Một người trở nên ích kỷ không phải vì chạy theo lợi ích riêng, mà chỉ vì không quan tâm đến những người quanh mình. (A man is called selfish not for pursuing his own good, but for neglecting his neighbor's.)Richard Whately
Vui thay, chúng ta sống, Không hận, giữa hận thù! Giữa những người thù hận, Ta sống, không hận thù!Kinh Pháp Cú (Kệ số 197)
Trong cuộc sống, điều quan trọng không phải bạn đang ở hoàn cảnh nào mà là bạn đang hướng đến mục đích gì. (The great thing in this world is not so much where you stand as in what direction you are moving. )Oliver Wendell Holmes
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Khi mọi con đường đều bế tắc, đừng từ bỏ. Hãy tự vạch ra con đường của chính mình. (When all the ways stop, do not give up. Draw a way on your own.)Sưu tầm
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta trở nên thông thái không phải vì nhớ lại quá khứ, mà vì có trách nhiệm đối với tương lai. (We are made wise not by the recollection of our past, but by the responsibility for our future.)George Bernard Shaw
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Việc đánh giá một con người qua những câu hỏi của người ấy dễ dàng hơn là qua những câu trả lời người ấy đưa ra. (It is easier to judge the mind of a man by his questions rather than his answers.)Pierre-Marc-Gaston de Lévis
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Ở hiền gặp lành »» Xem đối chiếu Anh Việt: Ở hiền gặp lành »»
Từ lúc còn học Trung học, tôi đã thích nghề dạy học, thích được tiếp xúc, gần gũi với các em học sinh. Nhưng số phận lại không cho tôi đậu vào trường Sư Phạm, mà lại đậu vào trường Quốc Gia Hành Chánh.
Sự yêu thích nghề dạy học cứ theo đuổi tôi, ngay cả khi tôi đã là một viên chức hành chánh. Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Phó Quận Trưởng quận Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Sự yêu thích được dạy học đã thúc đẫy tôi làm đơn gởi đến Ty Giáo Dục tỉnh Thừa Thiên, sau khi được sự chấp thuận của Trung Tá Quận Trưởng. Ty Giáo Dục Thừa Thiên đã đồng hóa văn bằng Tốt Nghiệp Quốc Gia Hành Chánh của tôi với văn bằng Cử Nhân. Và họ sắp xếp cho tôi dạy Công Dân Giáo Dục lớp Đệ Tứ và Quốc Văn lớp Đệ Ngũ tại trường Trung Học Phú Lộc. Tôi thỏa mãn với ước nguyện của mình là được sống và sinh hoạt với các em học sinh tươi trẻ. Tôi chăm chỉ giảng dạy và rất thương mến các em. Số học sinh của tôi vào khoảng 5, 6 chục em, cả nam lẫn nữ. Trong số các nam sinh lớp Đệ Tứ, tôi mến em Liêm nhất. Em thông minh, tánh tình hiền hòa, các bạn trong lớp ai cũng mến em.
Một hôm, khi đi quan sát ở ấp Hòa Mậu, thuộc xã Lộc Trì, tình cờ tôi gặp em Liêm. Em sống chung với cha mẹ nơi đó và là đứa con duy nhất của gia đình. Liêm vui vẻ mời tôi ghé thăm gia đình em. Đây là một gia đình quá nghèo, nhà cửa rách nát, xiêu vẹo. Cha mẹ em trồng khoai sắn quanh nhà, và chỉ đi làm thuê, làm mướn cho những gia đình khá giả trong làng, chứ không có công việc làm ổn định. Tôi thành thật nói với Ông Sửu, cha của cháu Liêm: "Thưa bác, nếu bây giờ bác có chút ít tiền, bác làm gì để cải thiện cuộc sống của gia đình và nhất là giúp cho em Liêm được tiếp tục ăn học?" Ông Sửu trầm ngâm một chút, rồi nói: "Thưa thầy, nếu tôi có ít tiền, tôi sẽ mua lại 2 sào ruộng ở gần nhà đây để canh tác, có thể sống được. Hai sào ruộng đó đã bị bỏ hoang từ mấy năm nay..." Sau đó, tôi đã nhờ ông Xã Trưởng liên lạc với chủ ruộng, mua lại phần đất ấy, rồi giao cho gia đình ông Sửu canh tác.
