Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Điều khác biệt giữa sự ngu ngốc và thiên tài là: thiên tài vẫn luôn có giới hạn còn sự ngu ngốc thì không. (The difference between stupidity and genius is that genius has its limits.)Albert Einstein
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm. (Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Không làm các việc ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch, chính lời chư Phật dạy.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Tôi chưa bao giờ học hỏi được gì từ một người luôn đồng ý với tôi. (I never learned from a man who agreed with me. )Dudley Field Malone
Cỏ làm hại ruộng vườn, tham làm hại người đời. Bố thí người ly tham, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 356)

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tản văn »» Xem đối chiếu Anh Việt: Tôi và những con thú thân yêu »»

Tản văn
»» Xem đối chiếu Anh Việt: Tôi và những con thú thân yêu

Donate

(Lượt xem: 5.034)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Font chữ:
Font chữ:

Tôi và những con thú thân yêu

Con chó đen tên Ki

Tôi không biết bạn bè hay người khác ra sao, nhưng cá nhân tôi có khá nhiều sở thích với cây cỏ, hoa trái… nói chung là làm vườn và nuôi thú vật. Trước kia khi còn ở VN tôi có thú vui nuôi chó, nhất là khi gia đình tôi dọn xuống khu Bà Quẹo với căn nhà khá rộng rãi, một dẫy chuồng nuôi heo, gà dành cho mẹ tôi chăm sóc, cũng là ngưồn sinh lợi cho gia đình. Dĩ nhiên kỹ thuật nuôi như mua giống, tạo công thức pha chế thức ăn hay lo việc bệnh tật, buôn bán tính suy lời lỗ phần rất lớn do tôi cáng đáng. Còn sở thích nuôi chó, trước nhất là giữ nhà sau là thích bản chất trung thành, có nghĩa của chó. Có thời gian, vài con chó cái sinh đẻ, gia đình tôi nuôi đến xấp xỉ 10 con. Trong những con chó đó, có một con chó đen giống đực, lông xù trông như con gấu, chúng tôi đặt tên là con Ki, con Ki không đẹp nhưng nó đã cho tôi rất rất nhiều ân tượng và thích thú.

Tôi cũng không biết chính xác tôi đã mang nó về nuôi từ năm nào, có thể vào khoảng năm 1966 hay 1967. Nhưng khi tôi rời xa VN đi Nhật bản tu ngiệp ( 1974 ) nó vẫn còn sống với gia đình tôi, nếu tôi đoán không lầm thì tuổi của nó lúc đó khoảng 8-9 tuổi. Chúng tôi ở Tân Phú khu 5, cư dân hỗn tạp, gốc Nam, gốc Bắc hay Phật giáo và Công giáo. Sát bên cạnh là khu 4, hoàn toàn là người Bắc Công Giáo gọi là giáo xứ Tân Phú do ông linh mục Đinh Xuân Hải làm cha xứ.

Cái độc đáo của con Ki là nó rất khôn ngoan không bị các dân ăn thịt chó mà chúng tôi gọi là dân ” Rựa Mận “ câu trộm hay bắt trộm. Các con chó khác của gia đình tôi cũng như của hàng xóm thì chẳng con nào thọ quá 3,4 tuổi ! Đều bị chết yểu bởi các tín đồ “ thịt chó “ bên khu 4 bắt trộm hay bị đánh bả chết. Nếu con chó nào bị đánh bả chết, thì ngay sau đó một vở kịch được diễn ra, có người đến hỏi mua xác chó chết, dĩ nhiên là giá rất rẻ, nhưng phần lớn là cho không để cho các ngài cung cấp cho các tiệm bán thịt “ cây còn “ ở khắp vùng Tân Phú, Bẩy Hiền , Ông Tạ….

Đúng như vậy con Ki nhà tôi rất khôn ngoan, nó không ra ngoài khu vườn của căn nhà để nhận cái tròng vào cổ, nó cũng không ngu dại bị dẫn dụ bởi mùi thơm ngon của các món “ bả “ như các con chó khác của gia đình tôi cũng như của hàng xóm để biến thành mồi nhậu cho những ngài mặt đỏ ké, miệng hét dzô dzô !

