như: Tứ Niệm Xứ, quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên pháp, hay Thiền độ vô cực. Làm cho tâm ngay thẳng lại. Làm cho ý chuyên nhất lại, để loại trừ những uế trược còn dính mắc trong tâm. Thực tập hơi thở Chánh Niệm - không bị lẫn lộn hơi thở vào là hơi thở ra. Ý thức được hơi thở ra là hơi thở ra, hơi thở vào là hơi thở vào… Đó gọi là tùy tức…

Thiền Sư Khương Tăng Hội là Tổ Sư Thiền tại Việt Nam, nhưng đồng thời Ngài cũng là Sơ Tổ Thiền Trung Quốc theo dòng Thiền Việt Nam, khi Ngài vào vùng đất Giang Tả của Ngô Tôn Quyền để truyền đạo và đây cũng là nơi Ngài xây dựng đạo tràng tu tập, phiên dịch Tam Tạng kinh điển cuối thế kỷ thứ 3. Trong khi đó Tổ Bồ Đề Đạt Ma mang Thiền từ Ấn Độ vào Trung Quốc thế kỷ thứ sáu, 300 năm sau khi Tổ Khương Tăng Hội có mặt tại Trung Quốc.

III. Kết luận

Nói đến cuộc đời của Thiền Tổ Khương Tăng Hội là nói đến chặng đường lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ lúc ban sơ. Chặng đường lịch sử này đã in sâu, tô đậm dấu ấn của một công cuộc khởi thủy, đặt nền tảng vững chắc cho nền văn hóa Phật Việt thời ấy. Hình ảnh của mẫu người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất Giao Châu, rồi từ đó lớn dần thành bậc Long Tượng, Thánh Tăng kỳ vĩ.

Ngài phát tâm xuất gia từ thuở lên mười, ai đã nuôi dưỡng trưởng thành chí nguyện xuất trần của Ngài để trở thành bậc kỳ vĩ Thánh Tăng ấy? Phải chăng là một túc duyên từ đời trước Ngài cũng đã từng là Đại Sư, Thiền Tổ. Do vậy mà đời này Ngài đã vững chắc đóng mạnh con dấu Thiền Tổ của Phật giáo Việt, từ thế kỷ thứ 3 chảy dài theo dòng thời gian đến triều đại nhà Trần. Dòng Thiền ấy hòa nhập vào dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử để hòa tan theo dòng thiên lưu thiên biến của giáo pháp giác ngộ giải thoát. Ngài sinh ra đời như để ươm sâu, trồng chắc cây đại thọ Phật Giáo Việt Nam có tuổi thọ trên 2000 năm qua. Hình ảnh của Ngài đã khẳng định sự hiện diện Phật Giáo Việt Nam, Thiền học Phật Giáo Việt Nam có trước Phật Giáo Trung Quốc và Thiền học Trung Quốc gần ba thế kỷ. Điều này đã có bao nhiêu người ngộ nhận và lầm tưởng rằng Phật Giáo Việt Nam được truyền vào từ Phật Giáo Trung Quốc và chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Nhưng không, trên thực tế Phật Giáo Việt Nam được truyền thừa trực tiếp từ Ấn Độ qua những thương buôn, trên các con thuyền như đã nói ở trên.

Thiền Tổ Khương Tăng Hội năm 10 tuổi đi tu, chứng tỏ Phật Giáo Việt Nam đã có mặt từ nhiều thời gian trước đó, có thể là đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai. Khi Ngài đi tu thì đã có các Tự Viện cũng như chư Tăng và Kinh điển được dịch từ trước đó, cho nên đến tuổi thọ Cụ Túc giới thì nguyên tắc luật nghi đã đủ Hội Đồng Thập Sư trong Giới đàn của Ngài. Khi Ngài thọ giới xong thì 3 Thầy của Ngài cũng quy Tây, để lại bao nhiêu tình nghĩa ân đức cho Ngài phải rơi lệ xót thương, cảm kích sự khai sinh giới thân tuệ mạng cho Ngài đã có từ trước. Điều đó chứng tỏ Phật Giáo Việt Nam có mặt cách đó từ lâu và cũng đã thịnh hành, cũng như cộng đồng Tăng Già lớn mạnh, cho đến khi Ngài đi tu thọ Đại giới khi ấy Ngài như cánh phượng hoàng tung bay diệu vợi. Như Long Tượng từng bước chân vạm vỡ ấn sâu vào vùng trời Luy Lâu, tạo thành nền văn hóa Thiền đặc thù đa dạng, đơm bông kết trái làm giàu đẹp cho Phật Giáo Việt Nam, cũng như Phật Giáo Trung Quốc mà tự thân Ngài vân du hóa độ dưới vùng trời của triều đại Ngô Vương.