Từ khi có hai sào ruộng để cày cấy, gia đình ông Sửu bắt đầu có cuộc sống tương đối đầy đủ, không còn thiếu thốn như trước nữa.
Vào một ngày Chúa Nhật, vợ chồng tôi đi thăm một trại chăn nuôi heo và gà của Thầy Tứ ở Nam Giao. Thấy những con heo, giống Durock, da màu vàng, vừa lạ mắt vừa dễ thương, tôi nghĩ đến gia đình em Liêm, nên mua 2 con heo con, một cái, một đực, mang biếu gia đình ông Sửu. Ông Bà mừng rỡ và chăm sóc kỹ lưỡng lắm, nên heo chóng lớn. Chỉ chín, mười tháng sau, ông Sửu khoe là heo đã gần 100 ký. Ông Sửu gầy giống cho heo đẻ. Lứa đầu tiên, heo đẻ được 7 con. Trong làng chưa ai có giống heo này, nên nhiều người hỏi mua, ông không bán. Nhưng sau thấy được giá, ông bán bớt 5 con, còn để lại 2 con tiếp tục nuôi gầy giống. Riêng con heo đực, bà con trong làng xin phối giống, ông cũng thu được khá nhiều tiền.
Trong những ngày gần Tết Đinh Mùi, khi vào lớp học, tôi thấy nhiều em học sinh đã mặc áo quần mới. Nhưng em Liêm vẫn mặc áo quần bình thường như mọi ngày.
Nhân dịp cuối tuần, vợ chồng chúng tôi qua chợ Đông Ba mua cho Liêm một bộ áo quần mới, áo "sơ mi" trắng, quần dài màu xanh đậm. Hôm sau, tôi đem bộ áo quần mới này tặng cho Liêm. Em mặc vừa vặn, nét mặt vui mừng, hớn hở. Ông Sửu cảm động nói: "Cháu Liêm năm nay đã 15 tuổi, đây là lần đầu tiên cháu có một bộ áo quần mới nhân dịp Tết sắp đến, chúng tôi không biết nói gì cho hết để cám ơn ông bà Phó.”
Mấy tháng sau, vào một buổi trưa, ông Sửu đến tìm tôi ở quận, mặt mày buồn bã, ngơ ngác. Ông nhìn trước, nhìn sau, thấy không có ai, ông ghé sát vào tai tôi và xúc động nói: "Ông Phó ơi, thằng Liêm bị "giải phóng" bắt đi mất rồi, họ nói họ chiêu mộ thằng Liêm làm du kích chứ không có ý làm hại gì nó đâu!" Tôi sững sờ, thương cháu Liêm, và thương ông Sửu quá vì ông chỉ có một đứa con mà thôi. Tôi miễn cưỡng an ủi ông Sửu: "Bác yên lòng, bác sống thật thà, chất phác, chắc Trời sẽ thương đến cháu Liêm mà phù hộ cho cháu."
Khoảng năm 1968, 1969 và 1970, chính phủ giúp cho các xã, ấp trùng tu, tái thiết lại những cơ sở dân dụng công cộng như đê điều, cầu cống, đường sá, đình làng v.v. Dân chúng xã Lộc Tụ (Quận Phú Lộc) đã lập dự án, xin trùng tu lại đình làng của xã, do đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh. Đơn xin của dân chúng xã Lộc Tụ đã được Hội Đồng Bình Định Và Phát Triển tỉnh Thừa Thiên chấp thuận, được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ (USAID) tài trợ.
Với ngân khoản được cấp, và với quyết tâm xây dựng lại quê hương của dân chúng, đình làng xã Lộc Tụ đã được tái thiết, đẹp đẽ, uy nghi. Hội Đồng Xã quyết định tổ chức Lễ Khánh Thành đình làng mới một cách long trọng, với sự chủ tọa của Trung Tá Quận Trưởng. Nhưng Trung Tá Quận Trưởng đã ủy nhiệm tôi thay mặt cho ông trong buổi Lễ Khánh Thành đó.