Rồi ngày tôi hùng hổ vác valis lên máy bay rời xa đất nước, giã từ bố mẹ, ngừơi yêu thương, ôm theo giấc mộng ngày về xây tổ ấm như lời một bản nhạc nào đó mà bao lần tôi vẫn ngâm nga khi rảnh rỗi:

Em về đi, anh đi
Để một hai, ba năm sau
Công thành anh trở lại
Với em anh dệt vải, với em anh chăn tằm
Anh và em sẽ sống chung một mái nhà tranh
Lấy bức thư làm cành, lấy tơ liễu làm mành
Nghe lời anh em nhé, đừng khóc lóc mà làm chi
Em về đi anh đi……..

Ngày tôi vẫy tay tạm biệt nơi mình đã có nhiều gắn bó, vui buồn, đúng như vậy, chẳng có gì buồn hơn là phải xa cách những người yêu thương kính mến khi ra đi, rồi mãi mãi biệt ly! Ngày đó, tôi xa VN, xa kỷ niệm, xa cha mẹ, xa người tình, xa bạn bè và xa cả con chó tên Ki, con thú rất thân thiết rất chung thành với tôi. Làm sao tôi quên con Ki được, mỗi lần tôi về nhà từ giảng đường đại học thời sinh viên, hay từ Cần Thơ nơi tôi thực sự bước vào mộng phong hầu. Hay từ quân trường Sĩ quan Thủ Đức nơi tôi cười vang khoác áo “trây di “ đùa chơi với súng đạn cho trọn chí tang bồng của một kẻ nam nhi trong thời lửa đạn chiến tranh… nó vẫy đuôi, sủa vang nhà mừng rỡ đón chào tôi.

Đúng như vậy, đầu năm 1974 tôi rời xa VN, bỏ lại đằng sau mình tất cả, con chó Ki dù đã khá già, bộ lông đen dài của nó đã có phần xơ xác, nhưng nó vẫn vẫy đuôi chào lúc tôi đi ( và hình như có chút tí chủ quan, tôi thấy trong đôi mắt hơi choen choét của nó, có cái gì đó buồn bã , khi tôi xách valis lên chiếc taxis ra phi trường ) . Nhưng đó là lần nó chào xa tôi cuối cùng, tôi ra đi còn nó ở lại để nhận lấy một số phận đau buồn của một con vật trong xã hội VN. Một xã hội vẫn có cái gì đó thiếu văn minh, tàn bạo với món ăn biến chế từ thịt xương của một con vật đầy nghĩa tình, con vật không bao giờ biết phản bội dù người chủ của nó xác xơ nghèo đói .

Rồi 6 năm ở Nhật bản, cực nhọc vì học hành, kiếm sống sinh nhai cũng như phải dè xẻn gửi tiền về giúp đỡ gia đình, tôi đã quên khuấy, không bao giờ hỏi hay nhắc đến con chó Ki của mình. Mãi đến khi sang Thuỵ sĩ định cư ngay năm đầu tiên (1979) , trong một lần gọi điện thoại về nhà cho bố tôi. Tôi hỏi về con Ki, bố tôi cho biết nó quá già, lông rụng như hoàn toàn và da nó đỏ gay do bị ghẻ lở … Bố tôi không muốn bán hay cho người ta giết thịt (dù thời gian đó cuộc sống rất khó khăn ) nhưng không thể để nó trong nhà được vì lúc đó cô em gái tôi có 2 đứa con nhỏ .

Bố tôi cho biết, một lần ông đã cho nó vào cái bao tải, cột sau xe đạp rồi ông đạp xe theo QL1 tới gần Trung Chánh ( cách nhà tôi khoảng 25 km ), vào một khu vườn hẻo lánh, thả nó xuống rồi bố tôi đạp nhanh bỏ nó ở lại, nó chạy theo nhưng chỉ được một quãng thì buông xuôi vì đã quá già. Bố tôi đạp xe về, nghĩ rằng con Ki sẽ sống chết với thiên nhiên và số phận của nó . Nhưng 4 ngày sau gia đình tôi đã thẩn thờ khi thấy nó đứng ngoài cánh cổng nhà, không sủa nhưng rên rỉ như xin mọi người mở cổng cho nó vào! Cả nhà tôi đã ngẩn ngơ với khả năng nhớ đường trở về nhà đến mức khó tin như vậy và dĩ nhiên nó lại trở thành một thành viên của gia đình tôi như xưa.