Cuộc đời, sự nghiệp, hành trạng của Ngài đã khai sáng con đường tu chứng để cho mọi người noi theo; tạo dựng một niềm tin Tam Bảo kiên cố đối với giới trí thức cũng như dân gian thời bấy giờ, để học được đạo Thiền, họ biết được sự linh nghiệm của Xá Lợi mà xây chùa dựng tháp phụng thờ tôn nghiêm, để giáo pháp giải thoát ăn sâu mọc rễ vào tất cả mọi tầng lớp xã hội, từ vua quan đến dân dã, một lòng phụng thờ kính cẩn. Ngài đã khai phóng sáng tạo nền văn học Thiền cho mọi người thấy giáo pháp của Đức Thế Tôn tu chứng bậc Thánh. Giải thoát hết mọi phiền trược trói buộc để được hiện đời lạc trú. Ngài đã phát triển con đường giáo dục toàn diện, xây dựng đời sống tâm linh siêu thoát để con người thấy đó là sức sống và đủ trên nền tảng hướng thượng. Không chỉ hướng thân lập mệnh trên con đường giáo pháp, mà Ngài còn rành mạch thấu hiểu qua các bộ môn của thế gian để lấy đó làm phương tiện giáo hóa nhân sinh, nặng phần khảo nghiệm, tư duy theo thế thường. Qua hai phạm trù thế gian và xuất thế gian, Ngài đều tinh thông, nhuần nhuyễn, từ ngôn ngữ học, bói toán, đồ vỹ cho đến chứng đắc cốt lõi đạo Thiền, vô vi mầu nhiệm. Nhưng, tiếc thay các tư liệu về Ngài không được phổ cập trong cộng đồng Phật Giáo Việt Nam, thế nên ngày nay cũng ít người hiểu rõ về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài một cách tường tận, để tạo dựng tượng Tổ phụng thờ như là vị Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam, mà dường như bị lãng quên từ quá khứ đến nay một cách thầm lặng. Vậy, chúng ta phải làm gì để vực dậy sự lãng quên trên dòng lịch sử Lịch Đại Tổ Sư 2000 năm qua?

Thiền Tổ Khương Tăng Hội mang trong người hai dòng máu, Khương Cư của cha và Việt tộc của mẹ hòa hợp để tác thành một bậc Thánh Tăng đầu nguồn của dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Chúng ta phải học, học cái tính bình đẳng trong mọi chúng sanh - nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh và quán chiếu pháp giới chúng sanh là nhà và chúng sanh là cha mẹ. Thiền Tổ Khương Tăng Hội đã hiện thân trên tinh thần đó để tương dung, tương tác bằng giá trị tu chứng tuyệt vời như là một nghệ thuật sống vượt dòng bộc lưu.

Chúng con thành kính đảnh lễ Đại Tăng nhân ngày Về Nguồn Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ chín hôm nay.

Kính chúc quý Ngài pháp thể khinh an. Đạo nghiệp viên thành.

[Bài thuyết trình trong Ngày Về Nguồn 9 - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tại Chùa Khánh Anh - Paris, Pháp Quốc]


none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Đừng bận tâm chuyện vặt


Kinh nghiệm tu tập trong đời thường


Thắp ngọn đuốc hồng

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.142.98.60 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...