Đến ngày, giờ đã được ấn định, tôi đi đến đình làng Thừa Lưu để làm nhiệm vụ. Đình làng nằm cách quốc lộ khoảng 500 mét. Khi xe của tôi dừng lại ở đầu con đường mòn dẫn vào đình làng, tôi thấy nhiều người đứng ở đó. Tôi nghĩ là họ đứng đón tôi như những lần trước. Nhưng khi tôi vừa bước xuống xe, thì hai vị bô lão đến nắm tay tôi và nghiêm nghị nói: "Ông Phó quay về quận ngay đi, ông không nên vào đây!"
Nhìn vẻ mặt bồn chồn, lo lắng của mọi người chung quanh, tôi hiểu, họ không muốn tôi đi vào đình làng. Hình như có vấn đề gì đó không tốt lành sẽ xảy đến cho tôi, nếu tôi đi vào đó.
Tôi vội vã lên xe quay về quận. Khi đến trụ sở xã Lộc Tụ, tôi vào văn phòng xã, sử dụng máy truyền tin của xã, liên lạc với Trung Tá Quận Trưởng, báo cáo sự việc vừa xảy ra.
Với kinh nghiệm, Trung Tá hiểu ngay có một sự việc gì đó không bình thường, có thể xảy ra ở đình làng. Ông lập tức điều động 2 trung đội địa phương quân cơ hữu của quận, một tiểu đội cảnh sát Dã Chiến, phối hợp với một trung đội Nghĩa Quân của xã, mở cuộc hành quân bao vây khu vực đình làng Thừa Lưu. Lực lượng hành quân đã mau chóng bắt được 2 du kích và 3 kẻ lạ mặt tình nghi. An Ninh Quân Đội đã lấy khẩu cung và khai thác ngay 2 du kích. Kết quả được biết: Họ âm mưu ám sát người sẽ đến chủ tọa, cắt băng khánh thành đình làng, bằng cách bố trí 2 khẩu thượng liên, một khẩu đặt trên cây đa, một khẩu đặt trên nóc đình làng. Cả 2 khẩu thượng liên đó đều chĩa mũi vào vị trí vị chủ tọa sẽ đứng cắt băng khánh thành. Mật lệnh khai hỏa là một hồi chiêng trống từ đình làng vang lên. Trường hợp âm mưu này được thực hiện, thì vị chủ tọa cắt băng khánh thành không thể nào thoát chết được. Nếu tôi không được cảm tình của dân chúng ở đây, họ sẽ không cảnh giác, và ngăn cản tôi đâu, có lẽ ngày đó tôi đã chết ở đình làng Thừa Lưu rồi.
Ngày 30 tháng 8 năm 1970, toàn quốc tổ chức bầu cử bán phần Thượng Viện. Cuối ngày, tôi có nhiệm vụ áp tải tất cả thùng phiếu của Quận Phú Lộc về Tòa Hành Chánh tỉnh để kiểm phiếu. Đoàn xe chở thùng phiếu gồm nhiều chiếc, một xe bọc thép (chạy bằng bánh cao su) dẫn đầu, kế đến là một xe GMC chở thùng phiếu, sau đó là 2 xe GMC chở Nghĩa Quân theo hộ tống. Khi đoàn xe đến một khoảng đồng trống gần xã Lộc Điền (truồi) thì bị VC phục kích. Họ bắn cháy chiếc xe bọc thép dẫn đầu, nhưng bị các nghĩa quân phản ứng dữ dội, họ phải rút lui, không kịp phá chiếc xe chở thùng phiếu. Tôi hoảng sợ, nhảy ra khỏi xe, rồi lăn xuống một cái rãnh cạn bên đường. Tôi nghĩ rằng càng xa chiếc xe chở thùng phiếu, thì càng an toàn, nên tôi bò vào những bụi rậm gần đó. Quá lo sợ, trời lại tối nên tôi không nhận ra được phương hướng nào nữa. Tôi cứ cắm đầu, cắm cổ bò. Khi tôi bò đến một khoảng đất có nhiều bụi gai, thì một tiếng nói vang lên, tuy nhỏ nhưng rõ ràng: "Ông Phó! Ông Phó! Dừng lại ngay, ông đi về hướng đó là chết, chúng nó bố trí dầy đặc ở đó." Phản ứng tự nhiên, tôi dừng lại, nhìn quanh xem ai đã nói với tôi câu đó. Nhưng tôi rụng rời kinh hãi khi một du kích xuất hiện, tay lăm lăm khẩu súng AK47. Anh ta lôi tôi xuống một hố cá nhân gần đó, rồi lễ phép nói: "Thưa thầy, em là Liêm đây, thầy đừng sợ, thầy cứ nằm dưới hố cá nhân này ém đến sáng, khi nào có lính quận đến, rồi hãy ra. Em đi đây." Anh ta biến mất sau những bụi rậm.