Rồi chuyện con Ki với tôi cũng vào quên lãng, cho đến ngày tôi có giấy tờ dẫn vợ con về thăm quê hương, tôi mới nhớ đến nó và hỏi bố tôi và lũ em. Lúc đó tôi mới biết, sau lần bỏ rơi nó ở Trung Chánh không thành, nó trở về nhà nhưng càng lúc bệnh ghẻ càng mạnh hơn, cả nhà lo lắng cho 2 đứa cháu ngoại, nên ông em rể, cha của 2 đứa cháu đã bàn với mọi người là đem bán nó cho các ngài “ Rựa mận ”. Qua lời kể của lũ em về ngày cuối cùng của đời con chó tên Ki đã làm tôi chẩy nước mắt. Tôi đã tức giận phải hét lên những lời trách cứ bố và lũ em gái của tôi và di nhiên cả ông em rể “ có sáng kiến bất nhân “ đã tàn nhẫn với con vật mà nó đã gắn bó với gia đình qua biết bao nhiêu kỷ niệm của những năm tháng khốn khổ vì thời thế .

Qua lời kể thì khi kêu nhóm “Rựa mận “ mua con Ki đến nhà, nó sợ hãi, chui vào gầm giường, nhưng khi bố tôi gọi nó ra cho nguời ta bắt. Con Ki hình như đã nhìn thấy định mệnh đau thương đã dành sẵn cho nó rồi ! Nó chậm rãi đi ra, không một tiếng sủa hay gầm gừ với những tên “ Rựa mận “ , nó tự ý đi tới, chui vào cái bao tải mà một tên “ đồ tể” đã mở sẵn. Hành động dễ dàng chịu chết của nó khi chui vào chiếc bao tải không những làm cho cả bố và lũ em của tôi ngẩn ngơ mà cả những “ ngài Rựa mận “ ngạc nhiên vì quá dễ dàng không cần đến vũ lực như các con chó khác. Cũng qua lũ em tôi nói hình như cặp mắt toét của nó ươn ướt như nó khóc lúc chui vào chiếc bao tải!

Trời ơi, tôi nghe lũ em mô tả mà rụng rời! Tại sao bố tôi lại dại khờ nghe lời ông con rể làm cái chuyện tàn nhẫn như vậy ? Nó là con vật đã hàng chục năm gắn bó buồn vui với gia đình, nhất là với tôi . Chính tôi đã xin và mang nó về nuôi từ khi nó chỉ bằng trái bí nho nhỏ, mỗi lần tôi đi xa về nhà nó là con vật mừng vui nhất bởi vì tôi rất thường đùa dỡn với nó. Đó cũng là con vật nuôi mà tôi nhớ mãi, ân hận mãi để rồi tôi luôn luôn mang cái cảm giác thù ghét, khó ưa bất cứ ai có cái thích khoái ăn thịt chó.

&&&

Những con thú trong vườn & hoài niệm của tôi

Một trong những điều mà tôi học được từ xã hội, con người Thuỵ Sĩ đó là bảo vệ thiên nhiên và yêu thú vật. Đúng như vậy với tinh thần học hỏi vì cảm thấy những điều đó hợp lý, tôi đã chấp nhận và hoà nhập vào xã hội, con người Thuỵ sĩ khá dễ dàng, nhưng không thể phủ nhận được trong đó sự may mắn cũng là tác động rất quan trọng trong lối sống của tôi vậy. Ngay khi sang Thuỵ Sĩ định cư tôi sống với gia đình một người bạn Thuỵ Sĩ, một kiến trúc sư, căn nhà của họ rất đẹp, có vườn tược đầy hoa, cây trái, chim muông … Nhờ họ trong khoảng một năm trời sinh sống, tôi học hỏi rất nhiều, tôi hoà nhập vào lối sống và cả suy tư của họ về thiên nhiên.