Đang nằm dưới hố, bỗng tay tôi chạm vào một con vật gì lạnh ngắt. Tôi rùng mình sợ hãi, vì nghĩ rằng đó là một con rắn. Trong hoàn cảnh nầy mà bị rắn độc cắn, thì vô phương cứu chữa. Nhờ một chút ánh sáng le lói của mảnh trăng hạ tuần từ trên cao rọi xuống, tôi thấy đó là một con nhái chứ không phải con rắn. Tôi bắt con nhái, rồi nhẹ nhàng thả nó lên miệng hố. Tôi thì thầm với nó: "Nhái ơi, tau cứu mầy đấy nhé! Đi về nhà đi, kẻo cha mẹ mầy trông!"
Tôi chợt nghĩ số phận của tôi, rồi sẽ ra sao đây. Tôi nhắm mắt lại và lâm râm cầu nguyện: "Lạy Chúa, lạy Mẹ. Con xin phú thác mạng sống của con trong tay Chúa, trong tay Mẹ. Xin Chúa, xin Đức Mẹ che chở, phù hộ cho con!" Tự nhiên tôi thấy bớt sợ hãi, và trong đầu óc tôi, bắt đầu nhen nhóm chút hy vọng.
Tôi nằm im dưới hố, nhưng câu nói của chú du kích mà tôi không nhìn rõ mặt, cứ văng vẳng bên tai tôi: "Thưa ông Phó, em là Liêm đây, thầy đừng sợ!" Liêm là ai trong hàng ngũ địch quân mà lại cứu tôi. Đầu óc tôi rối loạn. Quá mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Tôi giật mình thức giấc, mơ hồ nghe như có tiếng bước chân đi trên lá khô. Nhìn qua kẽ lá ngụy trang trên miệng hố, tôi thấy Đại Úy Thuật, Chi Khu Phó, mặc đồ trận, tay cầm khẩu M16, dẫn đầu một toán lính, đi hàng ngang, đang tiến về phía tôi. Tôi mừng rỡ, la thật lớn: "Đại Úy Thuật, tôi đây!" Đại Úy Thuật dừng lại, đứng im một lát rồi hô lớn: "Ai đó! Lập lại đi!..." Tôi dùng hết sức mình, kêu lớn: "Đại Úy Thuật, tôi đây, Phó Uyển đây!" Đại úy Thuật và một nghĩa quân đến kéo tôi từ dưới hố lên. Tôi không đi được, nên một anh nghĩa quân phải cõng tôi đi về hướng quốc lộ.
Đại Úy Thuật đã báo cáo sự việc với Trung Tá Quận Trưởng, nên khi chúng tôi vừa ra đến quốc lộ, đã thấy Trung Tá Quận Trưởng đứng đón tôi ở đó. Ông ôm chầm lấy tôi và cảm động nói: "Chúc mừng ông Phó, tôi cứ nghĩ là ông Phó đã bị tụi nó bắt đi rồi!"
Trung Tá Quận Trưởng cho xe đưa tôi lên nhà tôi ở Huế ngay. Bước vào nhà, tôi quá xúc động, ôm nhà tôi vào lòng, và chỉ nói được một tiếng "Em" khi nghĩ lại những sự việc đã xảy ra đêm hôm qua.