Sau đó khi có gia đình, tôi được ông giáo sư giúp đỡ có căn nhà xếp hàng ( Reihenhaus) của chính phủ, với khu vườn nho nhỏ ở bìa thành phố Zuerich. Căn nhà nho nhỏ nhưng rất đẹp, hàng năm vào mùa xuân và mùa hạ thì muôn hoa khoe sắc và chim bướm tung bay. Nơi đây, chung quanh toàn là dân Thuỵ Sĩ, tôi cũng hoà nhập với họ khá nhuần nhuyễn trong lối sống thân thiện với thiên nhiên. Sống ở đó khoảng hơn 10 năm, dè xẻn tôi mua được căn nhà ở triền của dãy núi ngoài bìa phía bên kia thành phố … Công việc trồng rau, hoa trái, làm vườn, hoà nhập với chim muông, thú vật từ khu rừng gần nhà, chúng đến khu vườn của tôi hàng ngày… Tất cả đã như là một sở thích không thể thiếu được trong cuộc sống của tôi hàng nhiều chục năm qua.

Hoa trong vườn của tôi thì đủ loại, nào là hoa hồng, cosmos, cúc, tulip..v..v.. mỗi mùa một loại khoe sắc, nhà tôi luôn luôn có hoa nở suốt 3 mùa xuân, hạ và thu. Còn trái cây rau cỏ gần như đủ cho gia đình ăn quanh năm, nhờ vào kiến thức về biến chế tồn trữ thực phẫm chuyên môn của tôi. Với Táo; Apricose; Zwetschen (Pflaume ); Mirabella (Plaume)..v..v.. tôi đã dùng máy sấy khô giới hạn rồi tồn trữ trong tủ lạnh dùng cho việc tiếp khách như món ăn khai vị (Aperatif). Với rau, củ, hạt… tôi biết những loại nào cần nhúng nước sôi để huỷ diệt diếu tố, làm dai chất xơ trước khi đem vào đông lạnh dành ăn suốt năm. Ngoài ra khoai tây, bí ngô Nhật bản ( kabucha )… tôi biết dựa vào độ ẩm và độ lạnh hợp lý trong tồn trữ, có ăn gần như quanh năm.

Về thực vật rau hoa, trái cây thì như thế, còn về thú vật thì cũng nhờ bản tính yêu thiên nhiên, yêu thú vật, khu vườn nhà tôi cũng khá thoáng khoát, hàng ngày chúng tôi tiếp đón khá nhiều giống loài thú, phần lớn từ khu rừng gần nhà hay các vùng cây rậm rạp của những khu nhà chung quanh … Chúng đến thăm viếng vườn của chúng tôi chỉ vì chúng không bị giết hại mà còn được cung cấp thức ăn, môi trường sống cho chúng nữa. Tôi xin kể ra vài ba loại thú thiên nhiên rất thường thấy trong vườn của nhà tôi.

Đầu tiên phải kể đến những con chồn, con cáo ( Fuchs) hàng đêm từ khu rừng , chúng đi lang thang từ nhà này sang nhà khác kiếm ăn. Những ai nuôi thỏ, gà hay để đồ ăn bên ngoài nhà không che chắn kỹ lưỡng, ngay cả những đôi giầy bằng da động vật như trâu bò… coi như khó thoát với cơn đói thức ăn của chúng nhất là vào mùa đông. Ngoài ra còn có những thú vật hoang dã nhỏ bé khác như Sóc (Eichchen); Nhím (Igel); Gấu mắt to ( Waschbaer, loại gấu tai to vểnh, nhỏ bé khỏang 1-1,5kg ); Gần đây không biết sao chúng tôi còn thấy xuất hiện một loại bò sát giống như con tắc ké của VN, chúng thường tìm những tổ kiến để ăn trứng, chúng rất dễ thương, hình như chúng biết tôi hoàn toàn không muốn làm hại chúng nên chúng nghểnh cao đầu nhìn tôi không có gì sợ hãi!