Ngay khi ấy, nhiều xe hơi dừng lại trước nhà tôi. Đại Tá Tỉnh Trưởng, Ông Phó Tỉnh Trưởng, nhiều vị Trưởng Ty và vài nhân viên tháp tùng Đại Tá, đến thăm tôi. Đại Tá thân mật nắm tay tôi và nói: “Chúc mừng ông Phó, thấy ông Phó trở về bình an, tôi mừng lắm! Tối hôm qua, khi nhận được tin chẳng lành, tôi đã điện thoại cho Cha Trinh ở Giáo Xứ Phú Cam, nhờ Cha dâng một Thánh Lễ, xin bình an cho ông Phó. Thật bất ngờ, sáng nay nghe tin ông Phó an toàn trở về, tôi vui mừng lắm!"
Mọi người đến bắt tay chúc mừng tôi. Thì ra việc tôi mất tích đêm hôm qua, đã gây xúc động cho các giới chức tỉnh Thừa Thiên. Nay thấy tôi bình an trở về, ai cũng vui mừng. Nhưng không một ai biết lý do nào đã giúp tôi an toàn trở về.
Khi những vị khách đã ra về, nhà tôi đến bên tôi, ngạc nhiên hỏi: “Anh, có chuyện gì vậy?" Tôi vỗ vỗ vào vai nhà tôi và nói: "Anh sẽ kể cho em nghe, chuyện dài dòng lắm!"
Năm 1971, tôi được thuyên chuyển đi làm Phó Quận Hương Thủy. Cuối năm 1972, tôi được điều động ra làm Phó Tỉnh Trưởng Quảng Trị. Tháng 12 năm 1973, tôi lại được đổi vô làm việc ở tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) cho đến ngày mất nước. Tôi đi tù cải tạo cho đến 1982 mới được cho về.
Gia đình tôi đi dịnh cư ở Mỹ theo diện HO từ tháng 11/1992.
Năm 2008, tôi được tin bà mẹ nuôi của tôi đau nặng. Bà đang ở Vỹ Dạ, Huế. Năm ấy bà đã gần 100 tuổi. Vợ chồng chúng tôi vội vã về thăm bà. Ngoài thuốc men đầy đủ, mỗi ngày nhà tôi nấu cháo, hầm súp cho bà thời. Thật vui mừng, vì chỉ mấy ngày sau, bệnh tình của bà mẹ nuôi của tôi đã thuyên giảm, ăn uống bình thường, nói cười vui vẻ.
Một hôm, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Cam Đường, bạn học cùng lớp với nhà tôi, mời chúng tôi xuống Cầu Hai chơi, nhân dịp làng tổ chức cúng vị Thần Hoàng của làng. Chị ấy cho biết là vui lắm, ở xa về mà gặp dịp nầy là hên lắm đó! Chúng tôi nhận lời mời của chị Cam Đường ngay, và hứa sẽ xuống Cầu Hai đúng ngày, giờ. Chúng tôi thuê một xe nhỏ để đi. Nhà tôi còn rủ thêm 2 người bạn nữa, cùng đi với chúng tôi.
Đã được báo trước, nên khi xe vừa đến chợ Cầu Hai, đã thấy chị Cam Đường đứng đón chúng tôi. Chị ấy dẫn chúng tôi đến đình làng Đông Lưu (Cầu Hai). Hôm nay là một ngày hội lớn của làng. Cờ đuôi nheo được treo khắp nơi. Dân làng hớn hở, tấp nập tụ tập ở đình làng.