Tất cả những loại thú này tôi biết khá tốt về tập quán sống và thức ăn của chúng. Chẳng hạn như với những con Nhím vào ban đêm từ những bụi rậm ra kiếm những con sên ( Schnecken, mầu nâu, không có vỏ ốc trên lưng) để ăn. Rất nhiều lần tôi đã lấy cái lồng bằng lưới sắt chụp và giữ chúng lại để cho những đứa bé học trò của vợ tôi cũng như lũ trẻ con hàng xóm đến xem… Một bài học về yêu thú vật rất thực tế và dĩ nhiên những con thú đáng yêu đó được thả trở lại thiên nhiên.

Khu nhà tôi ở gần rừng, cũng là khu có nhiều cây xanh nhất của thành phố cho nên ngoài những thú vật kể trên còn rất nhiều loài chim. Loài to lớn như những con quạ đen xì, lướt gió tung bay như bóng ma hay những com chim cú, mỏ quắp, đôi mắt dữ dằn … những loại này được coi là ác điểu cũa những loài chim nhỏ bé hiền lành dễ thương khác. Khi những con ác điểu này ở nơi đâu là không có một con chim nào dám lớ xớ kiếm ăn ở đó. Nếu lỡ làm tổ đẻ trứng, nở chim con thì chẳng có chuyện an lành , sống sót với những con ác đểu ăn thịt sống đó. Có một lần tôi mua những cục thức ăn hỗn hợp như trái banh tenis, được đựng trong một cái túi bằng lưới nylong. Tôi treo trên cành cây dành cho những con chim nhỏ bám vào, mổ thức ăn qua lỗ lưới, vừa treo xong. Tôi vào trong nhà chuẩn bị chờ xem lũ chim hiền hoà, nhỏ bé đến ăn thì một bóng đen, một con quạ đen thui nhanh như máy bay phản lực bay đến ngoạn luôn lấy cả cục thức ăn, kéo đứt sợi dây treo cục thứ ăn và bay mất. Từ đó tôi đã phải dùng những cành tre lờm xờm nhánh hay súng giây thun bắn để đuổi chúng cho những con chim bé nhỏ, dễ thương khác yên lành đến vườn nhà tôi tìm thức ăn.

Với những con chim nhỏ bé, dễ thương, chúng đến nhà tôi, thực sự mang cho tôi những khoái cảm khi nhìn chúng xà vào những căn nhà nho nhỏ bằng gỗ do tôi đóng, luôn luôn có thức ăn cho chúng nó quanh năm. Thức ăn có thể do tôi mua hỗn hợp từ các siêu thị nhưng vào cuối tháng 9 khi những lùm hoa cosmos trong vườn đã trổ hạt hay hàng chục trái bí rợ đến mùa thu hoạch… đã cho tôi nhiều ký hạt khô kèm với một ít ngũ cốc khác, tôi đã tạo ra một hỗn hợp thực phẩm mà chúng rất thích.

Ngoài vài căn nhà nho nhỏ đựng thức ăn đó, tôi còn mua hay tự đóng những căn nhà nhỏ rất sạch sẽ, xinh xắn, được treo vào những cành cây khá gần với nhà thức ăn của chúng. Cửa ra vào của những căn nhà đó là một lỗ tròn đủ cho những con chim nho nhỏ chui vào làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng, cho đến khi những con chim con sinh ra, lớn lên chui ra khỏi căn nhà hoà nhập vào thiên nhiên. Hàng năm tôi lau chùi, rửa sạch những căn nhà chim này 2 lần. Lần thứ nhất vào khoảng tháng 10 hay tháng 11 khi những con chim con sinh ra đã mọc lông, có thể bay được những khoảng cách ngắn, tôi gọi là “ chim ra ràng” chuẩn bị hoà nhập với thiên nhiên. Lúc những con “chim ra ràng” này rời căn nhà, chúng để lại trong đó một cái tổ bằng cỏ rất dơ bẩn vì đầy phân của chúng, nên tôi phải được rửa sạch, phơi khô rồi treo lên cành trở lại.