Chúng tôi vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng của Giang Đại Sảnh. Trước mặt chúng tôi là một bàn thờ lớn, hoa quả, hương đèn rực rỡ; một con heo quay vàng rộm, đặt trên một cái bàn ở trước bàn thờ. Vừa ngồi yên chỗ, một hồi chuông, trống bát nhã vang lên rộn rã, báo hiệu giờ hành lễ sắp đến. Một vị bô lão, mặc áo rộng xanh, đầu đội khăn đóng, bước ra nói với bà con tham dự lễ Chạp đang ngồi trong đại sảnh: “Thưa quý vị quan khách, thưa quý bà con, hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành lễ "Chạp,” kính ngày huý kỵ Ngài khai canh của vùng đất mà chúng ta đang sống. Với lòng thành kính và biết ơn, chúng ta sẽ cử hành những nghi lễ cổ truyền mà ông cha chúng ta đã truyền lại cho con cháu, để dâng lên Ngài khai canh. Trước khi cử hành các nghi lễ, chúng tôi xin giới thiệu một số quan khách đã đến tham dự ngày giỗ "Chạp" hôm nay. Chúng tôi xin giới thiệu Ông Phó Chủ Tịch Huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã Lộc Trì, chúng tôi xin giới thiệu vị Đại diện Mặt Trận Tổ Quốc huyện Phú Lộc, chúng tôi xin giới thiệu đồng chí Lê Văn Liêm, Chỉ huy quân sự xã Lộc Trì."
Vừa nghe vị bô lão xướng tên Lê Văn Liêm, tôi sững sờ tự hỏi: “Đây có phải là em Liêm, học trò của tôi ngày trước không?" Vừa vui mừng, vừa phân vân, tôi đi đến trước mặt người đàn ông vừa đứng dậy chào bà con khi được xướng tên là Lê Văn Liêm. Đứng trước mặt anh ấy, dù đã 41 năm trôi qua, tôi vẫn nhận ra ngay đây là em Liêm, người học trò của tôi ngày xưa, mà tôi thương mến. Tôi cảm động nói với Liêm: "Em Liêm, em có nhận ra tôi không? Tôi là thầy Uyển đây." Chàng thanh niên sau một khoảnh khắc ngơ ngác, đã ôm chầm lấy tôi: "Ông Phó, ông Phó..." Liêm nghẹn ngào, không nói thêm gì được nữa, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má.
Liêm quên mình đang đứng giữa đình làng, và có nhiều người hiện diện nơi đây, anh quay xuống hàng ghế kế cận và vui mừng gọi lớn: "Ba! Ông Phó đây nè!"
Một cụ già mặc áo dài đen, bịt khăn đóng, đứng bật dậy, chạy đến ôm chầm lấy tôi. Ông cảm động thì thầm bên tai tôi: “Ông Phó, ông còn sống, tạ ơn trời đất!” Đôi mắt ông đỏ hoe.
Liêm nói với vị bô lão điều khiển chương trình: "Thưa bác Hương Cả, tình cờ hôm nay, chúng tôi gặp lại một người bà con thân thiết của gia đình, đã thất lạc gần 50 năm nay. Xin bác cho phép gia đình chúng tôi về nhà trong chốc lát, chúng tôi sẽ trở lại ngay."
Liêm và ông Sửu kéo tay tôi ra ngoài. Ông bà Sửu cứ nắm chặt tay tôi, như sợ tôi biến đi mất(?).
Nhà của ông bà Sửu bây giờ là một căn nhà gạch, lợp toles, không còn là một căn nhà lá lụp xụp như xưa nữa. Bước vào nhà, chúng tôi vừa ngồi xuống ghế, bỗng ông bà Sửu và Liêm quỳ xuống trước mặt chúng tôi, rồi cùng cúi gập người, lạy 3 lạy, trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi đỡ ông bà Sửu đứng dậy, và cảm động nói: "Hai bác làm gì vậy? Sao lại dành cho chúng tôi sự tôn kính quá to lớn như vậy? Chúng tôi có công lao gì để xứng đáng nhận đại lễ này?" Ông Sửu nói ngay: "3 lạy nầy cũng chưa xứng đáng với công ơn mà ông Phó đã dành cho gia đình tôi." Ông chỉ ra đám ruộng ngoài xa, xanh mướt, mới trổ đòng đòng. Ông chỉ vào đàn heo đông đúc ở cuối vườn, ông chỉ vào căn nhà... và nói: "Tất cả cũa cải nầy là của ông Phó đã cho gia đình tôi."