Theo quan sát của tôi thì hình như cặp chim bố mẹ sau thời gian ngắn, khoảng vài ba tuần lễ, chúng cùng với lũ chim con sống loanh quanh nơi căn nhà, cho đến khoảng tháng 11. Khi mùa đông mang cái lạnh lẽo đến những con chim con đã vững mạnh đôi cánh, chúng sẽ rời xa chim bố mẹ, chúng bay đi đâu đó, tìm được một con chim khác tạo ra một cặp đôi chim vợ chồng như chim bố mẹ của chúng ở nơi nào đó trong thiên nhiên làm tổ và tiếp nối giống nòi. Còn cặp chim bố mẹ thì loanh quanh tại vườn nhà tôi và chúng lại vào ( tạm cư ) tại căn nhà của tôi làm cho nó để tiếp tục sinh ra những con chim con nhỏ khác kế tiếp.

Vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 của năm sau, tôi lại lấy căn nhà xuống (dù nó đã được rửa sạch, lần thứ nhất vào tháng 10 hay 11) rửa sạch, làm khô ráo một lần nữa, rồi treo trở lại lên cây. Lý do căn nhà nhỏ này phải luôn luôn được treo tại vị trí cũ, để cho cặp chim bố mẹ nhìn thấy và quen thuộc và có cảm giác an toàn cho lần cư ngụ sắp tới , để rồi lại đẽ trứng, ấp nở chim con cho mùa sinh nở sắp tới vào mùa xuân ấm áp. Một điều rất quan trọng là phải dùng dây treo căn nhà ở tầm khá cao, xa những cành cây để chuột không dễ dàng trèo lên ăn trứng hay chim con. Thông thường vào mùa hè, khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm khi tôi cắt cỏ hay làm vườn ở dưới gốc cây chợt nghe thấy những tiếng chiếp chiếp, đó là âm thanh của những con chim con vừa ra đời đòi ăn.

Tôi rất thường ngồi trong nhà, xuyên qua khung cửa kính trong suốt với chiếc viễn vọng kính tôi vẫn thường dành cả giờ đồng hồ theo dõi sinh hoạt, cuộc sống của những con chim bố mẹ từ khi chúng mới đến “thuê” căn nhà nho nhỏ của tôi vào khoảng đầu mùa hè. Ngay khi chọn căn nhà của tôi, hai con chim thay nhau liên tục tha về những cọng cỏ khô để làm tổ trong căn nhà. Sau đó vài ba tuần sau chim mẹ bắt đầu đẻ trứng ( thông thường 4 hay 5 trứng) , tiếp theo là cả chim mẹ và chim bố thay nhau lấy hơi nóng của cơ thể để ấp trứng, có lẽ khoảng thời gian đẻ trứng, ấp trứng, nở ra chim con cần khoảng hơn 1-2 tháng.

Khi những con chim con được nở ra, lúc đó sự bận rộn của cặp chim bố mẹ đến mức không thể tưởng nổi. Một hoạt cảnh rất thích thú, cả hai chim bố mẹ cứ bay về, bay đi như con thoi trên máy dệt, liên tục từ sáng tính mơ đến tối khuya, mỏ ngậm thức ăn bay về tổ cung ứng cho lũ chim con lúc nào cũng há mỏ chiếp chiếp đòi ăn! Thời gian đầu khi chim con vừa nở, còn bé nên chim bố mẹ khi tha mồi về phải chui hẳn vào trong căn nhà để mớm cho lũ chim con. Nhưng chỉ khoảng 1,2 tuần lễ chim bố mẹ chỉ mới xuất hiện ở lỗ cửa, lũ chim con đã tranh nhau dồn ra lỗ cửa, há rộng mỏ đòi ăn, chim bố mẹ chỉ đậu bên ngoài thò mỏ ào mớm cho lũ chim con mà thôi. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy cặp chim bố mẹ xơ xác, ốm hơn trước bởi vì chúng dành tất cả thức ăn kiếm được cho đàn con.

Rồi đến một ngày không mưa, nắng ấm vào khoảng tháng 10 hàng năm đàn chim con lần lượt theo nhau chui ra khỏi cái lỗ của căn nhà. Con nào mạnh nhất, lông nhiều nhất sẽ chui ra trước rồi những con yếu hơn tiếp tục ra sau, chúng chuyền nhẩy trên những cành cây chung quanh, như tập bay. Có lẽ cặp chim bố mẹ đậu ở chỗ nào đó trong lùm cây để quan sát lũ chim con ra ràng đang tập bay, tập chuyền. Nhưng chi cần khoảng vài ba tiếng đồng hồ hay nửa buổi sau đó, những con chim con đã khá thuần nhuyễn chuyền nhẩy trên các cành cây ở gần hay bay xà xuống “ căn nhà” chứa thức ăn mà tôi luôn treo gần đó, chúng tự chọn lấy những hạt nhỏ vừa miệng để để ăn. Cứ thế chỉ sau vài ba ngày là chúng đã thuần thục, bay nhẩy từ cây này sang cây khác rất dễ dàng, thực sự chúng đã đủ lớn để hoà nhập vào thiên nhiên.

Như phần trên tôi đã viết, những con chim con đã trưởng thành, cứng cáp đủ sức chống chọi với thiên nhiên, cũng là lúc cái lạnh của mùa đông đến. Đàn chim con rời xa hai con chim bố mẹ, đến một nơi nào đó, trong không gian bao la. Rồi chúng sẽ tim được một con chim khác, tạo ra một cặp đôi sống với nhau như chim bố và chim mẹ, một cặp chim vợ chồng, chúng làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng, nuôi những con chim con … Tất cả diễn biến như một giòng chẩy của tạo hoá, thiên nhiên.

Đã nhiều năm qua, tôi vẫn ngồi trong nhà, với cái kính viễn vọng xuyên qua khung cửa sổ thích thú theo dõi cuộc sống của những con chim nhỏ bé trong vườn. Có lẽ không một lần nào khi nhìn thấy cảnh cặp chim bố, chim mẹ bận rộn làm tổ, kiếm mồi nuôi đàn chim con, cho đến khi những con chim con ra ràng, đủ lông, đủ cánh… chúng bay xa, rời xa cặp chim bố mẹ của chúng. Chúng bay đi nhưng không bao giờ ngoái nhìn lại nơi mà chúng đã sinh ra, nơi mà chim bố mẹ của chúng đã hàng ngày từ sáng sớm tinh mơ đến đêm tối mịt mù đã nhịn đói, tha những miếng mồi kiếm được đem về tổ nuôi dưỡng chúng.

Hình ảnh đẹp đẽ tình mẹ nghĩa cha của những con chim đó, luôn luôn mang cho tôi những phút giây đờ đẫn, suy tư. Tôi cũng vậy, sinh ra trong nghèo túng, khó khăn, đã chứng kiến bao nhiêu lần tình thương yêu và hy sinh của bố mẹ. Nhưng khi đủ lớn khôn tôi cũng như những con chim bé nhỏ đó, bay xa tìm đến nơi an vui, sung sướng nào đó cho riêng mình mà quên đi những cực nhọc của bố mẹ ngày xưa. Rồi một lần nào đó, có dịp tìm về chốn cũ thì mẹ đã ra người thiên cổ, lúc đó mới ngoái đầu nhìn lại quá khứ vô tình, khiếm khuyết của mình, mới thẩn thờ suy nghĩ nhưng có nghĩa gì đâu ? Mẹ đã mất rồi! ân hận ư ? buồn bã ư ?... Tất cả đã muộn màng, vô ích !

Với Bố tôi, có được tí chút đền bù nhưng tôi lại phạm phải một sai lầm, đáng trách. Khi trở về với bố, tôi không là đứa con của nghèo túng, của dốt nát xa xưa mà tôi hiển hiện là một người văn minh tân tiến… Để rồi tôi nhìn Bố tôi với rất nhiều khiếm khuyết của một ông lão quê mùa ít học. Đã thế tôi còn nghênh ngang chỉ dạy, phê phán bố vì những lỗi lầm không hợp thời của một người thấp kém, thiếu văn minh! Những sai lầm, ngông ngáo đó đã dày xéo tôi khi bố tôi vĩnh viễn rời xa. Tôi hiểu được rằng chính những cái nhà quê, ít học nghèo hèn đó, và cũng chính những cái cổ xưa không tân tiến đó … Nó đã nuôi sống tôi trong những năm tháng xa xưa khốn khổ của đời tôi. Cũng chính nhờ nó mà tôi đã có được những cái văn minh, sang trọng như ngày nay. Thật buồn và ân hận làm sao! Khi tôi biết được giá trị thực của những cái nhà quê, ít học , đáng tôn vinh đó thì bố tôi cũng đã yên nghỉ vĩnh viễn với thời gian để lại cho tôi sự ân hận hết đời !

Rồi cũng với cái kính viễn vọng nhìn cặp chim bố mẹ chăm nuôi những con chim con, hình ảnh đó lại kéo trí nhớ tôi về nhưng tháng năm khi 3 đứa con của tôi còn bé nhỏ ngây thơ. Tôi cũng giống như cặp chim bố mẹ ở trên. Tôi đã mang kiến thức chuyên môn của tôi trong ngành dinh dưỡng để chăm sóc cho 3 đứa con của tôi ngay từ khi chúng còn trong bụng mẹ. Chúng sinh ra trong điều kiện tuyêt hảo về mọi mặt, tôi lập hoạ đồ ghi nhận sức nặng, chiều cao của chúng từng tuần lễ rồi từng tháng, từng năm. Những bữa ăn, nước uống của chúng cũng được tôi tình toán, cân đo rất chuẩn xác theo khoa học. Trong công việc làm, những khi phải đi công tác xa, bất cứ khi nào có dịp tôi đều tìm cách đem chúng đi theo để chúng mở rộng tầm mắt và giao tiếp với xã hội, nhân gian. Tôi cùng với chúng hoà nhập vào những hội đoàn quốc tế về camping, về du lịch… để chúng được đi gần như khắp thế giới, chúng học hỏi với thiên nhiên, lịch sử loài người. Lũ con tôi đã biết gần như tất cả các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá của Âu châu và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đúng như vậy, nơi sinh trưởng, hoạt động của những danh nhân về âm nhạc, về chính trị , về kinh tế trên thế giới, Âu châu… các con của tôi đều đã được biết đến, xem qua .

Tóm lại tôi cũng như con chim bố mẹ đã mang tất cả sở hữu của mình ra cung ứng cho lũ con mà không bao giờ mong mỏi được hoàn trả. Tôi chỉ có một ước mơ là những đứa con của tôi được may mắn, được sống trong thanh bình, đầy đủ không khốn khổ, đói nghèo như tuổi ấu thơ của tôi. Còn khi chúng lớn khôn nếu chúng có nhìn lại để hoàn trả cho tôi cái gì đó, dù bé nhỏ thì cũng là niềm vui, hãnh diện. Tôi chưa bao giờ có ý hướng coi sự trả lại của chúng là điều phải có. Với suy nghĩ như vậy tôi đã bao lần rất vui khi con tôi đến thăm, mang cho tôi vài ba chiếc bánh nho nhỏ để tôi uống trà vào buổi sáng, hay một chai rượu chúc mừng ngày sinh nhật của tôi … Thế là được, thế là vui, thế là hạnh phúc bởi vì tôi luôn luôn nghĩ mình cũng như con chim bố mẹ trong vườn đã ốm còm vì phải nhịn ăn, tha từng miếng mồi về cho đàn chim con trong căn nhà nho nhỏ mà tôi đã tạo ra cho nó làm tổ. Rồi một ngày đẹp trời nào đó nắng ấm, không mưa lũ chim con tung cánh bay xa và đôi chim cha mẹ ở lại tiếp nối cái vòng của thiên nhiên .

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn

(Switzerland, Zuerich Jan. 2021)






none

    « Xem chương trước «      « Sách này có 1496 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Nguồn chân lẽ thật


Rộng mở tâm hồn


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Nắng mới bên thềm xuân

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.218.75.58 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (251 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...