Tôi thân mật cầm tay ông Sửu và nói: “Bác Sửu ơi, 2 sào ruộng và mấy con heo, có đáng gì so với ân huệ to lớn mà cháu Liêm đã dành cho tôi!" Liêm vội ngắt lời tôi: "Thưa thầy, chuyện xảy ra đêm hôm ấy, không một ai hay biết. Vậy em xin thầy hãy quên chuyện ấy đi, em cám ơn thầy!" Ông Sửu không biết chuyện gì, chỉ trố mắt nhìn tôi và Liêm. Rồi ông nói tiếp: "Năm 1971 nghe ông Phó đổi lên quận Hương Thủy, chúng tôi có lên đó tìm ông Phó. Nhưng ở quận Hương Thủy cho biết ông Phó đã đổi ra Quảng Trị. Chúng tôi lại ra Quảng Trị, mong gặp được ông Phó, nhưng lúc đó, ông Phó đã đổi vô tỉnh Phong Dinh-Cần Thơ, tận trong Nam... Cho đến 30 tháng 4 năm 1975, chúng tôi không hề biết tin tức gì về ông Phó nữa! Từ đó, chúng tôi chỉ sống với kỷ niệm, với lòng biết ơn và thương nhớ ông Phó. Chúng tôi cứ nghĩ là ông Phó đã chết, nên cha con chúng tôi thiết lập một bàn thờ, để thờ ông Phó. Trên bàn thờ không có ảnh, không có bài vị, chỉ có hai chữ "Ông Phó" do cháu Liêm viết lên một tấm bìa cứng. Tuy đơn sơ như thế, nhưng mỗi ngày, vợ chồng, cha con chúng tôi đều thắp nhang lên bàn thờ để tưởng nhớ đến ông Phó."
Bà Sửu tiếp lời ông Sửu: "Thưa ông Phó, ngày hôm nay được gặp lại ân nhân của gia đình chúng tôi, chúng tôi sẽ bắt gà, bắt vịt nuôi trong nhà để làm một bữa cơm thiết đãi ông bà Phó và các vị cùng đi. Ngày hạnh phúc hôm nay, chúng tôi đã trông chờ gần 50 năm rồi đó.”
Nhưng một người bạn của nhà tôi, chị Như Quê nhắc nhở: "Anh chị Uyển ơi, chúng ta đã hẹn với các bạn ở Huế, trưa nay tụi mình sẽ dùng cơm với các bạn, mà bây giờ đã hơn 11 giờ rồi. Chúng ta nên xin phép hai bác Sửu, đi lên Huế kẻo các bạn chờ."
Tôi đành phải cáo lỗi với ông bà Sửu và cháu Liêm. Ông Sửu buồn buồn nói với chúng tôi: "Gặp lại ông bà, chúng tôi vui mừng khôn xiết, mà ông bà đã vội ra đi, biết khi nào mới gặp lại ông bà." Tôi an ủi ông bà Sửu: "Vì chúng tôi đã hẹn trước với các bạn, chúng tôi phải có mặt ở Huế trưa nay. Chúng tôi sẽ về thăm hai bác và cháu Liêm." Ông bà Sửu và cháu Liêm bùi ngùi từ biệt chúng tôi. Khi mọi người đã lên xe, chúng tôi vẫn thấy gia đình ông Sửu buồn bã nhìn theo.
Chiếc xe con chở chúng tôi đã chạy đều trên quốc lộ, hướng về Huế. Bỗng chị Hồ Thị Hảo, một người bạn của nhà tôi, nói với mọi ngườir trên xe: "Hôm nay, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện của anh Uyển và gia đình ông Sửu. Câu chuyện làm chúng tôi ngạc nhiên và xúc động lắm, nhất là đoạn kết, lại rất có hậu, làm chúng tôi nhớ đến vài câu ca dao, tục ngữ của quê hương mình, thật hay, thật đúng, như câu ‘Trồng cây ngọt thì được ăn trái ngọt’ hoặc câu ‘Gieo nhân nào thì gặt quả ấy’ hay câu ‘Ở hiền thì gặp lành.’ Xin chúc mừng anh chị Uyển!”
Bửu Uyển (Tháng 1-2018)
DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH
Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.206.212 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập